Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

Hương vườn cũ 9

Hương vườn cũ 9

47.

PHONG, HOA, TUYẾT, NGUYỆT là bốn cảnh vật được nhà thơ, nhất là nhà thơ Cổ Điển, dùng làm đề tài ngâm vịnh. Tuy thế thơ được truyền tụng, lại không có bao lăm.

Xin nói về thơ PHONG, tức là Thơ GIÓ.
Và riêng nói về thơ của người Việt Nam.
Thơ đời Lý đời Trần rất có tiếng. Cổ nhân cho là hai đời thạnh nhất về thơ. Nhưng chưa được may mắn thưởng thức những bài thơ về Gió.
Về đời Lê, thì thấy được một bài trong Lữ Đường Di Cảo của THÁI THUẬN và một bài trong Truyền Kỳ Mạn Lục của NGUYỄN DỮ.
Bài của Thái Thuận làm theo thể thất ngôn bát cú:
Châu liêm quyện khởi bán sâm si,
Tá vấn tùng đầu tổng bất tri.
Lương tứ bàn hoa hồng lộng ảnh,
Hàn thinh đáo trúc thúy đê chi.
Bát song trần thế nhàn trung khiển,
Nhất chẩm Hy Hoàng phận ngoại di.
Khước tiếu thư hùng phân thái biệt
Man man thiên địa diệt thùy ti. 
Lời thật đẹp, tứ thật tốt. Mượn những cảnh hữu hình để tả cảnh vô hình, lại còn gởi được tâm sự của mình vào một cách kín nhẹm. Như thế là tuyệt tác!
Tiền giải nói về gió.
Hậu giải nói về người đối với gió.
Về tiền giải, chúng ta dễ nhận thấy cái hay cái thú của thơ. Còn về hậu giải, tưởng cũng nên biết qua thân thế và tâm sự của tác giả thì mới nhận thấy lý thú.
THÁI THUẬN đậu Tiến sĩ đời Hồng Đức và làm quan ở Nội Các ngót hai mươi năm trời. Tuy thi tài lỗi lạc và tuy ở bên cạnh nhà vua, song không được trọng dụng, chỉ làm một chức quan nho nhỏ: 
Tiêu điều hoạn xá như tăng xá,
Lảo đảo kim niên kịch vãng niên
(Trường An xuân mộ)
Danh phận không cao nên trách nhiệm không lắm. Tuy ra làm quan nhưng tấm thân an nhàn chẳng khác người ở ẩn và vì ở trong một nơi không ai tranh giành, nên khỏi phải bị cảnh “bể loạn lênh đênh” nay dời đi chỗ này mai đổi đi chỗ khác:
Bát song trần thế nhàn trung khiển,
Nhất chẩm Hy Hoàng phận ngoại di.
Nhưng nực cười người đời thấy gần hiểu hẹp, không biết rõ trình độ học thức, không thấy được tài năng cao rộng đến đâu, nên có chỗ trọng khinh đối với những kẻ đắc thế và những kẻ thất thế. Ví như trong trời đất man man, gió nào chẳng là gió, mà lại chia ra trống mái, đây gọi là PHONG DI, kia gọi là PHONG BÁ.
Khước tiếu thư hùng phân thái biệt,
Man man thiên địa diệt thùy ti.
Bài thơ thật hàm súc, không thể nào lột hết ý nghĩa. Nên tạm dịch:
Rèm châu nửa cuống bóng rung rinh,
Lui tới nào ai rõ ngọn ngành.
Tình thoảng hiu hiu hoa lộng thắm,
Tiếng xao lạnh lạnh trúc quằng xanh.
Thành nhàn chung thú song trần thế,
Phận vụ ngoài thân gối thái bình.
Cười bấy thói đời phân trống mái,
Chẳng suy trời đất rộng thinh thinh.
Và sau đây là bài thơ trong Truyền Kỳ Mạn Lục, làm theo thể ngũ ngôn luật, và nhan đề là:
SƠN PHONG
Linh lại khư u động,
Chung tiêu sách sách thanh.
Phiên ba hồng ý loạn,
Quyển thọ lục âm kinh.
Tăng nạp hàm lương thiển,
Chung lầu tống hướng thanh.
Man man thiên địa nội,
Phi vị bất bình minh.
Phỏng dịch:
GIÓ NÚI
Vi vút lừng hang thẳm,
Thâu đêm tiếng trống dồn.
Hoa xao hồng rối ý,
Cây chuyển lục kinh hồn.
Chuông lầu xa đẩy tiếng,
Áo sãi phất qua cơn.
Há giận vùng trời đất,
Mang mang tiếng nổi hờn.
Cặp trạng bài này và cặp trạng bài trước, ý tứ phảng phất giống nhau, nhưng tình thú khác hẳn. Nói về toàn bài thì bài của Thái Thuận thâm diệu hơn nhiều.
Song làm cho chúng ta thích khoái hơn cả là bài HỎI GIÓ của Tản Đà NGUYỄN KHẮC HIẾU:
Cát đâu ai bốc tung trời?
Sóng sông ai vỗ? Cây đồi ai rung?
Phải chăng dì Gió hay không?
Phong tình đem thói lạ lùng trêu ai?
Khoái tai phong dã!
Giống vô tình gỗ đá cũng mê tơi!
Gặp gió đây hỏi thử một đôi lời,
Ta hỏi gió: quen ai mà phảng phất?
Thử thị Đà Giang phi Xích Bích,
Dã vô Gia Cát dữ Chu Lang!
Ai cầu phong? Mà gió tự đâu sang?
Hay mãi khách văn chương tìm kết bạn?
Gió hỡi gió, phong trần ta đã chán,
Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong.
Nên chăng gió cũng chìu lòng.
Đây là một bài hát nói rất có giá trị về mặt văn chương, tình tứ. Tác giả rất lấy làm đắc ý, và đã tự giảng giải cùng phê bình:
“Bài hát này đặc sắc ở chỗ văn có nhiều màu mà tinh thần hoạt bát. Hai câu Mưỡu trên tuy chưa nói gì đến chữ gió, mà đọc lên nghe như thấy gió vậy. Câu Mưỡu thứ ba, hai chữ “Dì Gió” tức là chiếu lên ba chữ “ai” ở trên mà hỏi rõ. Câu Mưỡu thứ tư, chữ “phong tình, lạ lùng” tức là chiếu lên những sự “tung cát, vỗ sóng, rung cây” mà nói trách, cho được thấy rằng những sự gió làm đó, không phải là vô tình. Cứ bốn câu Mưỡu đó đã lọn nghĩa tự thành một bài văn.
Vào bài, bốn chữ “khoái tai phong dã” lại như một cơn gió bắt đầu nổi. Rồi vừa nói chuyện vừa hỏi, lời văn rung động, thủy chung như một trận gió vậy.
Trong bài dùng được nhiều những chữ “phong tình, phong trần, cầu phong, phảng phất, cánh hồng, chín vạn và rung cây, bốc cát” đều là màu gió cả. Văn có nhiều màu cho nên vui.”
Lời phê của tác giả thật xác đáng. Và đó là chỉ nói qua mà thôi. Nếu đi sâu vào chi tiết, chúng ta lại còn tìm thấy những cái hay cái thú của áng văn chương thanh diệu.
Đi đến thăm một nơi danh thắng, được có người hướng dẫn thì dễ nhận thức những vẻ đẹp vẻ lạ của cảnh vật. nhưng nếu người hướng dẫn, trình bày một cách tỉ mỉ, đưa đến tất cả mọi nơi, thì cái hứng thú không được trọn vẹn. Khách du quan phải tự tìm lấy những gì tàng ẩn mà người hướng dẫn không nói ra, thì mới thật là thú. Xem thơ hay cũng thế. Cho nên xin mời quí bạn lắng lòng để thưởng thức ba bài thơ Gió thượng dẫn. Trong vị còn có vị. Ngoài dây tơ còn có tiếng đàn. Nhận thức cho được mới thật “Khoái tai phong dã”.
48.

Thơ TRĂNG tôi được đọc nhiều hơn thơ Gió.

Tương An Quận Vương có bài VỊNH TRĂNG NON:
Khen ai cắc cớ bấm trời Tây
Tỉnh giấc Hằng Nga dậy vẽ mày.
Một mảnh lênh đênh chìm đáy nước,
Nửa vành lững thững dợn chân mây.
Cá ngờ câu thả tơi bời lội,
Chim ngỡ cung trương dớn dác bay.
Khuyên chúng chớ chê rằng chích mác,
Một mai tròn vạnh bốn phương hay.
Cặp trạng luận chịu ảnh hưởng bài thơ cổ:
Sơ tam tứ nguyệt mông lung
Bất thị kim câu bất thị cung.
Thùy bã kim bôi phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không
Nghĩa là:
Mồng ba mồng bốn nguyệt cong cong
Chẳng phải vòng câu chẳng phải cung.
Cắc cớ chén vàng ai xẻ nửa
Nửa chìm đáy nước nửa trên không.
Nói “kim bôi phân lưỡng đoạn” thì rõ là trăng non. Vì chén vàng xẻ làm hai thì miệng chén mỗi bên chỉ còn có nửa vành lóng lánh. Nhưng khi Nguyễn Du mượn ý đem vào Kiều:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
thì không còn là trăng non nữa, mà là trăng thượng huyền, lại nửa cân phân, một nửa anh đem đi, một nửa chị giữ lại. Đến khi vào tay Hàn Mặc Tử, thì nửa trăng lại trở thành trăng hạ huyền: [1]
Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi!
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
Gió làm nên tội buổi chia phôi!
mà thay đổi sắc thái hình dung. Trăng của cổ nhân thanh thanh như nửa vành chén và bình tĩnh thản nhiên. Trăng của Tương An sắc bén như chân mày của giai nhân mới kẻ, và xao xuyến chòng chành như chiếc thuyền trên sóng. Trăng của Nguyễn Du tuy có một nửa nhưng lại rất thăng bằng, tuy lẻ đôi nhưng lại có bạn, nửa thì bạn cùng người nương gối chiếc, nửa thì bạn cùng người rủi đường trường, lạnh lẽo mà êm đềm, lẻ loi mà ấm cúng. Đến trăng Hàn Mặc Tử thì thật là đau thương! Cầm dao mà xẻ mạnh một đường cho rời làm hai mảnh thì chỉ rát nếu lưỡi dao thật hay. Còn lấy răng mà cắn cho vỡ đi một nửa thì người cắn đã khổ sở mà vật bị cắn chịu đau đớn nhức nhối biết bao nhiêu! Và nửa vỡ đã không còn, mà nửa còn cũng không được trơn liền như vầng trăng xẻ nửa!
Trăng của trời xưa nay chỉ có một. Nhưng trăng của thi nhân thì mỗi người ít ra cũng có một vầng trăng riêng.
Chúng ta hãy ngắm vầng trăng của Hồ Xuân Hương:
Một trái trăng thu chín mõm mòm
Nẩy vầng quế đỏ đỏ lòm lom.
Giữa in chiếc bách khuôn còn méo,
Ngoài khép đôi khung cánh vẫn khòm.
Ghét mặt kẻ trần đua xói móc,
Ngứa gan thằng Cuội đứng lom khom.
Hỡi người bẻ quế kìa ai đó?
Đó có Hằng Nga ghé mắt dòm.
Trăng đây là trăng tròn, và vừng trăng được trình bày một cách vừa chân thật vừa tỉ mỉ. Những người giàu tưởng tượng nhìn vào thấy biết bao hiện tượng vui mắt nổi trên mỗi câu thơ.
Nhưng những kẻ tu hành sợ bị đọa thì hãy nhìn sang vầng trăng của một nhà thơ khuyết danh đời Lê:
Máy nhiệm xoay vần vốn tự nhiên
Này thu này nguyệt đối thanh niên
Băng cao dầy dẫy doành ngân chảy
Sáng tỏ làu làu bóng thỏ in.
Đòi chốn lâu đài gương vẽ khắp
Một bầu thế giới ngọc đông nên
Chị Hằng sánh với vầng hồng ấy
Biết mấy xuân thu biết mấy nghìn…
Văn chương cổ nhã, nói lên được vẻ trong sáng của trăng thu. Nhưng đó là vầng trăng của đồng bằng, chúng ta thường thấy. Hãy thưởng thức vầng trăng trên non đã mọc trong Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ:
Ẩn ẩn lâm sao quýnh
Liên không hạo khí phù
Hàm sơn ngân cảnh khuyết
Cách vụ ngọc bàn thâu.
Ảnh lạc tùng quan tịch
Lương hồi túc viện u
Thanh quanh tùy xứ hữu
Hà tất thượng Nam lâu.
Nghĩa là:
Ám ám rừng cây thẳm
Hừng hừng nổi giữa không
Ngậm cúi gương vàng khuyết
Xa mù dĩa ngọc trong
Mát về im viện trúc
Bóng rụng tạnh non tùng.
Trong sáng đòi nơi sẵn
Lầu Nam lọ đứng trông. [2]
Rõ là vầng trăng ở ngoài nhân thế, không bợn mảy trân hiệu. Câu trạng cho chúng ta thưởng thức vẻ đẹp cao khiết. Câu luận cho chúng ta thưởng thức cái thú thanh u.
Phải trải lòng sống với trăng mới có thể viết ra những lời trong trẻo đẹp đẽ như hai bài Trăng Thu và Trăng Núi. Đọc hai bài này có cái thú uống nước suối trong cốc pha lê dưới bóng cây cổ thọ, nửa buổi sớm mùa hè.
Thú thiên nhiên vô cùng vô tận. Nhà thơ chỉ sớt vào văn chương được chừng muôn một là nhiều. Thế mà gián tiếp thưởng thức chúng ta đã thích thú chừng đó huống hồ trực tiếp đón lấy thiên nhiên.
Trên đây là Trăng trên Núi. Hãy thưởng thức cùng cụ DƯƠNG KHUÊ quang cảnh và phong thú NÚI CÙNG TRĂNG:
Cao sơn nhất phiến nguyệt
Đã chơi trăng phải cho biết tình trăng.
Sơn chi thọ, nguyệt chi hằng,
Sơn có nguyệt càng thêm cảnh sắc.
Nguyệt quải hàn sơn thi bán bức
Sơn hàm minh nguyệt tử thiên tôn. [3]
Trăng chưa già núi hãy còn non
Núi chưa khuyết trăng vẫn tròn với núi.
Rượu một bầu thơ ngâm một túi,
Góp gió trăng làm bạn với non sông.
Núi kia tạc để chữ đồng,
Trăng kia nhớ mặt anh hùng này chăng?
Xinh thay kìa núi nọ trăng.
Và đây là trăng với nước: [4]
Xinh thay thiết thu thiên quang cảnh
Khi lạc hà dãi bóng tà dương.
Một con thuyền cạy bát bên giang,
Thu thủy cọng tràng thiên nhất sắc.
Vầng ngọc thỏ in sông vằng vặc,
Giữa giang tâm bóng lộn mấy tầng.
Trên một trăng, dưới một trăng,
Xui lòng kẻ hữu tình ngao ngán.
Thùy bã kim bôi phân lưỡng đoạn,
Hán trầm thủy để bán Thiên Thai. [5]
Vầng trăng ai xẻ làm hai
Nửa in dưới nước nửa cài trên không.
Nước trăng thăm thẳm một dòng.
Khách ngắm cảnh Trăng với Nước cũng như Trăng với Núi, lòng rộn rực chớ không thảnh thơ như khách nhìn trăng trên núi. Cho nên hồn thơ không thanh tịnh, và tứ thơ bàng bạc ở ngoài cảnh sắc chớ không đi sâu vào cảnh sắc để thấm dầm chân thú chân vị của thiên nhiên. Vì vậy đọc hai bài ca trù, lòng người đọc thấy vui vui thích thích, chớ không thú vị như đọc bài Sơn Nguyệt trong Truyền Kỳ.
Nhưng, trừ Hàn Mặc Tử ra, tất cả tác giả các bái thơ ca thượng dẫn đều là đối tượng của trăng, tức là trăng còn là đối tượng của người thưởng thức.
Nói một cách khác là tất cả chỉ yêu thích, chỉ trầm trồ khen ngợi trăng, chớ không lấy trăng làm nguồn an ủi, không tìm niềm vui sống nơi trăng.
Riêng Hàn Mặc Tử khi chưa mang bệnh nan y thì yêu trăng như yêu một người bạn yêu một người tình, đến khi lâm bệnh thì lấy trăng làm quê hương để gởi gấm tâm sự, hòa tâm hồn cùng trăng để sống một đời sống tươi đẹp yên vui. Ai đã đọc thơ Hàn Mặc Tử chắc thấy lời nói của tôi không chút ngoa [6]. Chỉ xét kỹ bài thơ “Một nửa Trăng” thượng dẫn, chúng ta cũng thấy rằng vầng trăng trong thơ không còn là đối tượng với tác giả, mà là hình ảnh tâm hồn của tác giả [7]. Vầng trăng mang nặng niềm đau đớn nhớ thương, đau đớn nhớ thương một cách ray rứt một cách thiết tha, của Hàn Mặc Tử. Nghĩa là niềm nhớ thương tha thiết nỗi đau đớn ray rứt của Hàn Mặc Tử do cảnh chia phôi tạo nên, đã thể hiện nơi vầng trăng đương nguyên lành bị cắn vỡ mất một nửa. 
Đó là vì cuộc đời của mỗi tác giả mỗi khác, tâm rạng của mỗi tác giả mỗi khác, cho nên hình dung và sắc thái của mỗi vầng trăng cũng khác hẳn nhau.
Vầng trăng từ nghìn muôn xưa vẫn có một, nhưng sắc tướng nghìn sai muôn khác. Những hiện tượng nghìn sai muôn khác do tâm người mà ra, tức do duyên sanh.
Mặt trăng là TÁNH.
Những ảnh tượng hình thái các nhà thơ diễn tả là TƯỚNG.
TÁNH bất biến.
TƯỚNG tùy duyên.
Cho nên những bài thơ nói về trăng dù hay đến đâu cũng chỉ là ngón tay chỉ trăng mà thôi, chớ không phải trăng.
Muốn rõ chân tướng của trăng như sao, chúng ta cần phải thể nghiệm.
Chú thích:
[1] Thượng huyền: từ khuyết đến tròn. Hạ huyền: từ tròn đến khuyết.
[2] Dũ Lượng đời Tấn là một bậc cao nhã rất ưa trăng. Khi làm Đô Đốc Kinh Châu, ông dựng một ngôi lầu cao ở phí Nam tư dinh. Những đêm trong mát, ông lên lầu ngồi thưởng trăng suốt đêm.
[3] Trăng treo núi lạnh thơ nửa bức, non ngậm trăng sáng rượu nghìn chung.
[4] Thơ khuyết danh.
[5] Thơ cũ đổi hai chữ sau.
[6] Trong tập THƠ HÀN MẶC TỬ đã xuất bản, có nhiều bài về trăng.
[7] Trong ĐÔI NÉT VỀ HÀN MẶC TỬ có bài nói về Trăng và HMT nên ở  đây chỉ nói sơ.
49.

Xuân là một mùa được nhiều người yêu chuộng nhất. Cho nên thơ nói về xuân, thơ ca tụng xuân nhiều hơn thơ về các mùa.

Thơ Xuân nhiều, tất nhiên có nhiều bài hay. Thơ đời Lý đời Trần đời Lê hầu hết đều là thơ chữ hán. Cụ Ngô Tất Tố đã sao lục và công bố được một ít thơ Lý, Trần. Và tôi cũng có được một ít thơ đời Lê.
Xin nói riêng về Thơ Xuân.
Thơ xuân hay nhưng khó xuất sắc, bởi xưa qua nay lại, tứ thơ không khỏi trùng nhau. Phụng, loan, công, trĩ… dù đẹp đến đâu mà nơi nào cũng có thời nào cũng có đầy vườn chật rừng, thì chỉ xem một vài con trong mỗi thứ cũng đã đủ. Vậy chúng ta lựa trong số thơ Xuân còn truyền tụng một ít bài có những nét độc đáo để thưởng xuân.
Trước hết chúng ta hãy thưởng thức bài XUÂN HIỂU tức là Buổi sớm mùa xuân, của vua TRẦN NHÂN TÔNG (1258-1308):
Thụy khởi khải song phi,
Bất tri xuân dĩ qui.
Nhất song bạch hồ điệp,
Phách phách xấn hoa phi.
Nghĩa là:
Giấc tỉnh hé song mây,
Xuân về lòng chửa hay.
Chập chờn đôi bướm trắng
Liền cánh lướt hoa bay.
Thật là thanh thoát! Thật là tế nhị! Không cần nói chi cho nhiều. Chỉ 20 chữ mà nói rõ hết ngoại cảnh và nội tâm. Tác giả lại còn cho chúng ta hưởng thêm cái thú “vô tình mới thật hữu tình”, cái thú “không ngờ mà có và có một cách tự nhiên”. Lòng không yên tịnh, không khoáng đạt, thì không thể thốt ra được những lời nói phong lưu ý vị như thế.
Chúng ta đọc thêm bài XUÂN CẢNH của nhà vua, để thấy rõ tâm hồn cảu con người tuy ở trong cảnh cao sang tột bực mà vẫn không đắm lòng trong dục lạc kiêu sa:
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phu.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Chỉ bạng lan can khán thúy vi.
Ý thú thật là siêu khoáng! Con người Thơ đã hòa mình vào cảnh vật khiến cho khách trần đến chơ cũng cảm hóa theo mà quên hết cả “nhân gian sự”.
Xin tạm dịch:
Dương liễu đầy hoa
Dịu dàng chim ca.
Thềm hương ánh nguyệt,
Nhẹ nhàng mây qua.
Khách trần đến chơi
Hỏi chi việc đời.
Lan can đứng tựa
Ung dung nhìn trời.
Thơ đời Trần cũng như thơ đời Lý thường ngậm chứa khí vị Thiền môn. Bởi vì Đạo Phật trong hai đời Lý Trần rất thạnh và những nhà học rộng tài cao phần nhiều ở trong của Chiền.
Sang đời Lê, Nho Giáo độc tôn. Phần nhiều các thi nhân đều dùng văn chương để tải đạo. Thơ chịu ảnh hưởng nhiều về triết học Trình Chu. Những nhà thơ lấy văn chương để giải thót tâm hồn vẫn chịu chung ảnh hưởng của thời đại. Như THÁI THUẬN là một.
Họ THÁI có bài SƠ XUÂN rằng:
Tam đông quá liễu nhất xuân quy,
Tác noãn đông phong phóng phóng xuy
Băng tuyết đống ngân phô thủy diện,
Kiền khôn sanh ý thượng lâm chi.
Liễu hoàn cựu lục canh du tịnh,
Đào thí tân hồng điệp vị tri.
Nhật mộ hương quan hồi thủ vọng,
Thảo tâm du tử bất thăng bi.
Tạm dịch:
Đông qua, xuân lại trở về đây,
Trải ấm từng cơn gió nhẹ bay.
Ngân tuyết băng lưa dờn dợn sóng,
Lượng trời đất trải đượm đà cây.
Xanh xưa nhuộm liễu oanh còn nín,
Hồng mới tô đào bướm chửa hay.
Ngoảnh lại làng quê trời xẩm tối,
Ngậm ngùi tấc cỏ dễ mà khuây.
Đứng trước cảnh “xuân mới về”, tác giả chẳng những chỉ xem bằng mắt, mà còn xem bằng tâm, bằng lý, và tác giả đã xem bằng lý trí nhiều hơn bằng mắt, bằng tâm. Tác giả mượn cảnh xuân để nói về lẽ “âm dương nhất khí”, “âm dương lưu hành, phát dục vạn vật”. nhân đó gởi chút lòng “mong đem tấc cỏ đền nghì ba xuân”.
THÁI THUẬN đậu tiến sĩ đời Hồng Đức. Tài cao học rộng, song không được nhà vua biết đến, nên ngót hai mươi năm trời chỉ giữ một chân quan nho nhỏ ở trong Các, cho nên thơ của họ Thái đều đượm vẻ buồn chán. Lòng buồn chán vẫn không dấu được trong lúc muôn vật khoe tươi. Nghĩa là những bài thơ Xuân của tác giả đều có giọng ai oán, hoặc nhiều hoặc ít. Bài thượng dẫn chưa cho chúng ta thấy rõ ràng chỗ “bất đắc chí” vì tác giả chưa nói hẳn ra. Tâm trạng của tác giả biểu hiện nơi các bài khác, như bài THƯƠNG XUÂN sau đây là một:
Thủy lưu đông thệ nhật tây bôn,
Cửu thập thiều quang kỷ kiến tồn.
Vũ ám vân mai phương thảo độ,
Oanh sầu yến thảm lạc ba thôn.
Phù sanh dĩ ngộ Nam Hoa mộng,
Lạc sự thùy đồng Bắc Hải tôn.
Giang thượng bất kham hồi thủ vọng,
Yên ba diếu diếu hựu hoàng hôn.
Tạm dịch:
Nước cuốn về đông, tây ác trầm,
Thiều quang chín chục sót bao lăm!
Oanh rầu yến thảm thôn hoa rụng,
Mưa lấp mây vùi bến cỏ thơm.
Giấc thắm Nam Hoa đời dễ lạc,
Chén vui Bắc Hải thú khôn tầm.
Trên sông khói sóng theo ngày tối,
Ngoảnh lại quê xa lệ khó cầm.
Lòng bi phẩn đối với thân thế cũng như thời thế bộc lộ nơi câu trạng. Nhưng xuống câu luận tác giả liền tìm lời an ủi: “Đời là thế, vì mấy ai phân biệt được giả chân, cũng như Trang Sinh vừa chiêm bao xong, thức dây không biết rằng mình chiêm bao hóa bướm hay bướm nằm chiêm bao hóa mình”. Và  “trên đời há dễ lắm người gặp được cảnh may mắn như Khổng Dung đời Hán, đi làm quan nơi Bắc Hải mà nhà lúc nào cũng đầy khách, chung lúc nào cũng đầy rượu”.
Và trong hầu hết các bài thơ xuân của họ Thái đều tỏ ý nhớ nhà nhớ cha mẹ.
Đối với người gặp được cảnh thuận thì xuân đem thêm hạnh phúc vào cho cuộc đời. Còn đối với người có tâm sự buồn thương thì hương sắc của ngày xuân chỉ làm cho nét thương tâm thêm sâu đậm. Đó là qui lệ chung áp dụng cho mọi nhà thơ chớ không riêng gì Thái Thuận.
Và xem qua mấy bài thơ xuân của Thái Thuận, chúng ta nhận thấy rằng tinh diệu chớ không siêu thoát. Khác hẳn với thơ của Trần Nhân Tông. Riêng nói về cái hay cái đẹp của thơ thì mỗi người có một vẻ xuân vậy.
Thơ xuân của cổ nhân còn nhiều. Nhưng chúng ta chỉ xem “đôi bướm trắng bay lượn trong hoa” và xem đi xem lại cho kỹ, xem với mắt, xem với lòng, xem với trí thì chúng ta cũng đoán biết được toàn diện của mùa xuân trong thơ cổ nhân, một cách khái quát.
Thơ xuân của cổ nhân là thế. Còn thơ xuân của các thi nhân hiện đại?
Thời cổ nhân là thời Hán văn thịnh hành, cho nên những cái hay cái đẹp của tâm hồn cổ nhân phần nhiều đều dồn nơi chữ Hán. Còn ngày nay là thời của Quốc âm, cho nên nói đến thơ xuân hiện đại, chúng ta được trực tiếp hưởng lấy thú. Và cái hứng thú do thơ xuân của các thi nhân hiện đại đưa đến cho quí bạn như sao, thì xin quí bạn hãy trải lòng đón lấy.
Trong làng thơ Quốc âm, nhà thơ nói về xuân nhiều nhất và có nhiều bài được truyền tụng, có lẽ là Tản Đà NGUYỄN KHẮC HIẾU. Cứ mỗi lần xuân đến thời tiên sinh có thơ nói về xuân hoặc đề cập đến xuân. Nhiều câu tuyệt tác. Như:
- Cành liễu đông tay cơn gió thoảng
Con tằm sống thác sợi tơ vương.
(Cảm xuân)
- Sương mù mặt đất người theo mộng,
Nhạn lảng chân trời kẻ đợi thư.
(Ngày xuân tương tư) vân vân…
Nhưng thơ thất ngôn của tiên sinh chưa rung cảm bằng thơ lục bát. Như bài VUI XUÂN sau đây:
Tin xuân đến ngọn cây đào,
Bảo cho hoa biết ra chào Chúa xuân.
Mỗi năm xuân đến một lần,
Thiều quang chín chục xoay vần chẳng sai
Ngày xuân còn mãi không thôi,
Tuổi xuân ai dễ xanh rồi lại xanh.
Đường mây những khách công danh,
Mày râu cụ lớn thay hình thanh niên.
Mày ngài mấy ả Khâm Thiên,
Én oanh dẫn lối con thuyền Tầm Dương.
Làng văn mấy bạn văn chương,
Bút hoa án tuyết, hơi sương mái đầu.
Tiểu thơ ai đó tựa lầu,
Thơ đào chưa vịnh, mai hầu bảy ba.
Trời xanh, trời cũng khi già,
Xuân xanh, xanh mãi đâu mà, hỡi ai?
Gặp xuân ta hãy làm vui,
Kẻo nay xuân đến, kẻo mai xuân về.
Vui xuân rượu uống thơ đề.
Những vần thơ trích dẫn, lục bát cũng như thất ngôn, đều ngậm ý buồn. Những câu thất ngôn vì ở trong “cảm xuân” và “ngày xuân tương tư” thì buồn đã đành, đến những câu lục bát nhan đề là “Vui Xuân”, mà toàn đưa ra những cảnh não lòng. Miệng nói “hãy vui đi” mà đôi tròng mắt đầm đìa những lệ! Tác giả chỉ vui gượng, vui gượng để quên buồn, quên buồn trong chốc lát để khỏi phụ tình xuân. Chớ quên thế nào được, vì:
Biết bao ra Bắc vào Nam,
Bức dư đồ rách đã cam khó lòng!
Văn chương chút nghĩa đèo bòng,
Thuyền không tay lái vẫy vùng được sao?
(Xuân tứ)
Ơn Tổ Quốc đã không lo đền được, mà nợ văn chương lại cũng không dễ gì trả xong thì nhìn non xanh nước biếc trong lúc xuân về đem cái già đến cho thân, làm sao không ngao ngán lòng cho được.
Nhưng thống thiết là bài hát nói GẶP XUÂN, tiên sinh làm năm Đinh Sửu (1937), hai năm trước ngày tiên sinh tạ thế:
MƯỠU
Gặp xuân ta giữ xuân chơi,
Câu thơ chén rượu là nơi đi về.
Hết xuân, cạn chén, xuân về,
Nghìn thu nét mực thơ đề vẫn xuân.
NÓI
Xuân ơi, xuân hỡi!
Vắng xuân lâu, ta những đợi chờ mong.
Trải bao nhiêu ngày, tháng, hạ, thu, đông,
Ròng rã nỗi nhớ nhung, xuân có biết?
Khứ tuế xuân qui sầu cửu biệt,
Kim niên xuân đáo khánh tương phùng.
Gặp ta nay, xuân chớ lạ lùng,
Kể từ độ quen biết xuân, bốn chín năm về trước,
Vẫn rượu thơ, non nước, thú làm vui.
Đến xuân nay ta tuổi đã năm mươi,
Tính trăm tuổi đời ta có nửa.
Còn sau nữa, được bao nhiêu xuân nữa,
Mặc trời cho ta chửa hỏi làm chi.
Sẵn rượu đào xuân uống với ta đi,
Chỗ quen biết luận gì ai chủ khách.
Thiên cổ vị văn song Lý Bạch,
Nhất niên hà đắc lưỡng đông quân.
Dầu trăm năm gặp gỡ đủ trăm lần,
Thơ với rượu cùng xuân ta cứ thế.
Ngoài trăm tuổi vắng ta trần thế,
Xuân nhớ ta chưa dễ biết đâu tìm.
Cùng nhau ta hãy uống thêm.
Tản Đà tiên sinh mất ngày 20 tháng 4 năm Kỷ Mão (tức 17 tháng 6 năm 1939). Và bài hát nói trên đây là bài thơ xuân cuối cùng của tiên sinh vậy.
Tiên sinh còn nhiều bài thơ xuân khác, thất ngôn có, lục bát có, song thất lục bát có, hát nói có… bài nào cũng chan chứa tình xuân, cũng ngậm chứa nỗi buồn hoặc man mác hoặc sâu sắc.
Nhưng lòng sầu của Tản Đà không não nuột, không ray rức như lòng sầu của hầu hết thi nhân đương thời, nhất là lòng sầu của CHẾ LAN VIÊN.
Chế Lan Viên có bài XUÂN VỀ rằng:
Pháo đã nổ đưa xuân về vang động
Vườn đầy hoa ríu rít tiếng chim trong.
Cỏ non biếc, giãi mình chờ nắng rụng.
Bên lau già, theo gió uốn lưng cong.
Đôi bướm lượn, cánh vương làn sương mỏng
Chập chờn bay đem phấn điểm muôn hoa.
Cất tiếng hát ngây thơ trên cỏ rộng,
Đàn chim khuyên đua nhặt ánh dương sa.
Hàng dừa cao say sưa ôm bóng ngủ,
Vài quả xanh khảm bạc hớ hênh phô.
Xoan vươn cành khéo mặt trời rực rỡ
Bên bóng râm lơi lả nhẹ nhàng đi.
Đây tà áo chuối non bay phấp phới
Phơi màu xanh lấp loáng dưới sương mai.
Đây pháo đỏ lập lòe trong nắng chói,
Đây hoa đào mỉm miệng đón xuân tươi.
Cảnh vật đều là những cảnh vật chúng ta thường thấy. Nhưng dưới mắt nhà thơ, những cảnh vật chúng ta thường thấy ấy lại hiện lên nhiều nét tân kỳ. Chúng đều có những dáng dấp riêng, đều có tâm hồn riêng. Chúng đã hiện hình dưới ngòi bút thơ linh động với “muôn sắc màu rạng rỡ dưới hương đưa”.
Chúng ta tưởng chừng như lòng thi nhân hớn hở tưng bừng trước cảnh. Sự thật thì trái hẳn:
Nhưng lòng ơi, sao không lên tiếng hát,
Nhớ làm chi cảnh cũ những ngàn xưa?!
Lòng hỡi lòng! Kìa trời xuân bát ngát
Muôn sắc màu rạng rỡ dưới hương đưa.
Thi nhân không cùng cảnh reo vui được là vì lòng “nhớ cảnh cũ những ngàn xưa” khiến cho mắt thi nhân nhìn thấy trong cảnh tưng bừng ngắn ngủi của ngày xuân, những cảnh điêu linh tàn tạ không tránh khỏi của nhân loại mà giống Chiêm Thành là tượng trưng. Cho nên thi nhân phải gào thét:
Hãy bảo ta: Cánh hoa đào mơn mởn
Không phải là khối máu của dân Chàm,
Cành cây thắm nghiêng mình trong nắng sớm
Không phải là hài cốt vạn quân Chiêm.
Quả dừa xanh không phải đầu chiến sĩ,
Xác pháo rơi không phải thịt muôn người.
Hãy bảo ta: trời xuân luôn vui vẻ,
Và bảo ta: Muôn vật đợi ta cười.
Ta những muốn vui cười, ta những muốn
Dẹp sầu tư, ca hát đón xuân tươi.
Nhưng than ôi, xuân về trong nắng sớm
Mà lòng ta, đóng lạnh giá băng thôi!
Cảnh xuân chẳng những không đem lại cho thi nhân đôi chút ấm áp, mà còn gợi trong tâm hồn những nỗi đau thương, hãi hùng như thế ấy, khiến nhìn vào đâu cũng thấy sầu thảm kinh hoàng:
Trời xuân vắng. Cỏ cây rên xào xạc,
Bóng đêm luôn hoảng hốt mãi không thôi.
Gió xuân lạnh, ngàn sâu thôi ca hát,
Trăng xuân sầu, sao héo cũng thôi cười.
(Đêm xuân sầu) 
Cho nên Chế Lan Viên không thích xuân: 
Tôi có chờ đâu có đợi đâu,
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu.
Với tôi tất cả như vô nghĩa,
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng,
Với của hoa tươi, muôn cánh rã,
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang.
(Xuân)
Trông xuân, Tản Đà cũng buồn cũng chán, song buồn chán một cách hiền lành khiến chúng ta dễ dàng chia sớt. Nỗi buồn của Chế Lan Viên vừa não nùng vừa ray rứt, lòng chán nản của Chế Lan Viên vừa mãnh liệt vừa dị thường, khiến chúng ta ngợp vì cao lớn, chớ không cảm bởi không hòa nhịp với tâm hồn bình dị của chúng ta.
Tản Đà và Chế Lan Viên là hai thái cực. Giữa hai nhà còn nhiều nhà thơ khác cũng có nhiều giai tác về xuân. Và những thơ xuân thời Pháp thuộc, hầu hết cũng như thơ Tản Đà và Chế Lan Viên, đều ngậm chất sầu. Vui tươi và bình thản không thường thấy trong những vần giai tác.
Đó là do hoàn cảnh xã hội. Bởi thi nhân dù cố ẩn mình trong tháp ngà đi nữa cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của chung quanh.
Đến khi toàn thể nhân dân đứng dậy đánh Pháp giành độc lập cho Tổ Quốc tự do cho giống nòi, thì lòng thi nhân cũng cùng với nước non mà tưng bừng rộn rịp. Nỗi vui mừng ấy thể hiện trong bài NHẬP VÀO XUÂN MỚI của Yến Lan:
Đèn chong gác hẹp - sầu nhân bản -
Cháy lụn guồng tim lạnh bút thơ.
Xuống thang mặt trắng bơ thờ,
Va vào thế sự còn ngờ chiêm bao.
Không gian hồng ngát rộng,
Man mác nẻo dương quan.
Mùa - tôi chưa kịp sống -
Đưa én dệt cây ngàn.
Chim ca tình lúa mới,
Cành múa trái mọng tròn.
Nắng không vương chờ đợi,
Đường cỏ mẹp chân mòn.
Triều dâng bể lớn - hồn dân tộc -
Lấp cạn cồn hoang loáng bãi dương.
Cỏ non in vết bạn đường,
Bốn phương dồn lại một trường hân hoan.
Núi thôi phân ranh giới,
Đường nối vạn lý tình.
Người mang hương vào hội,
Gót rỗ dấu trường chinh.
Nhịp chân vẽ hoa bụi,
Vung tóc lóe sương hồng.
Tiếng gọi trong lòng núi,
Lời đáp tự nguồn sông.
Cầm cày hiểu nghĩa đất,
Đạp cửi biết tình tơ.
Mài gươm rèn nết sắt,
Đọc gió cát tìm thơ.
Co tay vồng núi thịt,
Nhô trán đội trăng sao.
Nhai cỏ đắp thương tích,
Người xuân tắm nắng đào
Gió đùa mây ám - hờn nhân loại -
Vạch nẻo bình minh lóa bến vui.
Chiếc thuyền viễn thú tuông xuôi,
Nhấp nhô đảo biếc dường trôi theo thuyền.
Nắng chảy qua triền suối
Hao hao niềm cố nhân.
Lòng - tôi không tiếc nuối -
Gởi theo ngày xuất quân.
Hương ngập chẳng chờ hoa,
Hoa nở không đợi nguyệt;
Nguyệt lên giữa xế tà
Nhập vào xuân bất diệt.
Xuân ấm chân son - màu thế hệ -
Trên nền vũ tạ ấm sênh ca.
Nghiêng tai nghe nhạc hải hà,
Mờ trong tiếng nhạc, tiếng gà đêm đông.
Những bài thơ trích dẫn trên đây là những mảnh lòng xuân của những khoảng thời gian xưa cũ, những đóa hoa lòng còn sót lại với nắng mưa.
Sống trong giai đoạn mới, nhân lúc xuân về, ngồi ngắm lại những đóa xuân cũ ấy, người hữu tâm sao khỏi sanh niềm cảm cựu thương kim.
50.

Mùa Đông, khí trời lạnh lẽo lại thường hay mưa gió, cảnh vật tiêu điều, nên ít người thích. Nhưng đối với khách làng thơ, thì mùa nào có thi vị mùa nấy. Bởi vậy mùa đông cũng có nhiều thơ, có nhiều thơ hay tuy không nhiều bằng mùa xuân, mùa thu…

Ở Việt Nam, bài thơ Đông xưa nhất và được truyền tụng nhất mà tôi được biết là bài của Phù Gia Nữ Học Sĩ NGÔ CHI LAN, đời Lê Thánh Tông (1460-1497):
Bửu lư bát hỏa nhân bình tiểu
Nhất bối La Phù phá thanh hiểu
Tuyết tương lãng ý thấu sơ liêm
Phong đệ khinh thăng lạc hàn chiểu
Mỹ nhân kim trướng yểm lưu tô
Chỉ hộ vấn song phiến phiến hồ
Ám lý vãn hồi xuân thế giới
Nhất châu phương tín tiểu sơn cô.
Tạm dịch:
Lửa hồng lư nhúm sang bình bạc
Chén rượu tiêu sầu hương bát ngát
Hơi lọt rèm sưa tuyết lạnh lùng
Gió đưa ao quạnh bằng xao xác.
Nhà vàng người ngọc trướng lưu tô
Cửa sổ phòng văn giấy phất hồ
Xuân đã âm thầm xoay vận thắm
Tin mai non vắng một nhành phô.
Đó là một trong bốn bài từ Xuân Hạ Thu Đông đề nơi bình phong phòng khách, gọi là Tứ Bình.
Bài Đông - cũng như ba bài Xuân Hạ Thu - gồm hai bài tuyệt cú, một vần trắc một vần bằng. Tuy là hai bài khác vận, nhưng ý tứ liền lạc, từ trên xuống dưới đi một hơi, như tơ sen luồn trong hai khúc cọng bị ngắt.
Vào đề, tác giả nói ngày về mình đương ngồi trong nhà cao sang, sưởi lửa hồng, nhấm rượu ấm. Rồi mượn hơi tuyết lọt rèm sưa để đưa lòng ra tận nơi ao vắng rơi băng. Đoạn từ nơi vắng vẻ lạnh lùng trở về nơi nhà vàng cùng giai nhân ngồi nương trướng gấm.
Nhà vàng người ngọc trướng lưu tô. 
Ấm cũng quá! Song chỉ một mình kể cũng buồn. Tuy không lạnh lẽo chớ cũng lạnh lùng, lạnh lùng vì cõi lòng chưa có người ấp ủ. Nỗi lạnh lùng ấy chắc không kém gì nỗi lạnh lùng của anh hàn sĩ ngồi cùng quyển sách bên cửa sổ giấy phất đầy hồ để che gió lọt.
Tại sao tác giả lại đem giai nhân và hàn sĩ để gần bên thơ? Là vì khách phong lưu ngồi một mình làm gì khỏi mơ tưởng đến người phong nhã. Và khách phong nhã khi mở sách ra làm gì lại chẳng nhớ câu “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc”, mà để lòng đến khách phong lưu… Tài tử giai nhân là nợ sẵn… Trong khoảng xa cách vốn đã có sẵn tình gần gũi rồi:
Xuân đã âm thầm xoay vận thắm
Tin mai non vắng một cành phô.
Chuyển kết vừa làm thắm ý hai câu “tài tử giai nhân”, vừa làm ấm toàn bài thơ từ trên đến dưới. Thật khéo quá! Khí bài thơ thật chẳng khác anh khí của long mạch chạy từ núi phía Tây xuống đến núi phía Đông thì hồi cố. Và long huyệt nằm tại nơi “Kim trướng” và “vân song”.
Sau Phù Gia Nữ Học Sĩ thì có Liễu Hạnh công chúa.
LIỄU HẠNH Công Chúa giáng thế đời Lê Anh Tông (1556-1573) và hiển thánh đời Lê Thế Tông (1573-1599).
Cũng như Nữ Học Sĩ, Công Chúa nổi danh một thời. Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan cũng phải khâm phục.
Công Chúa cũng có bốn bài từ Xuân Hạ Thu Đông được truyền tụng. Đây bài Đông từ làm theo điệu Nhất Tiễn Mai:
Huyền minh bá lịnh mãn quan san
Hồng dĩ Nam hoàn, nhạn dĩ Nam hoàn.
Sóc phong lẫm liệt tuyết man man…
Biến ỷ lan can! Quyện ỷ lan can…
Ủng lư thượng nhĩ giác thanh hàn.
Tọa chẩm nan an! Ngọa chẩm nan an!
Khởi quan cô dịch lạc trần gian,
Ba bất tri hàn, nhân bất tri hàn.
Tạm dịch:
Mây huyền giăng líp núi sông
Xa xôi nhạn tiếp theo hồng về Nam.
Rét căm căm từng cơn gió bấc
Thêm từng cơn tuyết dật dờ rơi.
Lan can đứng mỏi lại ngồi
Lò hương lửa bén mà hơi chẳng nồng.
Trở vào trong nén lòng tựa gối,
Mới toan nằm đã vội đứng lên!
Từng không bỗng rụng nhạc tiên
Người bên hoa nở đều quên lạnh lùng.
Lời đẹp điệu cao. Nhưng đọc thơ, chúng ta chỉ biết rằng tác giả bị cảnh đông làm rung động tâm hồn, song không thể đoán biết tác giả bâng khuâng những gì!
Lý Bạch thấy mỹ nhân khóc, không biết khóc về việc gì. Nhưng nhìn người đẹp khóc, lấy làm thích thú, thích thú vì những giọt lệ long lanh đôi mày liễu nhíu lại, làm cho khuôn mặt đã đẹp càng đẹp thêm. Đọc bài thơ của Liễu Hạnh Công Chúa cũng thế. Chúng ta không biết vì sao tác giả ngồi đứng không yên, nằm ngồi không yên. Nhưng chúng ta thấy thích thú vì những cử chỉ ấy làm cho bài thơ thêm linh động. Đọc thơ tự nhiên chúng ta cảm thấy cũng đứng ngồi không yên nằm ngồi không yên, như chính mình là tác giả. Song rồi đọc tiếp:
Từng mây bỗng rụng nhạc tiên
Người bên hoa nở đều quên lạnh lùng.
Thì dường đương đứng trong nơi gió thổi, bống nghe tiếng địch thoảng…, gió liền ngừng… Nhìn ra: mặt hồ im lìm in rõ vầng trăng tròn lóng lánh… Lòng ta cũng như mặt hồ, tự nhiên trở nên trong sáng yên vui, quên tất cả những gì đã quấy rầy tâm trí.
Đó là đứng trên phương diện văn chương thuần túy mà thưởng thức.
Về mặt xã hội, qua hai bài trên, chúng ta cũng có thể nhìn thấy đôi cạnh khía của Lê triều.
Bà Ngô Chi Lan sống vào đời Hồng Đức là thời mà văn trị võ công của nước Việt Nam thịnh hơn tất cả các đời sau cũng như trước. Bà Liễu Hạnh ở vào thời họ Mạc và họ Lê đánh nhau. Họ Mạc làm vua ở miền Bắc gọi là Bắc triều, họ Lê đóng đô ở Thanh Hóa nhờ họ Trịnh phò tá, gọi là Nam triều.
Bài bà Ngô Chi Lan phản ảnh xã hội thời thịnh Lê.
Bài bà Liễu Hạnh phản ảnh xã hội thời Lê-Mạc, đúng hơn là xã hội dưới chế độ của họ Mạc ở miền Bắc.
Vì vậy cảnh đông trong thơ Công Chúa ám đạm và gay gắt thập bội cảnh đông trong thơ Nữ Học Sỹ. Đông của Nữ Học Sỹ tuy cũng có tuyết cũng có phong, song tuyết chỉ đưa hơi lạnh lọt rèm sưa, gió chỉ thôi băng nhẹ rơi trên ao vắng. Còn tuyết của Công Chúa bay mịt trời, gió của Công Chúa là gió bấc lẫm liệt, hai thứ hợp lại với nhau tạo thành khí lạnh đến độ lửa sưởi cũng không thấy ấm!
Nghĩa là hoàn cảnh xã hội dưới thời nhà Mạc ở miền Bắc thật là thống khổ. Do đó lòng người mà hồng nhạn là biểu tượng đã hướng về Nam hầu hết.
Câu “Cô địch lạc trần gian” không phải là sự thật mà chỉ là lòng ước mong hiện ra thơ.
Đi sâu vào hoàn cảnh xã hội, chúng ta không còn thắc mắc: “Vì sao tác giả đứng ngồi không yên, nằm ngồi không yên”. Đứng ngồi không yên, nằm ngồi không yên, là vì thương xót người đời phải chịu khổ sở vì cảnh “sắc phong lẫm liệt tuyết man man” của nhà Mạc.
Hoàn cảnh xã hội thời Mạc là thế. Còn thời thịnh Lê, xã hội Việt Nam có thật tốt đẹp hoàn toàn?
Nói thái bình thạnh trị là nói một cách tương đối thôi. Chớ cảnh chênh lệch giữa kẻ giàu người nghèo, mà Nhà vàng dừng trướng lưu tô, phòng văn phất giấy cho đỡ rét, làm tượng trưng, còn quá rõ rệt thì làm gì có thái bình thạnh trị thật sự. Vã nếu có thật sự thì tác giả còn ước “vãn hồi xuân thế giới” mà làm gì?
Nghĩa là thời thịnh Lê chưa phải là thời Nghiêu Thuấn. Còn nhiều sự bất công trong xã hội khiến người có thiện tâm thiện chí không vừa lòng.
Lòng bất mãn của một số trí thức đối với thời Thịnh Lê biểu lộ rõ ràng trong bài thơ Đông của THÁI THUẬN, người đồng thời cùng bà Ngô Chi Lan và làm quan ở Nội Các:
Lao niên ngột tọa tịnh như ngu
Liễu giác quang âm tợ khích cu.
Hà thủy hữu băng ngư tín đoạn
Lâm a vô diệp thước sào cô
Công danh thùy nghĩ Bình Hoài tướng
Văn sử ngô tàm Phụ Hán nho
Vị bã âm dương tiêu trưởng lý
Mai ba chi thượng vấn Nghiêu Phu.
Nghĩa là:
Suốt năm ngồi lặng dường ngu tối
Ngày tháng đành hay ngựa lướt song
Vắng vẻ tin thơ dòng giá đọng,
Bơ vơ tổ thước dặm rừng không.
Công danh ai dễ so Hàn Tín?
Văn sử ta riêng thẹn Tử Phòng.
Đem lẽ âm dương hỏi Thiệu Tử
Cành mai phải tiết nhởn nhơ bông.
Bài thơ có ngụ ý cảm khái.
Cảnh đông thật lạnh lẽo tiêu điều! Dưới mắt tác giả Thái Thuận, cảnh đời vua Lê Thánh Tông có khác gì mùa đông sông giá rừng không!
Và mượn điển Hàn Tín Tử Phòng vào cảnh mùa đông, chứng tỏ rằng thời thịnh Lê, chánh thể có khác gì đời Hán Cao Tổ là đời thể hiện trung thực câu “cao điểu tận lương cung tàng”, đời mà các nhà làm sử “văn nô” tán tụng là thái bình thịnh trị. [1]
Câu luận phải chăng là ám chỉ việc triều đình nhà Lê tru di gia đình Nguyễn Trãi là một bậc khai quốc công thần vừa có tài vừa có đức? [2] Hay việc Lê Lợi bức tử Trần Nguyên Hãn, tru di Phạm Văn Xảo mà công đối với nhà Lê chẳng khác công Hàn Tín đối với nhà Hán.
Bài thơ ý tứ thật thâm viễn, đã có giá trị về mặt văn chương còn có giá trị về mặt lịch sử. Nó tố giác mặt trái của một thời đại được lịch sử trải gấm thêu hoa.
Và đó là mùa đông của thời xưa.
Còn mùa đông của thế kỷ XX này?
Ai nấy đều đã thể chứng.
Chú thích:
[1] Bài này đã giải thích rõ ở trong tập Những Bức Thư Thơ nên ở đây chỉ nói qua.
[2] Xem bài số 52 ở sau (Dùng điển) đoạn nói về cách Tá Dụng.
51.

Mùa Đông đối với năm cũng như tuổi già đối với đời người. Cảnh trời thường gió mưa lạnh lẽo. Trong mình người già cũng lạnh lẽo theo gió mưa. Già rồi chết cũng như hết năm rồi Tết. Tết để qua năm mới. Chết để qua đời mới. Cho nên đám chết cũng như ngày Tết phải cử hành theo nghi lễ, phải có liễn đối, đèn hương. Hai bên chỉ khác nhau ở sắc thái.

Vì tuổi già và gần hết năm có chỗ giống nhau, nên hôm nay thấy người ta rộn rịp sắm sửa để đưa đám chết năm Ất Tỵ, tôi xin nói về thơ GIÀ cho “hợp thời trang”.
Trước hết xin đưa ra một bài thơ già có tính cách chung cho mọi người: khóm róm, tai nặng, mắt lờ, không thích chua, không thích béo. Bài thơ của cụ tú NGUYỄN KHUÊ, triều Tự Đức:
Già này cũng bởi lúc còn trai
Khóm róm bao giờ dám trách ai
Béo sợ ngây dầu không hảo mỡ
Chua e nhăn mặt chẳng thèm xoài
Mắt lờ chậm thấy ai ai mãi
Tai nặng lâu nghe hữ hữ hoài
Tuy vậy thấy già ai cũng ước
Sống mà vô ích sống chi dai.
Lời tự nhiên, lòng thản nhiên. Cặp luận tuyệt! Thật ra ông già trăm phần trăm. Chuyển kết cũng thật hay. Nói rõ được tình đời. Khởi thừa cũng khéo. Nếu không có trai đâu có già. Nếu trai biết luyện thần dưỡng khí thì già đâu đến nỗi phải khóm róm phều phào.
Ông già trong bài thơ của cụ tú là một ông già bình dân, giản dị, thật thà. Ấy vì cụ Tú, sau bao nhiêu năm lận đận nơi trường ốc, cụ về nhà sống với cảnh điền viên, “thú quê thuần hoặc bén mùi”. Nhưng cũng lắm người đỗ đạc cao, làm quan lớn, đến lúc về già, cũng rất hiền lành giản phác, như cụ Tam Nguyên Yên Đỗ. Cụ có nhiều bài thơ già, bài sau đây hay nhất: Đọc lên chúng ta thấy rõ tánh tình và tâm sự của cụ lúc tuổi già:
Năm nay tuổi đã bảy mươi tư,
Rằng lão rằng quan tớ cũng ừ.
Lúc hứng đánh thêm ba chén rượu,
Ngồi buồn ngâm láo ít câu thơ.
Bạn già lớp trước nay còn mấy,
Việc cả mười phần chín chẳng như.
Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa,
Thử xem mãi mãi thế này ư?!
Mới nghe qua thì dường như tác giả thản nhiên trước cuộc đời, riêng lấy thơ rượu mà vui với tuổi già. Nhưng một mình ngồi ngâm thơ, một mình ngồi uống rượu, nhìn cảnh ngày nay, nghĩ chuyện đời xưa…, tất cả đều bất như ý, mười phần đến chín! Còn gì buồn bằng!
Bạn già lớp trước nay còn mấy
Nói lên cảnh cô độc, vô tri kỷ!
Việc cả mười phần chín chẳng như.
Nói lên nỗi lòng thất vọng, lòng đau đớn! Việc cả đây là việc quốc gia đại sự. Làm trai đứng trước cảnh nước nhà nghiêng ngửa mà không làm được gì để cứu vãn tình thế, đành khoanh tay ngồi ngó cho đến chết! Người có tâm huyết ai khỏi não lòng! Buồn nhưng vẫn còn nuôi hy vọng rằng sẽ có kẻ cứu lấy non sông. Vì truyền thống anh dũng của giống nòi, lẽ đâu con cháu đành chịu nhục như thế này mãi? Tác giả thất vọng nhưng chưa tuyệt vọng. Chưa tuyệt vọng nhưng hy vọng quá mong manh. Hy vọng trong nghi ngờ:
Thử xem mãi mãi thế này ư?!
Bài thơ đi lần lần từ chỗ gần như thản nhiên đến chỗ xốn xang khó chịu! Nỗi buồn không nước mắt, nằm lắng dưới đáy lòng, thỉnh thoảng phát hiện bằng một cái chép miệng rồi theo sau một cái thở dài trong nơi vắng vẻ đìu hiu. Một nỗi buồn không não nuột nhưng thấm thía.
Nghĩ tội nghiệp những ông già đã nặng tuổi trời mà còn nặng tình đất nước! Nặng tình đất nước mà không làm gì được cho đất nước, chỉ đanh đau đớn ngấm ngầm!
Nhưng cũng có nhiều ông già sống trong thời Tổ Quốc không còn độc lập, nghĩa là đồng thời cùng cụ Nguyễn Khuyến, tức là lúc người Pháp đã xâm chiếm đất nước Việt Nam, mà không có tấm lòng thương đau của Nguyễn Khuyến. Như tác giả bài sau đây là một:
Tuổi tác nay đà ngoại sáu mươi,
Hơn ai chẳng dám dám thua ai.
Hai bàn tay trắng làm nên thế,
Một tấm lòng son ở với đời.
Lấy phước mà đong lo cũng mệt,
Có duyên thời gặp dễ như chơi.
Xoay vần máy tạo coi chừng lẹ,
Hết đó rồi đây cũng tới nơi.
Tác giả có phần tự đắc, nhưng tự đắc một cách hiền lành. Mà tự đắc cũng phải, vì tác giả - cụ Trần Chí Tín - là một vị quan lớn, tự lực mình mà dựng nên sự nghiệp vẻ vang. Tuy tự đắc nhưng đối với đời, tác giả vẫn giữ vững “tấm lòng son”, vì biết rằng mình được thế, một phần lớn cũng nhờ duyên nhờ phước, chớ chẳng phải chỉ do tài năng. Huống hồ đời người có bao lắm. Cái chết đến hết người này tới người khác, hết đó rồi tới đây nay mai. Mà sau khi nhắm mắt rồi thì kẻ bị gậy, người cân đai cũng đều chung một hòn đất.
Quan niệm như thế nên tác giả thản nhiên trước cuộc đời. Kể cũng khỏe, kể cũng sướng. Khỏe sướng hơn cụ Tam Nguyên Yên Đỗ nhiều.
Nhưng chưa sướng bằng tác giả bài sau đây: 
HƯU QUAN LỤC THẬP TỰ THỌ
Rằng nay là phải hẳn xưa nhầm,
Xe ngựa đường xa cát bụi lầm.
Ba luống cúc tùng nhờ quả phúc,
Sáu mươi mày tóc chửa hoa râm
Hầu non bốn chị sinh năm một,
Bạn cũ mười anh chết đến năm.
Lộc nước còn nhiều hưu bỗng dưỡng
Muốn như Bành Tổ tám trăm năm.
Không biết ông hưu quan này tên gì ở đời nào mà có một cuộc đời đầy đủ đến thế? Đã làm quan lớn, lại dồi dào sức khỏe để trọn hưởng cái thú giàu sang. Sống trong cảnh nhung lụa thế này, thì sống như Bành Tổ cũng nên sống. Nhưng sướng đến đâu rồi cũng chẳng được gì đâu, “chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. Sống làm sao để khi chết rồi còn để lại một cái gì cho hậu thế, ít ra cũng để lại một chút lòng son, như cụ Tam Nguyên Yên Đỗ mà:
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Muôn dặm hồn tan bóng nguyệt mờ. 
Hoặc như cụ tú Nguyễn Khuê đã từng đứt ruột khi nghe tiếng kèn Tây thổi vang trong đất nước:
Mây mưa lợt đợt gió hiu hiu,
Một tiếng tò loe ruột chín chiều!
Cây cỏ đòi nơi buồn dượi dượi,
Non sông bốn mặt vắng thiu thiu!
Ải lang mờ mịt trời un khói,
Chằm nhạn lênh đênh nước tản bèo!
Ướm hỏi bao giờ bờ cõi cũ
Ngậm cơm vỗ bụng thấy trời Nghiêu. 
Đứng trước cảnh đau lòng của đất nước mà không làm gì được, nên cụ mới thốt ra câu:
Sống mà vô ích sống chi dai! 
Các bài thơ kể trên sản xuất trước đây từ năm mươi năm trở lên. Tôi dám quả quyết như vậy đã được nghe từ thuở nhỏ. Bây giờ chúng ta hãy nghe một bài “Tự thuật” của một ông lão 80 tuổi làm năm Bính Thân 1956, nghĩa là cách đây chưa bao lâu: 
Ngựa tre rong ruổi thú reo cười,
Nay đã thành ông cụ tám mươi.
Còn lắm tỉnh say theo cuộc thế,
Trải bao chua ngọt với mùi đời.
Lựa vai quan lão thêm nghề hát,
Cắp bút thầy đồ sẵn chuyện chơi.
Già hẳn kém duyên chưa kém nợ,
Nợ thi nợ tửu vướng nhiều nơi.
Tác giả là cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị.
Lời thơ không gọt đẽo, tự nhiên như lời nói chuyện. Ý thơ không nhồi nặn, vị thơ không nồng nàn. Những tâm hồn chỉ ưa những gì say sưa, đắm đuối…, những gì khích thích mãnh liệt…, đọc phải, nhất định chê là nhạt nhẽo, vô vị. Nhưng chúng ta thử “chíp chắp” xem: Có bòn hòn lẫn lộn trong ấy. Nhất là ở cặp luận, vừa tả hoàn cảnh của tác giả, vừa tả hoàn cảnh của xã hội. Chỉ là trò hề, chỉ là chuyện chơi, không có gì là chính đáng, không có gì thiết thực, để đem lợi ích cho nước cho dân. Lấy thơ lấy rượu làm bạn với tuổi già, nhưng cũng chả có gì thanh thú, chẳng có gì là cao nhã, chẳng qua là một món nợ đời nữa đó mà thôi. Một lần, tôi đưa vị hòn hòn này ra trình cụ, cụ cười ngâm:
Biết ai tâm sự gởi mình,
Mua tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên Quân. 
Xem thơ, nhất là thơ của các ông già, chúng ta phải tìm “cái vị ở ngoài cái vị” phải lắng cái “tiếng ở ngoài đường tơ”, thì mới thấy thú.
52.

Từ ngày tiếp xúc với Tây Phương, nước Việt Nam cũng như các nước đồng văn ở Á Đông, dùng hai thứ lịch:

- Dương lịch, tục gọi là lịch Tây, dùng trong các công sở tư sở, dùng trên các giấy tờ hằng ngày, trong các công việc hằng ngày.
- Âm lịch, tục gọi là lịch Ta, dùng trong những việc có tính cách thiêng liêng trong gia đình, đôi khi ngoài xã hội, như hôn nhân, tang chế, tế lễ…
Dương lịch quí vì tiện lợi.
Âm lịch thuộc về tâm linh.
Vì dùng hai thứ lịch, nên trên các tấm lịch in bán trong nước đều ghi cả ngày Tây và ngày Ta. 
Thời Pháp thuộc, ngày Tây có ghi thêm chữ Pháp, ngày ta có ghi thêm chữ Hán, và ngày Tây ghi ở trên, ngày Ta ghi ở dưới. 
Vịnh lịch, Phan Sào Nam có câu: 
+ Chữ Pháp đè trên đầu chữ Việt
Ngày Ta nằm dưới đít ngày Tây.
+ Nhìn tháng Chạp ta đầu ngó xuống
Trông mùa xuân họ mắt dương lên.
Rõ là lịch mà cũng rõ là tình cảnh đau thương tủi nhục của người Việt Nam thời Pháp thuộc: lúc nào, ở đâu cũng phải chịu cảnh đè ép cúi lòn!
Vì dùng hai thứ lịch, nên ăn hai thứ tết: Tết Tây và Tết Ta.
Tết Tây ăn trước Tết Ta ít nhất cũng một tháng. Và ngày Tết Tây còn có phần rầm rộ tưng bừng hơn ngày Tết Ta. Nhưng chỉ rầm rộ tưng bừng ở nơi thành thị, nơi có quan Tây đóng trụ sở. Khắp thành phố đều phải treo cờ Tam tài. Ban đêm phải thắp đèn lồng trước cửa. Ở các công sở, nhất là ở Tòa Sứ, Tòa Khâm, Phủ Toàn Quyền… trang trần cực kỳ lộng lẫy, và tiệc tùng lễ lạc tưng bừng… Các quan Tỉnh, Phủ, Huyện…, áo gấm áo sô, đến mừng tuổi quan thầy với những khiên lễ vật có lọng che. Những bài chúc từ dài đằng đẵng ca tụng chánh sách của Mẫu quốc và tài năng đức độ của các quan cai trị Lang Sa! 
Trong dinh thự thì chúc mừng rộn rịp. Ngoài đường thì xe ngựa lao xao. Rõ có cảnh tượng thái bình thịnh trị!
Đứng trước cảnh vui mừng tở mở ấy, một vị thâm nho có bài thơ tức cảnh: 
Đầy phố tam tài dấp dới bay
Tưng bừng ăn tết! Tết ai đây 
Đít cua rổn rảng trời e điếc,
Cổ nhác li bì đất muốn say! [1]
Xe ngựa lao xao con nước mẹ [2]
Mày râu nhẵn nhụi vợ ông Tây.
Một năm vui thú hai lần tết
Con cháu Rồng Tiên sướng thế này!!
Bài thơ giọng mỉa mai, ý cay độc.
Tết không phải của mình mà mình cũng “ăn” cũng “mừng”. Thế là ăn chực, mừng a dua.
Đít cua đọc chúc ai? Chúc bọn người cướp nước! Chúc để chi? Để được uống chực rượu cổ nhác chúng ban cho!
Nước mình có đó mà mình không lo thờ, lại đi thờ nước ngoài, rồi gọi nước ngoài là Mẫu quốc! Và một số người, bên ngoài thì đường đường là những đấng tu mi nam tử nhưng bên trong không khác đám Sở Khanh ăn nhờ chốn buôn hương bán phấn, đem thân ra phụng sự kẻ thù với tính cách tôi đòi thê thiếp mà không chút thẹn với lương tâm. Những khi có lễ lạc tiệc tùng còn chường mặt ra nịnh bợ quan thầy một cách trơ tráo vênh váo! 
Chủ ý của tác giả nằm ở câu luận. Mà ý tứ của câu luận dồn ở chữ “con nước mẹ” và “vợ ông Tây”.
“Con nước mẹ” là giọng mắng khéo, không thâm độc bằng “vợ ông Tây”.
Những đàn bà lấy Tây hầu hết là hạng người bần tiện, bị xã hội coi khinh. Người ta gọi là Me Tây. Mà người đàn bà đi làm me tây thì có đủ phương tiện để phục vụ cho ông Tây, chớ bọn mày râu nhẵn nhụi làm me tây kia lấy phương tiện đâu mà phục vụ? Không có phương tiện thiên phú thì phải tự tạo lấy phương tiện để làm vui lòng ông Tây!! Hành vi đê tiện hơn me tây thật sự một bậc!! Lại thêm đám me tây khăn yếm chỉ làm đĩ có thân xác, còn bọn me tây mày râu còn phải làm đĩ cả tâm hồn. Sao biết? Chỉ một việc gọi nước của quan thầy là Mẫu quốc cũng đủ chứng minh. 
Bài thơ TẾT TÂY cũng như những câu VỊNH LỊCH của Phan Sào Nam không phải là Dương Xuân Bạch Tuyết. Nhưng có một giá trị đặc biệt là phản ảnh hoàn cảnh xã hội và tâm trạng hàng sỹ phu yêu nước thời Pháp thuộc. Với những mảnh gương như thế, chúng ta cũng có thể dùng để soi xem mặt mũi của chúng ta - con người sống trong thời gọi là tự do dân chủ - có sạch sẽ tốt lành hơn con người sống dưới ách nô lệ thời trước.
Đó là về mặt xã hội. 
Về mặt văn chương bài Tết Tây cũng như những câu Vịnh Lịch cũng có một giá trị riêng là có bản sắc, có khí cốt, có linh hồn.
Không phải là hoa mà là trái.
Cho nên dù không có sắc mà vẫn có vị có hương.
Vì vậy đáng truyền tụng.
Chú thích:
[1] Đít cua phiên âm chữ Discours là chúc từ.
Cổ nhác phiên âm chữ Cognac là tên một thứ  rượu Tây.
[2] Nước mẹ dịch chữ Quốc Mẫu ra.
Con nước mẹ là chỉ bọn thực dân Pháp và đám người theo Pháp coi nước Pháp là Mẫu quốc. Thời Pháp thuộc chỉ có bọn này là sung sướng và ngày Tết Tây cũng chỉ bọn này là náo nức rộn ràng.
53. 

Khi viết văn làm thơ, một số tác giả, nhất là phái có Hán học, thường mượn một sự tích xưa, hoặc một câu văn câu thơ cổ, để diễn tình diễn ý của mình, nhưng không kể rõ sự tích ấy, không dẫn cả câu nguyên văn, mà chỉ dùng một vài chữ liên hệ.

Cách ấy gọi là dụng điển cố.
Lấy sự tích xưa “sai sử” cho nó ứng dụng vào văn thơ của mình, thường gọi là DÙNG ĐIỂN.
Lấy chữ trong cổ văn cổ thi đem vào thơ mình để cho văn thơ mình ngậm chứa một phần lớn ý nghĩa của toàn câu cổ văn cổ thi ấy một cách kín đáo. Đó là MƯỢN CHỮ. 
Xin mượn bài thơ BÁN CHỮ của Phan Sào Nam sau đây làm ví dụ:
Thưa các anh em, các chị em
Chữ tôi hay lắm phải pha dèm. [1]
Trời e sao đổ ngăn người đọc,
Đất sợ sông nhào đón kẻ xem. [2]
Sấy lửa cha Tần càng quý lắm,
Chữa phong chú Tháo lại kỳ thêm.
Tinh thần một lối văn không mực,
Chả tốn tiền mua cũng đã thèm. 
Đó là bài “Rao hàng” khi Phan tiên sinh mở Mộng Du Thi Xã. Bài thơ mượn chữ dùng điển khá nhiều.
Trong câu thứ ba, chữ “sao đổ” là mượn của Lý Thái Bạch.
Nguyên một hôm Lý Bạch dong thuyền chơi đêm. Trước thuyền treo một lá cờ đề hai chữ “Thi Bá”. Thuyền Đỗ Phủ đi qua trông thấy, Đỗ liền cất tiếng ngâm:
Hà nhân giang thượng xưng thi bá?
Nguyện bả văn chương thí nhất khan. 
Nghĩa là:
Dòng sông ai ấy xưng thi bá?
Đưa thử văn chương thưởng chút nào. 
Lý Thái Bạch liền tiếp:
Thâm dạ bất kham đề tuyệt cú
Củng kinh tinh đẩu lạc giang hàn. 
Nghĩa là:
Thơ hay chẳng nở đề đêm vắng,
Sợ lạnh lòng sông rụng hết sao. 
Từ ấy Lý Đỗ trở thành đôi bạn chí thiết trong đời và trong thơ.
Còn chữ “sao đổ” do chữ “tinh đẩu lạc” mà ra.
Còn chữ “sông nhào” chưa rõ tác giả mượn chữ ở đâu. Trong bài “Giang thượng ngâm” cảu Lý Bạch, có câu:
Hứng hàm lạc bút dao Ngũ Nhạc,
Thi thành tiếu ngạo lăng Thương Châu. 
Nghĩa là:
Hứng tới bút sa lay Ngũ Nhạc,
Thi xong cười ngạo nuốt Thương Châu.
Không biết có phải tác giả dựa theo ý hai câu ấy mà xuống chữ “sông nhào” chăng.
Nhưng dù lấy chữ ở đâu, “sông nhào” cũng như “sao đổ” không phải là chữ “tạc không” tức là tác giả tự đặt ra, mà đều là chữ có “xuất xứ”.
Và đó là “Mượn Chữ”. 
Còn câu năm, câu sáu, tác giả dùng điển.
Câu “Sấy lửa cha Tần” dùng điển Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn học trò, để ám chỉ chánh sách ngu dân của bọn cầm quyền lúc bấy giờ.
Câu “Chữa phong chú Tháo” mượn điển trong Tam Quốc: Trần Lâm viết hịch kể tội Tào Tháo. Tào Tháo đương bị cảm phong, đầu nhức hỏa xông, đọc bài hịch, liền toát mồ hôi, khỏi bệnh. Mượn điển ấy để nhắn ngầm quốc dân rằng tác giả sẽ dùng văn chương để lột trần dã tâm của bọn Thực Dân Phong Kiến, hầu mong chúng có sợ mà sửa đổi chánh sách độc ác của chúng đi chăng. 
Những chữ “Văn không mực” cũng là “chữ mượn”. Đó là do những chữ “Vô ngôn thi”, “Vô tự kinh” mà ra. Ý tác giả muốn nói:
- Lâu nay bọn cầm quyền e sợ “sao đổ, sông nhào”, cấm đồng bào không cho đọc cho xem sách vở của cụ, nên cụ phải mượn “Mộng Du Thi Xã” để liên lạc cùng các bạn hữu chí hữu tâm… Nếu bọn chúng lại cấm nữa thì sẽ dùng đến cách “thần giao” để lòng nhau thông cảm những khi cần.
Bài thơ kể cũng khó hiểu. 
Không phải tác giả muốn khoe hay chữ hay làm “khó dễ” cùng độc giả, mà chính để tránh lưỡi kéo độc ác của tòa kiểm duyệt đương thời. Vì những người coi về việc kiểm duyệt thời Pháp thuộc đều là những người ít biết chữ Hán. Những kẻ chỉ học chữ Tây để lo phụng sự cho quan thầy hầu kiếm giàu sang, thì làm gì biết điển cố trong văn chương. Mà đã không biết điển cố thì làm gì hiểu thấu được dụng ý của tác giả. nhờ thế mà bài thơ được đăng lên báo chí và truyền đi xa. 
Dùng điển rất có lợi:
- Câu văn gọn ngắn mà bao hàm được nhiều ý nghĩa.
- Câu văn thêm đẹp, lời văn thêm ý vị thêm thanh tao.
- Lời nói, ý tưởng trong câu văn được chứng minh.
Dùng điển cố cho khéo, chẳng những có lợi cho tình ý trong câu văn bài thơ, mà còn gợi thêm trong tâm trí người đọc những hình ảnh những tư tưởng ở ngoài câu văn bài thơ. 
Ví dụ đề Nghĩa Lư bà ái cơ của Thanh Xuyên Hầu đời Tây Sơn, PHẠM THÁI có câu:
Cỏ biếc chẳng treo hồn Sở trướng,
Trúc vàng thà điểm giọt Ngu cung.
Thanh Xuyên Hầu qua đời, bà ái cơ thắt cổ chết theo, nhưng người nhà cứu khỏi. Bà bèn cất nhà bên mả chồng để cư tang. Câu trên dụng điển bà Ngu cơ vợ Sở vương Hạng Võ tự tử ở Cai Hạ. Câu dưới dùng điển Nữ Anh Nga Hoàng khóc vua Ngu Thuấn tại Tương Giang. 
Hai câu đó đã diễn tả tình cảnh và tâm sự của bà ái cơ một cách thấu đáo, mà còn gợi trước mắt người thuộc điển tích, nhiều hình ảnh do những chữ “cỏ biếc”, “treo”, “hồn Sở trướng”, “trúc vàng”, “điểm”, “giọt Ngu cung” gây nên… [3] 
Nhưng dụng điển cố không nên lạm dụng. Lạm dụng sẽ làm cho bài thơ bài văn nặng nề và mất phần sáng tạo. Phải dùng cho đích đáng, nghĩa là điển cố mình dùng thích hợp với ý mình một cách tự nhiên, chớ không gò bó ép uổng. Giọng văn lời văn lại còn phải thích hợp với điển. Như thế điển mới “sống” văn mới hay. Điển cố là đồ nữ trang. Không biết trang sức thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ.
Dụng Điển có nhiều cách:
- Minh dụng.
- Ám dụng.
- Thái dụng.
- Tá dụng. 
MINH DỤNG là dùng một cách chính xác rõ ràng.
Ví dụ Vịnh Trâu mà dùng điển Điền Đan, Nịnh Thích: 
+ Đuôi cùn biếng vẩy Điền Đan hỏa
Tai nặng buồn nghe Nịnh Thích ca. [4]
+ Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy,
Làm lễ bôi chuông dáo dác sầu. [5]
Ví dụ nói về tình trạng đất nước lúc Pháp đánh lấy Kinh thành Huế năm Ất Dậu, mà dùng điển Gia Cát Lượng, điển Trần Hy Di:
+ Mỏi mắt Hy Di trời Ngũ Quý
Nhọc lòng Gia Cát đất Tam phân. [6] vân vân…
Lối này là lối thông dụng nhất nơi trường ốc cũng như trong làng thơ.
ÁM DỤNG là dùng một cách kín đáo, mới đọc qua dường không có điển, nhưng xét kỹ thì là có điển. Như bài TỰ THÁN của Nguyễn Trãi: [7]
Chiếc thuyền lơ lững bên sông
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay.
Chắc chi thiên hạ đời nay
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao
Đã buồn về trận mưa rào
Lại đau về nỗi ào ào gió đông.
Mây trôi nước chảy xuôi dòng
Chiếc thuyền hờ hững bên sông một mình.
Không một chữ khó. Dường là văn chương đầu lưỡi. Nhưng hầu hết các câu đều mượn ý trong cổ thi. Câu một, hai mượn ý trong câu:
Thân tại giang hồ thượng
Tâm tồn ngụy khuyết trung.
Nghĩa là: Thân ở trên sông hồ, lòng còn nơi Đế khuyết. Ý nói: Tuy không còn làm quan nữa nhưng vẫn không quên nước không quên vua.
Chữ NON NƯỚC và chữ CHIÊM BAO trong câu bốn, xuất phát nơi câu:
Lương mộng chức vị thành
Sơn hà kinh kỷ biến.
Nghĩa là: “Mộng lành dệt chưa nên, núi sông đã bao lần biến đổi”. Đó là niềm thất vọng của kẻ sỹ yêu nước, vì cô thế phải đành chịu bất lực trước những biến cố của quốc gia. [8]
Đó là ám dụng trung dụng điển, gọi tắt là ám dụng.
THÁI DỤNG là cắt lấy những phần của điển thích hợp với ý mình muốn tả, với việc mình muốn nói, và bỏ những phần không liên hệ hoặc tương phản với nội dung câu thơ. Ví dụ câu thơ của cụ Phan Sào Nam:
+ Sấy lửa cha Tần càng quí lắm
Chữa phong chú Tháo lại kỳ thêm.
Vế thứ hai là Minh Dụng, vì ý của tác giả muốn nói và điển dùng tương đồng: làm cho đối phương tỉnh ngộ. Đọc câu thơ, độc giả thấy rõ dụng ý ngụ ý của tác giả.
Còn vế thứ nhất, tác giả chỉ mượn “chất lửa” trong điển đốt sách chôn học trò của Tần Thủy Hoàng và bỏ tất cả những sự tai hại do việc đốt sách chôn học trò gây nên. Chẳng những bỏ, tác giả, với chữ SẤY, đã “lật ngược vấn đề”: Ngọn lửa tàn bạo của vua Tần sẽ vô cùng quí báu nếu biết sử dụng, nếu biết dùng để sấy cho ấm nhân tâm đã bị khôi lãnh, sỹ khí đã bị tiêu trầm, khiến cho những người lạnh lạt trước tình trạng đau xót của nước nhà, trở thành những người có hào khí, có nhiệt huyết. Đó là vừa thái dụng vừa phiên trần. Tức là vừa cắt lấy những phần thích hợp của điển và gạt bỏ những phần cũ kỹ để đưa những ý mới vào thơ.
Câu thơ của Phạm Thái:
+ Cỏ biếc chẳng treo hồn Sở trướng,
Trúc vàng thà điểm giọt Ngu cung.
Cũng như câu của Phan Sào Nam, vế thứ hai minh dụng, vế thứ nhất thái dụng. Vì việc bà Long Cơ thủ tiết không khác việc hai bà Nga Hoàng Nữ Anh thủ tiết. Còn tuy cũng một mục đích như nhau - mục đích chết để tỏ lòng trinh tiết cùng chồng - nhưng bà Ngu Cơ thì dùng gươm mà tự vẫn, còn bà Long Cơ thì dùng lụa để quyên sinh. Phạm Thái cắt bỏ việc dùng gươm, chỉ lấy ý nghĩa của việc tuẫn tiết. Nhưng để cho rõ là “tự ải”, tác giả dùng chữ TREO một cách tài tình. [9]
Cách thái dụng của Phạm Thái cũng như Sào Nam thật lão luyện và tinh vi. [10]
TÁ DỤNG là dùng ké, là mượn mà dùng, là mượn mà dùng. Ví dụ điển “Tào Tháo hoành sáo phú thi” trong bài phú Xích Bích của Tô Đông Pha:
Năm Kiến An thứ 13 (208) để đánh Đông Ngô, Tào Tháo kết thuyền trên sông Dương Tử tại huyện Gia Ngư. Thuyền nối nhau san sát, khí thế rất mạnh. Tào Tháo đắc ý cầm ngang ngọn giáo, nhìn trăng ngâm thơ “Nguyệt minh tinh hi, ô thước nam phi…” Nhưng rồi bị đối phương dùng hỏa công đốt thuyền cháy sạch, Tào Tháo bị bại. Dãy núi ở trên bờ sông Dương Tử, một khoảnh rộng lớn bị lửa đốt thành sắc đỏ, nên gọi là Xích Bích (Vách Đỏ).
Đời Tống, Tô Đông Pha (1036-1101) bị trích ở đất Hoàng Châu. Ở Hoàng Châu cũng có một dãy núi đá sắc đỏ như dãy núi ở Gia Ngư và cũng gọi là Xích Bích. Năm Nhâm Tuất (1082) ông Tô đi chơi thuyền dưới chân núi ấy, cao hứng làm bài phú Xích Bích. Nhân Xích Bích này trùng tên cùng Xích Bích kia, nên Tô Công nhớ đến việc Tào Tháo đời Tam Quốc mà mượn đem vào văn chương.
Trong bài thơ ĐÔNG  của Thái Thuận, câu luận:
Công danh thùy nghĩ Bình Hoài tướng
Văn sử ngô tàm Phụ Hán nho [11]
Nghĩa là:
Công danh ai dễ so Hàn Tín
Văn sử ta riêng thẹn Tử Phòng. 
Đó là tá dụng. Bởi điển Hàn Tín Trương Lương có liên quan chi đến Mùa Đông. Chỉ có nhân cảnh gió mưa hiu hắt làm cho cây cỏ tiêu điều mà tác giả liên tưởng đến thói bạc bẽo phủ phàng của thế nhân, và nghĩ ngay đến Hán Cao Tổ là nhân vật điển hình cho thói bạc bẽo phủ phàng.
Nghĩ đối với nhà Hán, công ai lớn bằng công Hàn Tín, và danh đối với người đương thời, danh ai rạng bằng danh Hàn Tín. Thế mà rốt cuộc Hàn Tín bị Hán Cao Tổ tru di, thân bị hại danh nhơ! Thân hại danh nhơ do bàn tay của con người đã nhờ mình dựng nên đế nghiệp! Hán Cao đối với Hàn Tín tàn ác thua gì mưa gió mùa đông đối với nội cỏ ngàn cây!
Gương xưa còn đó, sao mình không chịu soi để theo dấu Tử Phòng thoát ra  ngoài vòng cương tỏa? Nghĩ mà thẹn thùng, thẹn thùng vì còn ham bã vinh ba nên ra làm quan cùng triều nhà Lê mà Lê Thái Tổ đã đối xử với công thần không khác gì Hán Cao Tổ
Câu thơ của Thái Thuận, về cách dụng điển thì gọi là tá dụng, còn về cách diễn ý thì gọi là gián tự. [12]   
Tác giả Tùy Viên Thi Thoại nói:
- Thi nhân không nên câu nệ trong việc sử sự [13]. Như Bạch Lạc Thiên trong bài Trường Hận Ca có câu “Nga My sơn hạ thiểu nhân hành” [14], thì lúc Đường Minh Hoàng hạnh Thục, nào có đi ngang qua núi Nga My. Trong bài thi Tiên Thành của họ Tạ, “Trừng Giang tịnh như luyện” [15], thì Tiên Thành cách sông Giang đến trăm dư dặm và nơi huyện trị Tiên Thành phía tả phía hữu đều không có sông lớn. Trong bài phú Thượng Lâm của Tương Như có câu “Bát Xuyên phân lưu” [16], thì nơi Tràng An đâu thấy tám sông [17].
Đó là Viên Mai nói về tá dụng.
Từ xưa đến nay trong việc dụng điển, chỉ có cách minh dụng là phổ thông. Cách tá dụng, trừ thơ chữ Hán của Tàu và của ta ra, trong bài thơ Hàn luật không thấy có lẽ do cái học cử nghiệp mà ra. Bởi quy luật trường ốc đã nghiêm, phần đông quan chấm trường lại cố chấp không dung thứ những gì ở ngoài khuôn phép đã định. Sĩ tử muốn thi đậu phải lo học tập những phép chính cống trong việc làm thi. Cách tá dụng không được các sách dạy làm thi soạn cho hàng cử tử chuyên nghiệp đề cập đến, mà chỉ thấy bàn đến trong các sách thi thoại của Trung Hoa. Do đó các học giả và thi nhân nặng về thơ cử  nghiệp không chấp nhận phép tá dụng [18]
Các bậc tiền bối dạy làm thơ chẳng những không dạy cách tá dụng, mà còn khuyên không nên dùng những tịch điển và sanh điển.
- TỊCH ĐIỂN là những điển bí hiểm ít người biết.
Trong những áng thơ hay còn truyền thế không thấy ông cha ta dùng tịch điển. Có nhiều người lầm tưởng điển khó, những điển ít thông dụng trong thơ Quốc âm, là tịch điển. Ví dụ những điển dùng trong bài HOÀI CỔ NGÂM của Tương An Quận Vương:
Xiết bao khóc tủi buồn thầm
Tiếng tiêu Ngũ Tử tiếng cầm Ung môn [19]
Vàng Quách Ngỗi ai đồn ai rước? [20]
Ngọc Biện Hòa ai ước ai hay?! [21]
Non bạc tóc nước chau mày
Trăng như thế sự thường ngày thường hao…
Chốn chiến trường đống xương trắng nhẻ
Người diễn khơi hồn ghé khuê môn. [22]                       
Chơi vơi sóng phủ sầu dồn
Mượn câu Tinh Vệ chiêu hồn Đại Phu… [23]
Mã ngôi muôn dặm thẳng dong [24]
Thuyền quyên hồn tắt, anh hùng lệ sa.
Bốn giây ứa máu tỳ bà
Ngỡ ngàng trăng Hán phôi pha gió Hồ… [25] vân vân…
Vì đề tài là Hoài Cổ nên tác giả đem những sự tích của người xưa mà tác giả nhớ đến, ra làm tài liệu để xây dựng khúc ngâm. Trong những cổ tích ấy có nhiều điển xa lạ với phần đông những người sanh vào thời chữ Hán cáo chung để nhường chỗ chữ Quốc Ngữ và chữ Pháp trong học đường và ngoài xã hội Việt Nam. Xa lạ vì không dùng đến chớ không phải vì bí hiểm. Cho nên không thể gọi là Tịch Điển.
Cụ NGUYỄN QUÝ ANH, người Nam Bộ, lúc lục tỉnh bị Pháp chiếm cứ, bỏ nhà ra Phan Thiết ở. Thơ đề biệt thự có câu:
Chiều xem đất chiếu cuốn thành Nam Phố
Mai ngắm trời giăng bức Võng Xuyên [26]
Cụ HUỲNH THÚC KHÁNG họa vận:
- Lầu Quản lánh xa chân Ngụy địa, [27]
Thi Tô theo dõi tập Tà Xuyên [28]
- Cách hiệu đua chen Đường Lý Đỗ [29]
Mộng hồn vơ vẩn Tống sơn xuyên [30]
Có nhiều người cũng cho là dùng tịch điển, làm mất hứng thú của người đọc.
Những điển dùng trên đây, cũng như trong bài Hoài Cổ của Tường An Quận Vương, đối với chúng ta có phần khó thật. Song đó là lỗi nơi chúng ta ít đọc sách chữ Hán. Chớ đối với các cụ ngày xưa thì chẳng khác những chỉ bàn tay đối với các thầy tướng số. Đối với quí cụ, TỊCH ĐIỂN là những điển hiểm hóc, những điển không có trong các sách đã được phổ biến trong các sách đã được phổ biến, nhất là Kinh, Truyện, Sử.
Người xưa cho là dùng tịch điển, như thơ vịnh tuyết của Tô Đông Pha:
Đống hợp ngọc lâu hàn khởi túc
Quang giao ngân hải huyễn sanh hoa [31]
Hoặc như thơ Tống biệt của Huỳnh Đình Kiên:
- Lâm sương thu áp cước
Xuân võng tiến cầm cao [32]
Những chữ Ngọc lâu, Ngân hải, Áp cước, Cầm cao đều không phải lấy trong các chính sử và ngũ kinh tư thơ.
Những chữ ấy không còn mang nghĩa chính của chúng. Ngọc lâu không phải là ngọc lâu, Ngân hải không phải là biển bạc, người chú thích Tô thi giải rằng: Các nhà đạo sĩ gọi là Ngọc lâu là xương vai, Ngân hải là mắt. Còn Áp cước chỉ là cây rau ngân hạnh, vì cây ngân hạnh, theo sách Bản Thảo, lá như ngón chân vịt, nhân đó mà mệnh danh. Và Cầm cao là chỉ con cá chép đỏ, vì sách Liệt Tiên chép rằng đời Chu mạt có người thuật sỹ tên Cầm Cao ra vào sông Hôn Thủy, cỡi cá chép đỏ, nhân đó gọi cá chép đỏ là Cầm Cao.
Ưa dùng tịch điển là người đời Tống. Đó là đo sức bác học mà cũng do tánh ưa đấu hiểm của phần đông văn nhân. Người đời sau cực lực chỉ trích, như Viên Mai, tác giả Tùy Viên Thi Thoại là một. [33]
Nói tóm lại cổ nhân chia điển làm:
- Chính điển là những điển lấy trong chính sử và Ngũ Kinh Tứ Thơ. [34]
- Ngoại điển là những điển mượn trong sách của Bách Gia Chư tử đã được phổ biến.
- Tịch điển là những điển rút trong những sách ít người biết, ít người đọc. [35]
Còn SANH ĐIỂN là những điển sống, tức những sự việc thuộc về quốc gia hay anh hùng liệt nữ vừa xảy ra và chưa được đem vào lịch sử. Những sự kiện rút trong các sách mới xuất bản chưa được phổ biến rộng rãi, như truyện, tiểu thuyết…, cũng gọi là Sanh điển.
Sanh điển đối trĩ cùng cổ điển.
Trong bài Đề Nghĩa Lư của Phạm Thái [36] có câu:
Dệt gấm Thanh Nê câu nhất tiếu
Thêu nền Thúy Ái chữ tam tùng.
Vế thứ nhì dùng Sanh điển, điển bà Phan Thị Tuấn [37]. Bà Phan là thứ thất Ngô Cảnh Hoàn, tôi nhà Lê. Ngô Cảnh Hoàn giao chiến cùng binh Tây Sơn bị tử trận tại sông Thúy Ái. Bà Phan Thị Tuấn sau khi mãn tang, tự dìm mình nơi sông chồng tuẫn quốc, để cho trọn đạo tam tùng.
Nghĩa Lư là nơi thủ tiết của bà Long Cơ vợ thứ Thanh Xuyên Hầu, người đồng thời cùng Ngô Cảnh Hoàn. 
Tác giả bài Nghĩa Lư cũng là người đồng thời cùng Ngô Cảnh Hoàn và việc bà Phan Thị Tuấn tuẫẩn tiết mới xảy ra trước việc bà Long Cơ toan tự ải để theo chồng độ một vài năm.
Vì vậy điển bà Phan Thị Tuấn đối với chúng ta ngày nay là cổ điển, nhưng đối với Phạm Thái lúc soạn bài Nghĩa Lư là sanh điển. 
Cổ nhân khuyên không nên dùng sanh điển là vì sợ người đương thời ít kẻ biết, và người hậu thế sẽ mịt mờ nếu những sự kiện lịch sử kia không được biên chép, những quyển sách chứa số sanh điển kia không được lưu thế. Mà không biết rõ điển tích dùng trong thơ thì làm sao thưởng thức được trọn vẹn những cái hay cái thú của văn chương.
Chẳng những khuyên không nên dùng sanh điển tịch điển mà thôi, cổ nhân cùng thường khuyên không nên dùng nhiều điển, dù là chính điển. Chỉ nên dùng điển khi nào không đừng được. Có nhiều học giả công kích hẳn việc dùng điển [38]. Nhưng khuyên ít dùng điển, công kích việc dùng điển, là nhắm vào những đối tượng có thiên kinh vạn quyển trong bụng. Và những người đứng ra khuyên, đứng ra công kích cũng là những người có thiên kinh vạn quyển trong bụng, kinh nghiệm bản thân đã cho thấy rõ lợi hại. Chớ những người trong bụng chỉ chứa cao lương mỹ vị thì tưởng không nên quên gương nàng Đông Thi.
Chú thích:
[1] Có người đọc là: “Chữ tôi hay lắm chẳng ai thèm”.
[2] Có người đọc là: “Đất sợ sông xiêu ít kẻ xem”.
[3] Đã nói kỹ trong chương số 10 ở trước.
[4] Thơ của Đặng Đức Siêu (xem chương 36 ở trước).
[5] Thơ của Nguyễn Văn Lạc (Xem ở chương 38).
[6] Thơ của Phạm Như Xương (Xem chương 30 trước đây).
[7] Bài này tương truyền là của Nguyễn Trãi, trong Văn Đàn Bảo Giám cũng chép là của Nguyễn Công. Song không tìm thấy trong Ức Trai Quốc Ngữ Thi tập.
[8] Đã nói rõ trong NHỮNG BỨC THƯ THƠ nên ở đây chỉ nói qua.
[9] Xem chương 10 nói về Phạm Thái ở trước.
[10] Bài thơ của Sào Nam, thi vị kém, chỉ có giá trị về cách dụng điển.
[11]  Xem toàn bài ở chương 49 nói về thơ mùa Đông.
[12] Đã nói rõ ở tập Những Bức Thư Thơ, nên ở đây chỉ nói đại lược về cách dùng điển.
[13] Dụng điển thường gọi là Dụng  sự  hay Sử sự (Sử dụng những sự kiện lịch sử, sử dụng những sự vật trong sách vở hay ngoài đời những khi làm văn làm thơ ).
[14] Dưới núi Nga Mi ít người qua lại.
[15] Sông Giang trong sáng lúc tạnh trông như tấm lụa
[16] Tám sông chia dòng.
[17] Nghiêm Mông Hữu nói rằng ngày xưa Trường An có 8 con sông là Kinh, Vị, Bá, Sản, Lệ, Kiểu, Lạo, Duật, đến đời Tống thì bị lấp hết.
[18] Ông bạn Đông Hồ chỉ trích việc dùng điển “Ô y hạng” vào “Đêm thu nghe quạ kêu” (xem Úc Viên Thi Thoại) là đứng lên lập trường “dùng chính điển” không công nhận phép “Tá Dụng”.
[19] Đã trích một đoạn dẫn trong bài nói về Tương An ở Chương 18 trước kia. 
Ngũ Tư: Ngũ Tử Tư người nước Sở chạy qua nước Ngô lánh nạn. Lương hết đành phải thổi tiêu cầu thực ở các chợ.
Ung Môn:  Ung Môn Chu là môn khách của Mạnh Thường Quân, có tài gảy đàn, tiếng đàn nghe ai oán làm rơi nước mắt Mạnh Thường.
[20] Quách Ngỗi: đời Chiến Quốc. Yên Chiêu Vương dựng lầu vàng gọi là Hoàng Kim đài rước Quách Ngỗi về làm tể tướng. Nhân tài trong thiên hạ thấy nhà vua trọng hiền liền kéo nhau đến phò tá.
[21] Biên Hòa Nước Sở, được ngọc quí, đem dâng cho vua, vua cho là giả, truyền làm tội chặt chân, chân chặt đến 2 lần dưới hai triều vua. Đến thời vua thứ ba mới có thợ giỏi đem mài thành ngọc quí (Ngọc liên thành).
[22] Mượn ý trong câu thơ cổ:
Khả lân Vô Định hà biên cốt
Do thị tham khuê mộng lý nhân
(Khá thương cho những xương cốt ở bên sông Vô Định, mà còn là những người trong mộng chốn thâm khuê).
[23] Tinh Vệ: Con gái vua Viêm Đế chết trôi, hóa thành chim tinh vệ, ngày ngày ngậm đá ở non Tây đem lấp biển đông để rửa hận.
Đại phu: Chỉ Khuất Nguyên.
[24] Mã Ngôi: Nơi Dương Quý Phi thắt cổ chết.
[25] Tỳ Bà: Tích Chiêu Quân cống Hồ.
[26] Võng Xuyên: Hiệu Vương Duy đời Đường, có tài thi và họa. Cổ nhân khen: Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi.
[27] Ngụy địa: Chỉ nơi quân Pháp chiếm đóng. Lấy tích Quảng Ninh đời Tam Quốc, khi nhà Ngụy tiếm ngôi nhà Hán, Quảng Ninh bỏ quê hương sang Liêu Đông thuộc nhà Ngô, làm nhà ở, suốt đời không đạp chân lên đất Ngụy.
[28] Tà Xuyên: Hiệu của Tô Lão Tuyền đời Tống.
[29] Đường Lý Đỗ: Lý Bạch, Đỗ Phủ đời Đường.
[30] Tống sơn xuyên: Sông núi nhà Tống. Cổ thi có câu: “Bất tri Kim nhật nguyệt, Đản mộng Tống sơn xuyên” Nghĩa là “không biết ngày tháng rợ Kim, chỉ mơ đến non sông của nhà Tống”.
[31] Giá hợp trên xương vai, nhưng lạnh bắt đầu từ chân lạnh lên; ánh sáng làm giao động con mắt nên thấy sanh hoa một cách huyễn hoặc.
[32] Sương rừng thâu rau ngân hạnh; Lưới xuân dâng cá chép đỏ. (áp cước là rau ngân hạnh, cầm cao là cá chép đỏ).
[33] Tác giả Tùy Viên Thi Thoại bác lời giải thích của Tống nhân về nghĩa chữ Ngọc lâu và Ngân hải. Ông nói chữ Ngọc lâu và Ngân hải dùng để tả sắc trắng của tuyết. Đó là việc thường của nhà làm thi. Chớ nếu giải như Tống nhân thì chẳng lẽ trời xuống tuyết chỉ đến nơi nhà người đạo sĩ mà thôi ư? Giải như Tống nhân thì vẫn có rộng nhưng ý vị câu thơ trở thành lạt lẽo.
[34] Những ý những chữ lấy trong cổ thi, cổ văn cũng được coi là chính điển.
[35] Tịch điển ở trong thơ Quốc âm không thấy có. Có lẽ những câu dùng tịch điển đã bị loại vì ít người hiểu nên ít người truyền.
[36] Xem toàn bài ở chương 10 nói về Phạm Thái.
[37] Xem sự tích bà Phan Thị Tuấn đã nói rõ ở chương 14.
[38] Về việc dùng điển ở các chương trước đã nói nhiều, ở đây chỉ nói đại lược.

14/4/1971
Quách Tấn
Theo http://dinhquat.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Công dân áo gấm Henry Cabot Lodge000000

Công dân áo gấm Henry Cabot Lodge TỰA - LỜI TÁC GIẢ Hồi đó, tám năm qua… Tháng 8.1963, tình hình căng thẳng, ngột ngạt, các phóng viên các...