(Nhân đọc tiểu thuyết Cánh đồng lưu lạc, của
Nhà
văn Hoàng Đình Quang,
NXB Hội Nhà văn 2005, Giải thưởng
cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn VN 2005)
Đặt
tên tiểu thuyết là “Cánh đồng lưu lạc” vừa mang ý nghĩ biểu trưng vừa có tính
khái quát cao, nhà văn Hoàng Đình Quang đã mở ra một không gian nghệ thuật đặc
sắc. Đó là nông thôn với hiện thực bất ổn, xê dịch, những kiếp người phiêu dạt
và khát vọng nhân sinh. Cánh đồng lưu lạc “theo nhiều người già kể lại
có lẽ nó được khai phá bởi những người dân lưu lạc tứ xứ kéo đến đây”(
trang 12). Lời giải thích lịch sử cánh đồng đã dự báo về những cuộc
hành trình nối tiếp nhau đi tìm bản thể. Nền văn minh nông nghiệp Việt Nam tự
bao đời vốn ở trạng thái tĩnh, ao tù nước đọng, cây đa bến nước sân đình…Nhưng
trong thực tế từ xa xưa cho đến bây giờ nông dân vẫn thực hiện những cuộc di
dân tìm miền đất mới. Họ ra đi mong thoát cảnh đói nghèo, u mê, trì trệ, tìm
câu trả lời cho số phận, nhưng thôi thúc từ trong sâu thẳm là khát vọng sống,
khát vọng làm người. Nhân vật Hoan, thầy giáo làng xuất thân từ nông dân đã chỉ
ra căn nguyên sâu xa của cảnh đời lưu lạc: “Làm ruộng…một thứ lao động
truyền đời, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất. Không. Tôi không nói đến cái
gian khổ…tôi nói đến sự tù túng, quẫn bách của thói nhà nông” (trang
25). Thì ra, không phải nỗi khổ thể chất mà chính là nỗi đau tinh thần đã dồn
đuổi con người quăng quật, xô đẩy trong dòng đời biến động, bất trắc và vô tận.
Hoàng Đình Quang viết
về làng Sơn Cốt, quê hương ông, một vùng quê mang đậm đặc trưng nông
thôn Bắc bộ, như nhà văn thừa nhận là có đủ hạng người: gã ngốc, kẻ ăn mày,
người anh hùng, ông đồ, giáo sư …Và trong bối cảnh giai đoạn cuối của cuộc
chiến tranh chống Mỹ cùng với sự thâm căn của cơ chế quan liêu bao cấp.
Cũng như bao tiểu
thuyết hiện đại viết về nông thôn khác, “Cánh đồng lưu lạc” đề cập đến cái đói,
miếng ăn, sự lạc hậu, tối tăm, tha hóa. Ám ảnh người đọc bởi những ngôi nhà “vách
đất, mưa gió bào đến trơ mòn”; những năm đói kém cả làng thèm thịt mỡ,
người nhà quê thường giễu là “tí mũi”; những cậu bé tuổi ăn, tuổi
lớn ra đồng với ba củ khoai, đói quá nằm dưới gốc sim mà khóc. Sự thiếu thốn,
khan hiếm vật chất và chế độ phân phối, khiến người ta ao ước, nâng niu từng
đôi pin, cân đường…
Đó là cái phông hiện
thực vừa ảm đạm vừa hài hước theo cách nhìn của Hoàng Đình Quang, nhưng ông
không khai thác sâu cái phông đó như nhiều tiểu thuyết viết về nông thôn từng
làm. Cảm hứng sáng tạo của Hoàng Đình Quang hướng đến một “chiều kích” khác,
với một lối đi riêng rất âm thầm ráo riết là khám phá thế giới tinh thần của
những con người có gốc gác nông dân thông qua bi kịch thân phận của họ.
Hơn 30 nhân vật trong
tiểu thuyết được nhà văn dựng lên trong mối quan hệ gắn kết nhưng có đời sống
riêng sâu sắc, vận động trong cái không gian, thời gian nghệ thuật khá tiêu
biểu. Ngoài cuộc lưu lạc khởi thủy vùng đất, cuốn tiểu thuyết tập trung mô tả
những cuộc lưu lạc của bốn nhân vật bươn trải trong hiện thực khắc nghiệt, với
những dằn vặt tinh thần nhưng không hiếm những khoảnh khắc bay bổng, lãng mạn.
Nga, nhân vật chính, con
thầy giáo Hoan, vừa lọt lòng đã mồ côi mẹ, gánh chịu một định mệnh nghiệt ngã.
Mẹ Nga bị chính cha mình giết chết vì đã không nghe theo sự ép duyên của cha,
mà đem lòng yêu và lấy thầy Hoan. Là nạn nhân của hủ tục “cha mẹ đặt đâu con
ngồi đấy”, bố con Nga phải lưu lạc đến ở đậu làng Sơn Cốt, chạy trốn một quá
khứ“thấm đẫm máu và nước mắt” để rồi Nga sẽ lại tiếp nối cuộc lưu
lạc từ trong “tiền kiếp”. Nga học trung cấp Sư phạm trở thành cô giáo trường
làng. Nga lấy Kỳ, rồi Kỳ đi bộ đội, chị phải nghỉ dạy về phụng dưỡng bố mẹ
chồng. Nông thôn vốn là môi trường điển hình bảo lưu tư tưởng phụ hệ, trọng nam
khinh nữ. Ông Tuân, bố chồng Nga chỉ có người con trai duy nhất là Kỳ, chưa kịp
có con thì Kỳ đã hy sinh, vợ ông lại đau ốm liệt giường. Mê muội, quay cuồng
trong nỗi đau tuyệt tự, không người nối dõi tông đường, ông Tuân đã phạm tội
loạn luân với con dâu. Dù Nga đã cự tuyệt, đã đứng trên bờ đức hạnh, nhưng Phận
đàn bà mỏng manh và lòng thương hại đã xui khiến Nga: “nắm lấy bàn tay ông
Tuân, kéo sát, ghì chặt vào ngực, giọng lạnh băng: Đây! Làm gì thì làm”.
Nga sinh ra thằng Hận, giọt máu của bố chồng. Bị mẹ chồng, các cô em chồng nguyền
rủa là “gà cỏ”, “quân ngứa nghề”, “đồ đĩ rạc”, gia đình
không còn là nơi trú ngụ, làng Sơn Cốt cũng không dung tha, Nga phải ra đi,
chạy trốn quá khứ nhục nhã ê chề, mong đổi đời cho thằng Hận, và “nung
nấu ý chí băng qua, vượt lên chính cuộc đời mình”. Trong những đoạn
trường, có lúc tưởng như mẹ con chị sẽ bị cuốn vào vòng xoáy vô tăm tích, nhưng
chính cái đẹp của bản ngã trong Nga đã cứu vớt, đưa dẫn chị nương tựa vào lòng
tốt của người đời. Ông Thuần cùng đoàn san tràng và chiếc mảng đã đưa mẹ con
Nga rời Soi Vạt, một bãi đất bồi bên bờ sông hoang vắng, đi đến nơi mà Nga chưa
hề định trước. Ông Thức, cửa hàng trưởng cửa hàng ăn uống thời bao cấp, với
tình thương trong sáng đã cưu mang mẹ con Nga trong lúc bơ vơ, gạt bỏ chuyện lý
lịch, hộ khẩu, nhận chị vào việc nắm than quả bàng và cho ở tại cửa hàng. Cuộc
sống của Nga tạm yên ổn, có miếng ăn, có mái nhà che mưa nắng, nhưng tâm hồn
giằng xé, thương cha già cô đơn, hiu hắt nơi quê nhà, hận ông lão Tuân đã“giết
chết tuổi thanh xuân” của mình. Niềm hy vọng duy nhất là đứa con cũng
biến thành nỗi đắng cay khi Nga nhận thấy thằng Hận ngớ ngẩn, mắc chứng tâm
thần sau lần chết đuối hụt. Đó là một đòn giáng mạnh vào số phận, đến nỗi Nga
tin rằng “trời xanh đã nổi giận chuyện loạn luân giữa bố chồng và nàng
dâu”.
Ba nhân vật khác xoay
quanh và có vai trò thúc đẩy sự vận động, phát triển hình tượng nhân vật Nga là
ông Tuân, Tĩnh, và Tôi (người kể chuyện). Cả ba nhân vật này đều thực hiện hành
trình đi tìm Nga, xuất phát từ những lý do và mục đích riêng nhưng cùng thôi
thúc bởi lương tâm, tình yêu và khát vọng nhân văn.
Ông Tuân là tuýp nhân vật
được đặt trong mối quan hệ bố chồng - nàng dâu. Tuýp nhân vật này vẫn thường
thấy trong tác phẩm văn học viết về chiến tranh. Nhưng trong “Cánh đồng lưu
lạc” Hoàng Đình Quang đã đưa ra cách giải quyết hợp tình hợp lý, bất ngờ, độc
đáo, đạt hiệu quả thẩm mỹ; khiến từ chỗ là nhân vật thuộc tuyến “phản diện”,
ông Tuân trở thành nhân vật “trung tính” có thể thông cảm và tha thứ, vì suy
cho cùng đó là hệ lụy từ chiến tranh. Qua cái cách ông Tuân tạ tội với Thầy
Hoan, bố của Nga, đủ biết ông đã đấu tranh nội tâm dữ dội, đã thành thật sám
hối và dũng cảm nhận trách nhiệm. Ông dâng lễ lên bàn thờ nhà thầy Hoan thắp
hương khấn vái, rồi chắp tay cung kính trước thầy Hoan: “Thưa ông…xin
ông ngồi lên cho con…vâng, cho con xin lạy ông…Con là Trần Tuấn Tuân. Con đã
làm một điều vô luân, vô đạo. Xin thầy tha lỗi cho con được nhờ. Thằng Hận con
cô Nga không phải là đứa con hoang, cô Nga không phải là người đàn bà hư hỏng
như người ta vẫn đồn đại. Thằng Hận chính là giọt máu của con…”(trang 177),
rồi ông đứng trơ ra đón nhận cơn giận dữ của thầy Hoan như ông đã tiên liệu.
Tính cách nhân vật ông Tuân được phát triển về hướng thiện, khi ông quyết đình
rời làng Sơn Cốt lang thang khắp nơi, khổ sở như một gã ăn mày đi tìm mẹ con
Nga, tự dày vò bằng những cuộc độc thoại nội tâm không dứt: “Bây giờ
giữa thiên hạ này ta là chồng, cô là vợ, thằng Hận là con trai của ta. Nó nối
dõi dòng họ Trần ta. Nó là thằng chống gậy đưa ta xuống mồ.”(trang 294).
Nỗi đau đớn khiến ông thốt lên tiếng gọi nghẹn ngào, tha thiết và bất lực “Về
đi, Nga ơi! Về làng có nhà, có ruộng cho con chúng ta”. Thông qua nhân vật
ông Tuân nhà văn đã lý giải sâu sắc bi kịch tinh thần truyền kiếp, không thể
giải thoát được của người nông dân.
Nhân vật Tĩnh xuất hiện ở
gần cuối tác phẩm nhưng lại là điểm nhấn rất quan trọng trong hệ thống nhân
vật. Nhà văn để cho tính cách của Tĩnh được bộc lộ trong những hoàn cảnh ngặt
nghèo, đầy thử thách, nhằm tô đậm vẻ đẹp của một nhân cách giữa đời thường. Là
bộ đội xuất ngũ Tĩnh theo nghề đi rừng. Trong đoàn san tràng Tĩnh nổi bật như
một “chiến binh sông nước”. Anh được ông trưởng tràng tin cậy giao cho cây sào
bột điều khiển con mảng bất kham vượt qua thác hiểm. Bởi “ai được giao
cầm cây sào bột phải là người can trường và có sức lực... là người đứng mũi,
chịu sào”. Hành động của Tĩnh đầy nghĩa hiệp khi anh quên mình nhảy
xuống dòng sông hung dữ cứu thằng Hận khỏi chết đuối. Đó là những phẩm chất
trội mang đặc tính đàn ông làm nên sức hấp dẫn của nhân vật. Tĩnh có tâm hồn
nhân ái, giàu linh cảm. Anh nhận ra vẻ đẹp của Nga phía sau cái bề ngoài lam
lũ: “Tĩnh sững người, nhìn người đàn bà xa lạ, nghèo khó mà anh mới quen
trước đây vài giờ, mà bỗng cảm thấy thân thuộc từ tận cõi nào xa thẳm” (trang
201). Anh đã giúp mẹ con Nga lên tàu đi Phú Thọ, đã nảy nở một tình yêu thầm
lặng để rồi tìm kiếm chị suốt hàng chục năm trời với sự theo đuổi kiên tâm và
đạt đến tình yêu đích thực sau những đổ vỡ, trải nghiệm về hạnh phúc.
Nhân vật Tôi (còn có
tên là Hoàng) xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm có vai trò như nhân vật chính
thứ hai, song song với nhân vật Nga. Mối tình chị em của Hoàng đối với Nga bền
bỉ, thiêng liêng, sâu nặng theo năm tháng. Hoàng hướng về Nga như hướng về thần
tượng. Mối tình dị biệt này mang chứa ẩn ức tuổi thơ và khát vọng vượt thoát
khỏi lũy tre làng, vươn tới một thế giới tinh thần cao quý. Đây chính là “hồn
cốt” của cuốn tiểu thuyết, là điểm tựa cho nhà văn thăng hoa, say đắm trong ý
tưởng nghệ thuật làm nên sức chinh phục mạnh mẽ người đọc. Ngòi bút của nhà văn
luôn nâng niu, trân trọng khi viết về Nga: “Mái tóc đen, dài…tỏa mùi
hương dịu ngọt rất lạ lùng…Chiếc áo trắng chị mặc nhuộm đẫm màu biếc của trăng
non”… “Tôi vùi sâu mái tóc khét nắng của mình vào lòng chị Nga.
Trái tim tôi dần dần nóng lên một cách khó hiểu…Tôi nói mà nghe thấy tiếng nói
của mình như giấu kín trong tà áo chị Nga: - Chị em mình mãi mãi bên nhau nhé”
(Trang 34). Vẻ đẹp huyền ảo ấy được Hoàng nhận biết bằng nỗi đam mê vô thức và
thốt lên câu hỏi :“Chị ơi! Sao người ta không thể làm chủ số phận của mình
được nhỉ?”. Đó cũng là câu hỏi muôn thuở của kiếp người. Tuổi thơ “đi theo
đít con trâu”, gánh phân đè nặng trên vai, Hoàng mơ ước được học trung cấp Sư
phạm, trở thành giáo viên như chị Nga. Dù trí thức xã bấy giờ “cày
ruộng, gieo mạ, phát bờ còn tinh thông hơn cả cầm phấn viết bảng”, Nga
vẫn hiện thân như một “biểu tượng” văn hóa, một điểm sáng của hồn quê. Vì thế,
thực chất tình yêu của cậu bé Hoàng đối với Nga là sự “phải lòng” cái đẹp.
Hoàng học Sư phạm rồi Hoàng ra trận, mang theo mối tình đơn phương đầu đời như
một nỗi ám ảnh về cái đẹp. Chiến tranh kết thúc Hoàng mải miết tìm Nga, nhưng
thật trớ trêu họ vẫn rẽ về hai nẻo. Phải 27 năm sau họ mới gặp nhau tại Sài
Gòn, khi số phận mỗi người đã an bài. Hoàng đã giúp Nga tìm được mộ chồng. Sau
lời khấn của Hoàng trước mộ Kỳ, điều kỳ diệu đã đến, thằng Hận bỗng nhiên cười
ha ha. Tiếng cười báo hiệu sự lột xác, nó thoát khỏi hình hài ngớ ngẩn tâm
thần, trở thành người đàn ông thực sự. Chi tiết này cùng với
sự vẹn tròn của số phận các nhân vật làm nên kết thúc có hậu của tiểu thuyết.
Thế giới nhân vật
trong tiểu thuyết của Hoàng Đình Quang, kể cả những nhân vật chỉ xuất
hiện thoáng qua hoặc không có sự phát triển tính cách (nhân vật tự biến mất)
đều là những con người hướng thiện, tốt đẹp, thánh thiện, hoặc có những khoảnh
khắc đẹp. Điều này bộc lộ cảm quan nghệ thuật của nhà văn là tập trung khai
thác phần nhân bản ở con người.
Ngay trang đầu tiểu
thuyết, Hoàng Đình Quang viết:“Làng Sơn Cốt là của tôi, nơi ông tôi đến đây
cư ngụ, lần lượt cha tôi, rồi tôi cũng được sinh ra”. Đây là chỉ dẫn về chủ
thể sáng tạo – nhà văn, mang huyết thống nông dân, con đẻ của ruộng đồng viết
về chính cái làng của mình, về số phận những con người mình từng chứng kiến.
Điều này là cơ sở để người tiếp nhận tin cậy vào văn bản nghệ thuật. Nhưng
quyền năng tự sự của chủ thể sáng tạo càng được gia tăng hơn nữa khi nhà văn
đồng thời là nhân vật “Tôi” tham gia suốt quá trình triển khai tác phẩm. Không
chỉ đóng vai trò nhân chứng, nhân vật “Tôi” xác lập mối quan hệ mật thiết giữa
người kể chuyện với các nhân vật. Từ điểm nhìn bên trong, nhà văn thâm nhập vào
thế giới nội tâm, khám phá, giải mã những tầng sâu tinh tế và uẩn khúc của tâm
hồn con người.
Với phương thức trần
thuật ở ngôi thứ nhất, dấu ấn cá nhân nhà văn in
đậm vào tác phẩm một cách chân thực và cảm động. Hồi ức là màu chủ đạo của
giọng trần thuật trong tiểu thuyết. Lối kể chuyện đan xen quá khứ hiện tại một
cách linh hoạt, phá dỡ trật tự thời gian tuyến tính, giọng văn khi nhẩn nha,
khi dồn nén, tuôn trào gây bất ngờ, tạo được nhiều cung bậc cảm xúc cho người
đọc.
Có thể nói
Hoàng Đình Quang đã viết “Cánh đồng lưu lạc” bằng tất cả sự trải
nghiệm và tình yêu sâu nặng với làng quê. Cuộc lưu lạc trở về với ký ức, tìm
kiếm, chưng cất cái đẹp là một cuộc thanh lọc tâm hồn; khẳng định cái đẹp luôn
chi phối và chiếm lĩnh con người. Đó là bản chất của chủ nghĩa nhân văn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét