Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

"Lời tỏ tình" trong ca dao

"Lời tỏ tình" trong ca dao

Từ xưa, người Việt Nam đã biết lao động để tạo ra của cải vật chất phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Từ trong lao động, họ đã thiết lập được mối quan hệ tình làng nghĩa xóm - một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta. Họ quý trọng biết bao thành quả lao động của mình. Do đó, họ càng yêu thiết tha những cái mà họ đã làm ra, đã tạo lập và xây dựng nên. Nhờ lao động, tình cảm giữa họ ngày càng được vun đắp và nảy nở. Một trong những tình cảm thiết tha chân   tình ấy là tình yêu giữa  nam và nữ.          
Tình yêu nam nữ là phạm trù phong phú đa dạng và đầy màu sắc, mang nhiều cung bậc tình cảm khác nhau: buồn vui, thương nhớ, tương tư, hờn dỗi, v.v… Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ khảo sát cách thức bày tỏ tình cảm giữa nam và nữ trong ca dao. Hay nói khác hơn, đó là hình thức "tỏ tình".           
Hầu hết những nam nữ thanh niên ngày xưa họp mặt vào những dịp lễ hội, đình đám… Tuy nhiên, dịp tốt và thuận lợi phổ biến nhất để họ gặp nhau thường là trong công việc đồng áng. Vì thế, khi họ thổ lộ tâm tình trong những câu ca, bài hát thì những tâm tình ấy thường gắn liền với ruộng vườn:
"Cô kia áo trắng lòa lòa,
Lại đây đập đất, trồng cà với anh.
Bao giờ cà chín, cà xanh,
Anh cho một quả để dành mớm con"
Còn đây là lời tỏ tình rất dễ thương của chàng trai:
"Tóc ngang lưng vừa chừng em búi,
Để chi dài bối rối dạ anh"
Cách nói hồn nhiên, thành thật và dễ thương của chàng trai. Anh nói như van xin, khẩn cầu cô gái hãy búi tóc lên cao đừng để tóc "chấm ngang lưng" khiến lòng anh khổ não, "bối rối"… Nhưng thật ra đó lại là một lời trách rất đáng yêu, đáng quý, một cách trách khôn khéo, trách để mà khen và để thổ lộ tình yêu, để giãi bày tâm sự cùng cô gái. "Nhiều câu có lối nói tưởng như không biết gì mà vẫn thấy hay…đâu phải là chuyện yêu cầu bối tóc vì tóc khi đã được bối lên, chắc gì đã khiến anh hết bối rối, bâng khuâng" (Hoài Thanh)           
Thông thường, trong chuyện tình cảm, phái nam thường chủ động tỏ tình với người mình yêu. Song, chuyện phái nữ chủ động cũng không phải là hiếm:
"Anh kia đi ô cánh dơi,
Để em làm cỏ mồ hôi ướt đầm.
Có phải đạo vợ, nghĩa chồng,
Thì mang ô xuống cánh đồng mà che"
Trong một câu khác:                 
"Thiên duyên kỳ ngộ gặp chàng,
Khác nào như thể phượng hoàng gặp nhau.
Tiện đây ăn một miếng trầu,
Hỏi thăm quê quán ở đâu chăng là?
Xin anh quá bước lại nhà,
Trước là trò chuyện sau là nghỉ chân"
Cô gái cho rằng cuộc gặp gỡ giữa cô và chàng trai là do trời se duyên, "thiên duyên kỳ ngộ". Điều bất ngờ là cô đã chủ động "mời trầu" người mới quen. Theo truyền thống của người Việt Nam, "miếng trầu là đầu câu chuyện", ở bài ca dao này, cô gái "mời trầu" chàng trai cũng chính là "mời duyên". Không dừng lại ở đó, cô tiếp tục "hỏi thăm quê quán", mời chàng "quá bước lại nhà", để cùng nhau chuyện trò và nghỉ chân, v.v… Tất cả chỉ với một mục đích mong chàng trai hiểu được tấm chân tình của mình.           
Với mong muốn lấy được người mình yêu, các chàng trai thường sử dụng lối nói bóng bẩy, hoa mỹ, với niềm khát khao cháy bỏng trong tình yêu bằng mô tuýp quen thuộc: "ước gì… để cho…"
"Ước gì anh hóa ra hoa,
Để em nâng lấy rồi mà cài khăn.
Ước gì anh hóa ra khăn,
Để cho em đắp, em lăn, em nằm.
Ước gì anh hóa ra gương,
Để cho em cứ ngày thường em soi.
Ước gì anh hóa ra cơi,
Để cho em đựng cau tươi, trầu vàng"
Hàng loạt những vật biểu trưng mang tính chất sánh đôi được kết hợp nhuần nhuyễn tạo nên sự hòa hợp trọn vẹn và toàn mỹ: hoa - cài khăn, chăn - đắp, gương - soi, cơi - cau tươi, cơi - trầu vàng.          
Đôi khi chàng trai cũng không dám mạnh dạn bộc bạch tình cảm một cách trực tiếp, cho nên cách nói "vòng vo" lại trở nên hữu hiệu và phù hợp hơn với ngữ cảnh tỏ tình:
"Đường xa thì thật là xa,
Mượn mình làm mối cho ta một người.
Một người mười chín, đôi mươi,
Một người vừa đẹp, vừa tươi như mình" 
Như trên đã nói, chuyện tình yêu có rất nhiều cung bậc, có hạnh phúc, đau khổ, có thành công, thất bại… Những trắc trở trong tình yêu là điều không thể tránh khỏi, nhất là đối với những mối tình đầu:
"Thương em anh cũng muốn thương,
Nước thì muốn chảy nhưng mương chẳng đào.
Em về lo liệu thế nào,
Để cho nước chảy lọt vào trong mương" 
Là người yêu thích văn học, nhất là mảng văn học dân gian, không ai quên được bài ca dao rất độc đáo "Tát nước đầu đình" của các tác giả dân gian:
"Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công.
Đến khi lấy chống anh lại giúp cho.
Giúp em một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Giúp em quan tám, tiền cheo,
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau" 
Thật ra, "mất áo" trước sau vẫn là một câu chuyện hư cấu, một chuyện "bịa đặt". Sở dĩ nó hấp dẫn, nó rung động lòng người, rung động các thế hệ mai sau là vì nó đã được "bịa đặt" và hư cấu theo quy luật của cái đẹp, theo nhu cầu chân thực và chân chính của trái tim con người.  
Trong ca dao tình yêu, đặc biệt là bộ phận ca dao tỏ tình, "cái áo" là một phương tiện nghệ thuật rất quan trọng, độc đáo, và nhiều lần được nhắc đến trong các bài khác:
- "Chàng về để áo lại đây,
Để đêm em đắp, để ngày em trông.
- "Áo xông hương của chàng vắt mắc!
Đêm em nằm em đắp lấy hơi"
- "Yêu nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay"
- "Con ơi đừng nói hớ hênh,
Áo mặc trong mình đến nổi gió bay?"
Không ở đâu, hình ảnh "cái áo" được các tác giả dân gian khai thác và sử dụng một cách tích cực, sáng tạo và hết sức độc đáo như ở bài ca dao này. Từ mở đầu cho đến kết thúc, bài ca dao luôn xoay quanh câu chuyện cái áo: mất áo, xin áo, nhờ khâu áo, trả công, giúp đỡ người khâu áo, v.v… Có thể nói "cái áo đã đắp kín cả  mối tình của đôi bạn trẻ" (Hoàng Tiến Tựu)
Nếu những bài ca dao trên chỉ là những lời tỏ tình "đơn phương" từ phía chàng trai hay cô gái thì ở bài ca dao tiếp theo cả người con trai lẫn người con gái đều mạnh dạn tỏ tình và tỏ tình một cách hết sức kín đáo, đầy tế nhị:
"Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng
Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?
- Đan sàng thiếp cũng xin vâng.
Tre vừa đủ lá, non chăng hỡi chàng?"
Mặc dù khi hát đối đáp thường có đông người dự nhưng chàng trai vẫn tưởng tượng ra khung cảnh như chỉ có hai người. Vậy là, anh đã chọn "đêm trăng thanh" để ngỏ lời cùng cô gái. Quả thật, câu hỏi của chàng trai sao mà đẹp, vừa rõ ràng nhưng lại rất thẳng thắn. Đây là lời tỏ tình nghiêm túc chứ không phải là một sự tán tỉnh, bông đùa. Nhằm đáp lại tấm chân tình của chàng trai, cô gái hồi âm bằng câu trả lời rất đổi chân thành và rất có duyên, hài hòa với ý tứ mà chàng trai đã hỏi:
"Đan sàng thiếp cũng xin vâng
Tre vừa đủ lá, non chăng hỡi chàng?"
Cô gái không chỉ ngỏ lời đồng ý một cách lịch sự mà còn biết cách chất vấn, hỏi lại chàng trai để chứng minh và khẳng định cho sự đồng ý ấy. Do đó, câu trả lời của cô gái rất có duyên, rất chủ động và phần nào còn mang tính chất "tấn công" đối phương.         
Thi thoảng, chúng ta lại bắt gặp cách tỏ tình sóng đôi kiểu như vậy nhưng bằng cách nói "bóng gió", "bâng quơ" mang hàm ý sâu sắc của chàng trai lẫn cô gái:
"Bây giờ mận mới hỏi đào,
 - Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa:
- Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào"
Tóm lại, những bài ca dao tỏ tình mãi mãi sẽ là những bông hoa đẹp trong vườn hoa tình yêu muôn hương ngàn sắc trong ca dao. Nó sẽ còn tiếp tục làm rung động hàng triệu trái tim của người Việt Nam - những người luôn trân trọng, nâng niu và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
23/10/2006
Tăng Tấn Lộc
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhặt từng mong manh

Nhặt từng mong manh Mùa yêu đã tận/ Dòng đời trôi nhanh/ Mình em lận đận/ Nhặt từng mong manh// Lạ gió lạ mây/ Đường xưa mưa nhỏ/ Mưa chạm...