Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2021

Vũ điệu của khói sương

Vũ điệu của khói sương

Giữa tiết thu se lạnh, không gì dưỡng tâm bằng kiếm cho mình một góc nhỏ thật yên tĩnh, thoát khỏi thế giới xô bồ, ngồi đọc những dòng thơ đong đầy thiên nhiên sang mùa ghi dấu cỏ hoa. Những lúc ấy, thơ thường ẩn mình dưới lá cỏ, bên trong sần sùi vỏ cây già cỗi, hay lơ lửng tầng không rồi bất ngờ vụt hiện trong cõi cảm nhận của riêng mình. Tôi đã đọc “Lục bát múa” của Trần Lê Khánh trong một không gian thu đầy lá rơi như thế, nhận ra xung quanh lá vàng đã rơi rất nhiều trong trang sách, rơi tràn từ trong thơ ra đến cõi không đời thực, rồi hóa thân thành những vũ điệu khói sương, mang nặng trĩu nỗi niềm ẩm ướt của thơ, vừa hiển hiện những thi ảnh cụ thể rõ ràng như bức tranh tả thực, vừa mơ hồ như sương khói.
Vũ điệu khói sương của tập thơ, như là vũ điệu của một thứ lục bát mới, một thứ lục bát từng cặp hai câu hết sức cô đọng cũng mang vũ điệu của nhìn và cảm thiên nhiên qua tâm thức lá sen, vũ điệu của chiêm nghiệm mang đậm ánh thiền… Và nhiều khi, trong vũ điệu nhẹ nhàng của thơ ấy, thấp thoáng gương mặt thi nhân với nụ cười nhiễm sương, nhẹ như mây trôi với nụ mỉm cười hiền của một gã trai dừng bước giang hồ, nghe trong giai điệu thu những chiêm nghiệm lắng đọng đang rơi như lá vàng xào xạc…
Nhà thơ Trần Lê Khánh
Tôi tự nhiên muốn thuật lại những câu chuyện mà những vũ điệu của tập thơ vừa đưa đến. Mở đầu là nhưng câu thơ đề từ của Ba Gàn, một đề từ rất đọng:
“giọt sương trên đầu ngọn cỏ
rơi xuống
xuống mãi
mãi chưa tới đất”
Như lời đề từ, giọt sương đã rơi như một câu chuyện trần gian, với những cơn mê đời người, rơi mãi không hề chạm đất, nhưng nó đã rơi chạm cõi thơ, chạm cõi lòng.
Trước hết là tiếng lòng thu. Mùa thu bàng bạc trong tập thơ, song lại rất cô động có phần dí dỏm một nỗi đa sắc, đa diện, đa cung bậc, đa cảm xúc, đa chiêm nghiệm:
Thu như một giấc mộng dài của cuộc thế:
“có lần cơn gió mùa thu
nói rằng quả đất mộng du dài dòng”
Thu như một tác nhân cuộc đời hay phận người:
“mùa thu hạt bụi long đong
nắng mai đi khuất cho không ngày dài”
Có khi thu như bóng nhân mờ bóng trăng thu, hay là phút chợt nhận ra chân dung mình mờ phai trong tiếng âm ba:
“người đi mờ tiếng xa xa
trăng thu vùng dậy, nhận ra bóng mình”
Những ý thơ từ hai câu, mà như thể thi nhân trải những tấm toan để nghịch ngợm vẽ cho chúng ta chiêm ngắm thu trên con phố dài, để sau những tiếng cười sẽ có những bất ngờ ngẫm ngợi trước cái đẹp thênh thang vàng thu hay cuộc đời, những lúc ấy ta hiểu ra rằng nhiều khi nên rủ bỏ những định kiến làm bó hẹp tâm hồn. Như hai câu dưới đây, bức tranh con cá mãi chơi thu, bỏ quên tất cả, và những bong bóng từ nội tâm của nó được thả rong:
“con cá hớp phải mùa thu
vài gợn bong bóng ngục tù đi chơi”
Có khi thu như ngập ngời chia lối, song lá thu lại xóa hết lối về bản ngã:
“mùa thu chừa hết mười phương
lá vàng lại xóa con đường trong em”
Và dĩ nhiên, sẽ có lúc đẩy ta vào một không gian thời gian thu bao la bát ngát, không rõ mùa thu đang chính thức ở nơi đâu:
“bên ngày đến, bên đêm trôi
mùa thu trốn ở trên đồi hoang mang”
“Lục bát múa” và những tập thơ khác của Trần Lê Khánh
Vậy thì ngọn đồi hoang mang hay mùa thu hoang mang? Không ai rõ cái hoang mang ấy từ đâu, nhưng chắc chắn là cái hoang mang khởi từ cội rễ thu giăng mắc. Cái tài của thơ Trần Lê Khánh là ở đây, bửng lửng bơ lơ, những cảm nhận rất thực mà như mơ hồ, như đời người mơ hồ, thi nhân không chỉ ra hết những âm ba chữ, mà chỉ vén chữ nghĩa ra để nhường lối cho cảm nhận ùa về. Cũng như:
“dấu chân dấu, nhặt cho đầy
đầy không chiếc túi đựng mây thu tàn”
Là hỏi mà không hỏi, làm sao nhặt cho đầy túi? Nhặt đầy để làm gì? Không nhặt đầy có sao không? Rõ ràng là không cần phải trả lời. Chỉ cần cảm nhận, thế thôi. Nhưng đừng tưởng tất cả sẽ trôi xuôi, bởi một vô tâm kiêu mạn, sẽ làm ai đó đau:
“mùa thu hạt bụi đi ngang
mùa thu kiêu mạn, bụi chàng thiếp đau”
Thì ra trong cõi thu, hay cả bên ngoài cõi thu của thơ, đó chính là cõi người. Những lá vàng, cổ thụ, sương khói, mây thu, hạt bụi thu, nắng phai… chính là cõi người. Mà cõi người thì:
“cỏ cây không thích nhiều lời
bình minh đem cất mặt trời trên cao”
Cõi người - như cỏ như cây cần ánh nắng - cần chân lý, cần tình yêu thương, cần sống và hy sinh. Như một sự nén cơn đau, bởi dẫu có hoài mang cho ai thì cũng là làm đau kẻ khác:
“em đem dĩ vãng cúng dường
cánh đồng sen nhỏ, đau thương bùn lầy”
Những nhắn nhủ ấy quá đỗi nhẹ nhàng, đó là cách thức chiêm nghiệm của Trần Lê Khánh, ví như nói về cái nỗi vô tâm của gai hoa hồng:
-vòng tròn em vẽ vô tâm
vườn hồng gai nhọn thậm thâm cuộc tình
-“em về gieo hạt vô tư
cánh rừng nguyên thủy mỏi như yêu thương”.
Hay là một “lời gió bay” nhặt được nơi chân trời, nơi đường biên niềm tin, khiến hụt hẫng bàng hoàng:
“một lần thử đứng chân trời
bàng hoàng nhặt được những lời gió bay”
Khiến quay quắt như một niềm tin đổ vỡ, chỉ còn niềm vô vọng:
“người đi bỏ lại bầu trời
ai đem kim chỉ khâu lời gió bay”
Câu thơ hay như một cơn gió tê tái giữa đất trời.
Có khá nhiều hai câu lục bát hay như thế có thể nhặt ra từ trong “Lục bát múa”. Hay vì nỗi ám ảnh cao dao:
-“một hôm chiếc lá ăn năn
vén nhau tìm giọt sương rằm đêm qua”
Hay như nỗi đau xuyên thấu bên này, mà liệu bên kia cõi đau này có được bình yên:
-“mũi nào đau nhói đêm nay
chẻ đôi tiếng sét bên này mưa tuôn”
Hay như một nỗi vơ vơ được gọi tên:
-“hàng cây từ thuở em đi
rêu phong hóa cánh thiên di tìm bầy”
Đã cô đơn lạnh đến độ rêu phong, mà lại cố bay đi tìm bầy cho đỡ lạnh, liệu có tìm bầy được không? Quả nhiên không, như những câu thơ dưới đây chỉ cần đọc lên, không cần bình chú gì thêm:
-“đời người đem hết cô liêu
thả vào mảnh đất phì nhiêu hạt buồn”…
-“cởi dần chiếc áo bốn bề
vẫn đau một mảnh trăng kề trên vai”
Cái hay của thơ chiêm nghiệm là biết giấu nụ cười bên trong câu chữ, một tiếng cười vị tha, pha chút tinh nghịch của một hơi hướm thiền vị.
Như là cái nhìn yêu thiên nhiên với những thi ảnh đầy thi vị:
-“là ngọn núi nhỏ nhấp nhô
giấc sâu vẫn ngượng lõa lồ trong mây”
-“gió thu đang nhú trên đồi
giọt sương e lệ mà ngồi run run”
Và thiên nhiên sao giống con người làm vậy, như cõi phù du sân si mênh mông:
“mùa thu vô tướng sân si
hàng cây rủ hết làm gì phù du”
Đôi khi khiến ta ngỡ là ca dao:
“lá rơi đâu biết xếp hàng
về đến mặt đất cả làng như nhau”
Đôi khi khiến ta nhớ đến Hồ Xuân Hương:
“lá vàng liếc nhẹ mùa thu
phe phẩy ngọn lá sĩ phu giả vờ”
Đôi khi là cuộc yêu đương được thi ảnh thăng hoa:
“uyên ương nếm chuyện đã thành
cỏ khô trên túp lều tranh mệt nhoài”
Đọc mà thấy mình như cũng mệt nhoài theo cỏ khô, mà cũng thấy tuyệt vời như cỏ khô.
Và em nữa, đầy bỡn cợt:
-“sáng mùa thu trời đổ mưa
hay là em muốn đong đưa tháng mười”
-“chiều nay con phố tàng hình
em phun sương khói nghi binh quỷ thần”
Nhưng cũng có lúc trong cái cà rỡn ấy, cơn đau “mỗi ngày ta chọn một niềm vui” (Trịnh Công Sơn), lại đến ở cuối tiếng cười:
“quá khứ hiện tại vị lai
sao em mải miết chia sai thì buồn”
Đó là những lúc nhìn sâu vào quá khứ và thực tại:
“kinh thành sáng loáng đao gươm
sách sờn con chữ gườm gườm nhìn nhau”
Và cái hiện tại ngổn ngang cuộc trần:
“yêu kiều tán loạn thanh tao
chít khăn mỏ quạ vận vào hồng lâu”
Rồi kiếp người từ đó, hãy nhìn lại chính bóng đời:
“ai là kiếp trước của ai
thủy chung chiếc bóng đổ dài từ chân”
Câu thơ chợt lắng như một câu thiền. Không thể không dừng lại khi đọc câu thơ này.
Có khi Trần Lê Khánh nói nghiệm lời Phật một cách trực diện phóng khoáng:
“phan duyên một cơn mưa rào
vài hạt trạo cử dậm vào miên man”
Phan duyên là phàm làm việc gì cũng tùy duyên. Trạo cử là một trong năm chướng ngại: tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử, hoài nghi. Nếu hôn trầm là sự mờ tối của tâm thức thì trạo cử lại chỉ trạng thái tâm không yên. Gần như đây là lần duy nhất trong tập thơ này Trần Lê Khánh dùng chữ của nhà Phật. Còn lại đều nói xa xôi, bóng bẩy, như thể để cho tất cả những ý, những chữ đều bay trong vũ điệu thu đầy gió, đầy lá vàng rơi, đầy sương khói, như mênh mông…
Cho đến hai câu thơ cuối:
“mây thu bay nán gì thêm
em đi vóc thả lưng mềm thời gian”
Có thể nói đây là bức tranh hay và đẹp giữa nhiều bức tranh như thế trong vườn tranh “Lục bát múa”.
Và đến đây, tập thơ khép lại với bốn câu thơ không biết của ai, của Trần Lê Khánh hay của thơ, hay của người kể chuyện giấu mặt: “rèm sân khấu sang ngang”.
“Lục bát múa” đúng là vũ điệu đùa mà không đùa, dù chất dí dỏm có thừa, song cõi sâu thẳm của nó, thừa những điều cho bạn đọc thấm chìm trong chiêm nghiệm.
Nếu có một vài điều chưa hài lòng, thì đó cũng như ta đang nằm nghe tiếng vó ngựa bay qua đồi hoang vu, chợt nghe lại tiếng vó ngựa lúc trước đã vang vọng trong mình. Tiếng vó ngựa lặp lại, như sự lặp lại của thi ảnh, của chữ. Ví như:
“biết cho là lấy thêm đau
tay người sao lại rối nhau vào lòng”
-“em đừng tách lá khỏi thu
mùa đông mà đến rối mù mùa sau”
Thì chữ “rối” ở hai câu thơ này khá đắt.
Nhưng:
“tách lá ra khỏi mùa thu
đem về cân lại hình như nặng lòng”
Thì cái sự “tách lá khỏi thu” ở đây nó lặp lại song không còn vi diệu nữa, tiếng vó ngựa không còn bay thênh thang trên đồi thi ca.
Nhưng chung quy lại, “Lục bát múa” vẫn âm vang bao điều khi ta gấp sách lại, như sương thu còn vướng vít quanh đây trên lá cỏ tâm thức. Có thể ví thơ Trần Lê Khánh như một đóa quỳnh nở trong đêm khuya thanh vắng. Nụ quỳnh hoa cô đọng và nén những ý tưởng, những thi ảnh, những chữ…; cho đến khi nở bung ra thành những cánh trắng nõn nà rung rinh, thì hoa ấy đã hóa thành một đóa tinh khiết mang mùi hương tinh tế của minh triết, hoa ấy mang ánh sắc trắng đầy ngạc nhiên của những giấc mơ thi ca đưa cái đẹp vào sâu bên trong cho những tâm hồn rộng mở…
19/1/2021
Hồ Đăng Thanh Ngọc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...