Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

Về năm bản nhạc chương Nôm đời Lê

Về năm bản nhạc chương Nôm đời Lê
Theo Hán ngữ đại từ điển: “Nhạc chương xưa chỉ những thơ, từ phối vào nhạc, sau cũng phiếm chỉ những thơ, từ có thể phổ vào nhạc (          ,           = Nhạc chương, cổ đại chỉ phối nhạc đích thi từ, hậu diệc phiếm chỉ năng nhập nhạc đích thi từ).
Theo Từ nguyên: “Khúc lễ, Kinh Lễ: Khi hết tang thì đọc nhạc chương. Sớ: Nhạc chương là gọi các bài của Nhạc thư. Là thơ vậy ( ,   :       .  :         ,   = Lễ, Khúc lễ: tang phục thường độc nhạc chương. Sớ: Nhạc chương, vị Nhạc thư chi thiên chương, thi giã).
Trần Hạo trong Lễ ký tập thuyết khi chú từ Nhạc chương đã viết: “Nhạc chương là thơ phổ vào ca nhạc vậy (       = Nhạc chương, huyền ca chi thi dã). (Tứ thư ngũ kinh, quyển trung - Trung Quốc thư điếm xuất bản, 1996, tr.18).
Mục từ Nhạc chương được ghi nhận trong Từ hải, mục Nhạc chương tập, Nhạc thư trong Từ nguyên cũng với nội dung: Nhạc chương là chỉ về phần lời của một làn điệu âm nhạc được dùng trong các giáo phường, hoặc trong các nghi lễ.
Nhìn chung lại, nhạc chương là các bài thơ (câu thơ) hay bài từ thuộc về ca từ (phần lời) của các bản nhạc được dùng trong các nghi lễ tế tự, triều hội, yến ẩm, khánh hạ...(được diễn ra khi không còn tang sự).
Nghiên cứu về Nhạc chương, do vậy, không chỉ là tìm hiểu về các thể văn chương cổ, về ca nhạc mà còn về nghi lễ, phong tục trong đời sống văn hóa trong quá khứ.
1. Ở Việt Nam, tài liệu xưa nhất cho biết về việc viết ca khúc là Việt sử lược, ghi chép về Lý Nhân Tông là người “rất giỏi âm luật, những ca khúc mà nhạc công tập đều do vua thân hành sáng tác”. Tuy nhiên Việt sử lược không cho biết về tên gọi của làn điệu hoặc trích dẫn ca từ của các ca khúc do Lý Nhân Tông soạn.
Về đời Trần, qua An Nam chí lược của Lê Trắc, ta biết được tên của một số điệu hát: Nam thiên nhạc, Ngọc lâu xuân, Đạp thanh du, Mộng du tiên, Canh lậu trường. Sách Sứ Giao Châu tập của Trần Cương Trung cho biết có các ca khúc: Trang Chu mộng điệp, Bạch Lạc Thiên mẫu biệt tử, Vi Sinh Ngọc tiêu đạp thanh ca.
An Nam chí lược còn cho ta biết một thông tin hết sức thú vị, đó là ngoài ca khúc Trung Quốc, ta cũng dùng thổ ngữ làm các ca khúc để tiện ngâm nga.
Về thời Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức 26 (1495) nhân thời tiết thuận hòa, được mùa lớn, trong nước thanh bình, nhà vua làm 9 bài: Phong niên, Quân đạo, Thần tiết, Minh lương, Anh hiền, Kỳ khí, Thư thảo, Văn nhân, Mai hoa. Sau đó chín bài thơ này được ghép vào khúc hát nên gọi là Quỳnh uyển cửu ca.
Những bài thơ chữ Hán này, là các ca khúc bằng chữ Hán được tấu lên cùng nhã nhạc và biểu diễn trong cung đình thời Lê Hồng Đức thịnh trị.
Như vậy, ca khúc đã có từ đời Lý, rất thịnh vào đời Trần (với các bản ca khúc, được viết bằng thổ ngữ - có thể là chữ Nôm Việt chăng?); nhưng chúng ta không còn biết được ca từ. Các ca khúc thời Hồng Đức trong Quỳnh uyển cửu ca tuy chưa bao giờ được gọi là nhạc chương nhưng có thể xem như những ca khúc sớm nhất được biết cả phần lời.
2. Về năm bản nhạc chương đời Lê mới phát hiện:
2.1 Dựa vào chỉ dẫn của Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, chúng tôi tiến hành thâm nhập văn bản Cố Lê nhạc chương thi văn tập lục (gồm hai ký hiệu A.1186 và VHv.2658) thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đây cũng là nhóm văn bản nhạc chương đời Lê duy nhất hiện biết trong kho sách Hán Nôm; và đặc biệt hơn nó lại được viết bằng chữ Nôm.
A. 1186 là bản xưa hơn VHv. 2658; trên văn bản có dấu của Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp, và là bản chép tay trên giấy bản cũ, chữ dễ đọc, đã được chấm câu. Các bản nhạc chương được chép trong các trang từ 1a đến 3b. Tên sách có hai chữ “Cố Lê” ( ) cho thấy nó được sao chép lại khi nhà Lê đã mất (tức là khoảng thời gian được tính từ sau năm 1788). Bản VHv. 2658 cũng là bản chép tay và là Phụ bản của Thư viện khoa học xã hội, sao từ bản A.1186. Các bản nhạc chương được chép trong các trang từ 1a đến 4a.
Hai văn bản này không có sự sai khác gì đặc biệt. Mở đầu phần chép nhạc chương có dòng chữ “Phụng nghĩ nhạc chương ngũ đạo, do quốc âm” (      ,   : Vâng mệnh soạn nhạc chương năm đạo, bằng quốc âm). Ghi chép ấy cho biết các nhạc chương này đã được biên soạn theo lệnh của vua chúa.
Những nhân vật được nhắc tới và ca tụng trong các bản nhạc chương đều là các tiên liệt dòng chúa Trịnh và đều được gọi bằng tôn hiệu. Cụ thể như sau:
- Chiêu Tổ Khang vương Trịnh Căn (ở ngôi chúa từ năm 1682 đến 1709).
- Lương Mục vương Trịnh Vĩnh (là con trưởng của chúa Trịnh Căn), mất sớm, chưa chính thức nối ngôi chúa.
- Tấn Quang vương Trịnh Bính (là con trưởng của Lương Mục Vương và là cha của chúa Trịnh Cương). Mất sớm, chưa chính thức nối ngôi chúa.
- Hy Tổ Nhân vương Trịnh Cương (ở ngôi chúa từ năm 1709 đến 1729).
- Nghị Tổ Ân vương Trịnh Doanh (ở ngôi chúa từ năm 1740 đến 1767).
Tiểu sử và sự nghiệp của các tiên liệt họ Trịnh hiện lên trong các bản nhạc chương với lối ước lệ và khoa trương trong âm hưởng tụng ca, nhưng không phải là không hé mở những chi tiết đáng lưu ý xung quanh hành trạng các nhân vật này.
Các bản nhạc chương tấu trong nghi lễ ở cung miếu họ Trịnh được viết bằng chữ Nôm là điều ít ngờ tới. Song, còn ngạc nhiên hơn, khi chúng ta biết các tác giả của các bản nhạc chương này. Họ đều là những nhà khoa bảng lừng danh (trừ Mai Thế Uông chỉ đỗ Hương cống), là những nhà văn, nhà thơ, những sử gia, chính trị gia nổi tiếng.
Trong số 5 tác giả: Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Hoãn, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Oánh, Mai Thế Uông, thì Mai Thế Uông hiện chúng ta chưa biết nhiều về các tác phẩm văn học của ông. Còn lại, các ông đều là những người có sở trường về Nôm.
Nguyễn Huy Oánh không chỉ là tác gia y học, văn học chữ Hán mà còn là tác giả của bản ca Nôm Huấn tử ca với độ dài 632 câu thơ lục bát. Lê Quý Đôn, bên cạnh các trước tác khảo cứu còn có các tác phẩm Nôm khá độc đáo. Nguyễn Nghiễm không chỉ là một sử gia nổi tiếng, ông còn có bài phú Nôm Khổng Tử mộng Chu công... Nguyễn Hoãn cũng vậy, ông có tới 15 bài thơ Nôm.
Phát hiện về nhạc chương Nôm được dùng trong cung miếu nhà Trịnh mà tác giả là các bậc đại bút tiêu biểu cho các nho sĩ phong kiến sẽ bổ sung thêm cho những hiểu biết về văn học các thế kỷ XVII và XVIII. Việc sáng tác văn chương chữ Nôm ở thời kỳ này khá sôi nổi và thực sự có tiếp thu từ nguồn mạch dân gian. Các chúa Trịnh rất yêu thích và đã sáng tác bằng chữ Nôm mà trường hợp Thiên hòa doanh bách vịnh (88 bài thơ Nôm) của Trịnh Căn, Càn Nguyên ngự chế thi (240 bài thơ Nôm) của Trịnh Doanh là những ví dụ tiêu biểu.
Việc dùng nhạc chương Nôm trong nghi lễ cung miếu cũng như việc các trí thức lớn của thời đại sáng tác nhạc chương Nôm theo yêu cầu của chúa Trịnh đặt trong bối cảnh văn hóa, xã hội và văn học bấy giờ, cho thấy đây là một thời đại tương đối cởi mở với nhiều xu hướng.
2.2. Dưới đây là phần phiên âm và chú giải năm bản nhạc chương Nôm đời Lê do chúng tôi thực hiện với cố gắng cao nhất:
Bài 1: Chiêu tổ khang vương
Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm phụng soạn
Nghìn năm một hội dương khai (1)
Nền vương dõi có thánh tài nối ngôi
Nẻo xưa năm Dậu tháng Mùi (2)
ứng điềm xích thất (3), nẩy chồi kim chi (4)
Cung xanh (5) rạng đức trùng huy (6)
Thay trời dựng việc trợ thì ra tay
Nam hà (7) mấy trận gio bay
Cõi bờ gió quét, cỏ cây mưa nhuần
Bắc chinh (8) thuở dậy uy thần
Ba quân Giang Hán (9) mấy lần sơn xuyên
Vũ thành (10) túi quẩy cung tên (11)
Văn công (12) sao rạng, chính quyền mây nghiêm
Thái bình vẫn nghiệm càn chiêm (13)
Đường thông lời tượng (14), chằm êm tiếng hồng (15)
Mở mang noi nghiệp tổ tông
Doành Phong bao kỷ (16), cẩn lòng bao tang (17)
Tộ (18) truyền dặc dặc thế vương
Chấn quang bách phúc (20), chưng thường thiên thu (21)
Chúc mừng tượng thuở đản phù (22)
Miếu Chu thơ Vũ, sân Ngu dịp Thiều (23)
Bài 2: Lương Mục vương
Thụy Trạch hầu Nguyễn Hoãn phụng soạn
Nền nhân nẻo trước triệu bồi (24)
Cây giồng lá ngọc, sông khơi dòng vàng
Cung xuân (25) trong tiết thanh thương (26)
Hồng tinh dãi bóng (27), thiên hương nức mùi
Duệ thông (28) nối đấng thượng tài
Còn tuần mông dưỡng (29) doành ngôi quốc trừ (30)
Một phen xuất các mai sơ (31)
Cầm quyền Đô phủ, dựng cờ Tả dinh (32)
Vui hôm lo sớm cung đình
Kính thừa đạo Vũ (33), hiếu thành lòng Văn (34)
Ngong trông đâu đấy muôn dân
Ca câu tam thiện (35), tụng văn tứ trùng (36)
Xưa sau thế đích nối dòng
Sẵn nền kiến đốc (37), rạng công cấu đường (38)
Phúc nhà truyền dõi ngôi vương
Nhân dường lân chỉ (39), thịnh dường chung ty (tư) (40)
Tòa rồng ứng tượng quang nghi (41)
Hiệu dâng sách ngọc (42), dấu ghi đỉnh vàng (43)
Thăng ca tấu dịp sênh hoàng (44)
Mượn thơ Trường phát (45) một chương nối vần
Bài 3: tấn quang vương
Dĩnh Thành hầu Lê Quý Đôn phụng soạn
Đoài cung (46) tượng ứng kim canh (47)
Bến Hoa (48) bỗng hiện Dao tinh vẻ lồng (49)
Đản di (50) vừa tiết thiên trung (51)
Phong nghi đĩnh dị (52) minh thông khác thường
Chấn văn vừa nẩy hào dương (53)
Đan thư sớm đã tỏ tường điềm Chu (54)
Cung xuân (55) hương quế thơm tho
Huân đào (56) chẳng lọ trao đồ Cơ công (57)
Dưỡng mông (58) chưng thuở suối trong (59)
Đòi phen vinh dụ (60), tấc lòng hiếu ty (tư) (61)
Phủ xanh (62) từ nẩy chính ky (cơ) (63)
Đảm đương việc nước chỉ huy lệnh trời
Huy luân (64) ca nọ nối lời
Gần xa khen ngợi trong ngoài ngong trông
Sáu truyền (65) sang mối tổ tông
Gây nền thánh tử, khơi dòng thần tôn
Công này đáng sánh càn khôn
Đã ghi vạc báu, lại tôn sách vàng (66)
Tư văn (67) dâng tụng đòi (68) chương
Miếu đường dặc dặc (69), chưng thường (70) muôn thu
Bài 4: Hy tổ nhân vương
Thạc Lĩnh hầu Nguyễn Huy Oánh phụng soạn
Bảy truyền (71) trong vận long hưng (72)
Lạ thay buồng quế nức lừng hương đưa
Đản sinh (73) điềm ứng ban xưa
Năm vừa Nhu triệu (74), tiết vừa Nhuy tân (75)
Tài gồm văn võ thánh thần
Đương quyền phụng sưởng (76) mới tuần gia quan (77)
Nguyên hanh nối đức thừa càn (78)
Tụng bài Phỏng lạc (79), ca đàn Nam phong (80)
Quy mô trăm mối sửa xong
Mở nền văn vật dựng công trị bình
Tinh mao (81) mấy độ tỉnh canh (82)
Phong niên có vịnh (83), hoa trình có thơ (84)
Lân bang đều gội móc mưa
Gần dâng tuế cống, xa đưa địa đồ
Rành rành vũ liệt văn mô (85)
Trời Nam đem lại Đường Ngu (86) thái hòa
Đời đời truyền dõi nghiệp nhà
Rỡ hàng chiêu mục (87), rạng tòa Đẩu tinh (88)
Thăng ca tấu khúc Tư thình (thành) (89)
Khí thiêng càng thỏa miếu đình muôn thu
Bài 5: Nghị tổ ân vương
Lã Xuyên hầu Mai Thế Uông phụng soạn
Đầu canh sơ chiếng (90) một dương
Non đan bảng sáng, sông vàng sạch trong (91)
ứng kỳ sinh đấng anh hùng
Phong tư lỗi lạ, cao thông tót vời (92)
Kinh luân (93) nẻo thuở vân lôi (94)
Thay quyền xuất chấn (95) ra tài hanh truân (96)
Mấy vì xã tắc sinh dân
Tấc son giãi với chín lần xanh xanh
Xe loan uy dậy tứ chinh (97)
Bừa không cáo tổ, quét thanh ong đàn (98)
Hơi xuân vây lại giang san
Dấu so hưng Hạ (99), công hơn bình Hoài (100)
Mối giềng muôn việc trong ngoài
Một phen phấn sức (101) nên đời hạo hy (102)
Truyền sau chước nhiệm (103) yến di (104)
Rành rành tiếng ngọc, rạng ghi bút rồng
Nhạc dâng bảy đức (105), chín công (106)
Rỡ trong tông miếu, sánh cùng càn khôn
Khí thiêng vốn hãy nhơn nhơn (107)
Phúc doành văn tử, văn tôn muôn đời (108).
Phiên âm từ bản A. 1186 (từ trang 1a đến 3b) và bản VHv. 2658 (từ trang 1a đến 4a)
3. Về các bản nhạc chương đời Nguyễn đã được phát hiện:
Nhân phát hiện các bản nhạc chương đời Lê, chúng tôi thấy không thể không nhắc tới các bản nhạc chương đời Nguyễn đã được Nguyễn Văn Huyên và Trần Văn Giáp phát hiện và giới thiệu lần đầu trên tờ tạp chí Est số 4 năm 1939. Bài viết Les chants rituels des fêtes de Nam Giao (Các bài cúng trong lễ tế Nam Giao), đã chép đầy đủ 9 bản nhạc chương được dùng trong nghi lễ tế ở đàn Nam Giao, do một quan chức triều Nguyễn đã từng chứng kiến nghi lễ này cung cấp.
Về sau, vào năm 1968, tại Sài Gòn, Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề cho xuất bản cuốn sách Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam, trong đó có chép rất nhiều bản nhạc chương được dùng trong các nghi lễ triều Nguyễn.
Tại thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm hiện cũng có một số tập nhạc chương triều Nguyễn. Tất cả các bản nhạc chương thời Nguyễn đã được biết đến đều được viết bằng chữ Hán. Hy vọng là chúng tôi sẽ có dịp giới thiệu trong một bài viết khác.
CHÚ THÍCH:
(1) Dương khai: tức Tam dương khai thái. ý nói vào tháng Giêng (Tam dương) mùa xuân thì muôn vật có điều kiện sinh sôi nảy nở, phát triển thịnh vượng.
(2) Năm Dậu tháng Mùi: chúa Trịnh Căn sinh vào tháng Mùi (tháng 6) năm Quý Dậu (1633).
(3) Xích thất: nhà đỏ, tức ánh sáng đỏ đầy nhà. Khi những đấng phi thường sinh ra thì có những điềm kỳ lạ như dao quang quán nguyệt, cầu vồng, ánh đỏ đầy nhà... Sách Lam Sơn thực lục cũng có chép khi Lê Thái Tổ sinh có ánh sáng đỏ đầy nhà, mùi hương lạ khắp xóm...
(4) Kim chi: cành vàng, chỉ con cháu, dòng dõi đế vương.
(5) Cung xanh: tức thanh cung, cung của Thái tử. Theo sách Thần dị kinh thì: Phương đông có cung điện tường bằng đá xanh, cửa bằng bạc, đề rằng: “Thiên địa trưởng nam chi cung” (Cung của con trưởng trời đất). Vì thế mới gọi cung của Thái tử là Đông cung hay Thanh cung. Câu này nói về lúc Trịnh Căn còn làm Thế tử.
(6) Trùng huy: hai lần sáng, ý nói nối được đức sáng, sự nghiệp vẻ vang của cha. Tượng truyện quẻ Ly, Kinh Dịch viết: “Minh lưỡng tác, Ly, đại nhân dĩ kế minh chiếu hồ tứ phương” (Sự sáng hai lần đấy là quẻ Ly, đấng đại nhân coi đó mà kế tiếp sáng soi bốn phương).
(7) Nam Hà: chỉ miền đất từ sông Gianh trở vào Nam, do các chúa Nguyễn cai quản thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Dương Vương Trịnh Tạc (cha Trịnh Căn) từng sai Trịnh Căn vào Nghệ An cùng với Ninh quốc công Trịnh Toàn đánh Đàng Trong và cai trị ở Nghệ An, ở đó được sáu năm, đánh thắng được tướng của chúa Nguyễn, thu lại được bảy huyện.
(8) Bắc chinh: đánh phía Bắc, chỉ việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy ở Bắc Hà - Đàng Ngoài - miền đất từ sông Gianh trở ra Bắc do Lê - Trịnh cai quản.
(9) Giang Hán: tên bài thơ trong phần Đại nhã - Kinh Thi, nội dung ca ngợi công nghiệp đánh dẹp Hoài Di của Mục công Thiệu Hổ đời Chu Tuyên Vương. Đây dùng để ca ngợi vũ công của Trịnh Căn.
(10) Vũ thành: vũ công đã hoàn thành. Đây cũng là tên một thiên trong phần Chu thư - Kinh Thư nội dung nói về thắng lợi của Chu Vũ Vương trong việc đánh Trụ diệt nhà Thương.
(11) Túi quẩy cung tên: ý nói vũ công đã hoàn thành, cung tên không còn phải dùng đến nữa, cất vào trong túi.
(12) Văn công: sự nghiệp văn trị.
(13) Điềm thái bình vẫn nghiệm thấy khi xem trời (trời ở đây còn chỉ chúa Trịnh).
(14) Đường thông lời tượng: Có lẽ là nhắc điển “Khang cù kích nhưỡng”, chỉ cảnh cực trị. Đời Đế Nghiêu, vua Nghiêu mặc thường phục đi vi hành ở khang cù (đường thông) thấy ông lão gõ cái Nhưỡng (một thứ nhạc khí thời cổ) hát rằng: “Mặt trời mọc thì ta làm, mặt trời lặn thì ta nghỉ, đào giếng mà uống, cày ruộng mà ăn, sức vua đối với ta có gì đâu” (Nhật xuất nhi tác, nhật nhập nhi tức, tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực, đế lực hà hữu ư ngã tai). ý nói trị đạo cực thịnh, dân được sống thảnh thơi, sung sướng, tự nhiên, tưởng như không phải nhờ vào vua nữa.
(15) Chằm êm tiếng hồng : ở đầm không có tiếng chim hồng kêu, ý nói không còn giặc giã. Đây lấy chữ từ thơ Hồng nhạn ở phần Tiểu nhã - Kinh Thi: “Hồng nhạn vu phi, tập vu trung trạch... Hồng nhạn vu phi, ai minh ngao ngao...” (Hồng nhạn bay, đậu ở giữa đầm... hồng nhạn bay, cất tiếng kêu đau buồn...) hình tượng dân chúng vất vả khổ sở kêu than vào thời nhà Chu suy.
(16) Doành Phong bao kỷ: cây kỷ ở sông Phong. Đây lấy chữ từ thơ Văn Vương hữu thanh phần Đại nhã - Kinh Thi: “Phong thủy hữu kỷ, Vũ Vương khởi bất sĩ, di quyết tôn mưu, dĩ yến dực tử, Vũ Vương chưng tai” (Sông Phong có cây kỷ, Vũ Vương há không có việc gì sao ? Để lại mưu cho cháu để giúp cho con được yên, Vũ Vương thực xứng đáng làm vua). Đây dùng điển này ý nói mưu tính lâu dài cho con cháu đời sau.
(17) Cẩn lòng bao tang: lòng cẩn thận buộc vào cây dâu rậm. Đây lấy chữ từ quẻ Bĩ - Kinh Dịch. Lời hào từ hào Cửu ngũ quẻ Bĩ rằng: “Hưu bĩ, đại nhân cát - Kỳ vong, kỳ vong, hệ vu bao tang” (Nghỉ bĩ, đấng đại nhân tốt. Này mất, này mất, buộc vào cây dâu rậm). Hào Cửu ngũ dương cương trung chính lại ở cuối thời bĩ nên có thể tắt nghỉ sự bĩ nhưng vẫn chưa hết thời bĩ nên có câu răn “Này mất, này mất, buộc vào cây dâu rậm”, ý nói răn dè cẩn thận tìm cách giữ yên ổn vững chắc như buộc vào cây dâu rậm vậy.
(18) Tộ: vận nước, phúc nước, ngôi vua.
(19) Dặc dặc: lâu dài mãi mãi (từ cổ).
(20) Chấn quang bách phúc: khởi phát rạng rỡ, hưởng trăm phúc.
(21) Chưng thường thiên thu: hưởng tế lễ nghìn năm. Chưng là tế mùa đông, thường là tế mùa thu (theo Kinh Lễ). Dùng chữ chưng thường chỉ tế lễ.
(22) Tượng thuở đản phù: hợp với điềm tốt.
(23) Miếu Chu thơ Vũ, sân Ngu dịp Thiều: tấu thơ Vũ ở tông miếu nhà Chu, tấu nhạc Thiều ở sân nhà Ngu. Vũ là nhạc do Chu Vũ Vương làm ra, Thiều là nhạc do vua Thuấn nhà Ngu chế ra. Đức Khổng Tử khen nhạc Thiều là tận thiện tận mỹ, nhạc Vũ là tận mỹ.
(24) Triệu bồi : tạo dựng, vun đắp.
(25) Cung xuân: tức cung của Thái tử - cũng như chữ Thanh cung, Đông cung (xem chú thích 5). Phương đông thuộc hành mộc, ứng với màu là màu xanh, ứng với mùa là mùa xuân nên Đông cung, Thanh cung hay Xuân cung là như nhau. Đây chỉ cung của Thế tử.
(26) Thanh thương: trong trẻo.
(27) Hồng tinh dãi bóng: dãi bóng cầu vồng. Bà mẹ vua Thiếu Hạo là bà Loa Tổ khi ra bến Hoa thấy có ngôi sao cực lớn, sáng như cầu vồng sa xuống, cảm điềm ấy mà có thai sinh ra vua Thiếu Hạo. Đây chỉ điềm lành sinh đấng phi thường.
(28) Duệ thông: sáng suốt, sâu sắc.
(29) Mông dưỡng: nuôi sự chính từ khi còn tuổi trẻ. Đây lấy chữ từ Kinh Dịch. Thoán truyện quẻ Mông - Kinh Dịch có câu: “Mông dĩ dưỡng chính, thánh công dã” (Trẻ thơ nuôi sự chính, đó là công làm nên bậc thánh vậy). ý nói từ khi tuổi trẻ đã nuôi dưỡng sự chính, là cách để có thể trở nên bậc thánh. Câu này nói Lương Mục Vương khi còn tuổi trẻ.
(30) Quốc trừ: người sẽ sau này nối ngôi.
(31) Xuất các mai sơ: bắt đầu ra gác - ý nói bắt đầu tham gia việc chính sự.
(32) Đô phủ, Tả dinh: chức vị và nơi làm việc của Lương Mục Vương khi đó.
(33) Kính thừa đạo Vũ: theo đạo của vua Vũ kính cẩn thuận thừa. Thiên Đại Vũ mô - Kinh Thư có câu “Chi thừa vu đế” (Kính cẩn thuận thừa đế Thuấn). Vũ đây là vua Đại Vũ, mở đầu nhà Hạ, được vua Thuấn nhường ngôi cho.
(34) Hiếu thành lòng Văn: lòng như Văn Vương thành tâm hiếu kính. Chu Văn Vương khi còn làm Thế tử hết lòng trọn vẹn đạo hiếu đối với cha là Vương Quý, hàng ngày ba lần yết kiến thăm hỏi (xem thiên Văn Vương thế tử - Kinh Lễ).
(35) Tam thiện: chữ trong thiên Văn Vương thế tử - Kinh Lễ. Sau thường dùng để ca tụng đức độ của Thái tử hay Thế tử. Tam thiện (ba điều thiện) là: thân người thân, tôn vua, kính người tôn trưởng.
(36) Tứ trùng: đây đọc hiệp vận, chính xác phải là Tứ trọng (Bốn điều trọng): Lời nói thận trọng thì có phép, nết thận trọng thì có đức, dáng mặt thận trọng thì có oai, sự ưa thích thận trọng thì có sự trông vào (Pháp ngôn).
(37) Kiến đốc: gây dựng, dốc sức. Đây lấy chữ từ thiên Vũ thành phần Chu thư - Kinh Thư: “... Duy tiên vương kiến bang khải thổ, Công Lưu khắc đốc tiền liệt...” (Các tiên vương (nhà Chu) dựng nước mở đất, đến Công Lưu dốc sức nối noi sự nghiệp trước...). “Sẵn nền kiến đốc” ý nói sẵn cơ nghiệp của tổ tiên đã gây dựng.
(38) Cấu đường: dựng nhà. Đây lấy chữ từ thiên Đại cáo phần Chu thư - Kinh Thư: “... nhược khảo tác thất, ký để pháp, quyết tử nãi phất khẳng đường, thẩn khẳng cấu...” (... Như cha xây nhà, đã đặt ra quy mô, thế mà con lại không đắp nền, huống chi là xây nhà...). Từ đó chữ “cấu đường” thường dùng để chỉ con cháu nối tiếp và phát huy sự nghiệp của cha ông. Câu “Sẵn nền kiến đốc rạng công cấu đường” ý nói đã sẵn cơ nghiệp của cha ông gây dựng, nay nối tiếp và phát triển hơn lên.
(39) Lân chỉ: chân con lân. Con lân là một loài thú có nhân đức, khi kỳ lân xuất hiện là điềm có thánh nhân ra đời. Kinh Thi phần Chu nam có thơ Lân chỉ: “Lân chi chỉ, chân chân công tử, hu ta lân hề...” (Chân con lân, công tử nhân đức, ôi chao con lân...) ca ngợi công tử, công tôn, công tộc nhân đức như con lân vậy.
(40) Chung tư: chung tư là gọi con giọt sành, thuộc loài côn trùng. Chung tư là tên bài thơ trong phần Chu nam - Kinh Thi ca ngợi bà Hậu phi của Chu Văn Vương có nhân đức nên được con cháu đông đúc thịnh vượng (như loài chung tư).
(41) Tượng quang nghi: vẻ uy nghiêm rực rỡ.
(42) Sách ngọc: khi xưa phong, tặng tước vị tôn quý thì ban cho sách ngọc hay sách vàng, sách bạc, trong sách có ghi lời chế văn phong, tặng.
(43) Dấu ghi đỉnh vàng: ý nói tên tuổi sự nghiệp được đúc vào đỉnh báu truyền lại lâu dài.
(44) Sênh hoàng: sênh, hoàng là hai loại nhạc khí thời cổ.
(45) Trường phát: tên bài thơ trong phần Thương tụng - Kinh Thi ca ngợi các tiên vương nhà Thương: “Tuấn triết duy Thương, trường phát kỳ tường...” (Nhà Thương nối đời có các vị vua sáng suốt, điềm lành đã phát từ rất lâu rồi...).
(46) Đoài cung: tây cung. Đoài là tên một quẻ trong bát quái phương vị ở về chính Tây.
(47) Kim canh: cũng chỉ phương Tây. Hành Kim phương vị về chính Tây, ứng với thiên can thì hành Kim thuộc Canh, Tân. Vậy nên Kim, Canh đều chỉ phương Tây.
(48) Bến Hoa: Xem chú thích 27.
(49) Dao tinh vẻ lồng: bà Xương Bộc là vợ của Xương ý (con Hoàng Đế) cảm điềm Dao quang quán nguyệt (ánh sáng Dao tinh xuyên mặt trăng) mà có thai sinh ra vua Chuyên Húc. Đây cũng chỉ điềm sinh đấng phi thường.
(50) Đản di: đến tuần sinh nở, ngày sinh.
(51) Thiên trung: tiết chính trung, đúng giữa (đây có lẽ là giữa tháng).
(52) Phong nghi đĩnh dị: phong thái dung mạo khác lạ.
(53) Chấn văn vừa nảy hào dương: ý nói sinh con trai trưởng. Quẻ Chấn tượng trưởng nam, có một hào dương ở dưới.
(54) Đan thư sớm đã tỏ tường điềm Chu: “Đan thư” là Sách đỏ. Theo sách Lã thị Xuân thu, vào thời Văn Vương nhà Chu có con chim mỏ đỏ (xích điểu) ngậm đan thư đậu ở nền xã nhà Chu. Văn Vương nói: “Hỏa khí mạnh”, nên chuộng màu đỏ. Đó là điềm lành trời ban cho Chu Văn Vương.
(55) Cung xuân: xem chú thích 25.
(56) Huân đào: hun đúc, rèn giũa.
(57) Cơ công: có lẽ chỉ Cơ Đán, tức Chu Công, em Vũ Vương, chú của Thành Vương nhà Chu. Chu Công phụ chính thời Thành Vương còn nhỏ, sau khi Thành Vương lớn, ông trao lại chính quyền cho Thành Vương. Câu này có lẽ ý nói Thế tử còn nhỏ, phải rèn giũa, bồi dưỡng để sau này trao cơ đồ cho.
(58) Dưỡng mông: xem chú thích 29.
(59). Thuở suối trong: ý nói tuổi thơ rất thuần khiết, trong sạch, phải bồi dưỡng, rèn giũa sự chính từ lúc này.
(60) Vinh dụ: vẻ vang, giàu thịnh.
(61) Hiếu tư: suy nghĩ về đạo hiếu. Đây lấy chữ từ thơ Hạ Vũ phần Đại nhã - Kinh Thi: “...Vĩnh ngôn hiếu tư, hiếu tư duy tắc...” (Mãi mãi suy nghĩ về đạo hiếu, lòng hiếu thuận làm phép tắc...).
(62) Phủ xanh: tức cung Thế tử (xem chú thích 5).
(63) Nảy chính cơ: ý nói bắt đầu tham gia chính sự.
(64) Huy luân: chưa hiểu điển tích, ý nghĩa.
(65) Sáu truyền: kể từ Thế tổ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm mở nghiệp, truyền:
1- Thành tổ Triết Vương Trịnh Tùng.
2- Văn tổ Nghị Vương Trịnh Tráng.
3- Hoằng tổ Dương Vương Trịnh Tạc.
4- Chiêu tổ Khang Vương Trịnh Căn.
5- Lương Mục Vương Trịnh Vĩnh.
6- Tấn Quang Vương Trịnh Bính.
(66) Vạc báu, sách vàng: xem chú thích 42, 43.
(67) Tư văn: tên bài thơ trong phần Chu tụng - Kinh Thi - cũng là bài nhạc tế Hậu Tắc (viễn tổ nhà Chu): “Tư văn Hậu Tắc, khắc phối bỉ thiên...” (Hậu Tắc có văn đức, sánh hợp với trời...).
(68) Đòi: nhiều (từ cổ).
(69) Dặc dặc: xem chú thích 19.
(70) Chưng thường: xem chú thích 21.
(71). Bảy truyền: xem chú thích 65. Hy tổ Nhân Vương Trịnh Cương là con trưởng của Tấn Quang Vương Trịnh Bính.
(72) Long hưng: rồng dậy, ý nói thịnh vượng. Hào Cửu ngũ quẻ Càn - Kinh Dịch có câu “Long phi tại thiên” (Rồng bay trên trời).
(73) Đản sinh: giáng sinh, sinh ra.
(74). Nhu triệu: tức can Bính. Theo Nhĩ nhã - Thích thiên: “Thái tuế tại Bính viết Nhu triệu” (Thái tuế tại Bính gọi là Nhu triệu).
(75) Nhuy tân: tên 1 luật trong 12 luật, ứng với tháng trọng hạ (tháng 5). Thiên Nguyệt lệnh trong Kinh Lễ có viết: “Trọng hạ chi nguyệt... luật trúng Nhuy tân...” (Tháng trọng hạ... ứng luật Nhuy tân).
(76) Phụng sưởng: dâng rượu tế (Sưởng là rượu tế); ý nói đứng làm chủ tế lễ nơi tông miếu, tức là được nối ngôi.
(77) Gia quan: tuổi 20. Theo thiên Khúc lễ trong Kinh Lễ thì tuổi 20 gọi là tuổi Nhược, làm lễ gia quan (đội mũ) đánh dấu người con trai đó trưởng thành. Sách Lịch triều hiến chương loại chí nói chúa (Trịnh Cương) giữ quyền chính 20 năm, thọ 44 tuổi. Như vậy Trịnh Cương lên ngôi chúa năm 24 tuổi - hơn tuổi gia quan (20) một chút.
(78) Nguyên hanh nối đức thừa càn: ý nói nối tiếp công đức, sự nghiệp của tiên vương. Quẻ Càn là tượng đế vương, có bốn đức: Nguyên, hanh, lợi, trinh (Đầu, hanh thông, lợi, chính bền).
(79) Phỏng lạc: tên bài thơ trong phần Chu tụng - Kinh Thi, nội dung là những lời nói của Chu Thành Vương sau khi tế Vũ Vương, ý nói vua nối ngôi phải cố gắng noi theo đạo của tiên vương để được yên ổn, rạng rỡ.
(80) Nam phong: tức khúc Nam huân của vua Thuấn, có câu: “Nam phong chi huân hề, khả dĩ giải ngô dân chi vấn hề. Nam phong chi thời hề, khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề…” (Gió Nam ấm áp chừ có thể cởi bỏ những nỗi buồn giận cho dân ta - Gió Nam đúng lúc chừ, có thể làm cho dân ta có nhiều của cải).
(81). Tinh mao: cờ quạt nghi trượng của đế vương.
(82) Tỉnh canh: xem cày ruộng, thăm hỏi việc nhà nông.
(83) Phong niên: theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, vụ mùa năm Nhâm Dần (1722) được mùa to, Trịnh Cương đi ra phía Tây kinh thành xem dân gặt lúa, ban cho trâu, rượu, lại làm một bài từ về “Phong niên” (Năm được mùa) để ghi nhớ (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Giáo dục, H. 1998. Tập II, tr.436).
(84) Hoa trình có thơ: Đi sứ có thơ. Năm 1718, Nguyễn Công Hãng và Nguyễn Bá Tông lên đường đi sứ sang nhà Thanh báo tang vua Lê Hy Tông và cầu phong. Trịnh Cương có ban cho hai người một bài thơ chữ Hán và một bài thơ Nôm để úy lạo (Xem Ngô Cao Lãng - Lịch triều tạp kỷ - Bản dịch của Hoa Bằng, Nxb. KHXH. H. 1995, tr. 245-247.
85) Vũ liệt Văn mô: mưu Văn Vương, công nghiệp Vũ Vương. Đây lấy chữ từ thiên Quân Nha trong phần Chu thư - Kinh Thư: “Phi hiển tai Văn Vương mô, phi thừa tai Vũ Vương liệt” (Sáng suốt vĩ đại thay mưu Văn Vương, kế thừa vĩ đại thay công nghiệp Vũ Vương).
(86) Đường Ngu: thời vua Nghiêu (Đường) và vua Thuấn (Ngu), thời cực thịnh trị.
(87) Chiêu mục: thứ tự sắp xếp bài vị thờ ở tông miếu. Miếu thủy tổ ở giữa, hai bên là hàng chiêu hàng mục, tả là hàng chiêu, hữu là hàng mục, thờ các đời nối tiếp.
(88) Đẩu tinh: sao Bắc Đẩu, tượng đế vương.
(89) Tư thành: chữ trong thơ Na phần Thương tụng - Kinh Thi: “Tuy ngã tư thành” (Yên lòng tưởng nhớ của ta). Đây là bài thơ, cũng là nhạc tế vua Thành Thang nhà Thương “Tấu khúc Tư Thành” ý nói tấu bản nhạc tế.
(90) Chiếng (từ cổ): nảy. Sơ chiếng một dương: mới nảy một dương (xem chú thích 53).
(91) Non đan: Đan sơn - núi đỏ. Theo sách Viên sơn tùng nghi đô ký: có ngọn đan sơn, trong núi thường có khí đỏ bao trùm, núi rừng rực một màu đỏ. Câu “Non đan bảng sáng, sông vàng sạch trong” cũng chỉ điềm sinh bậc phi thường.
“Sông vàng” tức là Hoàng Hà. Nước Hoàng Hà luôn luôn đục, nhưng theo tục truyền thì khi nước Hoàng Hà trong là điềm sinh ra thánh nhân.
(92) Tót vời: hơn hết thảy.
(93) Kinh luân: Kinh là sắp từng sợi tơ dọc, luân là xe nhiều sợi tơ lại với nhau, sau Kinh luân được dùng với nghĩa là sửa sang, trị lý.
(94). Vân lôi: đây dùng chữ trong Kinh Dịch, quẻ Truân. Tượng truyện quẻ Truân: “Vân lôi Truân, quân tử dĩ kinh luân” (Tượng mây sấm là quẻ Truân, quân tử coi đó mà sửa sang trị lý thiên hạ). Thời truân là thời khó khăn gian nan, là lúc quân tử làm việc, sửa sang trị lý thiên hạ để qua lúc gian nan. “Kinh luân nẻo thuở vân lôi” ý nói ra tài sửa sang trị lý trong lúc gian nan khó khăn.
(95) Xuất chấn: chỉ hoàng đế, vua hay chủ tể, lấy chữ trong Thuyết quái truyện - Kinh Dịch: “Đế xuất hồ chấn” (Đế ra ở cung chấn). “Thay quyền xuất chấn” tức là thay quyền vua.
(96) Hanh truân: làm cho “truân” thành “hanh”, làm cho gian nan khó khăn thành hanh thông.
(97) Tứ chinh: chinh phạt, đánh dẹp bốn phương.
(98) Bừa không cáo tổ, quét thanh ong đàn : ý nói công nghiệp đánh dẹp của Trịnh Doanh như quét sạch đàn ong, tổ cáo.
(99) Hưng Hạ: phục hưng nhà Hạ, chỉ vua Thiếu Khang nhà Hạ. Nhà Hạ đến đời vua Thái Khang bị cướp mất nước, vua Thiếu Khang đã trung hưng được cơ nghiệp.
(100) Bình Hoài: tức bình định Hoài Di, chỉ vua Tuyên Vương nhà Chu. Vua Tuyên Vương sai Mục công Thiệu Hổ đi bình định Hoài Di thắng lợi (xem thơ Giang Hán - Đại Nhã - Kinh Thi).
(101) Phấn sức: tô điểm, sửa sang.
(102) Hạo hy: tức “hy hy hạo hạo” nghĩa là hòa vui, thỏa thuê, tươi sáng. Chữ này thường dùng cực tả thời thịnh trị Nghiêu Thuấn...
(103) Chước nhiệm: kế sách mưu tính màu nhiệm.
(104) Yến di: truyền lại cho con cháu, mưu tính cho con cháu (xem chú thích 16).
(105) Bảy đức: chỉ bảy đức về võ công ghi trong Tả truyện - Tuyên công thập nhị niên: “Vũ hữu thất đức...: Cấm bạo (cấm bạo ngược), tập binh (ngăn chặn việc binh đao), bảo đại (giữ gìn nghiệp lớn), định công (lập công), an dân (làm cho dân yên), hòa chúng (làm cho dân hòa thuận), phong tài (giàu của)...”
(106) Chín công: chữ trong thiên Đại Vũ mô - Kinh Thư: “Thủy, hỏa, kim, mộc, thổ, cốc, duy tu; chính đức, lợi dụng, hậu sinh, duy hòa. Cửu công duy tự...” (Sửa sang lục phủ (Nước, lửa, kim, mộc, đất đai, thóc gạo) và điều hòa tam sự (chính dân đức, lợi dân dụng, hậu dân sinh), chín công có thứ tự...). Chín công gồm lục phủ và tam sự.
(107) Nhơn nhơn: (từ cổ) đường đường, oai phong lẫm liệt.
(108) Văn tử, văn tôn: con cháu có văn đức.
TƯ LIỆU THAM KHẢO
1. Bản triều nhạc chương tập (A.2511)
2. Nam Giao nhạc chương (A.2228)
3. Trấn Quốc Vượng - Đinh Xuân Lâm: Về nguồn gốc và lịch sử tuồng chèo Việt Nam. Tạp chí Văn học, số 4/1966.
4. Đỗ Bằng Đoàn - Đỗ Trọng Huề : Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam . Bản in lại . Nxb. Văn học , H. 1992.
5. Đỗ Bằng Đoàn - Đỗ Trọng Huề: Việt Nam ca trù biên khảo. Sài Gòn, 1962.
6. Nguyễn Văn Huyên - Trần Văn Giáp: Các bài cúng trong lễ tế Nam Giao. Tạp chí EST, H. 1939. In trong tập Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên. Tập 1. Nxb KHXH, H. 1995.
7. Phạm Thị Thoa: Tìm hiểu thêm về Nguyễn Hoàn. Tạp chí Hán Nôm, số 2 - 1992.
8. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí (Phần Nhân vật chí và Lễ nghi chí). Nxb. KHXH, H. 1992.
9. Thái Kim Đỉnh: Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ. Nxb. Nghệ An, 1995.
Nguyễn Xuân Diện
Đinh Thanh Hiếu
Theo http://www.hannom.org.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo - "Người bước ra từ bức tranh Đà Lạt"

Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo "Người bước ra từ bức tranh Đà Lạt" Phạm Thị Phương Thảo đến Đà Lạt từ những năm 80 của thế kỷ trướ...