Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Hương vườn cũ 3

Hương vườn cũ 3

19.

Ông Nguyễn Hữu Phương là một danh nhân tỉnh Bình Thuận, triều Tự Đức. Học hay chữ nổi tiếng nhưng thi mãi cứ hỏng trường tư.

Lúc trẻ, ông có bài thơ vịnh:
CÔ GÁI CỞI XIÊM LỘI SÔNG LƯƠNG
Đò vắng e mưa trễ bước đường
Cởi xiêm thẹn gái lội sông Lương
Khuôn xanh un đúc ba phân bạch
Làn biếc tuôn xao một điểm hường
Che vóc ngọc ngà mây kết nón
Soi màu son phấn nước làm gương
Đục trong đâu cũng mười hai bến
Lỡ lối thuyền quyên cũng khá thương.
Thầy học chê câu kết trệ và rất lo cho hậu vận của người học trò thân yêu. Sau quả như lời thầy đoán: Công danh lận đận, suốt đời chịu cảnh hàn nho.
Kẻ thức giả gọi câu:
Đục trong đâu cũng mười hai bến
Lỡi lối thuyền quyên cũng khá thương.
là câu thi sấm.
Thi sấm từ xưa đều có truyền.
Như thơ Vịnh Pháo Tre của Nguyễn Hữu Chỉnh:
Xát không vốn những cậy tay người
Khéo léo bao nhiêu đốt cũng rời
Kêu lắm lại càng tan xác lắm
Cũng mang một tiếng ở trên đời.
Bài thơ làm lúc còn cắp sách đến trường. Thế mà thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Hữu Chỉnh đều gói trọn trong bốn câu khẩu chiếm. Nhất là câu thứ ba ứng một cách rõ rệt vào việc bỏ Nghệ An ra Thăng Long giúp vua Chiêu Thống, quyền thế một tay, để rồi bị tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm đem binh ra bắt xé xác!
Cụ Trương Đăng Quế lúc còn học trò có câu thơ vịnh cảnh bóp vú bị gái chửi:
Tay ngọc nâng niu đôi chúa trẻ
Tiếng vàng sang sảng chín tầng cao.
Sau cụ thi đỗ làm quan phò vua Thiệu Trị và Tự Đức là hai vua tuổi còn trẻ lúc lên ngôi, và chức vị lên đến tột đỉnh.
Năm Giáp Tý (1864) cụ Nguyễn Khuyến cùng bạn ra Hà Nội thi. Đi đường gặp một thanh niên chọc gái bị chửi dữ dội. Các bạn thách cụ làm thơ. Nhân trong câu chửi có tiếng “mả phát” cụ liền ứng khẩu đọc:
Con cháu nâng niu đôi nấm đất
Ông cha lừng lẫy bốn phương trời.
Khoa ấy cụ đậu giải nguyên, tiếng tăm lừng lẫy.
Trong Tùy Viên Thi Thoại có chép nhiều việc chứng minh sự linh nghiệm của thi sấm:
+ Vua Hy Tông đời Tống vịnh cỏ Kim Chi:
Định tri Kim đế lai vi chủ
Bất đãi xuân phong tiện phát sinh.
Nghĩa là:
Những hay Kim đế sang làm chủ
Chẳng đợi xuân phong sớm nảy chồi.
Niên hiệu Tịnh Khương, quân Kim kéo vào đánh Tống, vua Hy Tông cùng Thái Tử bị bắt. Nước Tống phải đem của chuộc về, và vua Tống phải tôn vua Kim làm bác.
+ Chúa nước Hậu Thục là Mạnh Xưởng đề bùa đào niêm nơi tẩm cung:
Tân niên nạp du khánh
Giai tiết triệu trường xuân.
Nghĩa là:
Năm mới thâu phước sót
Tiếc lành gây xuân dài.
Sau đó vua Tống Thái Tổ diệt nước Thục, cử Lữ Dư Khánh đóng binh coi việc trị an tại đô thành cũ.
+ Vương Dương Minh bắt được Trần Dinh tại núi Lư Sơn, khắc nơi vách đá năm chữ:
Gia tĩnh ngả bang quốc.
Nghĩa là “Yên đẹp cõi nước ta”. Không bao lâu, vua Minh Thế Tổ băng hà, vua Thế Tông lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Tĩnh.
+ Trong thành Châu Dương có núi Khương Sơn. Đời Khang Hy ông Châu Trúc Sá lên chơi, có câu:
Hữu ước giang xuân đáo.
Nghĩa là “Vì có ước nên theo sông xuân đến”. Sau đó quan phương bá họ Giang tên Xuân làm chủ núi Khương Sơn, tu trấp lại rất thịnh.
Rõ là những chuyện kỳ!
Và những câu thơ trên, Hán tự cũng như Quốc âm, đều là những câu thơ thần. Không muốn tin cũng không được.
Vì thơ thường linh ứng như thế, nên cổ nhân rất kỵ làm thơ trệ. Lại có lắm người mong hậu vận được tốt lành theo ý muốn, hay làm những câu thơ vui tươi, những câu thơ có khẩu khí phong lưu phú quí. Đó là do quá tin ở thi sấm quên rằng sự ứng nghiệm chỉ có, khi nào người làm thơ vô tâm. Và người đời chỉ thấy sự ứng nghiệm sau khi sự việc đã xảy ra rồi. Chớ đoán thi cũng như đoán sấm trạng Trình, không mấy khi trúng đích xác. Thêm nữa, đâu có phải chỉ những câu thơ trệ là điềm báo trước những mối họa sắp đến. Lắm câu thơ rất đẹp rất vui ứng vào những việc không mấy vui mấy đẹp, như thơ của vua Tống của chúa Thục thượng dẫn. Cũng có lắm câu thơ rất trệ, nhưng rốt cuộc không thấy ứng nghiệm. Như câu:
Giang hồ chí đã vương mây khói
Khuya ngọn đèn khuya lạnh thấm xương.
Đó là câu thứ ba thứ tư trong bài Thanh Siêu của Lưu Kỳ Linh làm trên một chiếc tròng ngao thả theo dòng sông Hương một đêm hè năm 1952.
Gặp tôi tại Nha Trang (1955), Lưu quân đọc cho tôi nghe.
Nhận thấy câu thơ trệ và sức khỏe của Lưu quân lại không được dồi dào, tôi có ý sợ là triệu bất tường, nhưng không dám nói ra. Sau khi xa cách nhau, những năm vắng tin tức, lòng không khỏi thắc thỏm lo âu… Song từ bấy đến nay, ơn trời, câu thơ không có ảnh hưởng gì đến tác giả. tôi mừng rằng câu thơ kia không phải là thơ sấm.
Thơ sấm xuất ư tự nhiên. Không nên quan tâm đến những câu thơ trệ, cũng không nên cố ý làm cho thông. Nếu quan tâm cố ý thì sẽ vấp phải trường hợp anh Liễu Miện:
Liễu Miện là một anh học trò thi. Anh rất hay kiêng cữ, cữ nhất là chữ LẠC. Lạc là rụng là hỏng. Vì chữ Lạc là vui đồng âm với chữ Lạc là rụng, nên anh ta cũng cữ luôn. Để thay vào chữ cữ anh ta dùng chữ Khương là yên vui. Chẳng những anh ta cữ mà thôi, những đứa ở trong nhà cũng phải cữ nốt.
Có một khoa, thi xong về nhà, Liễu Miện sai tiểu đồng ra xem bảng. Xem không thấy tên thầy, tiểu đồng về thưa:
- Tú tài khương liễu. [1]
Quên lững rằng chữ Khương thế cho chữ Lạc, Liễu Miện mừng quá hối người nhà mổ bò mổ lợn ăn mừng! Sau mới bật ngửa! [2]
Chú thích: 
[1] Đáng lẽ nói “Tú tài lạc liễu” nghĩa là hỏng tú tài rồi. Vì cữ chữ LẠC, nên nói KHƯƠNG LIỄU. Liễu là rồi, đồng âm với họ Liễu, nên nghe câu “Tú tài khương liễu” tưởng là ông Liễu đậu tú tài. Do đó người làm văn thường dùng chữ Khương liễu thay chữ lạc đệ là thi hỏng.
[2] Xem thêm chương 55 nói về cụ Tam Xuyên.
20. A
Núi Dục Thúy ở Ninh Bình là một danh thắng của Việt Nam.
Núi tục gọi là hòn Non Nước, nằm trên sông Vân Sàng, ba mặt nước bọc, một mặt dính vào đất liền. Đứng xa trông thì thấy núi chìm vào màu xanh của nước. Do đó nhà văn hào đời Trần là Trương Hán Siêu mới đặt tên là DỤC THÚY, tức là Tắm sắc xanh.
Trên núi có ngọn cổ tháp dựng từ đời Lý. Tháp lâu đời bị sập đổ, đến đời Trần được xây lại. Trương Hán Siêu dựng bia làm kỷ niệm.
Dưới chân núi có hang đá cao rộng, day mặt ra sông. Trong hang có chùa thờ Phật, tục gọi là chùa Hang. Những khi triều dâng thì nước ngập cả hang, muốn vào chùa phải đi bằng thuyền.
Cách Dục Thúy không xa có hòn Hồi Hạc và hòn Phi Diên tức hòn Cánh Diều. Hai hòn này hợp cùng hòn Dục Thúy thành một bức tam sơn thiên nhiên làm tiền án cho Ninh Bình.
Khi về trí si, TRƯƠNG HÁN SIÊU cất nhà và mở trường dạy học ở trên núi Dục Thúy. Cúc trồng dầy cả bốn bên. Và từ bấy đến nay, mỗi ngày sanh sản mỗi nhiều. Đến mùa thu hoa nở vàng cả núi.
Ngoài chùa, tháp và hoa cúc, Dục Thúy còn có thơ, thơ Hán tự thơ Quốc âm, lớp viết bằng mực bằng sơn, lớp khắc vào cây vào đá. Hằng hà sa số, phải công phu lắm mới phân biệt được mắt cá hạt châu.
Về thơ chữ Hán, được nổi tiếng nhất là bài của Phạm Sư Mạnh người đồng thời cùng Trương Hán Siêu:
Hỗ tất nha đầu phố
Đình chu thủy thạch nham
Kình ba thiên thượng hạ
Ngao bối hải đông nam
Bồng đảo liên tăng tháp
Doanh châu chính khách phàm
Hành niên lục thập lục
Tứ độ phỏng Già lam.
Nghĩa là:
Theo hầu ngự qua Nha đầu phố
Sóng quanh thuyền thuyền đổ bên non
Trời mây trên dưới chập chờn
Đông Nam biển nổi xanh dờn lưng ngao.
Bóng tăng tháp treo cao Bồng Đảo
Buồm lãng du lướt nẻo Doanh Châu
Năm nay sáu sáu tuổi đầu
Thú vui non nước đã hầu bốn phen.
Bài thơ của vua Thiệu Trị và của Nguyễn Thượng Hiền cũng là những giai tác. [1]
Còn về thơ Quốc âm thì được chú ý nhất là bài của Hy Long ĐẶNG XUÂN BẢNG, tiến si đời Tự Đức:
Nửa phần thị tứ nửa thanh u
Dưới nước trên non giữa khói mù
Đá trắng mờ rêu phai nét mực
Cúc vàng lẫn cỏ nhuộm màu thu
Hỏi người chủ động giờ đâu vắng
Thấy cảnh chùa tiên cũng muốn tu
Bể nổi dâu chìm đà lắm cuộc
Bức tranh sơn thủy dễ sờn ru.
Văn chương thanh lão, song ý vị không được nồng, chưa thích thú bằng bài sau đây của một thi nhân khuyết danh:
Tháp Lý Trần đâu? Đám cỏ hoang!
Cung Lê rày hỏi cũng mơ màng! [2]
Cuộc đời khôn thấu cơ vần chuyển
Cửa Bụt còn chờ nét điểm trang
Dìu dặt rượu thơ làn sóng biếc
Xôn xao xe ngựa bóng ô vàng
Thú thanh lịch đãi người phong nhã
Non nước mừng thay có chủ trương.
Bài này không nặng về cảnh thiên nhiên mà nặng về ý cảm hoài. Cảnh tình tương xứng, theo tôi, là bài của Nguyễn Đỉnh Giác, một Cử nhân ở Hưng Yên:
Trơ trơ chích thạch bến Vân Sàng
Hỏi núi chờ ai đã mấy sương?
Uốn éo lưng ghềnh ba mặt sóng
Phá toang cửa động một chùa hang
Bóng mây thấp thoáng hồn Diên Hạc
Vách đá lờ mờ nét Phạm Trương
Cũng muốn bể dâu bàn chuyện cũ
Gió thu hiu hắt khóm hoa vàng.
Đó là bài được chấm giải nhất trong cuộc thi do viên Tuần Vũ Ninh Bình là Từ Đạm mở năm Khải Định thứ 4 (1920) [3]. Văn chương cổ nhã, khí mạnh thần sáng, thanh sắc vị gồm đủ. Bao nhiêu thơ vịnh Dục Thúy xưa và nay mà tôi được đọc, cả những bài của Nguyễn Can Mộng, Đoàn Như Khuê mà nhiều sách đã chép, đều không thể sánh kịp. [4]
Cũng thì một cảnh Dục Thúy, mà cảnh tượng hiện dưới mắt mỗi thi nhân một khác. Đó là do tâm hồn của mỗi người. Bởi cảnh vật đối với các nhà thơ cổ điển, chỉ là khung động tác của tâm hồn. Những cảnh phô bày trên mặt giấy đều là ý cảnh (Verlaine gọi là paysage humain). Đó là hình ảnh của tâm hồn nhập vào cảnh, là những nét lòng của người họa sỹ tài ba chớ không phải phong cảnh in trên giấy láng do máy nhiếp ảnh chụp được. Mà ngay cảnh chụp trên giấy ảnh cũng là nét lòng của người nhiếp ảnh có tài. Cũng cảnh ấy mà chụp thấy vui, buồn sâu lắng hay nhộn nhịp…
Những bài Vịnh Dục Thúy - cũng như thơ Thu Vịnh, Thu Điếu, Thu Ẩm của Yên Đỗ [5] - không phải là thơ tả cảnh. Quả như lời Chế Lan Viên đã nói trong bài bình giảng bài Thăng Long Thành Hoài Cổ của bà huyện Thanh Quan [6], thơ Cổ điển Á Đông (Hoa và Việt) không có thơ tả cảnh, mà chỉ có thơ vịnh cảnh.
Tả và vịnh khác nhau. Tả là vì đối tượng, Vịnh là vì tâm hồn. Vì đối tượng nên tả phải đúng với thực tế trên thực tại khách quan. Vì tâm hồn nên vịnh chỉ mượn đối tượng để làm chiếc đinh để móc bức tranh lòng, để làm ông đồng bà cốt để nói lên tiếng nói mà tâm hồn không tự hoặc không tiện thốt ra được.
Ba bài thơ Dục Thúy trên đây đều mang tâm sự của tác giả. cụ Đặng thì núp lòng sau cảnh. Nhà thơ khuyết danh thì mượn cảnh để tả lòng. Ông Cử họ Nguyễn thì hòa lòng với cảnh, lấy cảnh làm lòng. Những bài thơ đó gọi là Thơ Cảnh.
Gọi là Thơ Cảnh để phân biệt với Thơ Tình thuần túy đó thôi. Cho nên nghe nói Thơ Cảnh đừng tưởng lầm là thơ tả cảnh vậy.
Chú thích:
[1] Trong Giai Thoại Làng Nho của Lãng Nhân có chép đủ.
[2] Chắc đời Lê vua chúa có xây cung ở Dục Thúy. Hiện không còn thấy dấu tích.
[3] Trong Giai Thoại Làng Nho, ông bạn Lãng Nhân chép là của ông F cử Dự ở Nam Định. Bài thơ có chỗ đôi khác:
- Câu 1: Một hòn trơ đứng ngọn Vân Sàng
- Câu 3: Uốn éo bên ghềnh ba ngọn nước.
- Câu 5: Bóng trăng thấp thoáng hồn vân hạc.
- Câu 6: Nét đá lờ mờ dấu Phạm Trương.
Bài tôi chép trên đây chỉ nghe truyền, chớ không phải thấy được bản thảo của tác giả, nên không dám quả quyết rằng đúng nguyên văn. Song xét từ lý thì thấy có hơn bài của Phùng quân chép, nên chép theo sở văn. Vân Sàng là con sông chảy qua Ninh Bình, nên không nói ngọn Vân Sàng được. Câu 3 tả hình dáng hòn Dục Thúy bị ba mặt nước bao vây. Diên Hạc là trỏ hòn Hồi Hạc và hòn Phi Diên “Vách đá… Nét Phạm Trương” là chỉ những thơ văn của Trương Hán Siêu và Phạm Sư Mạnh khắc trên vách đá đã mờ hết nét.
[4] Giai Thoại Làng Nho và Thắng Cảnh Việt Nam Qua Thi Ca có chép.
[5] Vì những bài này ai cũng thuộc nên miễn chép.
[6] Xem bài số 8 ở trước.
20.B
Ở Ninh Bình có hòn Non Nước. Ở Quảng Nam cũng có hòn Non Nước.
Hòn Non Nước của Quảng Nam nằm trong dãy Ngũ Hành Sơn ở phía đông nam Đà Nẵng cách chừng bốn năm cây số.
Ngũ Hành Sơn gồm có Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Danh thì có năm, nhưng thiệt thì đến sáu. Vì Hỏa Sơn gồm đến hai ngọn: Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn. Sáu ngọn núi đứng tranh vanh đột ngột giữa một động cát mênh mông. Phía tây có sông Trường Giang, phía đông có bể Đông hải.
Trừ hòn Thổ Sơn, phần lớn là đá thường, các hòn khác đều là đá cẩm vân. Mỗi hòn mỗi sắc đá khác nhau. Đá nơi Hỏa Sơn và Kim Sơn sắc thủy mặc, nơi Mộc Sơn sắc trắng, nơi Thủy Sơn sắc hường.
Trong sáu hòn, hòn nào cũng có kỳ quan thắng tích.
Nhưng hòn Thủy Sơn, tục gọi là hòn Non Nước, xưa nay được khách du quan khách hàn mặc thường tới lui hơn các hòn khác. Bởi hòn Thủy Sơn cao lớn hơn tất cả và cũng có nhiều cảnh đẹp hơn tất cả. Những cảnh nổi tiếng toàn quốc như động Huyền Không, động Tàng Chơn…, đài Vọng Giang, đài Vọng Hải…, chùa Linh Ứng, chùa Tam Thai…, hang Âm Phủ…, đều ở trên hòn Thủy Sơn.
Ngũ Hành Sơn là một danh thắng của Trung Việt.
Thơ đề vịnh rất nhiều. Nhưng phần nhiều là thơ chữ Hán. Thơ Quốc âm làm theo thể Đường luật, chỉ nghe truyền có hai bài:
Một bài của bà Bang Nhãn:
Cảnh trí nào hơn cảnh trí này
Bồng Lai âu hẳn cũng là đây
Khói lồng sắc đá non phơi gấm
Chùa nức hơi hương biển kéo mây
Ngư phủ gác cần ngơ mặt nước
Tiều phu chống búa tựa lưng cây
Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách
Vút mắt Trường Sơn ác xế tây.
Một bài của Thái Duy Thanh:
Hay là ông Lý Khổng Lồ xây
Mới có non non nước nước này
Ngó lại ngó qua năm đống đá
Tu lên tu xuống mấy ông thầy
Lên đài Vọng Hải trông xa mú
Vào động Huyền Không ngó trống quầy
Lếu láo ngâm đưa ba chén rượu
Cõi trần âu cũng có tiên đây.
Thái Duy Thanh là người đồng châu và đồng thời cùng bà Bang Nhãn. Song khẩu khí đôi bên khác hẳn nhau. Một bên thì trang trọng, một bên thì phóng dật, xem khinh mọi cảnh vật bên ngoài.
Không thể đem so hơn kém, vì mỗi bài có một cốt cách riêng, một phong vị riêng.
Gần đây BÍCH KHÊ cũng có hai bài, lời mới tứ lạ, nhan đề là TIỀN NGŨ HÀNH SƠN, HẬU NGŨ HÀNH SƠN.
Đây bài Tiền: 
Lên chơi Hòn Non Nước
Gót trổ ngọc song song…
Chàng ơi, đêm đã ướt
Mắt sao trên trời cong.
Long lanh, ngời, sáng, mướt:
Là gấm hay là nhung
Dệt lên đá linh lung
Những hình điêu khắc nổi
Sặc sỡ - Voi uốn ngà,
Cánh dơi nghe phất phới,
Tiên đồng bước giữa hoa,
Mục đồng lưng trâu cỡi
Thổi sáo bên rừng mai…
Bí mật trời Thiên Thai,
Động Huyền Không bốc khói!
Lờ mơ đường lên mây,
Chén trăng vừa tầm vói,
Chàng ơi, vàng ròng đây
Kề môi say ân ái…
Nhàu nhàu đệm rêu xanh
Dàu dàu màu sơn huỳnh,
Là là buông ren lụa.
Gót trổ gần mà xa…
Hiện lên đôi thạch nhũ,
Sữa trắng như tuyết pha
Nhi nhỉ nơi một vú…
Chàng ở, lòng vữa sao
Khi hứng giọt thơm ngào?
Hình ảnh thật là giàu, hình ảnh do tâm cảnh phối ngẫu mà sinh thành. Nhưng chưa linh động bằng đoạn tiếp:
Thôi lên đài Vọng Hải
Nhìn kim cương rưng rưng!
Nhạc vàng đâu hãy lại,
Trời nước lộn trong sương…
Hình trập trùng múa nhảy
Trên nền sóng rung rinh
Những tiên nữ trắng tinh
Ngang thân làn biếc khỏa.
Ty trúc nhấn gần xa,
Lay bay hơi báu tỏa…
Miệng nào giục điệu ca?
Tóc nào buông lõa xõa?
Mắt nào điện long lay?
Tay nào như sắp bay?
Cảnh tượng ở đoạn trên là cảnh tượng trên núi. Cảnh tượng ở đoạn dưới là cảnh tượng ngoài biển. Vẻ đẹp cả hai đều lộng lẫy và trong sáng. Nhưng khi thi nhân đưa chúng ta xuống hang Âm Phủ dưới chân núi, thì chúng ta không khỏi rùng mình:
Gió lồng hang Âm Phủ, [1]
Hoa mộng thẫm màu thâm!
Bóng đa phờ tóc rũ:
Ở con tinh đứng, nằm
Đưa võng hát ru con,
Điệu buồn trơn giọng cú
Làm úa mảnh trăng lòn!
Hai ta là mảnh vỡ
Của ngai báu Thiên Đường;
Hai ta là chất bổ
Cắn ở trái Đau Thương…
Chàng ơi, đêm nín thở
Để hồn biến ra hương…
Chập chờn trong nữ yêu,
Vào ra theo răng lựu;
Chập chờn trong ba tiêu,
Dường mưa thu nhỏ giọt;
Chập chờn trong tiếng chuông
Điểm kinh - ngân thánh thót;
Chập chờn trong bể sương,
Lượn theo nếp y thường…
Hai ta là mảnh vỡ
Của ngai báu Thiên Đường;
Hai ta là chất bổ
Cắn ở trái Đau Thương…
- Ái ân là ô thước;
Cây ngọc trổ văn chương -
Lên chơi Hòn Non Nước,
Ôm nhau chết bên đường,
Mơ màng trăng hạc rước…
Tứ thơ vừa tân kỳ vừa phong phú! Tác giả thổi hồn mình vào cảnh vật và biến cảnh vật thành những hiện tượng như có như không, nửa thực nửa mộng! Thật là kỳ thú! Người đọc bị hấp dẫn phải chạy theo dòng thơ đến cuối cùng, lắm lúc muốn dừng, nhưng không hề hoặc không nỡ dừng lại.
Bài Tiền làm năm 1941. Bài Hậu làm năm 1943. Đó là do hai bài của bà Bang Nhãn và của Thái Duy Thanh, cùng hai bài Tiền Xích Bích Phú, Hậu Xích Bích phú của Tô Đông Pha gây hứng.
Bài Hậu dài 82 câu, hình ảnh cũng rất giàu và sức truyền cảm cũng mạnh mẽ. Xin trích một đoạn:
…  Kim Mộc Hỏa Thổ lạy,
Trên dưới đất trời chầu.
Vàng sao trời mắt rạng;
Sương châu nhỏ giọt sa
Gọi sắc cỏ thơm dậy
Lẩn quất khí rừng hoa.
Gọi hồn đại hải lại
Nhập khói động Huyền Không.
Điểu thú về hết thảy;
Phụng hoàng múa theo công;
Rồng xuống khoe năm vẻ;
Bạch viên ngoạm trái đào;
Thần tiên rủ yêu quấy,
Cử lên nhạc Tiêu Thiều
Sực nức lò hương xông;
Trập trùng màu xiêm áo;
Lớt đớt trận mưa bông;
Phật Như Lai thoạt hiện
Trên bảy sắc cầu vồng.
Quái thay hòn Non Nước
Nghe giảng đủ mười tông!
Muôn năm lòng đá rắn
Nhuần thấm giọt từ bi
Biển xanh thay chất mặn,
Rừng thẳm lọc hơi sầu!...
NGŨ HÀNH SƠN hiện dưới mắt mỗi người mỗi khác, bởi tâm hồn không giống nhau. Ngũ Hành Sơn ví như Tánh, những hiện tượng dưới mắt người là Tướng và tâm hồn của mỗi người nhìn núi là duyên. Tánh bất biến, còn tướng tùy duyên. Cho nên Ngũ Hành Sơn chỉ có một, mà những cảnh tượng tả trong thơ muôn sai nghìn khác.
Người xem thơ không nên chấp tướng thì mới hưởng được chân thú chân vị của thơ.
Chú thích:
[1] Hang Âm Phủ ở dưới chân hòn Thủy Sơn, tức hòn Non Nước (Tiếng Non Nước do chữ Thủy Sơn mà ra). 
20.C
Đọc bài VỊNH NÚI DỤC THÚY của Nguyễn Đỉnh Giác, tôi liên tưởng đến bài VỊNH HỒ HOÀN KIẾM của Ý Viên Hoàng Cảnh Tuân:
Bóng tháp lô nhô lớp sóng cồn
Nhịp cầu nho nhỏ ghếch sườn non
Nước trong như vẫn tăm thần kiếm
Đường rộng còn trơ dấu pháp môn
Kim cổ treo chung tranh thủy mặc
Tang thương chớp nhoáng bóng hoàng hôn
Nghìn thu suy thịnh gương còn đó
Coi thử vầng trăng khuyết lại tròn.
Bút pháp và khẩu khí họ Hoàng thật giống họ Nguyễn. Đọc thơ biết rõ hai tác giả là người khoáng đạt khẳng khái, học rộng, tài cao.
Câu:
Kim cổ treo chung tranh thủy mặc
Tang thương chớp nhoáng bóng hoàng hôn.
Thật tinh diệu. Lời thơ trác luyện nhưng tự nhiên, tứ thơ bao la man mác. Lòng người đọc thơ bồi hồi như trông thấy cảnh biến đổi của cuộc đời theo bóng chiều vàng hiển hiện trên nước mây bảng lảng…
Đem so cùng câu:
Bóng mây thấp thoáng hồn Diên Hạc
Vách đá lờ mờ nét Phạm Trương.
thì một bên là Chiêu Quân sang Hồ Địa, một bên là Huyền Trân vào Chiêm Thành. Nét buồn trong vẻ đẹp, vẻ đẹp trong sắc buồn, muốn thưởng thức phải tự mình nhìn, chớ nói không cùng, tả không xiết.
Những câu thơ bất hủ của bà Huyện Thanh Quan:
Chín tầng sen rớt hơi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau. 
Nếu đem đặt một bên hai câu kia, thật khó mà phân bá trọng. Rất hận là không đọc được nhiều thơ của họ Nguyễn họ Hoàng, không được biết rõ tiểu sử của họ Nguyễn họ Hoàng, để nói được nhiều khen được nhiều cho thỏa hồn thơ.
Để giúp bạn đọc chưa được thấy hồ Hoàn Kiếm, chưa được biết rõ về hồ Hoàn Kiếm, nhận thức đầy đủ cái hay cái đẹp trong bài thơ cúa Ý Viên, xin nói qua về sự tích và phong cảnh hồ Hoàn Kiếm.
Hồ ở giữa thành phố Hà Nội. Trước kia gọi là Vọng Hồ. Vua Lê Thái Tổ mới đổi tên Hoàn Kiếm. 
Truyền rằng: Sau khi đánh đuổi được quân Minh, xây vững nền độc lập cho Tổ quốc, vua Lê Thái Tổ ngự thuyền chơi trên hồ, chợt thấy một con rùa to lớn nổi lên mặt nước. Nhà vua rút kiếm ra đâm thì rùa liền đớp lấy kiếm lặn mất. Thanh kiếm ấy nhà vua đã bắt được trước khi khởi nghĩa, và đã dùng để dẹp quân xâm lăng. Nước đã yên nên Trời sai thần qui đến đòi lại kiếm. Trả kiếm trên hồ, nên nhà vua mới đặt tên hồ là Hoàn Kiếm.
Giữa hồ có một ngọn cổ tháp tục gọi là tháp Rùa xây trên một nấm gò nhỏ gọi là gò Con Qui. Phải chăng tháp ấy xây để thờ rùa thần đã nổi lên đòi là gương thần?
Quanh hồ, ở phía đông nam có tháp Báo Thiên, di tích của chùa Quan Thượng. Ở phía Tây, có đền thờ và tượng vua Lê Thái Tổ.
Ở phía đông bắc có cổng đền Ngọc Sơn, hai bên cột gạch có khắc nhiều câu đối cổ. Vào khỏi cổng, ở phía trái có một nổng gò nhỏ đắp bằng những tảng đá vụn. Trên gò xây một ngọn tháp, trên tháp có một ngọn bút chữ nho bằng đá to lớn. Do đó tháp gọi là Tháp Bút. Vào sâu chút nữa thì có một cái đài trên có một nghiên mực bằng đá. Đó là Nghiên Đài.
Qua khỏi Nghiên Đài thì đến một cái cầu gỗ sơn đỏ, gọi là cầu Thê Húc, bắt từ bờ hồ sang nổng gò Ngọc Sơn ở giữa hồ. Trên gò có chùa Ngọc Sơn ẩn hiện trong bóng cây xanh và soi hình xuống nước. Đền nầy xây từ đời Trần. Trong đền thờ đức Quan Đế và đức Trần Hưng Đạo. Đến đời Thiệu Trị một nhóm thi sỹ làm thêm một nếp đền nữa thờ đức Văn Xương.
Phong cảnh thanh tú. Tao nhân mặc khách xưa nay thường đến ngâm vịnh. Nhưng bên thơ Quốc âm, xuất sắc chỉ có bài của Ý Viên.
Trong bài THĂNG LÒNG THÀNH của Đông Hồ, đoạn đầu nói về hồ Hoàn Kiếm:
Bão táp tơi bời trời cố quốc
Gió mưa ủ rũ đất danh đô
Tiêu điều cỏ lấp hoa Long Đỗ [1]
Lạnh lẽo trăng soi nước Kiếm Hồ
Bút tháp viết trời xanh chữ hận
Nghiên đài tràn mực đậm màu thu
Cầu Thê húc thẹn son xưa nhạt
Đình Trấn Ba khoe phấn mới tô [2]
Tháp đảo chơ vơ rùa nhớ kiếm
Tượng vườn chót vót đá mong vua [3]
Báo thiên rêu phủ hoang sơ tháp
Núi Ngọc cây quanh ẩn ước chùa… 
Lời thơ đẹp, tình hoài cổ chứa chan. Đông Hồ đưa hầu hết những cổ tích của hồ vào văn chương. Và mỗi cảnh mang một mảnh lòng của tác giả, tha thiết như nhau, đậm đà in nhau, người đọc khó nhận biết ý tác giả nằm ở chỗ nào. Nếu Đông Hồ làm vua, thì nơi hậu cung nhất định êm vui, vì tình chia được đều đặn. Như thế, công bằng thật. Song nghĩ kỹ công mà bất công. Vì nơi tam cung lục viện lẽ nào lại không có một Bao Tự, một Đắc Kỷ, hay một Tây Thi, một Dương Quí Phi? Đối với kẻ quốc sắc thiên hương mà tình kính yêu cũng ngang với một mỹ nhân thường, thì chẳng những không công mà còn không minh nữa. [4]
Lưu Mộng Đắc đời Đường làm bài KIM LĂNG HOÀI CỔ:
Vương Tuấn lâu thuyền hạ Ích Châu
Kim Lăng vượng khí ám nhiên thâu
Thiên tầm thiết luyện trầm giang để
Nhất phiến hàng phiên xuất Thạch Đầu
Nhân thế kỷ hồi thương vãng sự
San hình y cựu chẩm hàn lưu
Tức kim tứ hải vi gia nhật
Cố lũy tiêu tiêu lộ địch thu
Tạm dịch:
Xuống Ích Châu thuyền lầu Vương Tuấn
Trời Kim Lăng khí vượng ngầm thâu
Nghìn tầm dây thiết chìm sâu
Cờ hàng một lá Thạch Đầu treo cao
Thương thế sự trải bao chìm nổi
Vẫn lạnh lùng non gội nước xưa
Bắc Nam nay một cõi bờ
Đìu hiu lũy cổ bơ phờ lau thu.
Tiền Giải chỉ dùng tích Vương Tuấn là tướng nước Ngụy đem thủy binh xuống Ích Châu, phá tan dây xích sắt giăng dưới sông, khiến binh nước Ngô không chống nổi phải dựng cờ hàng nơi Thạch thành. Còn hâu giải thì toàn thị không miêu [5]. Bạch Lạc Thiên khen:
- Đã lấy được hạt châu trong hàm con ly rồi thì vây vảy còn lại đều vô dụng. [6]
Tùy Viên tán thưởng:
- Thật là tri ngôn. Nếu chẳng thế thì điển cố đất Kim Lăng há phải một việc Vương Tuấn mà thôi, và trong bụng Lưu công há chỉ có một điển ấy. [7]
Có lẽ Ý Viên Hoàng Cảnh Tuân đã học theo cổ nhân.
Chú thích:
[1] Long Đỗ: Thần Long Đỗ. Truyền rằng ở Tây Hồ xưa kia giữa hồ có nùi đá nhỏ. Trên núi có hồ chín đuôi nhiễu hại dân chúng. Thần Long Đỗ tâu lên Thượng Đế. Đế sai Long quân đánh giết. Núi liền sụt thành đàm. Theo Tây Hồ Chí thì Tây Hồ thời cổ thuộc làng Long Đỗ. Hoa Long Đỗ tức hoa sen, vì Tây Hồ mọc nhiều sen.
[2] Đình Trấn Ba: một cảnh tân tạo ở cạnh hồ Hoàn Kiếm.
[3] Vườn tượng: vườn có đền thờ và tượng vua Lê.
[4] Bài này viết lúc Đông Hồ chưa qui thần, cậy chỗ tình thân nên hí lộng. Nay không muốn sửa lại vì sợ mất tự nhiên.
[5] Không miêu: Tả trống, không dựa vào một sự kiện lịch sử nào cả, chỉ lấy ý mình mà diễn tả ra.
[6] Nguyên văn: Dĩ thám ly châu, sở dư lân giáp vô dụng.
[7] Tùy Viên Thi Thoại, đoạn nói về thơ Vịnh cổ.
20.D
Đã nói đến Kiếm Hồ không thể không nói đến Tây Hồ, vì hai hồ là song nga của viện ngoại Hà Nội, mà Kiếm Hồ là Thúy Vân, Tây Hồ là Thúy Kiều, và:
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Vậy xin nói về Tây Hồ.
Tây Hồ nằm về phía Tây Bắc thành Hà Nội.
Thời Bắc thuộc gọi là hồ Lãng Bạc. Thời Lý Trần gọi là Dâm Hồ. Đời Lê cải là Tây Hồ, sau kiên tên húy của chúa Trịnh đổi là Đoài Hồ. Từ thời Tây Sơn trở về sau gọi Tây Hồ trở lại.
Tây Hồ rộng hàng nghìn mẫu. Chu vi trên 12 cây số. Nước nhẫy mênh mông và xanh lặc lìa. Mùa hạ sen nở hồng cả mặt nước. Quanh hồ có chùa có đền, có liễu thướt tha và nhiều hoa lạ cây quí.
Phong cảnh tuyệt mỹ.
Cao Biền khen Tây Hồ đẹp như chim phụng hoàng uống nước. Văn nhân thi sỹ Việt Nam khen đẹp như một chén đựng rượu, hễ nước sâu thì đất chìm, nước cạn thì đất nổi. [1]
Lại truyền rằng Tây Hồ xưa kia thuộc làng Long Đỗ, là một khu rừng. Trong rừng có một gò đá. Một con hồ ly chín đuôi làm hang ở đó, thường tác hại dân cư vùng lân cận. Thần Long Đỗ bèn tâu lên Thượng Đế. Thượng Đế nổi giận sai Long Vương đi giết hồ tinh. Long Vương và hồ tinh đánh nhau kịch liệt. Để giết hồ tinh, Long Vương làm sụt gò đá thành hồ nước sâu. [2]
Lại truyền rằng một nhà sư đúc một quả đại hồng chung bằng đồng đen. Đúc xong gióng thử, tiếng ngân bay tận bên Trung Hoa. Lúc bấy giờ ở Trung Hoa vua vừa đúc xong một con trâu bằng vàng lớn gấp năm con trâu thiệt. Trâu vàng nghe tiếng chuông ngân, ngỡ mẹ gọi [3], vùng bương ngàn chạy sang Việt Nam. Đến vùng Tây Hồ không tìm thấy mẹ, tức mình vùng vẫy, làm trụt cả một khu rừng thành hồ sâu sóng nổi. Sợ trâu làm trụt thêm đất gây tai nạn cho nhân dân, nhà sư bèn quăng quả chuông xuống hồ. Trâu liền lặn theo chuông chìm xuống đáy.
Phong cảnh đã đẹp, sự tích lại kỳ, nên từ xưa đến nay Tây Hồ quyến rũ không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách.
Thơ đề vịnh Tây Hồ, bên chữ Hán, nổi tiếng nhất là bài trường thiên của Liễu Hạnh Công Chúa liên ngâm cùng Phùng Khắc Khoan và hai họ Ngô Lý. [4]
Còn bên Quốc âm thì hai bài phú của Nguyễn Huy Lượng và Phạm Thái là hai áng văn kiệt tác. 2
Ngoài bài phú “Tụng Tây Hồ”, Nguyễn Huy Lượng còn một bài thất ngôn luật thi, làm theo lối thuận nghịch độc:
Đọc xuôi:
Đây vui thú lạ cảnh Tây Hồ
Có sẵn trời kia nét điểm tô
Mây lẫn nước xanh màu đúc ngọc
Nguyệt lồng hoa thắm vẻ in châu
Cây xòe tán lợp tầng cao thấp
Sóng gảy cầm tâu nhịp nhỏ to
Đầy mãi thú tiên non nước đó
Tây Hồ giá ấy dễ đâu so.
Đọc ngược:
So đâu dễ! Ấy giá hồ Tây
Đó nước non tiên thú mãi đầy
To nhỏ nhịp tâu cầm gảy sóng
Thấp cao tầng lợp tán xòe cây
Châu in vẻ thắm hoa lồng nguyệt
Ngọc đúc màu xanh nước lẫn mây
Tô điểm nét kia… trời sẵn có
Hồ Tây cảnh lạ thú vui đây.
Thật là xảo công! Thơ thuận nghịch độc mà lời văn xuôi ngược đều trôi chảy đẹp đẽ như thế, không phải dễ gì mà làm nên nếu kém tài kém học. Câu:
- Mây lẫn nước xanh màu đúc ngọc
Nguyệt lồng hoa thắm vẻ in châu.
- Châu in vẻ thắm hoa lồng nguyệt
Ngọc đúc màu xanh nước lẫn mây.
Tuyệt đẹp! Thơ cảnh như câu đó không phải nhiều trong thơ Quốc âm.
Chúa Trịnh Sâm cũng có hai bài nhan là TÂY HỒ TỨC CẢNH: 
I.
Khắp chơi phong cảnh áng hương thành
Ngoạn thưởng âu đây thích tính tình
Phục Tượng ngàn kia lồng bóng thỏ
Ẩn Ngưu dòng nọ bặt tăm kình
Lâm râm xóm nhạn cây pha khói
Lác đác buồm ngư lá nổi doành
Từng trải tiên vương khi thưởng vịnh
Thanh kỳ danh ấy đã nên danh.
II.
Lọ là đồn hỏi chốn Bồng Doanh
Này thú này âu cũng có tình
Đôi đóa nhụy hồng in dáng tía
Một doành nước biếc ánh trời xanh
Làu làu các nọ phong rèm nguyệt
Văng vẳng chiều kia dõi tiếng kình
Lần trải nắng sương đà mấy tá
Kim ngưu dấu trước hãy rành rành.
Lời thơ già dặn, song không êm đẹp bằng bài của Nguyễn Huy Lượng.
Cổ tích của Tây Hồ rất nhiều. Cổ nhân đã viết thành tập nhan là Tây Hồ Chí.
Dấu xưa chuyện cũ tuy nhiều, song Nguyễn Huy Lượng chỉ dùng thi liệu trước mắt. Có điển mà không dùng điển cũng như có thế mà không dựa thế. Nhưng trong trường hợp Huy Lượng, có lẽ vì đã dùng điển trong bài phú quá nhiều rồi nên chán dùng nữa đó thôi, chớ không phải tánh vốn thích tự lập.
Còn chúa Trịnh Sâm chỉ dùng có một điển Kim ngưu ở bài thứ hai. Trong bài thứ nhất, hai tiếng Phục Tượng và Ẩn Ngưu là tên núi và tên sông.
Núi Phục Tượng là một ngọn trong dãy Vạn Bảo Sơn ở phía nam hồ Tây. Truyền rằng Cao Biền sang nước ta trù ếm, đào đứt long mạch núi Phục Tượng. Thần núi hóa hình trâu phóng ánh sáng vàng chạy ngược dòng Đường Giang lên ẩn náu tại Tây Hồ. Người quanh vùng dựng miếu thờ, gọi là Kim Ngưu từ, và khúc sông Đường Giang gần Tây Hồ gọi là Ẩn Ngưu.
Hai bài thơ của chúa Trịnh cũng như bài của Nguyễn Huy Lượng là những bài thơ cảnh có giá trị song không đặc sắc. Bởi chỉ cho chúng ta thấy những cảnh đẹp nho nhỏ, những cảnh đẹp mà nơi nào có nước có cây có lầu có các, đều có thể có chớ không riêng gì Tây Hồ. Tác giả không làm nổi bậc những điểm đặc biệt của Tây Hồ, không gợi được cái cảnh bao la bát ngát của mây nước, cái vẻ cổ kính thanh u của cây cối chùa đền ở chung quanh Tây Hồ. Đem những bài kia đổi đầu đề và đổi một ít chữ cần thiết trong bài, thì có thể dùng để nói đầm Nha Trang, hay hồ Đà Lạt vẫn được.
Cảnh trong thơ tuy là ý cảnh song vẫn phải giữ những nét đặc biệt của thực cảnh, chớ đâu phải một khi cảnh đã vào lòng rồi thì cảnh nào cũng theo một rập như bột vào khuôn bánh in. Thi nhân với đôi mắt tinh vi chọn trong toàn thể của cảnh vật, những nét đặc sắc, những chi tiết riêng biệt, rồi hòa lòng mình vào để tạo ý cảnh cho thơ. Có vậy thì thơ mới độc đáo. Và muốn vậy thì trước hết thi nhân phải sống với cảnh, phải hòa lòng với cảnh. Nhà văn Nguyễn Hiến Lê nói câu này:
- Cảnh thiên nhiên cũng như thiếu nữ: dù tầm thường tới đâu cũng có vẻ đẹp riêng, nhưng vẻ đẹp đó chỉ hiện lên một lúc nào thôi, và phải là hạng nghệ sĩ có tình riêng với non sông mới nhận ra được, cũng như phải yêu một thiếu nữ nào mới nhận ra được cái duyên kín của nàng. [5]
Hay và đúng lắm! Nhưng không phải chỉ yêu rồi mới nhận ra được cái duyên kín của nàng, mà có khi ngược lại chính vì đã nhận ra được cái duyên kín nên đâm ra yêu da diết một nàng trông tầm thường. Lại có những vẻ đẹp hết sức kín đáo không hiện lên dù chỉ trong một lúc nào mà phải khổ công mới tìm thấy, vạch cỏ dại mới lộ nét hoa, và chỉ lộ riêng cho người khổ công tìm với con mắt nghệ sỹ và tâm hồn thi nhân.
Thật là lời nói của người đã sống mãnh liệt và sâu sắc, đã từng hòa lòng vào cảnh, ôm cảnh vào lòng.
Thi nhân sống cho được đến mức tâm cảnh bất nhị, tâm cảnh nhất như, thì thơ nói chung, thơ cảnh nói riêng, sẽ đi tới diệu xứ.
Chú thích:
[1] Nguyên văn: Tây Hồ chi thủy như trảng trung tô, thủy thâm thổ một, thủy thiển thổ phù.
[2] Sách Tây Hồ Chí có chép rõ.
[3] Cổ nhân bảo rằng Đồng Đen là mẹ các loài kim khí, hễ vàng bạc đồng chì… mà nghe hơi tiếng mẹ thì liền tụ tập.
[4] và 2 Những bài này đã có nhiều sách chép rồi. Các bạn muốn xem cũng dễ tìm thấy.
[5] Văn số đặc biệt 150: Thi sĩ Vũ Hoàng Chương - trang 103
21.

Các nhà văn nhà thơ Tây Phương thường thường vì yêu cảnh mà nói đến cảnh. Còn hầu hết các nhà thơ nhà văn Đông Phương nói đến cảnh chỉ vì tình.

Nhưng có lắm bài thơ Quốc âm nói đến cảnh, mà không phải vì cảnh cũng không phải vì tình. Như bài:
HÒN VAY HÒN TRẢ
Hỏi thăm giàu có bấy lâu nay?
Qua lại người đồn trả với vay.
Sỏi đá vốn kia cao chất mãi
Cỏ cây lời nọ nảy ra hoài.
Hẹn hò ngày tháng chim năng nỉ
Tờ khế năm mùa lá đổi thay.
Gánh nợ tang bồng mong trả đặng
Bằng không cũng có đất trời hay.
GÀNH MÓM
Hứng nắng non xanh tác chẳng già
Cớ sao Gành Móm lại giô ra?
Rong rêu quộp quạp râu Bành Tổ,
Đá gộp do de mép Tử Nha.
Nước súc phều phào cơn sóng vỗ
Khăn lau quộc quạch đám mây qua.
Có ai hỏi lão xuân thu mấy?
Rằng thuở khai thiên đã có ta. [1]
Bài Hòn Vay Hòn Trả là tác phẩm của ông HỌC Ý người làng Chánh Lộ tỉnh Quảng Ngãi. Bài Gành Móm kẻ thì bảo của cụ HUỲNH MẪN ĐẠT, người thì bảo của cụ ĐẶNG ĐỨC SIÊU. 2
Cả hai nói đến cảnh chỉ vì tên cảnh ngộ nghĩnh. Tác giả chỉ lo khắc hoạch sao cho ra Vay ra Trả, sao cho ra Móm ra Gành. Còn hình núi ra sao, dáng gành ra sao, tình người đối với cảnh như sao…, thì không chút quan tâm đến!
Đó là lối thơ cử nghiệp, lối thơ chỉ chú trọng đến đề bài chớ không thiết tha đến tánh linh, đến thực tế.
Chính lối thơ cử nghiệp đã làm mất cái bản chỉ, cái chân thú của thơ, và khiến cho thơ Đường luật mỗi ngày mỗi suy lạc.
Nhưng hai bài thơ trên, tuy nằm trong khuôn khổ thơ cử nghiệp song có nhiều tứ mới làm cho vị thơ vừa đượm vừa tươi chớ không nhạt nhẽo khô khan như phần nhiều những thơ “đồng loại”.
Cũng như hai tác giả Hòn Vay Hòn Trả và Gành Móm, nhà chí sỹ Trần Cao Vân vịnh Hòn Chồng Đực Hòn Chồng Cái ở Nha Trang, vì tên cảnh chớ không phải vì cảnh:
Đất nắn trời nung khéo định đôi
Hòn Chồng Đực Cái sánh hai ngôi.
Ông xây nên đống cây trồi mụt
Bà đúc y khuôn đá mọc chồi.
Mây núi rũ giăng màn tịnh túc,
Nước khe hầu rót chén giao bôi.
Non thề giai lão trơ trơ đó
Gió chẳng lung lay sóng chẳng dồi.
Bài thơ Ông Chồng Bà Chồng của Hồ Xuân Hương cũng thuộc loại này:
Khéo khéo bày trò hỡi Hóa công!
Ông Chồng đã vậy lại Bà Chồng.
Tầng trên tuyết điểm phơ đầu bạc
Thớt dưới sương pha đượm má hồng.
Gan nghĩa dãi ra cùng nhật nguyệt
Khối tình cọ mãi với non sông.
Đá kia còn biết xuân già dặn
Chả trách người ta lúc trẻ trung.
Hai bài này có tình, và cách hành văn dụng ý thoát ra ngoài khuôn sáo. Hương vị đáng yêu hơn hai bài trên gấp bội phần.
Nhưng cả bốn đều là những áng văn chương giá trị, không phải ai cũng có thể làm được. Các bạn mới bước chân vào làng thơ, đừng nghe nói “thơ cử tử” đã vội xem thường xem khinh. Muốn biết rõ chỗ sở trường sở đoản của lối thơ cử nghiệp ra sao, thì cần phải thể nghiệm, ít ra cũng phải đọc qua “Thi pháp nhập môn” của làng thơ xưa.
Chú thích:
[1] và 2 Xem chương “Thơ Bình Định” ở sau nơi mục nói về thơ cụ Đặng Đức Siêu.
- Bài này nhiều sách chép có nhiều chữ khác. (Xem chương 35 ở sau).
22.

Cụ NGUYỄN DU viết ra Truyện Kiều, mục đích chỉ mượn văn chương để gởi tấm lòng cùng thiên cổ. Nghĩa là viết cho mình, viết vì mình. Thế mà một khi ra đời Truyện Kiều đã gây ra không biết bao nhiêu chuyện trong làng văn, ngoài làng văn. Như bói Kiều, tập Kiều, vịnh Kiều, lên án nhân vật Truyện Kiều (Kiều án); kẻ thì cho Truyện Kiều là “Quốc Hồn Quốc Túy” như Phạm Quỳnh, người chê là “Dâm thư” như Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế…, gây một phong trào bút chiến sôi nổi trong một thời…

Trong những câu chuyện chung quanh Truyện Kiều, thì việc vịnh Kiều thường xảy ra nhiều chuyện lý thú. Như chuyện cụ Từ Đạm và một ông Đồ Nghệ, là một.
Cụ Từ Đạm đậu tiến sĩ, thích ngâm vịnh và rất ưa đồ cổ. Lúc cụ ngồi Tuần Vũ Ninh Bình [1], một hôm có một ông Đồ Nghệ xin vào ra mắt. Quan Tuần cho vào. Ông Đồ vái chào rồi nói:
- Nghe tiếng quan lớn là người háo cổ. Tôi có một món đồ cổ xưa nay bất ly thân. Nay qua đây hết tiền tiêu, nên đem đến cầm cho quan lớn.
Quan Tuần bảo đưa xem. Ông Đồ trình lên một gói cột ràng cẩn thận. Mở ra xem thì là một chiếc khăn nhiễu thâm đã bạc màu. Quan Tuần giận đỏ mặt, song nghe xưng là Đồ Nghệ lại thấy diện mạo khôi ngô, thái độ ngạo nghễ, nên không dám thị oai, chỉ nghiêm giọng quở:
- Thầy muốn cầm đồ thì ra tiệm mà cầm, chứ sao lại đem vào đây?
Ông Đồ ung dung đáp:
- Nghe tiếng quan lớn biết phân biệt giá trị các thứ đồ cổ, tôi mới đem vào, chớ đối với phường chỉ biết tiền là qúi thì đem đến làm chi cho mất thể diện con người biết đọc sách.
Biết là con người ngang ngạnh, quan Tuần dịu giọng, bảo:
- Thầy cần tiền, thôi không cần phải cầm đồ cầm đạc chi cho mệt, tôi ra cho một câu đối, nếu đối hay tôi xin tặng tiền lộ phí để trở về quê.
Ông đồ chấp thuận. Quan Tuần bèn ra đối rằng:
- Quân tử cố cùng, quân tử cùng quân tử cố.
Ông đồ nói liền ứng khẩu đối:
- Khổng Minh cầm túng, Khổng Minh túng Khổng Minh cầm.
Quan Tuần khen hay. Đoạn truyền lính hầu đưa đến nhà khách thết đãi cơm nước.
Lúc bấy giờ trời đã trưa. Ông Đồ ăn uống xong trở lên tìm quan Tuần, thì quan giả cách đi nghỉ để tránh. Ông Đồ hỏi lính hầu:
- Quan nằm đâu?
Lính hầu đáp:
- Nơi nhà mát. Nhưng giờ này không vào được.
Ông Đồ cho biết rằng quan lớn dặn phải đến ngay sau khi ăn cơm xong vì có chuyện gấp. Lính hầu ngỡ thiệt đưa ông Đồ vào.
Quan Tuần đang nằm nghỉ, thoáng thấy ông Đồ, liền quay mặt vào trong, nhân có quyển Kiều để bên cạnh, vội cầm lấy giả đò xem. Ông Đồ đứng đợi hồi lâu không thấy quan trở mình, bèn đến gần, đập nhẹ nơi chân. Quan Tuần giật mình quay lại:
- Thầy đến làm gì nữa?
Ông Đồ cười:
- Món nợ văn chương đâu phải một bữa cơm rượu sơ sài mà đủ.
Quan Tuần không đáp, quay mặt vào trong và cầm sách đọc. Ông Đồ cười lớn:
- Sách gì mà quan lớn đọc mê thế?
Vừa nói vừa đến giật xem và bảo:
- Tưởng sách gì lạ té ra Kiều!
Quan Tuần ngồi phắt dậy, quở:
- Sao thầy vô lễ thế? Đối với quyển Kiều, Dực Tông Hoàng Đế còn tán thưởng, huống thầy sao lại dám xem thường?
Ông Đồ đáp:
- Tiên Đế khen là khen văn chương của tác giả, chớ thân thế nàng Kiều chỉ hai câu là đủ nói hết, hà tất phải viết cả quyển như thế !
Quan Tuần cười gằn:
- Thân thế nàng Kiều chỉ hai câu là tả đủ! Thầy nói được mà làm được, tôi xin trọng thưởng.
Ông Đồ nói:
- Đối với bọn sĩ phu chúng tôi thì lời nói đi đôi với việc làm. Chỉ sợ nhà quan hai chữ khẩu đó thôi.
Quan Tuần có ý mắc cỡ, cười gượng, nói:
- Không bao giờ nuốt lời. Chỉ chưa phải lúc đó thôi. Câu đối khi nãy giá đáng 5 quan. Nếu tả được thân thế nàng Kiều trong hai câu thì sẽ thưởng gấp đôi.
- Tức là 15 quan tất cả. Văn chương vô giá. Sao cũng được, miễn rằng quân tử nhất ngôn.
Nói đoạn ứng khẩu đọc:
Nghĩa trước hẹn hò con đĩ Đạm,
Duyên sau lăn lóc bố cu Từ.
Quan Tuần điếng cả người! Vì câu thơ có ý nói xỏ về việc hẹn nợ văn chương. Nói xỏ cũng không sao, nhưng tác giả lại mượn tên Từ Hải và Đạm Tiên, để kêu đích danh quan Tuần ra mà chửi! Nhưng không bắt bẻ ngõ nào được, nên quan đành nuốt đắng, truyền người nhà đem tiền ra tống khứ ông Đồ!
Ông Đồ đi được một lúc, thì một người khăn áo đàng hoàng, cũng nói tiếng Nghệ, vào yết kiến quan Tuần Vũ. Người này trông có vẻ hiên ngang, song có lễ độ. Quan hỏi:
- Thầy đến có việc gì dạy bảo?
Khách kính cẩn thưa:
- Tôi mới nghe tin em tôi đã vào quấy quá quan lớn. Quan lớn đã không bắt tội, lại còn thưởng tài văn chương. Nên tôi xin đến tỏ lòng cảm phục đức độ quan lớn.
Lời nói lễ phép, giọng nói ôn tồn. Song nghĩ đến lời chửi xỏ vừa rồi, quan Tuần rất căm tức. Nhưng chưa tìm được lời đáp cho ổn, thì khách đã nói tiếp:
- Bẩm quan lớn, câu thơ vịnh Kiều của chú em đó vốn là một câu thơ cũ. Chú nó chỉ sửa lại đôi chút để làm của mình. Thế mà quan lớn thưởng đến 10 quan, tưởng quá sức rộng rãi.
Quan Tuần ngồi làm thinh. Khách tiếp:
- Câu chú em trình quan lớn đó là cặp luận của một bài thơ tám câu. Nếu quan lớn cho phép, tôi xin đọc trọn bài nguyên tác.
Vốn ưa thích văn chương, quan Tuần lẽ nào lại không chấp thuận. Khách liền đọc:
Khép cửa phòng thu những đợi chờ
Mà em mất nết tự bao giờ!
Chàng Kim dại gái còn đeo đuổi,
Viên Ngoại thương con chết ngất ngư!
Bạc mạng nghìn thu con đĩ Đạm,
Anh hùng nửa kiếp bố cu Từ.
Mười lăm năm ấy bao nhiêu sướng!
Oán trách làm chi đứa bán tơ.
Quan Tuần nghe xong nghiêm sắc mặt, nói:
- Các thầy kể cũng đã hay chữ. Song đều là người có học mà không có hạnh. Sao không dùng tài mình để giúp dân giúp nước, mà lại phí thì giờ đi trêu chọc thiên hạ như thế. Nhưng tôi xin nói thật: Quí thầy muốn mượn nhân vật trong Kiều để ám chỉ tôi, song câu “Bạc mạng nghìn thu… Anh hùng nửa kiếp…” lại là cái điềm không tốt cho hai thầy. Trong hai thầy, thầy nào là anh thì thân thế ứng vào vế trước, thầy nào là em thì vế sau. Hai thầy nên cẩn thận.
Khách bái tạ ra về.
Sau xét ra thì ông đồ tới trước là cụ SONG NGƯ còn khách tới sau là cụ SÀO NAM. Và lời bàn của cụ Từ Đạm quả đúng với thân thế của SONG, SÀO.
Câu chuyện trên, trong Chương Dân thi thoại có nhắc đến. Nhưng lại chép rằng: Thầy Đồ Nghệ bị tội gì đó, cụ tuần Từ Đạm bắt giam. Ở trong nhà giam, cả ngày thầy Đồ ngâm Kiều inh ỏi. Quan Tuần đến hỏi:
- Chắc thầy giỏi Kiều lắm. Vậy hãy vịnh thân thế nàng Kiều trong hai câu. Nếu làm được sẽ thưởng.
Thầy đồ liền đọc:
Nghĩa trước nhạt nhèo con đĩ Đạm
Duyên sau lăn lóc bố cu Từ.
Trong Chương Dân Thi Thoại chỉ nói sơ qua có chừng nớ, và không nói rõ thầy Đồ Nghệ tên chi.
Còn trong các sách khác thì chỉ chép 8 câu thơ mà không nói rõ nguyên nhân sáng tác.
Câu chuyện tôi kể trên là nghe lóm được lúc thiếu thời. Không dám chắc là đúng trăm phần trăm. Nên rất mong được các bậc cao minh chỉ giáo.
Xem bài thơ trong câu giai thoại, chúng ta nhận thấy tác giả thuộc phái có ác cảm với Truyện Kiều.
Đó là phái thiên về đạo đức, chỉ muốn đem văn chương dùng để tải đạo.
Thơ chỉ trích Kiều rất nhiều. Nhiều bài được truyền tụng. Được truyền tụng nhất là bài trong câu giai thoại trên và bài sau đây tương truyền là của cụ Phan Văn Trị:
Tài sắc mà chi hỡi Thúy Kiều,
Nghĩ thương nên phải trách đôi điều:
Ví dầu Viên Ngoại lâm cơn biến
Chẳng học Đề Oanh mách tiếng kêu?! [2]
Mái tóc chàng Kim tình biết mấy,
Lượng vàng họ Mã giá bao nhiêu!
Liêu Dương nghìn dặm xa chi đó,
Nỡ để Lâm Truy bướm dập dìu!
Chúng ta không cần bàn xem trách như thế, chê như thế có chính đáng chăng, có công bình chăng. Vì không khéo lại gây một cuộc bút chiến như mấy mươi năm về trước, làm tủi vong linh cụ Tiên Điền. Để mua vui với nhau, chúng ta chỉ đưa ra, một cách khách quan, những bài thơ chúng ta nhận thấy có lý thú. Nếu có bàn, chỉ bàn về mặt văn chương. Như hai bài trên, văn chương thật lưu loát, già dặn. Cho nên đến cả những người có mỹ cảm cùng Kiều cũng không thể bỏ mà không đọc.
Tản Đà tiên sinh tuy rất khâm phục cụ Tiên Điền, song đối với Thúy Kiều vẫn không có mỹ cảm. Vịnh đoạn Thúy Kiều gảy đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe sau khi Từ Hải đã sa cơ bị hại, Tản Đà có bài rằng:
Tiếng sấm ân tình bốn mặt ran
Tướng quân chi tiếc cánh hoa tàn!
Hai hàng nước mắt hai làn sóng,
Nửa đám ma chồng nửa tiệc quan!
Tổng Đốc có thương người bạc mạng, [3]
Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan.
Xa xa nấm đất bờ sông nọ,
Hồn có nghe chăng mấy điệu đàn?!
Lời quá ư mỉa mai, có thể nói là tàn nhẫn! Nhưng hay thì thật là hay!
Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến đối với cảnh ngộ Thúy Kiều cũng không có lòng thương xót. Cụ có bài mượn chuyện Thúy Kiều để chỉ trích bọn tham quan ô lại đương thời, rằng:
Thằng bán tơ kia giở mối ra
Làm cho bận đến cụ Viên già!
Muốn xong việc ấy ba trăm lạng,
Không có sau này một chiếc thoa.
Nổi tiếng mượn màu son phấn mụ,
Đem thân chuộc lấy tội tình cha.
Có tiền trăm chuyện xong xuôi hết! [4]
Đời trước làm quan cũng thế a?
Tưởng đời nay làm quan mới “vạn sự giai do TIỀN định” ai ngờ đời trước cũng thế! Giận bọn làm quan “chỉ vì tiền” mà phải mượn Thúy Kiều làm đòn kê để chặt! Nếu tác giả có mỹ cảm cùng họ Vương thì không bao giờ nỡ làm thế.
Có thiện cảm cùng Vương Thúy Kiều, trước hết phải giới thiệu cụ Lập Trai PHẠM QUÝ THÍCH, người đồng thời cùng cụ NGUYỄN DU. Có bài thơ vịnh Kiều bằng Hán văn:
Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường,
Bán thế yên ba trái vị thương.
Ngọc diện khởi ưng mai Thủy quốc,
Băng tâm tự khả đối Kim Lang.
Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu,
Bạc mạng cầm chung oán hận trường.
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy,
Tân thanh đáo để vị thùy thương?
Tác giả tự dịch ra Nôm rằng:
Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan,
Phong ba chưa trắng nợ hồng nhan!
Lòng tơ còn vướng tình Kim Trọng,
Gót ngọc khôn vùi dặm Thủy quan. [5]
Nửa giấc đoạn trường tan gối điệp,
Một giây bạc mệnh dứt cầm loan.
Cho hay những kẻ tài tình lắm,
Trời bắt làm gương để thế gian.
Cũng như Tiên Điền, PHẠM LẬP TRAI mượn thân thế Thúy Kiều để gởi tâm sự. Thúy Kiều chỉ là cây đa mà Thanh Hiên và Lập Trai là thần nương tựa. Tuy vậy ông thần có ưa thích, cây đa có thích hợp với ông thần, thì thần mới ỷ cậy được. Ông thần nhờ có cây đa mà có nơi nương tựa, cây đa nhờ ông thần mà trở thành linh thiêng. Đó là tương ỷ tương y vậy.
Cũng mượn cảnh ngộ Thúy Kiều để nói cảnh ngộ mình, ông Tôn Thọ Tường sau mấy mươi năm phục vụ chánh phủ Pháp, lúc về hưu trí có một luật rằng:
Mười mấy năm trời nhục rửa xong,
Sông Tiền Đường đục hóa ra trong.
Mảnh duyên bình lãng còn nong nả,
Chút phận tang thương lắm ngại ngùng!
Chữ hiếu ít nhiều trời đất biết,
Gánh tình nặng nhẹ chị em chung.
Soi gương thiên cổ thương mà trách
Chẳng trách chi Kiều trách hóa công. [6]
Cũng thì mượn thân thế Thúy Kiều để ký thác tâm sự, nhưng Phạm Lập Trai chỉ thở than mà không oán trách, còn Tôn Thọ Tường lại bào chữa phân trần. Song, rằng hay đều thật là hay, hay mỗi bên mỗi vẻ mà bên nào cũng mười phân vẹn mười.
Cụ Phạm đối với ông Tôn là bậc tiền bối. Đồng thời cùng Tôn Thọ Tường ở Nam Kỳ có Đỗ Minh Tâm, tục gọi là Nhiêu Tâm, cũng có tài ngâm vịnh. Ông Nhiều cũng có bài Vịnh Kiều, rằng:
Sắc tài có một đỉnh đình đinh,
Khắp cả giang san tiếng nổi phình!
Duyên chị mà em theo lẽo đẽo,
Nợ chàng rồi thiếp sạch sành sanh.
Ra đi đầu đội muôn phần hiếu,
Trở lại vai mang một chéo tình.
Mười mấy năm trời nhơ rửa sạch,
Khúc đàn nhà gảy tịch tình tinh.
Bài này không biết có phải vì Tôn Thọ Tường mà làm ra chăng. Bốn câu sau đồ đậm ý tứ bài của ông Tôn. Ông Tôn ra làm việc cùng chánh phủ Pháp là vì “gia bần thân lão” chớ thật lòng không có lòng “sự địch cầu vinh”:
- Chữ hiếu ít nhiều trời đất biết,
Gánh tình nặng nhẹ chị em chung.
Cho nên:
- Ra đi đầu đội muôn phần hiếu,
Trở lại vai mang một chéo tình.
Người đời đã xét cho nông nỗi ấy thì:
- Mười mấy năm trời nhơ rửa sạch,
- Sông Tiền Đường đục hóa ra trong.
Và:   
- Cung đàn nhà gảy tịch tình tinh…
Tình ý trong hai bài hô ứng nhau như tiếng và vang, nên đoán rằng có liên hệ mật thiết.
Còn về phần văn chương thì bài ông Nhiêu như một cô gái quê nhí nhảnh, còn bài của ông Tôn thì là một vị phu nhân nơi tử các hồng lâu. Bài của ông Tôn thì vì mình mà làm. Bài của ông Nhiêu thì vì người mà có. Mỗi bên có một thú vị riêng.
Thơ Vịnh Kiều còn nhiều lắm. Và đọc qua những bài thượng dẫn, chúng ta nhận thấy rõ ràng hai phái: Một phái ghét Kiều, một phái thương Kiều. Nhưng ghét cũng như thương đều không phải vì Kiều mà ngâm vịnh. Một bên vì đạo đức, một bên vì tâm sự riêng. Một bên thì lấy Kiều làm tấm bia để bắn tên, một bên thì mượn Kiều làm ông đồng bà cốt để cho tâm sự mình làm cậu, làm cô.
Chú thích: 

[1] Câu chuyện xảy ra lúc Từ Đạm làm Tri phủ ở một phủ thuộc tỉnh Nam Định (1903-1904) lúc ấy cụ Phan cùng cụ Đặng đang đi vận động ở Miền Bắc. Còn Từ Đạm làm Tuần Vũ Ninh Bình (1908-1920).
[2] Bài này trong Giai Thoại Làng Nho, Lãng Nhân chép nhiều chữ khác. (Xem Giai Thoại Làng Nho trang 510).
[3] Sau tác giả đổi chữ “Tổng Đốc” ra “Tôn Hiến” để đối cho chỉnh với chữ “Tiền Đường”.
[4] Có sách chép: Có tiền việc ấy mà xong nhỉ”…
[5] Câu này có sách chép là:
- Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng
Mặt ngọc khôn đành chốn Thủy quan.
- Lòng băng chảng thẹn tình Kim Trọng
Mặt ngọc khôn vùi sóng Thủy Quan.
[6] Bài của cụ Phan Văn Trị trước kia, do bài này mà làm ra và làm ra cốt để chỉ trích ông Tôn giận cá chém thớt nghĩ tội cho Thúy Kiều.
23.a

Vịnh Kiều vì “vốn cũng nòi tình, thương người đồng điệu”, nghĩa là phần lớn vì Kiều, thì chỉ có CHU CÁN THẦN là người nổi danh trong làng bút  mực.

Chu Cán Thần tức là Chu Mạnh Trinh. Cán Thần là Tự, và hiệu là Trúc Vân.
Văn tài lỗi lạc.
19 tuổi đậu tú tài, 25 tuổi đậu giải nguyên, 31 tuổi đậu Tiến sĩ.
Làm quan đến Án Sát Sứ. Nhưng sống trong cảnh nước nhà gặp biến, triều đình Huế bất lực trước sức xâm lăng của người Pháp, sỹ phu cũng không phương cứu nạn, đành bóp bụng khoanh tay, Cán Thần bèn cáo quan về vui cùng non xanh nước biếc, chén rượu câu thơ để khuây khỏa ngày tháng. Ông về được hai năm thì mất. Mất năm Ất Tỵ (1905), thọ được 44 tuổi.
Chu Mạnh Trinh còn để lại:
- Một bài hát nói “Hương Sơn Phong Cảnh”
- Một bài ca “Hương Sơn Nhật Trình”.
- Một tập vịnh Kiều nhan là “Thanh Tâm Tài Nhân Thi Tập”.
Riêng nói về tập thơ “Thanh Tâm Tài Nhân”.
Trước hết xin nói rõ nguyên nhân sáng tác:
Nguyên sau khi từ quan về tỉnh nhà, Chu Mạnh Trinh gặp quan Tuần Vũ Hưng Yên là LÊ HOAN. Đôi bên kết bạn văn chương, lập một Thi Đàn tại tỉnh lỵ, cùng các danh sĩ đương thời xướng họa làm vui
Một hôm Thi Đàn mở cuộc thi Thơ, lấy Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân làm đề mục.
Kim Vân Kiều truyện gồm 20 hồi. Người dự thí phải theo từng hồi mà đề vịnh. Thể thơ là thể Đường luật, làm bằng chữ Hán, hay chữ Nôm, hoặc lẫn cả hai thứ. Ngoài 20 bài vịnh từng hồi một, còn phải có một bài tổng vịnh bao quát ý nghĩa của quyển truyện, và một bài Tựa bằng Hán văn.
Chủ trì cuộc thi là hai danh sĩ lão thành: NGUYỄN KHUYẾNDƯƠNG LÂM.
Dự thí toàn là những danh sĩ đương thời: Chu Thấp Hy, Nguyễn Kỳ Nam, Nguyễn Tấn Cảnh, Nguyễn Chí Đạo, Đặng Chức Cường, Phan Mạnh Danh, Phan Thạch Sơ… và Chu Mạnh Trinh.
Kết quả cuộc thi, thì Chu Thấp Hy chiếm giải nhất về bên Hán văn và Chu Mạnh Trinh giật giải quán quân về bên Việt Ngữ.
Chung quanh cuộc thi Vịnh Kiều này có xảy ra một câu chuyện đã trở thành một giai thoại văn chương. Rằng:
Khi chấm quyển thi của Chu Mạnh Trinh, đến bài “Kiều mắc lận Sở Khanh”:
Những nghĩ chim lồng chắp cánh bay,
Họa khi vận rủi có hồi may.
Làng Nho người cũng coi ra vẻ,
Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay.
Hai chữ tin hồng trao gác nguyệt,
Một roi vó ký tếch đường mây.
Mẫu đơn vùi dập cơn mưa gió,
Cái nợ yêu hoa khéo đọa đày.
Nguyễn Khuyến phê:
Rằng hay thì thật là hay,
Nho mà đối xỏ lòng này không ưng.
Mặc dù được chấm giải nhất, họ Chu vẫn không thỏa mãn vì lời phê.
Cách đó ít lâu, Chu Mạnh Trinh đến thăm Nguyễn Khuyến và mang tặng một chậu hoa trà mi.
Hoa trà mi là một thứ hoa hữu sắc vô hương.
Lúc bấy giờ Nguyễn Khuyến tuổi đã cao, lại bị bệnh nên mắt đã lòa.
Đem tặng người lòa mà tặng hoa chỉ có sắc, họ Chu muốn trả thù lời phê trước kia và ý bảo rằng cụ Nguyễn “hữu nhãn vô châu” nên mới phê như thế. Hiểu rõ thâm ý của họ Chu, cụ Nguyễn liền tặng lại một bài thơ rằng:
Khách đến cho ta một chậu trà,
Mắt mù không biện được màu hoa!
Da mồi tóc hạc ta già nhỉ!
Áo thụng khăn thâm bác đấy a?
Mưa nhỏ những e phường xỏ lá,
Gió to lại ngại lũ dơi già!
Lâu nay ta chỉ xem bằng mũi:
Đếch thấy hơi hương một tiếng khà!
Thật là “ăn miếng trả miếng”. Bốn câu trước thật mỉa mai. Bốn câu sau, nhất là chuyển kết, thật là đau độc! Câu kết mượn hoa trà “không hương” để bảo rằng họ Chu “thiếu đức”.
Một bên thì bảo “hữu nhãn vô châu”.
Một bên thì chê “hữu tài vô hạnh”.
Bên “tám lạng, bên nửa cân”. Cho nên xí xóa vậy.
Chúng ta hãy trở lại cùng tập thơ Vịnh Kiều tức Thanh Tâm Tài Nhân thi tập của Chu Mạnh Trinh.
Tập này đã được giáo sư BÙI GIÁNG bình luận rất chu đáo trong tập “Giảng luận về Chu Mạnh Trinh” do nhà Tân Việt Sài Gòn xuất bản năm 1959.
Bùi Giáng nhiệt liệt ca tụng tập thơ:
- “Nhiều danh sỹ cho rằng thi tập vịnh này không thẹn với văn chương của Nguyễn Du. Lần giở hai cảo thơm song song dưới đèn để so sánh, có lúc ta thấy lời thơ Chu hay gần bằng lời thơ Nguyễn, có lúc hay bằng… rất bằng… hay rất thật bằng…, rồi bất ngờ đột ngột hay hơn.”
Sau Nguyễn Du chưa thấy ai thương Thúy Kiều bằng Chu Mạnh Trinh. Và từ Thanh Tâm Tài Nhân Thi tập ra đời chưa ai thương Chu Mạnh Trinh bằng Bùi Giáng. Mà có thương mới nói được trọn những điểm đáng yêu đáng thương đáng quí đáng trọng của con người đã rút ruột thêu văn. Cho nên các bạn muốn biết rõ tài nghệ và tâm hồn của họ Chu, muốn thấy rõ giá trị của Thanh Tâm Tài Nhân thi tập thì nên đọc “Chu Mạnh Trinh” của Bùi Giáng. Ở đây để mua vui cùng quýí bạn trong chốc lát, chỉ xin trích một đôi bài thơ của họ Chu, và thêm đôi lời bình luận nho nhỏ cho thêm nhộn thêm vui. 
Văn chương trong Thanh Tâm Tài Nhân thi tập rất thanh lệ, nghĩa là đẹp một cách thanh nhã, như một giai nhân không vàng trau ngọc chuốt, gấm trổ thêm hoa, mà chỉ thoa sơ một tí phấn hồng, khoác sơ chiếc áo lụa trắng, đủ làm cho khách tài tử đắm mắt xiêu lòng. Nói một cách vắn tắt là Thơ Vịnh Kiều của Chu Mạnh Trinh đẹp đã gần đến mức thiên nhiên. Đây thử đọc bài:
KIỀU ĐI THANH MINH
Màu xuân ai khéo vẽ nên tranh
Nô nức đua nhau hội Đạp thanh.
Phận bạc ngậm ngùi người chín suối,
Duyên may run rủi khách ba sinh.
Dưới hoa nép mặt gương lồng bóng,
Ngàn liễu rung cương sóng gợn tình.
Man mác vì đâu thêm ngán nỗi!
Đường về chiêng đã gác chênh chênh.
Lời thơ dung dị mà thật đẹp. Nhất là câu:
Dưới hoa nép mặt gương lồng bóng
Ngàn liễu rung cương sóng gợn tình.
Thật là tuyệt diệu từ. Quả như lời Bùi Giáng đã nói: “Lời ít mà ý nhiều. Vừa nhắc vừa gợi. Vừa gợi vừa bàn”. Thật là hàm súc, thật là điêu luyện, nhưng vẫn giữ được dáng khinh khoái tự nhiên. Tình nửa kín nửa hở, vừa đằm thắm vừa chứa chan… Toàn bài thơ là mặt mũi tay chân của giai nhân, mà hai câu “Dưới hoa… Ngàn liễu” là cặp mắt huyền lóng lánh.
Chúng ta hãy đọc thêm một bài nữa, bài:
HỘI NGỘ VƯỜN THÚY
Hết nghĩ gần thôi lại nghĩ xa,
Hiu hiu án sách ngọn đèn tà…
Gương loan phảng phất hồn cung quế,
Giấc bướm mơ màng khách trước sa.
Mười vận sầu tuôn đôi giọt ngọc,
Trăm năm duyên bén một cành thoa.
Mái Tây bỏ lúc chờ trăng dựng,
Rày đã vườn xuân tỏ mặt hoa.
Văn chương toàn bích. Câu ba, bốn và năm, nhất là câu năm, hay cực điểm! Lời thơ một đúc mà nên, không tìm thấy dấu tay người sắp đặt. Và tứ thơ tạo nên một bầu không khí nửa hư nửa thực, phảng phất, mơ màng…
Nếu “danh sĩ giai nhân không cùng một kiếp hoa nghiêm nặng nợ”, nếu không phải nòi tình thương người đồng điệu, thì dù tài ba cho mấy cũng không thể rút ruột dệt nên lời nồng nàn âu yếm như kia.
Những bài khác đại khái cũng như thế. Thì đây đọc thêm một bài nữa:
KIỀU BÁN MÌNH CHUỘC CHA
Thử đem tình hiếu bắt đồng cân,
Trăm thảm nghìn sầu góp một thân.
Bèo giạt mây trôi đành với phận,
Đào tơ liễu yếu ngán cho xuân.
Giọt sương trĩu nặng hoa lìa gốc,
Vạ gió gây nên nước đến chân.
Nông nổi hợp tan lời gắn bó,
Trời già âu cũng mở lòng nhân.
Tình của họ Chu đối với Thúy Kiều sâu đậm như thế, văn của Thanh Tâm Tài Nhân thi tập tươi đẹp như thế, nên bảo “Chu Mạnh Trinh không thẹn với Nguyễn Du nếu đem hai cảo văn chương ra so sánh” thật không chút ngoa vậy.

14/4/1971
Quách Tấn
Theo http://dinhquat.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy"

Văn Cao, một tiếng thơ "Vang vang cả lòng cả đáy" “Tôi là ai? Bản ngã tôi ở đâu? Tôi sống trên đời này để làm gì và tôi có thể l...