Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2021

Nét bút giai nhân 2

Nét bút giai nhân 2

8. NGỌC HÂN CÔNG CHÚA
Là con gái thứ 21 vua Lê Hiển Tông (1740-1786). Từ bé đã thông kinh sử, biết làm thơ văn. Năm 1786  về làm vợ Bắc Bình vương Nguyễn Huệ, sau được phong Bắc Cung Hoàng hậu.
Năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung thăng hà, bà có tập Ai Tư Vãn bằng quốc âm để khóc chồng. Bài dài 164 câu làm theo thể song thất lục bát kể công đức vua Quang Trung và nỗi lòng đau thương khi nhà vua qua đời.
Từ cờ đỏ trỏ vời cõi Bắc
Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương (1)
Xe duyên vâng mệnh phụ hoàng
Thuyền lan chèo quế thuận đường vu qui  (2)
Trăm ngàn dặm kể chi non nước
Chữ nghi gia mừng được phải duyên
Sang yêu muôn đội ơn trên
Rỡ ràng vẻ thúy nối chen tiếng cầm
Lượng che chở vụng lầm nào kể
Phận đinh ninh cặn kẻ mọi lời
Dù rằng non nước biến dời
Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là
Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội
Khắp tôn thân cũng đội ơn sang
Triều đình còn dấu chưng thường
Tùng thu còn nấm mấy hàng xanh xanh…(3)
Đó là kể công đức vua Quang Trung đối với bà và dòng dõi nhà Lê từ ngày bà về với nhà vua. Sau đây là đôi nét tả nỗi lòng đau đớn lúc mơ tưởng đến người xưa:
Cuộc tụ tán bi hoan cấp mấy
Kể sum vầy mới mấy năm nay
Lênh đênh chút phận bèo mây
Duyên kia đã vậy thân này nương đâu?
Trằn trọc luống đêm thâu ngày tối
Biết cậy ai dập nỗi bi thương
Trông mong luống những mơ màng
Mơ hồ dường mộng bàng hoàng như say
Khi trận gió hoa lay thấp thoáng
Ngỡ hương trời bảng lảng còn đâu
Vội vàng sửa áo lên chầu
Thương ôi quạnh quẻ trước lầu nhện giăng
Khi bóng trăng lá in lấp lánh
Ngỡ tàn vàng nhớ cảnh ngự chơi
Vội vàng dạo bước tới nơi
Thương ôi vắng vẻ một trời tuyết sa
Lời văn do chí tình mà nên, do cảm xúc mà có cho nên có sức rung cảm lòng người lâu dài mạnh mẽ. So với Chinh Phụ Ngâm của bà Đoàn Thị Điểm thì không êm đẹp bằng, song đối với Tự Tình Vãn của bà Vương phi Nguyễn Thị Ngọc Vinh thì thấm đậm gấp bội.
Còn một bài văn tế nữa tương truyền cũng của công chúa. Sự thật là của người trong triều đình làm cho công chúa đứng tế vua Quang Trung trong lúc thành phục. Mặc dù lời văn cũng rất thống thiết tả rõ nỗi đau xót của người có tang, song quyết là không phải tự tay công chúa thảo, bởi trong lúc ruột gan tan nát trước cảnh biệt ly, không còn tâm trí đâu để lo trau chuốt vần điệu cho du dương, sửa soạn câu biền ngẫu cho cân đối. Bài Ai Tư Vãn không phải làm trong lúc vua Quang Trung mới mất chưa chôn, mà phải đợi lúc vết thương lòng đã dịu bớt nỗi đau nhức. Đó là kinh nghiệm bản thân của những người từng mượn văn chương thay tiếng khóc.
Trong Ai Tư Vãn bà Ngọc Hân kể lại mối tình của bà với vua Quang Trung từ ngày đầu tiên cho đến khi nhà vua lâm bệnh nặng, thuốc thang không khỏi phải thăng hà. Nỗi bi thương thống khổ trước cái tang chồng được bà nói lên một cách chân thiết. Có lúc bà muốn tự tử theo chồng nhưng nghĩ đến 2 con nhỏ, bà phải gượng sống trong nỗi đoạn trường.
Sau khi vua Quang Trung mất bà sống ở Phú Xuân ngót 7 năm trong thương nhớ:
Chữ tình nghĩa trời cao đất rộng
Nỗi đoạn trường còn sống còn đau
Mấy lời tâm sự trước sau
Đôi vừng nhật ngyệt trên đầu chứng cho. (4)
Bà mất vào mùa đông năm Kỷ Mùi (1799) Tuối vừa chẳn 30. Triều đình Tây Sơn truy tặng miếu hiệu Như Ý Trang Thận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu.
Phan Huy Ích soạn 5 bài văn tế bằng quốc âm để tế bà:
- Một bài cho vua Cảnh Thịnh đứng tế.
- Một bài cho mẹ Vũ Hoàng  hậu là bà Phù Ninh Từ Cung đứng tế .
- Một bài cho các công chúa con vua Quang Trung đứng tế.
- Một bài cho các tôn thất nhà Lê đứng tế
- Một bài cho bà con phía bà Từ Cung đứng tế (5)
Những bài văn tế này làm sáng tỏ thêm mối tình thân thiết giữa công chúa Ngọc Hân và vua Quang Trung. Lại cho thấy thêm rằng đối với công chúa, chẳng những chỉ có vua Quang Trung yêu quí mà thôi, trong cung người người đều trọng vọng vì đức hạnh.
“Giọt ngân phái câu nên vẻ quí, duyên hảo cầu thêm giúp mối tu tề. Khúc thư châu thổi sánh tiếng hòa, khuôn nội tắc đã gây nền nhân nhượng (6)
“Hồ đỉnh ngậm ngùi cung nọ, những rắp chìm châu nát ngọc vốn từng nguyền; Cung Khôn bận bịu gối nao, ép vì vun quén quế lan nên hãy gượng (7)
(Trong bài vua CT đứng tế)
Nẻo thuở doành Hoàng phố vẻ, trau vàng chuốt ngọc vẹn mười phân; Trải phen bến Vỵ đưa duyên, phiếm sắc xoang cầm vầy một thể (8)
Dầu gót ngọc vui miền Tịnh Độ, nỡ nào quên hai chồi lan quế còn thơ. Dẫu xiêm nghê mến cảnh Thanh Đô, nỡ nào lảng một bóng tang du hầu xế. (9)
Đọc mấy câu trích dẫn chúng ta biết thêm rằng hai người con của bà Ngọc Hân là một gái một trai và bà còn mẹ già sống bên cạnh.
Năm tháng Ngọc Hân công chúa mất có ghi rõ trong Dụ Am Văn Tập của Pham Huy Ích. Tác giả lại có ghi rõ “Văn tế Vũ Hoàng Hậu”. Thế mà một số nhà viết quốc sử và văn học sử lại chép rằng “Ngọc Hân công chúa bị Gia Long bắt” kẻ thì thêm “”Nhà vua truyền đem nạp vào hậu cung. Lê Văn Duyệt can không nên lấy vợ thừa của giặc, nhà vua đáp: “Tất cả giang san thành quách này, cái gì chẳng phải mình lấy lại từ tay giặc, cứ gì một người đàn bà”. Vào cung công chúa sinh thêm với Gia Long hai hoàng tử là Hoàng Tín và Quảng Oai”; người lại viết “Thành Phú Xuân thất thủ, công chúa cùng hai con giả dạng bình dân dắc nhau chạy vào Quảng Nam lánh nạn, được ít lâu tung tích bại lộ, ba mẹ con bị bắt giải về Phú Xuân, bị triều Nguyễn gia hình bằng lối “tam ban triều điển” (10).
Nhà Nguyễn diệt nhà Tây Sơn năm Nhâm Tuất (1802) thành Phú Xuân bị Nguyễn Phúc Ánh chiếm năm Tân Dậu (1801). Như thế Ngọc Hân công chúa đâu còn nữa mà bị bắt (11).
Còn về tác phẩm của công chúa, ngoài bài Ai Tư Vãn không nghe truyền bài nào khác nữa.
Chú thích:
(1) Tôn Phù: Đưa lên và đẩy lấy, tức là phò tá.
(2) Vu quy: con gái về nhà chồng
(3) Tùng thu: một giống liễu thường trồng nơi mồ mả. Bốn câu đó ý nói “vì thương công chúa nên thương luôn họ hàng của vua Lê và giữ gìn khói hương mồ mả cho tiền nhân.
(4) Đây là 4 câu cuối cùng của bài Ai Tư Vãn (Ai Tư Vãn là bài ca than thở về nỗi thương nhớ xót xa)
(5) Do 5 bài này mà có người bảo rằng bài văn Ngọc Hân đứng tế Quang Trung cũng do Phan Huy Ích soạn. Song không có gì làm bằng. Trong Dụ Am Văn Tập không thấy chép. Thêm nữa giọng văn bài Ngọc Hân công chúa tế Quang Trung khác hẳn giọng văn của 5 bài tế Ngọc Hân.
(6) Giọt ngân phái; Giọt nước sông Ngân chia nhánh, tức dòng dõi cao sang từ trên trời chảy xuống: Dòng vua.
Tu tề: tu thân tề gia.
Khuc Thư Châu: Khúc quan thư rong Kinh Thi (quan quan thư cưu, tại hà chi châu) tình tốt đẹp của lứa đôi
Nhân nhượng là nhường nhịn
(7) Hồ Đỉnh Nơi vua Quang Trung băng, mượn chỉ nơi vua mất
Cung Khôn: chỗ con vua ở. Hai câu này ý nói. Vua chết bà cũng toan chết theo, song nghĩ đến hai con nên phải sống gượng. Trong Ai Tư Vãn có đoạn:
Buồn thay nhẽ xuân về hoa ở
Mối sầu riêng ai gỡ cho xong
Quyết liều mòn vẹn chữ tòng
Trên rường nào ngại giữa dòng nào e
Còn trứng nước thương vì đôi chút
Chữ tình thâm chưa thoát được đi
Xui nên nấn ná đôi khi
Hình tuy còn ở phách thì đã theo…
Ca dao có câu
Chàng về thiếp một theo mây
Con thơ ở lại chốn nầy ai nuôi?
Đều là những câu thơ bằng huyết lệ
(8) Doành Hoàng tức là dòng dõi Tam Hoàng, dòng dõi vua Hoàng Đế.
(9) Bến Vỵ tức là sông Vỵ Hoàng ở trấn Sơn Nam (Nam Định) nơi đưa Ngọc Hân về Phú Xuân cùng Nguyễn Huệ.
(10) Chồi lan: con gái. Chồi quế: con trai.
Tang du giống cây tượng trưng cảnh già. Đây chỉ bà Từ Cung.
(11) Tam ban triều điển: Người bị tử hình nhưng vua ban ơn được chết bằng cách tự tử với hoặc gươm, hoặc dây hoặc thuốc độc.
9. TRƯƠNG QUỲNH NHƯ
Con gái Kiến Xuân Hầu Trương Đăng Quỹ, em gái Thanh Xuyên Hầu Trương Đăng Thụ, cựu thần nhà Lê. Người làng Thanh Nê thuộc xứ Sơn Nam (Nam Định). Sanh thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786).
Sắc đẹp, trí sáng. Lúc bé mặc quần áo con trai đi học.
Nhà Tây Sơn thay nhà Lê, Kiến Xuyên Hầu lui về Thanh Nê, Thanh Xuyên Hầu vẫn giữ chức Hiệp trấn Lạng Sơn với ý đồ làm nội ứng cho nghĩa binh Cần vương đương ngấm ngầm lo việc khôi phục. Còn Quỳnh Như thì theo cha về quê hương.
Được ít lâu Thanh Xuyên Hầu bổng nhiên ngộ bệnh mà mất. Bạn đồng chí của Hầu là Phạm Thái đưa linh cửu Hầu về Thanh Nê.
Phạm Thái là một trang thanh niên tài hoa lỗi lạc. Kiến Xuyên Hầu quí mến, lưu lại dạy các cháu trong nhà.
Giai nhân tài tử gặp nhau. Trương Quỳnh Như và Phạm Thái trở thành đôi tri kỷ, thường lén lút xướng họa cùng nhau. Kiến Xuyên Hầu định bụng sẽ gả Quỳnh Như cho Phạm Thái nhưng bà vợ không chịu vì họ Phạm là bạch diện thư sinh. Phạm Thái phải ra đi, ra đi với hy vọng trở lại trong cảnh võng lọng biển cờ. Trương Quỳnh Như tặng biệt:
 
Sát đá lòng này có biết chăng
Xe duyên mong mượn gió cung Đằng
Vườn đào sực thấy oanh đưa tín
Dặm liễu ai xui én cách chừng
Vàng ngọc ví không cùng một ước
Nước non thề đã có hai vầng
Ai sang cậy nhắn tri âm với
Chớ phụ cầm thư đợi dưới trăng.
 
Phạm Thái đi rồi bà mẹ ép gả Quỳnh Như cho một công tử quyền thế. Nàng uất ức thành bệnh mà chết.
Tuổi mới đôi mươi!
Phạm Thái hay tin, thương đau xé ruột! Bèn tìm đến mộ làm văn tế điếu.
Đồng chí chêt, tri kỷ chết, họ Phạm thất tình, chí khôi phục nhà Lê dần dần tiêu tán, hằng ngày tìm quên lãng trong làng say. Chàng có nhiều thơ khóc Quỳnh Như:
 
I
Xanh kia cao thẳm mấy từng khơi
Nỡ để duyên ai luống thiệt thòi
Nhớ đốt lò vàng hương nhạt khói
Sầu châm chén ngọc rượu không hơi
Lầu tây nguyệt gác mây lồng bóng
Ải bắc hồng sang bể tuyệt vời
Một khối chung tình tan mấy mảnh
Suối vàng ai có thấu lòng ai?
 
II
Oanh ru bên trướng giấc hoa nồng
Chợt tỉnh hồn mai nhớ lại mong
Non nước mơ màng chừng chỉ lữ
Mây mưa phảng phất đỉnh Vu Phong
Quyên về viễn phố hoa rầu rĩ
Nhạn tếch Hành Dương nguyệt não nùng
Đàn tiếng ly loan tay ngại gảy
Lấy ai lần gỡ mối sầu xong!
 
Vân vân…
Trương Quỳnh Như chết để lại một tập thơ ghi chép mối tình giữa nàng và Phạm Thái.
 
VỊNH GIỜ TÝ
Giờ tý canh khuya thuở giáp canh
Vì ai thổn thức rộn tâm tình
Ngửa ngang đôi ngả ai là bạn
Trằn trọc đòi nao thấy những mình
Một tấm sắc son đà gắn bó
Mấy điều trăng gió cũng màng tênh
Thôi thôi dặn hãy làm thinh vậy
Mọi nỗi chung riêng hãy để dành.
 
VỊNH GIÓ SỬU
Đằng đẵng đêm dài khá trách đêm
Đìu hiu giờ sửu giấc nào êm
Tiếng hàn châm nện hơi sương lạnh
Trận hỏa thang hừng dạ sắt mềm
Eo óc giục người gà nội quạnh
Véo von gọi bạn dế bên thềm
Vắt tay lên trán nằm mong sáng
Thấy sáng mà sầu lại chất thêm
 
VỊNH GIÓ MÃO
Mão thì đến bữa tưởng là vui
Đến bữa mà sao những ngậm ngùi
Đũa gắp ngập ngừng không thấy miếng
Miệng ăn mặn nhạt chẳng ra mùi
Thức ngon vật lạ băn khoăn những
Cổ đắng lòng cay gắng gỏi ngồi
Nhiều ít bây giờ ai ép uổng
Cũng mong qua bữa tếch cho rồi.
 
Vịnh đủ 12 giờ, giờ nào cũng gởi gắm niềm nhớ thương người cách trở. Thỉnh thoảng cũng có đôi bài vịnh vật, vịnh cảnh:
 
SƠN ÂM CỔ TỰ
Thích nhàn từng trải thú sơn hà
Phong cảnh đây ru? Là gọi là
Doành chở bè từ vờn sắc ngọc
Đỉnh in trăng tuệ tỏ màu hoa
Véo von kệ bối câu chim gióng
Ríu rít đàn xuân khúc gió hòa
Dù chẳng phải tiên song chẳng tục
Mới hay rằng Phật cũng là ta.
Mối tình thì éo le mà văn chương không có gì đặc sắc. Có lẽ vì tuổi còn trẻ quá, tài năng chưa đến độ phát triển mạnh, tâm tư chưa được nung nấu, chưa lắng được thật sâu.
10. HỒ XUÂN HƯƠNG
Trong các nữ sĩ bất tử từ xưa đến nay, người được đại đa số nhân dân Việt Nam biết tiếng và thuộc thơ nhiều nhất, có lẽ là bà Hồ Xuân Hương.
Nhưng cuộc đời của bà cũng như một số thơ của bà chưa được minh xác. Các nhà khảo cổ đưa ra nhiều nghi vấn còn cần tìm bằng chứng đầy đủ mới có thể giải quyết.
Bà sanh dưới thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) và sống cho đến thời Gia Long triều Nguyễn (1802-1820).
Ông thân sinh là Hồ Phi Diễn ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bỏ quê ra dạy học ở vùng Hải Dương và lấy người họ Hà sanh ra Hồ Xuân Hương.
Hồ Xuân Hương biết làm thơ từ lúc nhỏ.
Một hôm trời mưa vừa xửng, Xuân Hương đi ngang qua sân trường cha dạy học, chẳng may đất trơn bị trợt té nằm dài. Học trò vỗ tay cười, nàng chữa thẹn ngâm:
Giơ tay vói thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài.
Lại một hôm khác đi chợ gặp một thiếu nữ cầm một trăm vàng hoa, nàng thách mấy thư sinh đang bàn chuyện thi phú nơi tửu quán thử vịnh “cô gái cầm trăm vàng hoa”. Mấy người kia xin chịu. Nàng ứng khẩu:
Xuân xanh tuổi độ chừng hai tám
Nén đỏ tay cầm độ chín mươi (1)
Lớn lên nàng kết duyên cùng một danh sĩ ngồi tri phủ Vĩnh Tường. Nhưng chỉ được 27 tháng ăn ở cùng nhau thì quan phủ mất, để lại một đứa con sơ sinh. Quan phủ tuổi chưa đầy 30. Bà khóc:
Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi
Chưa chẳn ba mươi cũng một đời (2)
Chôn chặc văn chương ba thước đất
Ném tung hồ thỉ bốn phương trời (3)
Nắm xương dưới vàn chau mày khóc
Hòn máu trên tay mỉm miệng cười (4)
Hăm bảy tháng tròn là mấy chốc (5)
Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi.
 
Ông phủ mất, cha mẹ bà cũng nối tiếp nhau qua đời. Bà phải chịu nhiều nỗi truân chuyên. Bà bị ép buộc làm lẽ một viên chánh tổng có quyền thế, tục gọi là chánh tổng Cóc. Ở ngoài đời chịu nhiều đau khổ, vào nhà người chịu lắm nhục nhằn. Lòng bà sanh uất hận. Bà có bài thơ Kiếp Lấy Chồng Chung:
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Năm thì mười họa nên chăng chớ
Một tháng đôi lần có cũng không
Cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn mướn không công (6)
Thân này sớm biết phần này thế (7)
Thà nỗi cầu hư nước đóng rong (8)
Tổng Cóc chết bà có thơ điếu:
Chàng Tổng Cóc chàng Tổng Cóc ơi
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi đà bỏ nước
Ngàn vàng khôn chuộc giống bôi vôi (9)
Lòng uất hận đã phát tiết ra ngoài văn chương.
Thoát khỏi nạn “chồng chung”, bà đến Tây Hồ mở quán bán rượu, lấy tên là Cổ Nguyệt. Khách thanh lẫn tục tới lui đông đúc. Một danh sĩ đương thời là Phạm Đình Hổ tục gọi là Chiêu Hổ thường cùng bà xướng họa. Chiêu Hổ nhân tên Cổ Nguyệt là chiết tự chữ Hồ gồm chữ Cổ và chữ Nguyệt có câu bỡn rằng:
Đã cổ sao còn đeo thói nguyệt
Có xuân sao lại vắng mùi hương.
Tuy là bỡn song ngụ ý chê bà Hồ có tài, có học mà thiếu đức. Bà phản ứng:
Bảng hổ trớ trêu phường mặt trắng
Lưỡi lằn xoi bói bạn quần hồng (10)
Ngụ ý chê ông Hổ học dốt nên thi không đậu, bạch diện thư sinh vẫn hoàn bạch diện thư sinh, thêm vô hạnh dùng lưỡi lằn miệng mối đi châm chọc hàng phụ nữ đã bị xã hội xem khinh.
Lại có người đọc rằng:
Bảng hổ chẳng treo phường bạch diện
Lưỡi lằn khéo chọc mảnh hồng nhan.
Văn chương chải chuốt, ý tứ kín đóa hơn câu kia, song đem quần mà đối mặt, quần đàn bà, mặt đàn ông, đối như vậy mới xứng với thói trọng nam khinh nữ, với hạng đàn ông không biết thương đàn bà thất thế cô đơn.
Những khách có chữ nghĩa, ngoài Chiêu Hổ còn nhiều người khác tới lui nơi quán bà như Tôn Phồn Thị, Sơn Phủ Chi Hiên... là những người có tư cách. Song những người này không đủ quyền đủ sức che chở bà. Còn hầu hết những người để ý đến bà lại là phường tâm địa không tốt. Không thõa mãn được ý muốn, họ tìm cách khuấy phá làm cho bà không thể sống yên. Vì thế mà lòng uất hận của bà mỗi ngày một tăng. Bà nhân thấy người đàn bà bị bọn đàn ông làm khổ nhục hay quí trọng bỡi “cái này”. Để đối phó, bà “dĩ độc trị độc”, dùng “cái này” làm khí giới giấu trong văn chương mỗi lần ra trận:
VỊNH QUẠT
I
Mười bảy hay là mười tám đây
Cho anh yêu dấu chẳng rời tay
Mỏng dày mấy cũng chành ba góc
Rộng hẹp nài bao cắm một cây
Càng nóng bao nhiêu càng thấy mát
Yêu đêm chẳng phỉ lại yêu ngày
Hồng hồng má phấn duyên gì cậy
Chúa dấu vua yêu một cái này.
II
Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa
Duyên em dính dáng tự ngày xưa
Chành ra ba góc da còn thiếu
Xếp lại đôi bên thịt vẫn thừa
Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch đêm ngày đã chán chưa?
ĐÈO BA DỘI (11)
Một đèo một đèo lại một đèo
Thợ trời khéo tạc cảnh cheo leo
Đất đùn hang thỏ tùm lum nóc
Đá trải gan gà lún phún rêu (12)
Lắc lẻo cành thông cơn gió giật
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo
Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn chân cũng phải trèo.
Đến những bậc ngôi cao quyền cả, đến bậc đức sáng tài hoa còn chuộng còn ham, huống hồ đám dung thường trong xã hội. Đến những bậc anh hùng, bậc quân tử còn đội trên đầu che trước mặt, huống hồ những phường “lòi tói”, những bọn “ngẩn ngơ học làm thơ”, những kẻ “hể thấy để hớ hênh là dòm”.
Tuy dùng “cái này” làm vũ khí chiến đấu, song lời thơ của bà sắc bén chớ không tục tằn:
HANG CẮC CỚ
Trời đất sinh ra đá một chòm
Nức làm hai mảnh hỏm hòm hom
Kẻ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn
Luồn sóng thông xao vỗ phập phòm (13)
Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm
Con đường vô ngạn tối om om
Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc
Kéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm.
ĐÁNH ĐU
Tám cột khen ai khéo khéo trồng
Người thời lên đánh kẻ ngồi trông
Trai co gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong nẩy nẩy lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không.
Lắm bài văn chương thanh lệ tao nhã:
VỊNH TRANH TỐ NỮ
Hỏi bao nhiêu tuổi hởi cô mình
Chị cũng xinh mà em cũng xinh
Trăm vẽ như in tờ giấy trắng (14)
Nghìn thu vẫn giữ nét xuân xanh
Biệu mai chẳng bén mùi trăng gió
Bồ liễu đành cam phận mỏng manh
Còn thú vui kia sao chẳng vẽ
Trách người thợ vẽ khéo vô tình
TỰ TÌNH
Canh khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
Mùi rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
Xuyên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây núi mấy hòn
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình xan xẻ tí con con.
Các nhà “đạo đức” chê thơ Hồ Xuân Hương là “dâm”, vì hay đề cập đến “cái này”, những “cái” có ít nhiều liên hệ đến “cái này”. Nhưng xét kỹ thơ bà không một bài nào khêu gợi những dục vọng kín đáo của con người, thơ bà không hề khêu gợi sự ham muốn vật chất của người đọc. Như thế sao gọi là “dâm”?
Thơ Hồ Xuân Hương là loại thơ độc đáo. Trước bà không có, sau bà dù đôi người bắt chước, song chỉ mô phỏng được chút lông cánh của phụng hoàng chứ không giữ được cốt cách của phụng hoàng.
Một vị tấn sĩ thời Hán học thịnh hành đã nói:
- Trong làng thơ quốc âm, Hồ Xuân Hương ngồi chiếu nhất. Chiếu nhì bỏ trống, chiếu ba bỏ trống. Đến chiếu thứ tư mới có Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến.
Tuy là ý kiến riêng của ông cụ, song cũng cho chúng ta thấy và tin giá trị thơ Hồ Xuân Hương.
Nhưng từ trước đến nay trên tao đàn Việt Nam, chỉ nghe nói đến thơ quốc âm của bà Hồ. Có người cho rằng bà ít học, chỉ có tài Nôm mà thôi.
Không đúng. Bởi nếu chỉ giỏi về Nôm thì danh bà làm gì nổi tận Trung hoa và bà cùng bà Phạm Lam Anh đã trở thành điển cố như chúng ta đã thấy:
- Nguyệt Đình Huệ Phố tài danh thạnh
Cánh thuyết thi viên hữu Phạm Hồ.
- Khởi duy tài điệu siêu Hồ Phạm
Ban Tạ ư kim hữu thế nhân. (15)
Về thơ quốc âm của Hồ Xuân Hương thì soạn giả Văn Đàn Bảo Giám đã sưu tập được trên dưới 50 luật. Mỗi người Việt Nam yêu thơ thuộc ít nhất cũng mươi bài.
Gần đây có phát hiện được tập Lưu Hương Ký gồm 24 bài thơ chữ Hán và 26 bài thơ chữ Nôm ghi là của bà Xuân Hương sáng tác nơi Cổ Nguyệt Đường (16) Tập này chưa được phổ biến. Chỉ mới thấy một bài đăng trên tạp chí Văn Nghệ xuất bản ở Hà Nội năm 1971 và ghi là của Hồ Xuân Hương gởi cho Nguyễn Du:
Dặm khách muôn ngàn nỗi nhớ nhung
Mượn ai tới đó hỏi cho cùng
Chữ tình chốc đã ba năm hẹn
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập
Phấn son càng tủi phận long đong
Biết còn mảy chút công đe đẳng
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng lồng.
Văn bài này đối với những bài “nghịch ngợm” truyền tụng lâu nay thật khác nhau như màu xanh và màu đỏ, mà đối với bài Khóc Chồng hay Tự Tình là những bài “đứng đắn” cũng không có hơi hướng gần nhau. Những bài kia tứ lạ mới, lời già dặn sắc bén, còn bài này cả từ lẫn ý đều ở mức bình thường. Không lẽ một cây mà sanh ra 2 giống trái cả hình dáng lẫn mùi vị đều không mảy may giống nhau.
Cho nên chưa dám tin bài “Gởi Cho Tiên Điền” là của bà Hồ.
Nói tóm lại: Chỉ mấy chục bài thơ được truyền tụng xưa nay cũng đủ cho văn giới quả quyết rằng Hồ Xuân Hương là một tài nữ, một nhà thơ độc đáo, vô tiền khoáng hậu của Việt Nam.
Chú thích:
(1) Vàng hoa: là giấy mã xếp từng nén, các bà nội trợ mua về để cúng: kẻ khuất mặt”, tương tự như giấy vàng bạc, thường màu vàng hoa đỏ lá xanh
(2) Bài Khóc ông phủ Vĩnh Tường, nhiều  sách chép khác. Câu 2 chép là: “Duyên nợ phù sinh giũ sạch rồi”
(3) Câu bốn chép là: “Tung hê hồ thỉ bốn phương trời”
(4) Cặp luận chép là: “Đòn cân tạo hóa rơi đâu mất
Miệng túi càn không khép lại thôi”
(5) Câu 7 chép là “Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc” và giảng là “để tang 27 tháng”. Đại tang chỉ 3 năm, 24 tháng. Nhưng con trai thường để tang cho cha hoặc cho mẹ mà cha đã qua đời rồi mới thêm ba tháng dư ai mà thôi. Vợ để tang cho chồng không có lệ dư ai. Huống nữa theo các sách thì bà Hồ lại là vợ bé. Mà câu “hăm bảy tháng tròn là mấy chốc” là câu nói về dĩ vãng chớ không phải về tương lai bởi tương lai đã tới đâu mà biết mau hay chậm.
(6) Bằng là bằng cấp, là giấy vi bằng, giấy giao kèo. Ca dao có câu:
Tối tối chị giữ mất buồng
Chị cho manh chiếu nằm suông nhà ngoài
Sáng sáng chị gọi “ớ hai,
Mau mau trở dậy thái khoai đâm bèo”
Đó là làm mướn không công.
(7) (8) Các sách chép:
“Thân này ví biết phần này nhỉ
Thà trước thôi đành ở vậy xong”
Tầm thường quá, không phải bút pháp và khẩu khí bà Hồ. Câu:
“Thân này sớm biết phần này thế
Thà nỗi cầu hư nước đóng rong”
Mượn ý câu ca dao:
“Cầu hư liệu bắt cho xong
Để chi chờ đợi đóng rong cột cầu”.
Vừa mỉa mai vừa chua xót, mà lại kín đáo vững vàng.
Sửa cặp luận bài Khóc Chồng và câu kết bài chồng chung như trong các sách, là “điểm vàng thành thau”. Có người bảo các câu sách chép mới là nguyên tác. Lấy chi làm bằng chứng? Ai đã thấy di cảo của bà Hồ, di cảo tự tay bà Hồ viết?
(9) Bài này câu đầu nhiều sách chép:
“Ối chàng ôi! Ối chàng ôi
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi”
Trong bài không dùng tiếng Cóc mà đọc lên đều hiểu rằng là thơ điếu Tổng Cóc, vì có “bà con dòng họ cóc” ở trong các câu.
(10) Bảng hổ: Bảng ghi danh những người thi đậu, đem yết cho quốc dân biết. Cũng như bảng mai, bảng vàng.
(11) Có sách chép “Cửa son đỏ loét tùm lum nóc
Vách đá xanh rì lún phún rêu”
Lại có sách chép “Đất rồ mái giải xanh um cỏ
Đá chỏm gan gà mốc thếch rêu”
(12) Hang Cắc Cớ ở Sài Sơn tỉnh Sơn Tây, có chùa Thầy tức là chùa Phật Tích. Bên kia chùa ở lưng chừng núi có hang Cắc Cớ. Cửa hang khá rộng. Mới vào có một cái vực chắn ngay lấy cửa hang. Lách về phía bên trái có một con đường nhỏ dài chừng 500 thước nằm sát vách đá. Hang tối om, người vào ra phải lần từng bước cho khỏi ngã xuống vực. Mỗi lần tránh nhau phải ôm lấy nhau, bất kể già trẻ trai gái. Do đó mới mệnh danh là hang Cắc Cớ. Trong hang có nhiều thạch nhũ nhưng bóng tối che khuất hình dạng chỉ nghe tiếng lõm bõm của nước trong vú nhỏ xuống vực
(13) Có sách chép là; “Đôi lứa như in tờ giấy trắng
Nghìn năm vẫn giữ nét xuân xanh”
(14) Xem bài viết về bà Phạm Lam Anh ở trước và bài về Diệu Liên Công Chúa ở sau
(15) Trong bộ Từ Điển Văn Học của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội ấn hành năm 1983 - Quyển I có nói rõ.

11. BÀ HUYỆN THANH QUAN
Tên là Nguyễn Thị Hinh người phường Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, cạnh Hồ Tây Hà Nội. Sanh và mất ngày nào không rõ. Cũng không rõ thân thế và hành trạng ra sao. Chỉ biết rằng chồng bà là Lưu Nguyên Ôn (1804-1847) từng làm tri huyện huyện Thanh Quan. Có lẽ bà kết duyên cùng ông Lưu trong khoảng thời gian này nên người ta mới quen gọi bà là Bà Huyện Thanh Quan (1)
Bà nổi tiếng hay chữ.
Lúc trẻ đã có những câu thơ được truyền tụng như “Đối Dán Tết”:
Duyên với văn chương nên dán chữ
Nợ gì trời đất phải trồng nêu
Đề chén cổ vẽ sơn thủy của Trung hoa:
In như thảo mộc trời Nam lại
Đem cả sơn hà đất Bắc sang
Vua Minh Mạng nghe tiếng vời vào Kinh đô làm “Cung Trung giáo thọ (2)
Bà vào Kinh có một mình
Khi đi ngang qua Đèo Ngang, bà có bài tức cảnh:
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân ngoãnh lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta (4)
Lẻ loi nơi lữ thứ, lòng nhớ nhà không dễ mà khuây. Để cho vơi được phần nào, bà đem gởi vào văn tự
 
ĐƯỜNG CHIỀU
I
Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống đồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử ại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn chương đài người lữ thứ
Lấy ai mà ngỏ nỗi hàn ôn (5)
 
II
Vàng tỏa non tây bóng ác tà
Đầm đầm ngọn cỏ tuyết phun hoa
Ngàn mai lác đác chim về tổ
Dặm liễu bâng khuâng khách nhớ nhà
Còi mục thét trăng miền khoáng dã (6)
Chài ngư tung gió bãi bình sa (7)
Đường đi mỗi bước lòng ngao ngán (8)
Hỡi bạn tình chung có thấu là? (7)
 
Thơ bà chắc chắn phải nhiều. Nhưng chỉ còn lưu thế không quá mươi bài. Ngoài ba bài dẫn ở trên, còn có:
- Thăng Long Thành Hoài Cổ
- Trấn Bắc Hoài Cổ
- Cảnh Chiều Thu
- Lên Đài Khán Xuân
Chỉ có bây nhiêu di sản, mà khắp Bắc Nam, hễ người nào biết chút đỉnh văn chương là biết tiếng bà Huyện, là thuộc thơ bà ít nhất cũng vài liên.
Bài thơ được phổ biến nhất là bài Qua Đèo Ngang Tức Cảnh.
Bài này khách yêu thơ không ai không thuộc, sách nói về thơ nào cũng trích dẫn. Khen cũng nhiều mà chê cũng nhiều. Khen là một bức tranh thủy mặc chỉ có vài nét chấm phá mà gồm đủ trời non nước, đủ cả cảnh vật người, lại nói lên nỗi lòng nhớ nhà thương nước. Lời khen đã ghi vào sách báo. Còn lời chê thì chì chỉ nằm ở bia miệng thế gian. Chê rằng:
+ Nói về đèo Ngang mà không có một nét nào nói lên điểm đặc sắc của đèo Ngang cả. Đèo nào lại không có cỏ có cây, có hoa, có lá. Đèo nào lại không có bóng người thấp thoáng, lại không có tiếng chim véo von, chỉ đổi hai tiếng đèo Ngang ra hai tiếng khác như đèo Cù Mông, đèo An Khê đèo Mang Yang… thì bài thơ vẫn không có gì thay đổi.
Tức là chê bài thơ không có gì đặc sắc.
 
+ Ý không đặc sắc mà lời cũng không tinh luyện:
Vài chú tiều, nói đảo lại là “tiều vài chú” nghe xuôi tai
Còn chợ thì có ai gọi là “Nhà chợ” mà đảo làm “chợ mấy nhà”. Có người cãi “Mấy” đây là “Với”, tác giả dùng để đối với Vài. Đó là cưỡng giải. Nếu quả tác giả có ý đó đi nữa thì giá trị câu thơ cũng không tăng vì “chơi chữ” trong thơ, đại gia văn chương cố tránh.
Cũng có thể tin được rằng chữ Mấy đã được dùng với nghĩa Với để đối cho chỉnh. Bởi cách chơi chữ đã thấy rõ trong cặp luận:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Vì có “thương nhà, nhớ nước” ở trên, nên xuống dưới con cuốc trở thành con “quốc quốc”, con đa đa trở thàng cái “gia gia”.
Chữ đã dùng gượng mà ý lại mượn của người xưa.
Tàu có những câu:
Đỗ vũ than đầu minh quốc quốc
Giá cô giang thượng khiếu gia gia
 
Dạ thính đỗ quyên minh quốc quốc
Nhật văn cô điểu hoán gia gia
Nghĩa là:
Cuốc cuốc đầu ghềnh kêu quốc quốc
Da da bờ nước gọi gia gia.
 
Cuốc kêu quốc quốc canh dài
Gia gia ngày những sụt sùi tiếng đa.
 
Và  Trần Danh Án ở nước ta có bài:
Giá cô tại Giang Nam
Đỗ vũ tại Kinh Bắc
Giá cô minh gia gia
Đỗ vũ minh quốc quốc
Vi cầm thương hữu quốc gia thanh
Đối thử cô thần tình vỏng cực
Nghĩa là:
Đa đa ở Giang Nam
Cuốc cuốc ở Kinh Bắc
Đa đa kêu gia gia
Cuốc cuốc kêu quốc quốc
Chim còn nhớ tiếng quốc gia
Tấm lòng thần tử biết là mấy mươi.
Như thế là cặp luận ý cũng như từ không có gì đáng tán thán.
Bên khen cũng quá mà bên chê cũng quá. Bài thơ không phải là tuyệt tác, nhưng cũng khả ái. Đây là một bài tức cảnh, trước mắt thấy gì nói nấy, nói cho vui vậy thôi chớ không cố ý làm văn. Còn mượn ý của cổ nhân là việc thường miễn ý đó hợp cảnh hợp tình là hay. Lý Bạch thường lấy thơ của Tạ Diếu, Đỗ Phủ thường mượn thơ của Dũ Tín. Có sao đâu.
Các tiền bối nói với nhau rằng:
- Bài Qua Đèo Ngang là một cái gò cao không cây cối. Chúng mình trèo lên chơi không thấy hứng thú chi cả. Nhưng khi đã lên đến đỉnh rồi, đưa mắt nhìn quanh thì trời cao non xanh biển xanh, mênh mông bát ngát, làm cho tâm hồn như mọc cánh mà lên tiên:
Dừng chân ngoảnh lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Thật là tuyệt diệu!Nhưng nếu như không có 6 câu trên thì hai câu này không có chỗ dựa để đưa hứng thú của người đọc vào chổ vô biên. Cũng như câu ca dao:
Trời mưa trời gió
Xách đó đi đơm
Chạy về ăn cơm
Chạy ra mất đó
Từ ngày mất đó đó ơi
Đây không nghe được một lời nước non
Ý vị nằm ở câu lục bát cuối cùng. Nhưng nếu không có mấy câu nhạt nhẽo ở trên thì lấy gì làm gia vị cho câu kết thúc?
Bài Qua Đèo Ngang được biết đến nhiều, được nói đến nhiều nhưng không phải là bài tiêu biểu cho thơ bà Thanh Quan. Bài tiêu biểu là bài:
 
THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá dẫu bền gan cùng tuế nguyệt (8)
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn thu gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
Rõ là phong cách của Đường thi, Đường thi thời toàn thịnh.
Các nhà thơ Đường luật đều công nhận rằng về mặt thanh điệu thơ quốc âm từ xưa đến nay chưa có bài nào sánh kịp.
Cũng thuộc về ưu hạng bài Đường Chiều “Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn” thượng dẫn và bài Cảnh Chiều Thu sau đây:
Lác đác tàu tiêu mấy hạt mưa
Bút thần khôn vẻ cảnh tiêu sơ (9)
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xóa trường giang phẳng lặng tờ
Bầu dốc giang san say chấp rượu
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ
Biết bao tao khách đường qua lại
Đối cảnh lòng ai khỏi thẫn thờ (10)
 
Bài Trấn Bắc Hoài Cổ cũng là một giai tác rất hiếm trong làng thơ Việt Nam.
Trấn Bắc hành cung cảnh dãi dầu (11)
Khách du qua bước chạnh lòng đau
Chín tầng sen rớt hơi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ là đâu tá
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu.
 
Để cho dễ nhận thấy thú vị trong bài thơ, tưởng cũng nên nói qua về đề tài.
Trấn Bắc Hành Cung vốn là một ngôi chùa nằm trên bờ Hồ Tây ở Hà Nội. Chùa cất từ năm 1615 dưới triều Lê, tên là An Quốc Tự. Chùa bị lụt trôi. Năm Vĩnh Tộ thứ 10 đời Lê Thần Tông (1630) chùa được xây cất lại lấy tên là Trấn Quốc Tự. Đến năm Dương Hòa thứ 5 (1640) Trịnh Tráng cho sửa sang lại, rộng rãi và đẹp đẽ và đổi tên là Trấn Bắc Tự. Từ đấy vua Lê, chúa Trịnh thường đến ngự để thưởng sen. Chùa Trấn Bắc trở thành hành cung. Sau khi chúa Trịnh mất ngôi, nhà Lê bị diệt thì cảnh huy hoàng ngày trước không còn nữa, mà chỉ còn ngôi chùa cổ kính, mùi sen hồ Tây, đám mây lưng trời, với làn sóng khi nổi khi chìm, với tiếng chuông chùa vừa vang đã lặng…
Đề vịnh Trấn Bắc khá nhiều, Hán có, Nôm có. Bài bà Thanh Quan được truyền tụng hơn cả. Chỉ tiếc câu kết, một tiếng “chưởi thề” không hợp với phong thái thanh tao đài các của 6 câu trên.
Bốn câu 3, 4, 5, 6 thì tuyệt diệu. Khí lực có phần lấn bài Thăng Long. Nghệ thuật lại mới mẻ sắc sảo hơn các bài thơ hay của tác giả. Nếu câu kết được trang nhã một chút thì là toàn bích. Vì tiếc một giai nhân dung mạo tuyệt vời mà đôi chân quá thô kệch, thi sĩ Đông Hồ đã mạnh tay cưa đi và thay vào đôi chân bằng “ni lông”
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá
Nước sắc trời không lẫn một màu.
LÊN KHÁN ĐÀI
Êm ái chiều xuân đến khán đài
Lâng lâng chẳng bận chút trần ai
Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng
Một vũng tang thương nước lộn rời
Bể khổ nghìn rùng mong tát cạn
Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi (12)
Nào nào cực lạc là đâu tá
Cực lạc là đây chín rõ mười.
 
Cặp trạng thật tuyệt!
Đài Khán Xuân ở cạnh vườn Bách Thảo, trên bờ Hồ Tây ở phía Nam chùa Trấn Quốc. Bà Thanh Quan chỉ lấy cái thần của cảnh vật đem vào thơ. Ý thú không kém câu “Chín tầng sen ngát… Năm sắc mây phong...” song khí vị của Khán Đài lạnh, của Trấn Bắc ấm, còn phong cách vẫn là phong cách Đường thi.
Có sách chép bài Lên Khán Đài Xuân là của Hồ Xuân Hương. Không đưa bằng chứng, chỉ dựa vào điểm là bà Hồ đã có lúc cư trú tại phường Khán Xuân là nơi có Khán Đài. Dám quả quyết là thơ của bà Thanh Quan là vì phong cách cặp trạng. Thơ bà Hồ điệu cấp giọng bổng, thơ bà Thanh Quan điệu hưởn giọng trầm. Mà âm vận câu này và cả hai câu nhất nhì, đượm vẻ nhàn nhã trang trọng, không thể lẫn với thơ bà Hồ. Chỉ nói bốn câu nhất, nhì, tam, tứ là vì bốn câu sau không phải của bà Thanh Quan mà là hậu giải của bài Phú Đắc “Tới đây mến cảnh mến thầy. Tuy vui đạo Phật khôn khuây lòng trần” thời Lê Thánh Tông.
 
Truyền rằng vua Lê Thánh Tông một hôm cùng đình thần ngự qua chùa Bà Đanh, gặp một thiếu nữ ra đề thi “Tới đây mến cảnh mến thầy. Tuy vui  đạo Phật khôn khuây lòng trần.” Nhà vua truyền các quan theo hầu làm thơ. Thân Nhân Trung vịnh:
Ngẫm sự trần duyên khéo nực cười
Sắc không tuy bụt vẫn lòng người
Chày kinh một tiếng tan niềm tục
Hồn bướm ba canh lẫn sự đời.
Bể khổ nghìn rùng mong tát cạn
Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi
Nào nào Cực Lạc là đâu tá
Cực Lạc là đây rõ chín mười.
Thiếu nữ chê câu 3, 4 thiếu ý cảnh, chữa lại:
Gió thông đưa kệ tan niềm tục
Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời.
Chứng cớ rành rành ra đó thì chúng ta thử hỏi đó là do bà Thanh Quan tự ý mượn thơ của cổ nhân đem vào thơ mình cho đỡ tốn công sáng tác, hay là người sau tìm không thấy bốn câu sau bị thất lạc, bèn lấy thơ cổ điền điền vào? Chưa ai dám quả quyết.
Thôi cứ để đó.
Chúng ta hãy bước sang Đầu Đề.
 
Trừ bài Qua Đèo Ngang Tức Cảnh, hầu hết các bài thơ còn lưu thế của bà Thanh Quan không có bài nào có một đầu đề nhất định. Như hai bài Đường Chiều, sách thì chép là Cảnh Chiều Hôm, sách thì chép là Chiều Hôm Nhớ Nhà. Bài Trấn Bắc Hoài Cổ có nơi thì chép Chơi Chùa Trấn Quốc hay Chơi Chùa Trấn Bắc v.v...
Tại sao thế? Tại vì có hai loại thơ. Thơ Hữu đề và thơ Vô đề. Thơ Hữu đề là loại thơ có có đề rồi mới làm thơ, thường là thơ cử nghiệp. Thơ Vô đề là thơ tài tử, thơ làm rồi mới đặt tên hoặc theo chủ ý của bài mà đặt, hoặc lựa một vài chữ trong hai câu đầu hay trong câu chót, mà làm đầu đề; hoặc để khỏi mất công chọn lựa, đề ngay hai chữ Vô đề trên đầu; hoặc không để gì hết, người sau sưu tập thành sách mới lựa cho một cái tên để làm mục lục, bá nhân bá ý nên ở sách này bài thơ mang đề này, sách kia cũng bài thơ ấy lại mang đề khác.
Cho nên xem thơ bà Thanh Quan không nên chấp đầu đề, không nên dựa vào đầu đề để tìm chủ ý.
Thơ bà Thanh Quan còn truyền thế đều là thơ cảnh. Nhưng không phải cảnh thuần túy. Bà mượn cảnh để tả tình, mà tình của bà phần lớn là tình hoài cổ và tư gia. Tình thì buồn, có khi buồn ray rứt, nhưng cảnh lại đẹp song đẹp như một chiếc áo gấm nhiều màu mà bên ngoài có khoác một lớp áo choàng mỏng bằng sa trắng, cái đẹp của nghìn xưa còn mơ màng trong nhớ tiếc.
Thơ bà Thanh Quan và bà Hồ Xuân Hương là hai ngọn núi cao đứng song song. Nhưng thơ bà Thanh Quan là ngọn núi đứng trong nơi quạnh vắng cây cối xanh tươi vây quanh những di tích của thành lũy, của đền đài... trước kia lộng lẫy nguy nga mà hiện thời điêu tàn hoang phế. Còn thơ bà Hồ Xuân Hương là một ngọn núi đứng bên đường luôn luôn có bóng người qua lại, có cổ thụ có kỳ thạch và cây cũng như đá đều muốn đâm toạc lưng mây.
Các bậc tiền bối thường nói cùng nhau rằng:
- Trong làng thơ Đường luật, bà Hồ là một kỳ nữ, bà Thanh Quan là một tài nữ. Bọn cầm bút chúng ta chỉ đứng xa mà ngó thôi.
Chị em chúng mình nên tin là không phải lời nói quá đáng vì những người nói ra lời ấy, người nào cũng có hàng trăm bài thơ Đường luật trở lên và đã có danh trong văn giới.
Chú thích:
(1) Xem Từ Điển Văn Học, từ Thanh Quan, trang 350 tập II, do nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 1964. Ông huyện Thanh Quan tên là Lưu Nghi, tự là Nguyên Ôn, có chỗ đọc là Nguyên Uẩn, ở làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì , tỉnh Hà Đông.
Huyện Thanh Quan sau đổi là Thái Ninh tỉnh Thái Bình.
(2) Có sách chép là vua Tự Đức vời vào cung.
Không đúng. Phải là vua Minh Mạng hay Thiệu Trị. Vì khi bà vào Kinh thì ông Lưu Nghi còn sống, nên trong thơ mới có những câu “kẻ chốn chương đài người lữ thứ”. “Ơi bạn tình chung có thấu là”. Ông Lưu Nghi mất năm 1847 cuối triều Thiệu Trị. Trong sách Nữ Thi Hào Việt Nam, soạn giả Phạm Xuân Độ có ghi rõ ràng ông Lưu Nghi đậu cử nhân năm Minh Mạng thứ 2 (1821) và sau khi làm tri huyện Thanh Quan được ít lâu thì được thăng chức vào làm ở bộ Hình Huế. Sách Nữ Thi hào cũng chép là “vua Tự Đức vời vào cung”. Nếu bà được vời vào cung thời Tự Đức (1847-1883)thì bà “lấy ai mà kể nổi hàn ôn”.
(3) Đèo Ngang tên chữ là Hoành Sơn, nằm giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh. Nhưng nói cho đúng Hoành sơn là dãy núi Ngang. Còn Đèo Ngang là con đèo chạy qua núi Ngang. Cũng như Đại Lãnh là dãy núi nằm giữa Phú Yên và Khánh Hòa mà đèo Cả là con đèo chạy qua Đại Lãnh, cho nên cũng gọi là đèo Đại Lãnh (Đại Lãnh là núi Cả).
(4) Các sách đều chép là “Dừng chân đứng lại”. Dừng chân là đứng lại. Nói “dừng chân đứng lại” có khác gì nói “giờ tý canh ba” “tiếng ngoảnh lại” cho biết rằng lúc ấy tác giả đã xuống đến chân đèo rồi.
(5) Chương Đài là nơi có dinh thự khang trang, chỉ nơi ông huyện Thanh Quan đề lỵ. Lữ thứ là quán khách, chỉ nơi tác giả cư trú.
(6) Khoáng dã là đồng rộng
(7) Bình sa là bãi cát vàng
(8) Nhiều sách chép “Lòng quê mỗi bước dường ngao ngán”. Trên đã nói "Dặm liễu bâng khuâng khách nhớ nhà” rồi mà dưới còn nói “Lòng quê” thì điệp ý. “Đường đi mỗi bước lòng ngao ngán”, Ý nói là ngán con đường đi. Ý này làm cho ý “nhớ nhà” thêm mạnh.
(9) Các sách đều chép “Mấy kẻ tình chung”. Có được một người tình chung đã là khó, làm gì có được đến “mấy kẻ”? Nếu bảo rằng đây là nói chung “những kẻ tình chung trong đời” chớ không phải nói riêng về mình. Sao được. Bụng ai nấy biết. Mà bụng người ta mặc người ta hỏi làm gì?
(8b) Bài Thăng Long: Câu 5 các sách đều chép là “Đá vẫn..
(9b) Bài Cảnh Chiều Thu. Câu 2 các sách đều chép là “Khen ai khéo vẻ cảnh tiêu sơ"
(10) Câu 7,8 các sách đều chép:
Ô hay cảnh cũng ưa người nhỉ?
Ai thấy mà ai chẳng ngẩn ngơ.
Có người vin vào câu này cho là ý lẳng lơ và bảo bài Cảnh Chiều Thu là của Hồ Xuân Hương. Lại có sách chép:
Khách tình mấy lúc thường qua lại
Ai thấy lòng ai khỏi thẫn thờ
Và cũng cho là giọng của Hồ Xuân Hương. Chúng tôi chép theo tập Hương Vườn Cũ của chúng tôi.
(11) Hành cung: nơi vua chúa nghỉ ngơi khi ra khỏi hoàng cung.
(12) Các sách đều chép
Bể ái nghìn trùng không tát cạn
Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi.
“Nguồn ân bể ái” là chữ đi liền để nói về tình nam nữ. Tách ra để đối chọi nhau thì non tay bút quá. Huống nữa là chữ trong hai câu này mượn ở câu:
Ái hà thiên xích lãng
Khổ ải vạn trùng ba
(Sông yêu có nghìn con sóng nhỏ
Bể khổ có đến vạn đợt sóng to)
Câu “Bể khổ nghìn trùng mong tát cạn” ngụ ý muốn đi tu cho thành Phật để cứu chúng sinh khỏi khổ hải.
Câu “Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi” ý nói “Muốn như thế song không dễ gì tát cho vơi lòng ân ái”.
Hai câu này khai triển ý “Tuy vui đạo Phật, khôn khuây lòng trần” đã giải thích nơi cặp trạng “Gió thông... Hồn bướm..”
Mượn 4 câu trong bài phú đắc đời Lê chắp vào bài Khán Đài của bà Thanh Quan, thì bài bà Thanh Quan thành một áo vá mà người tinh mắt thấy rõ đường chắp nối không mấy khéo.
12. DIỆU LIÊN CÔNG CHÚA
Diệu Liên là tên Tự
Tên thật là Lại Đức, hiệu là Mai Am.
Con gái vua Minh Mạng (1820-1840), em ruột thi hào Tùng Thiện Vương và Huệ Phổ cùng Nguyệt Đình công chúa.
Tùng Thiên Vương và Tuy Lý Vương là anh em khác mẹ.
Công chúa Diệu Liên cũng như hai công chúa Nguyệt Đình và Huệ Phổ đều được hai nhà thi hào Tùng Tuy rèn luyện từ lúc còn nhỏ. Ba công chúa đều nổi tiếng hay chữ hay thơ. Nhưng công chúa Diệu Liên được văn giới đề cập thường hơn hết, bởi thơ làm nhiều và được phổ biến hơn hai bà chị.
 
Diệu Liên nổi tiếng từ lúc nhỏ.
Một hôm, vào đêm rằm tháng mười, công chúa cùng anh và các con của Tùng Thiện Vương đi dạo trăng ở vườn hoa Kỳ Thường. Vương bảo làm thơ liên ngâm, vịnh Trăng Rằm, công chúa liền ứng khẩu mở đề:
Mãn đình hành táo thủy không minh
Minh diệp sơ quân dạ khí thanh
Ảnh giới sơn hà khai ngọc kính
Tùng Thiện Vương cùng các con mỗi người tiếp theo mỗi câu:
Hàn kiêm sương lộ trạc kim kình
Sứ quân chính ức Hoàng lâu yến
Võ khách chân lân Xích Bích hành
Hà tất trung thu chiêm bạch thố
Kim tiêu dĩ thị tối tinh oanh
 
Cháu nội Tùng Thiện Vương là Ưng Trình dịch:
Trúc tùng sân nối bóng như rong (1)
Khẳm lá Minh vua buổi khí trong (2)
Gương ngọc soi chung sông núi rạng
Mâm vàng lạnh thấm móc sương lồng
Hoàng lâu nhớ đến người trong tiệc (3)
Xích Bích thương cho khách giữa dòng (4)
Ánh thỏ trung thu chừng cũng thế
Hôm nay thấy đã rõ mười trùng.
Tài mẫn thiệp của công chúa không mấy lúc mà bay xa.
Lớn lên kết duyên cùng ông Thân Như, một người có học vấn, có tài năng. Vợ chồng lấy văn chương mà đãi nhau, người đời truyền làm giai sự.
Ông Thân Như vì việc nước phải vào Nam. Để gởi lòng thương nhớ công chúa có bài:
 
ỨC MAI
Lâm đường tạc dạ sóc phong suy
Tiểu các thanh hàn độc tọa trì
Địch lý quan san sầu cựu khúc
Thúy biên ly lạc nhận tiền kỳ
Hương nam tuyết bắc vô phương tấn
Nguyệt địa vân giai hữu mộng ty
Dục bã tân từ viễn tương tặng
Mỹ nhân uyển tại thủy chi mi
Tạm dịch:
NHỚ MAI
Rừng ao ngọn bấc thoảng canh trường
Gác nhỏ đìu hiu chiếc bóng nương
Nước gợn nguyền xưa rào để nhớ
Đèo vang khúc cũ địch đưa thương
Nam hương bắc tuyết đường ngăn cách
Sân nguyệt thềm mây mộng vấn vương
Muôn dặm lòng thơ mong gởi tặng
Bên song người đẹp thẫn thờ gương.
Công chúa là một đóa hoa ở nơi cung đình xa cách dân gian, nên cuộc đời như sao, sự nghiệp văn chương như sao, khách làng thơ ít người biết rõ. Chỉ biết đại khái rằng công chúa có để lại tập thơ nhan đề là Diệu Liên thi tập.
Tập thơ này không được phổ biến. Chỉ nghe những lời tán thưởng của một ít thi nhân.
 
Cụ Hà Đình một vị cự khanh triều Tự Đức đề tập Diệu Liên có câu:
Ngâm đáo Ức Mai thanh vận tuyệt
Bất phòng biệt hiệu tác Mai Am
Nghĩa là:
Ức Mai âm điệu tuyệt vời
Hiệu Mai Am khiến tiếng đời thêm thơm.
Đọc tập Diệu Liên, một danh sĩ ở Trung quốc gởi sang tặng tác giả một tuyệt rằng:
Nguyệt Đình Huệ Phổ tài danh thạnh
Cánh thuyết thi viên hữu Phạm Hồ
Viễn khách vị năng khuy chỉ trảo
Thử tâm trường nguyện bái Ma Cô
Tạm dịch:
Nguyệt Đình Huệ Phổ đã tài
Vườn thơ còn khách ngang vai Phạm Hồ
Chưa tường móng ngón dường mô (5)
Cúi đầu dâng trước Ma Cô tấc thành.
Một thi sĩ đất Tần Môn bên Trung quốc, sang Việt Nam được Tùng Tuy mời vào phủ xướng họa. Thi sĩ tên là Hoàng Diên Khuê. Họ Hoàng chẳng những phục tài hai Vương gia, mà cũng rất phục tài Diệu Liên công chúa. Họ Hoàng có tặng công chúa một tuyệt trong có câu:
Khởi duy tài điệu siêu Hồ Phạm
Ban Tạ ư kim hữu thế nhân
Nghĩa là:
Phải đâu chỉ vượt Phạm Hồ
Nàng Ban ả Tạ bây giờ lại sanh.
Ý nói: công chúa tài cao chẳng những hơn Hồ Xuân Hương, Phạm Lam Anh ở Việt Nam mà thôi như lời Hoàng Diên Khuê đã ca tụng, công chúa thật ngang hàng với Ban Chiêu, Tạ Uẩn của Trung quốc là hai tài tử danh nổi cổ kim (6).
Tài về thơ chữ Hán là như thế. Không biết về quốc âm công chúa có sở trường hay chăng? Chắc là chê  “nôm na” không lưu ý, nên không nghe truyền câu nào làm duyên.
Chú thích:
(1) Tô Đông Pha nói: “Đêm rằm bóng trúc bóng tùng nổi lên giữa sân như rong trong nước”
(2) Cây Minh, một loại như ngô đồng nhưng có tính chất đặc biệt là lá thay đổi từng tháng. Cứ mỗi ngày sanh một lá, sanh đủ 1 lá thì bắt đầu rụng, rụng hết 15 lá thì lại bắt đầu sanh lá non. Người xưa gọi là “lịch trời”.
“Khẳm là Minh” là “đày nửa tháng trước” tức là rằm. Câu 1 nói trăng, câu 2 nói rằm.
(3) Hoàng lâu: chưa rõ điển. Có lẽ là địa điểm dùng đãi yến để đưa người đi sứ một đêm rằm nào đó.
(4) Xích Bích: Sông Xích Bích nơi Chu Du dùng hỏa công đánh Tào Tháo. Tô Đông Pha nhân đi chơi trên dòng Xích Bích đêm rằm tháng tám, sáng tác bài Xích Bích phú trong đó có nhắc đèn trận hỏa công xưa.
(5) Ma Cô: là một nữ thần trẻ đẹp, ngón và móng tay rất dài và rất đẹp.
(6) Ban Tạ: là Ban Chiêu đời Hán, Tạ Đạo Uẩn đời Tấn. Trong thơ văn Trung quốc và Việt Nam thường dùng để khen những phụ nữ có tài văn chương. Có sách chép là Ban Tả là Ban Chiêu và Tả Phan. Tả Phan cũng là một tài nữ nổi danh. Nên dùng Ban Tạ hay Ban Tả đều không có chi khác.
 
Nguyệt Đình và Huệ Phổ chỉ nghe danh chớ chưa được đọc thơ, nên không có bài giới thiệu.
13. BÀ BANG NHÃN 
Không biết rõ họ tên, chỉ biết bà là vợ ông Phan Quỳ làm Bang tá tục gọi là Bang Nhãn, người tỉnh Quảng Nam. Bà sống vào khoảng Tự Đức, Thành Thái, tức khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Ông Phan Quì là một người hay chữ có tiếng ở Quảng Nam. Khi ông Quì còn sống thì không ai biết đến bà là người giỏi thơ. Nhưng sau khi ông Quì qua đời, tiếng tăm của bà lại nổi khắp tỉnh. Bà từng xướng họa cùng các danh sĩ đương thời. Ai cũng lấy làm lạ và ngờ rằng hồn ông Quì đã nhập vào bà. Có người tỏ ý khinh thị, thích thực câu tục ngữ “Phụng hoàng đua bìm bịp cũng đua, mâm thau nhịp mo nang cũng nhịp”.
Trau tria lông cánh theo ngàn nhẫn
Chung chạ thanh âm đủ bốn nghề.
Lời khinh bạc ý nói rằng bà đua đòi làm thi phú đã dựa vào đó mà chung chạ cùng khách phong tao. Bà liền đáp lai bằng câu trạng câu tục ngữ “Trâu nghé không sợ cọp”
Non nớt mới nhô sừng bắp chuối
Hung hăng nào ngại vện tàu cau.
Bà nổi tiếng vè thơ quốc âm.
Thơ bà làm nhiều nhưng chỉ còn lưu truyền chỉ hai luật:
QUA CỬA HÀN
Rầm rầm ngựa lại lại xe qua
Nhượng địa là đây có phải a?
Liếc mắt nhìn quanh phong cảnh lạ
Chạnh lòng tưởng tới nước non ta
Những trang hồ thỉ đi đâu vắng?
Để cuộc tang thương tủi lắm mà!
Há phải Đường Ngu mà ấp tổn
Nào Thang nào Võ ở mô na?
 
Cửa Hàn tức là Đà Nẵng. Năm 1886, triều đình Huế làm tờ nhượng Đà Nẵng cùng Hải Phòng, Hà Nội cho thực dân Pháp làm đất Nhượng địa (Concession francaise).
Bà Bang Nhãn, mượn việc vua Đường Nghiêu nhượng ngôi cho cho vua Ngu Thuấn để ám chỉ việc cắt Đà Nẵng nhượng cho Pháp (1). Vua Nghiêu nhượng ngôi cho vua Thuấn là vì vua Thuấn là người hiền. Rồi sau vua Thuấn lại truyền ngôi cho vua Vũ cũng là người hiền. Đó là truyền hiền (ấp tổn). Vua hiền truyền ngôi cho người hiền chứ không truyền cho con cháu. Như thế là hợp thiên mệnh hợp nhân tâm. Còn đây vua Đồng Khánh là vua “bù nhìn” lại nhượng đất cho bọn ngoại bang cướp nước, đâu có hợp ý trời, thuận lòng dân. Cho nên bà  mới mong có người tài đức khởi nghĩa đánh đuổi bọn thực dân đem đất về cho Tổ quốc cho dân tộc như vua Thành Thang đã diệt Kiệt, vua Võ vương đã diệt Trụ, xây dựng thái bình thịnh vượng cho nước cho dân (2)
Bài thơ tự nhiên mà hùng tráng từ trên xuống dưới đi một hơi, khích động lòng người đọc một cách mạnh mẽ sâu sắc.
Câu kết có người đọc là:
Cân quắc lại không tài kiếm mã
Gấm gan nghĩ giận bấy trời già
Câu này cũng hay lắm.
Bọn đàn ông tự xưng là “tang bồng hồ thỉ” (3) trốn đâu hết để cho nước nhà bị cái nhục xâm lăng! Còn mình là phận gái, muốn ra dành lại non sông lại không thể cầm gươm lên ngựa được. Nghĩ giận trời già bày chi cuộc bể dâu, mà lại sanh mình làm phận gái!
Rõ là khẩu khí của bậc “cân quắc anh hùng” (4)
Hay thì thật là hay, song đối câu:
Há phải Đường Ngu mà ấp tổn
Nào Thang nào Võ ở mô na
Thì câu này là bà Trưng chị, câu kia là bà Trưng em.
Câu “cân quắc..” phải nhường câu “Đường Ngu..”vì đây có phần tiêu cực, mà kia tinh thần tích cực ngút ngàn.
Nhưng bài Qua Cửa Hàn không được truyền tụng bằng bài:
 
NGŨ HÀNH SƠN
Cảnh trí nào hơn cảnh trí này
Bồng Lai âu hẳn cũng là đây
Khói lồng sắc đá non phơi gấm
Chùa nức hơi hương biển kéo mây
Ngư phủ gác cần ngơi mặt nước
Tiều phu chống búa tựa lưng cây
Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách
Vút mắt Trường Sơn ác xế tây.
 
Một bài thơ cảnh tuyệt diệu, trong làng thơ quốc âm chưa thấy bài nào hơn.Thơ cảnh của bà Thanh Quan, nhờ lòng hoài cổ làm màu sắc nên đẹp. Thơ cảnh mà phần lớn chỉ có tả cảnh mà rung cảm lòng người như bài Ngũ Hành Sơn trên đây thì thật hiếm. Cho nên bài thơ được truyền tụng khắp nơi từ Nam đến Bắc và các sách tuyển thơ, các sách giáo khoa đều có lục.
Nhưng sợ động thời văn, bài thơ bị cấm, nên đã sửa câu kết:
Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách
Khen bấy thợ trời khéo đắp xây
Thật là đem viên đất sét thay viên kim cương:
Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách
Vút mắt Trường Sơn ác xế tây.
 
Ý nói: Phong cảnh nước nhà đẹp như thế mà nay đã thuộc về bọn Tây thực dân! Cắn răng mà kêu than! Một tiếng kêu trầm thống khí lạnh vút tầng mây.
Chính tiếng kêu não nùng nhưng kín đáo này đã làm cho Ngũ Hành Sơn có sức sống, quang cảnh Ngũ Hành Sơn trở nên linh động. Câu thơ này chính là cái hồn của bài Ngũ Hành Sơn.
Chỉ hai bài thơ còn để lại cũng đủ cho chúng ta thấy rằng bà Bang Nhãn là một khuê các phong lưu có hùng tâm có bút lực. Mong sao tiểu sư của bà, sự nghiệp văn chương của bà được có người ra công sưu tầm để phổ biến.
Chú thích:
(1) Vua Nghiêu có con trai, nhưng thấy ông Thuấn là người có tài có đức bèn nhường ngôi cho ông Thuấn chớ không truyền cho con. Ông Thuấn lên ngôi vua lập nhà Ngu. Sau nhân ông Vũ có công trị thủy cứu dân thoát khỏi nạn lụt hàng năm, ông Thuấn bèn nhường ngôi cho ông Vũ để lo việc trị quốc. Ông Vũ lên ngôi lập nhà Hạ. Được mấy đời truyền tử tới đời vua Kiệt hung tàn bạo ngược, nhân dân ta thán, Thành Thang khởi nghĩa diệt nhà Hạ cứu dân và lập nhà Thương. Từ vua Hạ Vũ trở về sau, ngôi vua không truyền hiền mà truyền tử lưu tôn. Vua cuối cùng của nhà Thương là Trụ vương tàn bạo dâm loạn không kém gì vua Kiệt. Vua nước chư hầu là Võ vương kéo binh đánh Trụ, lật đổ nhà Thương lập nhà Châu.
(2) Người xưa gọi việc diệt Kiệt Trụ là cách mạng. Tức là “đổi mệnh trời”, vì theo quan niệm cũ “vua là người thừa mệnh trời đứng ra lãnh nhiệm vụ trị quốc an dân”. Nay đánh đổ vua ác để thay thế đặng sửa sang nước nhà cho được bình trị theo ý trời. Hai tiếng cách mạng nay có nghĩa là “đánh đổ chế độ cũ mà xấu, dựng nên chế độ mới mà tốt.
(3) Tang bồng hồ thỉ: Cung bằng cây dâu, tên bằng cỏ bồng. Ngày xưa tục nước Tàu hễ đẻ con trai thì dùng cung tên giả bằng dâu bằng cỏ bắn lên trời, xuống đất và bốn phương, ngụ ý rằng con lớn lên sẽ có công nghiệp trong bốn phương trời đất. Bốn chữ ấy dùng để tỏ chí khí của nam nhi.
Tang thương là dâu bể do chữ thương hải tang điền mà ra.
(4) Cân quắc anh hùng: cân quắc là cái khăn bịt đầu của đàn bà. Cân quắc anh hùng là người anh hùng phái nữ.
(5) Khuê các phong lưu: khuê các là nơi con gái sang trọng ở (thật nghĩa là cửa sổ nhỏ ở trong cung). Phong lưu là cái đức tốt như ngọn gió (phong) ở chỗ này bay đến chỗ kia, như dòng nước (lưu) ở nơi nọ chảy đến nơi kia. Phong lưu là phẩm cách thanh cao của con người. Trong làng văn chương thường dùng để chỉ những người có văn tài cao, đức hạnh tốt.
14. BÀ NHÀN KHANH
Nhàn Khanh là hiệu. Tên thật chưa được rõ.
Thân sinh là cụ Dương Quang đậu ba khoa tú tài, hay chữ nổi tiếng. Anh là Dương Khuê (1835-1898) và Dương Lâm (1845-1915) là hai thi nhân tề danh cùng Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến. Người làng Vân Đình tỉnh Hà Đông.
Nhờ cha và anh dạy dỗ nên bà giỏi cả Hán tự lẫn quốc âm.
Thơ quốc âm bà còn để lại khá nhiều, Đường luật có, lục bát có, ca trù có…
Thơ bà không thể sánh với các bậc tiền bối. Không có phong cách tân kỳ phóng khoáng như thơ Hồ Xuân Hương, trang nhã đài các như bà huyện Thanh Quan, tráng kiện hùng kinh của bà Bang Nhãn, v.v..
Thơ bà, lời thanh ý nhã, có phong vị của ly nước cam pha khéo, dư vị không được bền.
 
CHƠI CHÙA THẦY
Qua khắp non xanh đến núi Thầy
Càng trông phong cảnh lại càng say
Chợ Trời họp những bao giờ nhỉ?
Động Thánh tu còn dấu cũ đây (1)
Ngoài cửa đài tiên hoa rủ mát
Trong chùa tòa Phật khói hương bay
Kìa hang Cắc Cớ vui truyền mãi
Thiên hạ đua nhau cái hội này (2)
Đó là thơ Vịnh Cảnh. Sau đây là thơ Vịnh Vật:
VỊNH NGUYỆT
Hoa niên bao nả chị Thường Nga
Mà cái xuân xanh mãi thế a?
Trăng gió đựng chừng lưng giỏ quế
Non sông chưa khẳm một bầu đa
Khi soi gương nước lồng màu thủy
Lúc ngắm vườn xuân suốt bóng hoa
Thử vén cung mây cho kẻ biết
Thanh quang rõ mặt tiết non già.
 
Có người em họ đậu tú tài, bà có thơ mừng rằng:
Xa nghe mừng hỏi khách Dương Châu
Thứ mấy cành mai đã bắt đầu?
Hoa cỏ chen vào đường tú khí
Giang san còn mãi tiết thanh thu
Tài này có nhẽ cây nghiêng đất
Sức ấy xem ra kéo đổ cầu
Gặp hội nghênh xuân nhìn rõ mặt
Mà cho thiên hạ thử xem châu.
Tình lợt nhưng ý kín. Dưới lời thanh lịch, nhìn kỹ thì thấy nụ cười mai mỉa khi ẩn khi hiện.
Hai bài Chùa Thầy và Vịnh Nguyệt, ý tứ phơi bày ra lời thơ. Bài Mừng Đậu Tú Tài phải đọc kỹ mới nhận thấy vị chua lẫn trong ly nước ngọt.
Nghe em thi đậu tú tài thì mừng. Nhưng đậu mà đậu thủ khoa, tam khôi như hoa mai nở trước trăm hoa, thì mới đáng mừng chớ đậu tú tài mà tú tài thứ mấy thì có gì đáng mừng đối với một người sanh trưởng trong cánh họ nhiều người có khoa danh như họ Dương. Đậu như thế khác gì cỏ nội hoa đồng chen vào nơi muôn hồng ngàn tía, danh phận có hơn gì cảnh non sông còn ở trong vẻ lợt lạt của mùa thu. Cặp luận ý lộ quá: khen tài cao sức vững, song tài sức ấy nên đem dùng vào việc cày sâu kéo mạnh thì thích hợp hơn…
Không biết ông em có nhận thấy bà chị mỉa mình chăng. Có nhận thấy chắc cũng cười xòa chớ không giận, vì chỉ cợt để đùa cho vui chớ không có ác ý.
Thơ thất ngôn bát cú của bà không có giọng buồn. Qua văn chương chúng ta đoán chừng bà không có điều gì bất như ý, đời sống của bà là một đời sung túc an nhàn. Nhưng bài Tự Thuật theo thể lục bát lẫn song thất lục bát sau đây lại nhuốm vẻ bi quan:
Đêm đông bóng dãi cảnh mai
Nghĩ mình mình giận một hai nỗi mình
Đã sinh ra kiếp phù sinh
Còn len vào chốn lan đình làm chi
Thà nếm trải hoắc quì thanh đạm
Cái phong trần chưa dám bẻ bai
Lần lần gió tối trăng mai
Mặc ai tử các mặc người kim lâu
Song đà trót nhuộm màu hồng phấn
Phải ôm đồm chút phận hồng nhan
Những là nắng tạt mưa chan
Thấy hoa vừa thẹn trông vàng những e
Sao tạo hóa khắc khe chi mấy
Kiếp phù du trông thấy mà thương
Lối xưa tu đã vụng đường
Bây giờ gặp bước phong sương cũng vừa
Mai sau hết kiếp bao giờ
Dẫu rằng phú quí cũng chừa trần gian
Ví không lên chốn Bồng San
Thì xin đem xuống cửu toàn cho xong
Chân mây mặt nước bóng hồng
Cây cao bóng mát tâm đồng mặc ai
Tri âm kia khách Thiên Thai
Biết đâu cái cuộc trần ai cho mình
Ước gì vũ hóa hàn sinh
Quyết lên cho đến cung đình thử coi
Vui chơi phong cảnh trên trời
Nhìn xem có khác cõi đời này không?
 
Thi vị có phần đậm đà thấm thía hơn bài thơ Luật của bà, song so với Chinh Phụ Ngâm của bà Hồng Hà, với Ai Tư Vãn của Ngọc Hân công chúa, thì bài tự thuật của bà Nhàn Khanh chỉ là một cô gái thành thị dễ thương đứng cạnh hai ngôi hoa hậu.
Chồng bà cũng là một khách phong lưu trong văn giới. Ông có để dành một món tiền đợi tặng cho ả đào, chẳng may bị mất trộm. Bà làm một bài ca trù trêu chồng:
Thử hồi thiên hạ  đô vô sự (3)
Lúc thanh nhàn vừa gặp khách ca nhi
Ai chìu ai ai có tiếc ai chi
Mượn tiếng trúc dây ty mà cợt nguyệt
Ai biết tình chăng chẳng biết
Túi cung tình hào kiệt với thuyền quyên
Tiệc vừa xong giấc bướm vừa yên
Dậy sờ túi thì tiền đâu đó tá!
Ngơ ngẫn vậy chẳng tra chẳng hỏi
Tâm sự này còn biết nói làm sao!
Thôi lấy chi ghẹo mận trêu đào
Khách tri kỷ mong sao thì cũng vậy
Nhiều ít hữu tình chi đẩy đẩy
Biết hoa này đừng thẹn với đông quân
Bẽ bàng thay khách tình nhân!
Dương Khuê và Dương Lâm rất sở trường về ca trù Giá trị ca trù của hai họ Dương được truyền tụng rộng, các đào nương đã ưa mà các thi nhân cũng phục. Ca trù của bà em không tươi đẹp cũng không ý nhị bằng. Tuy thế vẫn là đóa hoa thơm.
Nói tóm lại thơ của bà Nhàn Khanh không phải là loại danh hoa như mẫu đơn, hải đường, tường vi, thược dược... mà chỉ thuộc hàng hoa lý, hoa lài, hoa trang, hoa vạn thọ. Vườn hoa thơ cũ đã bị gió mưa làm tàn lụn quá nhiều, Nay còn sót lại được đóa nào, chúng ta ra công nâng niu gìn giữ đóa nấy. Nhất là vườn hoa nữ giới, thì càng phải trải lòng hứng từng cánh hoa.
Chú thích:
(1) Xem bài nói về Hồ Xuân Hương Trong hang có động xưa kia Từ Đạo Hạnh ở tu và đã hóa ở đó, nên gọi là hang Thánh Hóa. Trên đỉnh Sài Sơn lại có một nơi gọi là chợ Trời
(2) Hàng năm ở Sài Sơn (chùa Thầy) có mở hội. Trai gái đua nhau đi xem. Đó là một dịp “nghịch ngợm” lúc vào hang Cắc Cớ.
(3) Câu ấy nghĩa là: Hồi này mọi người đều được thong thả.
Nha Trang cuối đông năm Giáp Dần 12/1974
Quách Tấn
Nguồn: Nhà xuất bản Phụ Nữ - 1998
Theo http://dinhquat.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...