Kim Dung giữa đời tôi 5
Nhân vật Kim Dung đi tìm công lý
Thật không thể nói tới hai chữ công lý trong các chế độ quân chủ ở Trung Quốc.
Cái đất nước ấy quá rộng lớn, quá nhiều sắc dân, chủng tộc, ngôn ngữ. Ngay
trong các thời kỳ được xem là thái bình thịnh trị nhất cỡ như thời Hồng Vũ
(Minh), Khang Hy (Thanh) các nhà vua vẫn không thể kiểm soát hết được các hoạt
động của quan lại địa phương; một bộ phận dân chúng vẫn sống trong sự áp bức,
bóc lột, bách hại của quan lại tham ô và ác bá thổ hào. Những câu mà người ta
hay nhắc đến trong sách truyện như “thánh chúa trị vì, muôn dân hát khúc
âu ca” gì gì đó toàn là những lời láo toét. Tiểu thuyết hai triều đại Minh
- Thanh thường có những lời láo toét đó.
Kim Dung viết khác hơn các bậc tiền bối của ông. Điều may mắn của ông là sinh
ra ở thế kỷ XX, khi chế độ quân chủ Trung Hoa đã cáo chung, không phải như các
bậc tiền bối phải khép mình trong vương pháp. Điều may mắn thứ hai là ông khai
sinh ra một bọn hào sĩ giang hồ ba trợn, đứng trên và đứng ngoài vương pháp.
Tuy vương pháp các triều đại có đó, tuy các môn phái và các hào sĩ giang hồ vẫn
đóng trên lãnh thổ Trung Quốc nhưng việc hành xử ân oán là quyền riêng của họ,
không phải tuân thủ theo một quy phạm nào của pháp luật các triều đại. Bọn hào
sĩ giang hồ của Kim Dung đi tìm cho mình một thứ pháp luật riêng cho mình, một
thứ công lý riêng cho mình.
Kiều Phong (tức Tiêu Phong), nhân vật lớn trong Thiên Long bát bộ, thuở
còn là đứa bé lên mười, đã đột nhập nhà của một tên ác bá cướp đoạt hết số tiền
của mẹ mình, giết lão ác bá ấy trong phòng ngủ. Về sau, khi biết mình là người
Khất Đan, Kiều Phong đã kể chuyện ấy cho cô bạn gái A Châu nghe và hỏi cô hành
vi giết người ấy có phải là tính cách tiêu biểu bẫm sinh của dòng máu Khất Đan
tàn bạo hay không. Ở một chừng mực nào đó, đứa bé lên mười đã biết đòi công lý
theo kiểu của nó: mẹ của nó thì nghèo, lao động vất vả để có một mớ rau, vài
con gà đem bán thì gã ác bá không thể cưới hết số tiền nhỏ nhoi đầy mồ hôi, nước
mắt của bà được. Công lý được thể hiện nhanh gọn, tàn bạo và lạnh lùng.
Về căn bản, công lý đối với các nhân vật trong tác phẩm Kim Dung chỉ đơn giản
là sự trả thù. Bọn người Hán phục kích trên mõm đá ngoài Nhạn Môn Quan chỉ giết
được vợ của Tiêu Viễn Sơn (mẹ Tiêu Phong). Tiêu Viễn Sơn ẩn nhẫn sống, học võ
công và giết chết Bạch Thế Kính, Huyền Khổ đại sư, Đàm công, Đàm bà, Triệu Tiền
Tôn, gia đình Đơn Chính… Vốn là một xã hội hiếu võ, người Trung Quốc coi hành động
báo thù huyết hận là sự thể hiện của bản chất anh hùng, hảo hán. Họ phải thực
hiện hành động báo thù ấy bởi vương pháp không trả lại được cho họ sự công bằng
mà họ hằng mong muốn. Bao Công của đời Tống chỉ là một nhân vật đột xuất. Vả
chăng, phạm vi xét xử, điều tra của ông chỉ gói gọn trong khu vực kinh thành Biện
Lương. Dẫu có tài giỏi đến đâu đi nữa, ông cũng không thể nghe hết được tiếng
kêu trầm thống của những người bị áp bức, bóc lột, chà đạp trên lãnh thổ do Tống
triều cai trị.
Bọn hào sĩ giang hồ của Kim Dung coi vương pháp không ra gì, từ đó hình thành
não trạng coi thường quan lại, coi thường chính quyền địa phương. Trong Tiếu
ngạo giang hồ, có đoạn Lưu Chính Phong định rửa tay gác kiếm để làm một chức
quan nhỏ của triều đình. một viên quan địa phương đến tuyên thánh chỉ trong lúc
quần hùng tụ họp đông đủ ở Lưu phủ. Mọi người đều tỏ vẻ khinh khi viên quan,
khinh khi luôn cả Lưu Chính Phong. Cũng vẫn với não trạng ấy, Lệnh Hồ Xung đã
đánh đập, cướp hết tiền bạc, vũ khí, con ngựa và điệp văn bổ dụng của Ngô Thiên
Đức, tham tướng phủ Thương Châu để tự mình mạo xưng là Ngô Thiên Đức. Lệnh Hồ
Xung còn tổ chức cho bầy nữ ni của phái Hằng Sơn đánh bọn quan quân để cướp ngựa,
đánh nhà một gã trọc phú chuyên cho vay nặng lãi để cướp bạc làm lộ phí. Chuyện
nữ ni tổ chức ăn cướp có lẽ là chuyện thế gian hãn hữu. Ấy vậy mà các ni cô
phái Hằng Sơn làm được và đạt kết quả mỹ mãn mới là hay!
Khi đất nước Trung Quốc bị xâm lược, bọn hào sĩ giang hồ của Kim Dung coi kẻ
xâm lược và chính quyền quân chủ trung Quốc (còn trị vì ở một phần lãnh thổ) đều
là kẻ thù. Quách Tĩnh đoạt binh phù viên tường cai trị thành Tương Dương, tổ chức
nhân dân giữ thành trì, đánh quân Mông Cổ; Trương Vô Kỵ hiệu triệu quần hùng
trên chùa Thiếu Lâm, tổ chức cho Minh giáo khởi nghĩa đoạt chính quyền để chống
quân Mông Cổ xâm lăng tại Hoài Tứ là những cuộc bạo loạn lớn; được mô tả
trong Thần điêu hiệp lữ và Ỷ thiên Đồ long ký. Cái khác biệt của
hai cuộc khởi nghĩa này là họ không ủng hộ một ông vua trung Quốc nào cả. Chính
quyền ở đây là một dạng chính quyền nhân dân, người chủ xướng là người có bản
lĩnh võ công trác việt. Họ không hướng tới mục tiêu xương vương, xưng tướng. Họ
chỉ vì dân mà giữ thành, đánh giặc xâm lăng. Vậy thôi! Nhìn dưới nhãn quan
chính trị thì đây là những tổ chức ô hợp, vô chính phủ. Nhưng bởi quan quân nhà
Tống bất lực nên họ phải nổi dậy cướp chính quyền. Cái cơ bản của họ là cứu dân
kịp thời; công hay tội cứ để người đời sau nhận định.
Ai cũng ca ngợi vua Càn Long nhà Thanh, gọi Càn Long là một vị minh quân thánh
chúa. Thế nhưng, trong tác phẩm Phi hồ ngoại truyện, ta bắt gặp những thảm
kịch của người nông dân bị bọn quan lại tham ô cấu kết với bọn địa chủ, bọn cường
hào ác bá bóc lột, chèn ép, cưỡng đoạt tài sản, vu khống, giết hại… Tiểu anh
hùng Hồ Phỉ và cô bạn gái là Viên Tử Y giữa đường gặp chuyện bất bằng đã ra tay
trừng trị những kẻ ác, cứu người lương thiện. Pháp luật nhà Thanh không trả lại
được cho nông dân sự công bằng thì Hồ Phỉ và Viên Tử Y trả lại. Họ đánh phá vào
tận công đường, tận tư gia của quan lại và bọn cường hào, bắt chúng phải thú nhận
tội lỗi công khai trước dân, lấy lại tài sản mà người dân đã mất trả lại cho
dân. Kim Dung gọi hành động đó là duy trì công đạo - một hình thức đi tìm công
lý không thông qua pháp luật mà chỉ sử dụng bạo lực và võ công. Cần lưu ý một
điều là nếu không có võ công thì không thể hành hiệp cứu đời được. Võ công được
coi là phương tiện cần và đủ để thực hiện công lý.
Đọc tác phẩm Kim Dung, người ta cũng có được cái sảng khoái, cái thỏa mãn như
xem phim về các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của Bao Công. Điều khác biệt
duy nhất là Bao Công dùng pháp luật để trừng trị kẻ gây ra tội ác thì bọn hào
sĩ giang hồ của Kim Dung dùng võ công để trừng trị. Việc duy trì công đạo trong
tác phẩm Kim Dung hoàn toàn cảm tính. Nó được đặt cơ sở trên lòng khao khát
công bằng, tôn trọng sự thật; không liên hệ đến một điều, một khoản nào trong
các bộ hình luật của các chế độ quân chủ Trung Quốc. Chính điều này làm cho tác
phẩm Kim Dung có chiều sâu, có sức hút đối với bạn đọc. Tự thâm tâm, ai cũng mơ
ước sự công bằng. Tự thâm tâm ai cũng căm ghét bọn tham quan, bọn cường hào ác
bá. Cho nên, ai cũng cảm thấy vừa ý khi chúng bị trừng trị, và càng bị trừng trị
mạnh, càng tốt.
Bởi chán ngán vương pháp nên Kim Dung để cho các nhân vật chủ đạo trong tác phẩm
của mình tự do thực hiện quyền kêu đòi công lý, một thứ công lý báo thù. Hành
vi báo thù ấy nhiều khi rất bất nhân, khiến người ta không khỏi căm giận. Nhưng
biết sao được? Nó vốn là những hiện thực bình thường của xã hội quân chủ ở
Trung Quốc ngày xưa. Cái đất nước ấy rất lạ lùng: một ông Lưu Bang được khen là
chân mạng đế vương nhân đức dù đã ra lệnh cho thuộc hạ chôn sống hai chục vạn
hàng binh nước Sở; một ông Hạng Võ bị coi là ngụy tặc, tàn bạo nhưng vẫn đứng
ra đề nghị kẻ thù tha chết cho mươi người dân Giang Đông còn lại đi theo mình rồi
tự hiến đầu mình cho kẻ thù đem về lãnh thưởng. Cái đất nước ấy có một ông Tào
Tháo sẵn sàng giết người rồi lại ôm kẻ bị mình giết giết than khóc rùm trời,
bày tỏ lòng thường tiếc. Chân và giả, đúng và sai là cái gì hết sức tương đối.
Những vụ án tình báo gián điệp trong tiểu thuyết võ hiệp Kim
Dung
Trước hết, khái niệm vụ án tình báo gián điệp là khái niệm mới mẻ của thời đại
chúng ta. Tuy nhiên, như Kim Dung tiên sinh đã nói chuyện với báo giới Đài Loan
ngày 18/4/1994 thì “Tiểu thuyết là viết cho người hiện đại đọc, kể cả tôi
cũng hiện đại”. Điều này có nghĩa là tất cả mọi khái niệm hiện đại đều có thể
có trong tác phẩm võ hiệp của tiên sinh dù những tác phẩm ấy hư cấu về sinh hoạt
của giới võ lâm, sống trước thời đại chúng ta trên ba thế kỷ. Cho nên, chúng ta
không ngại khi đề cập đến những vụ án tình báo - gián điệp trong tác phẩm của
tiên sinh, và điều này hoàn toàn tự nhiên không thể coi là khiên cưỡng.
Vụ án đơn giản nhất nhưng cũng lạ lùng nhất là vụ án đầu độc trong Liên
thành quyết. Đinh Điển là một hào khách võ lâm, thương yêu cô tiểu thư trong trắng,
con gái một viên tri phủ. Viên tri phủ đầy tham vọng, muốn chiếm cho được bộ Liên
thành quyết mô tả đường đi tìm một kho báu mà chưa ai khám phá nổi. Và hắn
dùng con gái làm một miếng mồi, quyết “câu” cho được Đinh Điển. Đinh Điển nhớ
người tình, đã tự đem thân mình là một tên trọng phạm trong nhà lao của viên
tri phủ. Đêm đêm, với bản lĩnh kinh người, anh vượt lao lung đến thăm và nói
chuyện với người yêu. Cô gái nhân hậu biết Đinh Điển yêu hoa nên đặt trước cửa
phong mình một chậu hoa tươi để ngày ngày, Đinh Điển được nhìn thấy màu hoa. Thế
rồi, một ngày kia Đinh Điển chợt khám phá ra chậu hoa đã tàn. Biết là có việc
chẳng lành xảy ra với người yêu, anh phá lệ tìm đến dinh tri phủ. Hóa ra cô tiểu
thư đã chết. Người anh hùng ôm lấy quan tài khóc sướt mướt thì bị trúng độc. Té
ra, viên tri phủ gian ác đã bức tử cô con gái xinh đẹp của mình. hắn biết mình
không địch lại Đinh Điển và thế nào Đinh Điển cũng đến ôm quan tài khóc nên đã
bôi thuốc độc lên khắp quan tài, đầu độc và khống chế Đinh Điển. Vụ án khá đơn
giản nhưng mưu mô quả rất thâm hậu, thể hiện bản lĩnh, trình độ xây dựng chất “hình
sự gián điệp” trong tác phẩm Kim Dung.
Mỗi bộ tác phẩm của Kim Dung thường có nhiều vụ án và các vụ án ấy kết hợp với,
ăn khớp với nhau một cách tài tình khiến người đọc không thể bỏ được tác phẩm,
không thể bỏ được một chương hồi nào. Xây dựng tác phẩm trên nền tảng những vụ
án là một biệt tài của Kim Dung. Nhưng cái biệt tài cao nhất - theo tôi - là
tiên sinh đã nắm tay người đọc đi từng bước vào trong những pho sách đồ sộ của
mình một cách tự nhiên đến nỗi khi đọc xong tác phẩm, ta mới khám phá ra mình
đã đọc tiểu thuyết hình sự - gián điệp.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung xây dựng một nhân vật làm gián điệp rất
tài tình. Đó là Lao Đức Nặc, đệ tử phái Tung Sơn được chưởng môn Tả Lãnh Thiền
“cấy” vào nằm vùng trong nội bộ phái Hoa Sơn để do thám những âm mưu của chường
môn Hoa Sơn Nhạc Bất Quần. Lao Đức Nặc đã già nhưng vẫn gọi chàng thanh niên Lệnh
Hồ Xung là Đại sư huynh. Nước cờ của Tả Lãnh Thiền đã cao nhưng đòn phản gián của
Nhạc Bất Quần còn cao hơn. Nhạc Bất Quần nhận Lao Đức Nặc làm đệ tử và ra lệnh
cho gã giám sát Lệnh hồ Xung để tìm ra bộ Tịch tà kiếm phổ. Thực sự bộ kiếm
phổ ấy đã lọt vào tay Nhạc Bất Quần và Nhạc ung dung “dẫn đao tự cung” để
luyện, mong chờ một ngày trấn áp quần hùng bốn phái Tung Sơn, Thái Sơn, Hành
Sơn, Hằng Sơn để lên ngôi chưởng môn Ngũ Nhạc kiếm phái. Nhạc còn chơi trò độc
chiêu khác: sao ra một bản Tịch tà kiếm phổ giả, tạo điều kiện cho
Lao Đức Nặc ăn cắp để đưa về cho Tả Lãnh Thiền. Tả Lãnh Thiền quả mắc mưu họ Nhạc,
cũng ung dung luyện kiếm phổ giả, mơ một ngày trấn áp quần hùng. Cho đến khi Nhạc
chắc chắn mình đã đủ bản lĩnh, trong đại hội Ngũ Nhạc kiếm phái, Nhạc Bất Quần
đã đem kiếm pháp thật đấu với kiếm pháp giả của Tả Lãnh Thiền, đâm mù đôi mắt địch
thủ, lên làm minh chủ Ngũ Nhạc!
Đòn phản gián của Nhạc Bất Quần cực kỳ tinh vi nhưng có một người khám phá ra
được. Đó là Ninh Trung Tắc, vợ Nhạc Bất Quần. Bà ngủ bên cạnh chồng, cảm thấy lạ
lùng vì chồng sao nhãng chuyện chăn gối (?), mỗi sáng lại thấy râu chồng rụng
trong chăn, nghe tiếng nói của chồng đã đổi âm sắc trở thành eo éo. Đó là những
biểu hiện của một người đàn ông bị biến đổi phái tính. Bà biết chồng đã tự thiến
để luyện Tịch tà kiếm phổ nhà họ Lâm, đồng thời vu cáo cho Lệnh Hồ
Xung ăn cắp bộ kiếm phổ này. Bà khuyên chồng nên vứt chiếc áo cà sa chép bộ kiếm
phổ ấy xuống khe núi Hoa Sơn. Chiều ý vợ, Nhạc Bất Quần đã làm theo.
Đến đây thì nhân vật gián điệp thứ hai xuất hiện. Đó là tên tiểu tử Lâm bình
Chi. Lâm nghi ngờ sư phụ đã ăn cắp được bộ kiếm phổ nhà mình và đêm nào, y cũng
đến rình mò bên cạnh phòng ngủ của vợ chồng Nhạc Bất Quần. Khi Nhạc vứt chiếc
áo cà sa đi, y đã nhanh chóng chộp lấy được và cũng “dẫn đao tự cung” để
nhanh chóng luyện Tịch tà kiếm phổ. Một ngày Nhạc Bất Quần kiểm tra khe
núi, không thấy chiếc áo cà sa đâu, nghi ngờ chính Lâm đã lấy lại được kiếm phổ.
Lão đi tiếp một nước cờ khác rất cao: gả Nhạc Linh San cho Lâm Bình Chi. Từ khi
lấy vợ, Lâm vẫn ngủ riêng, Nhạc Linh San mang tiếng có chồng nhưng chưa hề biết
đến chuyện mặn nồng chăn gối. Nhạc Bất Quần thường hỏi con gái chuyện sinh hoạt
ăn ở với chồng ra sao, Nhạc Linh San đành nói dối với cha rằng cuộc sống lứa
đôi của cô rất hạnh phúc. Chính lời nói dối ấy đã cứu được mạng của Lâm Bình
Chi vì rằng nếu cô nói thật, Nhạc bất Quần sẽ khám phá ra được ngay chàng rể
đã “dẫn đao tự cung” và sẽ giết Lâm trước khi Lâm có thể luyện thành
công Tịch tà kiếm phổ.
Những mưu mô, diễn tiến của vụ án “Tịch tà kiếm phổ” được viết một
cách hết sức tinh vi. Toàn bộ vụ án gián điệp - phản gián này chỉ có thể được
kiểm chứng rõ ràng khi Lệnh Hồ Xung phất tay vào nơi hạ bộ của “sư phụ” xác nhận
thực sự là Nhạc Bất Quần đã trở thành “thái giám”. Đến khi đó thì Lệnh Hồ Xung
mới nhận ra được con người mình kính ái nhất trên đời - sư phụ Nhạc bất Quần -
chỉ là một ngụy quân tử, một kẻ đầy tham vọng và thủ đoạn gian manh.
Một vụ án nữa với kịch bản thật tuyệt vời đưa độc giả đi từ ngạc nhiên này đến
ngạc nhiên khác là vụ giải thoát Nhậm Ngã Hành, giáo chủ Triệu Dương thần giáo,
bị giam giữ dưới đáy Tây Hồ. Hướng Vân Thiên, Quang minh hữu sứ của Triệu Dương
thần giáo, kết bạn với Lệnh Hồ Xung. Hắn đặt tên mới cho Lệnh Hồ Xung là Phong
Nhị Trung. Hắn bọc trong người nào là Bút thiếp, tranh họa, kỳ phổ và rủ Phong
Nhị Trung đi chơi ở Cô Mai sơn trang, Tây Hồ, nơi trú ngụ của Giang Nam tứ hữu.
Đến nơi, hắn khoe bút thiếp, tranh họa, kỳ phổ và cả bản cầm phổ, tiêu phổ hợp
tấu Tiếu ngạo giang hồ của “Phong Nhị Trung” ra rồi đánh cuộc trong
sơn trang không ai có thể đánh lại kiếm pháp của Phong Nhị Trung, truyền nhân của
Phong Thanh Dương, sư thúc tổ phái Hoa Sơn. Quả nhiên, cả Giang Nam tứ hữu
không địch lại được Độc Cô cửu kiếm của Phong Nhị Trung. Và Hướng
nhanh chóng ra bộ dẫn Phong Nhị Trung kiếu từ.
Tứ hữu vội vàng cản lại và cho biết có người có thể địch lại Phong Nhị Trung. Đến
lúc đó, Hướng mới nhét vào tay Lệnh Hồ Xung một vật tròn tròn, cứng cứng và dặn
đưa cho người đó. Lệnh Hồ Xung một mình được đưa xuống nhà lao dưới đáy Tây Hồ,
đưa vật ấy cho người bị giam giữ và bị người ấy kéo vào trong nhà lao, dùng thần
công làm cho bất tỉnh, hóa trang thành Lệnh Hồ Xung rồi ung dung thoát ra khỏi
địa lao sau khi đã nhốt Lệnh Hồ Xung lại. Người đó chính là giáo chủ Nhậm Nhã
Hành và cái vật kia chính là một mũi cương ty nhằm cưa đứt xiềng khóa cho y. Hướng
Vân Thiên đã dàn một kịch bản hoàn chỉnh vô tiền khoáng hậu để cứu giáo chủ.
Sau đó, y cùng giáo chủ trở lại để trừng trị bọn Giang Nam tứ hữu - phe phản đồ
của Triệu Dương thần giáo - và giải cứu Lệnh Hồ Xung ra khỏi địa lao. Chất hình
sự trong vụ án này thật đậm đặc nhưng rất hợp lý khiến ngay cả người đọc tinh tế
nhất cũng không nhận ra được những âm mưu sâu sắc của Hướng Vân Thiên. Những
chương này trong Tiếu ngạo giang hồ còn hay hơn những pha tấn công
vào trai giam của bọn Mafia nhằm cứu các ông trùm ma túy ở Italia hay Colombia
trong thời đại chúng ta.
Tác phẩm võ hiệp tiều thuyết của Kim Dung cũng xây dựng những nhân vật nữ gián
điệp xuất sắc mà một nhân vật tiêu biểu là Tiểu Siêu (Ỷ thiên Đồ long ký). Tiều
Siêu nguyên là cô gái lai, cha là Hàn Thiên Diệp, người Hán, mẹ là Đại Ỷ Ty,
lai Ba Tư. Mẹ cô là Thánh nữ Bái hỏa giáo Ba Tư nhận lệnh sang “nằm vùng” trong
Minh giáo Trung Hoa để đánh cắp Càn khôn đại nã di tâm pháp. Thế nhưng, bà đã
yêu Hàn Thiên Diệp và vi phạm lời khấn nguyện của một thánh nữ. Sợ bị bắt tội,
bà tìm cách “cấy” con gái mình vào nội bộ Minh giáo còn bản thân thì thay hình
đổi dạng, làm một người phụ nữ xấu xí tên là Kim Hoa bà bà.
Tiểu Siêu đã đóng vai gián điệp một cách xuất sắc. Quang minh tả sứ của Minh
giáo là Dương Tiêu bắt gặp cô ngồi khóc trên sa mạc, thương tình đem về nuôi để
hầu hạ cho con gái mình là Dương Bất Hối. Tiểu Siêu trong vai một nữ tỳ xấu xí
đã khám phá ra con đường hầm dưới lòng Quang Minh Đính, thường ra vào để tìm bản
di cảo Càn khôn đại nã di tâm pháp. Dương Tiêu là một nhân vật tinh tế. Y biết
cô bé này có âm mưu nhưng âm mưu ấy là gì thì y không rõ. Y đã dùng xích sắt xiềng
chân Tiểu Siêu để mỗi khi cô đi đến đâu, tiếng leng keng vang lên đến đó. Vụ án
gián điệp của Tiểu Siêu sẽ không lộ bí mật nếu không có một ngày cô phải chia
tay với Trương Vô Kỵ. Cô đã thú nhận mục đích “nằm vùng” nhưng vì tình yêu, cô
hứa sẽ không bao giờ đem nội dung tâm pháp ấy truyền lại trên đất Ba Tư. Xa
Trương Vô Kỵ về Ba Tư làm giáo chủ Ba Tư, cô cảm thấy cuộc đời cực kỳ vô vị.
Cũng trong Ỷ thiên Đồ long ký, còn có một vụ án gián điệp rất lớn mà người
thực hiện là Thành Khôn, sư phụ Tạ Tốn. Ghen tức với Dương Đỉnh Thiên, giáo chủ
Minh giáo, đã lấy mất người sư muội yêu dấu, hắn thề sẽ phá nát Minh giáo để thỏa
mãn mối hận tình. Hắn giả uống rượu say, làm nhục và giết cả nhà đồ đệ mình là
Tạ Tốn, biến Tạ Tốn từ một kẻ có lương tri trở thành một tên cuồng sát. Rồi hắn
trốn vào chùa Thiếu Lâm, giả dạng làm sư với pháp danh Viên Chân, kích động
phái Thiếu Lâm cầm đầu các môn phái bao vây và tấn công Quang Minh Đỉnh để tiêu
diệt Minh giáo - một lực lượng yêu nước kháng Nguyên. Hắn đã đặt sẵn thuốc nổ
trên Quang Minh Đỉnh để tiêu diệt luôn các môn phái. Có thể nói Thành Khôn (hay
Viên Chân) là một gián điệp có nghiệp vụ số một trong những tay gián điệp mà
Kim Dung xây dựng nên.
Tùy theo những thời gian khác nhau, căn cứ vào những sự kiện lịch sử có thật,
Kim Dung xây dựng những vụ án trên cơ sở các cuộc đấu tranh, khuynh loát lẫn
nhau giữa các thế lực thù địch, các quốc gia lân cận Trung Quốc. Những vụ án
như vậy kéo dài qua 30, 40 năm, diễn biến theo suốt chiều dài cuốn truyện. Và
chính ở đây, nổi bật lên tài năng gây dựng, bố trí nhân vật của Kim Dung.
Thiên Long bát bộ là một bộ truyện lấy bối cảnh lịch sử là triều Tống. Khởi
đầu, người đọc bắt gặp hình ảnh của đại sư Thổ Phồn Cưu Ma Trí, có võ công tuyệt
luân, đến Đại Lý gây hấn với các vị sư chùa Thiên Long. Đánh không lại Lục mạch
thần kiếm của vương tử Đại Lý Đoàn Dự, Cưu Ma Trí đã bắt cóc Đoàn Dự đưa về
Giang Nam, nói là để tế sống trước mộ người bạn thân là Mộ Dung Bác. Thế nhưng,
Mộ Dung Bác là ai?
Mộ Dung Bác thuộc tộc Tiên Ty, nguyên là hậu duệ nước Đại Yên thời Thập lục quốc
(trước đời Tống khoảng 600 năm!!!). Canh cánh bên lòng giấc mộng phụ hồi đế hiệu
Đại Yên, Mộ Dung Bác giả chết nhưng thực ra lại lẻn vào chùa Thiếu Lâm học trộm
72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm. Từ suy nghĩ phải làm cho thiên hạ đại loạn mới có thời
cơ khôi phục nước Đại Yên, Mộ Dung Bác phao tin Khất Đan (Liêu) sắp đưa cao thủ
tấn công qua Nhạn Môn Quan. Quần hùng yêu nước Trung Hoa phong thanh đã vội
vàng cử Huyền Từ phương trượng Thiếu Lâm làm thủ lĩnh, ra Nhạn Môn Quan mai phục.
Ở đây họ đã tàn sát nhầm gia đình Tiêu Viễn Sơn thuộc dòng hoàng tộc Khất Đan.
Trước khi nhảy xuống vực sâu tự vận, Tiêu Viễn Sơn đã liệng đứa con trai mình
lên cho những người Trung Nguyên vì không nỡ để con chết theo mình. Huyền Từ
đưa đứa bé ấy gửi cho ông bà Kiều Tam Hòe nuôi dưỡng. Lớn lên, đứa bé ấy trở
thành Kiều Phong, bang chùa Cái bang Trung Nguyên.
Thế rồi có âm mưu tố cáo Kiều Phong là người Khất Đan khiến ông phải bỏ ngôi vị
bang chúa ra đi. Trở về bên kia ải Nhạn Môn Quan, Kiều Phong trở thành Nam viện
đại vương của Khất Đan, đóng tại Yên Kinh, bị hoàng đế Khất Đan buộc phải tấn
công xuống phương Nam để tiêu diệt Đại Tống.
Thế nhưng, Tiêu Viễn Sơn không chết, ông ta cũng giả làm một nhà sư vào “nằm
vùng” trong chùa Thiếu Lâm. Biết con mình đang lâm nguy, Tiêu Viễn Sơn ám trợ
cho con. Ông ra tay giết Huyền Khổ đại sư (sư phụ Kiều Phong), giết vợ chồng Kiều
Tam Hòe và một số nhân vật khác có liên quan đến vụ án Nhạn môn Quan ngày trước.
Khuôn mặt Kiều Phong giống hệt Tiêu Viễn Sơn nên những kẻ chứng kiến những vụ
giết người đều cứ nghĩ chính Kiều Phong đã xuống tay để trả thù cho vụ mất ngôi
bang chúa. Tiêu Viễn Sơn nằm vùng trong Thiếu Lâm phát giác được mối quan hệ
tình ái giữa Huyền Từ và Diệp Nhị Nương. Ông bắt cóc đứa con của họ - Hư Trúc -
rồi đem đứa bé ấy bỏ lên chùa Thiếu Lâm. Hư Trúc lớn lên, làm sư, lưu lạc lên
Thiên Sơn trở thành cung chủ cung Linh Thứu, ăn ở với công chúa Tây Hạ và trở
thành phò mã Tây Hạ.
Kiều Phong (hay Tiêu Phong), Hư Trúc, Đoàn Dự kết nghĩa anh em, trở thành cái
trục chính nắm quyền bính ba nước Liêu, Tây Hạ, Đại Lý. Đến lúc đó, Tiêu Viễn
Sơn và Mộ Dung bác mới xuất hiện, khoa trương thành tích “nằm vùng” trong chùa
Thiếu Lâm. Tiêu Viễn Sơn đã hạ Huyền Từ không phải bằng võ công mà bằng chính
câu chuyện Huyền Từ có con với Diệp Nhị Nương, phạm vào sắc giới. Huyền Từ và
Diệp Nhị Nương phải tự sát trước mắt mọi người. Còn Mộ Dung Bác? Ông ta thực sự
thất vọng về người con của mình - Cô Tô Mộ Dung Phục. Ông ta đã làm tất cả để
phục hưng một nước Đại Yên, kể cả âm mưu ly gián Tống - Liêu, câu kết với Thổ
Phồn... Nhưng cuối cùng, tất cả đã trở về con số 0. Nghe theo lời dạy của nhà
sư già trong Tàng kinh các Thiếu Lâm, ông ta đã cùng Tiêu Viễn Sơn xuống tóc
quy y, từ chối những tham vọng điên cuồng.
Giấc mơ của Cô Tô Mộ Dung Phục cũng tan thành mây khói. Anh Ta mất đi tình yêu
của Vương Ngữ Yên, phụ rẫy những người đã đi theo mình để dựng lại nước Đại
yên. Cuối cùng, anh ta phát điên và chỉ còn làm hoàng đế với lũ trẻ chăn trâu
Nhưng không tác phẩm nào qua mặt được Lộc Đỉnh ký về
tính chất tình báo - gián điệp. Câu chuyện khởi đầu của Lộc Đỉnh ký là
vụ án văn tự ngục khi gã nho sĩ Ngô Chí Vinh tham danh hám lợi, đã
làm tờ bẩm về triều đình Mãn Thanh - lúc bấy giờ do Ngao Bái nắm quyền bính -
những âm mưu chống đối triều đình của các nhà nho chân chính như Trang Kiến
Long, Cố Viêm Võ, Tra Y Hoàng thể hiện trong bộ Minh sử. Thế là Ngao Bái
đã bắt rất nhiều nhà văn đời Thanh hạ ngục, trong đó có toàn thể đàn ông nhà họ
Trang bị giết. Ngô Chí Vinh là kiểu mẫu của một thứ Hán gian, về sau được bổ
làm quan tri phủ ở Dương Châu, đã bị Vi Tiểu Bảo cùng bọn nhà văn Cố Viêm Võ,
Tra Y Hoàng dựng văn tự giả, vu hãm vào tội quan hệ phản loạn với bọn Ngô Tam
Quế tại Vân Nam để chống vua Khang Hy, bị đem về cho con cháu nhà họ Trang hành
hình tế lễ.
Nhưng những âm mưu thủ đoạn gián điệp - tình báo rõ rệt nhất trong Lộc Đỉnh
ký tập trung xung quanh bộ Tứ thập nhị chương kinh, một bộ kinh Phật
bình thường gồm 42 chương, được người Trung Quốc dùng đọc hàng ngày. Khi Bát kỳ
Mãn Châu tiến quân vào Bắc Kinh tiêu diệt nhà Minh, người Mãn Châu thu tóm toàn
bộ của cải trân châu quý của Minh Triều đem giấu vào một nơi bí mật ở Lộc Đỉnh
Sơn thuộc Đông Bắc Trung Quốc, cạnh dòng Hắc Long Giang (tiếng Mãn gọi là Oa Tập
Sơn và A Mộc Nhĩ Hà). Tuy chiếm được Trung Hoa nhưng người Mãn Châu vẫn nghĩ rằng
họ khó mà có thể cai trị được Trung Quốc. Vì thế Thuận Trị hoàng đế đã vẽ một bản
đồ về nơi chôn giấu bảo vật, giảng giải rằng đó là đất phát tích long mạch của
triều Thanh rồi cắt nhỏ bản đồ đó ra chia thành tám phần bỏ vào bìa của tám tập Tứ
thập nhị chương kinh khác nhau, ở ngoài bọc tám màu trắng, xanh, đỏ, đen,
vàng, tím, lam, hồng đúng với màu cờ của Bát kỳ và giao cho tám thủ lĩnh của
Bát kỳ giữ gìn.
Thuận Trị xuất gia đi tu ở Ngũ Đài Sơn vì buồn chán nội tình trong cung cấm
nhưng vẫn dặn dò Khang Hy hoàng đế rằng: “Nếu sau này không nắm giữ được
thiên hạ thì ta ở đâu nên quay về nơi đó”. Vua Khang Hy lên ngôi trong thuở thiếu
niên nhưng ông là một vị vua thông minh sáng suốt, có hùng tài đại lược. Ông đã
cai trị Trung Quốc với một trái tim nhân hậu và thực tâm muốn chuộc lại những lỗi
lầm của người Mãn Châu khi tiến quân vào Trung Quốc. Chính vì vậy, vua Khang Hy
là nhà vua dị tộc đầu tiên ở ngôi lâu nhất - 60 năm - trong lịch sử 37 thế kỷ
phong kiến Trung Quốc (1662 - 1722) và sau đó là cháu ông - vua Càn Long - cũng
ở ngôi được 60 năm (1736 - 1796).
Tất cả những âm mưu chống triều Thanh đều tập trung vào việc tìm kiếm và chiếm
đoạt tám pho Tứ thập nhị chương kinh. Đầu tiên là Thiên địa hội, một tổ chức
yêu nước do Trần Cận Nam (tức Trần Vĩnh Hoa) làm Tổng đàn chủ, “cấy” Vi Tiểu Bảo
vào hoạt động gián điệp cạnh Khang Hy. Tiếp theo là bọn Mộc Kiếm Anh, con cháu
Mộc vương phủ ở Vân Nam; bọn Cửu Nạn sư thái (công chúa con gái vua Sùng Trinh
triều Minh); bọn Thần long giáo, một giáo phái thân Nga Ta Lư ở quần đảo Liêu
Đông, bọn Tang Kết lạt ma ở Tây Tạng; bọn Cát Nhĩ Đan vương tử ở Mông Cổ hoặc
“cấy” người nằm vùng, hoặc thực hiện những âm mưu bắt cóc để tranh đoạt bộ
kinh.
Thế nhưng, âm mưu thâm độc nhất vẫn là âm mưu của Tam phiên, gồm Ngô Tam Quế,
Thượng Khả Hỷ, Cảnh Tinh Trung muốn chia quyền lực với vua Khang Hy mà kẻ đứng
đầu là Ngô Tam Quế. Ngô Tam Quế đã từng cầm quân thời Sùng Trinh trấn giữ Sơn Hải
Quan chống lại người Mãn Châu, sau đó đầu hàng quân Mãn Châu, quay lại giúp người
Mãn Châu chiếm đoạt Trung Quốc. Thanh triều phong Ngô Tam Quế làm Bình Tây
Vương, trấn thủ Vân Nam nhưng trong thâm tâm, Khang Hy vẫn muốn triệt hạ Ngô
Tam Quế vì biết trước sau gì, Ngô Tam Quế cũng tạo phản.
Chính trong những điều kiện lịch sử cụ thể như vậy, Kim Dung tiên sinh đã để
cho nhà vua thiếu niên mạnh dạn sử dụng một gã tiểu lưu manh ở thành Dương
Châu, lọt vào cung làm thái giám giả với một sơ yếu lý lịch hết sức hồ đồ, trở
thành một “điệp viên hai mang” nhằm chống lại những âm mưu thù địch.
Trong Lộc Đỉnh ký, Vi Tiểu Bảo trở thành một điệp viên xuất sắc, tiến hành công
tác do thám, tình báo khá chuẩn xác: bảo vệ được Thuận Trị hoàng đế, khám phá
ra âm mưu liên kết giữa Ngô Tam Quế - Cát Nhĩ Đan – Tang Kết, khám phá ra sự
thoả hiệp của Thần long giáo và Nga Ta Lư, thúc đẩy cho việc tạo phản của Ngô
Tam Quế sớm hình thành, ăn cắp đủ tám bộ Tứ thập nhị chương kinh, vô hiệu hóa
âm mưu của Thần long giáo trong nội cung...
Nhân vật Khang Hy được xây dựng thành một nhà phản gián xuất sắc: đưa Phong Tế
Trung vào nằm vùng nội bộ Thiên địa hội theo dõi hoạt động của thầy trò Trần Cận
Nam - Vi Tiểu Bảo, phái Vi Tiểu Bảo đi công cán Ngũ Đài Sơn bảo vệ Thuận Trị
hoàng đế, phái Vi Tiểu Bảo đi Vân Nam do thám Ngô Tam Quế. Trên mặt trận chính
trị, Khang Hy tiến hành những đòn phép ngoại giao ngoạn mục: Gả Kiến Ninh công
chúa làm vợ Ngô Ứng Hùng để giả vờ cầu thân với Ngô Tam Quế, hòa hoãn với lực
lượng chống đối ở Đài Loan của con cháu Trịnh Thành Công, phong Tang Kết lạt ma
ở Tây Tạng làm Tang Kết Hoạt Phật, phong Cát Nhĩ Đan ở Mông Cổ tước hiệu Chuẩn
Cát Nhĩ Hãn. Trong công tác nội trị, Khang Hy nghe theo lời vua cha dặn
dò “vĩnh bất gia phú” (mãi không tăng thuế), cho xây dựng Trung liệt
từ thờ những người Hán yêu nước tại Dương Châu, tha thuế cho dân Dương Châu 3
năm, chuẩn bị binh lực đánh Ngô Tam Quế, thăm dò ý kiến bọn trọng thần trong
triều đình để biết những ai dốc hạ trung trinh với mình. Khang Hy trở thành một
nhà tình báo chiến lược dầy kinh nghiệm.
Ngay việc học tiếng Mông Cổ, tiếng Tây Tạng, sử dụng hai người Tây dương là Nam
Hoài Nhân và Thang Nhược Vọng vào việc chế tạo đại bác, sử dụng hàng tướng Thi
Lang của Đài Loan vào chức vụ đô đốc hải quân đã nói lên tầm nhìn cao thâm viễn
lự của ông vua trẻ này.
Kết quả của công tác tình báo - phản gián đó là nhà vua đã dẹp yên được loạn
Ngô Tam Quế, triệt tiêu được thế lực của Thượng Khả Hỷ và Cảnh Tinh Trung, bình
định được đảo Đài Loan, phá hỏng âm mưu của Thiên Địa hội, đánh dẹp được bọn Thần
long giáo, biến Tây Tạng, Mông Cổ thành chư hầu, thương thuyết với Nga Ta Lư
qua hòa ước Hắc Long Giang, phân định ranh giới Trung - Nga.
Bên cạnh những vụ án lớn xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, Lộc Đỉnh ký còn
có những vụ án tình báo - gián điệp khác khá thú vị. Thần long giáo “cấy” được
Mao Đông Châu vào cung giả Thái hậu để đánh cắp Tứ thập nhị chương kinh.
Thái giám Hải Đại Phú biết được âm mưu đó, âm thầm theo dõi. Để thử xem phán
đoán của mình có đúng hay không, lão đã dạy cho Vi Tiểu Bảo quyền thuật của
phái Không Động để đấu với vua Khang Hy (dưới tên Tiểu Huyền Tử), nhử cho Mao
Đông Châu (thái hậu giả) đem quyền thuật của Thần long đảo dạy cho Khang Hy. Hải
Đại Phú cũng biết rõ Vi Tiểu Bảo không phải là Tiểu Quế Tử, thái giám đã hầu hạ
mình nhưng lão vẫn giả vờ gọi hắn là Tiểu Quế Tử, dùng hắn vào mục tiêu do thám
của lão. Tuy nhiên, áp dụng thủ pháp sát nhân diệt khẩu, lão cũng thận trong đầu
độc cho Vi Tiểu Bảo chết dần chết mòn.
Nhân vật Hải Đại Phú đã được Kim Dung xây dựng một cách hoàn chỉnh, có phong
cách của một nhà tình báo lớn dù bị mù hai mắt.
Vua Khang Hy cũng là một nhân vật tiến hành cách điệp vụ rất hay, đầy tính khoa
học. Để người bảo vệ cho cha mình là Thuận Trị, hiện tu ở Ngũ Đài Sơn đủ sức chống
lại bọ Tây Tạng và Mông Cổ, nhà vua đã sắc phong cho Vi Tiểu Bảo làm sư chùa
Thiếu Lâm, trở thành sư đệ của Hối Thông. Rồi từ đó, nhà vua lại ra lệnh cho Hối
Minh về làm trụ trì chùa Ngũ Đài Sơn, lại đem theo bọn Thập bát La Hán chùa Thiếu
Lâm làm tay chân cho Hối Minh đại sư (tức Vi Tiểu Bảo). Điệp vụ đó quả thật kín
đáo và cao cường, khiến độc giả bất ngờ một cách thú vị!
Học theo cách của Khang Hy, Vi Tiểu Bảo cũng tiến hành một số điệp vụ nho nhỏ,
thành công ngoài sức tưởng tượng của y. Đó là điệp vụ truy bắt Ngô Ứng Hùng; điệp
vụ yểm trợ công chúa Tô Phi Á (Sophia) ly gián bọn Hỏa thương thủ với bọn cố mệnh
đại thần để giành lại chính quyền ở Nga Ta Lư; điệp vụ chống lại bọn Thần long
giáo.
Trong suốt tác phẩm của Kim Dung cũng có những pha y hệt tình huống của đời
tình báo - gián điệp: tự tử bằng độc dược để bảo vệ bí mật; cho thuộc hạ uống độc
dược để khống chế bảo đảm lòng trung thành; giết người bịt miệng; thủ tiêu xác
người để phi tang; dựng nên bằng chứng giả mạo để đánh lạc hướng điều tra hoặc
vu hãm kẻ khác; dùng tiền bạc hoặc mỹ sắc để mua chuộc những kẻ hoạt động cho
hàng ngũ địch, trừng phạt những kẻ không trung thành...
Những nhân vật hoạt động tình báo - gián điệp trong tác phẩm của Kim Dung cũng
có những câu nói lóng, những động tác theo quy ước để giúp họ nhận ra nhau,
ngăn ngừa những kẻ nội gián. Kim Dung vượt qua những tác giả võ hiệp đồng thời
với ông, tạo ra trong tác phẩm của mình những tình huống bí mật, sự kiện bí mật,
nhân vật bí mật. Kẻ thắng trong truyện võ hiệp của ông không chỉ là những người
có võ công cao cường, nắm thiên binh vạn mã trong tay mà còn là những điệp viên
biết đánh đòn cân não, biết lung lạc kẻ thù, biến thù thành bạn. Đó là trường hợp
“điệp viên” Vi Tiểu Bảo thuyết công chúa Tô Phi Á giành lại chính quyền ở Nga,
thuyết Tang Kết ở Tây Tạng và Cát Nhĩ Đan của Mông Cổ thuần phục triều Thanh.
Tất nhiên, những vụ án tình báo - gián điệp trong phạm vi tiểu thuyết là sản phẩm
của sự hư cấu nhưng là hư cấu trên cơ sở thực tế của các triều đại phong kiến
Trung Hoa. Vì thế, một số vụ án tình báo - gián điệp trong tiểu thuyết là những
sự kiện có thật. Khang Hy chuẩn bị binh lực chống cuộc bạo loạn của Bình Tây
vương Ngô Tam Quế là có thật. Khang Hy sử dụng những hàng tướng của Đài Loan để
đánh vào đảo Đài Loan là có thật. Tang Kết, Cát Nhĩ Đan là có thật. Còn “điệp
viên” Vi Tiểu Bảo và những điệp vụ thần sầu quỷ khốc của y là sản phẩm của hư cấu,
khó mà kiểm chứng được.
Người ta đã từng say mê nhưng Conan Doyle, những James Bond của Âu Mỹ. Người ta
đã từng biết đến những điệp viên quốc tế như Mata Hari, Nikos Kazanski. Nay thì
qua tác phẩm Kim Dung, người ta lại gặp những điệp viên siêu hạng cỡ Vi Tiểu Bảo,
Phong Tế Trung, Lao Đức Nặc, Lâm Bình Chi, Tiểu Siêu, Tiêu Viễn Sơn, Mộ Dung
Bác... Người ta cũng gặp các nhà tình báo - phản gián chiến lược cỡ Khang Hy, Hải
Đại Phú, Nhạc Bất Quần. Âm mưu và thủ đoạn. Đối sách và chiến thuật. Liệu pháp
và hành động. Tất cả đều nhằm tạo nên chất hấp dẫn cho câu chuyện, những câu
chuyện rất đồ sộ nhưng cũng rất mạch lạc, hợp lý. Ở khía cạnh này, Kim Dung là
bậc thầy trong loại truyện vụ án mặc dù những bộ sách của ông vẫn được gọi là
võ hiệp tiểu thuyết.
Các Tôn Giáo, Bang Hội Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung
Đọc tác phẩm văn học Tây phương, ta cảm nhận được những tư tưởng của đạo Thiên
chúa. Cá biệt, trong một vài tác phẩm (như Tiếng chim hót trong bụi mận gai của
Colleen McCullough), những tư tưởng và sinh hoạt của đạo Thiên chúa trở thành độc
tôn. Văn học phản ánh các hình thái gần gũi nhất của văn học chính là tôn giáo.
Chính vì thế, khi Kim Dung chọn loại tác phẩm võ hiệp để sáng tác, ông tất yếu
phải đưa vào tác phẩm của mình những sinh hoạt tôn giáo, bang hội. Dù không sống
trong xã hội phong kiến nhưng những tác phẩm võ hiệp của ông đã phản ánh một
cách khá sinh động xã hội phong kiến Trung Quốc, khi mà các thế lực phong kiến
tập quyền chưa đủ mạnh để diệt hết các thứ bàng môn tả đạo, các đảng cướp cát cứ
một phương, các thế lực tiến bộ đối kháng với các triều đại phong kiến. Vả
chăng, khi mà khoa học chưa ra đời hì niềm tin của con người đặt vào thần quyền
rất mạnh. Chính vì thế, tác phẩm võ hiệp Kim Dung luôn luôn gắn liền với sinh
hoạt và tư tưởng các tôn giáo, bang hội.
Đối với các tôn giáo, Kim Dung đã tỏ ra hết sức ưu ái và kính trọng đạo Phật. Đạo
Phật xuất hiện trong tác phẩm của ông với hình ảnh của các nhà sư chùa Thiếu
Lâm và tư tưởng Phật giáo được ông mến mộ nhất là tư tưởng Thiền tông, một
trong mười tông phái Phật giáo. Trong 12 bộ tiểu thuyết của Kim Dung, người ta
biết đến đạo Phật qua hình ảnh của ngôi chùa Thiếu Lâm đặt tại tỉnh Hồ Nam,
Tung Sơn Thiếu Lâm Tự.
Dưới ngòi bút tài tình của Kim Dung, những nhà sư Thiếu Lâm chân chính là những
hiệp sĩ chuyên hành hiệp cứu đời, giúp người, luôn xả thân vì đại nghĩa, chống
lại các thế lực ngoại xâm của Khất Đan, Kim Quốc, Mông Cổ, Tây Hạ để bảo vệ dân
tộc và bờ cõi Trung Hoa. Thông qua ngòi bút của Kim Dung, những nhà sư Thiếu
Lâm đã được thần thánh hóa về cuộc đời và võ công, luôn luôn có mặt trong những
tình huống nguy kịch nhất và trở thành biểu tượng tươi đẹp của võ lâm Trung
Hoa. Ông thường dành cụm từ “Thái Sơn, Bắc Đẩu” khi nói về phái Thiếu
Lâm. Những nhà sư trong tác phẩm Kim Dung có vai vế, thứ tự hẳn hòi, pháp danh
được gọi theo từng đời, mỗi đời là một chữ riêng biệt: Vô - Vô Sắc, Vô Tướng; Độ
- Độ Ách, Độ Nạn, Độ Kiếp; Không - Không Kiến, Không Văn, Không Trí, Không Tín;
Huyền - Huyền Từ, Huyền Thống, Huyền Nạn… Đó là những người đức cao vọng trọng,
thấm nhuần Phật pháp và thanh quy giới luật của nhà chùa, say mê tu luyện võ
công gồm 72 tuyệt kỹ được gọi là Thất thập nhị huyền công.
Hình bóng những chiếc tăng bào màu vàng, màu xám, màu nâu luôn xuất hiện trong
tác phẩm của Kim Dung, từ Thiểm Tây tới Cam Túc, từ Vân Nam tới Triết Giang, từ
Nhạn Môn Quan tới Sơn Hải Quan. Các nhà sư Thiếu Lâm không hiếu chiến, không đa
sát, luôn luôn tôn trọng chữ Từ bi, mở đường phương tiện cho kẻ thù địch. Tất cả,
từ Thiên Long bát bộ, Ỷ thiên Đồ long ký, hay Tiếu ngạo giang hồ…;
giữa chốn đao thương hung hiểm, các nhà sư đắc đạo vẫn ung dung ngồi tọa thiền
thuyết Pháp hoa kinh, Kim cang kinh, Niêm hoa kinh…
Trong tiểu thuyết của Kim Dung cũng có một hình thái Phật giáo khác được xem
là bàng môn tả đạo. Đó là đạo Phật của các nhà sư Thiên Trúc, Thổ Phồn,
Tây Tạng, Mông Cổ mang xuống Trung Nguyên. Đó là giáo chủ Huyết đao môn của Mật
tông Tây Tạng (Liên thành quyết), Ba La Tinh, Triết La Tinh người Ấn Độ, Cưu Ma
Trí người Thổ Phồn (Thiên Long bát bộ). Do hạn chế của quan điểm dân tộc, Kim
Dung đã xây dựng những nhân vật nhà sư ngoại nhập này như những người tàn ác,
cũng ăn cắp võ công bí lục, hãm hiếp gái tơ, phá hoại nền hòa bình của Trung
Hoa. Phái sư áo đỏ của Mật tông Tây Tạng bị Kim Dung xem nhẹ nhất. Trong Lộc
Đỉnh ký họ là những người âm mưu đánh vào Ngũ Đài Sơn để bắt vua Thuận Trị
làm áp lực chính trị với vua Khang Hy. Những Lạt Ma cao cả của Tây Tạng như Đạt
Lai Hoạt Phật, Ban Thiền Hoạt Phật và Tang Kết Hoạt Phật cũng bị Kim Dung xem
như là không đứng đắn.
Phái Võ Đang do Trương Tam Phong (Trương Quân Bảo) sáng lập là một môn phái
tiêu biểu cho tư tưởng Lão Trang tức Đạo gia. Căn cứ trên chủ trương “vô
vi thanh tịnh” của Đạo gia, phái Võ Đang là một võ phái “vô vi nhi vô
bất vi” (không làm nhưng không có gì là không làm). Trong Ỷ thiên Đồ
long ký và Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung đã dành nhiều cảm tình đặc biệt
cho các đạo gia của phái Võ Đang. Dưới ngòi bút của Kim Dung, những đạo sĩ hay
những đệ tử tục gia của Võ Đang là những con người luôn luôn hành hiệp trượng
nghĩa, tế khổn phò nguy, yêu nước nồng nàn. Một nhân vật tiêu biểu cho Đạo gia
Võ Đang là Trương Tam Phong, được tác giả gọi một cách kính trọng là Chân nhân.
Võ công Võ Đang đặt trên nền tảng của nguyên lý Âm Dương, là một dạng của võ
công huyền môn chánh tông. Một số công phu của Võ Đang được lưu truyền đến bây
giờ như Thái cực quyền, Thái cực kiếm pháp, Thê vân túng công. Nếu võ công Thiếu
Lâm chú trọng dương cương, nhanh mạnh thì võ công Võ Đang chú trọng âm nhu, uyển
chuyển thư thái. “Nặng tợ Thái Sơn nhưng cũng nhẹ tợ lông hồng” - đó
là nguyên tắc tập luyện cơ bản của đệ tử Võ Đang.
Phái Nga Mi - theo truyện là do Quách Tương, con gái Quách Tĩnh sáng lập - là một
nhánh khác của Phật giáo Trung Quốc. Vì Quách Tương có ngoại hiệu là Tiểu Đông
Tà nên dù lập ra môn phái chính đạo, cũng ăn chay niệm Phật, đệ tử chủ yếu là nữ
ni xuất gia, phái Nga Mi vẫn mang trong mình một chút gì khốc liệt trong căn bản
võ công. Ỷ thiên Đồ long ký đã xây dựng một hình ảnh chưởng môn Nga
Mi Diệt Tuyệt sư thái và chỉ cái tên thôi, ta cũng hình dung ra được mức độ khốc
liệt của vị chưởng môn này: diệt hết, không chừa một ai. Trong thực tế Nga Mi
là tên một ngôi chùa danh tiếng của Trung Quốc, hình thành trên 1.000 năm, là
nơi tu hành của nhiều sư nữ đạo cao đức trọng.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung xây dựng hình ảnh 5 môn phái chuyên sử
kiếm, gọi là Ngũ Nhạc kiếm phái, lấy tên theo năm hòn núi: Tung Sơn, Thái Sơn,
Hành Sơn, Hoa Sơn và Hằng Sơn. Trong 5 phái, chỉ có Hằng Sơn là theo Phật giáo,
do nữ ni cầm đầu, đệ tử gồm toàn nữ, cả xuất gia lẫn tục gia. Vì toàn là nữ cho
nên kiếm pháp Hằng Sơn khác hẳn kiếm pháp bốn phái kia, chiêu thức uyển chuyển,
tư thế mỹ lệ, ứng theo nguyên lý “Miên lý tàng châm” (trong bông có
kim), hễ kẻ địch đánh càng mạnh thì càng gặp nhiều nguy hiểm.
Kim Dung xếp những môn phái trên vào “danh môn chính phái”. Nói đến danh
môn chính phái tất phải nói đến bàng môn tả đạo. Vậy bàng môn tả
đạo trong tác phẩm của ông gồm những môn phái nào?
Trước hết, người ta bắt gặp khái niệm Ma giáo được nhắc đi nhắc
lại trong nhiều tác phẩm. Trong Ỷ thiên đồ long ký, chữ Ma giáo được nhiều
hào khách giang hồ gán cho Minh giáo Trung Quốc, một chi nhánh của Bái hỏa giáo
Ba Tư. Nguyên Bái hỏa giáo phát tích từ Ba Tư (Perse), thờ ngọn lửa thánh. Tên
gọi của đạo này là Manichéisme, phiên âm ra Quan thoại là Ma Ni giáo, rồi người
Trung Hoa gọi luôn thành Ma giáo.
Sử Trung Quốc chép vào thời Võ Hậu nhà Đường, người Ba Tư là Hốt Đa Đán đã cầm
quyển Tam tôn kinh từ Ba Tư đi về Trung Quốc và đến triều kiến Võ Hậu. Trong
tác phẩm Minh giáo lưu truyền Trung thổ ký của Dương Tiêu, một hộ pháp giáo
vương của Minh giáo thì Minh giáo truyền vào Trung Quốc được xác định là ngày
22 tháng 6 Đương Đại Lịch tam niên... Nhà Đường thấy Bái hỏa giáo là một tôn
giáo đúng đắn, lại có kinh điển tư tưởng hẳn hoi nên cho phép Bái hỏa giáo lập
chùa, quy tụ tín đồ. Kinh đô Lạc Dương có ngôi chùa Bái hỏa giáo đầu tiên, gọi
là Đại Vân Quang Minh tự; sau đó chùa được xây dựng nhiều thêm ở Thái Nguyên, Hồng
Châu, Kim Châu, Việt Châu. Năm thứ ba thời Hậu Xương, nghe lời sàm tấu của một
số quan lại, nhà vua ra lệnh giết hại những tín đồ Minh giáo. Minh giáo phải
rút vào bí mật.
Trong cuộc chiến đấu gian nan, người Minh giáo vẫn ăn chay, cữ rượu và một lòng
thờ phượng thánh Minh Tôn. Từ đó, Minh giáo đứng hẳn về phía dân nghèo, khởi
nghĩa chống những thế lực phong kiến. Thời vua Tuyên Hòa (Huy Tông, Bắc Tống),
giáo chủ Phương Lạp khởi nghĩa chống bọn tham quan ở Việt Châu, tên tuổi đứng
ngang hàng với Tống Giang. Thời vua Kiến Viêm (Khâm Tông) có Vương Tông Thạch
khởi nghĩa ở Tín Châu; thời Thiệu Hưng (Cao Tông, Nam Tống) có Dư Ngũ Bà khởi
nghĩa ở Từ Châu; thời Thiệu Định (Lý Tông) có Trương Tam Thương khởi nghĩa ở Quảng
Đông. Khi quân Nguyên xâm lăng Trung Quốc, tín đồ Minh giáo tập trung lên Quang
Minh Đính vùng sa mạc Gobi lập tổng đàn khởi nghĩa kháng Nguyên. Đệ tử Minh
giáo là Chu Nguyên Chương thống lĩnh đại binh về Hồ Bắc, chiếm cứ một vùng rộng
lớn, đánh ra Hoài Tứ, đuổi được quân Nguyên. Chu Nguyên Chương lên ngôi vua, nhớ
mình là đệ tử Minh giáo nên đặt đến hiệu là Minh Thái Tổ. Từ đó, nhà Minh ra đời.
Như vậy, Minh giáo không phải là bàng môn tả đạo mà là một môn phái yêu nước, sẵn
sàng xả thân vì đại nghĩa. Những nhân vật Trương Vô Kỵ, Vi Nhất Tiếu, Hân Thiên
Chính... là những nhân vật của tiều thuyết. Nhưng Chu Nguyên Chương, Từ Đạt,
Thường Ngộ Xuân... là những anh hùng có thật trong lịch sử Trung Quốc.
Trong Ỷ thiên Đồ long ký, ta còn gặp một tà giáo khác là Bạch Mi giáo. Bạch
Mi giáo hoạt động trên vùng sông Trường Giang, thủ đoạn rất tàn độc nhưng trong
cuộc khởi nghĩa kháng Nguyên, giáo đồ Bạch Mi giáo đã về quy thuận dưới trướng
Minh giáo, trở thành những anh hùng có công, xa hẳn những chủ trương tàn độc
cũ.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, Ma giáo được nhắc đến với tên gọi Triệu dương thần
giáo. Đây là một giáo phái tưởng tượng do Kim Dung đặt ra, hành động rất tàn độc,
có một lối nịnh bợ vô tiền khoáng hậu. Giáo chủ Triệu dương thần giáo được xưng
tụng là “Thánh giáo chủ”. Trong Lộc Đỉnh ký, cũng có một giáo phái
tương tự là Thần long giáo. Giáo phái này thờ rắn (địa long) và từ địa long,
người ta tôn xưng thành thần long. Thần long giáo kết hợp với Nga La Tư, định
dâng ba tỉnh Đông bắc Trung Quốc cho Nga và để đổi lại, người Nga sẽ giúp họ đem
binh chống lại triều đình nhà Thanh do Khang Hy lãnh đạo.
Nếu như trong các phái, Thiếu Lâm đứng đầu thì bên các bang hội, Cái bang là
bang tiêu biểu. Trong truyện võ hiệp Kim Dung, hình ảnh quần hùng Cái bang luôn
luôn hiện diện bên cạnh các nhà sư Thiếu Lâm. Trong 12 tác phẩm, Kim Dung đã
dành nhiều chương hồi nói về Cái bang, bang quy tụ những người ăn mày nhưng
giàu long yêu nước, chuyên hành hiệp trượng nghĩa, tế khổn phò ngụy. Tác phẩm
Kim Dung đã để lại cho đời sau những huyền thoại đẹp về các bang chúa Cái bang
như Hồng Thất Công, Hoàng Dung, Kiều Phong. Bạn đọc tiểu thuyết võ hiệp có thể
nhận ra được tấm lòng ưu ái của tác giả dành cho giới ăn mày khố rách áo ôm, đầu
đường xó chợ. Các nhân vật Cái bang ăn nói đơn giản, đi xin nhưng không bao giờ
ăn cắp, hành động tinh tế và tư duy bén nhạy như bất kỳ con người có học nào.
Cái bang xuất hiện trong tiểu thuyết Kim Dung với thứ bậc hẳn hòi: một túi là mới
gia nhập, tám túi là lên trưởng lão, có bài hát Liên hoa lạc (hoa sen rụng) là
dấu hiệu liên kết tấn công kẻ địch, có Đả cẩu trận vây hãm kẻ thù, có Đả cẩu bổng
pháp làm bảo vật trần bang. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, Kim Dung có đề cập đến
2 chi của Cái bang: Chi Ô y (áo dơ) và chi Thanh y (áo sạch). Những trưởng lão
của Thanh y cũng đeo nhẫn vàng, ăn mặc xa hoa như phú thương, dùng tiền như nước.
Thuyết này nghe rất mới lạ!
Trong tiểu thuyết Kim Dung, có một số bang khác cũng được nhắc đến như Thần
Nông bang, Cự kình bang, Mao sơn bang, Hải sa bang… Đại để, đây là những bang
nhỏ, cát cứ ở một vùng nhất định, có những hoạt động đi ra ngoài sự kiểm soát của
chính quyền phong kiến địa phương và hành vi của họ thường là hành vi tàn ác.
Trong Thiên Long bát bộ, Thần Nông bang là một bang chuyên dùng thuốc độc,
cát cứ vùng núi Vô Lượng. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, Cự kình bang, Hải sa
bang, Mao sơn bang là bang hoạt động trên vùng sông biển, hành vi cơ bản là giết
người cướp của. Cự kình bang cát cứ sông Trường Giang, Hải sa bang cát cứ vùng
Quảng Tây, Mao sơn bang cát cứ vùng Thiểm Bắc. Tuy nhiên, những hành vi tàn độc
của ba bang này không qua mặt nổi bọn giáo đồ Bạch Mi giáo.
Đặc biệt, trong 12 bộ tiểu thuyết, Kim Dung chỉ đề cập đến một
hội. Đó là Thiên Địa hội, một tổ chức chính trị - quân sự có tầm ảnh hưởng lớn,
có tổ chức quy mô gồm toàn người Hán, hoạt động chống lại triều đình Khang Hy.
Thiên Địa hội là một tổ chức có thật do Trần Cân Nam (Trần Vinh Hoa) làm Tổng
đàn chủ, căn cứ tại Đài Loan, thế lực bành trước ra khắp 12 tỉnh ven biển. Trần
Cận Nam là nhân vật có thật, làm quân sư cho Trịnh Thành Công, người cầm đầu đảo
Đài Loan, chống lại triều Thanh. Ông vốn là một nhà văn làm chính trị nhưng khi
xây dựng thành một nhân vật tiểu thuyết, Kim Dung đã tạo nên một Trần Cận Nam
văn võ toàn tài, đầy đủ bản lĩnh, điều hành một cách khoa học những hoạt động
quân sự và tình báo gián điệp nhằm chống lại người Mãn Châu.
Hoạt động quân sự và tình báo của Thiên Địa hội trong lịch sử triều Thành là có
thật. nhưng tài trí của Khang Hy và những tư duy chiến lược của ông vua Mãn
Châu này đủ sức vô hiệu hóa các lực lượng thù địch, trong đó có lực lượng Thiên
Địa hội. Trần Cận Nam bị con thứ của Đài Loan vương Trịnh Thành Công là Trịnh
Khắc Sảng giết vì nghi kỵ ông có lòng phản nghịch. Tổ chức Thiên Địa hội tan
rã, lớp bị triều đình Khang Hy bắt, lớp bỏ trốn tha phương mai danh ẩn tích.
Tuy nhiên, Thiên Địa hội đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người đọc Lộc Đỉnh
ký bởi vì họ là tổ chức tiêu biểu cho lực lượng yêu nước phản Thanh phục Minh,
giấc mơ lớn của mọi người yêu nước Trung Quốc trong thế kỷ XVII. Chính từ những
hoạt động của Thiên Địa hội mà một số hội đoàn chính trị chống nhà Thanh sau
này cũng mô phỏng cách hoạt động ấy. Một thí dụ cụ thể là Hồng hoa hội, hoạt động
chống chính quyền triều vua Hàm Phong.
Một cách khái quát, khi xây dựng những tôn giáo, môn phái, bang hội trong truyện
võ hiệp, Kim Dung đã hé mở cho ta thấy sự tôn trọng quan điểm “tam giáo đồng
nguyên” của ông. Phật giáo có Thiếu Lâm, Nga Mi, Hằng Sơn… Đạo giáo theo
tư duy Lão Trang có Võ Đang, Tiêu Dao, Thiên Sơn… Nho giáo có Thiên Địa hội, một
tổ chức nhập thể và nhập thế. Kim Dung cũng đồng thời tôn trọng nhũng tư tưởng
tôn giáo ngoại nhập. Ngoài tình cảm dành cho Bái hỏa giáo Ba Tư, ông còn nhắc tới
Hồi giáo, Thiên chúa giáo (thông qua hai nhân vật người Tây dương là Nam Hoài
Nhân và Thang Nhược Vọng) với những tình cảm chân thật, nhận định trung thực về
bản chất lương thiện của các tôn giáo. Ông cũng tỏ ra tôn trọng những tình cảm
khác của dân tộc Trung Hoa khi đưa ra một số bang phái khác dù hoạt động của họ
khi tà khi chính. chẳng đứng hẳn về một hệ tư tưởng nào như các phái Lao Sơn,
Không Động, Thanh Thành…
Tất cả các tôn giáo, bang hội được xây dựng trong tác phẩm Kim Dung đều có kẻ
tà người chánh, người tốt kẻ xấu. Có người đưa ra luận điểm cho rằng: Kim Dung
muốn dung hòa, trộn lẫn hai thái cực của chính và tà, thiện và ác. Tôi cho rằng
đó là một nhận định mang tiếng võ đoán. Thực ra, Kim Dung đi tìm cái Thiện
trong cái Ác, đi tìm người chính nhân quân tử trong cái dư luận về tiểu nhân đê
tiện, đi tìm chất ngọc con người trong mới hỗn độn của xã hội lẫn lộn trắng
đen. Và ông đã tìm thấy, đã phân biệt cho chúng ta thấy. Những nhân vật đức cao
vọng trọng như Nhạc Bất Quần, Thích Trường Phát, như Vạn Khuê… của cái gọi là
chính phái là những kẻ thủ đoạn, lưu manh và tất yếu phải nhận sự trừng phạt.
Những con người xuất thân từ bàng môn tả đạo, từ tà phái như Điền Bá Quang, Bất
Giới, Tổ Thiên Thu, Lão Đầu Tử, Trương Tam, Lý Tứ… là những chính nhân quân tử,
những con người trung thực. Hành động phân biệt chính tà không thể bị nhầm lẫn
với hành động dung hòa chính tà. Tác giả muốn cho chúng ta hiểu rõ hơn về chính
- tà và đừng nhận định chính tà, thiện ác theo những quan điểm đơn điệu, công
thức.
Đọc Kim Dung, ta thấy được một hiện tượng sinh động của xã hội
phong kiến Trung Quốc từ thế kỷ XVII trở về trước: sự cát cứ của các thế lực
chính trị và quân sự giữa lòng xã hội phong kiến. Gần như bang phái nào cũng đứng
ngoài vòng pháp luật, kể cả chùa Thiếu Lâm! Họ có cách thực hiện công lý riêng
của họ: dùng võ công để tế khổn phò nguy, giải quyết việc đời, thực hiện công bằng
xã hội trước làn đao mũi kiếm. Họ không hề tôn trọng chính quyền phong kiến.
Trên cái nhìn này, ta có thể thấy được truyện Kim Dung như là một bản điều tra
xã hội học về xã hội Trung Hoa cũ. Có thể nói chính những bất công của cuộc đời
đã “đặt hàng” cho võ học phát triển, cho những bang phái ra đời để thực hiện một
thứ luật khác: luật giang hồ.
Khi nghiên cứu về những tư tưởng triết học Đông phương, người ta mới chỉ ngừng
lại ở phạm trù lý thuyết. Vả chăng tư tưởng triết học là cái gì hết sức trừu tượng.
Nhưng khi đọc tác phẩm võ hiệp, thông qua các tôn giáo được đề cập đến, người
ta rất dễ nhận ra các lý thuyết trừu tượng đó đã được cụ thể hóa qua phạm trù
thực hành.
Nói chuyện Kim cương kinh chưa chắc người ta đã tâm đắc. Nhưng từ Kim
cương kinh, các nhà sư Thiếu Lâm đã luyện thành Kim cương chỉ, có kình lực tan
bia vỡ đá, có thể dùng ngón tay viết chữ và vẽ bàn cờ lên đá được thì người ta
dễ lý hội khái niệm “kim cương” hơn. Cũng thế, thật khó hình dung ra khái niệm “tiêu
dao du” trong tác phẩm “Nam hoa kinh”, được Kim Dung hình tượng hóa thành nhân vật Vô Nhai Tử (Tiêu Dao Tử), chưởng môn phái Tiêu Dao, giỏi đánh cờ,
đánh đàn, võ công, y thuật, địa lý, lại có thuật “trụ nhan” làm khuôn
mặt tươi vui trẻ mãi không già, sống giữa đời hiện thực với một trái tim lãng mạn,
lấy chuyện vui chơi năm hồ, bốn biển làm vui, không hệ lụy đến cuộc đời (Thiên
Long bát bộ). Nói cách khác, Kim Dung đã chuyển một hệ thống tư tưởng triết học
lý thuyết sang hệ thống thực hành, một dạng triết học Đông phương gần gũi với
mọi người, mọi trình độ nhưng không hề dung tục và thô thiển thông qua việc xây
dựng các võ phái trong tác phẩm của mình.
Yếu tố sau cùng cũng khá thú vị là thông qua một vài thế võ, cách vận công,
cách tự vệ, các nhân vật của Kim Dung có thể bộc lộ ra môn phái, sư thừa của
mình. Ngay đến trong cách khám nghiệm vết thương, người ta cũng nhận ra được vết
thương đó do loại võ công, vũ khí nào gây nên và quy trách nhiệm. Dư Đại Nham bị
đánh vỡ hết các khớp xương; võ công đó chỉ có thể là Kim cương chỉ của phái Thiếu
Lâm. Gia đình Lâm Bình Chi bị giết oan hết, mặt người nào cũng hiện lên một nụ
cười quái dị vì trái tim bị vỡ dù lồng ngực không có dấu hiệu chấn thương bên
ngoài. Võ công đó chỉ có thể là Tối tâm chưởng của phái Thanh Thành. Nói cách
khác, thông qua võ công, thông qua vết thương, người ta có thể xác định được
tôn giáo, bang phái nào đã ra tay hành động.
Chính trên những chi tiết thú vị như thế mà truyện kiếm hiệp của Kim Dung vượt
xa các tác giả đương đại về mặt tri thức. Và cũng chính nhờ những chi tiết đó,
người đọc kiếm hiệp có thể phân biệt được chính tác của Kim Dung với một ngụy tác của một người nào đó, cũng ký tên là Kim Dung!
Bang giao Trung - Nga nhìn qua Lộc Đỉnh Ký
Ở một chừng mực nào đó, ta có thể gọi Lộc Đỉnh ký của Kim Dung là một bộ tiểu
thuyết lịch sử. Thật vậy, thông qua bộ tiểu thuyết cuốn này, Kim Dung đã cung cấp
cho độc giả những sự kiện lịch sử có thật và khá quan trọng từng xảy ra dưới thời
vua Khang Hy, triều Thanh. Một trong những sự kiện quan trọng ấy là mối bang
giao Trung - Nga, dẫn đến việc ký kết hòa ước Hắc Long Giang năm 1684.
Ba tỉnh vùng Đông Bắc Trung Quốc ngày nay chính là vùng đất phát tích của bộ tộc
Mãn Châu (Manchourie) mà người Trung Quốc ngày xưa từng gọi là dân Kim hay Thát
Đát (Tartare). Mồ mả tổ tiên của vua Khang Hy thuộc bộ tộc Ái Tân Giác La
(Aisin Gioro) được chôn ở vùng Bắc ngạn sông Amour (tiếng Mãn Châu: A Mộc Nhĩ
Hà; tiếng Trung Quốc: Hắc Long Giang) dưới chân núi Lộc Đỉnh. Sông Amour phát
xuất từ ngọn núi Tchita thuộc đài nguyên Oulan Oude (tiếng Trung Quốc: Ô Tư Ô Đức)
cận hồ Baikal (tiếng Trung Quốc: Bối Gia Nhĩ) vòng lên hướng Bắc, đổ về phương
Đông qua thành phố Khabarovsk rồi đổ xuống hướng Nam gặp cảng Vladivostok.
Từ ngàn xưa, các bộ tộc Mãn Châu thường sống du mục theo đôi bờ Hắc Long Giang,
có khi vượt qua phía Tây đến biên giới Mông Cổ. Đây là vùng đất gần như băng
giá quanh năm. Từ địa đầu biên giới Mông Cổ - Mãn Châu Lý kéo dài lên hướng Bắc
hợp lưu với Hắc Long Giang, có thêm một dòng sông nữa, ấy là sông Ngạch Nhĩ Cổ
Lạp. Vậy, hai dòng Ngạch Nhĩ Cổ Lạp với Hắc Long Giang tạo nên biên giới thiên
nhiên giữa hai nước Trung - Nga bây giờ, một biên giới bền vững, rất dễ phân định.
Vâng, đó là chuyện bây giờ, còn chuyện ngày xưa thì sao?
Ngày xưa, người Trung Quốc gọi nước Nga là nước La Sát. Trong kinh Phật, La Sát
là tên một loài quỷ dữ, nhưng khi gọi nước Nga là La Sát, thực sự người Trung
Quốc không có hàm ý khinh thị nước Nga. Trong cuốn thứ 9 bộ Thanh sử cảo, Lang
Viên giải thích: "Nga La Tư hay La Sát chỉ là cách đọc phiên âm chậm hay
mau mà thôi. Đọc La Sát tương đối giống hơn" (với từ Russe, Русcие).
Bát kỳ Mãn Châu tiến đánh nhà Minh năm 1643 và năm 1644 thì chiếm được Bắc
Kinh. Vua Thuận Trị lập ra nhà Thanh trên đất Trung Quốc. Trăm họ người Trung
Quốc vẫn tự coi mình là người Hán tộc, gọi nhà Thanh là bọn Di Địch. Thế nhưng
bọn "Di Địch" đó đã làm nên một kỳ tích: sửa chữa những sai lầm của tổ
tiên, duy trì đế chế phong kiến 268 năm, trong đó có ít nhất 2 đời vua được gọi
là minh quân đem lại hòa bình, hạnh phúc cho Trung Quốc, vượt xa các ông vua
triều Minh Hán tộc. Một biểu tượng của thái bình thạnh trị là triều Khang Hy
(1662 - 1722), đấng minh quân mà cả Hán tộc và Mãn tộc đều tôn kính.
Lộc Đỉnh ký của Kim Dung lấy tên núi Lộc Đỉnh trên biên giới Trung - Nga làm tựa
truyện nên đã dựng lại khá rành mạch những quan hệ Trung - Nga dưới triều
Thanh, theo sát những diễn tiến lịch sử. Vào năm Thuận Trị thứ 6 (1650), nhà
vua đã cho quân đồn trú ở mạn Đông Bắc để ngăn chặn quân của Sa hoàng Nga La
Tư, không cho xâm phạm vùng Lộc Đỉnh Sơn và Hắc Long Giang. Năm Thuận Trị thứ 9
(1653), tướng Thanh là Hải Sắc đánh với quân Nga La Tư tại Hắc Long Giang; một
tướng Thanh khác là Minh An Đại Lý đánh với quân Nga ở Tùng Hoa Giang (nằm sâu
trong tỉnh Cát Lâm ngày nay). Năm Thuận Trị thứ 16 (1660), nhà vua sai hai tướng
Nhĩ Hổ Đạt và Ba Hải đồn trú ở Ninh Cổ Tháp để ngăn chặn bước tiến của đoàn kỵ
binh Nga La Tư danh tiếng Kha Tát Khắc (Cosaque).
Công chúa Sophia (Софья, tiếng Trung Quốc là Tô Phi Á) lên nắm quyền Nhiếp
chính năm 1680. Lộc Đỉnh ký của Kim Dung hư cấu chuyện Vi Tiểu Bảo, bá tước của
triều Khang Hy, đi đánh Thần Long giáo, lưu lạc qua Nga giúp công chúa Tô Phi Á
kêu gọi binh lính Hỏa thương thủ làm binh biến, đưa công chúa lên ngôi Nhiếp
chính. Tính ra, đây là năm thứ 18 triều Khang Hy.
Thực ra, việc Vi Tiểu Bảo lưu lạc sang Nga là chuyện cá nhân của gã. Trước đó,
vào năm Khang Hy thứ 15 (1677), đại sứ Nga là Tư Ba Tháp Lôi (Spatinary) đã
sang Bắc Kinh, dẫn theo nhiều chuyên gia về bảo thạch và dược tài (làm thuốc
súng) đến trình ủy nhiệm thư lên Khang Hy, xin nhà vua trao đổi chuyên gia làm
thạch kiều (cầu đá) về giúp Sa hoàng xây dựng Mạc Tư Khoa (Moscow, Москва) và
Cơ Phụ (Kiev, Киев). Viên đại sứ này không chịu quỳ trước Khang Hy nên bị nhà
vua đuổi về. Sau đó, Sa hoàng ra lệnh cho quân Cosaque đồn trú ở thành Irkoutsk
(tiếng Trung Quốc: Ái Nhĩ Tư Khắc) và Novogorod (tiếng Trung Quốc: Ni Bố Sở
Thành) để tuần tiễu mạn Bắc bờ sông Amour. Vua Khang Hy cho đây là sự xâm lấn
lãnh thổ Đại Thanh nên đã đưa kỵ binh và pháo binh lên Hắc Long Giang đối phó.
Trong Lộc Đỉnh ký, Kim Dung thuật chuyện Vi Tiểu Bảo được Khang Hy phong
làm nguyên soái, đệ nhất Lộc Đỉnh công, thừa lệnh nhà vua đem hai vạn quân gồm
bộ binh, kỵ binh, pháo binh đi đánh quân Nga. Vi Tiểu Bảo hạ luôn hai thành Ni
Bố Sở và Nhã Tác Khắc khiến công tước Phí Diêu Đa La (Pheodor), một trọng thần
của Nhiếp chính vương Tô Phi Á phải xin cầu hòa và đề nghị đàm phán ký hiệp ước
phân chia cương giới. Bởi vì tước của Vi Tiểu Bảo là Lộc Đỉnh công, mà núi Lộc
Đỉnh lại ở phía Bắc bờ Hắc Long Giang nên Vi Tiểu Bảo buộc Phí Diêu Đa La bằng
mọi cách phải cắt phần đất đó vào lãnh thổ của Thanh triều. Phí Diêu Đa La
không thuận; Vi Tiểu Bảo dọa sẽ liên kết với quân của nước Thụy gì đó (Thụy Điển
nhưng gã nhớ không nổi) để dưới đánh lên, trên đánh xuống, chiếm Mạc Tư Khoa!
Gã lại học sách Tam quốc, thực hiện kế "Chu Du hý Tưởng Cán", giả
vờ phát lệnh tiễn cho tướng Thanh đi về phía Tây, đi dọc biên giới Mông Cổ tiến
về Mạc Tư Khoa khiến Phí Diêu Đa La sợ vỡ mật, phải xin kiềm đính hòa ước!
Những thủ đoạn kỳ kèo trong quá trình đàm phán không phải là không có cơ sở lịch
sử. Ta nhớ rằng Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt (cháu nội của Thành Cát Tư Hãn) lên
ngôi ở Trung Hoa, mở ra nhà Nguyên, sau đó thân chinh đi đánh nước Nga. Chỉ với
hai vạn binh mã, Hốt Tất Liệt đã đánh cho 18 vạn quân Nga La Tư thua to. Mà trong
thời Khang Hy, nước Mông Cổ lại thuộc Trung Hoa nên khi bọn Vi Tiểu Bảo, Sách
Ngạch Đồ, Đổng Quốc Cường nói với Phí Diêu Đa La rằng Mạc Tư Khoa từng bị người
Trung Hoa đến đánh thì cũng không phải là điều khiên cưỡng. Vả chăng, năm 1238,
danh tướng triều Nguyên là Bạt Đô đã đánh chiếm được Cơ Phụ và Mạc Tư Khoa, lại
còn muốn đánh sang Ba Lan và Hung Gia Lợi (Hunggary), vượt dòng Đa Não Hà
(Danube) để tấn công châu Âu! Năm 1240, nhà Nguyên dựng lên toà Kim trướng Hãn
Quốc bên thành Tát Lai (Toula) ở cửa sông Phục Nhĩ Gia (Volga). Nhân vật đứng
ra cai trị toàn Nga lúc đó được gọi là Khả Hãn. Sách Đại anh bách liệu
toàn thư, mục Nga La Tư thuật lại rằng những vương công người Nga phải
đến Kim trướng của Khả Hãn tại thành Tát Lai để được phong. Họ đã chịu nhiều điều
khổ nhục. Người Mông Cổ đã thống trị đất Nga 240 năm (từ 1240 đến 1480), sau đó
mới bị người Nga đánh đuổi.
Hòa ước Hắc Long Giang ký năm 1684 giữa Trung Hoa và Nga La Tư do Sách Ngạch Đồ
của Thanh triều và Phí Diêu Đa La của Nga kiềm thự. Hòa ước được viết bằng 3 thứ
tiếng Hán văn, Nga văn và Lạp Đinh văn (Latin). Đây là bản hòa ước đầu tiên
Trung Hoa ký với nước ngoài, mang lại cho nhà Thanh một thắng lợi ngoại giao rực
rỡ. Trong 6 điều hòa ước, điều nào cũng có lợi cho Trung Hoa: cương giới được
quy định tới núi Đại Hưng An phía Bắc; hai tỉnh A Mộc Nhĩ và Tân Hải của Nga
thuộc vào lãnh thổ Trung Hoa; phía Đông và Đông Nam kéo dài tới biển; nước
Trung Hoa có thêm 80 vạn dặm vuông Anh. Hòa ước giúp Trung Hoa yên ổn đến 150
năm sau. Bia biên giới được viết bằng 5 thứ tiếng: Mãn Châu văn, Hán văn, Nga
văn, Lạp Đinh văn và Mông Cổ văn. Những đời vua sau của nhà Thanh nhu nhược; địa
đồ biên giới có nhiều thay đổi...
Tất nhiên, trong Lộc Đỉnh ký, Kim Dung để cho “nguyên
soái” Vi Tiểu Bảo làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền ký hòa ước với Phí Diêu Đa La.
Sách Ngạch Đồ chỉ là phó sứ! Vi Tiểu Bảo không biết chữ, nên chỉ ký được chữ Tiểu
trong tên của mình. Chữ Tiểu của gã rất cổ quái: ở giữa có một cái gạch, hai
bên có hai hột tròn tròn, giống như bộ phận sinh dục nam giới. Các quan coi tới,
cười ồ, cho rằng cổ lai hy chưa có ai ký tên như vậy cả!
Trong cuộc chiến tranh ở biên giới Trung - Nga, các tướng lãnh của triều Thanh
có đưa một số hàng binh Nga về Bắc Kinh cho vua Khang Hy hỏi chuyện để tìm hiểu
lịch sử, địa lý, văn hóa của Nga La Tư. Tiêu Nhất Sơn trong Thanh đại
thông sử ghi nhận: "Hàng binh đưa về kinh sư đều được tha hết,
cho vào Tá lãnh. Đó là kỳ binh của Nga La Tư. Con cháu họ đến nay hãy còn".
Trong sách Quý Ty loại cảo có chương Nga La Tư Tá lãnh khảo xác
nhận đội lính Nga La Tư Tá lãnh có khoảng gần 200 người, mặc đồ Thanh binh rất
kiêu dũng. Đây là một đòn phép ngoại giao hòa hoãn, khôn khéo của Khang Hy. Những
người lính Nga được lấy vợ là người Trung Quốc; những kiến thức về hỏa dược, vũ
khí của họ giúp ích rất nhiều cho việc kiện toàn vũ khí cho người Trung Hoa.
Công chúa Tô Phi Á (Sophia) là một nhân vật có thật trong lịch sử nước Nga. Bà
đã giết hoàng hậu chuyên quyền Na Đạt Lệ Á (Natalia), đưa em mình là Bỉ Đắc
(Pierre) hãy còn nhỏ tuổi lên làm Sa hoàng; bà giữ quyền Nhiếp chính. Bà đã từng
gửi thư bày tỏ tình hữu nghị với vua Khang Hy. Tô Phi Á và cả triều đình Sa
hoàng không ai biết Hán văn. Vua Khang Hy có gửi cho bà một giác thư ngoại giao
viết trên vàng lá. Bà trả lời: “Vừa qua, Hoàng đế bệ hạ có tặng cho chúng tôi một
lá vàng nhưng chẳng ai biết dùng để làm gì”. Trong Lộc Đỉnh ký, tác giả
xây dựng nhân vật Tô Phi Á thành người tình của Trung Quốc tiểu hài đại nhân Vi
Tiểu Bảo. Chữ Phi được ông viết với bộ thảo đầu, có nghĩa là phất phơ (phương
thảo phi phi - cỏ thơm phất phơ). Cái nghĩa ấy không được chính đáng, nhất là đối
với một nữ Nhiếp chính vương. Sau này, khi Vi Tiểu Bảo sai gia sư viết hộ bức
thư gửi cho Tô Phi Á, thông qua hai thân binh Hoa Bá Tư Cơ (Vabovski) và Tề Nặc
Lạp Phu (Denilov), tay gia sư tự động sửa tên nàng lại là Tô Phi Hà điện hạ. Y
viết chữ Phi có nghĩa là bay, chữ Hà có nghĩa là ráng chiều (trong Lạc hà
dữ cô vụ tề phi). Vậy tên nàng có nghĩa là ráng chiều bay, vừa thơ mộng, vừa đẹp
lại cực kỳ thanh nhã. Tiếc thay đối với Tô Phi Á và Vi Tiểu Bảo, Phi Á hay Phi
Hà cũng vậy vì cả hai đều không biết chữ Hán văn! Về sau, Pierre đại đế phế truất
Sofia và trở thành một Sa hoàng vĩ đại trong lịch sử nước Nga.
25/10/2020Vũ Đức Sao Biển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét