Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Đâu rồi những tiếng hát ru

Đâu rồi những tiếng hát ru… !?

"Ầu ơ… ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con thi trường học mẹ thi trường đời"
Từ thuở lọt lòng, tâm hồn trẻ thơ đã thấm dần giọng hát ầu ơ dịu dàng, vỗ về trìu mến của bà, của mẹ, của chị giữa những trưa hè oi bức hay giữa đêm trăng thanh êm ả. Điệu hát ầu ơ cùng với tiếng võng kẽo kẹt cứ triền miên từ câu này sang câu khác.          
Giọng hát ru càng tha thiết, càng trìu mến bao nhiêu thì càng làm cho đứa trẻ nghe bùi tai và dễ đi vào giấc ngủ bấy nhiêu. Do đó, sắc thái âm nhạc thường thâm trầm, mênh mông, êm ả, muồi mẫn v,v… 
"Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
Bậu ra bậu lấy ông câu
Bậu câu cá bống đập đầu kho tiêu
Kho tiêu, kho mỡ, kho hành
Kho ba lượng thịt để dành mai ăn" 
Hay câu hát ru sau đây rất đổi quen thuộc với người Nam bộ:
"Ví dầu ví dẫu ví dâu
Ví qua ví lại ví trâu vô chuồng
Vô chuồng trâu lại trở ra
Trở ra ta lại ví trâu vô chuồng"

Qua những câu hát ru ấy, hình ảnh quê hương xứ sở hiện lên thật nên thơ và bình dị, có khi đó còn là hình ảnh của những loài vật gắn bó với vùng sông nước Nam bộ: con cá, tôm, cua, còng… 
"Gió đưa, gió đẩy
Về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá
Về đồng ăn cua"

Với nhịp sống mới tất bật và hối hả, những người mẹ trẻ hôm nay dường như không còn đủ thời gian để mà hát ru, hoặc là họ không thuộc được lời của bài hát v,v… Vì lẽ đó, họ đành mượn máy casset hay radio hát thay mình. Điều đáng nói là nội dung một số bài hát từ chiếc máy ấy hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi của trẻ, chứ chưa nói đến tình cảm của người hát dành cho trẻ. Có nhà tâm lý học nói rằng: tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng, ta vẽ lên đó cái gì thì sẽ hiện lên cái ấy.           
Những bài hát ru như mạch nguồn của sự sống, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ từ thuở ấu thơ cho đến lúc thiếu thời. Do đó, việc sưu tầm và học tập các làn điệu hát ru là việc làm cần thiết, nhất là đối với những người mẹ trẻ hôm nay nhằm giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ. Quan trọng hơn, việc làm này vừa truyền cảm xúc trực tiếp của người mẹ cho dành cho con, vừa góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.
18/11/2006
Tăng Tấn Lộc
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhặt từng mong manh

Nhặt từng mong manh Mùa yêu đã tận/ Dòng đời trôi nhanh/ Mình em lận đận/ Nhặt từng mong manh// Lạ gió lạ mây/ Đường xưa mưa nhỏ/ Mưa chạm...