Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2021

Nét bút giai nhân 1

Nét bút giai nhân 1

CHÚT LÒNG
Từ xưa đến nay, các bậc nữ lưu có tác phẩm truyền thế đã ít mà các nhà khảo cổ lại ít người gia công tìm kiếm tài liệu để viết bộ “Nữ lưu Văn học sử” cho đầy đủ, hầu làm phong phú cho nền văn học nước nhà. Trước kia Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến có viết tập Giai nhân Di Mặc, Sử Cuồng Lê Dư có viết tập “Nữ lưu văn học sử”. Hai tập này có phần sơ lược song vẫn giúp ích cho kẻ hậu học khá nhiều. Nhưng hai quyển sách ấy hiện nay không tìm đâu thấy nữa.
Viết tập Nét Bút Giai Nhân này tôi chỉ làm công việc chép lại, sau khi chọn lọc và sắp xếp cho có thứ tự, mạch lạc những gì tôi đã đọc trong các sách báo và đã đọc được nơi các bậc tôn trưởng, bạn bè. Chép lại để khỏi quên, để khỏi mất, để sau này con cháu có cần dùng khỏi nhọc công tìm kiếm.
Nữ lưu văn học thì nhiều, song sách vở hiếm hoi, sức người có hạn nên chắc chắn sẽ thiếu sót rất nhiều. Nếu văn chương hữu mệnh thì tập Nét Bút Giai Nhân này sẽ không đến nỗi vô dụng đối với chị em biết quí di sản của tiền nhân
Xứ Trầm Hương
Mùa Hoàng Hoa năm Ất Sửu (1985)
QUÁCH TẤN
1. ĐÀO THỊ HÀN NA
Đời nhà Trần, dưới triều Trần Dụ Tông (1341-1369), có một danh kỹ ở phủ Từ Sơn, họ Đào , rất nhan sắc, hát hay lại có tài văn chương, nên thân phận tuy thấp mà thanh giá tuyệt cao. Khách tài tuấn phong lưu đều kính phục. Tiếng bay thấu cung vua. Niên hiệu Thiệu Phong thứ 5 (1346) nàng được tuyển vào cung, ngày ngày chầu bên mình ngự.
Mùa thu năm Bính Tuất, thuyền rồng đang chơi trên sông Nhị Hà, đến bến Đông Bộ Đầu thì trời vừa chiều. Nhà vua cao hứng ngâm:
Vụ ế chung thanh tiểu
Sa bình thọ ảnh trường
Nghĩa là:
Mù che nhỏ tiếng chuồng rền
Bóng cây tha thướt in lên cát bằng.
Các quan theo chầu chưa ai nối kịp. Đào thị tiếp ngay:
Hàn na ngư hấp nguyệt
Cổ lũy nhạn minh sương
Nghĩa là:
Cá nằm bến lạnh đớp trăng
Lũy xưa tiếng nhạn nhọc nhằn kêu sương.
Nhà vua khen tài, lấy hai chữ Hàn Na trong câu thơ ban làm hiệu. Từ ấy mệnh danh là Đào Thị Hàn Na, (1)
Vua Trần Dụ Tông thăng hà, Đào Thi lui về nương náu nơi Đô Hạ. Viên hành khiển là Ngụy Nhược Chơn, mến tài thường lui tới. Người vợ ghen làm nhục. Đào căm hờn thuê người đến thích khách. Chẳng may việc không thành, nàng sợ phải tội, trốn lên chùa Phật Tích Sơn xuống tóc đầu Phật. Nhưng vì văn chương mà bị lụy phải bỏ trốn.
Nghe đồn tỉnh Hải Dương có chùa Lệ Kỳ non cao nước trong, nàng bèn tìm đến xin ở. Hòa thượng trụ trì là Pháp Vân không dung nạp, kêu đệ tử là Vô Di lên dặn:
Người thiếu phụ ấy còn nặng trần duyên, lại có sắc đẹp. Chỉn e lòng thiền chẳng bằng đá, chưa dễ mà không lay. Vả chăng cánh sen đó dù không lấm bùn đen, song một thước sa mù cũng đủ che mặt trăng sáng. Con khá nên từ nó đi.
Vô Di không nghe, Pháp Vân dời lên núi Phụng Hoàng ở.
Vô Di vốn là một tay hay chữ, vì đường khoa danh lận đận nên đến nương náu cửa Không. Cho nên tài tử gặp giai nhân, lửa hương dễ bén. Việc tu hành không còn nghĩ đến, ngày ngày đem nhau lên núi ngắm cảnh ngâm thơ. Thơ được truyền tụng nhiều. Xin trích dẫn đôi luật:
SƠN VÂN
Diêu đế nùng hoàn đạm
Thiên niên thấp vị hy
Hiển tùy sơ vũ khứ
Mộ đới lạc hà quy.
Ải đãi nhân phong quyển
Du dương đáo xứ phi
Tăng dung đồng diệc lãn
Thùy vị yểm nham phi.
Nghĩa là:
Chân trời phơi đậm lợt
Ngắm vợi ướt chưa se
Sớm dựa mưa sưa tếch
Chiều nương ráng sáng về
Diuh dàng lưng uốn gió
Phơi phới cảnh tìm quê
Tăng nhác đồng thêm nhác
Ai đóng cửa bồ đề?
 
SƠN VÕ
Nhất vũ sơn nham minh
Tiêu tiêu tác ý minh
Châu cơ đôi địa sắc
Tinh đẩu lạc thiên thanh
Lựu đoạt toàn lưu cấp
Lương hồi khách mộng thanh
Sơn phòng vô cá sự
Nhập dạ kỷ tàn canh.
 
MƯA NÚI
Giọt tuôn ngàn đỉnh tối
Ào ào dục ý sanh
Đất trải màu châu ngọc
Trời gieo tiếng đẩu tinh
Vội vàng khe cướp suối
Mát mẻ mộng lơi tình
Sơn phòng thư thả quá
Theo đêm canh rồi canh.
Còn nào Gió Núi, Trăng Núi, Chùa Núi, Vượn Núi, Chim Núi, Hoa Núi, Đứa bé sanh Trưởng Trong Núi, Lá Trong Núi vân vân… Phàm những cảnh vật trong núi cái gì có thể ngâm vịnh được đều lọt vào mắt, ra nơi bút của hai người.
Đến năm Kỷ Sửu (1349), Đào Thị có thai rồi bị ốm, cả ngày hết buồn lại giận, thuốc thang vẫn như không. Một đêm gió lạnh mưa dầm, nàng nghiến răng đập giường mà kêu khóc:
Thù xưa chưa trả, nhắm mắt sao yên hỡi trời?
Rồi uất lên mà chết!
Vô Di muôn phần thương xót đem di hài quàn nơi mái hiên phía tây chùa, mai chiều vỗ hòm mà khóc:
- Em ngậm oan mà thác, lòng ta rất thương đau. Cõi âm có thiêng hãy sớm đem nhau theo với.
Được vài tháng sau, Vô Di thọ bệnh mà mất.
Khách phong tao thương tình lo việc chôn cất. Sau ngôi chùa Lệ Kỳ hai ngôi mộ nằm song song (2)
Chú thích: 
(1) Có sách chép là Hàn Than
(2) Câu chuyện Đào Thị được Nguyễn Dữ đời Lê viết thành một chuyện quái đản.
2. NGÔ CHI LAN
Người huyện Kim Hoa thuộc xứ Kinh Bắc (Phúc Yên) nội tướng của danh sĩ Phù Thúc Hoành người làng Phù Lỗ cùng huyện.
Bà có sắc, có tài văn chương, tiếng tăm lừng lẫy
Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) nghe danh, vời bà vào cung dạy các cung nữ. Mỗi khi yến tiệc, bà thường ôm giấy bút đứng hầu nhà vua. Hễ vua phán làm thơ, thì bà hạ bút là thành chương không cần phải sửa chữa.
Một hôm đi chơi núi Vệ Linh ở huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên, là nơi Phù Đổng Thiên Vương cỡi ngựa sắt về Trời, bà đề một tuyệt:
Vệ Linh xuân thụ bạch vân nhàn
Vạn tử thiên hồng diệm thế gian
Thiết mã tai thiên danh tại sử
Anh uy lẫm lẫm mãn giang san.
Vệ Linh cây thẳm trải mây nhàn
Muôn tía nghìn hồng quán thế gian
Ngựa sắt về trời danh tạc sử
Hừng hừng uy đức nhẫy giang san.
Không mấy chốc bài thơ truyền khắp trong cung, nhà vua khen thưởng cho một tấm gấm.
Lại một hôm vua ngự nơi Thanh Dương môn, truyền quan Thị thư họ Nguyễn làm bài từ khúc Uyên Ương Khúc dâng lên, nhà vua không vừa ý ngoãnh lại bảo bà:
- Khanh thi tài vốn mẫn thiệp, thử vẩy bút xem sao.
Bà vâng mệnh, thảo một chương, câu cuối rằng:
Ngưng bích phi thành kim điện ngõa
Trừu hồng chức tựu cẩm giang la.
Nghĩa là:
Đọng biếc làm nên ngói điện vàng
Xe hồng dệt được là sông gấm
Nhà vua cả khen, thưởng cho 5 đỉnh huỳnh kim và ban cho hiệu Phù Gia Nữ Học Sĩ. Từ ấy danh lại càng hiển, khách tao đàn đều ngưỡng mộ tài hoa. Nhưng cũng có kẻ tiểu tâm làm thơ chế diễu như:
Quân vương yếu dục tiêu nhàn hận
Ưng hoán Kim Hoa học sĩ lai
Nhà vua ý muốn khuây sầu muộn
Nên triệu Kim Hoa học sĩ vào
Lại như:
Yến bãi long lâu thi lực quyện
Lục canh lưu đãi hiểu miên trì.
Tiệc bãi lầu rồng thơ mỏi sức
Sáng ra còn đợi giấc nằm trưa
Bà không khỏi buồn tủi. Thi hào Thái Thuận, tác giả tập Lữ Đường, có lời khuyên giải:
- Nào phải một mình phu nhân mới bị khốn vì ngòi bút trào lộng của những kẻ xú ác. Gái trinh liệt xưa nay đã thường bị những lời thơ khinh bạc trây bẩn, song nước Ngân hà dễ gì khuấy cho nhơ. Nên chả cần bận tâm, giới ý.
Vua Lê Thánh Tông băng hà bà có bài thơ vãn:
Tam thập niên dư củng tử thần
Cửu châu tứ hải hựu đồng nhân
Đông tây địa thác dư đồ đại
Hoàng đế thiên khôi sự nghiệp tân
Tuyết ủng chân du vô xứ mịch
Hoa thôi thượng uyển vị thùy xuân
Dạ lai do tác quân thiều mộng
Trướng vọng Kiều Sơn lụy mãn cân.
Nghĩa là:
Ba chục năm dư ngự tử thần (1)
Chín châu bốn biển thảy nhờ ân
Dư đồ đất mở đông tây rộng
Đế nghiệp trời xây vững mới dần
Dấu dõi xe loan mờ mịt tuyết
Hoa đơm vườn ngự bẽ bàng xuân
Quân thiều vẳng tiếng đêm theo mộng (2)
Ngắm vọi Kiều Sơn lệ thấm khăn (3)
Vua Thánh Tông băng rồi, bà không còn ra vào cung cấm.
Bà mất năm ngoài 40 tuổi, an táng nơi bãi Tây Nguyên trong huyện Kim Hoa.
Tài cao học rộng, bình sanh bà sáng tác chắc phải nhiều. Song giai phẩm không phổ cập trong nhân gian, nên không thường nghe nhắc nhở.
Trong Văn Đàn Bảo Giám thấy có chép bốn bài thất ngôn tuyệt cú bằng quốc âm, vịnh cảnh tứ thời, ghi là của bà Ngô Chi Lan:
VỊNH XUÂN
Khí trời ấm áp đượm hơi dương
Thấp thoáng lâu đài vẻ ác vàng
Rèm liễu líu lo oanh hót gió
Giậu hoa phất phới bướm châm hương
 
VỊNH HẠ
Gió bay bông lựu đỏ tơi bời
Tựa gốc cây đu đứng nhởn chơi
Oanh nọ tiếc xuân còn vỗ cánh
Én kia nhớ cảnh cũng gào hơi 
VỊNH THU
Gió vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ
Lẻ tẻ bên trời bóng nhạn thưa
Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm
Rừng phong lá rụng tiếng như mưa.
VỊNH ĐÔNG
Lò sưởi bên mình ngọn lửa hồng
Giải buồn chén rượu lúc sầu đông
Tuyết đưa hơi lạnh xông rèm cửa
Gió phẩy màu băng giải mặt sông.
Không biết đó là tác giả đã tự dịch hay là người đời sau phiên dịch bốn đoạn đầu của bốn bài từ 8 câu bằng chữ Hán rất được truyền tụng của bà Ngô Chi Lan:
XUÂN TỪ
Sơ tịnh huân nhân thiên tợ túy
Diệm dương lâu đài phù noãn khí
Cách liêm liễu nhứ độ oanh thoan
Nhiễu lãm ba tu xuyên điệp thúy
Giai tiền hồng tuyến nhật thiêm trường
Phấn hạn vi vi tẩm lục thường
Tiểu tử bất tri xuân tứ khổ
Khuynh thân hàm tiếu quá nha sàng.
Nghĩa là:
Trời cao chếnh choáng hơi dương đượm
Rực rỡ lâu đài tia nắng nhuộm
Phất phơ rèm liễu quyến thoi oanh
Thấp thoáng giậu hoa dồi phấn bướm
Chỉ vàng óng ánh kéo ngày dài
Lụa đẫm mồ hôi hương láng lai
Trò nhỏ chẳng hay xuân tứ khổ
Giường thơ ghé mắt mỉm môi cười.
HẠ TỪ
Phong xuy lựu hoa hồng phiến phiến
Giai nhân nhàn đả thu tiên viện
Thương xuân bối lập nhất huỳnh oanh
Tích cảnh ai đề song tử yến
Đình châm vô ngữ thúy my đê
Quyện ỷ sa song mộng dục mê
Khước quải quyển liêm nhân hoán khởi
Hương hồn chung bất đáo Liêu Tề
Nghĩa là:
Gió đưa hoa lựu hồng phơi phới
Người đẹp bên đu xiêm dấp dới
Én tía thương xuân réo rắc kêu
Oanh vàng tiếc cảnh chần chờ đợi
Dừng kim lặng lẽ nhíu đôi mày
Buồn tựa song thưa mộng rắp say
Trách kẻ cuộn rèm kêu tỉnh dậy
Hồn hương chẳng kịp đến Liêu Tây
THU TỪ
Thanh thương phù không trừng tế cảnh
Sươn tín diêu tương cô nhạn ảnh
Thập trượng liên tàn Ngọc tỉnh hương
Tam canh phong lạc Ngô giang lãnh
Phi oanh dạ dạ bích lan can
Y bạc nan câm tiễn tiễn hàn
Thanh đoạn động tiêu ngưng lập cửu
Diêu đài hà xứ mích thanh loan
Nghĩa là:
Tầng xanh lơ lững gương trong vắt
Rải rác tin sương tình nhạn bắc
Giếng ngọc sen tàn hương vẩn vơ
Sông Ngô lá rụng canh hiu hắt
Lập lòe bóng đóm lọt qua mành
Lạnh thấm từng cơn áo mỏng manh
Tiếng vọng lầu tiêu nghe đã dứt
Nơi nao đài ngọc dấu loan xanh?
ĐÔNG TỪ
Bửu lư bát hỏa ngân bình tiểu
Nhất bôi La Phù phá thanh hiểu
Tuyết tương lãnh ý thấu sơ liêm
Phong đệ khinh băng lạc hàn chiểu
Mỹ nhân kim trướng yểm lưu tô
Chỉ hộ vân song phiến phiến hồ
Ám lý vãn hồi xuân thế giới
Nhất châu phương tín tiểu sơn cô.
Nghĩa là:
Lửa hồng lư nhuốm sang bình bạc
Chén rượu tiêu sầu hương bát ngát
Hơi lọt rèm sưa tuyết lạnh lùng
Gió đưa ao quạnh băng xao xác
Nhà vàng người ngọc trướng lưu tô
Cửa sổ phòng văn giấy đắp hồ
Xuân đã âm thầm xoay vận thắm
Tin mai non vắng một nhành phô
Không biết rõ thân thế của tác giả mà chỉ xem kỹ bốn bài từ vịnh tứ thời thì cũng thấy được tinh thần và cốt cách cao sang của vị nữ sĩ tài danh đất Kim Hoa ngày trước.
Chú thích:
(1) Tử thần là ngôi vua
(2) Quân thiều là khúc nhạc trên cung trời
(3) Mộ vua Lê Thánh tông ở Kiều Sơn.
3. NGUYỄN THỊ DU
Cũng có tên nữa là Nguyễn Thị Duệ, người làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, xứ Hải Dương. Sanh trong thời Nam Bắc Triều, tức thời Lê Mạc.
Bà đã có sắc đẹp lại rất thông minh, nhưng tánh tình khẳng khái. Lúc nhỏ giả trai đi học. Sử sách chỉ xem qua là nhớ. Niên hiệu Hưng Trị nhà Mạc (1588-1590) bà đi thi hội, thi đình đều trúng tuyển. Mạc Mậu Hợp thấy dung mạo đẹp đẽ, gạn hỏi, bà phải thú thật. Bà được đưa vào cung và được phong làm Hoàng Phi.
Lúc ấy bà mới 17 tuổi.
Năm Nhâm Thìn (1592), nhà Mạc mất ngôi, bà trốn vào núi, sống hẩm hút cùng một đạo cô. Được ít lâu lại bị bắt nạp cho chúa Trịnh là Bình An Vương Trịnh Tùng. Bà rất được nhà chúa sủng ái, song chán mùi chung đỉnh, bà xin cất một am nhỏ nơi vườn hoa, ngày ngày ra xem kinh và ngâm vịnh.
Trịnh Tùng mất (1623), bà xin về sống nơi quê hương.
Được mấy năm, Thanh Đô Vương Trịnh Tráng lại mời bà vào phong chức giáo thụ dạy cung nhân. Bà rất được kính trọng, người trong cung tôn xưng là Lễ Phi. Lúc bấy giờ bà đã 56 tuổi. Tiếng hay chữ nổi khắp cả trong triều ngoài quận. Vua Lê chúa Trịnh cùng triều thần, hễ gặp những câu gì, những điển gì không hiểu đều đến hỏi bà.
Khoa thi hội năm Đức Long thứ ba (1631), có một quyển thi văn chương thâm diệu, lắm câu bị quan trường phê là tối nghĩa nhưng không dám đánh hỏng phải đệ trình lên chúa Trịnh. Chúa vời bà đến. Bà khen là văn chương tuyệt tác và giảng giải rành mạch cho chúa nghe. Quyển ấy là của Nguyễn Thọ Xuân, một tay bác học hùng tài có tiếng trong nước. Nguyễn Thọ Xuân được lấy đậu Thám hoa. Câu chuyện bay ra bên ngoài, Tân khoa nói cùng bằng bối:
- Tôi đã biết trước rằng văn chương của tôi, có hiểu được chăng chỉ có bà Lễ Phi. Và cũng vì có bà Lễ Phi, tôi mới chịu ra ứng thí.
Sau khoa thi đó, thanh giá bà Lễ Phi đã cao càng cao.
Bà thọ 80 tuổi.
Buổi bình sinh bà sáng tác nhiều, chữ có, nôm có, song chỉ lưu thế hai tác phẩm bằng Nôm, một làm theo thể Đường luật, một theo thể lục bát.
Tập thứ nhất nhan đề là Ni Tần Thi Tập tức là tập thơ của “Ni cô làm cung tần” hay “Cung tần làm ni cô”. Tên tập thơ làm cho chúng ta biết rõ thời gian sáng tác: Thời Bình An Vương Trịnh Tùng. Tập thơ gồm trên 50 luật, vịnh tứ thời, mỗi mùa 10 vịnh, và trên 10 bài tập vịnh. Xin cử đôi bài:
THU NGÂM
Đổi thay hạ nắng lại thu mưa
Chốn Thượng Dương đà mấy sớm trưa
Triều mượn phấn son lòng hãy thẹn
Mùi pha cá thịt dạ chưa ưa
Hoa bên triện ngọc ngồi ngơ ngẩn
Trăng lọt rèm châu đứng ngẩn ngơ.
Qua lại chị em như có hỏi
Thẹn thuồng còn chửa biết lời thưa.
ĐÔNG NGÂM
Kể đã ba trăng chốn ngọc đài
Lần lần ngày vắng lại đêm dài
Vội nằm trướng cuốn thường quên rủ
Ngái ngủ trâm rơi những biếng cài
Sớm mặc hoa rơi bên đóa liễu
Khuya dù trăng  ngã dưới cành mai
Không ai ghen cũng không ai ghét
Mà có ghen ai có ghét ai
Vân vân…
Lời thơ bình dị và tất cả đều xoay quanh cái ý “vô sự, vô tâm”.
Còn tập thứ hai, tập lục bát, là tập gia phả diễn ca thuật rõ gia tình, gia cảnh và thân thế của mình, văn chương lưu lợi, như:
“Nữ nhi dù đặng có lề
Ai hay tay thiếp kém gì trạng nguyên…”
“Hiềm vì một chút đảo điên
Song le Bạc thị vốn duyên Hán thần”
Sự nghiệp dư muôn mà còn sót lại chừng được một! Nếu không ra công gìn giữ thì trong vườn hoa thơ dân tộc sẽ thiếu mất một khóm hương.
4. TRƯƠNG THƯỢNG HÒA
Bà Trương Thượng nhủ danh là Ngọc Trọng, người làng Như Quỳnh, Bắc Ninh. Đến tuổi dậy thì, dung nhan như hoa nở, trí thông minh tuyệt vời, vốn là cháu Tấn Quang vương phi vợ chúa Định vương Trịnh Căn (1682-1709) nên được cho vào cung làm cung tần đời An Đô vương Trịnh Cương (1709-1729). Tại nơi cung cấm bà mới được học tập. Học đâu nhớ đấy, xem một hiểu mười cho nên được chúa mến yêu và mọi người  kính mến.
Bà sở trường về quốc âm. Bà có bài ca diển sự tích bà Ỷ Lan Hoàng Thái Hậu đời nhà Lý. Bài diễn ca được truyền tụng trong nhân gian.Văn chương thanh nhã. Xin trích đôi đoạn. 
Ví dụ đoạn trích về nhan sắc bà Ỷ Lan:
 
Phương phi mày liễu mặt hoa
Má đào môi hạnh da ngà lưng ong
Quỳnh tư diệu chất lạ lùng
Miệng cười muôn tía nghìn hồng nở ra
Càng nhìn càng một nõn nà
Thu ba thua sắc xuân hoa thẹn màu
Mẹ cha mừng rỡ xiết đâu
Nâng niu vàng ngọc thể âu khác thường…
Và một đoạn tả cảnh mùa xuân lúc vua nhà Lý mở hội kén cung nữ:
Huyên hòa vừa tiết Thanh minh
Đoàn loan lũ phụng khoe xinh đòi người
Dập dìu thôi hán lại hài
Kẻ khoe cốt cách người phơi tinh thần
Liễu xanh khoe nét thanh tân
Đào hồng rỡ rỡ cậy thân tươi màu
Chan hòa sánh ngọc đua châu
Tầm thường hội trước thấy âu xa vời.
 
Đoạn trên tả nhan sắc bà Ỷ Lan.
Trên 250 năm nay, không biết bài ca có còn được nguyên vẹn?
5. NGUYỄN THỊ NGỌC VINH
 
 
Người làng Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương (Bắc Việt) con gái Luân Quận Công, đã thông minh có học vấn được chúa Trịnh Doanh là Minh Đô vương (1740-1767) kén vào cung, sắc phong làm Vương phi.  Được chúa Minh Đô quý như vàng thường gọi là Minh Đô vương phi hay còn gọi là Đức Bà Vàng.
Vương phi thông chữ Hán lại giỏi quốc âm. Khách làng văn không mấy ai không biết tiếng.
Nhưng tác phẩm của Vương phi không phổ cập đến đại chúng nên sau khi nhà Trịnh bị diệt các tác phẩm của bà đều bị thất lạc.
Trong quyển Nữ Lưu Văn học sử của Sở Cuồng Lê Dư xuất bản năm 1929 thấy chép một bài thơ lục bát và một bài thơ Đường luật nhan đề là Tự Tình Vãn:
Trời cao muôn dặm thẳm xa
Quảng Hàn nỡ để Hằng Nga lạnh lùng (1)
Tưởng nguồn cơn khéo chạnh lòng
Trách duyên, dám trách cửu trùng thắm phai (2)
Vả tôi kém sắc phạp tài
Nhằm thương muôn đội lượng trời chở che
Xét mình bồ liễu le te
Dám rằng cù mộc dám khoe hảo cầu (3)
Phận thường mọn mảy nữ lưu
Muôn mong xét biết ái ưu ghi lòng
Sách vàng rờ rỡ đề phong (4)
Những mong xứng chỉ chút công báo đền
Tuy rằng kỳ ngộ thiên duyên
Gót đầu toàn bộ ơn trên tài bồi
Non ân bể đức bằng trời
Muôn phần báo đáp chưa vời một ly
Trộm xem trên cả nhân nghì
Vậy nên áy náy bắc chì mỉa mai
Tay đâu bưng được miệng ai
Nắng mưa cũng tiếng mỉa mai lọ là
Thấy chiều thưa nguyệt phai hoa
Thừa cơ dễ khiến dèm pha nhiều điều
Nghĩ rằng đức Thuấn nhân Nghiêu
Chở che chỉ có đăm chiêu giày vò
Chắc rằng sông núi hẹn hò
Hay đâu bể ái chút dò cũng hao
Đạo màu há dám rằng sao
Canh chầy vò võ lầu cao nguyệt tà
Tưởng khi cầm sắc khúc hòa
Trăm năm cù mộc một nhà trúc mai
Bây giờ  tin diễn vãng lai (5)
Cửa ngăn giây gió nguyệt cài then sương
Tưởng khi đầm ấm thiên hương
Ngửa trông một nghĩa để trông muôn đời
Bây giờ gần bén xa dời
Một lòng khôn thở nhiều lời nể nang
Tưởng khi lạm sánh nhà vàng
Nghìn năm để trách một trường áng xuân
Bây giờ cách diễn ải Tần
Một bề trực đức chín lần khôn thâu
Càng phen càng bối rối sầu
Ngu trung dễ thấu nhiệm mầu thiên cơ
Cớ chi nên nỗi sinh cơ
Bâng khuâng lòng ước ngẫn ngơ dạ phiền
Vì con chồi quế non Yên (6)
Thì chi đến nỗi nhiều phen thế này
Nhởn nhơ song dạ khôn khuây
Buồn xem bế nữ nước mây thêm ngừng
Nhiều phen sấm chớp vang lừng
Bồ hòn đã đắng thì gừng lại cay
Nào khi giá ngự bình Tây
Cần lao dám ngại nước mây sương hàn
Dây êm gối biếng ngôi Càn (7)
Tấc gan nỡ để mấy ngàn riêng tây
Vụng lầm vả tiếng một ngày
Nỡ cho kẻ mọn sánh bầy rao ca
Quản bao phận tiện dã hoa (8)
Nửa trong thể thống quốc gia dường nào
Dám xin tài quyết lượng cao
Quyền cương nỡ để tay trao kẻ ngoài
Vững phù mạnh nước lâu dài
Dẫu sao thì cũng là người nhà vương
Trót đà lạm dự tào khang
Trị bình cũng lấy tam cang làm đầu
Ngập ngừng kể lấy sự đầu
Bút hao mấy chữ lệ hoa đôi hàng
Cả lòng xin trước nhà vàng
Cây gương nhật nguyệt rỡ ràng  tiêu lâm
Nghìn năm khắc cốt minh tâm
Kẻ nông nổi chữ tình thâm thế cười
Nền vương sáng rỡ giữa trời
May nhờ hồng phúc muôn đời lâu xa.
 
TỰ TÌNH THI
Mon mảy muôn trông đức cửu trùng
Trời cao đất rộng kể khôn cùng
Trâm reo bệ ngọc còn e lệ
Hương bén phòng tiêu luống ngại ngùng (10)
Đếm tóc chưa đền ơn thánh đức
Dắt tơ nay cậy sức thiên công
Khôn trình ước vẹn niềm trung ái
Ngõ thỏa công sau đức thuận tòng.
Hai bài thơ này là của Vương phi dâng lên cho Minh Đô vương (11)
Nguyên bà phi được nhà Chúa yêu quí, sợ có ngày bị thất sủng nên sanh lòng đố kỵ với đám cung tần. Năm Lê Cảnh Hưng thứ 20 (1760) vì ghen với người sủng cơ là Thị Mỹ, bà phi cầm hộp trầu mà ném, chẳng may ném nhằm nhà chúa. Nhà chúa giận truyền đuổi ra khỏi cung, bắt giam vào bản dinh ngoài thành Thăng Long. Bà phi hối hận soạn hai bài thơ trên dâng lên nhà Chúa. Nhà Chúa cảm động cho xe loan ra rước trở vào cung.
Chú thích:
(1) Quảng hàn: Quảng là rộng, hàn là lạnh Tiếng dùng để chỉ cung trăng, mênh mông, lạnh lẽo. Trên cung Quảng hàn chỉ có chị Hằng Nga, con ngọc thố và chàng Ngô Cương tác chú cuội ở.
(2) Cửu trùng là chín tầng, chỉ trời và ngôi vua
(3) Cù mộc: Cây to cành lớn và cong xuống đẻ cho dây bìm dây sắn leo lên. Nghĩa bóng là vợ cả đối xữ với vợ bé có lòng thương. Chữ mượn trong sách Kinh Thi “Namhwux cù mộc, cát lũy luy chi (Phía Nam có cây to, cành cong xuống, dây sắn dây bìm leo quanh gốc) Cù mộc nói vợ lớn, cát lũy (sắn bìm) nói vợ nhỏ.
Hảo cầu Tốt đôi. Chữ trong Kinh Thi “Quan quan thư cưu tại hà chi châu. Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu (Chim thư cưu kêu dịu dàng trên doi sông, người thục nữ hình dung yểu điệu cùng người quân tử rất xứng đôi)
(4) Sách vàng tức là sắc lệnh của vua chúa viết trên giấy vàng (sắc phong tước vương phi cho bà họ Nguyễn).
(5) Diễn là xa, dài, vắng.
(6) Quế non Yên: Con trai tài giỏi. Họ Đậu ở Yên sơn có 5 người con trai đều làm nên danh phận. Người đương thời tặng cho 4 chữ là “Yên sơn ngũ quế”. Bà phi không có con trai chỉ có một gái chết sớm là Tiên Hoa công chúa.
(7) Ngôi Càn là ngôi vua chúa. Càn là quẻ Càn, quẻ đứng đầu trong bát quái thường để chỉ Trời, vua chúa, cha.
(8) Dã hoa: hoa ngoài nội (cỏ nội hoa hèn). Phận tiện là phận hèn.
(9) Tiêu lâm: Rừng chim tiêu liêu ở. Chữ mượn trong câu “Tiêu liêu sào lâm. Bất quá nhất chi (Chim tiêu liêu đậu nơi rừng, chỉ choáng một cành mà thôi, chớ không choáng cả rừng)
(10) Phòng tiêu: ngày xưa các phòng của vợ vua chúa thường lấy hồ tiêu quét lên tường lúc đông sang để cho ấm. Nên gọi là tiêu phòng.
(11) Minh Đô vương là tước hiệu của Trịnh Doanh. Nhà Lê làm vua xưng đế, nhà Trịnh làm chúa xưng vương. Vương nhỏ thua đế song quyền bính trong nước đều nằm trong tay chúa Trịnh, vua Lê chỉ có hư vị.
6. ĐOÀN THỊ ĐIỂM
Hiệu là Hồng Hà Nữ Sĩ sanh năm Ất Dậu (1705) niên hiệu Chinh Hòa triều Lê Hi Tông (1676-1705) Con gái Đoàn Doãn Nghi, em gái Đoàn Doãn Luân. Người làng Giai Phạm huyện Văn Giang trấn Kinh Bắc (tỉnh Hưng Yên). Cha anh đều là nho sĩ có uy danh trong trấn..
Từ thuở bé  nữ sĩ đã nổi tiếng là thông minh, kinh sử chỉ xem qua là thuộc. Lớn lên cùng anh thường so tài bút mực, không bao giờ nữ sĩ chịu thua. Một hôm nữ sĩ ngồi trang điểm bên gương, ông Luân đứng rửa mặt bên bể nước, đọc bỡn một câu:
- Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm.
Nghĩa là: Đối kính vẻ mày một nét (điểm) trở thành hai nét(điểm).
Không nghĩ ngợi nữ sĩ đối ngay:
- Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân
Nghĩa là: Xuống ao ngắm nguyệt, một vầng (luân) hóa đến hai vầng (luân).
Tiếng nữ sĩ bay xa.
Ở Thăng Long lúc bấy giờ có 4 tay hay chữ là Nguyễn Huy Kỳ, Trần Danh Tân, Nguyễn Bá Lân, Vũ Toại, đời xưng là Trường An Tứ Hổ, nghe danh nữ sĩ bèn rủ nhau đến thử tài. 
Nữ sĩ bèn xuất đối:
- Đình tiền thiếu nữ động tân lang
Đó là một câu tức cảnh: nhân trong vườn có mấy cây cau bị gió lay tàu, nữ sĩ bèn dùng chữ “thiếu nữ” vừa có nghĩa là gió vừa có nghĩa là “cô gái nhỏ”. Chữ “tân lang” có nghĩa là cây cau đồng âm với chữ “tân lang” là chàng rể mới. Vế đối vừa có nghĩa: “Trước sân gió thổi lay động hàng cau” vừa có nghĩa: “Trước sân cô em nhỏ làm kinh động chàng rể mới”. Vì thiếu cảnh gợi hứng nên “bốn con hổ đất Tràng An” đành chịu xấu hổ trở về.
Một nhân vật có danh vọng lúc bấy giờ là Nguyễn Công Hãng, một hôm gặp nữ sĩ ở ngoài đường một mình, liền bảo thích thực hai chữ “độc hành” nghĩa là “đi một mình”. Nữ sĩ liền ứng khẩu:
Đàm luận cổ kim tâm phúc hữu
Truy tùy tả hữu cổ quăng thần.
 
Nghĩa là:
Bàn luận cổ kim ruột gan ấy bạn
Theo hầu tả hữu vai về là tôi.
Nguyễn công khen ngợi mời về nhà thưởng cho 10 quan tiền.
Giám sĩ làng Nhân Mục ở phía tây thành Thăng Long là Đặng Trần Côn mộ tiếng nữ sĩ đến diện kiến bằng một bài thơ. Nữ sĩ xem rồi trả lại với một câu:
- Học chưa được mấy lăm chữ mà cũng khoe tài.
Đặng Trần Côn xấu hổ ra về đóng cửa quyết chí học thành tài. Kinh thành lúc bây giờ có lệnh cấm hỏa ban đêm, họ Đặng phải đào hầm dưới đất để thắp đèn đọc sách làm văn. Về sau  đạt được chí nguyền bèn soạn cuốn Chinh Phụ Ngâm bằng Hán văn được truyền tụng.
 
Hồng Hà nữ sĩ  tuổi đã ngoài đôi mươi mà vẫn ở cùng cha mẹ. Năm 25 tuổi cha mất bà ở cùng mẹ và gia đình anh dời nhà đến làng Võ Ngại, huyện Đường Hào. Được ít lâu anh mất, để lại một đàn con nhỏ. Một mình nữ sĩ vừa dạy học vừa làm thuốc, để lấy tiền nuôi mẹ và giúp chị dâu nuôi con. Nhiều nhà giàu có, sang trọng đến hỏi, nhưng không có nơi nào xứng đôi. Mãi đến năm 37 tuổi bà mới kết duyên cùng ông Nguyễn Kiều. Họ Nguyễn là bậc tài ba nổi tiếng, đậu Tiến sĩ, làm Thị lang tại triều, tuổi 47 vừa góa vợ. Năm ấy là năm Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng triều Lê Hiển Tông (1742).
Nữ sĩ về nhà chồng sum họp được một tháng thì Nguyễn Kiều đi sứ sang Trung Hoa. Bà ở nhà coi sóc gia sự, xem con chồng như con đẻ, dạy dỗ thay bậc cha thầy. Ngót ba năm ông Kiều (1745) mới về. Được triều đình thăng thưởng và cho về  nghỉ ngơi. Từ ấy vợ chồng sum họp, hết lòng yêu quí nhau và đãi nhau như khách. Những lúc nhàn rỗi, thường cùng nhau xướng họa, văn chương được truyền tụng khắp nơi.
 
Năm Mậu Thìn (1748), Nguyễn Kiều được lệnh vào  làm Tham tri trấn Nghệ An. Có linh cảm rằng mình đi không lợi, nhưng bị ép, nữ sĩ phải theo chồng. Trên đường đi theo chồng bà bị cảm mạo và mất tại Nghệ An ngày 11 tháng 9 năm Mậu Thìn năm 1748, hưởng dương 44 tuổi.
Tác phẩm còn để lại:
- Tập Truyền Kỳ Tân Phổ bằng Hán văn chép những chuyện hoang đường của nước ta tiếp theo tập Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ. Ngoài các câu chuyện còn có những bài thơ do nữ sĩ sáng tác để mượn nhân vật trong truyện gởi gắm tấm lòng mình.
- Bản dịch cuốn Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, ra Song thất lục bát.
- Tập Truyền Kỳ Tân Phổ, phần quan trọng không phải ở nơi câu chuyện mà chính ở phần thơ vì câu chuyện là chuyện hoang đường được thuật lại, thơ mới là do Hồng Hà Nữ Sĩ sáng tác để mượn nhân vật trong câu chuyện nói giùm nổi lòng u uẩn của mình. Thơ rất hay và toàn theo thể Đường luật. Xin trích dẩn đôi bài.
HÀ XỨ THỊ TIÊN HƯƠNG
Lưu thủy phù vân lưỡng diếu mang
Bất tri hà xứ thị tiên hương?
Hư truyền Bồng Đảo kiền khôn biệt
Lãng huyết Đào Nguyên nhật nguyệt trường
Sở Quán Bạc Từ hoàn mộng huyễn
Thiên Thai Lạc Phố tổng hoang đường
Đương niên Tần Hán thành hà sự
Cô trủng hàn lăng chỉ tịch dương.
Nghĩa là:
Mây trôi nước chảy mịt mờ
Làng tiên ai biết bây giờ nơi nao?
Non Bồng cảnh sắc chiêm bao
Năm dài tháng rộng Động Đào chuyện không
Chùa Bạc Hậu, quán Vu Phong
Thiên Thai Lạc Phố cũng trong hoang đường
Ra gì mà đế mà vương
Gò côi lăng lạnh riêng nương bóng chiều.
HOÀI XUÂN
Dương liễu tùy phong đáo thượng phương
Thiên gian xuy hạ  phấn chi vương
Sơ sơ sơn tảo thanh mi đạm
Nhiễu nhiễu vân thâu thúy mính trường
Nhan mạo dã ưng đăng tử các
Phong lưu chỉ hiệp phối tài lang
Hà đương tịch mịch thư song tịch
Lưu bạn thanh quang tứ bửu phương.
Nghĩa là:
Gió liễu phương trời tha thướt bay
Phấn son non Nhược thổi về đây
Mày in nét đạm xa xa núi
Tóc trải làn xanh dợn dợn mây
Những ước mặt hoa lồng gác tía
Mà đem giá ngọc chuốc tài hay
Tình riêng vắng vẻ song đèn sách
Cầm bóng thanh quang bạn tháng ngày.
Vân vân… (2)
Tập Truyền Kỳ Tân Phổ chắc là nữ sĩ đã sáng tác trong lúc chồng sang sứ Trung Hoa. Hầu hết những thơ trong tập đều diễn tả niềm nhớ thương mong đợi của tài tử giai nhân.
Bản dịch Chinh Phụ Ngâm còn ở trong chỗ nghi vấn.
+ Có người cho là Chinh Phụ Ngâm do bà Nguyễn Thị Điểm, dịch chớ không phải bà Đoàn Thị Điểm
Nguyễn Thị Điểm sanh vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVII niên hiệu Chinh Hòa (1680-1705). Triều Lê Hi Tông. Anh bà là Nguyễn Trác Luân, làm ngự sử sau làm Đốc trấn. Đặng Trần Côn làm quan dưới quyền ông Luân. Do đó mà bà diễn Nôm Chinh Phụ Ngâm của họ Đặng; trong gia phả họ Đoàn chỉ ghi bộ Truyền Kỳ Tân Phổ mà không nói đến chuyện dịch Chinh Phụ Ngâm.
Trong Nữ Lưu Văn học sử của Sở Cuồng Lê Dư, soạn giả lại nói rằng “vì bà ưng ông Nguyễn Kiều nên đổi họ Đoàn làm họ Nguyễn”. Và lại nói: “Lúc bà tuổi đã  bảy mươi bảy còn qua lại nơi Kinh ấp, mở trường dạy học trò, thành đạt được vài mươi người”.
Ông Sở Cuồng đã nhập bà Đoàn và bà Nguyễn làm một.
Bà Đoàn sinh sau bà Nguyễn khoảng mười năm và bà Đoàn mất ở Nghệ An lúc 44 tuổi còn bà Nguyễn sống đến trên 80 và  lúc 78 tuổi còn ra giảng sách ở Kinh đô.
Hai bà có nhiều điểm giống nhau:
Tên đã trùng mà tên người anh cũng trùng.
Cũng đều hay chữ nổi tiếng và cũng đều có dạy học.
Cũng đều sống dưới thời vua Lê chúa Trịnh.
Chỉ khác nhau ở những điểm:
Bên họ Nguyễn bên họ Đoàn.
Chữ lót của hai ông anh khác nhau. Một bên là Nguyễn Trác Luân, một bên là Đoàn Doãn Luân và ông Luân họ Nguyễn làm quan đến Đốc trấn, ông Luân họ Đoàn chỉ là giám sinh và mất trước khi bà Đoàn có chồng.
Bà Đoàn mệnh yểu, bà Nguyễn lên đến thượng thọ.
Nhưng chưa tìm được tài liệu minh xác để minh định bà nào là dịch giả Chinh Phụ Ngâm.
+ Phần đông các nhà viết văn học sử đều công nhận rằng bà Đoàn Thị Điểm có dịch Chinh Phụ Ngâm. Bản Chinh Phụ Ngâm được lưu hành ngoài dân gian và được đem làm sách học ở học đường trong nước từ trước đến giờ, được coi là sản phẩm của bà Đoàn Thị Điểm. Nhưng gần đây giáo sư Hoàng Xuân Hản có tìm được đến 5 bản dịch Chinh Phụ Ngâm và bảo rằng bản bấy lâu lưu hành là của ông Phan Huy Ích, còn bản của bà Đoàn chưa được xác định là bản nào.
+ Các nhà học giả nói gì thì nói, phần đông người yêu văn chương vẫn công nhận bà Đoàn Thị Điểm là dịch giả Chinh Phụ Ngâm đã được lưu hành rộng rãi lâu nay, bản khởi đầu bằng những câu:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này…
Nguyên nhân dịch Chinh Phụ có hai:
Nhớ đến lời khích khí của bà mà họ Đặng cố gắng đến thành tài.
Mượn lời người chinh phụ nhớ chồng để gởi gắm nỗi lòng của bà đối với ông Nguyễn Kiều đi sứ Trung Quốc.
Tập Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn sáng tác theo lối tập cổ. Phần lớn các câu trong tập đều lấy ý hoặc phỏng theo thơ cổ của Trung quốc để diễn tả nỗi lòng của mình đối với thời cuộc. Phan Huy Ích nói về nguyên nhân sáng tác Chinh Phụ Ngâm: “Vì đầu đời Cảnh Hưng xảy việc binh đao, cảnh biệt ly của người đi chinh thú khiến Đặng Trần Côn cảm xúc mà làm ra khúc ngâm”. Nhờ có cảm xúc hiệp với học thức tài năng mới tạo nên một áng văn chương cao giá.
Bà Đoàn Thị Điểm nếu không có sẵn nỗi thương nhớ trong lòng thì dù tài đến đâu, học đến đâu cũng không thể có được những vần thơ có sức truyền cảm dồi dào như:
Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông nhau đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc phơi hằn núi xanh
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
Càng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngát một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? Vân vân…
Cái uy danh và công phu tìm kiếm của giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã làm cho một số học giả tin theo lời giáo sư họ Hoàng mà quả quyết rằng bản Chinh Phụ Ngâm diễn ca truyền tụng bấy nay là của Phan Huy Ích. Một số khác vẫn theo truyền thuyết cũ và bảo rằng văn Nôm họ Phan còn truyền thế vị nhạt chất khô, không thể nào có được những lời êm dịu xinh tươi. Họ Phan là một bậc hay chữ chớ không phải một nhà thơ. Ông dùng tài học ra làm thơ chớ không phải làm thơ vì cảm xúc, cho nên không rung cảm người đọc. Ông dùng tài học mà dịch Chinh Phụ Ngâm dịch vì “thấy bản dịch cũ không diễn được hết những tinh túy của nguyên tác”.
Nghĩa là Ông dịch thơ bằng trí chớ không bằng tâm, không phải vì cảm xúc mà dịch. Cho nên chắc chắn bản dịch của Phan Huy Ích không phải là bản truyền tụng xưa nay.
Chúng tôi vẫn tin rằng Hồng Hà Đoàn Thị Điểm là dịch giả bản Chinh Phụ Ngâm mà phần đông chúng tôi đã đọc và đã thuộc nhiều đoạn.
Chú thích:
(1) (2) Thơ trong tập Truyền Kỳ Tân Phổ của bà Đoàn Thị Điểm phần nhiều đã được chúng tôi dịch và đưa vào những tập Duyên Tiên, Hương Vườn Cũ, Việt Hán thi tuyển dịch.
Bồng đảo là Non Bồng, một trong 3 hòn đảo tiên ở trong biển Nhược Thủy không ai đến được vì nước biển quá nhẹ thhuyeenf đến đều bị chìm. Trong biển có 3 hòn đảo là Bồng Lai, Phương rượng, Doanh Châu.
Đào Nguyên: là nguồn đào. Chàng ngư phủ đất Ngũ Lăng trông thấy hoa dào trôi từng đám trên dòng sông bèn cho thuyền đi ngược dòng đến một dãy động mọc toàn cây đào, hoa nở hồng cả mặt nước. Ngư pgur vào động thấy người sống một cách vui vẻ an nhàn. Trở về cho bà con xpms àng biết và đưa người đến xem. Nhưng đến nơi thì cửa đọng đã bị lấp
Sở Quân là Quân Cao Đường nước Sở. Vua nước Sở đến chơi núi Vu Sơn, đêm ngủ nơi quán cao đường, mộng thấy thần nữ đến cùng chăn gối. Vua hỏi, thần nữ đáp “Thiếp là thần núi Vu Sơn, ngày làm mây tối làm mưa”. Do đó những tiếng “Vu Sơn” “Cao đường”, “Mây mưa”thường dùng để chỉ những việc thương yêu nhau ngoài lễ phép,
Bạc Từ: là đền thơ bà Bạc Hậu đời Hán. Ngưu Tăng Nhu đời Đường ra Trường An thi Tấn sĩ bị hỏng buồn bả trở về nhà. Trời tối chợt nghe mùi hương bay trong gíó, bèn lần bước đi về hướng phát xuất mùi hương, thì đến một ngôi đền nguy nga lộng lẫy. Hai giai nhân trang sức theo lối nhà Hán đứng đợi chàng nơi sân hoa.
-  Hoàng hậu đương đợi chàng.
Tăng Nhu theo hai nàng vào đền. Giữa đền bày tiệc lớn. Một người đàn bà dung nhan kiều diễm, đầu đội mũ miện, mình mặc áo gấm vàng, ngồi giữa. Bên tả bên hữu hai hàng mỹ nhân chừng vài chục người, thảy đều xinh đẹp sang trọng. Tăng Nhu được mọi người tỏ lòng mến phục. Người đàn bà chủ tọa nói:
-  Nhân đêm thanh khí trời ấm, rước chàng đến cùng xướng họa mua vui.
Rồi nhạc cử, tiệc thơ mở màn.
Tăng Nhu ham vui quá chén, say ngủ lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy thì vừng đông đã rạng, thấy mình đương nằm trên đống gạch vụn giữa đám bìm lau. Người địa phương cho biết rằng nơi đó ngày xưa có ngôi đền thờ bà Bạc Hậu đời nhà Hán. Đền cất lâu đời không người coi sóc, bị đổ nát, chỉ còn dấu nền cũ rêu phong.
Thiên Thai là dãy núi mà Lưu Thần Nguyễn Triệu đi hái thuốc ngày mồng năm tháng năm, gặp tiên cùng kết nghĩa vợ chồng. Được nẳ năm hai chàng nhớ nhà xin về thì cảnh cũ đã đổi thay, người trong vùng không ai nhận biết hai chàng là ai cả. Hai chàng buồn bả trở lại nơi xưa thì khói mây mờ mịt, lối về bửa trước không còn nhận biết là nơi đâu
Tần Hán là nhà Tần và nhà Hán.
Đại ý bài thơ nói rằng những chuyện thần tiên đều là chuyện hoang đường không đáng tin. Nhưng những chuyeennj có thực trên thế gian như chuyện vua Tần vua Hán chẳng hạn rốt cuộc cũng chẳng hơn gì những chuyeennj huyễn hoặc thần tiên
Trăm năm còn thấy gì đâu
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì
Hàm Dương: có ải Hàm Quan địa thế hiểm trở, ra vào khó khăn
Tiêu Tương: nơi phân nhánh của hai con sông Tiêu và Tương ở huyện Kim Lăng bên Trung quốc
Hàm Dương và Tiêu Tương thường dùng để chỉ nơi chia biệt nhau.
7. PHẠM LAM ANH
Vùng đất từ Đèo Ngang vào đến Đèo Cả đã thuộc lãnh thổ Việt Nam từ đời Lê Thánh Tông (1460-1497) nhưng việc học hành mãi đến hơn trăm năm sau mới được tổ chức dần dần. Đó là thời Trịnh Nguyễn phân tranh (1600-1786). Đất nước chia làm hai, từ Đèo Ngang trở ra gọi là Đàng Ngoài thuộc quyền chúa Trịnh, từ Đèo Ngang trở vô gọi là Đàng Trong thuộc quyền chúa Nguyễn. Chính chúa Nguyễn đã tỏ chức việc học hành ở Đàng Trong.
Khoa thi đầu tiên mở ở Đàng Trong là khoa Đinh Hợi (1647).
Từ ấy người Đàng Trong mới đua nhau học.
Bên phái nữ người nổi tiếng nhất trong thời toàn thịnh của chúa Nguyễn tương truyền là bà Phạm Lam Anh.
Bà Phạm Lam Anh nhũ danh là Khuê, người huyện Diên Phúc tỉnh Quảng Nam. Cụ thân sinh là Phạm Hữu Kính làm cai bạ thời chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777).
Tư chất thông minh, học rộng thơ hay, tự hiệu là Ngâm Si.
Chồng bà là Nguyễn Dưỡng Hiệu, người huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), cũng có tài văn học. Vợ chồng rất tương đắc, những lúc nhàn hạ thường lấy việc xướng họa với nhau làm vui. Danh tiếng nổi một thời, danh sĩ Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài đều ngưỡng mộ. 
Tác phẩm còn truyền thế có tập Chiến Cổ Đường Thi trong đó bài Vịnh Khuất Nguyên có câu:
Cô phẩn khí thành thiên khả vấn
Độc tinh nhân khứ quốc cơ không
Nghĩa là:
Khí uất riêng thành trời khá hỏi
Người ngay một khuất nước còn chi.
Được hầu hết những người biết chữ Hán ở Nam, Nghĩa, Bình, Phú đều thuộc nhập tâm.
Bà cũng rất giỏi về quốc âm. Có bài Cảnh Gần Sáng được truyền tụng:
Một giải thương lang lộn mắt mèo (1)
Xóm chài mới dậy đuốc leo heo
Lằn kêu thức chúa chầu sân phụng (2)
Gà gáy khuyên chồng dỏi dấu cheo (3)
Ải sói Thường Quân vừa cất bước (4)
Thuyền tên Gia Cát vội phăn neo (5)
Phương đông chửa lố vừng con ác
Cửa Khổng nho sinh nhóm tựa bèo.
Bài này bà làm lúc còn trẻ.
Truyền rằng trong hạt mở cuộc thi thơ treo giải thưởng. Đề bài “Vịnh Cảnh Gần Sáng”, hạn vận “Mèo Heo Cheo Neo Bèo” và buộc mỗi câu phải có tên một con vật. Người dự thi có trên trăm, nhưng trúng tuyển không được chục. Bài bà được chấm đậu đầu. Khi đem ra bình, bị “sĩ tử” phản đối vì câu 6 và câu 8 thiếu tên vật. Bà cãi: 6, 8 thiếu nhưng 3, 4 thừa (lằn, phụng, gà, cheo). Đem chỗ thừa bù chổ thiếu. Vẫn nhập cách như thường.
Lý có phần cưỡng, nhưng những bài trúng tuyển phần nhiều đều khiếm ý. Đề là Vịnh Cảnh Gần Sáng mà phần đông bỏ sót ý gần mà chỉ đua nhau vịnh cảnh trời sáng. Lại thêm bài nào cũng bị trường qui bó buộc mà hoặc vận bị ép, hoặc câu ngượng ngập, lời lúng túng, không bài nào vượt nổi bài của bà. Rốt cuộc bà vẫn đoạt giải nhất. Và câu chuyện trở thành giai thọai trong làng thơ.
Phạm Liệu một trong bốn tay hay chữ nổi tiếng đất Quảng Nam, triều thành Thái (6) thường nói rằng:
Trong giới nữ lưu từ trước đến giờ không có ai thơ hay bằng bà Phạm.
Tiếng hay thơ của bà bay sang tận Trung quốc và danh sĩ Trung quốc đã từng mượn bà đem vào thơ để tặng Diệu Liên công chúa, con gái vua Minh Mạng:
Nguyệt Đình Huệ Phố tài danh thạnh
Cảnh thuyết thi viên hữu Phạm Hồ.
Nghĩa là:
Nguyệt Đình Huệ Phố danh thơm nổi
Thêm ngát vườn thơ có Phạm Hồ (7)
Khởi duy tài điệu siêu Hồ Phạm
Ban Tạ ư kim hữu thế nhân (8)
Nghĩa là:
Tài cao há chỉ hơn Hồ Phạm
Ban Tạ ngày nay vẫn có người
Như thế chứng tỏ rằng văn chương bà Phạm đã vượt không gian và thời gian: Văn chương bất hủ.
Rất tiếc chưa có người sưu tầm để phổ biến.
Quảng Nam đã nối danh là “đất hay chữ”. Đã có lần đậu một lượt đến ba tiến sĩ, 2 phó bảng, được quan Tổng đốc Nam Nghĩa là Đào Tấn cho thêu một lá cờ đề bốn chữ “Ngũ Phụng Tề Phi” để rước (9), lại một lần khác khoa hương và khoa hội đậu đến 28 người, thi nhân gọi là “Nhị Thập Bát Tú” (10)
Bậc hay chữ thì nhiều, song bên nữ giới chỉ nghe tiếng có bà Phạm Lam Anh. Một ngôi sao mai chói lọi, sao các nhà viết văn học sử ít lưu tâm?
Chú thích:
Bài thơ Cảnh gần Sáng có nhiều sách chép là của Phan Văn Trị. Lại có người bảo là của Phạm Liệu. Chúng tôi theo gia đình.
(1) Thương Lang tên một khúc sông đã dùng làm tên một khúc hát
Thương Lang chi thủy thanh hề, khả dĩ trạc ngã anh
Thương Lang chi thủy trọc hề, khả dĩ trạc ngã túc
(Nước Thương Lang trong thì ta giặt giải mũ
Nước Thương Lang đục thì ta lại rửa chân)
Trong bài thơ dùng làm danh từ chung có nghĩa là khúc sông.
(2) Lằn kêu: Mượn ý Kinh Thi khen vợj vua nghe tiếng lằn kêu bảo là tiếng gà gáy, vội thức chồng dậy ra triều kẻo bá quan đợi.
(3) Gà gáy: Cũng chữ trong Kinh Thi thác lời vợ gọi chồng dậy sớm để đi săn.
(4) Thường quân: Mạnh Thường Quân đi lánh nạn, đợi trời sáng ải mở cửa thì bị người đuổi theo kịp. Có người trong đoàn giả tiếng gà gáy. Gà quanh ải gáy theo. Quân giữ ải tưởng trời đã sáng vội mở cửa ải. Nhờ vậy mà Thường Quân qua được ải trước khi quân thù đến.
(5) Gia Cát là Gia Cát Lượng tức Khổng Minh. Muốn lấy tên của Tào, Khổng Minh nhân đêm có mù cho thuyền ra sông nổi trống. Quân Tào tưởng giặc đến, nhưng không dám ra vì mù nhiều quá, cứ đứng trên bờ bắn tên xuống rào rào. Trên thuyền Khổng Minh đã bện những hình nộm bằng rơm để hứng tên. Trời chưa sáng mà tên đã đầy thuyền. Thuyền vội trở vào bến với tên lấy được
(6) Bốn tay hay chữ nổi tiếng đất Quảng Nam triều Thành Thái là "nhất Liệu nhì Hanh tam Hoành tứ Cáp".
Phạm Liệu đậu tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898)
Huỳnh Hanh tức Huỳnh Thúc Kháng đậu Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1904)
Võ Hoành đậu Phó bảng khoa (?)
Trần Quí Cáp đậu Tiến sĩ đồng khoa với Huỳnh Thúc Kháng (1904)
(7) Diệu Liên công chúa, con gái vua Minh Mạng, em Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương.
Nguyệt Đình và Huệ Phố là hai công chúa, chị Diệu Liên, cả ba chị em đều nổi tiếng hay thơ, nhưng Diệu Liên được nhiều thi gia ca ngợi.
Sẽ nói nhiều về Diệu Liên công chúa ở chương sau.
(8) Ban Tạ là Ban Chiêu đời Hán em Ban Cố. Anh làm chưa xong bộ Hán thư thì mất, bà nối tiếp làm trọn bộ.
Và Tạ Đạo Uẩn đờì Tấn có thơ vịnh tuyết được lưu truyền.
(9) Ngũ phung Tề Phi là 5 con chim phụng cùng bay ngang nhau. Đó là:
Phạm Liệu đậu tiến sĩ 27 tuổi
Phan Quang đậu tiến sĩ 27 tuổi
Phạm Tuấn đậu tiến sĩ 40 tuổi
Ngô Truân đậu phó bảng 26 tuổi
Dương Hiển Tiến đậu phó bảng 33 tuổi
Khoa này (Khoa Mậu Tuất 1898) Đào Nguyên Phổ, 38 tuôi đậu hoàng giáp
(10) Nhị thập bát tú là 28 ngôi sao sáng
Trong số này có Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp
Khoa này (Giáp Thìn 1904) có xảy ra một chuyện lý thú
Hội thi thì cụ Huỳnh đậu hội nguyên, cụ Trần đậu thứ nhì, cụ Đặng Văn Thụy ở Nghệ An đậu chót.
Nhưng vào đình thí thì cụ Đặng lại đậu Đình nguyên, cụ Trần đậu thứ nhì, cụ Huỳnh lọt xuống thứ ba. 
Cụ Trần chỉ đậu tú tài nhưng được đặc cách thi hội.
 Nha Trang cuối đông năm Giáp Dần 12/1974
Quách Tấn
Nguồn: Nhà xuất bản Phụ Nữ - 1998
Theo http://dinhquat.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...