Thứ Ba, 11 tháng 2, 2025

Trong mắt chim câu

Trong mắt chim câu

Bầy trẻ bay siêu thực ấy, khoảnh khắc kỳ ảo ấy lại rất thực trong mắt chim câu nào đó, trong mắt Phương trẻ thơ, trong mắt thơ Phương, trong mắt chim câu Phương.
Trong mắt chim câu có gì?
Thơ và niềm im lặng.
Tưởng tượng, Rung động và Im lặng làm nên ba phần trong tập thơ haiku mới của Đinh Trần Phương. Những tiêu đề ấy bất ngờ diễn tả yếu tính của thơ ca.
Thơ ca trước hết là Tưởng tượng. Tất cả là mơ tưởng cho dù bạn nói về cái đang ở trước mắt, cho dù bạn nói về chính bạn ngay khoảnh khắc này. Vì cái nhìn của thơ lập tức chuyển hóa sự vật, xê dịch nó vào một thế giới khác. Phương thấy và cho thấy điều đó:
Thế giới này
thế giới khác
phấp phới bướm bay
Nhà thơ, như con bướm ấy, cư lưu cùng một lúc cả hai thế giới, cả hai cõi bờ: bên này và bên kia. Dù ý thức hay không. Dù vô thức hay không. Dù Trang Chu là bướm hay bướm là Trang Chu. Nói cách khác, trong mỗi bài thơ có hai thế giới. Cho nên, thơ ca nếu là thơ ca thì luôn luôn tự nhân đôi mình. Mỗi bài thơ tự phân đôi, phân thân. Bài thơ vừa là chính mình vừa là kẻ khác. Nhà thơ vừa nhìn sự vật bằng đôi mắt mình vừa nhìn bằng con mắt khác. Là cái gì thế? Là bài thơ này của Phương:
Trong mắt chim câu
thấp thoáng
một bầy trẻ bay
Bầy trẻ bay siêu thực ấy, khoảnh khắc kỳ ảo ấy lại rất thực trong mắt chim câu nào đó, trong mắt Phương trẻ thơ, trong mắt thơ Phương, trong mắt chim câu Phương.
Thơ cũng là Rung động. Tất cả là Tình cho dù bạn giả vờ vô tình hoặc thử nói về cái vô tình, cho dù nhớ hay quên, cho dù chém vào đời sống bằng “bàn tay không của ai”:
Chặt bóng cây
chặt tiếng hót
bàn tay không của ai
Từ một bóng cây chết, từ một tiếng hót chết, từ một bàn tay chết, thơ mọc lên bóng mát khác, tiếng hót khác, bàn tay khác. Thơ mọc lên tình yêu:
Giường tình
hương phảng phất
những đóa tay hoa
“Tất cả nghệ thuật là rực tình” – Adolf Loos nói (All art is erotic). Thơ, một nghệ thuật của rung động, rạo rực, dậy tình, khơi gợi tình. Thơ là tình. Ái ân với đời sống.
Váy trắng phơi bay
bàn tay thấp thoáng
vườn xuân gió đầy
Bàn tay là hoa, là hương, là gió, là mơ: những bàn tay trong thơ Phương, những rung động không ngừng.
Và cũng có thể nói, thơ là Im lặng. Thơ chính là tiếng nói của niềm im lặng. Tiếng nói của hư không. Thơ đánh chìm ngã vào vô ngã, dẫn sấm sét trở về lặng im.
Mưa dông
cây cầu như nối
đôi bờ hư không
Thơ là cây cầu giữa mưa dông ấy, nó nối kết những niềm im lặng. Ngôn từ của thơ biết cách cất giấu những niềm im lặng ấy:
Một con thuyền che giấu
sự rỗng không
lơ đãng của dòng sông
Tưởng tượng, Rung động và Im lặng phải chăng là khách du trên con thuyền ấy, con thuyền che giấu sự rỗng không. Không chỉ của dòng sông mà của vạn pháp. Thuyền và thơ.
18/5/2021
Nhật Chiêu
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trận chiến Lũy Thầy

Trận chiến Lũy Thầy Xóm Gà, 11/3/2022;  “Phụ trái tử hoàn”, Việt ngôn. Thiên hạ đánh nhau để làm gì? Kể từ khi biết lớn, luôn hỏi mình. Trịn...