1. Sau 80
năm, vẫn cần được “nhìn lại”
Đây dĩ nhiên không phải là lần đầu chúng ta “nhìn lại” văn xuôi Tự Lực văn đoàn
(TLVĐ). Cho dù “nhìn lại” là nhu cầu tất yếu, thường xuyên, song việc này, đối
với sáng tác của văn đoàn này, nhất là văn xuôi, có những nguyên cớ và zic zac
riêng. Đương thời, TLVĐ được khẳng định và đánh giá thỏa đáng. Sau Cách mạng
tháng Tám 1945, nhất là thập nên 60, 70, TLVĐ bị phê phán, phủ nhận rất nặng nề.
Kể từ 1986 đến nay, các sáng tác này mới được “nhìn lại”. Cảm hứng, thành tựu
“nhìn lại” này được đánh dấu bằng nhiều sự kiện, song đáng chú ý là các hội thảo
về TLVĐ, ngày 27-5-1989 (tại Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội), và ngày
9-5-2008 (tại Cẩm Giàng, Hải Dương).
Sau khi, “từng bước giải
tỏa nhiều thành kiến khắt khe, cố chấp, cố gắng trả về cho lịch sử văn học những
giá trị đích thực của khối lượng tác phẩm do Tự lực văn đoàn để lại”[1] vị
trí, đóng góp của TLVĐ trên phương diện văn học đã được các nhà nghiên cứu tôn
vinh xứng đáng [2].
Đáng lưu ý là ngay cả những người trước đây từng đánh giá khắt khe, thậm chí,
quy chụp chính trị – cho rằng hoạt động của TLVĐ trong đó có Hội Ánh sáng là “cải
lương tư sản phản động” cũng đã thành thực cải chính một số nhận định [3], và
tỏ rõ sự ngưỡng mộ ảnh hưởng lớn lao của nhóm này, rằng: “chỉ có 7 người mà tập
hợp được một lực lượng cộng tác đông đảo, gây được một phong trào văn học rộng
lớn trong toàn quốc”[4].
Một sự cải chính như vậy – dù muộn vẫn hơn không – chứng tỏ vị thế của TLVĐ là
quan trọng, vững vàng, như một chân lý, không ai phủ nhận, xuyên tạc được.
Việc nghiên cứu văn chương TLVĐ nhìn chung đã tiến những bước dài, nhất là từ
cuối thập niên 80 thế kỉ trước [5] đến nay. Thành tựu ấy cũng đã được phản ánh
trong các bộ giáo trình văn học 1930-1945 [6], hoặc 1900-1945 [7] và phần nào,
trong sách giáo khoa Tuy vậy, thành tựu ấy không đồng nghĩa với sự hoàn tất, hay sự khai thác đến cạn
kiệt. Tám mươi năm “nhìn lại”, thấy thành tựu của các nhà nghiên cứu (ở cả hai
miền đất nước) dù đã dày dặn; song vẫn còn không ít khiếm diện, bất cập, tồn
nghi, cần được khắc phục. Văn xuôi TLVĐ vẫn là đối tượng có sức hút mạnh đối với
các nhà nghiên cứu, một khi đời sống lý luận phê bình văn học Việt Nam cởi mở
và có tính học thuật hơn. Những gì chưa đúng, chưa công bằng, thỏa đáng khi tiếp
cận dòng văn xuôi ấy, vẫn cần được “nhìn lại” – nhìn lại, từ độ tin cậy của hệ
thống tư liệu cho đến tính khoa học của các luận điểm, nhận định, đánh giá,
liên quan đến sinh mệnh nghệ thuật của tác phẩm.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin nêu một số nội dung, vấn đề cần được tiếp
tục nghiên cứu, diễn giải thêm, đồng thời đề xuất một vài hướng nghiên cứu tham
khảo.
2. Một số nội dung, vấn đề cần
tiếp tục nghiên cứu
2.1. Rà soát kĩ tư liệu, văn
bản hay các thông tin liên quan đến tác giả, văn bản tác phẩm.
Đây là công việc cần phải tiến hành một cách tỉ mỉ, căn cơ, xác tín hơn. Rõ
ràng là vẫn còn nhiều thông tin sai nhiễu nên sớm khắc phục. Chẳng hạn:
- Xác định lại thời gian sáng tác, năm in lần thứ nhất và các lần tái bản (nếu
có). Trên cơ sở đó, hạn chế tình trạng nói nước đôi, khi xác định thời
điểm sáng tác. Ví dụ: Trọng Đạt, trong một bài viết về Tiêu Sơn tráng sĩcủa
Khái Hưng, xác định thời điểm ra đời tiểu thuyết này là năm 1940, song lại chua
thêm “(có tài liệu nói năm 1936)” [8]; một số nhà nghiên cứu khác
cũng đưa thông tin sai nhiễu về thời điểm ra đời của tác phẩm, thường là lẫn lộn
giữa năm đăng báo (Phong Hóa, Ngày Nay) và năm in (Đời Nay) nhiều tiểu thuyết,
tập truyện ngắn của TLVĐ [9]. Việc xác định không chính xác thời điểm
ra đời của từng tác phẩm sẽ gây trở ngại, thậm chí ngộ nhận trong hướng nghiên
cứu lịch đại: quá trình vận động của văn xuôi TLVĐ. Ví dụ, nếu căn cứ vào thời
điểm in (tái bản), thì Tiêu Sơn tráng sĩ (Khái Hưng) ra đời năm 1940,
ở chặng thứ 3, nhưng thời điểm ra đời thực sự của tác phẩm thì trước đó khá xa ở
chặng đầu, gối sang chặng giữa (toàn văn tác phẩm đăng trên 55 số báo Phong
Hóa, bắt đầu từ năm 1934, đến 1936 thì kết thúc). Cũng như thế, nếu căn cứ
vào một lần tái bản, xác định Bướm Trắng (Nhất Linh) ra đời 1941, ở
chặng cuối của văn chương TLVĐ (1939-1943) là không xác thực, vì trên thực tế,
tác phẩm này ra đời năm 1939, đăng báo 1940, in sách 1941. Lầm lẫn về thời điểm
sáng tác, ắt dẫn đến những nhận định sai lạc chủ quan về vận động thể tài của
tiểu thuyết Khái Hưng, Nhất Linh trong TLVĐ.
- Đối chiếu văn bản tác phẩm đăng trên báo Phong Hóa, Ngày Nay và các
bản in để có thông tin chính xác về văn bản tác phẩm trong một số trường hợp
tương đối đặc biệt. Qua đó, xác quyết thêm về văn bản một số tác phẩm do viết
còn dang dở như trường hợp Thúy Mai (Thạch Lam, mới chỉ đăng 01 kì),
hoặc do sự thay đổi ý đồ sáng tác tác phẩm, như trường hợp hai bộ tiểu thuyết Sống [10] của
Nhất Linh (từ tiểu thuyết trường thiên, rút thành truyện ngắn), và Loan –
Dũng [11] cũng của Nhất Linh, (lúc đầu dự định là tiểu thuyết nhiều tập, sau rút
thành một tập). Vấn đề là, 1) liệu có còn sót ở đâu đó một phần văn bản
chưa đưa vào sách của hai tác phẩm này không? 2) Tính hoàn chỉnh của các tác phẩm
này liệu sẽ bị ảnh hưởng gì, ảnh hưởng thế nào?
- Rà soát kĩ xem ngoài Gánh hàng hoa, Đời mưa gió do Khái Hưng, Nhất
Linh, hay Truyện bốn người do bốn nhà văn cùng viết, còn những tác phẩm
nào được các nhà văn TLVĐ viết chung – dù không được ghi trên bìa sách của NXB
Đời nay [12] – nữa không?
Đây là những câu hỏi nghiêm túc, không thể không đặt ra khi cần nghiên cứu đóng
góp và phong cách nghệ thuật của mỗi tác giả. Nhân đây, cũng xin nói một sự thật
chưa thấy ai nói đến: Trường hợp tiểu thuyết “Con đường sáng” (Đời Nay, 1940).
Trên bìa, NXB ghi rõ tên tác giả là Hoàng Đạo. Nhưng lật tra lại chồng báo cũ,
thấy kinh ngạc. Khi những trang đầu tác phẩm này đăng báo Ngày Nay kì
thứ nhất, có ghi rõ là “Truyện dài của Nhất Linh” (Ngày Nay số 114,
tr.14), đến các số tiếp sau (Ngày nay, số 143-147;150) thấy ghi là “Truyện
dài của Nhất Linh và Hoàng Đạo”. Nhưng, cũng báo Ngày Nay, từ số 152
đến 159 lại ghi: “Truyện dài của Hoàng Đạo”. Vậy, đây có phải sáng tác riêng của
Hoàng Đạo như lâu nay vẫn mặc nhiên được thừa nhận hay không? Và nếu tiểu thuyết Con
đường sáng không phải của riêng Hoàng Đạo mà do hai anh em ông viết chung [13] thì
các lần tái bản, phải/nên đính chính như thế nào [14]?
2.2. Nhận thức đúng về lằn
ranh giữa hoạt động văn chương và hoạt động báo chí của TLVĐ, cũng như cách hiểu/
sử dụng một số khái niệm thuật ngữ liên quan, cần cho việc mô tả quy mô, đặc điểm,
thành tựu văn xuôi của văn đoàn này.
Trong hoạt động của TLVĐ, việc vạch một đường biên giữa hoạt động báo chí và hoạt
động văn chương của văn đoàn là không đơn giản bởi tính chất “hai trong một” của
nó. Phong Hóa, Ngày Nay chủ yếu là báo văn; tác phẩm văn chương đăng
trên các báo này, không phải là tác phẩm báo chí, song lại nhằm thực hiện mục
tiêu của báo chí. Tuy vậy, mỗi kì báo cũng chỉ đăng tải một số tiểu thuyết,
truyện ngắn, kịch, thơ văn trào phúng, phóng sự văn học; còn lại là tin, bài,
(tin vắn, phóng sự điều tra, xã luận, phê bình báo chí), tranh ảnh minh họa,
tranh châm biếm, đả kích. Hai mảng tác phẩm (văn học và báo chí) tương hỗ cho
nhau, phát huy thế mạnh của cả sự khác biệt lẫn tương đồng giữa chúng. Nhiều
khi, để hướng đến mục tiêu chung, tác phẩm báo phải văn chương hóa hoặc tác phẩm
văn học phải báo chí hóa ở một vài phương diện nào đó. Ví dụ: các phóng sự báo
chí của Phong Hóa, Ngày Nay thường rất đậm chất văn chương, phần nhiều mang
dáng dấp tác phẩm văn học; tiểu thuyết đăng trên các báo này thành nhiều kì, để
tiện cho người đọc theo dõi, tất nhiên cũng phải sử dụng đến kĩ thuật, tiểu xảo
của báo chí, cách tổ chức trần thuật trong tác phẩm cũng phải thích ứng. Vì thế,
nghiên cứu văn xuôi TLVĐ, không thể không chú ý đến đặc điểm này: đó là những
sáng tác mà cái đẹp, giá trị nhận thức -thẩm mĩ của nó được tạo tác trên lằn
ranh báo chí và văn chương, gắn với các bối cảnh chính trị xã hội, văn hóa rất
cụ thể.
Về cách gọi tên tổ chức, phạm vi các mảng sáng tác văn học của TLVĐ, tất nhiên,
không mấy ai lầm lẫn các khái niệm “Văn chương TLVĐ” “Văn xuôi TLVĐ”/”Văn
xuôi lãng mạn TLVĐ”/“Xu hướng tiểu thuyết TLVĐ”,…do nội hàm rộng hẹp của
chúng. Song, điều đáng nói ở đây, không phải ở sự khác biệt nội hàm, hay góc tiếp
cận (bình diện phong cách nhóm, khuynh hướng cảm hứng thẩm mĩ, thể tài, mô thức
phản ánh đời sống,…) vốn có của các khái niệm trên. Đáng băn khoăn là ở sự khác
biệt trong định hướng nghiên cứu cũng như quan niệm, thái độ ứng xử của nhà
nghiên cứu.
Có một thời, xuất phát từ yêu cầu “gạn đục, khơi trong”, việc trả lời câu hỏi vốn
không có gì khó lại thành ra khá hóc búa: “văn chương/văn xuôi/ tiểu thuyết
TLVĐ gồm các sáng tác nào, của ai?”. Để rồi, trong một lần gạn đục khơi trong,
“nhìn lại” TLVĐ, nhiều nhà phê bình buộc phải sử dụng lập luận theo công thức
cú pháp biện minh [C…tuy…nhưng…]: “Thạch Lam/ Xuân Diệu/ Thế Lữ/ Tú Mỡ tuy có
chân trong TLVĐ, nhưng…”. Sau chữ “nhưng” kia là thường một mệnh đề có ý
nghĩa chiêu tuyết cho tác giả. Trong một lần “nhìn lại” khác, không ít người đã
sốt sắng trả lại sáng tác của các nhà văn này về với thương hiệu TLVĐ theo lối
ngược lại, với công thức: [C + “trong Tự Lực văn đoàn”]: “Thạch Lam/ Thế Lữ/
Tú Mỡ trong Tự Lực văn đoàn…” [15].
Về sau, cũng có người lập luận dây chuyền để tạo điểm nhấn, rằng: nói đến văn
xuôi lãng mạn chủ yếu là nói đến văn xuôi lãng mạn của TLVĐ; nói đến văn xuôi
lãng mạn TLVĐ chủ yếu là nói đến tiểu thuyết TLVĐ; nói đến tiểu thuyết TLVĐ, chủ
yếu là nói đến sáng tác của ba cây bút chủ lực TLVĐ: Nhất Linh, Khái Hưng,
Hoàng Đạo. Và, ba nhà văn trụ cột này đã tạo nên một mô thức phản ánh đời sống
riêng, khá độc đáo gọi là “Xu hướng
tiểu thuyết Tự lực văn đoàn” [16]. Cách làm này, có cơ sở thực tiễn của
nó, và, trong một vài bối cảnh cụ thể, là khá tiện lợi, chấp nhận được. Song,
như vậy, cũng có điểm “lợi bất cập hại”. Vô hình trung, các sáng tác tiểu thuyết
của Trần Tiêu, Thạch Lam; sáng tác thuộc thể loại văn xuôi nghệ thuật khác như,
truyện trinh thám, du kí, truyện kinh dị, truyện ngắn, kịch của các nhà văn như
Thế Lữ, và ngay cả sáng tác không phải là tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất
Linh,… cũng nhất thời bị gạt ra khỏi phạm vi nghiên cứu, khó có thể phác thảo
thuyết phục một diện mạo chung của văn xuôi TLVĐ.
Tại sao khi kể thành viên của TLVĐ, thì kể đủ 7 người (Nhất Linh, Khái Hưng,
Hoàng Đạo, Thạch Lam, Xuân Diệu, Thế Lữ, Tú Mỡ) [17], mà khi nói sáng
tác văn chương của họ, lại không kể thơ trào phúng của Tú Mỡ, Thơ mới của Thế Lữ,
Xuân Diệu? Cũng thế, khi nói văn xuôi TLVĐ lại không kể đến truyện ngắn, tiểu
thuyết của Thạch Lam, truyện ngắn của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, truyện
ngắn của Xuân Diệu, truyện ngắn, truyện trinh thám, tiểu thuyết kinh dị của Thế
Lữ? Rõ ràng, toàn bộ các sáng tác này đều được đăng trên cơ quan ngôn luận của
TLVĐ (Phong Hóa, Ngày Nay), xuất bản tại nhà in của TLVĐ (Đời Nay)? Bất hợp lý
này, chỉ có thể giải thích bằng một lý do ngoài văn học và ngoài khoa học mà
thôi. TLVD là một hội đoàn không thể và không nên chia tách, bởi sáng tác của họ
là một hệ thống bổ sung, tương tác lẫn nhau. Sức tác động đến “phong hóa” trong
bối cảnh xã hội “ngày nay” là một sức mạnh tổng hợp.
Trở lại với câu hỏi: văn chương TLVĐ gồm những sáng tác nào, của ai? Thiết
nghĩ: cần phải xem hầu hết các tác phẩm văn xuôi nghệ thuật, hưởng ứng các
phong trào, các cuộc thi của TLVĐ, thỏa mãn tôn chỉ mục đích TLVĐ, được đăng
báo Phong Hóa, Ngày Nay, hoặc tác phẩm do nhà in Đời Nay xuất bản,
đều là văn xuôi TLVĐ; nòng cốt của nó là sáng tác rất đa dạng về thể loại,
phong cách của cả 7 thành viên (Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế
Lữ, Tú Mỡ, Xuân Diệu). Có như vậy, việc nghiên cứu văn chương/ văn xuôi TLVĐ mới
được trả về với tính phong phú đa dạng thẩm mĩ của nó.
Trên tinh thần “nhìn lại” văn xuôi TLVĐ một cách cởi mở ở thập niên thứ 2 của
thế kỉ XXI này, cũng cần xem xét lại các khái niệm: Cải lương tư sản; Lãng
mạn suy đồi; Chủ nghĩa cá nhân cực đoan mà một số nhà nghiên cứu sử dụng
trong các công trình của họ.
Cải lương tư sản; Lãng mạn suy
đồi; Chủ nghĩa cá nhân cực đoan; là các khái niệm thường được sử dụng
để phê phán khuynh hướng tư tưởng, giải pháp chính trị - xã hội ảo tưởng, không
đi đến đâu của TLVĐ. Chúng biểu đạt các nội dung, ý nghĩa nặng tính chất áp đặt,
thậm chí quy chụp [18]. Cách sử dụng các khái niệm này có mấy điểm bất cập: thứ
nhất, đây là những khái niệm mà trong quá trình sử dụng, bị trượt/xấu nghĩa khá
nặng nề [19] khi gắn thêm các định ngữ (tư sản, suy đồi, cực đoan) so với nghĩa
vốn có của khái niệm; thứ hai, cái được biểu đạt đằng sau các khái niệm, một phần
mang tính chất ngụy tạo, tức là cái phần trượt/xấu nghĩa ấy, là một sự áp đặt,
ít nhiều mang tính chất ngộ nhận hay/và kì thị, thường không sát hợp với TLVĐ
cũng như văn chương của họ.
Bên cạnh đó, các thuật ngữ làm công cụ nhằm xác định dòng mạch, thể tài văn
xuôi TLVĐ: Tiểu thuyết luận đề; Tiểu thuyết tâm lý; Tiểu thuyết phong tục;
Truyện lịch sử; Truyện trinh thám; Truyện kinh dị; Phóng sự; Du kí; Bút kí
chính luận; Dòng chủ lưu/ phụ lưu;… cũng cần được minh định đầy đủ, sáng
rõ hơn. Các thuật ngữ vừa nêu nhiều khi được sử dụng dễ dãi, xuất phát từ quan
niệm, cách hiểu đơn giản, thiên lệch. Ví dụ cho rằng tiểu thuyết TLVĐ chủ yếu
là tiểu thuyết luận đề, và tiểu thuyết luận đề của TLVĐ là dạng tiểu thuyết chỉ
nhằm minh họa cho một tư tưởng (luận đề). Đó là một quan niệm bất cập, thô thiển.
Cách phân tách văn chương TLVĐ thành dòng chủ lưu/ phụ lưu, như một số nhà
nghiên cứu đề xuất, theo tác giả bài này, cũng là chủ quan, áp đặt.
Tóm lại, cùng với yêu cầu nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về lằn ranh báo chí -
văn học trong hoạt động sáng tạo của TLVĐ, cần có sự minh định chuẩn xác, khoa
học hơn về các khái niệm, thuật ngữ thường sử dụng trong nghiên cứu văn xuôi
TLVĐ.
2.3. Về cách tiếp cận, đánh
giá tư tưởng nghệ thuật, ảnh hưởng, mức độ tác động đến xã hội, đến các sáng
tác văn xuôi về sau (sau 1945: 1946-1954) của văn xuôi TLVĐ: cần mở rộng, khơi
sâu, phối hợp các góc nhìn tham chiếu (lịch đại/đồng đại).
Ở đây có ít nhất hai “vấn đề” rất đáng quan tâm:
Thứ nhất, vẫn phải trở lại với một vấn đề tưởng là trên thực tế, văn xuôi TLVĐ
có những đóng góp hạn chế như thế nào về mặt tư tưởng? Ảnh hưởng, tác động tích
cực/ tiêu cực của dòng văn này đối với công chúng văn học và với toàn xã hội; đối
với sáng tác văn học đương thời và sáng tác thời sau?
Một số nhà nghiên cứu, cứ khăng khăng cho rằng, tư tưởng của TLVĐ qua báo chí,
văn chương, nỗ lực hoạt động xã hội của họ chỉ là “cải lương tư sản”, lạc hậu về
lý luận và yếu kém giá trị thực tiễn. Đó là một sự cố chấp, thiếu cơ sở. Trên
thực tế, tác động của Phong Hóa, Ngày Nay đối với xã hội đương thời
là không thể phủ nhận được. Nó góp phần tạo dựng được một phong trào văn hóa –
xã hội, khích lệ tinh thần dân tộc dân chủ trên một số phương diện cơ bản. Người
nghiên cứu không nên, không cần và không thể đặt cho mình sứ mệnh “gạn đục khơi
trong” một cách áp đặt (khi chưa rõ thế nào là “đục”, là “trong”?), trịch thượng
(khi tự vơ vào mình cái “trong” để thực thi quyền phán xét cái “đục”).
Công bằng mà nói, có thể về mặt chính trị, tư tưởng của Nhất Linh Khái Hưng, về
sau (hậu TLVĐ) đúng là “diễn biến phức tạp”. Song, trong hoạt động báo chí và
sáng tạo nghệ thuật, những nỗ lực của các ông, chủ yếu vẫn tuân thủ tôn chỉ mục
đích của văn đoàn. Cốt lõi tôn chỉ mục đích ấy là đề cao tự do cá nhân – ý thức
duy tân (“theo mới”), dân chủ, ý thức về bản ngã, bản thể. Đó mới là “sinh mệnh”
của văn chương lãng mạn (chữ của GS Trần Thanh Đạm), của Thơ mới và văn xuôi
TLVĐ.
Vậy, ý nghĩa văn hóa, xã hội, mức độ ảnh hưởng, tác động của Phong Hóa, Ngày
Nay và văn xuôi TLVĐ đến công chúng và văn học là như thế nào, cần tiếp tục
chuyên sâu nghiên cứu.
Thứ hai, về quá trình, xu hướng vận động của văn xuôi TLVĐ, có đúng rằng văn
xuôi TLVĐ vận động theo ba chặng (1932-1935; 1936-1939; 1939-1943), như lâu nay
vẫn xác định hay không, và đó, có phải là cách “phân kì” duy nhất hay không?
Theo các chặng ấy thì các thể tài văn xuôi đã vận động như thế nào? Nên chăng,
đề xuất những cách “phân kì” khác, sát với vận động nội tại của văn xuôi – báo
chí TLVĐ hơn. Chẳng hạn, phân kì theo bối cảnh, điều kiện hoạt động văn hóa của
nhóm TLVĐ: Văn xuôi TLVĐ thời tiền Mặt trận dân chủ, Văn xuôi TLVĐ thời Mặt
trận dân chủ, Văn xuôi TLVĐ thời hậu Mặt trận dân chủ. Hoặc, theo xu hướng vận
động thể tài văn xuôi TLVĐ. Ở đây lại có thể phân kì theo hai trục chính: Theo
trục thể tài “luận đề”, phân thành ba chặng: văn xuôi tiền luận đề, văn
xuôi luận đề và văn xuôi hậu luận đề. Theo trục thể tài “tâm
lý”, phân thành hai chặng:tiểu thuyết tiền tâm lý, tiểu thuyết tâm lý,…
Nhìn chung, đã đến lúc chấm dứt tình trạng đem cái nhìn đạo đức, chính trị để
nhận chân các giá trị văn hóa – thẩm mĩ và soi xét vận động nội tại của một
dòng/ bộ phận/ xu hướng/ sự kiện văn chương; cũng như tình trạng đem vận động lịch
sử áp vào nhận thức vận động văn học.
Ngoài ra, có nhiều câu hỏi khác cũng cần được trả lời: Vị trí, vai trò của
báo Phong Hóa, Ngày Nay đối với phát triển văn học và đối với các vấn
đề thực tiễn xã hội? Diện mạo văn chương trên báo Phong Hóa, Ngày Nay trong
sự phóng chiếu của tôn chỉ mục đích, mười điều tâm niệm?
Mức độ xã hội hóa văn học và các vấn đề xã hội qua các hoạt động của TLVĐ trong
đó có các sáng tác văn xuôi? Tinh thần khai phóng, thử nghiệm trong sáng tạo của
các tác giả văn xuôi TLVĐ tác động đến các sáng tạo văn học trong bối cảnh ngổn
ngang, xô bồ, chưa ổn định bấy giờ như thế nào?
2.4. Về đặc điểm, thành tựu,
vận động tương tác thể tài và phương thức, kĩ thuật tự sự trong VXNT TLVĐ, cần
tiếp tục chuyên sâu nghiên cứu trên cơ sở tổng kiểm kê danh mục tác phẩm của
TLVĐ, trong đó có danh mục tác phẩm văn xuôi.
2.4.1. Tổng kiểm kê (và phân loại) tác phẩm văn xuôi TLVĐ là việc phải
làm trước tiên.
Văn xuôi TLVĐ gồm các thể tài chủ yếu nào? Sự vận động thể tài như thế nào? Gắn
với mỗi thể tài ấy là khuynh hướng thẩm mĩ như thế nào? Tương tác thể tài và
tương tác thẩm mĩ trong dòng mạch văn xuôi này đã tạo động lực cho quá trình vận
động văn xuôi TLVĐ ra sao?... Đây đều là những câu hỏi trọng yếu, lý thú. Song,
sẽ không bao giờ có câu trả lời thỏa đáng, khoa học; thậm chí các câu trả lời sẽ
rất phiến diện, chủ quan, tù mù khi chưa hoàn tất công việc tổng kiểm kê danh
mục và tập hợp đủ hệ thống văn bản hệ thống tác phẩm văn xuôi TLVĐ.
Một văn đoàn có 7 thành viên chính thức, đều sáng tác văn xuôi mà lại chỉ
nghiên cứu giới hạn tiểu thuyết của ba tác giả [20] (Nhất Linh, Khái
Hưng, Hoàng Đạo) thì làm sao đủ tư liệu, căn cứ khái quát về văn xuôi TLVĐ; một
văn đoàn nêu rõ định hướng cơ quan ngôn luận của họ là “Tuần báo xã hội, văn
chương trào phúng” mà khi nghiên cứu lại gạt bỏ các sáng tác văn thơ trào
phúng, các thể văn “cận văn học”, gạt bỏ tinh thần trào phúng, cây bút trụ cột
về trào phúng sang một bên, thì làm sao tránh khỏi những đánh giá giản đơn, phiến
diện, vội vàng? Quan điểm của tác giả bài viết này, như đã nói ở phần trên, là
phải trả về cho khu vực sáng tác văn chương của TLVĐ đầy đủ, toàn vẹn các sáng
tác của họ: thơ trữ tình/truyện ngắn của Thế Lữ, Xuân Diệu; thơ trào phúng (hiện
thực phê phán) của Tú Mỡ; truyện trinh thám/ kinh dị của Thế Lữ; truyện ngắn,
tiểu thuyết, tùy bút của Thạch lam; truyện ngắn/bút kí của Khái Hưng; truyện ngắn
du kí của Nhất Linh;…
Khi tổng kiểm kê, cần lưu ý lập bảng tra cứu bút danh của các nhà văn TLVĐ. Hiện
nay, vẫn chưa có tài liệu nào lập bảng tra cứu bút danh này, nên nguy cơ bỏ sót
tác phẩm là khá tiềm tàng. Ví dụ, Trên hai tuần báoPhong Hóa, Ngày nay, Khái
Hưng (Trần Khánh Giư), ngoài những bút danh đã được biết đến (như Tứ Lý, Nhị
Linh), còn kí tên thật Trần Khánh Giư và các bút danh khác như T. Khánh Giư, Trần
Khái Hưng, T. Khái Hưng, K.H,… gắn với mỗi bút danh này thường là một mảng văn
xuôi của ông.
2.4.2. Việc xác định đặc điểm, đánh giá thành tựu, đặc điểm vận động tương
tác thể tài và phương thức, kĩ thuật tự sự trong VXNT TLVĐ,… cũng là những nội
dung, vấn đề lý thú, có ý nghĩa, cần được tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu.
Ngoài ba thể tài thường được nói đến nhiều: tiểu thuyết luận đề, tiểu thuyết
tâm lý, tiểu thuyết phong tục/xã hội liệu còn thể tài nào khác không.
Nhưng có đúng là ba thể tài chủ yếu không? Nếu ít hơn ba thì nên định danh các
thể tài ấy thế nào? Nếu nhiều hơn ba thì còn thể tài nào khác nữa? Về mặt lịch
đại, các thể tài này vận động, biến đổi ra sao; vận động theo những dòng mạch
riêng biệt độc lập hay trong sự tương tác nhiều chiều với nhau?
Về đặc trưng cảm hứng, tiểu thuyết luận đề (xoay quanh cuộc đấu tranh cũ-mới;
cá nhân-gia đình/xã hội) so với tiểu thuyết tâm lý (sự va đập của các quan niệm
riêng về tự do cá nhân, về cá tính, nhân cách [21]) có những điểm gì
tương đồng, khác biệt? Theo đó cấu trúc, kĩ thuật trần thuật có gì tương đồng,
khác biệt?
Thực ra tiểu thuyết luận đề của Khái Hưng, Nhất Linh có những đặc điểm kĩ thuật
rất khác tiểu thuyết luận đề trước TLVĐ (như Trùng Quang Tâm sử của
Phan Bội Châu). Vậy, đó là những khác biệt quan trọng nào? Ở tiểu thuyết luận đề
truyền thống, đúng là mục tiêu minh họa cho một tư tưởng, một chủ trương đường
lối, mục tiêu chính luận của người viết truyện là rất rõ.
Nhiều tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh, gọi là luận đề, nhưng thực ra lại hội
tụ nhiều yếu tố “phi luận đề” trong đó. Vả chăng mạch tiểu thuyết, truyện ngắn
luận đề giai đoạn này, vận động theo ba chặng tiền luận đề (1933-1935), luận
đề (1935-1937), hậu luận đề (1937-1943). Trừ chặng giữa, với tác phẩm
tiêu biểu như Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, còn hai chặng đầu và cuối, các yếu
tố phong tục, tố tâm lý thường xuyên hiện hữu và càng về sau tính luận đề càng
nhạt; yếu tố tâm lý càng chiếm ưu thế, thậm chí, tâm lý không còn là kĩ thuật
mà đã trở thành nội dung và là trung tâm hứng thú của nhà tiểu thuyết. Thậm chí
có thể nói, ở chặng cuối, trừ tiểu thuyết Con đường sáng (Hoàng Đạo –
Nhất Linh), còn về căn bản, tiểu thuyết TLVĐ đã chuyển hẳn sang khuynh hướng
tâm lý. Cùng với tiểu thuyết Bướm trắng của Nhất Linh, Đẹp, Băn
khoăn của Khái Hưng, tiểu thuyết Ngày mới của Thạch Lam, nhiều
truyện ngắn trữ tình của Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, “truyện ý tưởng” của Xuân Diệu,…
cũng ra đời ở chặng cuối này. Vì thế, phải xem xét ba chặng vận động văn xuôi
luận đề trong tương tác với hai chặng tiểu thuyết tâm lý: tiền tâm lý (1933-1939)
và tâm lý (1939-1943), để thấy sự vận động chuyển hóa giữa hai thể
tài.
Tuy nhiên ngay cả tiểu thuyết tâm lý của TLVĐ cũng ít nhiều chịu sự chi phối của
quy luật báo chí mà hình thành nét đặc thù về kích cỡ (thường số trang không lớn,
nhân vật không nhiều), kết cấu, mạch lạc trần thuật (tính mạch lạc tương đối
rõ, có thể viết đến đâu đăng báo đến đó vẫn tiện cho người đọc theo dõi; và đã
đăng báo rồi là không thể, không nên chỉnh sửa nhiều).
Đặc điểm, quy luật vận động tương tác thể tài giữa tiểu thuyết và truyện ngắn
cũng cần được nghiên cứu.
Trong môi trường cộng sinh, tương tác với tiểu thuyết, truyện ngắn TLVĐ cũng
hình thành các khuynh hướng phát triển thể tài tương ứng với các khuynh hướng
thể tài trong sáng tác tiểu thuyết của văn đoàn này:truyện ngắn có thiên hướng
luận đề; truyện ngắn có thiên hướng phân tích phong tục - xã hội, truyện
ngắn có thiên hướng phân tích tâm lý.
Tiêu biểu cho khunh hướng truyện ngắn thiên về luận đề, có thể kể: Giấc mộng
Từ Lâm, Nô lệ, Chiến tranh, Hai vẻ đẹp, Thế rồi một buổi chiều, Tiếng
kêu thương, Hai buổi chiều vàng,… của Nhất Linh; Dọc đường gió bụi, Bên
dòng sông Hương, Cô hàng nước, Những ngày vui, Cái thù ba mươi năm,… của Khái
Hưng. Tiêu biểu cho khuynh hướng truyện ngắn thiên về phân tích phong tục - xã
hội có: Sư bác chùa Kênh; Truyện người ca kĩ họ Nguyễn, Bạch Liên (truyện
dịch), Nghèo, Hai chị em, Mười năm qua,…của Nhất Linh; và Biển, Cô
dâu, Mười năm yêu dấu, Người hầu sáng, Nghiện,…của Khái Hưng. Và, tiêu biểu cho
khuynh hướng truyện ngắn thiên về phân tích tâm lý có Cái tẩy, Vết thương,
Câu chuyện mơ trong giấc mộng, Lan rừng… của Nhất Linh; Điên, Tình
tuyệt vọng, Tình điên,… của Khái Hưng.
Mỗi thiên hướng truyện ngắn nêu trên đều có đặc điểm riêng, khá nổi bật mà ta
có thể kiểm chứng được (qua những tác phẩm nào là tiêu biểu).
Chẳng hạn, đặc điểm nổi bật
của truyện ngắn có thiên hướng luận đề:
Về hình thức kĩ thật của mảng truyện ngắn này, đáng chú ý là các thủ pháp quy
chiếu sự kiện, nhân vật, trần thuật vào luận đề mà nhà văn đề xuất,
truyền tải trong tác phẩm. Trong truyện ngắn Giấc mộng Từ Lâm, tình tiết
chính được Nhất Linh xây dựng xoay quanh giấc mộng xây dựng một ngôi làng lý tưởng
mà ở đó mọi cá nhân trong cộng đồng đều được sống tử tế và thân thiện với nhau,
không phân biệt giàu nghèo. Sự kiện, nhân vật, trần thuật của tác giả đều có
giá trị qui chiếu nhằm làm rõ luận đề: giấc mộng cải cách xã hội theo quan điểm,
chủ kiến của tác giả. Cũng như vậy, trong truyện ngắn Dọc đường gió bụi hay Cô
hàng nước, Khái Hưng cũng quy chiếu nhiều yếu tố của tác phẩm vào luận đề: cá
nhân sẵn sàng đánh đổi cả cuộc sống bình lặng yên ổn để lựa chọn đường đi cho đời
mình, tự do sống dấn thân theo cái cách của mình và sẵn sàng chịu trách nhiệm về
sự lựa chọn ấy.
Đặc điểm nổi bật của truyện
ngắn có thiên hướng phân tích phong tục - xã hội:
Nói chung, truyện ngắn thiên về khuynh hướng phân tích phong tục - xã hội thường
chú ý mối quan hệ gữa nhân vật, số phận, tính cách với hoàn cảnh, môi trường xã
hội tự nhiên. Nhiều nét tâm lý của nhân vật có thể là tâm lý của thế hệ,
thời đại. Nhiều mối quan hệ được quan tâm khám phá, mô tả như mối quan hệ giữa
xã hội và con người cá nhân cá thể, quan hệ giữa tâm lý và hoàn cảnh làm nảy
sinh tâm lý ấy,…
Đặc điểm nổi bật của truyện
ngắn có thiên hướng phân tích tâm lý:
Cũng như trong tiểu thuyết phân tích tâm lý của TLVĐ mà tiêu biểu là Bướm
trắng của Nhất Linh, truyện ngắn thuộc khuynh hướng này xem tâm lý con người
như một cõi riêng, một vùng tối đầy bí ẩn (tiềm thức, vô thức), song cũng đầy sức
hấp dẫn.
Đáng nói là tiểu thuyết hay truyện ngắn viết theo khuynh hướng này không chú ý
nhiều đến những qua trình tâm lý biện chứng, lôgic, mà thường hứng thú hơn với
những biến cố, hiện tượng tâm lý đứt gãy, phi lý,…
Đặc điểm kĩ thuật nổi bật của khuynh hướng truyện ngắn này là việc ứng dụng, thể
nghiệm các phương thức kĩ thuật miêu tả, phân tích tâm lý như kĩ thuật dòng ý
thức, độc thoại nội tâm,…
3. Để tìm kiếm hướng
nghiên cứu chuyên sâu văn xuôi TLVĐ
3.1. Ứng dụng lý thuyết
bối cảnh, lý thuyết sinh thái học văn hóa
Theo định hướng này, khi tìm hiểu văn xuôi TLVĐ, nhà nghiên cứu cần phải khéo
léo đặt hiện tượng, sự kiện vào bối cảnh sinh dưỡng của chúng để phát hiện lý
giải sức cộng sinh của thể loại, cục diện tương tác thể tài, chuyển hóa thẩm mĩ
trong mảng sáng tác này.
Bầu khí quyển “trào phúng” xã hội trào phúng báo chí - văn chương mà TLVĐ tạo
ra thông qua cơ quan ngôn luận (tuần báo Phong Hóa, Ngày Nay), in ấn phát hành
(nhà in Đời nay), hoạt động hội đoàn (đoàn Ánh Sáng) của họ, tác động đến
công chúng một cách tổng hợp, tổng thể. Và dĩ nhiên các tác gia TLVĐ cũng được/bị
bao trùm bởi chính bầu khí quyển mà họ tạo ra ấy. Sản phẩm văn chương, nghệ thuật,
báo chí của họ được nuôi dưỡng trong bầu khí quyển ấy, tất nhiên sẽ mang các dấu
ấn đặc thù và luôn thụ hưởng một hiệu ứng tương tác thẩm mĩ liên thể loại, liên
ngành. Chẳng hạn, sức công phá mạnh mẽ của thơ trào phúng Tú Mỡ về hủ tục thôn
quê thông qua các nhân vật Lý Toét, Xã Xệ hay về cái nhố nhăng, mờ ám chốn nghị
trường có thể sẽ kém đi ít nhiều nếu thiếu vắng sự hỗ trợ của các ấn tượng trực
cảm từ các tranh biếm họa (kèm lời hoặc không lời) về hai ông Lý Toét, Xã Xệ,
hay về các ông nghị viên tai to mặt lớn, được tạo ra bởi các danh họa (Đông
Sơn, Tô Tử, Tứ Ly,…) trên tuần báo Phong Hóa, Ngày Nay.
Tiểu thuyết luận đề TLVĐ hấp thụ tinh hoa từ các thể tài tiểu thuyết khác, hoặc hấp thụ tinh hoa của truyện ngắn, thơ trữ tình và một số thể loại khác để tự làm giàu, làm mới, đồng thời các thể tài tiểu thuyết khác cũng hấp thụ một số yếu tố ưu trội của tiểu thuyết luận đề; cũng như vậy, các thể loại khác sẽ hấp thụ tinh hoa của tiểu thuyết và ít nhiều “tiểu thuyết hóa” trong bối cảnh văn chương TLVĐ.
Tiểu thuyết luận đề TLVĐ hấp thụ tinh hoa từ các thể tài tiểu thuyết khác, hoặc hấp thụ tinh hoa của truyện ngắn, thơ trữ tình và một số thể loại khác để tự làm giàu, làm mới, đồng thời các thể tài tiểu thuyết khác cũng hấp thụ một số yếu tố ưu trội của tiểu thuyết luận đề; cũng như vậy, các thể loại khác sẽ hấp thụ tinh hoa của tiểu thuyết và ít nhiều “tiểu thuyết hóa” trong bối cảnh văn chương TLVĐ.
Đặt Thơ mới, văn xuôi quốc ngữ trong bối cảnh đời sống văn học Việt Nam; đặt
văn chương TLVĐ nhất là tiểu thuyết trong bối cảnh văn hóa, chính trị, xã hội
thập niên 30, những năm đầu thập niên bốn mươi, thế kỉ XXh để cắt nghĩa, lý giải
một số hiện tượng: vì sao TLVĐ lại nêu tôn chỉ mục đích vừa sáng rõ, vừa có tính
mở rất cao như thế? Vì sao TLVĐ lại dùng văn chương mĩ thuật, báo chí để
làm động lực thúc đẩy con thuyền phong hóa(1932-1937); vì sao TLVĐ sao lại
dùng phong cách “xã hội văn chương trào phúng” để tập trung vào các vấn đề của
thế giới “ngày nay”? Vì sao trào phúng báo, chính luận báo chí phát triển (Lý
Toét, Xã Xệ, thơ Tú Mỡ; Trước vành móng ngựa, Câu chuyện….) nhưng trào phúng
văn học (trừ thơ Tú Mỡ) nhất là trong tiểu thuyết TLVĐ lại ít phát triển? (văn
xuôi TLVĐ thiếu hẳn những sáng tác trào phúng kiểu Oẳn tà rroằn –
Nguyễn Công Hoan, Sỏ đỏ– Vũ Trọng Phụng)?
3.2. Tăng cường tư duy hệ thống
và tính hiện đại trong nghiên cứu.
Cần thoát bỏ xu hướng tìm kiếm cái tổng gộp trong ngổn ngang, bề bộn
các thành tố, để tập trung tìm kiếm các phẩm chất hợp trội của hệ thống.
Chẳng hạn: khi đọc Thơ mới đương thời với một số lượng tác phẩm, tác giả lớn gồm
hàng ngàn bài, của hàng trăm nhà thơ, Hoài Thanh không bị lạc vào nhưng nhận
xét tổng gộpđơn giản, ông phát hiện ra cái phẩm chất hợp trội tối
quan trọng, thấm nhuần tinh thần và hình xác của toàn bộ các sáng tác Thơ mới.
Đó là, tính chất mới mẻ hiện đại – theo Hoài Thanh – của cả “một thời đại thi
ca” (1932-1945) chỉ gói gọn trong một chữ “tôi” (cái tôi, khác về bản
chất với cái “ta” trong thơ trung đại). Nói đầy đủ hơn, Thơ mới là tiếng
nói của cái tôi và là sự thể hiện cái tôi cá nhân cá thể bằng các
phương tiện của thi ca hiện đại.
Theo cách đó, với văn xuôi TLVĐ, nhà nghiên cứu phải tìm kiếm bằng được cái phẩm
chất hợp trội từ thế giới nghệ thuật của – nếu không phải toàn bộ thì cũng
gần như toàn bộ – sáng tác văn xuôi, đặc biệt là tiểu thuyết TLVĐ. Theo nhận định
của tác giả bài này – một nhận địng, tất nhiên, còn phải tiếp tục kiểm chứng đầy
đủ, kĩ lưỡng, khoa học – phẩm chất hợp trội ấy là sự thể hiện
sinh động bằng kĩ thuật tiểu thuyết hiện đại các phức cảm tinh thần hay suy niệm
về thân phận của con người cá nhân trước thế sự, trên lằn ranhcũ – mới của
xã hội Việt Nam thập niên 30-40, (thế kỉ XX). Chính những phức cảm và suy
niệm này đòi hỏi các tiểu thuyết gia sử dụng ưu tiên kĩ thuật miêu tả tâm
lý nhân vật, như một kĩ thuật liên thể loại, thể tài, xuyên suốt từ tiểu thuyết,
truyện ngắn luận đề (hay có tính luận đề) [22], qua tiểu thuyết phong
tục xã hội (hay phân tích xã hội) [23], đến tiểu thuyết, truyện ngắn
tâm lý (hay phân tích, miêu tả tâm lý) [24].
Từ phẩm chất hợp trội này, nhà nghiên cứu có được một gợi ý quan trọng:
tìm kiếm các dạng thức miêu tả tâm lý trong từng thể tài tiểu thuyết, truyện ngắn;
chỉ rõ những tương đồng, khác biệt của các dạng thức này trên những lằn ranh thể
tài đầy vẫy gọi, thách thức. Chẳng hạn: phải chăng với thể tài luận đề (như
tiểu thuyếtNửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Con đường sáng; truyện ngắn Giấc mộng
Từ Lâm - Nhất Linh; Dọc đường gió bụihay Cô hàng nước -
Khái Hưng): việc miêu tả tâm lý nhân vật chỉ là thủ pháp kĩ thuật để triển khai
sâu, sinh động hơn tư tưởng luận đề của tác giả, tránh sự minh họa đơn thuần,
khô cứng, giản đơn? Với thể tài phong tục - xã hội (như tiểu thuyết Gia
đình, Thừa tự, Nắng thu; truyện ngắn ), tâm lý nhân vật là thủ pháp kĩ thuật để
nhận thức, thể hiện tính phức tạp trong các ứng xử trước phong tục cũng như trước
những quan hệ, quy ước xã hội của con người cá nhân; đồng thời giúp tiểu thuyết
gia triển khai một phần các nội dung nhân văn của tác phẩm? Với thể tài (tiểu
thuyết) tâm lý (như tiểu thuyết Đời mưa gió của Khái Hưng -
Nhất Linh, Bướm trắng của Nhất Linh, Đẹp của Khái Hưng;
truyện ngắn Cái tẩy của Nhất Linh, Một cơn giận và Sợi
tóc của Thạch Lam), tâm lý vừa là nội dung, cảm hứng, vừa là kĩ thuật; vừa
là mục đích, vừa là phương tiện?… Tuy nhiên, riêng với thể tài tiểu thuyết tâm
lý, điều quan trọng là tâm lý nhân vật phải được nhận thức miêu tả trong tất cả
tính phức tạp, bí ẩn và chiều sâu khôn lường của nó. Đây là điều mà Nhất Linh,
dù viết chung với Khái Hưng (Đời mưa gió) hay viết riêng (Bướm trắng), thường tạo
được những đột phá quan trọng trong sự phát triển của thể tài.
Tư duy hệ thống cũng đòi hỏi quá trình tìm kiếm phẩm chất hợp trội của
văn xuôi nghệ thuật TLVĐ phải được đặt trong sự tham chiếu rộng rãi như một kiểm
chứng từ các loại thể văn học phi hư cấu (thơ, văn trữ tình), phi nghệ thuật
(văn chính luận, phê bình văn học, bút kí chính trị, du kí,…), cũng như từ các
ngành sáng tác nghệ thuật khác (mĩ thuật, âm nhạc) trong tổng thể những hoạt động
văn hóa - xã hội của tác gia TLVĐ.
Tóm lại, trên cơ sở tăng cường tư duy hệ thống, việc mở rộng phối hợp các góc
nhìn tham chiếu là cần và có tính khả thi khi nghiên cứu văn xuôi TLVĐ.
3.3. Nghiên cứu đặc điểm, cục
diện vận động tương tác thể tài; tương tác – chuyển hóa thẩm mĩtrong
VXTLVĐ.
Trên cơ sở một sự phân loại
thể tài hợp lý, có cơ sở lý luận, giàu tính thực tiễn, sức bao quát cao (hạn chế
tối đa tác phẩm mang tính chất ngoại lệ) mà nghiên cứu cục diện tương tác thể
tài. Trên cơ sở miêu tả tương tác cắt nghĩa sự lai tạo, biến đổi thể tài trong
thực tiễn sáng tác qua các tác phẩm có tính vấn đề hay tính sự kiện(Đời mưa gió của Khái
Hưng-Nhất Linh, Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng, Lạnh lùng, Đôi bạn,
Bướm trắng của Nhất Linh).
Chính sự tương tác đa dạng giữa các thể loại, thể tài, làm gia tăng tính đa trị,
đa nguyên của cái đẹp, và sự đa dạng thẩm mĩ trong văn chương TLVĐ. Vì vậy, cần
được nghiên cứu đầy đủ hệ thống, chuyên sâu hơn.
3.4. Ngoài ra, cần ứng dụng các thành tựu mới của hiện tượng học, kí hiệu học
(trong giao tiếp văn hóa/ nghệ thuật), lý thuyết tự sự học, lý thuyết trò chơi,
lý thuyết thông diễn học; mở rộng phương pháp nghiên cứu liên ngành, phương
pháp so sánh văn học; phê bình xã hội học,…vào nghiên cứu văn xuôi TLVĐ nhằm mở
thêm nhiều hướng tiếp cận, thông diễn mới.
Từ những phân tích biện gải
trên đây, có thể rút ra mấy kết luận chung như sau
4.1. Cần đặt văn xuôi TLVĐ
vào bối cảnh văn hóa xã hội, nghệ thuật của nó để nghiên cứu một cách đầy đủ, hệ
thống hơn.
4.2. Văn xuôi nói riêng và văn chương TLVĐ, cho đến nay đã nhiều lần được “nhìn
lại”. Tuy vậy, vẫn còn không ít khía cạnh, vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu,
nhất là nghiên cứu chuyên sâu. Văn chương, báo chí của TLVD đã là “thương hiệu
mạnh” vào thập niên ba/bốn mươi thế kỉ trước, nhiều bài học bổ ích cho văn
chương báo chí đương đại có thể rút ra từ đây, trên cơ sở một sự nghiên cứu cẩn
trọng khoa học và tinh thần tiếp thu cởi mở nhưng chọn lọc.
4.3. Về mặt phương pháp luận trong nghiên cứu, cần coi trọng tư duy hệ thống,
xem văn xuôi TLVĐ như một tổng thể đặt trong một tổng thể lớn hơn (lịch sử -
văn hóa - nghệ thuật). Cần nghiên cứu đầy đủ tác động hai chiều: tác động của bối
cảnh, môi trường lên các sáng tác văn chương và tác động của văn chương lên bối
cảnh, môi trường tồn tại của nó; tác động của báo chí đối với văn học và văn học
đối với báo chí.
Chú thích:
[1]. Nguyễn Huệ Chi
(2008), Thử định vị Tự lực văn đoàn, Tham luận tại Hội thảo Tự lực văn
đoàn ở Cẩm Giàng ngày 9-5-2008.
[2] Chẳng hạn, ý kiến cho rằng:
TLVĐ “không phải là nhóm duy nhất”, nhưng, “là nhóm quan trọng nhất và là nhóm
cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại” (Hoàng Xuân Hãn, Sông Hương, số 37,
tháng 4 năm 1989, tr.74 – Dẫn theo Phan Cự Đệ, Văn học Việt Nam 1900-1945, NXB
Giáo dục, 1998, tr. 554), rằng: TLVĐ giữ “vị trí khai sáng trong văn học hiện đại”
– “khai sáng ra cùng với nó những hình thức thể loại mũi nhọn trong văn học hiện
đại Việt Nam và cả trong nghệ thuật hiện đại Việt Nam như hội họa, ca nhạc mà
nó là nơi thể nghiệm, nơi ghi dấu ấn của những đại biểu tiên phong”, rằng: vẻ đẹp
mà văn chương TLVĐ mang lại là “vẻ đẹp của tinh thần dân chủ” (Nguyễn Huệ Chi, Thử
định vị Tự lực văn đoàn, bài đã dẫn, 2008).
[3]. Ví dụ: Phan Cự Đệ
cải chính về một nhận định trong Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại do ông
viết (tập 1, NXB Đại học và THCN, Hà Nội, 1974, tr 63, rằng: “Dưới ánh sáng của
tư duy mới, bây giờ nhìn lại, chúng tôi thấy mình chưa đủ cơ sở khoa học để đưa
ra kết luận là “hoạt động Hội Ánh sáng… có tính chất tranh chấp quần chúng với
Đảng, đưa quần chúng đi lạc vào con đường cải lương tư sản phản động”” (Văn học
Việt Nam 1900-1945, NXB Giáo dục, 1998, tr. 545).
[4]. Phan Cự Đệ (1998),
trong Văn học Việt Nam 1900-1945, NXB Giáo dục, 1998, tr.554.
[5]. Đáng lưu ý nhất là các
tham luận trong và sau Hội thảo về TLVĐ năm 1989 tại Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học
Tổng hợp Hà Nội, ngày 27-5-1989 (một số tham luận đăng trên Giáo viên nhân
dân, số đặc biệt 27,28,29,30,31, tháng 7-1989); và Hội thảo Tự Lực văn đoàn ở Cẩm
Giàng ngày 9-5-2008.
[6]. Nguyễn Đăng Mạnh Lịch
sử văn học Việt Nam 1930-1945, NXN Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.
[7]. Phan Cự Đệ - Trần Đình
Hượu – Nguyễn Hoành Khung – Lê Chí Dũng – Hà Văn Đức Văn học Việt Nam
1900-1945. NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.
[8]. “Tiêu Sơn Tráng Sĩ, viết
1940 (có tài liệu nói 1936), là tác phẩm dài nhất của Khái Hưng, trên bốn trăm
trang và cũng là tác phẩm công phu nhất của ông, nó đã làm sống lại một giai đoạn
lịch sử cách đây hai trăm năm, thời Lê mạt Nguyễn sơ, dưới triều Cảnh Thịnh năm
thứ năm (1797), tức Nguyễn quang Toản lên ngôi 1792.” Trọng Đạt, “Tiêu Sơn
tráng sĩ, tiểu thuyết dã sử nổi tiếng của Khái Hưng”, http://tranluc.net/docs/tieusontrangsi.html truy
cập ngày 05 tháng 10, 2012.
[9]. Ví dụ, Phan Cự Đệ có lầm
lẫn thời điểm sáng tác: Giáo trình Văn học Việt Nam 1900-1945, sđd, trang 531,
xác định Tiêu Sơn tráng sĩ ra đời năm 1935, đúng ra, phải xác định là Phong
Hóa 1934-1936, in lần đầu (sách lá mạ) năm 1937; cũng ở trang này, tiểu
thuyết Đôi bạn, được xác định thời điểm ra đời là Ngày Nay 1939, đúng
ra phải xác định là Ngày Nay 1938-1939.
[10]. Phong Hóa số
190, năm 1936 (ngay sau số này, Phong Hóa bị đình bản), có ghi rõ “Sống
– Phần thứ nhất: Những ngày diễm ảo”. Nhưng sau này in vào sách, chỉ thấy có
“phần thứ nhất” này (Những ngày diễm ảo) và nó được xem như một truyện ngắn.
[11]. Ngày Nay số
101 ra ngày 10/03/1938, có ghi rõ “Loan Dũng” (truyện dài của Nhất Linh),
“Tập 1” “Đôi bạn”.
[12]. Trong các tuyển tập
truyện ngắn Khái Hưng, Nhất Linh cũng có tình trạng ghi không đầy đủ tên tác giả.
Ví dụ: truyện ngắn “Mười năm qua” tuyển in trong Nhất Linh truyện ngắn, Trịnh
Bá Đĩnh (truyển chọn và giới thiệu, NXB Văn học, Hà Nội, 2000, dưới nhan đề tác
phẩm này có ghi chú “Ý truyện của Phạm Ngọc Thọ”, đúng ra phải ghi tác giả là
“Nhất Linh và Phạm Ngọc Thọ”, theo cách ghi trên Phong Hóa Số 155, ra ngày
27 Sep, 1935;hoặc ghi: “Nhất Linh (viết chung với Phạm Ngọc Thọ)”; cũng như thế,
truyện ngắn “Tình thứ nhất”, chưa thấy đưa vào tập Truyện ngắn Khái Hưng,
do Hoàng Bích Hà, Vương Trí Nhàn (sưu tầm, biên soạn), NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội.
Nhưng nếu sau này tuyển in thêm, cũng phải ghi tác giả là “Khái Hưng và Phạm Ngọc
Thọ theo cách ghi trên Phong Hóa, số 164, ra ngày 29 Nov, 1935; hoặc
ghi “Khái Hưng (viết chung với Phạm Ngọc Thọ)” mới đúng.
[13]. Nếu những người
làm báo không lầm lẫn hoặc không có thủ thuật gì lắt léo, thì đây rõ ràng là
tác phẩm của hai anh em Nhất Linh, Hoàng Đạo, có phần viết riêng, có phần viết
chung: phần đăng Ngày Nay số 114 là do Nhất Linh viết; phần đăng Ngày
Nay tiếp theo, từ số 143 đến 147 và số 150 là do hai người viết chung. Phần
còn lại, đăng báo Ngày Nay từ số 152 đến 159 là do Hoàng Đạo viết.
[14]. Theo tác giả bài
này, nếu in lại, nên ghi rõ tác giả là Nhất Linh – Hoàng Đạo; và như vậy, trong
danh mục tiểu thuyết của Nhất Linh/Hoàng Đạo cũng nên bổ sung và ghi rõ: “Con
đường sáng (viết chung với Hoàng Đạo/Nhất Linh)”; như các trường hợp Gánh
Hàng hoa, Đời mưa gió đều có ghi rõ: “(viết chung với Khái Hưng/ Nhất
Linh).
[15]. Ví dụ, Phong Lê đã có
một chuyên luận rất đáng chú ý: “Thạch Lam trong Tự Lực văn đoàn”.
[17]. Nguyễn Huệ Chi đã đưa
ra một số căn cứ để khẳng định TLVĐ chỉ gồm 7 thành viên. Trong đó hai cứ liệu
quan trọng là thủ bút của Nhất Linh và đoạn văn của Nguyễn Tường Bách – em út của
Nhất Linh – đã được nhiều người trích dẫn, rằng: “Tự lực văn đoàn gồm sáu người
tức Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Tú Mỡ, Thạch Lam, Thế Lữ - Anh Gia Trí
không ở trong văn đoàn, tuy góp nhiều về tranh vẽ và ý kiến. Sau này cũng chỉ
thêm một thành viên là Xuân Diệu, cộng thành Thất tinh hay Thất hiền”. Nhưng
còn một cứ liệu rất quan trọng chưa được nói đến: bức hí họa 7 nhân vật chủ chốt
của TLVĐ, do một cộng tác viên của TLVĐ vẽ để đăng báo Ngày Nay số Mùa xuân
1940 (xem Phụ lục). Người đầu tiên phát hiện bức vẽ này là Cao Quang Nghiệp
(2008), giảng viên Ban Việt học Đại học Hamburg, Liên bang Đức.
Nguyễn Tường Bách, người con
út của dòng họ Nguyễn Tường, sau này chủ trì Ngày nay kỷ nguyên mới
(1945), trong hồi ký Việt Nam một thế kỷ qua, Tập I, đề tựa năm 1980, Nxb.
Thạch ngữ, Califorrnia, 1999, ở chương 11, viết: “Tự lực văn đoàn gồm sáu
người tức Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Tú Mỡ, Thạch Lam, Thế Lữ - Anh Gia
Trí không ở trong văn đoàn, tuy góp nhiều về tranh vẽ và ý kiến. Sau này cũng
chỉ thêm một thành viên là Xuân Diệu, cộng thành Thất tinh hay Thất hiền”.
[18]. Chẳng hạn, Phan Cự Đệ
(Sđd) xem các chủ trương cải cách thôn quê trong tiểu thuyết TLVĐ là “cải lương
tư sản” (tr. 544); xem các sáng tác cuối năm 1939, đầu năm 1940 của tiểu thuyết
gia TLVĐ là “xuống dốc một cách rõ rệt”, là “lãng mạn suy đồi” (tr 538).
[19]. “Cải lương” thường được
hiểu là một đường lối/ cách thức ứng xử chính trị xã hội nửa vời, ảo tưởng, kém
hiệu quả, cuối cùng tất yếu chuốc lấy thất bại. “Cải lương” gắn với “tư sản”,
càng xấu nghĩa hơn. và “cải lương tư sản phản động” thì xem như đã nhận một án
chém. “Chủ nghĩa cá nhân” (đối lập với ý thức cộng đồng).
[20]. Chưa kể đến tình trạng
các mảng sáng tác rất đa dạng của 4 thành viên khác (Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ,
Xuân Diệu) không chính thức được xem là sáng tác của TLVĐ, ngay cả sáng tác của
Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo cũng đã bị bỏ sót khá nhiều: truyện ngắn, phóng
sự, du kí,… hầu như chưa được chính thức đưa vào để mô tả lịch sử văn chương của
TLVĐ.
[21]. Các dạng va đập
tiêu biểu: Trương (Thu) – Tuyết trong Đời mưa gió Khái Hưng-Nhất
Linh; Quang Ngọc/Nhị Nương – Phạm Thái/Quỳnh Như trong Tiêu Sơn tráng sĩ (Khái
Hưng); Trương – Thu/ Trương – Trương trong Bướm trắng (Nhất
Linh); Cảnh – Hảo – Thanh Đức trong Băn khoăn (Khái Hưng).
[22]. Tiểu thuyết luận
đề: ứng dụng các hình thức kĩ thuật tiểu thuyết nhằm quy chiếu cốt
truyện, nhân vật, trần thuật vào luận đề. Mục đích chính của tác phẩm luận
đề là đề xuất và minh chứng cho các tư tưởng, chủ đề chính luận; có tính nhận
thức – dự báo. Nội dung nhận thức trong tiểu thuyết luận đề có nhiều điểm gần
gũi với nội dung nhận thức trong khuynh hướng thuyết lý đạo đức. Tuy nhiên, đạo
đức, đạo lý ở đây, khi được đề cập đến, thường không dựa trên lập trường
truyền thống của nho gia hay của người xưa nói chung mà dựa trên lập trường duy
tân, dân chủ, mang những xác tín chủ nghĩa cá nhân. Một tư tưởng được nêu thành
“luận đề” trong tiểu thuyết, phải bảo đảm các yêu cầu có tính nguyên tắc: a)
Tính xác tín, tập trung, sáng rõ; b) Xu hướng xã hội hóa chức năng nhận thức;
c) Mục tiêu thuyết phục, tác động mạnh đến công chúng. Ngoài ra, một luận
đề muốn trở thành mục tiêu nghệ thuật của người viết truyện, phải thỏa mãn
những điều kiện của nó. Chẳng hạn:
- Nội
dung tác phẩm thường có tính thời sự; góp phần giải quyết, tháo gỡ các nan đề
nóng bỏng, nhức nhối của thực tại (thích hợp với thời đại báo chí);
- Nhà
văn thường bộc lộ quan niệm, chủ kiến, thiên kiến rõ rệt của mình trong khi đề
xuất hướng giải quyết các nan đề xã hội;
- Luận
đề được diễn giải bằng hình tượng, thông qua một, vài hành động trung tâm có
tính chất tranh đấu (đối đầu, đối diện, đối thoại, đối đáp kịch tính,…); nhân vật
thường là một hình mẫu xã hội tiêu biểu hơn là tính cách; sức hấp dẫn ở họ là ở
quan niệm, nhận thức tư tưởng đầy chủ kiến hơn là ở các hành vi, tình cảm đạo đức.
[23]. Tiểu thuyết có
thiên hướng phân tích phong tục - xã hội: Ứng dụng kĩ thuật phân tích các
mâu thuẫn, các quan hệ xã hội, sử dụng đến một mức nào đó các phương thức điển
hình hóa trong miêu tả nhân vật (chi tiết, hoàn cảnh, tính cách). Do vậy tiểu
thuyết phân tích xã hội gần với tiểu thuyết phân tích hiện thực xã hội. Chất liệu
của tiểu thuyết phân tích xã hội cũng lấy từ hiện thực đời sống xã hội, song,
thế giới nghệ thuật ở đây là hình bóng hiện thực khúc xạ mạnh mẽ qua lăng kính
nhà văn; không phải một hiện thực như nó vốn có mà như tác giả hình dung. Các
giải pháp xã hội thường được đề xuất một cách rất sốt sắng, song chúng thường
mang nặng tính chất chủ quan, ảo tưởng…
[24]. Tiểu thuyết phân
tích tâm lý: Ứng dụng, thể nghiệm các phương thức kĩ thuật miêu tả, phân
tích tâm lý khá hiện đại như kĩ thuật khắc họa tâm trạng, kết cấu tâm lý, miêu
tả cảm giác, độc thoại nội tâm,… Tiểu thuyết phân tích tâm lý có những điểm
tương đồng song cũng có một số khác biệt so với tiểu thuyết phân tích hiện thực
tâm lý. Nhà tiểu thuyết tâm lý quan niệm về con người cá nhân như một cá thể đầy
ắp những phức cảm tâm lý. Khi chọn một ca phức cảm tâm lý nào đó để “phân tích”
bằng nghệ thuật tiểu thuyết, nhà văn không có ý định cắt nghĩa, lý giải nó mà
đơn giản chỉ làm một cuộc thám hiểm thú vị, đầy tính phiêu lưu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Tự
lực Văn đoàn: Phong Hóa, Ngày Nay.
2. Nguyễn
Đăng Mạnh: Giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945, NXB Đại học Quốc
gia Hà Nội, 2000.
3. Phan
Cự Đệ – Trần Đình Hượu – Nguyễn Trác – Nguyễn Hoành Khung – Lê Chí Dũng – Hà
Văn Đức: Văn học Việt Nam (1900-1945), NXB Giáo dục, tái bản lần thứ hai 1998.
4. Nguyễn
Huệ Chi (2008) Thử định vị Tự lực văn đoàn, Tham luận tại Hội thảo Tự
Lực văn đoàn ở Cẩm Giàng (Hải Dương), ngày 9-5-2008.
5. Phan
Cự Đệ (1990), Tự lực văn đoàn: con người và văn chương, NXB văn học,
Hà Nội.
6. Nguyễn
Trác, Đái Xuân Ninh (1989), Về Tự Lực Văn Đoàn, NXB TP. HCM.
7. Phạm
Thế Ngũ (1997), tái bản, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, Văn
học hiện đại 1862 – 1945, NXB Đồng Tháp.
8. Trọng
Đạt “Tiêu Sơn tráng sĩ, tiểu thuyết dã sử nổi tiếng của Khái Hưng”, http://tranluc.net/ truy
cập ngày 05 tháng 10, 2012.
9. Nguyễn
Đăng Vy: “Truyện ngắn Nhất Linh, Khái Hưng trong văn xuôi nghệ thuật
Tự Lực Văn Đoàn”, luận văn thạc sĩ, Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh, 2010.
10. Khái
Hưng: Hồn bướm mơ tiên, NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh,
11. Khái
Hưng: Tiêu Sơn tráng sĩ, báo Phong Hóa 1934-1936
12. Khái
Hưng: Trống mái, NXB Văn Nghệ TP HCM, 2000.
13. Khái
Hưng: Băn khoăn, NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, 1999.
14. Khái
Hưng (2004), Truyện ngắn Khái Hưng, Hoàng Bích Hà, Vương Trí Nhàn (sưu tầm,
biên soạn), NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội.
15. Khái
Hưng – Nhất Linh: Đời mưa gió (Đời Nay, 1934), NXB Đại học và Giáo dục
Chuyên nghiệp (tái bản), Hà Nội, 1991.
16. Nhất
Linh: Đoạn tuyệt, NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, tái bản, 1999.
17. Nhất
Linh: Đôi bạn (tái bản), NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, 1999.
18. Nhất
Linh: Lạnh lùng, NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, 1999.
19. Nhất
Linh: Bướm trắng, NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, 1999.
20. Nhất
Linh, Nhất Linh truyện ngắn, Trịnh Bá Đĩnh (truyển chọn và giới thiệu),
NXB Văn học, Hà Nội, 2000.
21. Nhất
Linh – Hoàng Đạo: Con đường sáng, Ngày nay, từ số 141, năm 1938 đến số 159
(ngày 29/04/1939).
22. Nhiều
tác giả, báo Giáo viên nhân dân, số đặc biệt 27,28,29,30,31, tháng 7-1989.
Nguyễn Thành
Thi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét