Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2021

Bên kia cũng là núi

Bên kia cũng là núi

1. Lụa về đến nhà khi mặt trời đã lặn xuống dãy núi phía xa. Trông gầy yếu lắm. Gương mặt đượm buồn thiếu thần sắc cùng cặp mắt thâm quầng ẩn hiện sau tấm khăn chống nắng đã bạc màu.
Lúc này, mẹ đang cọ máng heo ngoài bể nước, ngẩng lên. Chỉ thở dài sau cái lắc đầu chứ không nói gì thêm nữa.
Mẹ! Lụa gọi khẽ, giọng đầy ẩn ức như chực khóc. Rồi Lụa đẩy cửa buồng bước vào. Căn buồng nhỏ, quen thuộc thuở thiếu nữ đầy ký ức. Mùi chiếu chăn phơi được nắng thơm tho, nồng nàn…
Đèn bật sáng. Mẹ đã đứng ở đầu giường, lặng im. Lụa níu tay mẹ chứ không như lần trước, lảng tránh. Cứ thế ôm mẹ khóc nức nở.
Đây không biết lần thứ mấy Lụa về nhà cha mẹ trong bộ dạng như thế. Mẹ đau như cắt từng khúc ruột. Nhất là lần đầu tiên, hai người đàn bà là mẹ con này, cứ xoắn lấy nhau mà khóc. Đời đàn bà khổ quá con ơi! Mẹ ngửa mặt lên trời than vãn. Lụa thì cúi mặt, cứ mặc nước mắt rơi ròng, lã chã.
– Lụa về đấy hả con? - Tiếng cha vang lên đầu ngõ khiến Lụa giật mình. Mẹ cũng kịp tắt đèn đi ra. Còn Lụa thì nhanh chóng giấu dòng nước mắt đang tức tưởi rơi, “dạ” một tiếng.
Cha đã đứng trước thềm. Dáng ông còm cõi trong bộ quân phục cũ, đôi chỗ rách tưa. Cha mới về từ rẫy bắp. Đang kỳ trổ bông, đơm hạt, phải siêng lên coi chừng, sợ khỉ sợ chuột phá phách.
Bữa cơm nhà mẹ nhiều món ăn quen thuộc, hợp khẩu vị nhưng Lụa nuốt không trôi, cứ thấy nghẹn ở cổ. Cha hỏi thăm đôi câu, rồi bỏ đũa, tựa lưng vào cột, châm điếu, rít sòng sọc. Ban đêm, cái xóm nghèo sát chân núi yên tĩnh lạ lùng. Chỉ có những giống chim ăn đêm và đàn dơi chao lượn trước sân nhà. Tiếng kêu của chúng chạm vào màn đêm cũng thê thiết buồn.
Lụa và mẹ ra bể rửa chén. Hai chiếc bóng lặng thầm, đầy nỗi niềm. Đêm ấy, họ ngủ cùng nhau. Hai mẹ con rủ rỉ đến khuya mới chợp mắt. Sáng ra mắt ai cũng đỏ quạch.
2. Lụa lấy chồng xã bên, cách nhau một dãy núi cao. Người ta tạo một con đường mòn gập ghềnh đầy đá nhọn nối giữa hai sườn núi. Chồng chị là anh Vinh khỏe mạnh, cao ráo, quân nhân công tác xa. Thỉnh thoảng anh mới về thăm nhà. Có khi vài ba tháng hai vợ chồng mới ngủ chung. Lụa trước làm kế toán cho một công ty tư nhân nhưng rồi công ty ấy bị phá sản, chị ở nhà tham gia hội phụ nữ xã và làm ruộng, chăn nuôi cùng cha mẹ chồng.
Nhà chồng có đứa em, sau Vinh tên Thiệt, bị bệnh Down. Nó hay cười và nhễu dãi nhớt liên tục. Nhiều khi không vừa lòng điều gì đấy lại nhằm Lụa mà rượt đánh. Lụa rất sợ chạm trán với Thiệt, nhưng ở cùng nhà sao tránh được nên Lụa cũng vài ba lần bị Thiệt túm tóc, lôi kéo. Rồi không thể chịu nổi nữa, khi Thiệt lén vào buồng lôi quần áo của chị dâu ra ướm hết cái này lại thử cái khác. Đi làm về thấy một đống áo quần của mình nằm bừa bộn khắp nhà, Lụa chỉ biết ôm mặt khóc. Nói với chồng, anh nhẹ nhàng, từ tốn khuyên nhủ, bảo chị nên thông cảm, em nó bị bệnh. Lụa thấy nhẹ lòng chút đỉnh. Nhưng khi không có anh ở nhà, nỗi lo lắng lại vây lấy, khiến giấc ngủ không yên. Thêm nỗi khổ nữa là mẹ chồng không ưa Lụa lắm, vì chị ít có việc, hay quanh quẩn ở nhà. Bà hay mắng mỏ, đôi khi chuyện không đáng. Cha chồng là cựu binh, nghiện rượu, cứ uống vô, say xỉn là kiếm chuyện gây gổ. Cứ nhằm vào vợ mà chửi, mà la mắng, nếu cãi lại thế nào ông cũng vác vật gì đó vớ được gần đấy mà phang thẳng. Biết vậy nên khi thấy ông loạng choạng từ cổng tiến vào, bà thường chạy vào buồng, đóng kín cửa, lánh nạn. Chỉ còn mỗi Lụa ngồi khâu lại chiếc áo đã sờn rách, im lặng và chịu trận. Cha chồng đá mạnh chiếc thúng đựng đầy ụ rau bèo Lụa mới vớt ngoài ao chưa kịp băm cho vịt. Chiếc thúng lăn tròn, rau bèo vương vãi khắp sân. Lụa không nói gì. Cha chồng nhìn chằm chằm vào chị, đôi mắt ông long lên sòng sọc:
– Chỉ có việc đẻ cho tao thằng cháu mà cũng không xong, cái thứ đàn bà…
Nói chưa hết câu, ông đã ngã xuống bậc thềm, cổ ngoẹo sang một bên, ngáy khò khò.
3. Lụa về nhà anh Vinh làm vợ, làm dâu đã hơn năm năm, khi vừa qua tuổi hai mươi. Lụa tình cờ gặp anh Vinh trong hội diễn văn nghệ quần chúng. Lụa đẹp nhất nhì đội múa, lại hát hay, lắm anh mê. Anh Vinh lém lỉnh, dạn dĩ, lén lấy bó hoa người ta chuẩn bị để tặng cho đại biểu, dúi vào tay Lụa. Lụa gạt tay, bỏ đi. Anh lẽo đẽo theo sau, đến nỗi quên tiết mục của mình sắp diễn. Khi anh Vinh lật đật quay lại sân khấu, Lụa bật cười, đáng đời!
Đám cưới hai người tổ chức sau đó nửa năm, kiểu yêu nhanh cưới vội. Anh Vinh bảo cưới vợ là cưới liền tay… Mà cũng phải thôi vì lúc này Lụa được nhiều người ngấp nghé, tán tỉnh. Có người còn nhờ mai mối đến nhà đặt vấn đề nữa. Mẹ nhiều lần giục, bảo Lụa coi được ai thì gật đầu, con gái có thì… Lụa im lặng, mong ngóng anh Vinh. Từ bữa gặp ở đêm văn nghệ, bận huấn luyện lính mới, anh mới gặp Lụa một lần nhưng chưa nói gì cả.
Rồi một hôm, Lụa đang ở ngoài rẫy, có người nhắn về, nhà có khách. Thì ra anh Vinh cùng người thân sang nhà “coi mắt”. Sao kỳ vậy ta? Bữa gặp nhau anh có nói gì đâu? Đứng tần ngần trước ngõ một chặp, Lụa mới lầm lũi cõng bó củi đi thẳng ra nhà sau. Anh Vinh chạy theo níu tay. Làm vợ anh nhé! Thiệt tình, không có lời cầu hôn nào lại lãng nhách trong một tình huống quá ư hoàn cảnh như vậy. Trán Lụa lấm tấm mồ hôi, chiếc áo cánh ngoài cũng rin rít ướt. Lụa thả bó củi đánh uỵch xuống đất rồi lom lom nhìn anh Vinh. Anh Vinh ngạc nhiên, há mồm, không một lời nào được cất lên. Lúc này, Lụa mới phì cười rồi chui vào chái bếp.
Làm vợ quân nhân chịu thiệt nhiều. Chưa bén hơi nhau, anh Vinh phải đi huấn luyện tuốt Hà Nội. Lụa phải một mình tập quen dần với nếp sống nhà chồng. Ban đầu, cuộc sống của một nàng dâu mới khiến Lụa ngỡ ngàng lẫn háo hức, nhưng rồi mọi thứ không như mình nghĩ khiến Lụa bao lần rơi vào tình huống khó xử.
Cha mẹ chồng khát cháu lắm rồi mà anh Vinh lại đi suốt. Gối chăn lạnh lẽo. Đêm đêm quờ tay Lụa giật mình thao thức bởi khoảng trống rợn người. Những lời an ủi, động viên của cha mẹ đẻ không vơi được nỗi cô đơn luôn ngấp nghé mỗi khi trời trở rét. Lụa buồn cũng chỉ biết giấu vào trong lòng, khóc thì úp mặt vào gối thổn thức. Cha mẹ chồng đã không thông cảm mà mỗi lúc thấy con dâu ngẩn ngơ, chờ đợi thì cạnh khóe, chì chiết. Lụa chỉ biết cam chịu, thầm lặng như chiếc bóng. Đến nỗi, anh Vinh về thấy vợ như thế, ngạc nhiên, gặng hỏi. Chỉ đợi thế, Lụa rúc vào ngực anh khóc nấc, vỡ òa bao nỗi niềm.
4. Rồi Lụa cấn thai. Khỏi phải nói, chồng và cha mẹ chồng vui mừng như thế nào. Họ xúm lại chăm sóc, lo lắng. Lụa sống trong niềm hạnh phúc thực sự. Thai kỳ được bốn tháng, cha mẹ chồng giục thăm khám, kiểm tra. Hai vợ chồng Lụa xuống phố, tìm đến bác sĩ quen khám thai và nhờ tư vấn chế độ ăn uống hợp lý, tốt cho thai nhi. Nhưng cái lắc đầu khó hiểu của vị bác sĩ quen đã khiến Lụa chột dạ. Và anh Vinh thì đã khuỵu xuống khi nghe tin xấu. Họ đã phải bỏ đứa con đầu tiên.
Sự mất mát quá lớn khiến vợ chồng Lụa rơi vào tuyệt vọng. Cha mẹ chồng lặng im, tránh mặt càng khiến Lụa thêm đau lòng. Anh nghỉ phép năm ở nhà chăm sóc vợ. Những ngày bên nhau ít ỏi này giúp Lụa thêm nghị lực sống. Lụa tự nhủ cần phải vượt qua tình trạng tồi tệ này. Lụa tâm niệm, cuộc sống luôn đặt ra nhiều thử thách nên phải biết đương đầu chứ không thể để bị nhấn chìm trong buồn đau và tuyệt vọng.
Đứa em chồng ngã ao, chết. Tang tóc phủ đầy căn nhà vốn đã lạnh lẽo càng thêm u ám. Anh Vinh lại hết phép, trở về đơn vị. Lụa cáng đáng mọi việc nhà chồng. Cha chồng uống rượu ngày càng nhiều. Mẹ chồng thì hay lang thang đâu đấy, có hôm đến tối mịt mới về, ngồi đầu ngõ nói nhảm. Căn nhà trở nên vắng lạnh. Lụa bắt đầu sợ bóng đêm, sợ cả tiếng mọt nghiến khi bước chân vào nhà, nhất là những đêm nghe tiếng cha chồng say rượu ư ử khóc, mẹ chồng vừa thắp hương cho đứa con xấu số, bạc mệnh vừa lẩm bẩm đọc kinh.
Lụa nhớ chồng, muốn bàn với chồng ra riêng chứ sống mãi trong tình cảnh như thế này có khi Lụa chết mất. Nhưng anh Vinh không đồng ý, bởi anh là con trai duy nhất, cha mẹ lại già rồi, lại gặp nhiều biến cố như thế. Lụa đành im lặng trước ánh mắt đầy xa xót của chồng. Chắc anh cũng buồn nhiều trước hoàn cảnh gia đình như thế.
5. Một buổi chiều ra thăm đồng, Lụa lang thang khắp bụi bờ, sông suối và bước chân vô thức đưa Lụa đến một gò cao. Ngôi mộ hình tròn, nấp dưới bụi cây gai thấp, cỏ mọc xanh rì. Lụa lặng người, quỳ sụp xuống. Cái giọt máu vừa mới tượng hình của Lụa đã nằm ở đây. Lụa nghe đớn đau trong lòng, nước mắt cứ thế trào ra. Lụa khóc trong bóng chiều đang dần buông xuống. Lụa đau đớn ngửa mặt nhìn những tảng mây trắng pha hồng cõng nhau về phía núi. Bất chợt, lời cha chồng lúc tỉnh táo nói với con trai văng vẳng bên tai. Không thể như thế được, bố đã đi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ bảo không có gì bất thường… Con phải có con. Dòng họ ta không thể đến đời con phải tuyệt tự…
Lụa quay về nhà chồng vào buổi chiều, khi nắng đã nhạt, chỉ còn sót lại vài mảng nắng hiếm hoi nơi chóp núi. Bước băng qua mấy gò cao, hoa cỏ may găm đầy gấu quần, Lụa nghe xon xót. Bóng chiều với thứ ánh sáng ảo mờ như thể đồng lõa với những nỗi niềm bắt đầu cựa dậy. Nước mắt lại rơi nhòa trên gương mặt sạm đen, hốc hác, có vài đám tàn nhang. Cứ thế Lụa vừa đi vừa khóc. Tức tưởi.
Đến bụi duối, chỗ rẽ lên nhà, Lụa dừng lại kéo góc khăn chống nắng lau vội nước mắt. Con chó già lưng đã rụng mấy chòm lông, uể oải ngồi dậy, dúi mõm vào chân Lụa. Lụa đứng yên chứ không cúi xuống vuốt đầu nó như mọi lần. Hình như hiểu được tâm trạng của cô chủ, con chó ư ử mấy tiếng rồi chui vào góc tối nằm.
Bất giác Lụa ngoái đầu lại, đăm đắm nhìn con đường dẫn về nhà cha mẹ đẻ. Con đường mà Lụa vừa đi qua mà như không thể trở lại. Cũng là một vùng núi đen thẫm có những vách núi uy nghi, lạnh lùng…
18/1/2020
Sơn Trần
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...