Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2021

Dấu khói vườn xưa

Dấu khói vườn xưa

“Một đêm bước chân về gác nhỏ. Chợt nhớ đóa hoa Tường Vi. Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ, giờ đã quên vườn xưa…” giọng hát Khánh Ly da diết, ru hồn tôi về phương trời vắng. Hoa tường vi bềnh trong cơn mưa và vườn xưa lâu rồi tôi không trở lại… cũng từ độ tôi chẳng gặp em. Cô bé thường đứng trước hiên nhà ngắm mưa, bẻ lá làm thuyền trên mặt nước.

Đêm thấy ta là thác đổ
Trịnh Công Sơn - Khánh Ly
Những ngày hanh thu, mặt nước buồn hiu, lũ cá trốn đâu hết, mây lững lờ vô định về xa. Em bần thần chạy ra vườn hái những bông hoa cúc vàng tẽ cánh rắc nhẹ lên trên mặt nước rồi sung sướng mỉm cười mơ hồ khi mình nhuộm nắng cho dòng sông. Nhà nghèo nhất xóm, em thường hay bị mẹ mắng vì tội lơ đễnh. Em mơ mộng bằng tất cả con gái xóm này cộng lại. Em biết mình yếu đuối nên cố gắng làm thật nhanh công việc. Chiều chiều ôm sách ra vườn, chẳng hiểu từ lúc nào tôi đã quen với cái dáng lủi thủi của em. Những cánh hoa bìm bìm tím dưới bàn tay em đã biến thành vương miện đặt lên tóc như tiên nữ trên đỉnh Olympus. Những lúc ấy em rạng ngời, biến thành một cô lọ lem trong cổ tích. Có chiều em lén mẹ sang nhà tôi, rủ tôi ôm sách lên chùa làng ngồi học. Em thì thầm “trên ấy nhiều hoa ngọc lan và sen lắm! Chị có muốn ngồi thuyền thúng hái sen không?”. Tôi do dự nhưng nhìn vào mắt em tôi không thể chối từ. Cánh ngọc lan trắng muốt cong như móng tay Phật Bà thảng theo cơn gió đậu vào trang sách hai đứa. Tôi lạc hồn trong hương hoa, còn em thì say sưa với những bài toán khó. Có những lúc em khoanh chân ngồi kiết già dưới gốc cây ngọc lan, mắt nhắm nghiền vô định, làm tôi lạ lùng. Tôi mơ ngày mai mình thành thi sĩ còn em chỉ mỉm cười bí mật chẳng nói gì.
Nhà văn Lê Hà Ngân
Thời gian như nước trôi qua cầu, tôi bỏ dở giấc mơ của mình bởi cơm áo đời thường, lo gia đình yên vui. Tôi đã để những đêm trăng bay qua đời mình không bao giờ trở lại, lo sợ một ngày nào hai bàn tay vỗ lên không nghe thấy tiếng kêu. Còn em chẳng biết thế nào bởi đã lâu rồi tôi không trở lại vườn xưa. Dây bìm tím còn loang cả trời chiều hay không? Đóa tường vi của tôi có còn e ấp? Và em - cô bé giỏi toán giờ thế nào rồi? Chiều nay có chuyện đau lòng, tôi bỏ về bên ngoại. Gục đầu vào lòng mẹ òa khóc. Bàn tay gầy guộc của người vuốt những sợi tóc tôi. Mẹ chẳng hỏi mà chỉ nói “Chiều nay mẹ con mình ra chùa lễ Phật cho nhẹ lòng con ạ!” Vục đầu vào thau nước mưa mát rượi, chợt thấy lòng mình dịu đi.
Chùa làng đây rồi! Vẫn cây bồ đề và mái tam quan quen thuộc nhưng già nua và đổ bóng xuống thời gian. Đâu đây trong thinh không hương ngọc lan ngan ngát. Thanh tịnh và u liêu vời vợi. Cuối thu đầm sen lơ phơ những cuống sen già, chiếc thuyền thúng tư lự trong màn sương bạc. Hơi nước như khói phủ. Một vài con bói cá xanh biếc đậu trên bụi tre già chăm chú nhìn mặt nước. Có chút gì hiu hắt gờn gợn xa xăm. Những chiếc lá bồ đề theo gió cuốn từng vòng trong thinh không rồi hạ xuống. Vài chú tiểu nghịch ngợm cầm chổi đuổi theo những chiếc lá, tiếng cười trong vắt đã phá tan cái tịch mịch của chiều. Tôi ngạc nhiên hỏi mẹ “ Chùa làng dạo này nuôi nhiều tiểu thế sao mẹ?”. Mẹ tôi lặng lẽ chẳng nói gì. Hình như mẹ đang đuổi theo những ý nghĩ vô định nào? Tôi đang ngạc nhiên thì một giọng thanh thanh cất lên: “Mô Phật! Các con hư quá, quét nhanh lá cây rồi vào lớp học đi thôi! Đã quá giờ rồi! Thầy còn vào khóa tụng kinh tối”. Tôi ngỡ ngàng trước tiếng nói của ni cô. Ni cô quen quá! Ngước mắt nhìn, chúng tôi gặp nhau, ánh mắt ni cô sáng rỡ nhìn tôi, buột miệng: “Chị!” Thoáng giây mừng rỡ vụt qua, lấy vẻ điềm tĩnh của bậc tu hành, ni cô thong thả: “Thí chủ đi lễ chùa! Lâu lắm thí chủ không về quê nhỉ?”. Tôi bất ngờ quá! Em đấy ư? Cô bé vườn xưa giờ đã khoác áo nâu sồng ư? Em mời tôi vào trai phòng, nhìn chén trà sen bốc khói em xa xôi: “Chuyện dài lắm! Chị ạ! Có lẽ đây cũng là nghiệp căn của em”. Nhìn vào mắt em là một khoảng trời tối sẫm, nét đau đớn thảng thốt vẫn hiện lên. Hình ảnh em ngồi kiết già bên cây ngọc lan ngày nào ùa về. Tôi đi học xa nhà trước em mấy năm, em vẫn lủi thủi nơi vườn xưa miệt mài ôn thi vào đại học.
Một chiều đông, trong vườn chùa bỗng cất lên tiếng sáo. Tiếng sáo ma mị vút cao, lúc trong vắt như ban mai, lúc rời rợi như hoàng hôn héo úa, lúc nồng nàn như mời gọi, em bồn chồn lòng dạ chẳng yên. Tiếng sáo thôi thúc bước chân em tới hồ sen tự lúc nào. Người thổi sáo dường như không để ý tới em, mà vẫn say sưa mê luyến với giai điệu. Em ngơ ngác rồi vụt bỏ chạy về nhà. Đêm em không ngủ, giai điệu của tiếng sáo vẫn ám ảnh em. Những chiều đông hiu hắt, tiếng sáo bên đầm sen tàn nỉ non dẫn dụ. Cũng từ đó em và người thổi sáo quen nhau. Đó là một người đàn ông đẹp. Đẹp trong ánh nhìn, sang trọng trong ngôn từ. Sự tài hoa không chỉ vút lên trong âm điệu mà ánh nhìn của ông khiến tim em run rẩy. Em biết định mệnh đời em đã điểm… Niềm vui của em đã vỗ cánh ra đi khi người ấy trở về thành phố, giấc mơ bay qua đời em. Cũng từ đó em cắn răng nuốt nước mắt lao vào học. Cố học mà quên. Học để hy vọng một ngày nào đó giữa phố đông xa lạ em sẽ gặp được người ta. Tiếng sáo ấy thổn thức đời em. Trời không phụ lòng người, năm ấy em đã đỗ đại học với số điểm cao. Hành trang em đem theo là tiếng sáo ma mị nơi chùa làng.
Chiều dịu dàng trên từng góc phố, cây bàng cuối đường đã thay áo đỏ. Đông vừa sang với khăn san lả lướt và nước hoa mộc. Em bỡ ngỡ trước căn biệt thự vướng víu sắc ti gôn. Loài hoa như trái tim khép lại. Cánh hoa rực rỡ nhất vào độ cuối thu đầu đông. Những cánh hoa Ti Gôn yêu kiều phất phơ trong gió rồi lại khẽ đậu vào tay người một cách ngại ngùng e ấp. Lấy hết can đảm em bấm chuông. Tiếng chuông reo lên làm tim em hồi hộp. Đôi mắt nai mở to, chiếc răng khểnh duyên dáng cất tiếng nói: “Chị là cô giáo gia sư mà người ta giới thiệu cho em phải không?” Cái gật đầu đã thay cho việc làm quen. Thế rồi bên cô học trò nhỏ dễ mến, em đã thực sự thân thiết với nơi này. Đã gần một năm em dạy học cho cô chủ nhỏ, nhưng chẳng bao giờ em gặp ông bà chủ. Em không dám hỏi, học trò em cũng chẳng nói, mà chỉ bắt gặp những giọt nước mắt ướt đẫm trên gò má của cô bé khi chiều buông. Và một chiều kia hai chị em đang tha thẩn trước dậu trúc đào, thì cô bé chợt reo lên mừng rỡ: “ Ba! Ba về…”. Em thảng thốt ngước lên… Tiếng sáo…Tiếng sáo nơi chùa làng. Cặp kính đen choán gần hết khuôn mặt, mái tóc pha sương, cặp môi đỏ ánh lên sự kiêu bạc và chiếc valy to kềnh càng. Người đàn ông im lặng tháo kính nhìn em. Một phút giây mừng rỡ trong đôi mắt, nhưng lại nghiêm nghị ngay, hướng về phía con gái. “Ở nhà có ngoan không con? Con có năng thắp hương cho mẹ không? Đừng để mẹ buồn con nhé!”. Em lí nhí xin phép ra về. Cô trò nhỏ nắm tay em véo von: “Chị ấy là gia sư của con. Chị ấy dạy dễ hiểu lắm! Không có chị ấy chắc con buồn muốn chết. Ba cứ bỏ con ở nhà và đi lâu quá!”. Em run quá! Chỉ muốn bật khóc và bỏ chạy. Ông tiễn em ra cửa và ngập ngừng: “ Tôi mừng là gặp lại được em. Tôi cũng nhớ em!”.
Những ngày sau đó em sống trong tâm trạng nửa mừng, nửa tủi. Ông thường xa vắng nhìn em. Lọ nước hoa, chiếc khăn choàng, cứ lặng lẽ trong giỏ xe em. Ông bao bọc em như một người cha đối với con gái, nhưng ánh nhìn thì u uẩn vời vợi như một người yêu. Em mê đi trong cảm giác hạnh phúc nhưng đau xót ấy. Một chiều đông xám lạnh, giờ học đã tan, mưa giông kéo đến u ám cả bầu trời, em toan dắt xe ra về thì ông giữ lại. Nhìn ánh mắt ông van nài em đừng về mà hãy ở lại với cha con ông đêm nay. Không hiểu sao chút kiêu hãnh và trẻ con khiến em cứ dắt xe ra cửa. Ông thở dài buồn bã chạy xe theo em. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, đến kí túc xá em trọ cũng là lúc mưa xối xả trắng trời. Cầm vội đôi bàn tay lạnh cóng nước mưa của em ông hối hả ấp vào lồng ngực rồi đẩy vội em vào trong với tiếng nói da diết: “ Vào đi em kẻo lạnh! Tôi đợi em mà!.”
Đêm ấy em lịm đi trong tiếng sáo. Tiếng sáo da diết cháy bỏng như hội ngộ và chia xa. Em lại mơ thấy giấc mơ trong vườn chùa. Chập chờn và ảo ảnh, thanh khiết vút cao, liêu trai và ma mị… Chỉ biết rằng trong cơn mê em đã khóc. Giọt nước mắt của luyến tiếc tủi hờn khi em mơ thấy ông lại xách va ly ra đi.
Sáng hôm sau trời vẫn còn ướt lạnh, em bồn chồn vội vàng dắt xe tới biệt thự hoa ti gôn. Cô bé ra mở cổng với đôi mắt buồn bã: “ Ba lại đi rồi chị ơi! Ba gửi lời chào chị! Ba nói chị đừng buồn…”. Em điếng người. Tiếng sáo định mệnh đời em lại ra đi. Em hốt hoảng một niềm thiêng liêng trân quý nhất vụt khỏi tay mình. Thất thần đau đớn khiến con gái ông lo lắng. Rồi như chợt hiểu ra niềm mãnh liệt trong mắt em. Cô bé òa khóc. Em như hóa đá trước giàn Ti Gôn hồng. Màu hoa thấm đẫm giọt mưa đông giá lạnh đêm qua giờ ánh lên như giọt nước mắt tủi hờn. Chị biết không chuyến đi đó cũng là chuyến đi cuối cùng của người ấy. Ông muốn hoàn thành công việc dang dở ở nước ngoài rồi trở về bên con gái và em… Nhưng cơn đau tim đột ngột đã cướp ông ấy của em mất rồi. Không chịu được nỗi đau em ốm lăn, ốm lóc và chẳng hiểu sao em lại trở về vườn chùa nơi em gặp ông. Em xuống tóc mượn tiếng chuông và cửa thiền để tìm niềm an nhiên cho mình.
Mắt em ướt đẫm! Tiếng chuông chùa vừa cất lên thong thả ngân nga. Em như bừng tỉnh bước qua nỗi đau. Tôi còn đang bồi hồi thì em đã nói: “ Mô phật! Đã tới giờ vào khóa tụng. Em xin phép”. Ngoài kia những chú tiểu đã gom hết lá bồ đề rụng. Một làn khói trắng bốc lên. Khói đã về trời. Sân chùa chợt ấm lên trong chiều đông chạng vạng… Vườn xưa ơi!.

3/4/2020
Lê Hà Ngân
Nguồn: Trích trong tập "Giấc hoa"
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...