Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

Kim Dung giữa đời tôi 7

Kim Dung giữa đời tôi 7

Đào Cốc Lục Tiên - Một luật sư đoàn ngộ nghĩnh
Trước đây, trong chế độ Pháp thuộc, nhân dân ta thường gọi các vị luật sư là trạng sư hay thầy cãi. Khi đọc Tiếu ngạo giang hồ cùa nhà văn Kim Dung, tôi thấy khái niệm "thầy cãi" thật xứng đáng với nhóm Đào Cốc lục tiên. Câu chuyện Tiếu ngạo giang hồ xảy ra vào khoảng cuối đời Minh bên Trung Hoa mà thời ấy làm gì đã có trường đào tạo luật sư, làm gì có tòa án được thiết lập dân chủ như thời đại của chúng ta để các vị luật sư đứng ra bảo vệ thân chủ của mình. Tuy nhiên tôi vẫn mạnh dạn gọi sáu vị trong Đào Cốc lục tiên là một luật sư đoàn vì họ rất thích cãi, cãi suốt ngày trong khi bị thương gần chết, cãi cho sướng miệng, vừa bảo vệ cho những người đáng bảo vệ vừa làm trò vui cho thiên hạ. Và chính vì thế mà tôi gọi họ là một luật sư đoàn ngộ nghĩnh.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, Đào Cốc lục tiên xuất hiện khá đột ngột: vâng lệnh một ai đó lên Ngọc Nữ phong phái Hoa Sơn bắt cóc Lệnh Hồ xung về cho ni cô Nghi Lâm phái Hằng Sơn thỏa lòng mong nhớ. Tác giả không giới thiệu “hành trạng” của sáu vị Đào Cốc lục tiên có lẽ vì chữ tiên không phù hợp với ngoại hình của sáu vị này. Tác giả chỉ cho biết đó là sáu anh em ruột thịt, xếp thứ tự từ lớn đến nhỏ như sau: Đào Cán Tiên, Đào Căn Tiên, Đào Chi Tiên, Đào Diệp Tiên, Đào Hoa Tiên, Đào Thực Tiên. Nghe đến khái niệm Đào Cốc, ta chỉ biết đó là núi hoa đào, còn núi đó ở địa phương nào, tác giả không hề thuật qua. Tuy nhiên tên tuổi của luật sư đoàn này khá thú vị bởi nó khởi đi từ dưới lên trên: Cán (thân cây), Căn (rễ cây), Chi (nhánh cây), Diệp (lá cây), Hoa (bông của cây), và Thực (quả); từ lớn đến nhỏ, từ gốc đến ngọn, từ có trước đến có sau.
Riêng giữa Đào Chi Tiên và Đào Diệp Tiên thì hai vị này không phân biệt được ai là lão tam và ai là lão tứ; cả cha và mẹ của hai người cũng quên béng vì hai gã đẻ sinh đôi và thời ấy cũng chẳng ai làm giấy khai sinh. Xét ở khía cạnh lý lịch bản thân thì đó là một việc khá hồ đồ nhưng vì Đào Chi Tiên cãi quá nên Đào Diệp Tiên chịu lép vế làm em thứ tư. Tướng mạo các vị này được Kim Dung mô tả là xấu như quỷ sứ: Đào Hoa Tiên có khuôn mặt đỏ hồng như màu hoa đào, Đào Thực Tiên lại có khuôn mặt dài như mặt ngựa. Vì Đào Cốc lục tiên ưa giỡn cợt, cãi chày cãi cối và ngoài 50 vẫn bị người đời chê bai là hạng non nớt, đơn bạc nên khi Lệnh Hồ Xung nịnh: "Tên các vị hay quá; giả tỷ tại hạ có được cái tên hay như vậy thì sướng chết đi được" thì sáu lão đều vui mừng, cho chàng Lệnh Hồ Xung là con người tốt nhất thiên hạ.
Thế nhưng, ta chớ có được phép coi thường sáu vị. Dù họ ham cãi chày cãi cối nhưng về mặt võ công, họ là những hảo thủ đứng hàng đệ nhất: nội công thâm hậu, khinh công cao cường, tâm ý tương thông. Họ có một chiêu thức độc đáo: túm lấy tứ chi của kẻ địch giơ lên... Trong thiên hạ, họ chỉ chịu thua có một người là Lệnh Hồ Xung. Lý do: họ túm được Lệnh Hồ Xung nhưng không giữ và xé được anh chàng này bởi Lệnh Hồ Xung sử dụng Hấp tinh đại pháp hút công lực của họ, khiến họ kinh hoàng phải bỏ ra! Sáu anh em đã tranh đua với bọn hào sĩ giang hồ hắc đạo đòi làm minh chủ tiến lên chùa Thiếu Lâm giải cứu Nhậm Doanh Doanh ra cho Lệnh Hồ Xung, họ đành chịu nhường cho chàng cái danh "minh chủ".
Từ ngàn xưa, người Trung Hoa đã ca ngợi môn thiệt chiến (đánh võ lưỡi) tức... cãi lộn. Tam quốc chí của nhà văn La Quán Trung có thuật đoạn Gia Cát Lượng thiệt chiến quần nho ở Đồng Ngô khiến các nhà nho Đông Ngô cứng họng. Tài thiệt chiến của Đào Cốc lục tiên còn xuất sắc hơn cả nhà nho Gia Cát Lượng của Tây Thục ngày trước, chỉ tiếc rằng nội dung thiệt chiến hơi... tào lao. Thí dụ khi Lệnh Hồ Xung bị thương nặng, Đào Thực Tiên và Đào Hoa Tiên cứ cãi nhặng xị lên. Đào Thực Tiên: "Rõ ràng gã sống mà sao ngươi cứ nói là đánh chết gã?" Đào Hoa Tiên: "Ta có bảo nhất định là hắn chết đâu, mà chỉ nói là gã có thể chết được". Đào Thực Tiên: "Gã đã sống lại thì không thể nói là gã có thể chết".
Vốn tính sáu vị hồ đồ nhưng lại rất hiếu sự, sợ Lệnh Hồ Xung chết đi thì sáu vị bị Nghi Lâm mắng cho sáu con mèo vô dụng cho nên họ tranh nhau dùng công lực thượng thừa chữa bệnh ngay cho Lệnh Hồ Xung. Gã này cho là Lệnh Hồ Xung bị thương Túc thiếu âm thận kinh, gã khác cãi lại là bị thương ở Thủ thái dương phế kinh; lại gã khác cãi là ở Dương minh đại trường kinh, lại gã khác cãi là Túc thái âm tỳ kinh... Cho nên Đào Cốc lục tiên phóng công lực chữa các huyệt Dương đao, Dương quang, Phong thị, Hoàn khiêu của Lệnh Hồ Xung thì Đào Chi Tiên lại đưa chân khí vào Tam tiêu chữa tim; Đào Cán Tiên lại phóng chân khí vào các huyết Trung Phủ, Xích trạch, Khổng tố, Thái uyên... Âm dương lộn xộn như vậy nhưng Đào Hoa Tiên vẫn cố làm ra nhà bác học lý luận: "Âm sinh ra dương, đó là hai mặt của một vật. Họp lại thành một, phân là thành hai, khác nào Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi họp lại thành Thái cực. Thiếu dương và Thiếu âm nương tựa nhau như mặt trong mặt ngoài vậy." Họ vừa cãi vã vừa chữa bệnh cho Lệnh Hồ Xung đau đớn không chịu nổi, phải... chết giấc.
Tôi nghĩ rằng khi xây dựng nhóm nhân vật Đào Cốc lục tiên, Kim Dung đã cho thấy được một hội chứng thâm căn cố đế của người Trung Hoa: ưa cãi. Hội chứng đó có trong tư tưởng của AQ., nhân vật của Lỗ Tấn với phép "thắng lợi tinh thần". Mà AQ. là đại biểu lớn của con người qua 3.000 năm quân chủ Trung Hoa, không cãi lớn được thì cãi thầm, không chửi to được thì chửi nhỏ, thậm chí chỉ nghĩ ra lời chửi để một mình mình nghe cho hả dạ, coi như đã chửi được nó. Lý luận của anh em Đào Cốc lục tiên đứng giữa danh học và ngụy biện nghe ra khá thú vị. Ta có thể nghe đoạn cãi vã của sáu vị khi đi viếng Dương tướng quân miếu ở trấn Chu Tiên, phủ Khai Phong. Gã này: "Ta bảo miếu Dương tướng quân nhất định thờ Dương Tái Hưng". Gã kia: "Trong thiên hạ có nhiều tướng quân họ Dương, sao lại cứ nhất định là Dương Tái Hưng?". Đào Diệp Tiên: "Có lẽ là Dương Tứ Lang". Đào Chi Tiên: "Dương Tứ lang đầu hàng phiên bang, không ai dựng miếu". Đào Diệp Tiên: "Ta đứng hàng thứ tư, ngươi nói chuyện đầu hàng phiên bang, chẳng lẽ muốn mạt sát ta?". Đào Hoa Tiên: "Ngươi thứ tư thì kệ ngươi, liên quan gì đến Dương Tứ Lang?" Đào Diệp Tiên: "Còn ngươi đứng hàng thứ năm. Dương Ngũ Lang xuất gia đi tu ở Ngũ Đài Sơn, sao ngươi chẳng làm hòa thượng?". Đào Hoa Tiên: "Hễ ta làm hòa thượng thì ngươi đầu hàng Phiên bang." Đại để, lý luận của họ lòng vòng như vậy, càng nghe càng cảm thấy hoạt kê, càng thấy câu chuyện xa lơ xa lắc.
Có một lần, cả "luật sư đoàn" Đào Cốc lục tiên cùng ra trước "tòa án", cãi vã để bảo vệ cho quyền tồn tại của bốn kiếm phái trong Ngũ Nhạc kiếm phái. Nguyên đất nước Trung Hoa có năm ngọn núi danh tiếng: Hoa Sơn, Thái Sơn, Hằng Sơn, Hành Sơn và Tung Sơn; trong đó có ngọn núi Tung Sơn (thuộc tỉnh Hồ Nam) đứng ở trung tâm. Mỗi ngọn núi là một kiếm phái riêng và họ đứng cùng trong một tổ chức gọi là Ngũ Nhạc kiếm phái. Chưởng môn phái Tung Sơn Tả Lãnh Thiền nuôi tham vọng hợp nhất cả bốn phái kia để chỉ còn Ngũ Nhạc phái để lão lên ngôi minh chủ Ngũ Nhạc phái. Đào Cốc lục tiên kiên quyết phá hỏng âm mưu của Tả Lãnh Thiền.
Mỗi người trong bọn họ đều tự xưng mình là đại anh hùng, đại hào kiệt, xứng đáng là chưởng môn năm phái; người còn lại gọi là tổng chưởng môn. Rồi họ bàn chuyện dời năm trái núi đó lại gần nhau để anh em họ được ở gần nhau. Nhưng núi lại lớn quá, dời không xong, Đào Thực Tiên giả bộ khóc hu hu: "Từ ngày sinh ra, anh em chúng ta không rời nhau nửa bước. Nay chia lìa mỗi người mỗi nơi, tiểu đệ không chịu". Cả sáu anh em đều mồm năm miệng mười phản đối cuộc hợp nhất. Khi một lão ở phái Thái Sơn (đã ăn tiền của Tả Lãnh Thiền) đứng ra đề nghị chọn một người đạo cao đức trọng làm chưởng môn Ngũ Nhạc phái thì Đào Cốc lục tiên đưa ra đề nghị bầu Phương Chứng đại sư, trụ trì chùa Tiếu Lâm. Lý luận của họ không phải là cưỡng biện: chùa Thiếu Lâm ở trên ngọn Thiếu Thất; phái Tung Sơn nằm trên ngọn Thái Thất, cùng trong dãy Tung Sơn, tỉnh Hồ Nam. Mà xét giữa Phương Chứng và Tả Lãnh Thiền thì Phương Chứng mới xứng với bốn chữ "đạo cao đức trọng". Cái lý luận đó khiến Tả Lãnh Thiền căm hận bầm gan tím ruột, chỉ mong có một ngày bắt được sáu "của nợ" này băm vằm ra làm mắm mới hả giận. Cuối cùng, thấy không thể phá được Tả Lãnh Thiền, anh em Đào Cốc lục tiên bèn rủ đám ni cô phái Hằng Sơn xuống núi, không tham dự đại hội Ngũ Nhạc kiếm phái nữa. Tả Lãnh Thiền sợ quá, phải xuống nước năn nỉ. Lý do: âm mưu của lão là lên làm minh chủ Ngũ Nhạc phái. Nếu phái Hằng Sơn rút đi, thì dầu lão có được làm minh chủ cũng chỉ là minh chủ Tứ Nhạc phái. Mà có khái niệm Tứ Nhạc phái ra đời chỉ làm trò cười cho thiên hạ!
Người Trung Hoa đã phải trải qua 3.000 năm quân chủ, chịu áp bức bóc lột đã quen. Cho nên nụ cười, chuyện cười đối với họ là một phản ứng vừa để giải tỏa ấm ức, vừa thể hiện phép thắng lợi tinh thần chống áp bức bất công. Kim Dung xây dựng nhóm nhân vật Đào Cốc lục tiên hay cãi không đi ra ngoài mô thức đó. "Luật sư đoàn" ấy cãi suốt, cãi từ khi lên ba cho đến lúc già mà vẫn còn ham cãi. Những nội dung cãi cọ của họ làm vui cho tác phẩm tiểu thuyết, biến những chương căng thẳng nhất tràn đầy tiếng cười lạc quan. Đào Cốc lục tiên cũng là những người biết bảo vệ cái đúng, bảo vệ công lý. Bề ngoài của họ xấu xa nhưng tâm hồn bên trong lại thực sự trong sáng. Điều thực sự thú vị là họ chỉ mặc mỗi một màu áo đen, màu áo của luật sư khi ra trước tòa ở tòa án Hồng Kông. Những lý luận ngô nghê của họ chỉ có thể có được trong tâm trí của trẻ con, trong những trái tim con trẻ. Người Trung Hoa vẫn thường ví sự trong sáng ở trên đời bằng cụm từ "Xích tử chi tâm" (trong sáng như trái tim con trẻ mới sinh). Phải chăng Kim Dung muốn mọi đồng bào của ông được sống và đối xử với nhau nhân hâu, chân tình, trong sáng như những trái tim trẻ con chưa hề biết đến hận thù, chia rẽ, nghi kỵ?
Vụ án "Di hoa tiếp mộc" trong Lộc Đỉnh Ký
Di hoa tiếp mộc (dời hoa nối cây) nguyên là tên một trong 36 kế mà người Trung Quốc thường đề cập đến. Di hoa tiếp mộc là thủ đoạn vu oan giá họa, đẩy tội lỗi của người này sang cho người khác bằng cách dựng những chứng cớ giả tạo, đánh lừa cơ quan pháp luật. Trong thời phong kiến, kĩ thuật điều tra hình sự chưa tiến bộ, khó tìm ra chỗ giả tạo và con người thi hành pháp luật thường theo cảm tính, qua loa đại khái thì Di hoa tiếp mộc càng dễ dàng được thực hiện. Ta hãy xem vụ án Di hoa tiếp mộc trong Lộc Đỉnh ký của Kim Dung.
Vi Tiểu Bảo, học trò của Trần Cận Nam, là hương chủ Thanh Mộc đường của Thiên Địa hội, "nằm vùng" trong cung triều Thanh, được vua Khang Hy sủng ái, cử đi xây dựng tòa Trung liệt đường ở phủ Dương Châu, tỉnh Triết Giang. Cùng "nằm vùng" với Vi Tiểu Bảo còn có Ngô Lục Kỳ, hương chủ Hồng Thuận đường của Thiên Địa hội, làm đề đốc Quảng Đông, trong tay nắm giữ binh quyền khá lớn. Ngô Chi Vinh, hiệu là Hiển Dương, là một gã nho sĩ người Hán hám danh. Y đã là đơn đầu cáo lên triều đinh về vụ cha con Trang Doãn Thành, Trang Kiến Long làm bộ Minh sử tập lược có những điểm ca ngợi triều Minh, mạt sát triều Thanh khiến cho tên quyền thần Ngao Bái ra lệnh bắt hết các nhà nho ở Triết Giang tham gia làm Minh sử tập lược và bọn đàn ông họ Trang cộng khoảng 2000 người đem giết. Khi Khang Hy lên ngôi (1622), ông vua nhỏ tuổi này muốn trừ khử Ngao Bái. Vi Tiểu Bảo có công đâm chết Ngao Bái nên được các bà quả phụ họ Trang mang ơn, tặng cho con tiểu tỳ Song Nhi đi theo hầu hạ. Vi Tiểu Bảo rất quý Song Nhi, hứa với Song Nhi sẽ tìm mọi cách bắt Ngô Chi Vinh đem về cho các bà quả phụ họ Trang xử tội, để đền ơn tặng Song Nhi cho gã. Khi vua Khang Hy phong cho gã chức khâm sai đi về Dương Châu, gã lại gặp Ngô Chi Vinh. Hóa ra Ngô Chi Vinh nhờ làm Hán gian mà được phong chức tri phủ Dương Châu.
Lúc bấy giờ, ở Vân Nam, Ngô Tam Quế - Bình Tây vương của Thanh triều, đang chuẩn bị binh mã khởi loạn chống lại vua Khang Hy. Khi các quan ở Dương Châu đi đón tiếp Vi Tiểu Bảo, trong đó có cả Ngô Chi Vinh, Vi Tiểu Bảo vui miệng hỏi Ngô Chi Vinh có bà con gì với Ngô Tam Quế hay không, thì Ngô Chi Vinh dại dột khoe rằng y là cháu Ngô Tam Quế!
Chính cái cách khoe khoang dại dột đó đã đưa gã Hán gian hãnh tiến vào cái chết sau này.
Ở Dương Châu, Vi Tiểu Bảo chỉ đạo xây dựng Tòa Trung liệt đường. Trước đây, năm 1643, Bát kỳ (tám đạo cờ tiêu biểu cho tám bộ tộc người Mãn Châu) tiến qua Trung Quốc, đánh tan tành đạo quân của triều Minh. Bát kỳ cho phép quân Mãn Châu hãm hiếp, cướp bóc, đốt nhà của người Hán. Dương Châu và Gia Định là hai vùng đất bờ xôi ruộng mật của tỉnh Triết Giang đã gánh chịu những đau thương đó. Người ta vẫn đồn đãi nhau tội ác của quân Mãn Châu qua câu "Dương Châu thập nhật, Gia Định tam đồ". Vua Khang Hy lên ngôi, muốn làm một ông vua nhân đức, muốn chuộc lại các lỗi lầm của tổ tiên. Ông cho phép xây dựng lại tòa Trung liệt đường để thờ nhà yêu nước Sử Các Bộ đã chết trong cuộc chống xâm lược Mãn Châu, lại tha thuế cho người Dương Châu ba năm. Vi Tiểu Bảo thay nhà vua đi làm công việc đó.
Thế nhưng, gã tri phủ Ngô Chi Vinh thì luôn sục tìm những nhà nho người Hán có ý không thần phục triều Khang Hy, đầu cáo lên triều đình để làm nấc thang danh vọng cho gã leo lên. Gã tự ý bắt giam ba nhà nho ở Triết Giang là Lữ Lưu Lương và Tra Y Hoàng (Tra Y Hoàng là viễn tổ của Kim Dung). Theo cách đầu cáo vụ Minh sử tập lược lên Ngao Bái trước đây, Ngô Chi Vinh gặp riêng khâm sai đại nhân Vi Tiểu Bảo. Hắn phân tích những chỗ chống đối nhà Thanh trong bài thơ Hồng Vũ cổ pháo ca của Tra Thận Thành (cũng là tằng tổ khác của Kim Dung):
Thấy người nằm giữa đám chông gai
Nghĩ đến non sông dạ ái hoài
Dâu biến gây nên trò biến ảo
Châu tuôn tầm tã xót thương ai.
Rồi hắn phân tích thơ của Cố Viêm Võ:
Non nước nhà ta vốn vững vàng
Vì quân Di Dịch phải tan hoang
Kiến Châu bắt lính cùng thu thóc
Tây Thục còn lo nạn thổ quan.
Rồi hắn phân tích những chỗ đại nghịch vô đạo trong quyển Quốc thọ lục của Tra Y Hoàng: Tra Y Hoàng gọi những người Hán đã chống quân Thanh là nghĩa binh; gọi tướng sĩ Thanh triều là quân giặc... Hắn còn trình riêng với Vi Tiểu Bảo: "Phương Nam có viên đại tướng nắm giữ trọng binh sắp dấy quân tạo phản". Cuối cùng hắn đưa cho Vi Tiểu Bảo bức thư của đề đốc Quảng Đông Ngô Lục Kỳ gửi cho Cố Viêm Võ, trong đó có câu định mời Cố Viêm Võ về Quảng Đông để cùng lo việc chống Thanh triều: "Muốn lo toan việc lớn của Trung Sơn, Khai Bình mà không có Thanh Điền tiên sinh vận trù kế hoạch thì chẳng thể thành công được". Trong óc Ngô Chi Vinh, hắn mơ mộng một trường công danh phú quý. Hắn còn đề nghị với Vi Tiểu Bảo đừng hé lộ công lao này cho hai viên tuần phủ và tổng đốc Dương Châu biết!
Vi Tiểu Bảo nhận các vật chứng mà Ngô Chi Vinh đưa trình, sợ đến tháo mồ hôi. Gã nghĩ ngay kế sách triệt hạ Ngô Chi Vinh và cứu các nhà nho. Gã an ủi Ngô Chi Vinh mấy lời, bảo hắn giải các can phạm vào, rồi cho hắn lui ra khỏi phủ để chờ lệnh. Ba nhà nho Lữ Lưu Lương, Tra Y Hoàng, Cố Viêm Võ gặp Vi Tiểu Bảo, lòng không khỏi hổ thẹn. Vốn trước đây, họ đã bị tay chân của Ngao Bái bắt được, may nhờ Trần Cận Nam là thầy của Vi Tiểu Bảo giải cứu. Nay bản thân họ bị bắt lần nữa, lại phải nhờ đến học trò của Trần Cận Nam giải cứu. Vi Tiểu Bảo bàn với các nhà nho chuyện giải cứu Ngô Lục Kỳ, hương chủ Hồng Thuận đường của Thiên Địa hội đang làm đề đốc Quảng Đông. Chuyện Ngô Lục Kỳ định dấy binh; Ngô Chi Vinh đã biết rõ. Về chữ nghĩa, Vi Tiểu Bảo dốt đặc cán mai nhưng về mưu kế, gã lại hơn người. Gã nghĩ ra kế Di hoa tiếp mộc.
Khéo làm sao, Ngô Lục Kỳ, Ngô Tam Quế và Ngô Chi Vinh cùng ở họ Ngô. Khéo làm sao, hai tỉnh Vân Nam và Quảng Đông đều ở phương Nam (so với Triết Giang). Lại khéo làm sao là Ngô Chi Vinh đã từng thừa nhận với Vi Tiểu Bảo trước mặt các quan rằng hắn chính là cháu của Ngô Tam Quế. Lại khéo hơn nữa khi Ngô Lục Kỳ quyết định khởi binh cũng là thời điểm mà Ngô Tam Quế định tạo phản. Két hợp bốn yếu tố bất ngờ đó, Vi Tiểu Bảo nhờ Lữ Lưu Lương nhái chữ viết làm thư ký của Ngô Tam Quế, viết một bức thư giả mạo của Ngô Tam Quế gởi cho cháu là Ngô Chi Vinh. Bì thư đề: "Dương Châu tri phủ lão gia nhã giám". Đầu thư ghi: "Hiển Dương hiền điệt". Trong thư có đoạn "Di hoa tiếp mộc" khá cao cường: "Ngờ đâu, đức Thái tổ Cao hoàng đế của chúng ta (tức Chu Nguyên Chương, người khai sáng triều Minh - chú của tác giả) ban đầu xưng là Ngô quốc lại ứng vào tên họ của chú cháu ta sau ba trăm năm". Cuối thư, Lữ Lưu Lương ghi bốn chữ hàm hồ "Tây thúc thủ trát" (chú ở phía Tây gởi) rồi nhờ một người trong Thiên Địa hội đi theo Vi Tiểu Bảo là Tiền Bản Lão ký tên Ngô Tam Quế! Tại sao phải nhờ Tiền Bản Lão? Ngô Tam Quế là con nhà võ; Tiền Bản lão cũng là nhà võ; họ ít chữ nghĩa; công văn thư từ thường là do thư ký viết sẵn để họ ký tên; chữ ký càng gân guốc càng tốt!
Làm xong bức thư giả mạo, Vi Tiểu Bảo gọi các quan tuần phủ, tổng đốc Dương Châu vào đưa cho họ coi và nói đây là thư của Ngô Chi Vinh trình cho gã để xúi gã chống lại vua Khang Hy. Vi Tiểu Bảo sai tuần phủ, tổng đốc Dương Châu làm tờ bẩm về triều đình âm mưu chống đối của Ngô Chi Vinh và gã ra lệnh bắt Ngô Chi Vinh vì đã "thông đồng phiên tặc". Ta nên nhớ rằng vua Khang Hy đã biết được những âm mưu tạo phản của Ngô Tam Quế mà Vi Tiểu Bảo đang là sủng thần của Khang Hy. Dẫu Vi Tiểu Bảo có vu oan cho cả trăm người thông đồng với Ngô Tam Quế để chém họ cũng được chứ đừng nói một tên Hán gian Ngô Chi Vinh với cái chức tri phủ nhỏ như hạt đậu.
Vi Tiểu Bảo dẫn Ngô Chi Vinh về Bắc Kinh, giao cho các bà quả phụ nhà họ Trang xử lý. Gã không cần tâu lên vua Khang Hy vụ Ngô Chi Vinh thông đồng phiên tặc thì nhà vua cũng đã biết (do bản tâu của các quan ở Dương Châu gởi về). sau đó, Ngô Tam Quế quả nhiên tạo phản ở Vân Nam; còn tính mạng và thân phận của Ngô Lục Kỳ vẫn được giữ kín. Những nhân vật Lữ Lưu Lương, Tra Y Hoàng, Cố Viêm Võ, Ngô Tam Quế, Ngô Chi Vinh là những nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa. Vi Tiểu Bảo, Ngô Lục Kỳ, Tiền Bản Lão, Song Nhi là những nhân vật thuần túy hư cấu của tiểu thuyết.
Tố tụng hình sự theo luật giang hồ
Trong phần trước, tôi đã có dịp bàn với bạn đọc về luật giang hồ trong trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Mặc dù luật giang hồ có luật thành văn, có luật bất thành văn, nhưng đại để vẫn có một tiến trình tố tụng hình sự để thực hiện thi hành án.
Môn phái, tôn giáo, bang hội bào trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung cũng có những điều được quy định thành "luật" gọi là môn qui, giáo qui, bang qui riêng. Việc thi hành án hình luật đối với một nhân vật gọi là "thanh lý môn hộ" (quét sạch cửa ngõ) vì những kẻ vi phạm môn qui, bang qui, giáo qui được coi là một thứ rác rến cần phải được giáo dục hay loại bỏ. Thủ tục tố tụng hình sự theo luật giang hồ được thực hiện gọn nhẹ, không rườm rà, rắc rối, dài dòng. Khi một nhân vật bị nghi có dấu hiệu phạm tội hay đã được xác định là phạm tội thì giới luật viện, chấp pháp trưởng lão hoặc kẻ chỉ huy trực tiếp của nhân vật ấy có quyền ra lệnh truy bắt. Tất cả các đệ tử đều phải chấp hành lệnh truy bắt đó và trong trường hợp này, mỗi đệ tử là một trinh sát. Có những đệ tử võ công không bằng võ công kẻ phạm tội, đánh không lại kẻ phạm tội nhưng cũng phải thực hiện lệnh truy bắt đến cùng. Gặp kẻ phạm tội mà không ra tay truy bắt được coi là đồng lõa, là che giấu tội phạm.
Khi đã bắt được kẻ phạm tội, giới luật viện, chấp pháp trưởng lão hay nhân vật chỉ huy mở ngay phiên xử tại chỗ. Họ chỉ hỏi kẻ phạm tội vài câu, xuất trình một vài vật chứng hay nhân chứng khiến kẻ phạm tội không thể che lấp được tội lỗi của mình, phải gật đầu chấp nhận. Dù nặng hay nhẹ, bản án cũng được tính toán để thi hành ngay, không qua các thủ tục xử phúc thẩm hay giám đốc thẩm.
Trong Ỷ thiên Đồ long ký, Kim Dung kể chuyện nhân vật chính Giác Viễn đại sư được chùa Thiếu Lâm phân công giữ Tàng Kinh lâu (lầu chứa kinh điển của chùa). Giác Viễn là một nhà sư không học võ công nhưng hàng ngày, ông vẫn tò mò đọc bộ Cửu dương công, nội lực trở nên thâm hậu bất ngờ hơn cả các vị đại sư thủ tòa Giới luật viện, Đạt ma viện. Cũng chính vì ham đọc kinh, nên ông đã bị kẻ khác lẻn vào Tàng kinh các ăn cắp cuốn kinh Lăng Già. Giới luật viện chùa Thiếu Lâm ra lệnh thi hành án hình luật đối với Giác Viễn: chân tay phải mang xiềng khóa, mỗi ngày phải gánh 300 gánh nước để... đổ xuống giếng và không được nói chuyện với bất cứ một ai. Cho đến khi Hà Túc Đạo của phái Côn Lôn vào Trung Nguyên tấn công phái Thiếu Lâm, Trương Quân Bảo - đệ tử nấu nước pha trà cho sư Giác Viễn - đã dùng La Hán quyền đánh thắng Hà Túc Đạo. Giới luật viện của phái Thiếu Lâm chẳng những đã không khen ngợi Trương Quân Bảo mà còn ra lệnh cho quần tăng bắt giữ Trương Quân Bảo và sư Giác Viễn vì nghi ngờ cả hai thầy trò đã học lén võ công. Túng thế, Giác Viễn đại sư đã dùng hai thùng gánh nước "múc" một bên chú bé Trương Quân Bảo, một bên là cô bé Quách Tương, vượt trùng vây chạy trốn. Giữa đêm thanh trên núi cao, nhà sư ngồi đọc thuộc lòng Cửu dương công - một pho võ công thượng thặng mà ông chỉ tưởng là kinh Phật cho đến khi kiệt sức, viên tịch. Trương Quân Bảo nghe được một ít; Quách Tường nghe được một ít; Vô Sắc đại sư của chùa cũng nghe được một ít. Trương Quân Bảo lên núi Võ Đang tu theo đạo giáo lập ra phái Võ Đang; Quách Tường lên núi Nga Mi tu theo Phật giáo lập ra phái Nga Mi; cả ba phái Võ Đang, Nga Mi, Thiếu Lâm đều lấy Cửu dương công làm nền tảng võ thuật sau này!
Cũng trong Ỷ thiên Đồ long ký, các đệ tử phái Võ Đang đọc được dòng chữ "môn hộ hữu biến, kích tu thanh lý" bên cạnh tử thi của người đệ tử thứ bảy tên là Mạc Thanh Cốc. Lập tức, người đệ tử thứ nhì là Dư Liên Châu mở cuộc điều tra và phát hiện ra Tống Thanh Thư, con trai của đại sư huynh Tống Viễn Kiều, đã học võ công thâm độc của phái Nga Mi, lại đi dòm lén phòng ngủ của các nữ đệ tử phái Nga Mi, bị Mạc Thanh Cốc phát hiện nên y đã giết Mạc Thanh Cốc để bịt miệng. Dư Liên Châu đã thi hành bản án "thanh lý môn hộ" cho phái Võ Đang ngay trong chùa Thiếu Lâm: dùng lục hợp kình bẻ gãy hai tay và dùng song quyền đánh vỡ xương sọ của phản đồ Tống Thanh Thư. Trương Vô Kỵ cứu chữa cho Thanh Thư, đưa về phái Võ Đang. Sau khi nghe Dư Liên Châu phúc bẩm tội trạng của Tông Thanh Thư, Trương Tam Phong giết luôn Thanh Thư và cách chức cả Tống Viễn Kiều vì tội không biết dạy con để con làm những điều phi nhân, phi nghĩa.
Có những hào sĩ giang hồ không ở một môn phái, tôn giáo, bang hội nào nhưng ỷ mình võ công cao cường, luôn gây ra tội ác. Trong trường hợp đó, luật giang hồ cũng được thực thi rất sòng phẳng và tất nhiên, nhân vật chấp pháp và thi hành án là người tốt, nhân danh cái tốt để trừng trị cái xấu. Đó là trường hợp Bất Giới đại sư trừng trị gã Điền Bá Quang trong Tiếu ngạo giang hồ. Điền Bá Quang là tên dâm tặc, chuyên hãm hại lương gia phụ nữ nổi tiếng với 14 chữ "Giang dương đại đạo thái hoa dâm tặc vạn lý độc hành khoái đao" Điền Bá Quang. Một ngày nọ, hắn rình mò bên nhà một tiểu thư khuê các. Bất Giới hòa thượng đến gặp cha mẹ vị tiểu thư đó, bàn kế bắt và trừng trị Điền Bá Quang. Đêm ấy, vị hòa thượng nằm ngủ trong phòng cô tiểu thư, quả nhiên đêm khuya thì Điền Bá Quang đến giở trò hái hoa. Bất Giới bắt được hắn và khỏi cần tố tụng gì sất, nhà sư bèn xuyên vào bộ phận sinh dục của hắn hai mũi tụ tiễn, điểm đủ bảy trọng huyệt, cạo đầu hắn buộc hắn phải làm sư rồi đặt pháp danh cho hắn là Bất Khả Bất Giới (không thể không giới hạn). Cách thi hành án rung rợn như vậy khiến Điền Bá Quang không thể gian dâm được nữa, cũng không thể chạy mau như kiểu vạn lý độc hành trước đây. Quả nhiên, sau bản án này, Điền Bá Quang trở thành người tốt, một người tốt không làm ăn được gì!
Thủ tục tố tụng hình sự theo luật giang hồ phân biệt rõ rệt người trong môn phái và người ngoài môn phái; người biết luật và người không biết luật. Người trong môn phái đương nhiên phải biết luật nên chịu thi hành án nặng hơn; người ngoài môn phái không biết luật nên thường được coi là vô tội, đôi khi chỉ bị hình phạt nhẹ nhàng.
Người Trung Quốc yêu đạo Nho cho nên vẫn muốn thể hiện cái gọi là phong cách quân tử rõ ràng, công khai, thẳng thắn. Ngay trong luật tố tụng hình sự theo luật giang hồ, cái chất "quân tử Tàu" đó cũng được ca ngợi: môn phái, bang hội, tôn giáo nào dám nói rõ cái xấu, cái tội lỗi của mình ra thì được những người khác ca ngợi. Và trong trường hợp này, luật pháp được thực thi đến nơi đến chốn dù điều đó có làm cho môn phái, tôn giáo, bang hội mình phải mang nỗi nhục trước nhiều người chứng kiến. Trong Thiên Long bát bộ, Kim Dung kể chuyện chùa Thiếu Lâm thi hành kỷ luật đối với Hư Trúc, một nhà sư trẻ phạm vào tội ăn mặn, uống rượu, ngủ với phụ nữ, mất hết võ công phái Thiếu Lâm lại đi làm đệ tử phái Tiêu Dao, trở thành cung chủ cung Linh Thứu. Hư Trúc phải chịu đánh 100 côn và bị đuổi ra khỏi phái Thiếu Lâm trước sự chứng kiến của quần chúng các môn phái khác. Huyền Từ phương trượng là người đứng ra chủ trương việc thi hành án đó. Thế nhưng khi kéo quần của Hư Trúc xuống (để y chịu hình), nhờ có một dấu hiệu đặc biệt trên da, Diệp Nhị Nương mới biết đó là đứa con lưu lạc của mình và Huyền Từ phương trượng! Như vậy, Huyền Từ phương trượng đã phạm vào giới dâm và điều ấy làm cho cả phái Thiếu Lâm đau xót, xấu hổ. Nhưng để thể hiện phong cách quân tử minh bạch, Kim Dung đã để cho Huyền Từ phương trượng dõng dạc ra lệnh phạt Hư Trúc - con trai mình - đúng 100 côn rồi cởi áo ra tự nằm xuống, ra lệnh cho chấp pháp tăng đánh mình 200 côn. Phương trượng phải chịu hình phạt gấp đôi đệ tử! Chẳng những đã nặng gấp đôi về số lượng, Huyền Từ còn phải chịu nặng hơn về chất lượng: bọn chấp pháp tăng đánh Huyền Từ côn nào côn nấy ra trò. Họ sợ đánh nhẹ là bị quần hùng chê cười môn quy giới luật không nghiêm. Thụ hình xong 200 côn, Huyền Từ đứng dậy không nổi. Nhà sư đã tự vận kinh mạch mà chết để bảo vệ sự trong sáng cho phái Thiếu Lâm!
Ưu điểm cao nhất của luật tố tụng hình sự theo luật giang hồ là truy bắt, nghị án, ra bản án và thi hành án rất nhanh. Các phiên xử luôn luôn không có luật sư bào chữa, quyền lượng hình thuộc về người chấp pháp. Cơ sở thì hành án là đạo lý làm người, không căn cứ vào pháp lý của quốc gia. Những bản án của luật giang hồ được thực hiện công khai; không một ai có thể dùng tiền, dùng quyền, dùng thân thế để mua chuộc các vị chấp pháp. Những bản án bất thành văn đó hiện ra đều khắp trong 12 bộ tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung có những bản án nồng nàn đau đớn như bản án dành cho Huyền Từ phương trượng. Đọc Kim Dung ta thấy được một điều sảng khoái: công lý tự nhiên và đạo lý làm người được tôn trọng một cách triệt để. Đó cũng là khát vọng chung, rất nhân bản của các nền pháp luật trên toàn thế giới.
Những vụ án oan trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung
Án oan thì bao giờ chẳng có. Ngay trong những xã hội có nền pháp luật tiên tiến nhất, với sự giúp đỡ của những phương tiện điều tra tinh vi nhất, vẫn có những kết luận sai lầm của người chấp pháp, tạo ra những vụ án oan, huống chi trong tiểu thuyết. Khi viết tiểu thuyết, nhà văn Kim Dung đã khẳng định rằng: "Tiểu thuyết là viết cho con người hiện đại đọc. Kể cả tôi cũng là con người hiện đại". Điều đó có nghĩa là dù lấy bối cảnh là những triều đại lịch sử Tống, Nguyên, Minh, Thanh, nhưng tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung chủ yếu là phản ánh về xã hội Trung Quốc hiện đại, đặc biệt là những vụ án oan. Có lẽ Kim Dung đau niềm đau của hàng triệu người Trung Hoa trước những oan khuất mà họ phải gánh chịu những giai đoạn lịch sử khác nhau.
Kim Dung xây dựng bộ Liên thành quyết trên nền tảng câu chuyện oan ức có thật của Hòa Sinh, một lão bộc trong gia đình tác giả, đã từng cõng tác giả đi học. Thuở đôi mươi, Hòa Sinh đi làm mướn trong một gia đình địa chủ ở huyện Đơn Dương, tỉnh Giang Tô. Anh đã từng hứa hôn với một cô gái quê xinh đẹp. Thế nhưng, con của gã địa chủ cũng đem lòng yêu cô gái và hắn quyết tâm chiếm cho được cô gái đó. Trong một đêm cận Tết, khi Hòa Sinh đang giã bột thì nghe thấy tiếng người hô bắt trộm. Hòa Sinh chạy tới tiếp ứng nhưng khi đến nơi thì anh bị đám gia đinh chận đánh túi bụi, vu cáo anh là đồng đảng bọn trộm. Lưng anh bị đánh gãy. Người nhà của gã địa chủ còn tìm ra nhiều vàng bạc giấu gần cối xay. Anh bị giải lên quan, kêu oan không nổi, đành phải nhận tội ăn trộm. Ở tù hai năm, anh mới hay cô gái xinh đẹp đã trở thành vợ lẽ của con trai gã địa chủ.
Khi ông nội của Kim Dung về làm huyện lệnh chính đường Đơn Dương, ông cho tra cứu lại các vụ hình án, thấy được sự oan khuất của Hòa Sinh bèn thả Hòa Sinh ra. Hòa Sinh xin vào làm người giúp việc trong nhà Kim Dung và kể cho Kim Dung nghe vụ án oan của mình. Xúc động từ nỗi oan của Hòa Sinh, năm 40 tuổi, Kim Dung viết bộ Liên thành quyết. Trong tác phẩm này, nhân vật Địch Vân thương yêu cô sư muội Thích Phương, con gái của sư phụ Thích Trường Phát. Bị cha con Vạn Chấn Sơn vu cáo, Địch Vân phải vào tù chịu một vụ án oan và Thích Phương trở thành vợ của Vạn Khuê, con trai Vạn Chấn Sơn. Địch Vân phải mang nỗi oan khuất đó suốt mười mấy năm, cho đến khi Thích Phương sắp chết, anh mới giải thích được cho cô nghe nỗi oan khuất của mình.
Có lẽ vụ án oan của Hòa Sinh tạo ra những ấn tượng lớn trong tâm hồn của Kim Dung cho nên trong bất kỳ bộ tiểu thuyết nào, ông cũng xây dựng những tình huống oan khuất và cho nhân vật trung tâm của mình phải gánh chịu những oan khuất đó. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, nhân vật Trương Vô Kỵ 20 tuổi, giáo chủ của Minh giáo Trung Hoa, con trai của Trương Thúy Sơn - đệ tử thứ năm của Trương Tam Phong phái Võ Đang, bị nghi oan là giết vị sư thúc Mạc Thanh Cốc. Sở dĩ phái Võ Đang nghi oan Trương Vô Kỵ bởi vì anh là giáo chủ Minh giáo, đạo phái mà Võ Đang gọi là Ma giáo, và bởi vì bạn của anh là Triệu Mẫn, quận chúa Mông Cổ, kẻ thù lớn của nhất của võ lâm Trung Hoa và phái Võ Đang. Người đệ tử thứ hai của phái Võ Đang là Du Liên Châu căn cứ vào câu di chúc viết bằng máu của Mạc Thanh Cốc: "Môn hộ hữu biến, kích tu thanh lý" và cho rằng Mạc Thanh Cốc ám chỉ Trương Vô Kỵ. Chàng trở thành kẻ thù của phái Võ Đang. Những bước thăng trầm của Trương Vô Kỵ khiến người đọc phải hồi hộp, lo lắng hộ chàng. Chỉ đến khi Trương Vô Kỵ điểm huyệt được bọn Du Liên Châu, tạo điều kiện cho những đệ tử phái Võ Đang nghe được chính miệng của Tống Thanh Thư, con trai của đại đệ tử Tống Viễn Kiều, kể lại thủ đoạn hắn học võ của phái Nga mi và giết sư thúc Mạc Thanh Cốc trong trường hợp nào thì các đệ tử của phái Võ Đang mới hết nghi ngờ Trương Vô Kỵ và nỗi oan của anh mới được rửa sạch.
Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ cũng là một trường hợp hàm oan trầm trọng, và chỉ có cơ may của số phận mới cứu được mạng sống của anh. Lệnh Hồ Xung bị sư phụ Nhạc Bất Quần vu cáo là ăn cắp bộ Tịch tà kiếm phổ của dòng họ Lâm ở Phúc Châu, giết bạn đồng môn là Lục Đại Hữu, kết giao với bọn Ma giáo là dâm tặc Điền Bá Quang. Nhạc Bất Quần còn gởi thông báo tới các môn phái báo tin đã đuổi Lệnh Hồ Xung ra khỏi phái Hoa Sơn và nhờ các hào sĩ giang hồ ra tay giết hộ tên phản đồ Lệnh Hồ Xung. Sự thực thế nào? Chính Nhạc Bất Quần đã chiếm đoạt bộ Tịch tà kiếm phổ; Lao Đức Nặc giết hại Lục Đại Hữu; mối giao tình giữa Lệnh Hồ Xung và Điền Bá Quang chỉ là sự khâm phục phẩm chất thẳng thắn, khâm phục trình độ uống rượu mà thôi. Nhạc Bất Quần trút lên đầu Lệnh Hồ Xung nỗi oan khuất to lớn đó với mục đích duy nhất là nhờ giang hồ hảo hán giết tên đại đệ tử hộ mình để lão yên tâm luyện Tịch tà kiếm pháp, leo lên đại vị minh chủ võ lâm Trung Hoa.
Kiều Phong trong Thiên long bát bộ mới là trường hợp bi đát nhất. Ông vốn là người Khất Đan bị đưa về Trung Quốc từ thủa mới nằm nôi, lớn lên ở Trung Quốc và trở thành bang chủ Cái bang, một tổ chức yêu nước và tích cực chống Khất Đan. Một bọn đệ tử Cái bang phản loạn đã công bố lý lịch của Kiều Phong; ông mất ngôi Bang chủ, trở thành kẻ thù của quần hùng Trung Quốc. Ông bị vu cáo là bọn Khất Đan nằm chờ cơ hội dâng Trung Hoa cho đế quốc Khất Đan. Đau xót vì trời đất Trung Hoa mênh mông mà không thể tìm ra một nơi để sống, Kiều Phong ra ngoài Nhạn Môn quan, mong sống cuộc đời du mục săn chồn đuổi thỏ, sám hối những hành động chống Khất Đan của mình ngày xưa. Nhưng cơ duyên đã đưa đẩy ông cứu được Gia Luật Hồng Cơ, hoàng đế Đại Liêu. Hồng Cơ phong ông làm Nam viện Đại vương và ra lệnh cho ông đem 20 vạn quân tiến qua Nhạn Môn Quan, đánh thẳng xuống Lạc Dương tiêu diệt Tống triều. Kiều Phong nghĩ đến chuyện trăm họ lầm than, nghĩ đến miếng cơm manh áo người Trung Hoa đã nuôi mình nên người, ông chống lại lệnh hành quân. Gia Luật Hồng Cơ ra lệnh bắt nhốt ông, chụp cho ông chiếc mũ "tư thông với Hán tặc, phản bội Liêu quốc." Con người ngay thẳng, nhân hậu ấy cuối cùng phải tìm một khát vọng tự do bi thảm: bẻ gãy mũi tên chó sói, tự tử ngay Nhạn Môn Quan, sau khi đã xin Gia Luật Hồng Cơ một lời hứa vĩnh viễn không xâm lăng Trung Hoa. Cái chết đó đồng thời cũng là một lời tạ tội với Hồng Cơ và hàng triệu đồng bào Khất Đan của mình.
Thạch Phá Thiên trong Hiệp khách hành bị vu cáo là kẻ gây ra những vụ án cưỡng dâm, giết người ở phái Tuyết Sơn vì tướng mạo của chàng giống như đúc người anh ruột của mình là Thạch Trung Ngọc; Quách Tĩnh trong Xạ điêu anh hùng truyện bị các thầy của mình nghi ngờ là Hán gian làm gián điệp cho quân Mông Cổ; Dương Qua trong Thần điêu hiệp lữ bị vu oan là kẻ bắt cóc em bé Quách Tương, thỏa hiệp với giặc Nguyên xâm lược...
Những nhân vật của Kim Dung đã trải qua thiên ma bách chiết mới được minh oan, rửa sạch nỗi nhục, lấy lại phẩm giá tươi đẹp của con người.
Kim Dung xây dựng những vụ án oan với một bút pháp tinh tế, một kỹ thuật tiểu thuyết sâu sắc. Ông dựng lên những hiện trường giả, những hồ sơ giả, những suy đoán thoạt nghe thì rất hợp lý nhưng thực sự rất phi luận lý, tạo điều kiện cho những nhân vật phản diện giết oan một con người. Tất nhiên bọn họ cũng nhân danh pháp luật quốc gia, chủ nghĩa Hán tộc, đạo lý làm người, tinh thần yêu nước... Rồi tác giả lật ngược lại vấn đề, chứng minh cho độc giả thấy toàn bộ các dữ kiện ấy chỉ là ngụy tạo nên để những nhân vật chính quân tử của ông sáng lên rực rỡ giữa những kẻ đạo đức giả. Rồi đúng như mô thức tiểu thuyết phương Đông, cái hậu ngọt ngào đến ở cuối tác phẩm: Địch Vân trở về với tình yêu của Thủy Sinh; Trương Vô Kỵ kẻ lông mày cho Triệu Mẫn; Lệnh Hồ Xung "Tiếu ngạo giang hồ" với Nhậm Doanh Doanh; Thạch Phá Thiên trở về với A Tú... Chỉ có Kiều Phong để lại giọt lệ vĩnh viễn trong lòng người: xác ông vùi sâu dưới Nhạn Môn Quan, dù nỗi oan khuất đã được rửa sạch.
Tứ Di trong truyện võ hiệp Kim Dung
Tác phẩm tiểu thuyết không phải là tác phẩm nghiên cứu về nhân chủng học. Tuy nhiên không ai cấm cản một nhà văn đưa những kiến thức nhân chủng học vào một tiểu thuyết, đặc biệt là đối với một đất nước rộng lớn, kéo dài từ Đông Á qua Tây Á, tiếp giáp với châu Âu, kế cận với nhiều quốc gia và đa chủng tộc như đất nước Trung Hoa. Chính vì vậy nhà văn Trung Quốc Kim Dung đã đưa tứ di (bốn rợ) vào tác phẩm văn học của mình. Và ở điểm này ông đã thành công, vượt xa các nhà văn Trung Quốc tiền bối cũng như đương đại.
Từ năm 207 trước Công lịch, nhà Hán chiếm được “thiên hạ”, thống nhất đất nước Trung Hoa. Tham vọng của Lưu Bang là tạo ra một nền thái bình Trung Hoa (Pax Sinnica), một nền thái bình trong sự cai trị của nhà Hán. Một số khái niệm được phối kết trong đó có từ Hán đứng đầu ra đời: Hán văn (văn chương Trung Hoa), Hán tự (chữ viết Trung Hoa), Hán tộc (dân tộc Trung Hoa), Hán tử (đàn ông Trung Hoa), Hán nhân (người Trung Hoa), Hán gian (người chống lại dân tộc Trung Hoa)… Đặc biệt, Hán tộc tự cho phép mình đứng cao hơn các dân tộc khác. Họ gọi các dân tộc lân bang là Tứ Di. Tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung lấy bối cảnh lịch sử từ đời Bắc Tống đến đời Thanh. Trong tiểu thuyết của ông Tứ Di xuất hiện khá rõ nét. Chẳng hạn như trong tác phẩm Ỷ thiên Đồ long ký có chiêu kiếm Tứ di tân phục (bốn rợ đều hàng). Chỉ một đường kiếm đánh ra bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc khiến kẻ địch phải nằm rạp xuống đất.
Phía Tây nước Trung Hoa có các dân tộc Tây Tạng (Tibet), Lâu Lan (Lobner), Thổ Lỗ Phồn (Tourfan), Đại Uyển (Ferganna), Sa Đà (Yarkand), Đại Nhục Chi (Indo Scythe), Ô Tôn (Sogoliane), Khang Cư (Boukhara ngày nay thuộc Turkestan). Phía Tây Nam và Nam Trung Hoa có Thiên Thiên (Shan Shan), Điền (Bài Di thuộc Vân Nam) Dạ Lang (thuộc Quý Châu), Nam man (Đại Việt), Tây Bắc có Tây Hạ, Bắc có Mông Cổ (Mongolia), Khất Đan (Kitan), Nga La Tư (Russie). Đông Bắc có Mãn Châu (Manchouri), Cao Ly (Koree). Phía Đông Trung Hoa là bờ biển không có dân tộc nào khác. Các nước Sở, Tề, Đông Ngô, Việt đã bị diệt vong, tất cả đều trở thành con dân Hán tộc ráo.
Trong những tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên của mình, Kim Dung cũng đứng trên lập trường của Hán tộc, không khỏi có những cái nhìn sai lạc về những con người Tứ Di. Trong Liên Thành Quyết tức Tố Tâm Kiếm xây dựng hình ảnh một Huyết Đao Lão Tổ người Tây Tạng, theo Mật Tông (một trong 10 tông Phật giáo), xuống Trung Hoa, cực kỳ tàn bạo dâm ác. Kết cục của Huyết Đao Lão Tổ là chết một cách thảm thiết trên vùng núi tuyết Thiên Sơn, nhưng người thừa kế của lão - Địch Vân - thì lại được hưởng một cuộc sống hạnh phúc tốt đẹp. Lý do Địch Vân là một chàng trai Hán tộc, một thứ hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Trong Xạ điêu anh hùng truyện và Thần điêu hiệp lữ, Kim Dung còn xây dựng một loạt những con người Tứ di: Thành Cát Tư Hãn, Đà Lôi, Hoa Tranh, Kim Luân Pháp Vương (Mông Cổ), Hoàn Nhan Liệt, Hoàn Nhan Khang (Nữ Chân, Mãn Châu). Những nhân vật Tứ di này đã bị Kim Dung làm cho méo mó. Tác giả đã tỏ ra rất ác cảm với hầu hết những nhân vật này. Cũng đúng thôi, họ đang là những con người vào xâm lăng đất nước Trung Quốc (rợ Kim đánh Nhà Tống, rợ Mông Cổ cướp ngôi vua, tuyệt duyệt nhà Tống). Dưới mắt nhìn của Kim Dung, con người thuộc các dân tộc Tứ di là những người huênh hoang khoác lác. Ỷ thiên Đồ long ký xây dựng nhân vật Tuyền Kiếm Nam, đệ nhất danh thủ điểm huyệt bằng phán quan bút của Cao Ly được Ngũ phụng bang mời lên đánh thuê trên núi Võ Đang. Ấy vậy mà chỉ cần một mình Trương Thúy Sơn của phái Võ Đang đánh cho vài chiêu, Tuyền Kiếm Nam đã cắm đầu chạy trốn. Quan điểm dân tộc của Kim Dung trong Liên Thành Quyết, Anh Hùng Xạ Điêu Truyện, Thần điêu hiệp lữ, Ỷ thiên Đồ long ký là quan điểm dân tộc hẹp hòi.
Thế nhưng, qua những tác phẩm sau đó dường như Kim Dung nhận ra cái nhìn sai trái của mình đối với Tứ di và ngòi bút của ông đã chuyển hẳn. Ông chợt thấy tất cả mọi con người thuộc mọi dân tộc đều có phẩm giá như nhau, không ai có quyền nhân danh Hán tộc để khinh khi người ngoài Hán tộc. Trong Thiên Long bát bộ, chính nhân vật A Châu, dòng Hán tộc đã nói: “làm người Trung Quốc thì chắc gì đã cao quý, làm người Khất Đan thì chắc gì đã thấp hèn’. Ông xây dựng 1 loạt nhân vật Tứ di: Gia Luật Hồng Cơ, Tiêu Phong (người Khất Đan ), Hoàn Nhan A Cốt Đả (người Mãn Châu), Cưu Ma Trí (người Thổ Lỗ Phồn), công chúa Ngân Xuyên (người Tây Hạ), Đao Bạch Phụng (người Bài Di), Mộ Dung Phục (người Tiên Ty), và cả triều đình nước Đại Lý (Đoàn Dự, Đoàn Chính Thuần, Cao Thăng Thái…). Đọc Thiên Long bát bộ, ta bắt gặp một hoàng đế Gia Luật Hồng Cơ trí dũng song toàn, đối đầu với ông là một Tống Triết Tôn ngu dốt và huênh hoang, một Tiêu Phong anh hùng ngay thẳng, một Hoàn Nhan A Cốt Đả kiêu hùng trên thảo nguyên. Những nhà tu ngoại quốc như Cưu Ma Trí (Thổ Lỗ Phồn), Ba La Tinh, Triết La Tinh (Ấn Độ) ban đầu đến Trung Hoa với âm mưu đen tối, nhưng sau đó họ đã ngộ ra và trở thành những chân tu đắc đạo.
Nói cách khác quan điểm dân tộc của Kim Dung đã chuyển biến hết sức tích cực. Ông đã nhìn thấy cái dở của bọn vua quan nhà Tống, và đến khi viết Lộc Đỉnh ký thì lập trường của ông đã ngã hẳn sang triều Thanh, mặc dù dân tộc Mãn Châu đã mang tiếng là xâm lăng, chiếm ngai vàng và “thiên hạ” của triều Minh. 300 năm sau Kim Dung đã xây dựng lại một vua Khang Hy triều Thanh thông minh sáng suốt gấp trăm lần những vua triều Minh. Kim Dung nhận ra rằng cách cai trị của các vua Mãn tộc xuất sắc hơn cách cai trị của các vua Hán tộc. Dưới mắt nhìn của nhà tiểu thuyết Kim Dung, cuộc khởi nghĩa phản Thanh, phục Minh của các nhóm Thiên Địa hội, cuộc bạo loạn Hưng Minh thảo lỗ của Ngô Tam Quế đều là những trò phá rối chính trị, vô tổ chức và tất yếu phải diệt vong. Chính sử Trung Quốc cũng cho thấy rằng không có lực lượng nông dân nào ủng hộ hai cuộc bạo loạn này, vua Khang Hy và triều đình nhà Thanh đã đại thắng. Nói cách khác, trong giai đoạn đó, người Trung Quốc Hán tộc cần những ông vua biết chăm sóc dân, đem lại cho họ cơm no áo ấm chứ không cần những ông vua Hán tộc hôn ám vô đạo. Lịch sử đào thải triều Minh để đưa những ông vua thuộc Di, Địch lên cai trị Trung Hoa là một vận hành tự nhiên và tất yếu.
Sự tiến bộ trong quan điểm dân tộc của Kim Dung khi tác giả nhìn về Tứ di một phần cũng xuất phát từ sự tiến bộ, lớn mạnh tất yếu của Tứ di. Mấy ngàn năm đất nước Trung Hoa ngủ mê trong tấm chăn quân chủ, đến khi họ mở mắt thức giấc thì đã thấy sức mạnh của vũ khí Tây phương kề bên cổ mình. Họ gọi người Nga, người Bồ Đào Nha, người Anh, người Hà Lan là Tây Dương quỷ, Hồng mao quỷ. Nhưng bọn “quỷ” đó đã làm cho người Hán tộc kinh hoàng, ký kết hiệp ước bất lợi này đến điều ước bất lợi khác. Chính Lỗ Tấn đã diễu cợt Hán tộc của mình với anh AQ có phép “thắng lợi tinh thần”, nó đánh mình coi như đánh bố nó vì mình là bố nó. Lỗ Tấn mổ xẻ mạnh còn Kim Dung thì mổ xẻ sâu hơn. Tứ di trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung chính là những con người có đầy đủ phẩm giá, quyền sống và quyền làm người như bất kỳ một người Hán tộc nào. Đó cũng chính là tính nhân văn trong tác phẩm của Kim Dung.
"Luật hôn nhân" trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung
Từ 25 thế kỷ trước đây, người Trung Quốc đã quan niệm rằng gia đình là nền tảng của xã hội. Chính Khổng Tử đã phác họa ra tiến trình tu thân, tề gia, trị quốc: "Dục trị kỳ quốc giả, tiền tề kỳ gia; dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân..." (Muốn trở thành người trị quốc, trước phải tề gia; muốn trở thành người tề gia, trước phải tu thân...). Trong khái niệm "tề gia", bao hàm khái niệm "lập gia" - tức hôn nhân để tiến tới xây dựng gia đình.
Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung lấy bối cảnh xã hội từ thế kỷ thứ 10 đến thời Khang Hy giữa thế kỷ thứ 17 nên những vấn đề hôn nhân, gia đình cũng được tác giả nhắc đến, dù không đậm nét. Chúng ta nhớ rằng ông tốt nghiệp cử nhân luật Đông Ngô pháp học viện (Thượng Hải) nên quan niệm hôn nhân truyền thống đã từng là những điều mà ông đã được học. Và chính những điều đó trở thành những tình huống của những nhân vật được ông xây dựng trong tiểu thuyết võ hiệp.
Hôn nhân trong đời sống người Trung Quốc dưới các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh không chỉ thuộc phạm trù luật pháp mà còn thuộc phạm trù luân lý. Người Trung Quốc cho phép anh chị em cô cậu ruột (biểu huynh, biểu muội) có quyền yêu thương nhau và lấy nhau. Trong Thiên Long bát bộ, có một cặp biểu huynh biểu muội như vậy. Đó là anh chàng Mộ Dung Phục và cô nàng Vương Ngữ Yên. Mộ Dung Phục nguyên là người gốc Tiên Tỵ, nước Đại Yên, con của Mộ Dung Bác. Mộ Dung Bác có cô em ruột lấy một người đàn ông họ Vương ở Giang Nam, nước Tống. Bà sinh ra Vương Ngữ Yên. Vương Ngữ Yên là một cô gái thông minh, suốt đời không đi ra khỏi nhà, chỉ biết có biểu huynh của mình là Mộ Dung Phục. Cô say mê Mộ Dung Phục và lòng thầm mơ một ngày cùng se tơ kết tóc với hắn. Nhưng tham vọng của Mộ Dung Phục rất xa: hắn tin mình võ công cao cường, có bọn trợ thủ đắc lực, có thể lên ngôi vua để phục hồi nước Đại Yên. Khi Gia Luật Hồng Cơ, vua nước Đại Liêu, đánh xuống tận Biện Lương (Nam Kinh ngày nay) thì giấc mơ phục quốc của Mộ Dung Phục càng thêm sôi nổi. Cho nên nghe công chúa Ngân Xuyên nước Tây Hạ treo bảng chiêu phu hắn không quản ngại khó khăn ngàn dặm tìm qua Tây Hạ mong lọt vào mắt xanh của công chúa, trở thành phò mã nước Tây Hạ. Mà có binh quyền nước Tây Hạ trong tay thì hắn có thể phục hồi nước Đại Yên. Thế nhưng, Vương Ngữ Yên chỉ sợ biểu ca bỏ rơi mình, chạy theo nhan sắc của công chúa Tây Hạ. Cô nhờ anh chàng dại gái, si tình Đoàn Dự phá giấc mơ của Mộ Dung Phục. Mộ Dung Phục không nghe lời cô khiến cô phải nhảy xuống giếng tự tử. Trong đáy giếng, cô gặp Đoàn Dự. Và lần đầu tiên trong đời, Vương Ngữ Yên nhân ra rằng chỉ có anh chàng Đoàn Dự mới là người yêu thương mình, rằng Mộ Dung Phục - biểu ca của cô chỉ là một con người phù phiếm. Tại đây, cô ngỏ lời thương yêu Đoàn Dự, quên mất anh chàng biểu ca.
Trong Ỷ thiên Đồ long ký cũng có một cuộc tình biểu huynh, biểu muội như vậy. Đó là cặp Vệ Bích và Chu Cửu Chân. Họ thương yêu nhau, đi đâu cũng có đôi có cặp nhưng đối xử với người khác rất tàn bạo. Kim Dung không nói rõ mối tình đó có thành hay không. Cũng trong Ỷ thiên Đồ long ký, Trương Vô Kỵ và Hân Ly là biểu huynh, biểu muội. Lứa đôi này cũng lỡ yêu nhau và Trương Vô Kỵ còn hứa lấy Hân Ly làm vợ nữa. Nhưng cô Hân Ly luyện môn Thiên châu vạn độc thủ, khuôn mặt biến dạng trở thành xấu xí. Cô đành rút lui khỏi cuộc tình, trả chàng Vô Kỵ lại cho quận chúa Mông Cổ Mẫn Mẫn Đặc Mục Nhĩ tức Triệu Mẫn.
Chẳng những biểu huynh, biểu muội đã được yêu nhau, lấy anh chị em đồng tông (cùng một ông tổ, một họ) tức đường huynh, đường muội cũng được lấy nhau. Trong Thiên Long bát bộ, Kim Dung dàn một kịch bản tình yêu khiến người đọc muốn nín thở và cách mở nút để giải quyết vấn đề của ông cũng rất tài tình khiến người đọc cảm thấy đồng tình. Đó là mối quan hệ của Đoàn Dự với Mộc Uyển Thanh, Vương Ngữ Yên, Chung Linh.
Nguyên Đoàn Chính Thuần, em ruột của Đoàn Chính Minh, hoàng đế nước Đại Lý (Vân Nam ngày nay) là một gã vương gia trăng hoa. Lão có vợ chính thức là Đao Bạch Phụng, người dân tộc Bài Di (thuộc bộ tộc Thiện Thiện - Shan Shan, giáp biên giới Myanmar ngày nay). Đao Bạch Phụng sinh ra Đoàn Dự. Đoàn Chính Thuần trong những lần về Trung Quốc, đã quan hệ với vợ của Chung Vạn Cừu sinh ra Chung Linh; với Tần Hồng Miên sinh ra Mộc Uyển Thanh; với Vương phu nhân sinh ra Vương Ngữ Yên; với Nguyễn Tinh Trúc sinh ra A Tử và A Châu... Đoàn Dự lớn lên nào hay những mối trăng hoa ấy, đã gặp gỡ và thương yêu những Mộc Uyển Thanh, Chung Linh, Vương Ngữ Yên. Đoạn tiểu thuyết khiến người đọc nín thở nhất là đoạn Đoàn Diên Khánh, kẻ đồng tông với Đoàn Chính Minh và Đoàn Chính Thuần muốn chơi khăm hoàng gia nước Đại Lý, bắt Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh nhốt chung vào một nhà đá. Lão nghĩ họ là anh em cùng cha khác mẹ nên trộn Âm dương hòa hợp tán, một loại thuốc kích dục thật mạnh, cho anh em Đoàn Dự - Mộc Uyển Thanh làm trò loạn luân để bọn giang hồ đến chứng kiến! Mộc Uyển Thanh không kềm chế được dục vọng nhưng Đoàn Dự nhờ thấm nhuần đạo Nho, đạo Phật nên vẫn giữ được sự trong sáng cho em gái, cho mình. Nhưng chàng trai si tình, dại gái này thật sự tuyệt vọng khi khám phá ra cả ba người mình yêu mến: Vương Ngữ Yên, Mộc Uyển Thanh, Chung Linh đều là... thân muội (em ruột).
Làm sao cứu vãn được những mối tình thơ ngây đó? Kim Dung đã giải quyết thế này: ông chuyển họ từ thân huynh, thân muội trở thành đường huynh, đường muội. Ông kể lại một chuyện hai mươi năm trước. Lúc bấy giờ Thái tử Đoàn Diên Khánh tranh ngôi vua nước Đại Lý với Đoàn Chính Minh không được, bản thân lại bị thương nặng, nằm thoi thóp dưới cội bồ đề trước một ngôi chùa ở thành Côn Minh chờ chết. Cũng thời điểm đó, bà Đao Bạch Phụng khám phá ra đức ông chồng Đoàn Chính Thuần của mình là một gã trăng hoa, đã chung chạ với nhiều người đàn bà khác. Mà như trên tôi đã giới thiệu, Đao Bạch Phụng là người Bài Di (không thuộc dân tộc Trung Hoa) nên cái nhìn của bà về khái niệm tiết trinh rất... Bài Di, nghĩa là rất thoáng. Bà nghĩ chồng mình đã ăn chả, thì bà phải ăn nem để trả thù. Và bà đã đem tấm thân vương phi cao quý của nước Đại Lý hiến dâng cho gã đàn ông nằm thoi thóp dưới cội bồ đề kia.
Thiên Long tự ngoại
Bồ đề thụ hạ
Viễn phương hành khất
Trường phát Quan Âm

(Ngoài chùa Thiên Long
Dưới gốc bồ đề
Hành khất phương xa
Quan Âm tóc dài...)

Gã ăn mày Đoàn Diên Khánh đã thụ hưởng hạnh phúc trời cho, cái hạnh phúc mà gã chẳng bao giờ dám mơ tới. Gã không biết người áo trắng, tóc dài đến với mình, ân ái với mình là ai. Nhưng gã đã nghe bà đọc bốn câu thơ đó khi ân ái với gã. Vâng, kết quả của chuyện tình bên đường đó là một cậu quý tử ra đời: Đoàn Dự. Vậy thì, Đoàn Dự chỉ là con hờ của Đoàn Chính Thuần. Mà quả thật, Đoàn Chính Thuần không có gène sinh con trai. Sau này trước khi chết, bà Đao Bạch Phụng mới đọc bồn câu thơ bí hiểm đó cho Đoàn Diên Khánh nghe để Đoàn Diên Khánh nhận ra con mình. Và còn kề tai dặn nhỏ Đoàn Dự: "Vương cô nương, Mộc cô nương, Chung cô nương... ngươi thích ai, cứ lấy người đó". Nói cách khác, giữa Đoàn Dự và ba vị cô nương kia chỉ là anh em đường huynh, đường muội. Và họ có quyền lấy nhau, luật pháp và luân lý không hề cấm cản. Họ cùng chung họ Đoàn ở Vân Nam hết ráo!.
25/10/2020
Vũ Đức Sao Biển
Theo https://www.daovien.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa đào năm ngoái … Thôi Hộ, một danh sĩ đời nhà Đường (618-907), nhân dự hội Đạp Thanh đến Đào Hoa Trang, gõ cửa một nhà xin được giải ...