Thứ Tư, 12 tháng 2, 2025

Hữu Dũng trải lòng với mảnh đất quê và hương vị cuộc đời

Hữu Dũng trải lòng với mảnh đất
quê và hương vị cuộc đời

Hữu Dũng sinh ra và lớn lên bên dòng sông Thanh Quýt, nhánh rẽ thuộc chi lưu của một Thu Bồn đượm màu xứ Quảng. Quê hương có hàng tre xanh cong mình theo con nước ôm đôi bờ vỗ nhịp dòng trôi xuôi về biển, có cánh cò chiều chở nắng qua sông, ắp đầy kỷ niệm mà nhà thơ Thu Bồn đã khắc vào “Vết sẹo tuổi thơ”: Thuở nhỏ tôi thường nhặt thóc rụng bên sông/ những hạt thóc lấm lem vương vãi trên đồng/ cò bay sóng sánh xáo động dòng trôi…/tôi ré, tôi la, tôi chìm, tôi nổi/ tôi chơi đá bò bay cả một khúc sông.
Vâng! Tuổi thơ Hữu Dũng cũng chắt chiu năm tháng trên mảnh đất quê nghèo thơm mùi rơm rạ của đụn đất quê. Từ anh học trò làng ngô nghê bên xóm vắng, rồi một ngày buồn chiến tranh ập đến, cây đa làng quỵ ngả trơ xương, bom đạn bươn rách cánh đồng quê mẹ, anh cùng gia đình tản cư tìm kế sinh nhai. May thay cha nắm tay anh dắt đi tìm con chữ, để sau này anh trở thành thầy giáo, thành người yêu nhạc, yêu thơ. Trải qua sóng gió cuộc đời cũng không ít ghềnh thác thăng trầm, nhưng anh vẫn lạc quan đón nhận và cảm thấy cuộc đời nầy còn có nhiều vị ngọt đáng yêu. Nơi miền quê yên ả lúc tuổi sang chiều, anh đã chiêm nghiệm và trải lòng bằng những vần thơ tỏ tình với đất như chiếc lá vàng rơi theo lối gió điểm tô mùa Thu mang tình đất tình người.
Tập thơ “Vàng rơi lối gió” gồm 50 bài trải dài theo năm tháng cuộc đời, là tiếng lòng thốt lên từ trái tim về tình yêu và những thân phận của con người được anh chưng cất bằng hương thơm ngào ngạt từ mảnh đất quê nhà. Thay lời tựa của tập thơ được tác giả gởi gắm bằng hai câu thơ ngắn gọn mà sâu lắng vô cùng:
Lời ngùi gởi cánh hạc bay
Thẳm xa ngút gió, cuối bờ nghìn sâu
(Hạc vàng)
Ngày anh khóc chào đời, làng quê đã vương màu lửa khói, theo ngày tháng cái màu đau thương ấy cũng đeo bám mãi tuổi thơ, nó cứa vào lòng những vết đau quặn thắt làm cánh diều thôi bay tắt gió chao nghiêng: Rốn tôi cắt màu chiều lửa khói/ Đồn Giáp Năm vang vọng súng cầm canh/ Nỗi buồn thương bao mái nhà tranh/ Lửa bốc cháy chong trời, thôn xóm vắng (Lời mẹ kể)
Với Hữu Dũng làng quê và dòng sông như một phần máu thịt mà khi xa là mỗi lần day dứt khôn nguôi: Thuyền gát mái xa dòng sông nhỏ/ Bến bờ hoang khách vắng sang sông…/Ngày tháng cũ mơ màng con nước/Miên man dòng lơ lửng phút giây trôi (Xa dòng sông nhỏ)
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã viết về cái làng quê, nơi mình sinh ra đầy cảm xúc “Cái làng ấy ra đi cùng tôi/ mà tôi nào hay biết/ Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết/ Con sông quê bóng núi cứ chập chờn/ Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi”… Còn Hữu Dũng cũng viết về làng bằng những nét mô tả mộc mạc về những lũy tre bên ngõ xóm, với hàng cau, bóng dừa, rất thân quen… Tất cả gói thành hồn làng trĩu nặng trên đôi vai anh qua cuộc lãng du cũng không kém màu thi vị: Bước ra từ lũy tre làng/ Hồn đầy mưa nắng rạ rơm hương bùn…
Hay: Ngõ chiều bịn rịn tiễn đưa/ Hương cau bâu áo, bóng dừa nghiêng soi/ Xa xa sương phủ trắng đồng/ Hai vai trĩu nặng hồn làng lãng du (Xa quê)
Hình ảnh ngày ngày cuốc nắng cấy mưa trên cánh đồng quê nội, ướt đẫm mồ hôi muối mặn thấm dày vai áo của cha, nước ruộng chua phèn nhuộm vàng móng tay của mẹ để đổi lấy mớ khoai hạt thóc cho con trẻ no ngày ba bữa, rôm rã tiếng cười trong mái ấm lúc mỗi hoàng hôn: Lúa tháng Ba, vụ mùa tháng Tám/ Cha cuốc cày gởi ước mùa vui/ Móng tay mẹ phèn in sắc nghệ/ Mơ dẽo thơm theo giọt mồ hôi…/Mẩu khoai lang, chè tươi lót dạ/ Lòng thấy vui nghe tiếng con cười (Đồng quê nội)
Tuổi thơ của Hữu Dũng tại ấp Đông Bình cũng đong đầy kỷ niệm, cái nghèo đeo bám mái tranh suốt mùa niên thiếu. Mỗi độ đông về trời se sắt lạnh, áo quần cụt cởn, chiếu chăn thiếu thốn, nhưng với anh đó là kỷ niệm đẹp, tác giả tả trải lòng rất thật thà dung dị, lạc quan và thật đáng yêu: Bóng chiều hoang sắc tím/ sương phủ ấp Đông Bình/ tranh nghèo buồn quạnh quẽ/ bếp lạnh  ủ tro tàn/ Đông về gieo sắt se/ mái rạ vờn theo gió/ chăn chiếu còn ngoài chợ/ co ro thấy não nề/ Áo quần mặc cụt cỡn/ thủng đáy cột dây su/ chân đất và đầu trần/ ngóng cổ đợi sang thu (Chim non).
Hữu Dũng có hơn nửa đời làm thầy giáo, từ những mái trường xa xôi nơi xứ biển, đến ngôi trường trên mảnh đất quê anh. Nhiều thế hệ học trò gắn bó yêu thương, những khó khăn sau ngày giaỉ phóng, những thiếu thốn của thời bao cấp mà sao tình người cứ rất đổi chân thành. Thấu hiểu nỗi khổ của học trò như nỗi lòng của chính tác giả. Có lẽ đây là những dấu ấn đẹp nhất trong cuộc đời của anh: Trò tôi có mẹ không cha/ Khó nghèo rình rập, sắc nhà mái tranh/ Nên chi tuổi búp trên cành/ Sớm mai đến lớp, dắt chăn nửa ngày/ Thân trò như mảnh giấy nhàu/ Run run con chữ mà đau đớn lòng (Trò tôi)
Để rồi: Qua sông mấy chục năm rồi/ Chèo nay gát mái hoài người trò xưa ! (Trò tôi)
Trong tập thơ “Vàng rơi lối gió” ta thấy khá nhiều bài thơ tình dày dạn đan xen, lúc sâu lắng ngọt ngào, lúc chân phương bình dị nhưng không kém phần lãng mạn, tươi trẻ, hồn nhiên: Trộm em thuở độ chín rằm/Tóc xanh chia nhớ. Đuôi gà chấm vai/ Tay thon mắt biếc mày ngài/ Côi tim ủ ấm dấu hài ngõ quen (Trộm em)
Đúng vậy! Tác giả không kỳ công gọt đẽo, không dùng từ hiện đại, hàn lâm mà bằng ngôn ngữ dân gian, mộc mạc, dung dị, gần gũi với đời thường. Tác giả đã ghi lại câu chuyện tình thơ mộng khiến người đọc dễ chạm vào những cảm giác diệu êm tận đáy trái tim: Ôi, mắt biếc long lanh chiều Cửa Đại /Mái Chùa Cầu yêu dấu bóng rêu phong/ Tay trong tay, bến sông Hoài sóng vỗ /Đầy khuya trăng tan chảy mơ màng… (Tình phố cổ)
Hoặc: Hàng mi em chưa khép/ làm sao mà biết được/ mộng lành ngủ trên tay/ giữa đôi bờ ngõ hạnh (Còn gì nhau)
Đời thường Hữu Dũng rất thật thà chơn chất, rất nhẹ nhàng, điềm đạm ưu tư, ít biểu lộ sự mạnh mẽ cả trong giao tiếp, nhưng tình yêu trong thơ anh ta bắt gặp một Hữu Dũng hoàn toàn khác lạ, vừa nồng nàng rào rạt, vừa ấm nồng, ghì siết của những đam mê ân ái vỗ về: Bờ chạm sóng nụ hôn mềm trên cát/Vỗ miên man âu yếm thì thào/ Phút trùng phùng đôi bờ gió hát/ Môi hoa thơm sóng biếc dạt dào (Sóng cát)
Với những bài thơ tình đầy cảm xúc như: Còn gì nhau, Say hương, Trộm em, Người đi, Hương giêng, Cố nhân, Trở về, Từ em, Tình phố cỗ, Vọng tưởng, Mộng đầu, Giọt xuân, Thuở yêu người… mỗi bài thơ là một nét chấm phá kể lại những câu chuyện tình đằm thắm, thổn thức yêu thương. Những chuyện tình ngày thơ bé, tình học trò, tình lứa đôi cứ sóng sánh ùa về, ăm ắp kỷ niệm chẳng thể nào quên: Sóng khuê cát vỗ ven triền mắt biếc/ Rèm mi ơi, đừng khép… đợi chờ/ Tình băng bó xước trầy đêm hoa mộng/Vết thương bưng vin gió buổi chiều phai (Say hương)
Ta cũng tìm gặp cái lạ trong thơ Hữu Dũng là dám chạm đến những định kến về câu chuyện tình truyền miệng ở làng của bậc tiền nhân, vì tình yêu mà dám trao cả tài sản quý của tộc họ, bị nhiều người trách cứ. Hữu Dũng đã có quan niệm hết sức nhân văn của hậu duệ đời sau: Cả trái tim mủi lòng người thôn nữ/ Trích lục tờ không ngần ngại gởi trao/Là hậu duệ ai nỡ nào trách cứ/ Thiên sử tình lưu dấu đến nghìn sau/ Bóng hào hoa đấng nam nhi lãng tử/ Phảng phất vờn trên xứ đất Thanh Luy! (Hào hoa)
Sau một dặm dài phiêu bạt, vó ngựa chùng nước đại, đành dừng chân tìm chốn quay về, tác giả đã gởi tiếng lòng qua những câu thơ độc đáo: Ngày gối lã, đêm lừng hương rạ/ Sực bên đời vực thẳm hoang vu/Tiếng hý reo bóng câu qua cửa/Nắng  úa vàng trời đã sang thu/ Ngồi tư lự giọt sầu rơi man mác/ Ước mơ chìm, vó ngựa nỗi riêng ta…! (Vó ngựa)
Bên dốc cuộc đời, anh quay về cùng bạn bè thuở hàn vi, cùng nhóm bạn già thân quen ngày trước. Sáng nhâm nhi ly cà phê, cốc trà, chiều dạo bước trên cánh đồng nghe gió hát, xem trẻ em thả dèo vui khúc đồng dao. Thỉnh thoảng nhóm họp dưới gốc mít vườn nhà hay gia viên  thân hữu cùng đàm đạo, đọc thơ, hát lếu láo đôi bài, lại thấy đời ý vị làm sao: Nghiêng chiều gom ngọn nắng hoai/Tìm về lối cũ, tháng ngày nổi nênh/ Đâu rồi mộng đắng không tên/Mùa đau trĩu quả giữa mênh mông đời (Nghiêng chiều)
Rồi một chiều nơi quán bên ngã ba sông  nhóm bạn tri âm nâng chén ngọc hàn huyên tâm sự bao điều : Rót thương yêu, rót xót xa/ tràn ly vẫn rót hóa ra tấm lòng (uống rượu). Tay chạm cốc men cay lòng nhẹ tênh nhìn con nước cứ lặng lẽ trôi về biển: Tình nắng hạ trầm mình sông bạc/ Lời chiều êm trôi dạt phía chuông tan/ Cánh hoa trăng tươi sắc màu ly biệt/ Cùng mùa yêu phiêu bạt lưng ngàn (Bến sông nào lưu giữ dòng trôi)
Rồi đến một ngày cũng phải đi xa, tác giả cũng không quên gởi lại tấm lòng rất độ lượng,  bằng lòng với cuộc sống và những gì tạo hóa đã ban tặng cho: Tôi xin gởi tình tôi lên cổ tháp/ Phía cheo leo hun hút bóng trăng già/ Bao yêu dấu mờ phai vùng thương tích/ Hóa đá lòng trầm mặc trước nguy nga… 
Tập thơ “Vàng rơi lối gió” không to tát, đồ sộ, chỉ với 50 bài thơ ngắn, tác giả Hữu Dũng không chỉ tô đậm thêm nên bức tranh quê đẹp lộng lẫy diệu kỳ, mà còn trải lòng với mảnh đất và con người đằn thắm cùng nhấm nháp những yêu thương trong hương vị cuộc đời. Càng đọc ta càng thấm và chạm đến tận cùng những cung bậc cảm xúc sâu thẳm từ trái tim.
Hữu Dũng làm thơ là để giãi bày tâm sự và đi tìm niềm vui, không khoe chữ, khoa trương. Tuy vậy 50 bài thơ trong “Vàng rơi lối gió” là những bài đã được đăng tải trên các báo và tạp chí như tạp chí Văn Chương Phương Nam – Hội Nhà văn thành phố HCM, Bông Tràm- Hội VH-NT Đồng bằng sông Cửu Long, Báo Việt Nam Net… được bạn đọc khắp nơi đón nhận và khen ngợi.
Xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị, thân hữu gần xa.
4/4/2021
Hà Sáu
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thiên thần 18

  Thiên thần 18 1. Kém tôi ba tuổi, nhưng không biết ăn thứ gì mà nó “đần độn” đến vậy.  Mười bảy tuổi, bằng tuổi nó ngày nay, ngày xưa tôi ...