Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

Hương vườn cũ 10

Hương vườn cũ 11

54.
Người Việt Nam, từ xưa đến nay, hễ dùng điển là thích dùng điển của Trung Quốc.
Trong những áng thơ truyền tụng, tôi mới gặp được một số ít dùng điển Việt Nam, như bài Đề Nghĩa Lư của Phạm Thái:
Dệt gấm Thanh Nê câu nhất tiếu
Thêu nền Thúy Ái chữ tam tùng. [1]
Bài MỪNG HOÀNG CAO KHẢI ĂN LỄ THẤT TUẦN:
Huân danh sự nghiệp Hiến Thành Lý
Phú quý vinh ba Nhật Duật Trần. [2]
Và trong khi dùng điển Trung Hoa, người làm văn làm thơ mãi để lòng vào văn chương mà quên nghĩ đến những gì có liên quan đến cảnh nhục vinh của dân tộc, nên nhiều lúc vô tình đề cao kẻ thù không thể quên của Việt Nam. Như trường hợp Mã Viện là một.
Mã Viện được Hán Quang Vũ sai làm Phục Ba tướng quân sang đánh Trưng Nữ Vương. Thắng trận rồi, Mã Viện dựng trụ đồng để ghi công mình và hăm dọa dân tộc Việt Nam. Ông cha ta thù hận thấu xương. Thế mà trong văn thơ Việt Nam lại thường nhắc đến lời nói và việc làm của Mã Viện với ý thức tán dương! Như trong Chinh Phụ Ngâm có những câu:
- Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao. [3]
- Săn Lâu Lan rằng theo Giới Tử
Tới Man Khê bàn sự Phục Ba. [4]
Thậm chí có một nhà nho tên Viện, đã tự cho là hãnh diện mà lấy bút hiệu “Phục Ba” ký trong Nam Phong! [5] 
Tác giả Chinh Phụ Ngâm và nhà nho Phục Ba đại diện cho phái người có cảm tình cùng Mã Viện.
Đối với Mã Viện, không có mỹ cảm trong hàng văn nhân thi sỹ tôi được biết, trước hết có Nguyễn Du. Lúc đi sứ sang Trung Quốc, thời Gia Long, qua ngang miếu thờ Mã Viện ở Giáp Thành, tiên sinh có đề vịnh một luật:
Lục thập lão nhân cân lục suy
Cứ an bị giáp tật như phi
Điện đình chỉ bác quân vương tiếu
Hương lý ninh tri huynh đệ bi
Đồng trụ cận năng khi Việt nữ
Châu xa tất cánh lụy gia nhi
Tính danh hợp thướng Vân đài họa
Do hướng Nam Trung sách tuế thì?

Nghĩa là:
Người sáu mươi kém suy gân sức
Ông lẹ làng mặc giáp lên yên [6]
Cung rồng chuốc một tiếng khen
Quê hương đâu biết nỗi phiền người thân [7]
Sợ cột đồng riêng phần Việt nữ
Dèm xe châu để lụy gia nhi [8]
Đài mây công cán không ghi [9]
Trời Nam muôn dặm mắc gì khói hương [10]
Mã Viện có công là có công với nhà Hán. Cớ sao không đem tánh danh tạc nơi Vân Đài ở Tràng An mà lại buộc người phương Nam phụng tự? Chẳng những thờ phượng ở Giáp Thành, mà ở Đại Than còn có miếu nữa! Đi qua miếu Đại Than, Tố Như tiên sinh cũng có đề thêm một luật mà câu kết vô cùng cảm khái:
Nhật mộ thành Tây kinh cức hạ
Dâm Đàm di hối cánh hà như?!
Nghĩa là:
Gai gốc thành Tây chen bóng xế
Dâm Đàm hối cũ nghĩ sao đây? [11]
Cũng lấy khía cạnh xấu của Mã Viện ra làm thi liệu, thơ Quốc âm có bài của Hải Nam Đoàn Như Khuê tiên sinh được truyền tụng:
Trèo non vượt biển biết bao công
Một trận Hồ Tây chút vẫy vùng                      
Quắc thước khoe chi mình tóc trắng
Trâm quan họ với khách quần hồng
Gièm chê vốn đã đầy xe ngọc [12]
Công cán ra chi mấy cột đồng
Ai đó chép công ta chép oán
Công riêng ai đó oán ta chung. 3
Tố Như tiên sinh và Hải Nam tiên sinh đã thay mặt người Việt Nam yêu nước mà tỏ thái độ dứt khoát với viên tướng Tàu xâm lăng.
Bài của Tố Như ngậm ý mỉa mai.
Bài của Hải Nam xẳng lời trách mắng.
Giọng văn của Tố Như có phần hiền hòa.
Giọng văn của Hải Nam thật sắc bén. Cặp trạng dùng phép đối chọi để tỏ ý khinh khi: Quần hồng đối với đầu bạc, đầu bạc đội mũ cài trâm vênh vang hống hách. Cặp luận lột trần được bộ mặt gian hùng xảo quyệt: Khoe khoang công cán để che dấu lòng tham nhũng. Nhưng mấy cột đồng kia làm gì che dấu nổi những xe châu báu đã vơ vét được ở Giao Châu. Nên cuối cùng bị lời gièm chê phát giác, khiến nắm xương tàn không được về cố hương!
Tố Như cũng dùng cột đồng, xe châu, để phê phán. Nhưng câu thơ Tố Như có ngậm ý xót thương bên cạnh lời mai mỉa. Mai mỉa về việc dựng cột đồng, xót thương cho thê nhi Mã Viện vì mấy xe châu mà phải liên lụy. Tố Như đánh kẻ thù mà còn nhân tay. Không đã giận bằng đọc bài của Hải Nam, nhất là đọc câu:
Ai đó chép công ta chép oán
Công riêng ai đó oán ta chung.
Lòng vô cùng phấn khởi.
Bài vịnh Mã Viện của Hải Nam tiên sinh là một bài vịnh sử tuyệt tác. Thế mà xưa nay các nhà soạn sách giáo khoa không dùng để nuôi dưỡng tinh thần ái quốc của con em. Thật đáng tiếc!
Đọc những bài thơ vịnh thượng dẫn, chúng ta vừa biết thêm một ít sự kiện lịch sử mà những quyển sử Việt Nam hiện hành không thấy chép, vừa học được cách dụng điển và tinh thần dụng điển của các bậc tiền bối có thi tài và có lập trường quốc gia kiên cố.
Đó là bắn một nhát tên mà được hai con chim một lượt.
Chú thích: 
[1] Đã nói ở các chương trước. Xem kỹ chương 10.
[2] Xem toàn bài ở chương 38 ở trước.
[3] “Da ngựa bọc thây” là lời nói của Mã Viện: Kẻ trượng phu nên lấy da ngựa bọc thây, há lại chịu chết trong tay nhi nữ hay sao”.
[4] Sau khi lấy được đất Giao Chỉ rồi, Mã Viện dựng trụ đồng để ghi công và khắc mấy chữ để dọa dân ta: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”. Để khỏi gai mắt, ông cha ta hễ người nào đi ngang qua cũng lấy một hòn đá quăng nơi chân trụ, lâu ngày trụ bị lấp mất.
Man Khê là một nước nhỏ không chịu thuần phục nhà Hán. Mã Viện đem quân đánh lấy. Mã Viện là kẻ thù không đội trời chung của người Man Khê, cũng như của người Giao Chỉ.
[5] Theo sách CHƠI CHỮ của ông bạn Lãng Nhân (trang 123).
[6]  Mã Viện, tuổi ngoài sáu mươi mà còn ham công danh. Vua nhà Hán thấy ông già không muốn sông pha trận mạc, ông liền mặc áo giáp nhảy lên ngựa, tỏ mình còn khỏe mạnh. Vua cười khen: “Ông già này quắc thước lắm”.
[7] Em họ Mã Viện là Thiếu Du thấy Mã Viện già mà ưa đánh giặc lập công, thường than cùng người thân rằng họ Mã chỉ lo mua lấy cái khổ.
[8] Sau khi thắng trận ở Giao Chỉ về, Mã Viện chở theo mấy cỗ xe nặng, nói rằng xe hạt ý dĩ dùng chữa bệnh tê thấp. Nhưng khi họ Mã chết, có kẻ tố cáo rằng mấy cỗ xe ấy chứa đầy châu ngọc đã vơ vét được ở Giao Chỉ. Vua giận. Vợ con sợ hãi không dám đem thi hài về quê hương, chỉ chôn sơ sài ở phía Tây Thành Tràng An.
[9] Đài Mây: Hán Quang Vũ lập một đài cao gọi là Vân Đài, và vẽ tượng 28 công thần treo nơi thành đài. Mã Viện không được dự  phần vinh dự đó mặc dù lập được nhiều quân công.
[10] Mã Viện chết chôn ở phía Tây thành Tràng An Vua Hán bắt người Việt lập miếu thờ.
[11] Dâm Đàm là tên cũ của Tây Hồ.
Khi Mã Viện sang đánh hai bà Trưng, đóng quân trên bờ Tây Hồ. Nhìn thấy mặt Tây Hồ bốc đầy chướng khí, diều hâu bay ngang qua đều bị rơi xuống nước chết, Viện hối hận nói: “Nay nghĩ lại lời Thiếu Du mới thấy đúng, nhưng không làm sao được nữa”. (Thiếu Du là em họ của Mã Viện, thường nói: “Người ta sinh ra ở đời cốt là đủ ăn đủ mặc thì thôi, nếu cầu lấy thừa thãi thì se khổ thân”. Thấy Viện ham công danh, Du bảo đó là chuốc mối khổ vào thân).
[12] và 3 Bài vịnh Mã Viên tôi được nghe truyền từ lúc nhỏ nhưng không biết tác giả là ai. Nay xem sách CHƠI CHƯ của Lãng Nhân mới hay của Hải Nam tiên sinh.
Trong CHƠI CHỮ chép đôi chữ khác:
- Cân thoa đọ với gái quần hồng
- Gièm chê đã chán đầy mâm ngọc
 - Mặc kẻ chép công ta chép oán.
55.

Thể Đường luật là thể thơ được điển chế nghiêm túc. Có người bảo rằng chính tánh cách nghiêm túc ấy đã làm chết hồn thơ. Nói thế là nhìn vẽ căn cỗi của cây cổ thọ sống đã trên nghìn thu rồi mà nói, chớ không xét đến những thời thạnh vượng của cây và mục đích cùng thái độ của người trồng cây.

Người đời Đường đặt ra luật thơ cốt để giúp thi nhân những phương tiện ổn định cho dễ điều khiển nguồn cảm hứng, cho dễ phô diễn tứ thơ thành những câu nhịp nhàng đẹp đẽ. Phương tiện ấy không có giá trị tuyệt đối, không phải bất khả xâm phạm. Nhưng khi thấy có phần trở ngại, thấy không cần thiết, thì thi nhân có quyền nới rộng quy tắc hoặc vứt bỏ luật lệ, để giữ trọn sanh khí của nội dung.
Thơ luật đời Đường, đời Tống, đời Thanh có nhiều giai tác là do thi nhân đối với luật thơ có một quan niệm đứng đắn, quan niệm đạt lý.
Nhưng một khi bị đem dùng vào việc thi cử thì luật thơ trở thành nguyên tắc cứng rắn, sỹ tử phải tuân thủ triệt để. Đề thi vào tay, sĩ tử dồn sức bình sanh để đi cho sát đầu đề, theo cho đúng thi giáo, tránh cho khỏi lỗi về bát bệnh, ngũ kỵ, tứ bất nhập cách [1]: Cảm hứng phải hy sinh cho luật lệ, hình thức lấn át nội dung. 
Ngày xưa mười người học chữ, hết tám chín người học để đi thi, cho nên học làm thơ phải học theo lối cử nghiệp. Do đó tánh làm nô lệ cho luật thơ trở thành thói quen, và óc cố chấp niêm luật truyền đời này sang đời nọ, cho đến khi khoa cử đã bỏ mà di hại vẫn còn!
Chẳng những thế các thi công còn bày ra nhiều các tiểu xảo kỳ lạ làm cho luật thơ mỗi ngày mỗi thêm phiền phức. Những người học thơ, nhiều người vô ý thức lầm tưởng những tiểu xảo là tinh túy bèn cho ra công tập luyện và hớn hở khoe khéo khoe tài! Cây cổ thọ sống trên nghìn năm, nhựa sống đã cạn mà còn bị những tay thợ làm khéo làm khôn uốn rễ chạm cành cho thành rồng thành phụng, thì làm sao sanh thêm lộc, nảy thêm chồi, mà chẳng mỗi ngày một lụn bại.
Đó hồn thơ bị khô héo tàn rụi là do chỗ vô ý thức của những người không biết rõ hoặc hiểu lầm công dụng của luật thơ chớ đâu phải tại tánh cách nghiêm túc của luật.
Bảo luật thơ làm chết hồn thơ thật chẳng khác bảo đạo Khổng đã làm cho người Á Đông hèn yếu lạc hậu.
Ở đời không có gì tuyệt đối và trong cái tốt có cái xấu thì trong cái dở vẫn có cái hay. Những tiểu xảo các thi công đưa vào thơ làm cho hình thức của luật thơ Đường trở nên tinh vi tiêm tế. Nhờ đó mà những tay thợ khéo đã sáng tạo ra một số thơ mà nét chạm trổ nét thêu thùa lên đến mức tuyệt mỹ. Như những bài thơ của vua Tự Đức: Đọc được sáu cách, đọc xuôi là chữ Hán đọc ngược là chữ Nôm mà bài Nôm lại là bài dịch nghĩa bài chữ… [2]
Cụ Nguyễn Đức Nhuận, một chí sĩ trong đảng Cần Vương tỉnh Bình Định, lúc thiếu thời có làm bài thơ “chê gái lấy chồng già” bộ vận Từ Thứ Quy Tào của Tôn Thọ Tường, và dùng trong mỗi câu 1 vị thuốc Bắc, lại thêm câu trên có tên một giống cầm, câu dưới tên một giống thú  (Từ Thứ vận, thượng cầm hạ thú, nhất cú nhất vị dược):
Chim quyên bả đậu nhánh choi voi
Mang bạch đầu ông nỏ mặn mòi
Phụng ước thung dung ăn trái trúc
Thỏ đâu cam toại ấp nhành còi.
Lương kiều thước bắt so le nhịp,
Sơn dác ngựa đua hụt chạc roi
Loan chạ từ cô đừng chuyện ấy
Kén lừa quân tử giá ngàn thoi. [3]
Dưới triều Minh Mạng, nhân đọc tập DANH VIÊN của nhà Thanh, thấy vua ra đề XUÂN KHUÊ cho các cử tử vào thi Đình, đã hạn 5 vận KHÊ TÊ KÊ TẾ ĐỀ lại bắt phải dùng vào bài thơ 18 chữ số Nhất, Nhị.... Thập, Bách, Thiên, Vạn, Bán, Lưỡng, Xong, Trương, Xích, TÙNG THIỆN VƯƠNG bèn soạn một luật để so tài cùng người Trung Hoa:
Song tương lưỡng liễu đản tiền khê
Bách trượng du ti cửu mạch tê
Thiên lý âm thư không ức nhạn
Bán song tình tự quyện văn kê
Thất tương cẩm tự tài thùy ký
Lục bức châu liêm quyển vị tề.
Nhị thập tứ kiều tam ngũ dạ
Nhất thanh xích bát vạn hàng đề.
Trong một luật thơ chỉ có 56 chữ mà đã bị cấm cái hết 5 chữ vần, 18 chữ hạn, thi nhân chỉ còn được tự do sử dụng 33 chữ của mình. Phần nguyên tắc của thơ trói buộc, phần điều kiện của người ra thơ bó buộc mà Tùng Thiện Vương vẫn thành công mỹ mãn. Đề không bị lạc, phép không bị phạm, mà lời thơ lại đẹp, tình thơ lại nồng. Nếu không phải  bậc tài cao học rộng thì dễ gì hươi bút được thung dung.
Xin tạm dịch:
Khe trong liễu lục phủ đôi bờ,
Chín khúc đường quanh trăm trượng tơ..
Tình tự nửa song gà thổn thức,
Âm thư nghìn dặm nhạn thờ ơ.
Bảy từ chũ gấm phong im ỉm,
Sáu bức rèm châu thả lững lờ.
Hăm bốn nhịp cầu canh khắc lụn, [4]
Địch dài một tiếng lệ tuôn mưa.  
Dù gắng sức đến đâu cũng không lột được hết tinh thần của bài nguyên tác và hội đủ 23 chữ hạn chữ vần. Thế mới biết cổ nhân tài bộ biết bao nhiêu!
Khách làng thơ Hàn luật sau nầy cũng thường mượn đề tài ấy và cách chơi chữ ấy để thách thức nhau. Cụ Phan Mạnh Danh có một bài thơ lấy vận “hờ” và 19 chữ thuộc về số mục (Một …, Mươi, Trăm, Ngàn Vạn, Nửa, Đôi, Cặp, Tấc, Thước, Trượng) được tán thưởng: 
XUÂN KHUÊ 
Một mong hai đợi bốn năm chờ
Mười hẹn đêm trăng chín hững hờ [5]
Nửa gối canh ba dầu cháy lụn
Tấc mây sáu cánh nhạn tin thưa
Trăm lần cặp mắt đôi hàng lệ
Chín khúc bên dòng vạn mối tơ
Ngàn trượng thành sầu đo thước khó
Biếng đem bảy vẻ dệt nên thơ.
Truyền rằng một hôm cụ Dương Khuê cùng đôi ông bạn vào chơi nơi quán bán trầu bánh. Thấy cô quán có duyên, các ông bạn thách nhau làm thơ. Nhân cô quán tên là CHẤN nên buộc phải có tên mỗi cung bát quái trong mỗi câu. Bài của cụ Dương xuất sắc nhất:
Bên đông bên đoài chẳng hề đoái
Khen cho cô Chấn thực là quái.
Ra vào cấn chỉ hệt lưng ong,
Ăn nói khôn ngoan hơn mép giải.
Tốn nhượng cho hay lúc chửa chồng,
Khảm kha cũng thể thì con gái.
Xin đừng càn dở với người ta,
Kẻo nữa ly ti mà mắc dại.
Kể cũng đã giỏi. Nhưng chưa bằng bài GHẸO CÔ ĐOÀI của cụ Tam Nguyên Tôn Thất Mỹ: tám quẻ sắp xếp theo thứ tự trước sau, mỗi câu còn đèo thêm một thứ bánh:
Vẻ ngọc càng say rượu ít nồng [6]
Khen ai vòng khảm đúc hình dung.
Cấn nơi quán khách e dầy dụa,
Chấn bức màn hoa những ước mong.
Chiếc lá tốn công dòng bích thủy, [7]
Dấu bèo ly hận ngọn đông phong.
Nhắm em xem chợ tình khôn hỏi,
Ngoảnh lại non đoài ngọn ráng hồng.
Bài cụ Tôn hơn bài cụ Dương chẳng những về lối chơi chữ, mà còn hơn cả về mặt văn chương tình tứ. Bài cụ Dương quê kịch. Bài cụ Tôn thanh tao. Cô Chấn bị khách thơ nói mỉa đôi chút. Cô Đoài được khách thơ ca ngợi đủ điều. Nhưng dù bị mỉa mai dù được khen ngợi, chắc hai cô điều hờ hừng với văn chương.
Lối chơi chữ là ngón sở trường của cụ Tam Xuyên. Cụ làm dễ dàng như nói chuyện.
Một hôm vào chơi nhà người quen thấy cô con gái đương tập đánh vần tập Quốc ngữ, cụ bèn đọc bỡn một luật dùng bốn dấu huyền sắc nặng hỏi và những cái ê t e x f đ y m vào trong thơ:
Những ngậm ngùi xuân dáng ủ ê
Vì ai khăng khít nỗi riêng tê
Huyền vi máy tạo e lời lậu,
Sắc sảo câu thơ ít chữ đề.
Nặng gánh tương tư ngày ép uổng
Hỏi nơi kỳ ngộ dạ đê mê.
Trăm năm cốt cách còn y cũ,
Giấy rách khuyên em giữ lấy lề. 
Gặp bao chướng ngại mà ngòi bút không chút gượng gạo ngập ngừng. Văn chương tự nhiên và gồm đủ thanh sắc vị. Thật tài tình! Từ trước đến nay, về lối chơi chữ ai cũng nhượng cụ Tam Xuyên.
Ngoài những lối trên, còn nào:
+ Song thanh, như:
Mây xây núi túi chim tìm tổ
Khách các đường trường nốt cột lau
Lỏng khỏng đào cao nương phậu xấu
Lơ thơ liễu yếu chị đàu đau.
(Tuy Lý Vương)
+ Song Điệp, như:
Ngất ngất ngơ ngơ cũng nực cười!
Căm căm cụi cụi có hơn ai?
Nay còn chị chị anh anh đó,
Mai đã ông ông mụ mụ rồi!
Có có không không lo chết khiếp,
Khôn khôn dại dại ngoẳn xong đời.
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy,
Ngủ ngủ ăn ăn nói chuyện chơi.
(Nguyễn Thượng Hiền) [8]
+ Vĩ Tam Thanh, như:
Tiếng gà bên gối tẻ tè te
Bóng ác trông ra hé hẻ hè
Non một chồng cao chon chót vót
Hoa năm sặc nở lỏe lòe loe
Chim tình bằng hữu kìa kia kĩa
Ong nghĩa quân thần nhẹ nhẻ nhe
Dạnh lợi khôn màng ti tí tị,
Ngủ chừ chưa đậy khỏe khòe khoe.
(Nguyễn Tử Mẫn) [9]
+ Chuyển vỹ Hồi Văn, như:
Ta ở nhà ta ta nhớ mi,                     
Nhớ mi nên vội bước ra đi.
Không đi mi hỏi sao không đến,
Có đến mi hỏi đến làm chi?
Làm chi ta đã làm chi được,
Làm được ta làm chán vạn khi ..
(Nguyễn Công Trứ)
Cùng thế chi hơn bản có tiền
Có tiền thì đặng sướng như tiên
Như tiên mới dễ lên làm chủ
Làm chủ lo chi chẳng có quyền.
Có quyền muốn thế là nên thế
Nên thế cầu duyên ắt thắm duyên.
Thắm duyên thêm lắm quyền cùng thế,
Cùng thế chi hơn bản có tiền.
(Tôn Thất Mỹ) vân vân…
Gần đây cụ NGUYỄN KHOA VY ở Cựu Thần Kinh cũng nổi tiếng về lối chơi chữ. Ngoài những lối đã có sẵn, như mấy lối thượng dẫn mà cụ rất sở trường, cụ còn bày ra nhiều lối mới. Như: [10]
+ Nói lái:
- Nhắc bạn luống thương tình nhạn bắc
Trông đời thêm ngán cảnh trời đông [11]
- Bảy cụ bóp lầm cô bụ cảy [12]
Ba trò ăn xả thịt bò tra.
+ Dùng nhiều mẫu tự La tinh vào mỗi câu thơ:
- Tin nhạn mong chờ e ít hát (EXH)
Gối loan trằn trọc ép anh ca    (FNK)  
+ Tất cả những chữ trong bài thơ phải phát âm giống nhau, đánh vần in nhau:
- Cui cút cùng cây cỏ cận kề
Cung cầm cứng cỏi cũng cò kè
Cuộc cờ cao kém cơn cười cợt
Cái cuốc cô ca cứ cặp kè.
(Vui thú điền viên)
- Chạy chữa chai chân chẳng chịu chừa!
Chín chiều chua chát chán chê chưa?
Cha chài chú chớp chơi chung chạ,
Chẳng chính chuyên chi chớ chực chờ.                                                  (Trách bạn đa tình)
Cụ còn nhiều lối khác nữa, không nhớ hết. Ngoài những bài những câu trên, còn nhớ được bài Thập Nhị Thời Thần, là nói về 12 con giáp, song không được kêu tên mà chỉ được dùng tục ngữ liên hệ để ám chỉ:
Tha ra cắp lấy bộ loay quay [13]
Đào lỗ không nên tiếng cả bầy [14]
Lạc ngõ theo đuôi đâu ngại bước [15]
Cả gan bóp dái chẳng nhờn tay [16]
Cám treo nhịn đói, nhăn răng chịu [17]
Cối quẩn ăn no, ỉa miếu đầy [18]
Cá gáy hóa ra, chi có cánh, [19]
Mồng năm lẹt đẹt trốn đi ngay. [20]
Đây là một cuộn hàng do nhiều mảnh lụa mảnh gấm chắp nối lại, là một vuông gỗ do nhiều mảnh nu mảnh trắc đóng ghép lại. Nó không biểu thị được một cái gì ở trong tâm hồn hay ở ngoài cảnh vật. Nhưng trông vui mắt thích lòng.
Nghĩa là bài nầy chỉ có giá trị về hình thức.
Mà về mặt hình thức bài này cũng không được hoàn hảo như những bài trên kia. Câu 5 câu 6 câu 7 để lộ đường ghép nối quá rõ rệt. Đó là do con giáp lên đến số 12 mà bài thơ chỉ có 8 câu 7 chữ. Để cho chúng có đủ chỗ đứng, tác giả phải “ép duyên vợ chồng”, phải buộc hai “ứng cử viên không đồng tư tưởng, không đồng chủ trương đường lối” đứng chung một “liên danh”, đứng chung cho đắc cử, và hễ đắc cử là đạt mục đích, còn hậu quả ra sao không cần nhĩ đến.
Đó là khi để dấu phết ở giữa câu cho dễ phân định “quyền lợi”. Nếu bỏ dấu phết thì nhất định độc giả hiểu sai ý tác giả một trăm phần trăm.
Đọc:
- Cám treo nhịn đói nhăn răng chịu,
Cối quẩn ăn no ỉa miếu đầy,
Đố ai khỏi hiểu là ý nói: heo bị cám treo nên phải nhăn răng nhịn đói, và Gà quẩn cối xay no rồi vào miếu ỉa đầy.
Đọc:
- Cá gáy hóa ra chi có cánh,
Đố ai khỏi hiểu là ý nói: Vì rồng do cá chép hóa ra nên khi không có cánh.
Chớ mấy ai ngờ heo lại đứng chung với khỉ, và heo nhịn đói, khỉ nhăn răng; mấy ai ngờ gà đứng chung với dê, và gà quẩn cối xay,  dê no rồi vào miếu ỉa đầy.
Trong tranh vẽ của người xưa, và trên sân khấu hát bội, rồng thường đi đôi với cọp. Nhưng ở trong câu thơ chơi nghịch kia, không ai ngờ rồng cọp đứng chung nhưng bất hòa, rồng cậy mình do cá chép sanh, cọp hằn học rằng mình không có cánh.
Đứng về mặt làm văn làm thơ chân chính thì những điểm nói trên là những khuyết điểm. Nhưng nói về mặt mua vui thì đó lại là ưu, vì sự hiểu lầm thường sanh thêm lý thú, kẻ bàn qua người tán lại, phi phi thị thị, ngồi mà nghe vui thú biết bao.
Nói tóm lại: lối chơi chữ thật chẳng khác lối uốn kiểng của khách phong lưu, lối tỉa mức đu đủ… của các cô thiếu nữ của các bà nội trợ... đâu phải hoàn toàn vô ích. Trong vườn mà có một vài chậu kiểng rồng uốn khúc phụng sè lông, trong ngày lễ ngày tết mà có những dĩa mức hình hoa hường thì phi cầm tẩu thú…, thì cảnh vườn cũng thêm duyên, cảnh vui càng thêm thắm, lòng người đối cảnh tất cũng hưởng thêm thú vị hoặc ít hoặc nhiều.
Nhưng không nên bỏ công sức bỏ thì giờ làm cái việc tuy không hoàn toàn vô ích nhưng không mấy bổ ích đó. Cũng có làm mà cũng có chơi. Song thỉnh thoảng mới chơi cho vui, chớ đừng la cà mà thêm lêu lỏng. Chúng ta nên để thì giờ để công sức vào làm việc hàm dưỡng huân tập và đợi hứng khởi nguồn thơ… tức là chúng ta nên lo uẩn nhưỡng tâm tư, chớ đừng chú tâm vào việc thôi xao từ điệu.
Chẳng phải chỉ làm thơ theo thể Đường luật mới cần uẩn nhưỡng tâm tư, cũng chẳng phải chỉ có người làm thơ theo thể Đường luật mới có thói quen lo thôi xao từ điệu một cách quá đáng. Đó là điều cần thiết chung cho mọi nhà thơ của mọi trường phái, và kia cũng là bệnh thông thường mà những người làm thơ cũng chưa đạt ý hay mắc phải.
Vì thơ tuy chia ra làm nhiều đường song vẫn chung một lý.
Nói chuyện thơ chơi chữ, tôi nhớ lại một câu chuyện vui vui.
Nguyên hai ông Hoàng Tùng Thiện và Tuy Lý có mỗi ông một câu lục bát “chữ đâu nghĩa đó” được truyền tụng:
- Âm thầm bút chép nghiên mài
Luận bàn sử sách nhớ hoài tích xưa.
- Giữa song dựa ỷ chép thơ
Thân mình toan liệu lại nhờ ai thương. [21]
Có nhiều người khen là “không ai làm nổi”. Anh Khương Hữu Dụng nghe khen quá mức, nói:
- Những lối tiểu xảo như thế có gì là khó. Chỉ có hoa tay.
- Chắc là anh làm được? Thử cho xem.
Lúc bấy giờ vào buổi tối, Khương quân đến chơi nhà một người bạn. Chủ khách ngồi nói chuyện trên phản ngựa. Trong khi thách làm thơ thì có tiếng còi xe hỏa huýt, Khương quân liền tức cảnh:
Phản săng ngồi lại đơ hai gối, (deux: hai)
Xe lửa đi qua huýt tám giờ. (huit: tám)
Ai cũng phục là giỏi.
Nhưng đâu phải lúc nào cũng làm được nhanh được hay. Mà dù có làm được cũng không nên làm.
Bởi, như trên đã nói, những chậu kiểng uốn hình thú hình cầm. Không đến nỗi hoàn toàn vô ích, nhưng không mấy bổ ích, phải để thì giờ để công sức trồng cây ăn trái, trồng hoa có sắc hương. Đến thanh điệu là yếu tố cần thiết để biểu đạt đề tài được lựa chọn cho thấu đáo, truyền đạt cảm hứng sang độc giả cho được sung mãn, mà được yêu chuộng quá mức, còn bị Lý Thái Bạch chê là “thanh điệu bài ưu” tức là “trò hề thanh điệu”, huống hồ những món tiểu xảo không cần thiết kia. 
Cổ nhân gọi những bài thơ nặng về chạm trổ hình thức là văn chương du hí. Chỉ những người lấy món văn chưng làm món phấn sức tài ba trong nhất thời, những người lấy món văn thơ làm tiêu khiển trong lúc trà dư tửu hậu. Mới ham thích loại văn chương du hí. Còn những người lấy văn thơ làm lẽ sống, làm nơi ký thác tâm sự, làm đường giải thoát tâm hồn, thì gặp cũng ngắm chơi cho vui chớ không quan tâm chú ý. Đối với chúng không trọng cũng không khinh.
Chú thích: 
[1] Bát bệnh là: Bình đầu, thượng vĩ, phong yêu, hạc tất, đại vận, tiểu vận, chánh nựu, bàng nựu.
Ngũ kỵ là: Cách nhược, tự tục, tài phù, lý đoản, ý tạp.
Tứ bất nhập cách là: Khinh trọng bất đẳng, dụng ý thái quá, chỉ sự bất thiệt, dụng ý thiêng khô.
Những điều này ở trong các sách dạy làm thơ hiện hành đã nói rõ ràng. Ở đây nói chuyện thơ chớ không bày phép làm thơ nên chỉ nói qua chớ không dám bàn kỹ.
[2] Đã nói rõ ở chương 17 về thơ vua Tự Đức.
[3] Đã nói rõ ở chương 35 về thơ Bình Định
[4] BỊ CHÚ
NHỊ THẬP TỨ KIỀU:
- Theo sách Phương Dư Thắng Lãm thì ở phía Tây quận Giang Đô tỉnh Gia Tô có 24 chiếc cầu thường lấy tên thành môn phường thị mà gọi. Cầu bắt từ đời nhà Tùy. Sau bị hư sập nhiều nơi. Bùi Linh Khôn ra công tu bổ lại một số và đặt tên là Lương Kiều.
- Theo Dương Châu Họa Phỏng Lục thì ngày xưa tại trang viên hộ Ngô có một cái cầu bằng đá kiến trúc đẹp đẽ tên là Hồng Kiều. Những khi trời trong trăng tỏ thường có 24 mỹ nhân đến thổi tiêu. Do đó mà cầu có tên nữa là Nhị Thập Tứ Kiều.
[5] Trong sách CHƠI CHỮ, Lãng Nhân chép:
Một mong hai đợi bốn năm chờ
Mười hẹn, sao em chín hững hờ.
Và chú: “Bản này hơi khác với bản ông Phan Thế Roanh.
Trong bản của Phan quân:
Một mong hai đợi bốn ba chờ
Mười hẹn đêm trăng chín hững hờ.
Chúng tôi chọn bản trên vì sau “Một mong hai đợi” thì “bốn năm chờ” theo đà tiệm tiến có lý hơn là tiệm giảm như “bốn ba”. Vả lại “Mười hẹn sao em chín hững hờ” đỡ gò bó hơn “Mười hẹn đêm trăng…”
Tôi nhận thấy về câu nhất, Lãng Nhân luận đúng. Thêm nữa để chữ “năm” đã khỏi trùng chữ ở câu ba, lại khỏi mất chữ trong 18 con số hạn định. Còn về câu thì xin bàn về cùng ông bạn:
- Đề thơ là Xuất Khuê thì ý thơ thuộc về nữ tính. Để khỏi lạc đề, tác giả phải mượn lời nữ nhân mà phát tiết tình tự . Hai chữ “sao em” là ngôn ngữ của nam giới, đem vào sao cho hợp cảnh hợp tình? Trái lại hai chữ “đêm trăng” dùng thật đắc địa. Vừa thêm tình tứ cho chữ “mười hẹn hò” (hẹn hò dưới nguyệt, dưới nguyệt chén thề), vừa thêm hình ảnh cho câu thơ, lại vừa làm đợt sóng để đưa dư âm xuống “ba canh” ở dưới. Vì vậy tôi theo Lãng Nhân ở câu I và theo Phan Thế Roanh ở câu II.         
[6] Từ Huế trở vào Nam, những chữ có G và không có G ở đàng cuối đều đọc in như nhau. Cho nên tác giả lầm lẫn chữ càn là quẻ càn với càng.
[7] Có người đọc là: “Mang gói tốn công người lữ thứ”, Dấu bèo ly hận khách Tây Đông nhưng cả từ lẫn ý không bằng câu “Chiếc lá…”.
[8] Cụ Phan Bội Châu rất tán thưởng bài này. Cụ có họa vận, song không điệp tự được trọn bài như nguyên xướng. Bài cụ Phan, tôi không thích nên không nhớ. Bây giờ nghĩ lại thật tiếc!
[9] Bài nầy, Hoàng Giáp Đỗ Huy Liêu có họa, song chỉ lấy vận chớ không theo lối.
[10] Cụ Nguyễn Khoa Vy hiệu Thảo Am, là một nhà Hán học kiêm Tây Học, vừa tạ thế vài năm nay.
Thơ cụ chưa xuất bản thành sách. (Xem bài cố 63 ở sau)
[11] Toàn bài 8 câu, nhưng chỉ nhớ cặp trạng.
[12] Chuyện có thật, nhưng chỉ có hai câu.
[13] Chó tha ra, mèo cắp lấy (tuất, mẹo)
[14] Chuột bầy đào không nên lỗ (Tý).
[15] Lạc đàn theo chó lạc, lạc ngõ theo trâu (sửu).
[16] Cả gan bóp dái ngựa (Ngọ)
[17] Cám treo heo nhịn đói (Hợi). Nhăn răng khỉ (Thân).
[18] Gà què ăn quẩn cối xay (Dậu), Nuôi dê ỉa đầy miếu (Mùi).
[19] - Cá chép hóa rồng (thìn). Cơ chi cọp có cánh (Dần).
[20] - Rắn trốn mồng năm. (Tỵ)
những câu tục ngữ dùng trong bài, có lắm câu không được phổ biến lắm.
[21] Âm nghĩa là thầm, Bút nghĩa là chép, nghiên là nghiền là mài. Luận là bàn bạc - Sử có nghĩa là sách, Tích là xưa.
Song: cửa. Ỷ: dựa Thơ: biên chép Thân :mình. Liệu: tính toan Lại: nhờ cậy. Ai: thương xót
56.

Cụ Tam Xuyên Tôn Thất Vĩ là một nhân vật nổi tiếng đất Cựu Thần Kinh (vào cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ 20). Cụ đậu cử nhân triều Tự Đức, làm quan đến chức Tá Lý bộ Lễ. Khi vua Thành Thái lên ngôi (1888) nhớ đến phục thù, liền tìm cách làm tội những đình thần cùng con cháu của các vị bị tình nghi có nhúng tay vào việc phế lập. Do đó mà cụ Tam Xuyên bị cách hết chức tước, chỉ còn chân cử nhân! [1]. Đến triều Duy Tân (1907 - 1916), nhà vua xét thấy cụ bị tội oan, bèn cho phục nguyên hàm Tá lý.

Từ lúc lui về vườn, cụ sống một cuộc đời phong lưu, lấy thi tửu cầm kỳ vui cùng phong ba thủy nguyệt. Cụ có người ái thiếp tên Mộng Liên là một giai nhân tài bộ, đi đâu cụ cũng đem theo:
Lên dinh xuống phủ lại về vườn
Sắm sửa đi đâu cũng có nường.
Đàn chẳng hay chi hòa đủ nước,
Cờ không cao lắm đánh vừa ngang.
Thơ xem trước mắt tay thường lục ,
Rượu nhấm ngoài môi mặt đã hường.
Hai chữ tài tình xem chẳng mấy,
Lẽ nào con Tạo nỡ ghen tương.
Một năm nhân tiết Trùng Cửu cụ cùng các thi hữu rủ nhau lên chơi núi Ngự Bình. Lúc ấy bà Mộng Liên có mang mà cũng lẽo đẽo đi theo. Các bạn cười và thách bà làm thi. Bà vui vẻ đọc:
Theo chồng dù khổ chẳng từ nan
Huống được lên cao hưởng thú nhàn. [2]
Bẻ nhánh hoa vàng cài mái tóc
Rõ ràng có bụng với giang san.
Văn chương thanh nhã nhưng hàm súc. Chỉ có bốn câu ngó như đơn sơ song chứa đủ tình, lý, cảnh, sự! Nếu thi học không rộng thi tài không cao thì dễ gì vừa hé môi liền nhả ngọc như thế. Những lời của cụ Tam Xuyên đề tặng trên đây nửa vì tình mà cũng nửa vì tài, vừa chân thành vừa xứng đáng.
Hai bài đều là chân thi.
Người đương thời phần đông tôn Tam Xuyên là Thi Bá. Nhưng nói đến thơ cụ người ta thường đem những bài thơ chơi chữ ra làm điển hình! Do đó những bài thơ thuần túy của cụ ít được phổ biến và lần lần trôi mất theo thời gian.
Gần đây Hương Bình Thi Phẩm có sao lục được một ít. Song hầu hết đều là thơ chơi. Năm 1930 làm việc tại tòa khâm sứ ở Huế, tôi được cụ Vân Bình Tôn Thất Lương đọc cho nghe nhiều giai tác của cụ Tam Xuyên. Nay còn nhớ được một ít:
CÂY CAU
Sum sê vườn trước lại vườn sau
Khác các loài cây ấy ấy cau
Ôm ấp vòi rồng sương nở bẹ,
Phất phơ đuôi phượng gió lay tàu.
Đỡ nhà lóng thẳng làm nền cột,
Giúp nước mo to dễ thế gàu. [3]
Mai mốt nở bùng ngàn vạn trái
Trời cho ăn lộc đỡ thêm màu. 
Đó là một trong những bài cụ sáng tác lúc còn làm quan. Lời thơ phong lưu, ý thơ trung hậu. Văn chương có ký thác. Tiền giải nói về thân thế, hậu giải nói về hoài bão.
Cặp trạng:
Ôm ấp vòi rồng sương nở bẹ
Phất phơ đuôi phượng gió lay tàu.
Vế trên có ý tự đắc về dòng dõi Hoàng tộc. Vế dưới có ý tự đắc về phương diện văn chương.
Nhưng có người chê rằng câu “phất phơ đuôi phụng gió lay tàu” là câu thơ trệ. Vì gió cứ lay tàu mãi thì kíp chầy gì cũng phải rụng. Cho nên khi cụ bị cách chức, người đương thời thường đem bài “Cây cau” ra bàn và cho là sấm thi.
Tôi liên tưởng đến bài thơ vịnh Bí Ngô của một cụ Tú ở Quảng Nam. Cụ Tú là người đồng thời cùng cụ Phạm Liệu. 
Lúc thiếu thời, cụ Tú Vịnh Bí Ngô có câu:
Giấy kết võng trần ngồi hóng gió
Lá xè lọng tía đứng che mưa.
Cụ Phạm vịnh Ghẻ có câu:
Ba kiếp nâng niu ngồi nắn mũ
Hai tay cáng náng giở vòng xe.
Hai cụ học lực tương đương nhưng cụ Phan đậu Tiến Sĩ, còn cụ Tú thì đi thi mãi bị rớt trường tư. người đương thời thường bàn tán:
- Trong thơ cụ Phạm có mũ có xe [4], trong thơ cụ Tú có võng có lọng. Tại sao một bên đỗ đại khoa, còn một bên bị lận đận nơi trường ốc?
- Tại vì mũ xe của cụ Phạm được an bài, còn võng lọng của cụ Tú bị gió dồn mưa tạt.
Vì có một ít câu thơ ứng nghiệm trong việc tương lai, cho nên các cụ ngày xưa sợ thơ trệ. Nhưng những câu thơ làm xong liền nhân thấy trệ hoặc cho là trệ thì không mấy khi ứng nghiệm. Thường thường chỉ sau khi việc tốt xấu đã xảy ra rồi, người ta mới cho là câu này hay câu kia là câu sấm. Có lẽ câu “phất phơ đuôi phượng gió lay tàu” của cụ Tam Xuyên mang tiếng là trệ sau khi cụ bị nạn Thành Thái [5].
Có lần một ông bạn nhắc đến câu thơ kia, cụ cười:
- Nếu trệ thì đã trệ từ ngày mới sanh của tôi.
Cụ nói vậy là vì cụ sanh ngày 23 mà mồng năm, mười bốn, hăm ba là ba ngày nguyệt kỵ:
Mồng năm mười bốn hăm ba
Đi chơi cũng lỗ lọ là đi buôn.
Sau khi lui về vườn, nhân ngày lễ sinh nhật của cụ, cụ có bài cảm tác:
Tháng tư nguyệt kỵ bữa hăm ba
Chén rượu ngày sanh chút gọi là
Nâng chén khẽ ngừng khi chíp chắp
Để lòng hồi tưởng lúc tu oa.
Nặng vì tơ tóc đôi còn nợ
Ngoảnh lại mày râu nửa muốn già
Khóc nghĩ hổ ngươi cười nước mắt
Lòng ta ta chỉ biết thương ta.
Lời thơ dịu dàng nhưng ngấm một nỗi buồn lạnh lạnh, hiu hắt như khí mùa thu, nhẹ nhàng  nhưng thấm thía.
Câu kết bài thơ tặng Mộng Liên:
Hai chữ tài tình xem chẳng mấy
Lẽ nào con tạo nỡ ghen tương.
Cũng ẩn một nỗi buồn kín đáo. Tác giả trực tiếp cầu cho người yêu suốt đời được thân an tâm lạc, gián tiếp than phận mình chỉ vì hai chữ tài tình mà bị con Tạo ghen tương.
Bị Trời ganh ghét? Hay tại số trời đã định và đã ứng nơi ngày sanh? Bởi nếu không do Trời thì sao lại không tội mà bị trừng phạt?
Cụ bị cách chức lúc tuổi chưa đầy ba mươi, và khi được phục nguyên hàm Tá lý thì tuổi đã trên năm mươi. Lúc ấy răng cụ đã rụng hết. Nhân đó cụ có ngâm mấy câu:
Không răng đi nữa cũng không răng
Chỉ có thua người một miếng ăn
Miễn đặng nguyên hàm nhai nhóp nhép
Không răng đi nữa cũng không răng.
Một tiếng cười trong nước mắt!
Nghĩ thói đời mà buồn vậy thôi. Chớ nếu “trời cho ăn lộc” thì thân danh sự nghiệp của cụ bất quá cũng như cây cau:
Đỡ nhà lóng thẳng làm nên cột
Giúp nước mo to dễ thế gàu… 
Chớ làm sao gặp được một người tình tài bộ, bà Mộng Liên [6], và có những vần thơ bất hủ như hai bài Sinh Nhật và Không Răng, “Khuất Bình từ phú…”.
Cụ sanh ở An Cựu Huế năm Canh Thân (1860) và mất tại Quảng Bình năm Quý Sửu (1913), thọ 54 tuổi.
Nơi khách địa nhân ngày Tết nhớ quê, cụ có câu đối:
- Pháo vô hạn kêu nêu vô hạn cao, ba thảo bách ban vô hạn lạc;
Bánh bất thăng dẻo thịt bất thăng béo, quan san thiên lý bất thăng tình.
Và sau khi cụ mất, bạn thơ ở Huế, nhớ cụ, có câu:
- Diệu đế chuông ngân hồn cát sĩ,
Hương giang mưa rưới lệ hoài nhân.
Chú thích:
[1] Vua Thành Thái là con vua Dục Đức. Sau khi vua Tự Đức thăng hà thì vua Dục Đức kế vị. Được ba ngày thì bị Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết truất phế. Lúc ấy cụ Tôn Thất Phan, thân sinh cụ Tam Xuyên, làm Thượng Thư bộ Hình. Vua Thành Thái nghi rằng cụ Thượng theo phe Tường Thuyết, nên trả thù cụ Tam Xuyên.
[2] Có người đọc là:
- Nghiên bút theo đòi trót dở dang,
Đem chữ nhàn ra đổi chữ mang
Niêm bị phản ý lại không thông suốt, nên chắc là câu trong 1 bài khác của bà Mộng Liên. Lại có người đọc là:
Thương chồng nặng nhọc dám từ nan
Đem chữ mang theo đổi chữ nhàn
Cũng không bằng câu tôi chép trên.
[3] Có người còn đọc: giúp nước mo to thế đặng gàu.
[4] Từ Quảng Ngãi trở ra Thừa Thiên, những chữ có dấu hỏi và dấu ngã đều đọc giống nhau, cho nên Mủ ghẻ lộn với Mũ quan.
[5] Xem chương 19 ở trước nơi về thơ sấm.
[6] Cụ gặp bà Mộng Liên lúc đã thôi làm quan, và tuổi đã trên bốn mươi. Lúc ấy bà Mộng Liên còn trẻ lắm. Tình yêu không biết tuổi.

14/4/1971
Quách Tấn
Theo http://dinhquat.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Công dân áo gấm Henry Cabot LodgeXXXXX

  Công dân áo gấm Henry Cabot Lodge TỰA - LỜI TÁC GIẢ Hồi đó, tám năm qua… Tháng 8.1963, tình hình căng thẳng, ngột ngạt, các phóng vi...