A.
SÔNG DINH
Trong Đại Nam Nhất Thống Chí ghi là sông Vĩnh Phú xưa gọi là
Vĩnh An.
Đó là con sông chảy ngang qua quận lỵ Ninh Hòa. Nên cũng thường
gọi là sông Ninh Hòa.
Vĩnh An, Vĩnh Phú, Vĩnh Hòa là tên đất mượn đặt cho sông vì
sông chạy qua địa phận.
Còn tên sông Dinh do đâu mà ra?
Nguyên từ khi đất Kaut Hara của Chiêm Thành về ta, cơ quan
cai trị đều đóng ở Bình Khang, cho đến đời nhà Nguyễn Trung hưng mới dời vào
Diên Khánh. Dinh quan trấn thủ đóng trong vùng Ninh Hòa hiện tại. Nhân sông chạy
qua trước dinh, người địa phương mới gọi là sông Dinh cho gọn.
Sông Dinh có nhiều nguồn, nhưng chỉ ba ngọn chính:
- Một từ hòn Mẫu Tử ở Khánh Dương chảy xuống, tục gọi là sông
Cái.
- Một từ hòn Đại Đa Đa quận Vạn Ninh chảy vào nhập cùng sông
Cái tại vùng Xuân Hòa, tục gọi sông Cây Sao.
- Một từ biên giới phú Yên chảy qua vùng Đá Bàn ở Vạn Ninh, tục
gọi sông Đá Bàn chảy vào giáp sông Cái tại vùng Vĩnh Phú.
Từ Vĩnh Phú trở xuống, sông mới gọi là sông Vĩnh Phú, sông
Ninh Hòa hay sông Dinh.
Sông Dinh chảy ra cửa Hà Liên, vũng Nha Phu.
Sông Dinh không được sâu cũng không được rộng. Thuyền trọng tải
chỉ có thể lên xuống được nơi khúc sông gần biển, dưới Ninh Hòa. Còn từ Ninh
Hòa trở lên, đường giao thông chỉ thuận tiện về mùa mưa nước lớn.
Trên dòng sông Dinh không có gì đặc sắc. Nhưng nước sông Dinh
vẫn gây nguồn hứng cho khách phong tao.
Trường Xuyên có bài ca “tự lân hoàn tự tiếu” bắt nguồn từ ngọn
sông Dinh.
Sông Dinh có ba ngọn nguồn,
Nhớ em, anh băng ngàn vượt suối.
Nhưng không biết đường đến thăm em!
Ghé vô chợ Ninh Hòa
Mua một xâu nem,
Một chai rượu trắng,
Anh uống cho say mèm
Để quên nổi nhớ nhung.
Rượu không say, anh nghĩ lại ngại ngùng:
Con gái mười hai bến nước,
Biết em thủy chung bến nào?
B.
SÔNG CÙ
Tức là sông Nha Trang. Đại Nam Nhất Thống Chí chép là sông
Phú Lộc.
Sông dài chừng 60 cây số, chảy qua hai quận Diên Khánh và
Vĩnh Xương.
Sông có nhiều nguồn. Nguồn thì chính Tây chảy xuống, như nguồn
Gia Lai, nguồn sông Máu [1]. Nguồn thì từ Tây Bắc chảy vô, như nguồn Gia Toui. Nguồn thì từ
Tây Nam chảy ra như nguồn Gia Lê, vân vân. Các nguồn hầu hết đều gặp nhau tại
Thạch Trại, quận Diên khánh. Hình giống như một cây quạt sè. Tại Thạch Trại nước
các nguồn nhập lại, chảy về Đông, thành con sông Cái, tức sông Cù, tức sông Nha
Trang.
Sông Cái khúc thượng lưu, nước chảy rất mạnh, vì lòng sông bị
núi chèn ép ở hai bên, đã hẹp lại dốc.
Từ Thạch Trại, sông Cái chạy quanh co chừng vài chục cây số
thì đến Giang Ché. Ở đây sông Cái tiếp nhận nước sông Khế [2] từ vùng Du Hòa, phía Tây Nam chảy ra.
Xuống dưới Giang Ché chừng vài ba cây số thì tiếp nhánh thứ
hai gọi là sông Giang từ vùng núi tỉnh Darlac, phía Tây Bắc, chảy vào.
Đến Sãi Me, cách khẩu sông Giang chừng ba bốn cây số, thì tiếp
nhánh thứ ba từ vùng núi Hòn Bà quận Cam Lâm, chảy ra, gọi là sông Cầu [3].
Từ Giang Ché trở xuống, nhờ ba nhánh sông này mà sông Cái có
nhiều nước, và lòng sông mở rộng lần lần.
Và từ khẩu sông Cầu xuống chừng bảy tám cây số, thì tiếp
nhánh thứ tư từ vùng núi Khánh Dương chảy vào. Nhánh này gọi là sông Chò, giao
thủy tại Khánh Xuân, cuối Đồng Trăng.
Bốn nhánh sông sắp xếp với nhau một cách lý thú. Vào sông Cái
như chân bước, cứ một nhánh ở tả ngạn thì nhánh tiếp theo ở hữu ngạn, một nhánh
ở hữu ngạn thì nhánh tiếp theo ở tả ngạn. Thành thử tuy có nhiều sông con, sông
Cái không “mang tiếng thiên vị”, và những bạn lên nguồn tìm gỗ quý, nếu lắng
tai “cao sơn lưu thủy” tất nghe trong tiếng nước chảy, câu ngâm:
Ta nằm ở giữa cân trời đất
Khối ngọc không nghiêng một hướng nào [4].
Đến khẩu sông Chò là chấm dứt khúc thượng lưu của SÔNG Cái.
Nơi đây có một cái vực rộng trên vài mẫu và sâu đến sáu sải.
Nước xanh lặc lìa. Trong vực có nhiều cua đinh. Lắm con to lớn, đầu bằng đầu
người và vai rộng như chiếc nong. Truyền rằng trong vực có hai con cá bạc má lớn
bằng chiếc ghe bầu, và một con cá kẽm to như một con trâu cầm bầy sung sức. Những
con vật này mỗi khi nổi lên thì sóng dậy cuồn cuộn.
Vịnh vực Từ Mẫu, cụ tú Phan Duy Thuần quận Diên Khánh có câu:
Sông cái vực này sâu sáu sải,
Có khi cá nổi lớn vô song.
Và Thi Nại Thị có câu:
Cá nằm đáy nước chờ phong hội,
Chẳng hóa rồng thiêng cũng hóa bằng.
Từ vực Từ Mẫu trở xuống, sông Cái hết bị núi non chèn ép,
thong dong chảy giữa đồng bằng. Hai bên bờ ruộng nương, nhà cửa, với bóng tre
bóng dừa xanh mát, in bóng trên dòng xanh. Và chảy quanh co chừng mười một mười
hai cây số, đến thôn Trường Lạc tại Hà Dừa, lại gặp con sông Suối Dầu, từ Cam
Lâm chảy ra.
Sông Suối Dầu phát nguyên tại Hòn Bà, quận Cam Lâm, và chảy
xiên xiên ra hướng Đông Bắc. Đến thôn Thủy Xương, xã Suối Hiệp thì chia làm hai
phái. Một chảy xuống Đông về Cửa Bé. Một chảy ra sông Cái để theo về Cửa Lớn
Nha Trang.
Sông Suối Dầu là phụ lưu cuối cùng của sông Cái.
Từ khẩu sông Suối Dầu, sông Cái chạy qua sau lưng thành Diên
Khánh để chảy xuống Vĩnh Xương. Đến thôn Xuân Lạc thuộc Vĩnh Xương, sông Cái
chia làm hai phái:
- Một phái chảy xuống Đông Nam, qua đồng ruộng, qua bãi cát,
men men theo chân núi Đồng Bò chạy xuống thôn Trường Đông và rót vào cửa Tiểu
Cù Huân, tức cửa bé. Phái này bị lấp nơi phân lưu. Còn dòng nước thì nhiều nơi
trở thành đồng bằng, đôi nơi đọng lại thành bàu thành ao. Những khi mưa lụt, nước
nhớ đường cũ từ sông Cái tràn vào, vạch lại dòng sông xưa một cách rõ rệt.
- Phái thứ hai chảy xiên xiên xuống hướng Đông Bắc. Đây là
phái chính. Và hiện thời là con sông Cái, vì phía Nam trên thực tế không còn hiện
hữu một cách thường xuyên.
Từ Xuân Lạc chảy đến Ngọc Hội, sông lại chia làm 2 chi:
- Một chi chảy vào Phương Sài, gọi là Ngư Trường (tên cổ nhân
mượn bến Trường Cá tại Phường Củi mà đặt), rồi chảy xuống Hà Ra. Nơi đây nước
xoáy thành một đầm rộng chừng bảy mẫu, tên chữ là Cù Đàm, tên thường là đầm
Xương Huân. Nước sông một nửa chảy vào đầm, một nửa chảy xuống Xóm Cồn để ra cửa
Đại Cù Huân tức Cửa Lớn Nha Trang.
- Chi thứ hai, rộng và sâu hơn, chảy xuống Xóm Bóng thuộc
thôn Cù Lao, rồi cũng chảy ra cửa Nha Trang như chi kia.
Hai chi giáp nhau trước khi ra cửa, và cùng nhau ôm kín một cồn
đất phù sa tục gọi là Cồn Dê, có nhà cửa đông đúc và vườn dừa bát ngát xanh.
Từ Ngọc Hội trở lên là Trung lưu sông Nha Trang. Từ Ngọc Hội
trở xuống là Hạ lưu.
Trong khúc hạ lưu có 3 cầu dài:
- Cầu Hỏa xa ở Ngọc Hội.
- Cầu Hà Ra ở trên đường Quốc Lộ số 1 phía Nam thành phố Nha
Trang.
- Cầu Xóm Bóng bắc ngang qua cửa sông Nha Trang, trên đường
Quốc Lộ số 1.
Cửa sông rộng nhưng không được sâu lắm. lại có nhiều đống đá
cao lớn mọc ở giữa, có phần bất tiện cho việc lưu thông. Những đá ấy gọi là Đá
Chữ [5], trông giống bầy trâu nước khổng lồ nổi lên mặt sóng nằm phơi
lông.
Khách làng thơ bảo với nhau rằng đó là những giọt mực “rảy
bút” của Hóa Công làm rơi, khi vừa vẽ xong con sông Nha Trang vậy.
Tên Nha Trang, trên thực tế, chỉ dùng để gọi khúc sông từ Ngọc
Hội chảy xuống biển.
Sông qua thôn nào thì mang tên thôn ấy.
Nhưng trong sách xưa, như Đại Nam Nhất Thống Chí, thường gọi
là sông Phú Lộc, vì sông chảy qua làng Phú Lộc, mà làng Phú Lộc trước kia là một
làng có nhiều nhân vật hữu danh và thịnh vượng nhất vùng Vĩnh Xương Diên Khánh.
Sách Địa lý ngày nay thường dùng tên Nha Trang mà gọi sông. Anh chị em bình dân
thì gọi là sông Cái. Còn khách hàng mặc thì gọi là Cù Giang, tức sông Cù.
Theo các vị cố lão ở Khánh Hòa thì Nha Trang là tên kỳ cựu của
con sông.
Nha Trang do tiếng thổ âm của người Chiêm Thành mà đọc trại
ra. Tiếng đó là Ea Tran hay Yjatran. Ea hay Yja là nước là sông. Tran là lau
lách. Gọi như vậy là vì xưa kia, hai bên sông lau lách mọc đầy.
Câu thơ được truyền tụng ở Khánh Hòa:
Lưỡng ngạn vi lô trường đáo hải
Tứ biên hoàng diệp dục vi thu
Nghĩa là:
Trắng ngợp đôi bờ lau tới biển,
Vàng bay bốn phía lá gieo thu.
Có phải là câu thơ vịnh sông Nha Trang?
Nha Trang vốn tên con sông. Khi người Pháp đánh chiếm Khánh
Hòa xong, mới lấy làm tên cho thành phố hiện tại [6].
Nói tóm lại, dùng tên Nha Trang làm tên chính thức để gọi con
sông Cù, tưởng đích đáng hơn tên nào hết. Tên cũ nay làm mới lại, đã hợp tình hợp
lý, mà còn làm cho người phương xa dễ phân biệt với những con sông khác, và khó
lẫn lộn về vị trí Bắc Nam.
Sông Nha Trang không sâu, cũng không được rộng. Mùa mưa thì
nước sông lai láng. Đứng bờ bên này trông sang bờ bên kia thì “con ngựa trông
nhỏ còn bằng con dê”. Đến mùa nắng thì lòng sông, chỗ sâu nhất độ hai thước là
cùng, còn thường thường thì từ một thước rưỡi trở xuống. Bề rộng của lòng sông,
kể cả bãi cát ở hai bên, thì nơi rộng nhất không quá 500 thước và nơi hẹp nhất
cũng từ 300 thước trở xuống, 200 thước trở lên. Đó là nói về khúc sông từ vực Từ
Mẫu đến biển. Còn trên khúc thượng lưu thì hẹp hơn nhiều.
Vì lòng sông cạn nên thuyền trọng tải chỉ lên xuống được dễ
dàng trong mùa mưa.
Đó là hiện trạng ngày nay.
Xưa kia, sông Nha Trang vừa sâu vừa rộng. Cửa sông mở từ Xóm
Bóng sang thấu Hà Ra. Giữa sông không có nổng Cồn Dê. Từ Ngọc Hội nước chảy thẳng
xuống biển chớ không phân lưu như hiện nay. Bến Trường Cá ở Phường Củi ăn sâu
vào tận chân núi Trại Thủy chùa Hải Đức và núi Gành chùa Kim Sơn. Nước lênh
láng như biển. Mùa nắng cũng như mùa mưa, không lúc nào, không khúc nào có thể
lội qua được.
Vì vậy nên chiến thuyền của nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn mới có
thể lên xuống thành Diên Khánh, và bến Trường Cá mới dùng làm nơi tranh hùng
tranh bá của hai nhà “đồng tánh bất đồng tông”.
Giữa hai nhà có ba trận đánh lớn trên sông Nha Trang:
- Năm Quý Sửu (1793), chiến thuyền của Nguyễn Ánh kéo lên
Diên Khánh, bị quân Tây Sơn chận đánh tại Trường Cá. Hai bên kịch chiến, máu chảy
đỏ sông!
- Năm Ất Mão (1795) tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu đem thủy
binh và bộ binh vào đánh Diên Khánh. Thủy binh của họ Trần bị Võ Tánh chận đánh
tại Trường Cá. Trận này ác liệt gấp mấy mươi lần trận Quý Sửu. Quân Tây Sơn đã
thiện thủy chiến, lại đồng tâm quyết tử, nên quân nhà Nguyễn chống không nổi, bị
tiêu diệt, xác chết và ván thuyền hư chận đứng cả nước sông. Võ Tánh thất kinh
rút tàn quân vào thành cố thủ.
Trần Quang Diệu vây chặt thành.
Nguyễn Ánh hay tin đem thủy binh ra cứu. Nhưng không lên nổi
Diên Khánh, phải đóng quân chận nơi cửa sông Nha Trang, và các nơi núi non hiểm
yếu.
- Sau đó Trần Quang Diệu có việc phải về Phú Xuân. Đi đường
núi bất tiện phải mở đường ở mặt biển. Thế là một trận đánh thứ ba xảy ra.
Nhưng không kịch liệt bằng hai trận trước. Bởi Nguyễn Ánh biết Trần Quang Diệu
hùng mãnh không thể thắng nổi, thêm nữa mục đích xuất quân chỉ để giải vây cho
Võ Tánh, mà địch tự nhiên rút lui thì còn chận lại làm chi. Do đó mà hai bên đều
ít hao binh tổn tướng.
Những sự kiện lịch sử này tuy sử nhà Nguyễn không chép rõ.
Nhưng đã khắc sâu vào bia miệng người địa phương. Nên trải hơn 170 năm mưa nắng,
rêu dẫu mờ mà nét vẫn không mờ.
Vịnh sông Nha Trang, Cổ Bàn Nhân có câu:
Trường Cá mây lồng tranh Hán Sở,
Cồn Dê cỏ phủ lớp tang thương.
Và gần đây một du khách ở Quy Nhơn vào chơi Nha Trang,
nghe kể chuyện hai nhà Nguyễn tương tranh trên sông Cù, ngẫu chiếm hai câu trào
lộng ngậm đủ tình, cảnh, cổ, kim:
Trường Cá nước chìm hai họ Nguyễn,
Sông Cù đất nổi một cồn Dê!
Phần nhiều khách du quan viếng sông Nha Trang, chỉ viếng khúc
hạ lưu và trung lưu, chớ không mấy ai có gan lên đến thượng lưu để xem những
thác nước là nơi chứa đựng nhiều nhất kỳ thú của sông.
Sông Nha Trang có rất nhiều thác.
Từ khẩu sông Chò trở lên thì có:
- Thác Đồng Trăng ở nơi giao thủy sông Chò và sông
Cái.
- Thác Ông Hào cách thác Đồng Trăng chừng một cây số.
- Thác Đá Lửa.
- Thác Nhét.
- Thác Mòng.
- Thác Võng.
Những thác này đều nằm trong địa phận Đồng Trăng và cách nhau
chỉ trên dưới một cây số.
Và những người lên nguồn, đến Bàn Giáp gần Thác Võng thì phải
bày lễ vật cúng quỷ thần rồi mới dám tiếp tục đi. Có lẽ nơi đây là ranh giới
làng nước của “kẻ khuất mặt”, và lễ cúng kia là lễ bàn giao.
Qua khơi Thác Võng thì đến:
- Thác Dằng Xay,
- Thác Tham Dự,
- Thác Ngựa,
- Thác Hông Tượng,
- Thác Trâu Đụng,
- Thác Giang Ché,
- Thác Trâu Á,
- Thác Nai,
- Thác Rùa,
- Thác Hòm, vân vân...
Những người lên nguồn làm súc gỗ, lên đến Thác Hòm mà thôi.
Trên nguồn còn lắm thác nhưng ít người lên đến nên không có tên.
Và hầu hết những thác thượng dẫn không cao như những thác
Camly, Gougah, Ankrouet, Prenn ở Đà Lạt. Thác nào cao lắm cũng trên dưới vài thước
mà thôi. Nhưng nhiều thác rất nguy hiểm. Cho nên ghe bè lên xuống phải hết sức
cẩn thận và tay chèo chống phải hết sức thạo nghề thì mới tránh khỏi tai nạn.
Có những điểm đặc biệt đáng lưu ý, là những thác sau đây kể từ
nguồn trở xuống:
THÁC HÒM
Ở trên nguồn Gia Toui.
Nước trên các khe các suối chảy dồn xuống một hồ rộng. Cuối hồ
một đập đá thiên nhiên nằm chận ngang dòng nước chảy. Do đó nước hồ luôn luôn
lênh láng và sâu không biết bao nhiêu.
Dưới đập đá có một lỗ cống bồng bềnh. Nước hồ theo lỗ cống chảy
qua bên kia đập đá và tuôn xuống một vực sâu, tiếng vang ầm ầm.
Thợ rừng làm súc gỗ xong kết bè thả xuống hồ rồi trèo qua đập
đá sang bên kia đợi. Bè gỗ chui vào lỗ cống thường bị nước đánh rã, và súc gỗ
thường bị mắc kẹt trong hang. Phần trôi ra ngoài mười phần chỉ còn độ ba bốn. Rất
ít khi bè ra được, nguyên.
Vì nước thác chảy luồn qua cống đập đá bốn bên bịt bùng, nên
gọi là thác Hòm.
THÁC RÙA
- Gọi như thế vì giữa thác có nhiều đá hình tròn tròn trông
giống mai rùa. Những đá ấy lớp chìm lớp nổi. Bè đi vô ý bị va vào tất nguy.
THÁC NAI
- Giữa thác có một hòn đá hình thù giống một con nai mới lú sừng.
Thác Nai hiền như Nai. Nếu không có hình đá trông xinh xinh
thì không mấy ai để ý.
Thác Nai, thác Rùa, thác Hòm ở trên Thạch Trại, là những thác
hữu danh thuộc về nguồn.
Từ Thạch Trại trở xuống, những thác được để ý nhất là:
THÁC TRÂU Á
- Trâu Á là trâu húc nhau. Gọi như vậy là vì nơi thác có hai
tảng đá to lớn hình giống hai con trâu giao đầu lại với nhau, như đương húc lộn.
Hình trâu có đủ đầu đủ sừng, một phần chìm dưới nước, một phần nổi lên trên. Bè
phải len chính giữa hai đầu trâu mà đi. Lắm khi bị vướng vào sừng xảy ra tai nạn.
Thời Tiền Chiến sừng trâu bị sét đánh gãy, nên sự qua lại ít nguy hiểm hơn xưa.
THÁC GIANG CHÉ
- Thác ở gần khẩu sông Khê.
Ở giữa thác có một tảng đá nổi cao, hình giống như một cái
ché cổ. Ché bị sét đánh sứt hết một phía miệng.
Thác Giang Ché không nguy hiểm. Và ngoài cái Ché trời sanh rồi
trời đánh, không có chi đặc biệt.
THÁC TRÂU ĐỤNG
- Cảnh tượng khác thác Trâu Á.
Trâu ở thác Trâu Á đứng hai bên sông. Trâu ở thác trâu đụng lại
nằm ở giữa dòng. Và có ba con. Trâu mẹ nằm giữa, hai trâu nghé nằm hai bên.
Bè ở trên theo sức nước trôi xuống, nếu lỡ tay sào, thì nhất
định bị đụng vào đá, không đụng vào tảng này cũng đụng vào tảng kia. Mà một khi
đụng vào thì hoặc chìm hoặc vỡ, chớ khó mà “bình yên”. Cho nên tay sào thật giỏi
mới dám qua thác Trâu Đụng.
THÁC HÔNG TƯỢNG
- Gọi tắt là thác Hông.
Gọi thế là vì nước thác xối thẳng vào hông núi rồi mới quay
trở lại xuôi theo dòng sông. Bè trôi xuống, nếu chống đỡ không khéo, bị tột vào
hông núi, thì dội ngược lại và chìm ngay.
Hông núi vừa to vừa mốc như da voi, nên gọi là hông tượng.
THÁC NGỰA
- Thường gọi là thác Ngựa lồng.
Thác dài đến trên dưới ba trăm thước. Không dốc nhưng có nhiều
đá mọc ngầm dưới nước. Có ba tảng cao nhất, chỏm lên gần sát mặt nước. Nằm theo
hàng dọc. Nước chảy xuống bị sức cản, bắn bọt tung tóe. Trông dạng nước chảy
qua ba tảng đá ấy, lên cao rồi xuống thấp, giống như kiều ngựa. Cho nên ba tảng
đá mang tên là Kiều Nhất (tảng ở trên hết), Kiều Nhì (tảng ở giữa), Kiều Ba (tảng
cuối). Sức nước qua thác Ngựa rất mạnh. Dòng nước chảy cuồn cuộn trông hung
hăng như ngựa lồng. Do đó mà mệnh danh là thác Ngựa lồng [7].
THÁC THAM DỰ
Cũng gọi là thác sông Cầu vì nằm nơi giao thủy sông Cầu và
sông Cái.
Giữa thác nổi lên một cồn cát. Nước chảy chung quanh cồn giống
như hai tay ôm choàng một thúng cát. Cánh phía Bắc cạn. Ghe bè đi bên cánh phía
Nam. Thác không nguy hiểm.
THÁC DẰNG XAY
Mệnh danh như thế là vì thác chảy theo hình cánh chỏ, trông
giống dằng xay xay lúa. Nước chảy rất mạnh. Nơi nghẹo cánh chỏ có một cồn cát.
Nước chảy xuống dội mạnh vào nghẹo cánh chỏ bị dội trở lại, một phần theo dòng
sông chảy xuôi, một phần chạy vòng quanh cồn cát như kiều xay lúa. Đó là một điểm
nữa làm cho thác lấy tên là Dằng Xay chớ không lấy tên Cánh Chỏ hay Chữ Chi. Bè
ghe khi xuống gần đến khúc nghẹo dằng xay, thì các tay sào phải sẵn sàng giơ ra
theo chiều hướng thuận tiện để chống vào vách đá cho ghe bè theo đúng đường
trôi xuôi. Nếu lỡ tay thì thế nào cũng bị va vào vách đá. Mà một khi bị va thì
không vỡ cũng chìm, hoặc bị đẩy lọt vào phần nước bị dội và bị nước cuốn chạy
vòng quanh cồn cát, phải tốn nhiều công sức mới ra khỏi vòng xà quây.
THÁC VÕNG
Cảnh tượng có phần kỳ quái.
Đá chồng thành một đập thiên nhiên, từ bờ phía hữu chạy xiên
xiên ra đến hai phần ba sông. Nước đương xuống thác đã mạnh lại còn bị đập đá cản
lại thành mạnh thêm. Đã vậy tại chỗ nước chảy lại có một dây rừng giăng ngang
qua từ bờ phía tả đến đập đá như một cái võng đưa em. Dây ấy là một dây sống, lớn
bằng bắp vế và giăng sà sà trên mặt nước. Nước thác chảy đánh tung dây lên cao.
Dây tung lên rồi rớt xuống. Rớt xuống lại bị đánh tung lên. Cứ tung lên rớt xuống
như dây của trẻ em tung để cùng nhảy với nhau. Ghe bè lên xuống, phải canh cho
đúng lúc dây tung lên để lướt nhanh qua thác. Nếu qua không kịp thì bị dây quất
xuống, ghe bè không vỡ cũng chìm, còn người không hộc máu chết tại chỗ, khi về
nhà cũng bị sưng mình mẩy mà chết. Tai nạn xảy ra luôn.
Người địa phương tin là dây thiêng, không ai dám xúc phạm.
Một nho sinh quyết liều chết để cởi ách cho đồng bào. Chàng
mài một lưỡi rựa thật bén, rồi đến chặt đứt hai đầu dây. Nhựa cây như huyết heo
tuôn đỏ cả mặt nước. Thấy vậy kẻ mê tín càng tin rằng đó là huyết của cây thành
tinh, và chắc thế nào nho sinh cũng bị yêu ma bắt chết. Chàng nho sinh sau khi
về nhà, kẻ thì đồn rằng bị hộc máu chết, người thì cười bảo “chàng bị Diêm
Vương đòi hỏi tội lúc tuổi đã quá cao”. Không biết lời nào phải. Chỉ biết rằng
nhờ lòng nghĩa hiệp của chàng nho sinh mà võng tinh không còn và ghe bè qua
thác được dễ dàng, yên ổn.
Một nhà nho nghe chuyện nho sinh, đắc ý vỗ đùi ngâm:
Trên đời chẳng có nhà Nho,
Thời nơi Thác Võng mối lo mãi còn.
Cho hay giấy trắng lòng son,
Nghìn thu tô điểm nước non thêm tình [8].
THÁC NHÉT
Giữa thác có nhiều đá nằm như thúng úp. Dưới thác có một lỗ
to lớn lõm sâu vào vách núi, tục gọi là Lỗ Đoi. Nước thác chảy rất mạnh, và bị
đá chận thành có nhiều nơi chảy vòng nong theo kẽ đá. Ghe bè xuống thác, nếu
không cẩn thận thì thường bị nước tống vào kẹt đá hoặc vào Lỗ Đoi, mắc cứng như
bị nhét.
Vì vậy mà thác mệnh danh là thác Nhét.
Để qua thác được bình an, mỗi khi đi ngang qua Lỗ Đoi, người
cầm sào lấy sào thọc vào lỗ mấy cái. Đó là tục lệ xưa nay. Các nhà văn nhà thơ
thấy vậy mới đặt cho thác Nhét một mỹ hiệu là “Mỹ Nhân quan”. Và những khách
anh hùng muốn được “dị quá” phải “tùng tục” [9].
Đến viếng Lỗ Đoi, du khách không khỏi liên tưởng đến hồ Lỗ Đĩ
và miếu Lỗ Lườn ở Vạn Ninh. Có lẽ đó là tục thờ Linga và Yoni của người [10] Chàm còn truyền lại.
Lỗ Đoi cũng là một đề tài của khách ngâm vịnh. Được truyền tụng
là bài của cụ tú Phan Duy Tuần họa vận bài của cụ Đông Giả:
Trèo lên thì dễ, xuống mà coi,
Ghe nhét nhiều lần tại Lỗ Đoi.
Nước chảy vòng nong gành rậm rịt,
Đá hàng úp thúng lạch thoi loi.
Hiểm sâu quen thói chôn đồ đạc,
Lăn lóc cam phần ngủ bãi doi.
Ai bảo rằng linh? Dâm tợ đĩ!
Bao nhiêu sào chọt với dầm moi. [11] Nhà thơ trào phúng Định Phong lại nhập cả ba cảnh vào mấy vần,
nghe cũng ngộ nghĩnh:
Phải chăng vì giống vì nòi
Trời sanh Lỗ Đĩ, Lỗ Đoi, Lỗ Lườn.
Làm trai đầu cuống chưa tường,
Muốn xem tận mặt tìm đường đến xem.
Khỏi cần hỏi chị hỏi em,
Chẳng lo mất gạo nõ thèm giả đui...
Lượng xuân vốn chẳng hẹp hòi,
Chứa chan tình nghĩa, mặn mòi ái ân.
Còn các thác khác, không có gì đặc biệt.
Và các thác kể trên, hầu hết nguy hiểm. Nhưng nguy hiểm nhất
là Ngựa Lồng, Trâu Đụng và Dằng Xay. Cho nên ca dao địa phương có câu:
Ngựa Lồng Trâu Đụng Dằng Xay
Khỏi ba thác ấy khoanh tay mà ngồi.
Đó là nói việc đi xuống. Chớ đi lên thì ai cũng ngán Thác Ngựa,
vì quá dài.
Trường Xuyên thời Tiền Chiến đã mượn thác Ngựa để gởi chút
lòng nhắn cùng người “đồng hội đồng thuyền”.
Anh muốn tìm nguồn trong
Nên đi ngược dòng sông Cái?
Hay bị bùa bị ngải
Nên anh bỏ bãi lên nguồn?
Thuyền anh dù thuận gió đi luôn,
Đến đầu Thác Ngựa cũng phải cuốn buồm trở lui.
Thề xưa lời đã nặng lời,
Anh cố xa em đi nữa,
Chẳng phải ý trời thời cũng khó xa.
Anh đi em ở lại nhà,
Biển sâu lặn lội,
Em nuôi mẹ già thay anh.
Trên các nhánh sông, nhánh nào cũng có nhiều thác. Song có tiếng
nhất là thác Giang Lo, vì rất nguy hiểm.
THÁC GIANG LO
Nằm trên sông Giang.
Cao đến hai thước và đứng sững như vách.
Cách chân thác chừng mười lăm hai mươi thước lại có một hòn
đá to lớn nằm ló đầu lên mặt nước. Bè ghe xuống thác thường bị tột vào đá vỡ
tan. Cho nên những tay sào đi trên sông cái, dù tài giỏi đến đâu cũng không dám
đi trên sông Giang.
Ghe đi trên sông Giang, hễ gần đến thác Giang Lo thì phải lo
cất hết hàng hóa xuống để cho ghe qua thác rồi mới chất trở lên. Còn bè thì người
chống phải ngồi bám vào bè cho thật chặt và ngọn sào phải để sẵn một bên. Bè xuống
khỏi thác thì chìm sâu lút đầu người. Đến khi nổi lên thì tay sào phải sẵn sàng
để chống vào đá, cho bè thuận theo dòng nước mà xuôi.
Người ta bảo rằng:
- Vì đi trên sông Giang, đến thác nầy ai nấy đều lo sợ, cho
nên gọi là thác Giang Lo.
Nhưng sự thiệt thì Giang Lo là tiếng Thượng, đọc và viết theo
tiếng Kinh.
Còn các thác khác cũng có nhiều cảnh lạ, nhưng khó mà đi đến,
nên du khách tạm dừng chân nơi Giang Lo, để lấy sức trở lui xuống sông Cái.
Từ nguồn chí biển, Sông Cái tức sông Nha Trang, vượt qua nào
núi nào rừng, nào ruộng nương thôn ấp. Nếu sẵn tài Tống Địch, thì thế nào cũng
có ít nhất tám cảnh Tiêu Tương [12].
Trong khi chờ mộng Giang Yêm [13], thì xin giới thiệu “thực chất” của sông Nha Trang, để khi mộng
thành thì được “văn chất bân bân” cho khoái tâm khoái khẩu:
Sông Nha Trang có nhiều cá. Nhưng có một giống cá mà
các bà nội trợ nặng tình Mạnh Quang thường mua về để “cử án” [14]. Đó là cá Đục. Thứ cá này không phải riêng sông Nha Trang mới
có. Song cá Đục Nha Trang đặc biệt hơn các sông khác là thịt đã ngọt lại thơm.
Nhân vị đặc biệt ấy mà thời Nhật Pháp tranh quyền trên lãnh
thổ Việt Nam (1940-1944), một người ở Nha Trang [15] đã mượn con cá Đục để gởi tâm sự cùng bạn đồng chí:
Sông Nha Trang,
Cát vàng nước lục,
Thảnh thơi con cá đục
Lội dọc lội ngang,
Đã nguyền cùng em giữ dạ đá vàng,
Quý chi tách cà phê đen, ly sữa bò trắng,
Anh nỡ phụ phàng nước non?
Đó, sông Nha Trang, tức Cù Giang, tức sông Cái, mới ngó qua
tưởng không có gì đặc sắc. Nhưng nếu rõ được ngọn nguồn lạch sông, thì hưởng được
không biết bao nhiêu thú vị, thú vị về phong cảnh, về lịch sử, về truyền thuyết...
mà muốn hưởng được trọn phải chịu khó đến tận nơi.
C.
Ngoài hai con sông lớn thượng dẫn, Khánh Hòa còn một số sông
nhỏ. Đáng để ý là những sông sau đây: Quận VẠN NINH
SÔNG TÔ HA
Phát nguyên ở các núi nơi ranh giới Phú - Khánh. Chảy qua Tu
Bông rồi chảy xuống vũng Trâu Nằm thuộc vịnh Vân Phong. Trên thượng lưu có đập
ngăn nước gọi là Đập Sổ.
SÔNG BÌNH SƠN
Đây là một cái suối thường gọi là suối Bình Trung. Phát
nguyên từ hòn Giúp, chảy qua Từ Chánh, Trung Dõng, Bình Trung rồi chảy xuống cửa
Giã, vịnh Vân Phong.
SÔNG VẠN GIÃ
Tục gọi là sông Hâu. Có hai nguồn: một từ vùng núi Tam Phong
ngoài ranh giới Phú - Khánh chảy vào; một từ Hòn Chảo chảy xuống, qua Hiền
Lương, rồi cùng nhánh kia hợp lại chảy xuống cửa Giã, vịnh Vân Phong. Sông này
nằm phía trong Vạn Giã.
Quận NINH HÒA có một con sông nhỏ, bên cạnh sông Dinh. Đó là:
SÔNG CẦU LẤM
Tên chữ là Ngọc Sơn, phát nguyên từ Hòn Bà: Có hai phụ lưu là
hai thắng cảnh của Khánh Hòa: suối Cát và suối Đá Chẻ [16]. Sông chảy xuống vũng Nha Phu.
Quận VĨNH XƯƠNG có:
SÔNG PHÚ HỮU
Do nước Ba Hồ, một thắng cảnh của Khánh Hòa [17] chảy ra rồi chảy xuống vịnh Nha Phu.
SÔNG ĐỒNG BÒ
Đây là nhánh Nam phái cũ của sông Nha Trang. Ngọn nước bị lấp,
dòng nước nhiều khúc cạn thành đồng bằng, nhiều khúc còn đọng thành bàu, chỉ
khi mưa lụt mới thấy lại dạng sông cũ. Mùa nắng sông nhờ nước ở Suối Dầu do một
suối nhỏ, tục gọi là sông Dinh, chảy xuống Đồng Bò, đến Trường Đông, để ra Cửa
Bé.
Do đó mà sông cũng thường gọi là sông Trường Đông hay sông Cửa
Bé.
Ở quận Diên Khánh, có một con sông vừa nhỏ vừa cạn, không có
gì đặc biệt, thế mà nổi danh, vì hành khách đi trên đường Quốc Lộ phải đi ngang
qua một cái cầu bắc trên sông và mang tên sông. Đó là:
SÔNG CẠN
Một nhánh nhỏ của sông Cái tức sông Nha Trang.
Trong Đại Nam Nhất Thống Chí gọi là Hạc Giang [18] và chép rằng sông này do mương ngòi trong các đồng ruộng
chảy dồn lại chớ không có nguồn.
Sự thật thì “nguồn” ở tại bờ sông cái phía Nam, cách đầu cầu
Chợ Thành qua Phú Lộc chừng trăm thước. Nhưng nước ở sông Cái chỉ khi nhiều lắm
mới tràn vào sông Cạn.
Ngoài nước sông Cái, sông Cạn còn nhận nước các đồng ruộng,
như Đại Nam đã chép, nhiều nhất là nước Cầu Lùng.
Cầu Lùng ở phía Nam thành Diên Khánh, trên con đường Quốc Lộ
số 1. Tại bến xe Thành đi vào thì tới Cầu Lùng rồi tới cầu Sông Dinh.
Dưới Cầu Lùng có một lỗ nước rộng lớn và rất sâu, mùa hạ nắng
mấy cũng không cạn.
Cũng có thể gọi vũng Cầu Lùng là “ngọn nguồn” thứ hai của
sông Cạn.
Sông Cạn chảy qua Phước Thạnh, Võ Kiện, Võ Cạnh, xuống Phú
Vinh để cùng các mương rãnh dồn nước chảy vào Cửa Bé những lúc trời mưa to.
Phong cảnh của con sông cũng như của cầu Sông Cạn, không có
gì ngoạn mục.
Nhưng cầu Sông Cạn là một cầu lịch sử.
Năm Bính Tuất (1886) dưới triều Đồng Khánh hai nhà lãnh đạo
nghĩa binh Cần Vương là Trịnh Phong và Nguyễn Khanh tuẫn quốc nơi gò bên cầu [19]. Và 24 năm sau đến lượt chí sỹ Trần Quý Cáp.
Nguyên cuối triều Thành Thái đầu triều Duy Tân, cụ Trần Quý
Cáp, hiệu Thái Xuyên, người làng Bất Nhị, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, đậu
Tiến Sĩ, vào ngồi giáo thọ huyện Tân Định, tỉnh Khánh Hòa.
Cụ là một nhà chí sĩ cùng các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu
Trinh, Huỳnh Thúc Kháng là chỗ thâm giao.
Khi ngồi giáo thọ Tân Định, Trần chí sĩ ngấm ngầm tuyên truyền
chống nào khoa cử, bài trừ hủ tục, hô hào chấn hưng công thương...
Biết rằng chí sĩ là một nhà cách mạng nguy hiểm, bọn thực dân
và bọn quan An Nam, tay sai của chúng, luôn luôn theo dõi. Để tránh sự dòm giỏ
ngó treo của bọn chó săn, các thơ từ của chí sĩ, thơ nhà cũng như thơ ngoài, đều
gởi cho quan huyện Tân Định. Quan huyện Tân Định lúc bấy giờ là cụ Tấn Sĩ Hồ Sĩ Tạo, người Hòa Cư, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định, bạn đồng khoa cùng chí sĩ. Nhờ
vậy mà chữ thánh hiền không bị mắt cú vọ rây nhơ.
Năm Mậu Thân (1908) ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định nổi
lên phong trào “xin xâu xin thuế”. Đồng bào hớt tóc ngắn kéo nhau đến Tỉnh yêu
cầu Chánh phủ giảm bớt xâu thuế. Phong trào rất sôi nổi. Để trấn an nhân tâm bọn
thực dân phong kiến sau khi thấy bắn giết không đi tới đâu, bèn hứa hẹn thỏa
mãn lời yêu cầu. Đồng bào giải tán, chúng lùng bắt những người cầm đầu, lớp bỏ
tù lớp xử tử.
Trong khi phong trào đương sôi nổi, gia đình cụ Trần gởi thư
vào nói rõ tình hình và thỉnh ý cụ. Theo thường lệ, thư gởi cho quan huyện Tân
Định. Chẳng may lúc bấy giờ cụ Hồ Sỹ Tạo về Bình Định linh gian cho bà cụ thân
sinh. Quyền tri huyện là Phan Bá Hoành mở thư ra xem, liền đem trình cho Tỉnh để
lập công hầu mong được thực thụ chức tri huyện Tân Định.
Quan tỉnh Khánh Hòa lúc bấy giờ là Phạm Ngọc Quát làm Tuần Vũ
và Nguyễn Mại làm án sát.
Gặp được dịp tỏ lòng trung thành cùng chủ, Phạm Ngọc Quát
cùng Nguyễn Mại, một mặt tư Sứ và Bộ, một mặt bắt tống lao nhà chí sĩ. Cụ Hồ Sĩ
Tạo đương ở nhà cư tang cũng bị liên lụy.
Hai cụ bị kết án tử hình vì tội mưu đồ phản loạn. Cụ Trần bị
xử lăng trì. Cụ Hồ bị trảm quyết. Triều đình Huế xét “không có gì nặng” giảm án
cụ Trần xuống trảm quyết và cụ Hồ khổ sai chung thân!
Cụ Hồ bị nhốt ở ngục Bình Định. Trong ngục cụ có câu:
Thảo mẹ ba năm lòng cỏ thẹn,
Chăn dân tám tháng vận cầm rơi.
Cụ Trần bị hành quyết tại cầu Sông Cạn.
Cụ bước ra pháp trường với thái độ thản nhiên. Cụ lấy chiếc
khăn nhiễu bịt đầu đưa cho tên đao phủ:
- Sự nghiệp của tôi chỉ có chừng nớ. Chú cầm lấy và chém tôi
một đao cho mát.
Trời đương nắng bỗng kéo mây và gió lạnh thổi! Đồng bào không
cầm lòng được, khóc rống! Bọn thực dân cũng tỏ vẻ bùi ngùi. Riêng bọn quan An
Nam, tay sai của chúng, lấy làm đắc ý vì đã tỏ được lòng khuyển mã cùng quan thầy
lại trừ được cái đinh chính nghĩa ở trước đôi mặt tà nịnh. Chúng lại còn buộc
gia đình phải mai táng cụ Trần tại Khánh Hòa! Mãi mười lăm năm sau, trung cốt mới
được đưa về cố thổ. Người có tâm trong nước, ai cũng căm giận phường gian nịnh,
vì danh lợi mà bán tâm hồn cho giặc, phản quốc phản dân.
Và người Khánh Hòa in sâu cảnh tượng thương tâm vào lòng vào
não. Cho nên mùa xuân năm Ất Mão, sau khi Nhật lật đổ Pháp (1945), nhân trong
thành phố Nha Trang có mấy con đường mới cần đặt tên, các thân hào nhân sĩ
Khánh Hòa liền đề nghị đặt tên Trần Quý Cáp cho con đường chạy trước mặt nhà của
hậu duệ Phạm Ngọc Quát, để kẻ qua người lại lấy đó mà làm gương. Và các ông già
bà cả đã chứng kiến thảm cảnh năm Mậu Thân (1908) còn sống sót đến nay, hễ nhắc
đến chuyện xưa đều không cầm được nước mắt!
Còn con sông Cạn đến mùa nắng thì nước khô. Nhưng nơi cầu, nước
không bao giờ ráo. Phải chăng đó là giọt lệ khóc anh hùng tích tụ, dòng hận của
khách “Quốc thù vị báo” còn lưu?
Từ Nha Trang đi lên, trước khi đến Chợ Thành Diên Khánh thì
phải qua cầu Sông Cạn. Qua cầu Sông Cạn, nghĩ đến chuyện chí sĩ Trần Quý Cáp, đến
hai vị anh hùng họ Trịnh họ Nguyễn, người hữu tâm không thể hững hờ đi qua.
Khánh Hòa còn một ít con sông khác, nhưng không đáng kể.
Có một điểm đáng lưu ý là sông Khánh Hòa, mặc dù phát nguyên ở
nội địa, sông nhỏ cũng như sông lớn, mùa nắng, cạn thì có cạn chớ ít khi khô rốc.
Vì núi nhiều cây, trời thường mưa, khe suối luôn luôn trữ nước. Cho nên có câu:
Sông không khô nhờ nguồn trữ nước,
Con cái sang giàu nhờ phước cha ông.
IV.
ĐỒNG BẰNG
Tỉnh Khánh Hòa, núi rừng chiếm hết 15/16 diện tích. Đồng bằng
chỉ còn 1/16 tức 33.950 ha. Đất đã khai hiện nay trên 32.000 mẫu tây.
Từ Gia Long đến Tự Đức ruộng đất Khánh Hòa, theo bộ thuế điền
thổ, gần 12.600 mẫu ta, tức 6.800 mẫu tây. Năm Thành Thái thứ mười (1898) số ruộng
đất lên được gần 29.155 mẫu, năm thứ 11 (1899) lên 30.028 mẫu dư, đến năm thứ
18 (1906) lại lên đến 31.260 mẫu ta tức 15.630 mẫu tây.
Đem so với diện tích trồng tỉa hiện thời thì nay ruộng đất rộng
gấp đôi xưa.
Đó là theo giấy tờ. Trên thực tế thì từ trước đến giờ, ruộng
đất Khánh Hòa, trừ những đồn điền của người Pháp mới khai khẩn thời Pháp thuộc,
không tăng cũng không giảm. Diện tích ghi trong bộ thuế điền thổ không đúng sự
thật. Từ đời Thành Thái trở xuống thuế má luôn luôn tăng. Để đủ số thuế Nhà Nước
ấn định cho mỗi tỉnh, Chánh quyền địa phương không gia tăng giá biểu mà lại gia
tăng diện tích trồng tỉa, mặc dù trên thực tế ruộng đất không hề tăng một tấc
nào. Cho nên từ Thành Thái thứ 10 đến thứ 18 mà diện tích tăng gấp bốn lần!
Con số 32.100 mẫu tây cũng là con số trong sổ bộ hiện thời.
Có sai chăng cũng chỉ sai chút ít thôi.
Ruộng đất Khánh Hòa đã hẹp mà còn bị núi đồi chia cắt từng
vùng, từng khoảnh, thành thử ít nơi có cảnh “cò bay thẳng cánh”, có cảnh “lúa
ngập lút mây”.
Nhiều ruộng đất nhất và ruộng đất tốt nhất là Ninh Hòa, thứ đến
Diên Khánh. Vạn Ninh, Vĩnh Xương và Cam Lâm, đất trồng tỉa không được nhiều bằng
hai quận kia. Còn Khánh Dương thì đất núi chỉ thích hợp với cỏ và tranh săng.
Ruộng đất ít.
Người xưa đã đặt cho những cánh đồng Khánh Hòa nhiều tên rất
“thực tế” và rất “bình dân”.
Ở Vạn Ninh có:
- Đồng Găng, Đồng Mốc, Đồng Đáy, Đồng Miễu, Đồng Gáo, Đồng Bà
Chỉ, Đồng Lớn, Đồng Bé, Đồng Đụt...
Ở Ninh Hòa có:
- Đồng Cháy ở phía Đông quận lỵ,
- Đồng Nay, Đồng Chuôm ở vùng phía Tây quận lỵ.
Ở Vĩnh Xương có:
- Đồng Đế ở phía Bắc thành phố Nha Trang và gần quận lỵ Vĩnh
Xương,
- Đồng Bò ở phía Nam thành phố Nha Trang.
Ở Diên Khánh có:
- Đồng Nga, Đồng Lũy. Đồng Dài, ở phía Bắc ngạn Sông Cái.
- Đồng Trăng, Đồng Sậy, Đồng Cọ, Đồng Lớn... ở phía Nam ngạn.
Ở Cam Lâm có:
- Đồng Lác, nay đã thuộc về thị xã Cam Ranh.
Đó là những cánh đồng thường được nhắc nhở đến. Và tên đồng
đã dựa theo những đặc điểm của đồng mà đặt. Nhưng cảnh sắc đã nhiều thay đổi,
nên hiện nay có nhiều cánh đồng, không hiểu tại sao lại mang tên như thế. Ví dụ:
Đồng Đế, Đồng Bò, Đồng Cọ, Đồng Nga... Hỏi thăm, một ông lão cười:
Người đâu hỏi chuyện khùng khiên
Xưa đặt nay truyền chớ biết vì sao!
Hiện nay, để tiện lợi trong việc thực hiện chính sách xây dựng
nông thôn, cơ quan hữu trách chia ruộng đất Khánh Hòa ra thành nhiều cánh đồng,
và tên đồng gọi theo tên những thôn ấp quan trọng.
Vạn Ninh có những đồng:
- Tu Bông (Tân Phước, Hội Khánh).
- Vạn Giã (Tứ Chánh, Bình Trung, Phú Cang, Quảng Hội).
- Mỹ Đồng v.v...
Ninh Hòa có:
- Đồng Xuân (Đồng Thân , Nghi Xuân).
- Vĩnh Thịnh,
- Ninh Ích,
- Đại Tập, Đại Mỹ,
- Ninh Hòa (Hà Thanh, Vĩnh Phước, Thanh Châu).
- Tân Hưng, Trường Lộc v.v...
Vĩnh Xương có:
- Phú Hữu,
- Xuân Phong,
- Phú Vinh v.v...
Diên Khánh có:
- Tứ thôn Đại Điền (Đ.Đ Trung, Đ.Đ Nam, Tây, Đông).
- Phú Khánh, Nghiệp Thành.
- Thanh Minh.
- Đồng Trăng (Khánh Xuân, Khánh Lâm) v.v...
Cam Lâm có:
- Hội Xương,
- Vĩnh Phú v.v...
Ruộng gần nước thì làm hai mùa, ruộng xa nước thì làm một
mùa. Ruộng rộc thì cấy ruộng gò thì gieo.
Ở Trung Việt, ruộng đất Khánh Hòa đứng vào hàng ưu tú. Nhưng
đối với đồng Nam Việt thì còn kém xa.
Tuy vậy, đồng Khánh Hòa thời bình vẫn đủ nuôi nhân dân Khánh
Hòa. Cho nên người nông dân Khánh Hòa vẫn cao giọng hát:
Mẹ người áo gấm người yêu,
Mẹ ta áo vải ta chiều ta thương.
Chú thích:
[1] Có tên như thế vì nước sông thường có chất nhựa cây ráy ở
hai bên bờ tiết ra sắc đỏ như máu. Rất độc.
[2] Trong các bản đồ đều ghi là sông Ky.
[3] Chữ Giang trong tên Sông Giang, nghĩa là thần. Tiếng của
người Thượng.
Sãi Me trong các bản địa đồ Pháp Mỹ ghi là Sẩy Me và Sông Cầu
ghi là Sông Cao.
[4] Thơ của Chế Lan Viên làm thời kháng chiến (1945-1954).
[5] Xem phần “Thắng Cảnh” ở sau.
[6] Cũng như Quy Nhơn, Pháp lấy tên Phủ ngày xưa mà đặt.
[7] Cũng gọi là thác Ngựa Oằn, vì nước chảy qua ba tảng đá
trông giống như lưng ngựa bị oằn xuống.
[8] Dây rừng giăng qua Thác Võng, có người thì bảo là dây
tràm, có người bảo là rễ cây ráy. Có lẽ là rễ cây ráy, vì giống cây này rất độc,
và nhựa màu nâu nâu, hễ dính vào người thì ngứa ngáy, gãi lở rồi làm độc.
[9] Cổ thi có câu “Anh hùng nan quá mỹ nhân quan”.
[10] Xem phần III, mục nói về cổ miếu.
[11] Bài thơ này tả chung cả cảnh tượng thác Nhét và Lỗ Đoi.
Việc thọc sào vào lỗ là một cách chống cho ghe bè khỏi chui
vào đó mà bị kẹt. Sau thành ra tục lệ. Nhưng sao ở miếu Lỗ Lườn ngoài Vạn Ninh
cũng có lệ “thọc” như thế mỗi lần cúng tế?
[12] Tống Địch người đời Tống có tám bức họa những cảnh vùng
Hồ Nam gọi là Tiêu Tương bát cảnh.
[13] Giang Yêm cũng người đời Tống, nằm mộng thấy bút trổ
bông, văn chương trở nên lỗi lạc, thi đỗ trạng nguyên.
[14] Mạnh Quang đời Hán thờ chồng hết lòng. Đưa vật gì cho chồng
cũng nâng cao ngang mày (cử án tề mi).
[16] Xem chương Thắng Cảnh.
[17] Xem chương Thắng Cảnh.
[18] Hạc là cạn, Hạc Giang: Sông Cạn.
[19] Xem phần “Lịch sử” ở trước và mục “Phong trào Cần Vương”
trong phần V ở sau.
Chương VI
KHÍ HẬU
Các sách giáo khoa, cấp Trung Học Phổ Thông, dạy về Địa Lý, bằng
theo địa thế mà chia khí hậu Việt Nam làm;
- Khí hậu Bắc Phần,
- Khí hậu Trung Phần,
- Khí hậu Nam Phần.
Lại chia khí hậu Trung Phần ra làm bốn:
- Khí hậu Bắc Trung Phần gồm có ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An,
Hà Tĩnh.
- Khí hậu Trung Ương gồm các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên.
- Khí hậu Nam Trung Phần gồm ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận,
Bình Thuận. [1] - Khánh Hòa Cao Nguyên Trung Phần.
Chia như vậy là để học sinh dễ học đó thôi.
Chớ khí hậu cũng như con người, do ảnh hưởng núi sông, mỗi tỉnh
mỗi khác.
ĐẶC TÍNH CỦA KHÁNH HÒA
Cũng có thể theo sách giáo khoa chia khí hậu Khánh Hòa ra làm
hai mùa là mùa nắng và mùa mưa. Bởi vì là cảnh tượng dễ thấy.
Chớ nếu sống hòa mình cùng vũ trụ thì nhận thấy rõ rệt Xuân Hạ
Thu Đông ở Khánh Hòa. Mỗi mùa có một hương vị một sắc thái đặc biệt và mỗi khi
sang mùa trong người đều cảm thấy sự thay đổi về thể chất cũng như về tinh thần.
Ở tỉnh nào cũng vậy. Song ở Khánh Hòa dễ nhận thấy hơn, dễ
phân biệt hơn.
Nói về hai mùa mưa nắng:
Khánh Hòa mưa nắng rất “điều độ”. Và mùa nắng không có “nắng
sém da” như ở Quy Nhơn, Phan Rang, mùa mưa không “lạnh cắt ruột”, “lạnh nhức
xương” như ở Huế, ở Cao Nguyên. Trong mưa có khí ấm. Trong nắng có khí mát. Nha
Trang là nơi tiêu biểu cho khí hậu Khánh Hòa.
NHIỆT ĐỘ
Nhờ ở gần biển, khí hậu Khánh Hòa rất ôn hòa.
Từ tháng giêng đến tháng sáu âm lịch, tức vào khoảng tháng
hai tháng ba đến tháng bảy tháng tám dương lịch, hàn thử biểu thấp nhất là 21 độ
và cao nhất là 33 độ.
Từ tháng bảy đến tháng chạp âm lịch, tức từ khoảng tháng tám
tháng chín đến tháng giêng tháng hai dương lịch, cao nhất là 24 độ và thấp nhất
là 19 độ.
Năm nào lạnh lắm thì xuống đến 16 độ là cùng, còn nóng lắm
thì lên đến 35, 36 độ là cùng.
Vì vậy mùa hè hoa hường hoa huệ vẫn nở, mùa đông vẫn thấy dưới
hồ nở lác đác đôi đóa sen hồng.
Cho nên khí hậu Khánh Hòa là khí hậu lý tưởng của anh chị em
bình dân và hạng thường thường bậc trung, nghĩa là thích hợp cho đại đa số nhân
dân Việt Nam hơn Đà Lạt, Bạch Mã dành riêng cho hạng giàu sang.
MƯA
Khánh Hòa mùa nào cũng có mưa.
Tháng giêng tháng hai âm lịch, thỉnh thoảng mưa từng trận nhỏ.
Tục gọi là mưa xuân.
Tháng ba tháng tư tháng năm thường có mưa dông, sấm sét dữ tợn.
Mưa ào ào một vài giờ rồi dứt [2].
Tháng sáu tháng bảy ít mưa, nhiều nắng và nắng hơi gắt hơn
tháng năm tháng sáu, mặc dù đã sang thu.
Tháng tám ở các tỉnh nắng gắt nhất. Tục có câu “nắng tháng
tám nám trái bưởi”. Nhưng ở Khánh Hòa nắng đã dịu và ban đêm ngủ phải đắp mền
lúc về khuya.
Từ tháng chín trở đi mới thật là mùa mưa.
Mưa nhiều nhất là tháng 10 tháng 11, tức là mạnh đông và trọng
đông. Mỗi tháng đổ đồng cũng đến 20 ngày mưa. Thỉnh thoảng mới mưa suốt ngày,
hoặc nhiều ngày liên tiếp. Chớ thường thường cứ mưa một cơn tầm tã rồi xửng một
vài giờ, hoặc một vài buổi rồi lại mưa lại.
Ai đã từng sống ở Huế ở Bình Định..., trong những ngày mưa dầm
gió bấc, thì thấy mùa mưa ở Khánh Hòa, nhất là ở Nha Trang “dễ thương” vô cùng.
Đương mưa sùi sụt, nước tung lạnh gió tung lạnh, mà hễ xửng “một cái” thì vẻ u
ám liền tan và bên mình cảm thấy âm ấm như có hơi lửa dành sẵn trong không
gian.
Một nhà thơ ví mùa mưa Khánh Hòa như một cô tình nhân ưa làm
nũng, nhưng khi dỗ nín thì liền nhoẻn nụ cười làm ấm lòng người yêu.
Nói về mực nước, theo quyển Climat de l’Indochine của Brujon
xuất bản năm 1950, thì mùa nắng nước cao từ 22m/m đến 64m/m, mùa mưa lụt cao từ
174m/m đến 399m/m. Nghĩa là không thấp lắm mà cũng không cao lắm, mùa nắng
không đến nỗi rốc ráo, mùa mưa không đến nỗi tràn trề và canh nươm, ăm ắp.
GIÓ BÃO
Khánh Hòa có hai mùa gió:
- Mùa gió Nồm.
- Mùa gió Bấc.
Gió Nồm thổi từ tháng giêng cho đến tháng 8 âm lịch, tức là
thổi về mùa nắng. Thổi theo hướng Đông Nam Tây Bắc, mang khí nước biển vào đất
liền, mát mẻ dễ chịu.
Gió Bấc thổi từ tháng 9 đến tháng chạp âm lịch, tức là thổi về
mùa mưa. Theo hướng Tây Bắc Đông Nam, mang khí núi xuống đồng bằng, lạnh lẽo
khó chịu.
Trong mùa gió Bấc thường có bão, nhưng ít khi có bão lớn. Những
trận bão lớn xưa nay đều từ nơi xa tạt vào.
Trừ vùng Tu Bông ra, Khánh Hòa không chịu ảnh hưởng gió Lào,
như Phú Yên, Bình Định, vì nhờ núi phía Tây che kín từ Bắc chí Nam. Cho nên
tháng 4, 5, 6 không nóng bức.
Còn mùa Bấc thì nhờ khí ấm ở biển pha vào, nên không có hơi lạnh
“nhức đầu sổ mũi”, không đến nỗi đi đâu cũng phải mang pardessus trùm foulard
như ở Dalat, ngồi đâu cũng phải ôm lồng ấp như ở Huế.
THỜI TIẾT
Nhờ mưa gió điều hòa, nhờ nhiệt độ giữa hai mùa nóng lạnh
không chênh lệch mấy, nên khí hậu Khánh Hòa tốt hơn cả các tỉnh Trung Nguyên
Trung Phần.
Mức lên xuống của nhiệt độ cũng đi từ từ chớ không bao giờ nhảy
vọt.
Tháng mưa nhiều nhất là tháng 9 tháng 10 âm lịch. Cảnh trời
thường u ám, khí trời thường lạnh lùng. Có nhiều năm đến tháng 11 cũng còn mưa
gió. Qua đến tháng chạp mưa đã ngớt nhưng trời còn lạnh. Cây cối buồn bã, nhiều
giống cây úa lá rụng theo gió theo mưa. Dễ nhận thấy nhất là giống bàng, nửa
vàng nửa xanh và thỉnh thoảng rơi năm bảy lá vàng ánh.
Đến giờ giao thừa, khí trời thoảng ấm, bầu trời vụt [3] trong. Và lòng người tự nhiên cảm thấy khoan khoái.
Giờ phút chuyển tiếp giữa đông và xuân, ở Khánh Hòa, nhất là
Nha Trang, dễ thấy hơn đâu hết.
Hoa xuân ở Khánh Hòa cũng rất nhiều. Lan, huệ, cúc, hường,
thược dược... đủ màu đủ giống. Nhưng đặc biệt nhất là hoàng mai.
Hoàng mai ở đâu cũng có. Song hầu hết đều là giống mai đơn,
năm cánh, và thường thường mọc từng khóm lẻ tẻ hoặc từng chòm ba bốn cây, năm bảy
cây. Hoàng mai ở Khánh Hòa phần nhiều là mai kép, cánh nở từ bảy trở lên và vun
như hoa mai của các sĩ quan cấp úy. Mai Khánh Hòa ít khi mọc đơn chiếc, mai trời
cũng như mai trồng, mà mọc từng rừng, từng đám. Lớp mai núi, lớp mai biển. Đến
giống mai tứ quý cũng làm cho những người không thích “tánh tạp nhạp mùa nào
cũng ra hoa” phải để ý. Ánh vàng của hoa hừng hừng trong ánh nắng mới, lộng lẫy
huy hoàng.
Ngày xưa rừng mai Phước Hải ở Nha Trang thịnh nhất [4]. Hiện nay mai dồn vào Cam Lâm. Mỗi bận xuân về, những người
“chuyên môn bán hoa” thu bạc vạn.
Cho nên khách phong tao gọi Khánh Hòa là Mai Thành.
Bên cạnh màu vàng của Mai, còn có màu đỏ của lá: Lá bàng.
Ở các nơi lá bàng thường thường rụng về mùa đông. Mùa đông rụng
trụi. Qua xuân thì cành hoặc trùm lục hoặc trơ xương. Bàng Khánh Hòa mùa đông
chỉ rụng cho có lệ. Qua xuân thì xanh trở vàng, vàng trở đỏ. Đỏ thắm như màu
son, đỏ tươi như môi người thiếu nữ trinh trắng. Vàng son trong cung điện vua
chúa thời phong kiến thịnh hành cũng không rực rỡ bằng.
Câu thơ Xuân Nha Trang của Trường Xuyên:
Bàng son nhuộm thắm trời xuân,
Sao vàng xuống đậu sáng rừng hoa mai.
Diễn tả được phần nào cảnh xuân của Khánh Hòa vậy.
Khi vàng của hoa, son của lá đã nhường chỗ cho màu ngọc bích
của cành, thì hoa sứ mới xuất hiện một cách đường hoàng, một cách viên mãn.
Lòng vàng cánh trắng, mịn màng thanh nhã, trông vừa khiêm tốn vừa nghiêm trang.
Màu đỏ màu vàng của lá bàng hoa mai tượng trưng cho sức sống
mãnh liệt của một dân tộc mới phục hưng. Màu dịu dàng của hoa sứ tiêu biểu cho
thời thạnh trị thái bình, kéo dài ngót hai phần ba mùa xuân đầm ấm.
Sang mùa hè, Khánh Hòa lại trông thấy cảnh vàng son trở lại:
Vàng của hoa muồng hòe, son của hoa phượng vĩ. Rực rỡ không kém mùa xuân.
Mùa hè ở Khánh Hòa cũng là mùa của hoa sen, hoa lài, hoa trúc
đào, hoa huệ đỏ... Nhưng tất cả đều bị phai mờ dưới ánh huy hoàng của hoa phượng
hoa hòe.
Hai thứ hoa này nơi nào cũng có. Song nơi thì nhiều phượng ít
hòe, hoặc không có hòe, nơi thì nhiều hòe ít phượng, hoặc không có phượng. Ở
Khánh Hòa hễ hòe đâu thì phượng đó. Hoặc đứng chen nhau, hoặc chiếm mỗi thứ mỗi
vùng độc lập, độc lập nhưng vẫn tương ỷ tương y.
Ở thôn quê thì tự do mọc tự do lớn. Ở Nha Trang thì sắp đặt
do tay người. Đường thì trồng toàn hòe, như con đường Quốc Lộ số 1 chẳng hạn.
Đường thì trồng toàn phượng như đường Yersin chẳng hạn. Đường lại trồng hòe
chen với phượng như những con đường trước tòa sứ ngày trước tức tòa Hành Chánh
hiện thời... [5]. Mỗi lúc hè sang thì dù đến những người chỉ sống trong
phòng có máy điều hòa không khí cũng nhận tháy được sự thay đổi của thời tiết.
Các giống hoa, hầu hết đều có tánh cách quý phái, tánh cách
tiểu tư sản. Phải xem từng đóa từng cành mới nhận thấy tài khéo léo của hóa
công, mới thưởng thức đầy đủ vẻ đẹp. Hoa hòe hoa phượng là hoa bình dân. Phải
nhìn vào tập thể mới thấy đẹp, một vẻ đẹp hùng vĩ, một vẻ đẹp hiên ngang. Và nắng
càng gắt, sắc vàng càng tươi, sắc đỏ càng thắm, chẳng khác lửa đổ dầu thêm.
Vẻ đẹp của hoa mai của lá bàng là vẻ đẹp của buổi mai buổi
chiều, rực rỡ nhưng dịu.
Vẻ đẹp của hoa hòe hoa phượng là vẻ đẹp của buổi trưa buổi xế,
vừa sáng lạn vừa nghiêm.
Một bên là vẻ đẹp khuyên mời.
Một bên là vẻ đẹp khiêu khích.
Mỗi bên một vẻ, nhưng mười phân vẹn mười.
Rồi nắng dịu lần và vàng son của hoa cũng thưa lần và lợt lần,
trong màu xanh của trời biển núi sông.
Gió Bấc thổi nhẹ. Lá me lá chành ruột lác đác bay. Chiều chiều
chim én lượn từng bầy đớp chuồn chuồn trong sương mỏng. Và một khí buồn phất nhẹ
vào nội tâm, êm êm dìu dịu.
Thu đã bắt đầu.
Và trái thanh long đỏ tía, những quả cam nửa vàng nửa xanh,
xuất hiện để đại diện cho màu thu Khánh Hòa, màu đặc biệt của thu Khánh Hòa.
Cam Khánh Hòa không bì nổi với cam Xa Đoài, nhưng hơn hẳn cam
ở các nơi khác cả chất lẫn lượng. Còn thanh long thì ít nơi có, mà có cũng có
ít hơn Khánh Hòa. Ở Khánh Hòa vì khí hậu mát nên trồng đâu sống đó và ra trái
sum sê.
Cam cũng như thanh long bắt đầu có trái từ mùa hè và chín từ
đầu thu đến mạnh đông mới hết.
Cho nên người Khánh Hòa, xuân hạ thưởng hoa, thu đông hưởng
quả. Mỗi mùa có một phong vị riêng.
Và mùa đông của Khánh Hòa không phải chỉ có mưa và lá vàng. Mận
- ở Bắc Việt gọi là roi, ở Huế gọi là đào - cuối tháng 9 bắt đầu trổ bông,
tháng 10 tháng 11 nở và tháng kết quả để tháng chạp chín cho kịp tết.
Hoa trắng như tuyết.
Quả đỏ như son và ngọt như đường phèn.
Vì vậy mùa đông của Khánh Hòa không đến nỗi u ám, buồn tẻ. Và
có thể gọi màu hoa mận là màu tượng trưng cho mùa đông của Khánh Hòa.
Nói tóm lại, bốn mùa của Khánh Hòa có bốn màu sắc đặc biệt,
không thể lẫn lộn. Và quang cảnh mùa nào cũng đẹp và cũng thú như trong văn
chương.
Sắc thái và thú vị của thời tiết lại còn thể hiện trên mùa
màng, một cách rõ rệt. Đại khái: mùa đông mùa hạ là mùa cày cấy, mùa xuân mùa
thu là mùa gặt hái. Mỗi mùa lại có một tính chất riêng biệt. Cày cấy về mùa
đông không giống mùa hạ, gặt hái mùa xuân không giống mùa thu.
Nắng mưa mỗi mùa mỗi khác, thảo mộc mỗi mùa mỗi khác, mùa
màng mỗi mùa mỗi khác. Như thế bốn mùa của Khánh Hòa, cũng như phần nhiều tỉnh
miền Nam Trung Việt, đã được trời chia, đất chia người chia, một cách phân minh
rành mạch. Chớ đâu phải chỉ có hai mùa là nắng và mưa.
KHÍ HẬU NHA TRANG
Khí hậu Khánh Hòa, thời tiết Khánh Hòa, đại khái là thế. Chớ
không phải quận nào cũng thế, miền nào cũng thế. vẫn có sự thay đổi, sự khác biệt
theo vị trí. Có nhiều nơi khí hậu không được tốt, không được điều hòa, như
Khánh Dương, Cam Lâm mà công chức hễ nghe đổi tới là sợ. Nói tóm lại những nơi ở
gần núi rừng, hầu hết đều bị sơn chướng đầu độc không khí, không nhiều thì ít
chớ không hoàn toàn không. Còn ở vùng biển thì tuyệt.
Tuyệt nhất là Nha Trang.
Xuân và thu ở Nha Trang thật đúng như lời sách tả: ôn và
lương rõ ràng.
Còn đông và hạ nhờ có khí biển điều hòa, nên vẫn có thu có
xuân ẩn hiện.
Mùa nào cũng vậy, nhưng dễ nhận thấy nhất là mùa hạ, hễ đi đường
mệt mỏi, từ Nam ra mà qua khỏi thành Diên Khánh, từ Bắc vào mà qua khỏi đèo Rù
Rỳ, thì trong người liền thấy khỏe khoắn, và sau một đêm nghỉ ngơi, thân tâm
yên vui như vừa uống một liều thuốc bổ [6].
Cho nên những người ở các nơi ưng đến Nha Trang, và những người
đã từng sống ở Nha Trang không muốn đi nơi khác.
Thi Nại Thị thời kháng chiến chống Pháp phải rời Nha Trang,
có những vần thơ tha thiết:
I. Nha Trang trăng ngọc gió trầm,
Anh về Bình Định lệ dầm nhớ thương!
Trách ai rấp nẻo ngăn đường,
Non sông gởi gắm can trường lại em.
Hòn Chử chưa chìm,
Hòn Chồng chưa ngã,
Ngoài còn Vạn Giã,
Trong còn Cam Lâm,
Vẫn còn trăng ngọc gió trầm,
Nghìn thu nghĩa nặng tình thâm mãi còn.
II.
Nha Trang! Nha Trang!
Chút nghĩa cũ càng:
Vi hường mận trắng,
Mai vàng cúc vàng...
Cùng ai âu yếm?
Vì ai điểm trang?
Tình ơi! Xa cách!
Duyên ơi ! Bẽ bàng!
Lưng trời bóng nhạn
Mơ chừng xuân sang.
Và đến khi tái ngộ sau 9 năm thương nhớ, lòng vui mừng thích
thú không kém lòng Kim Trọng khi gặp lại Thúy Kiều:
Đời chia mưa nắng chín năm qua
Vườn cũ thêm thương khóm mận già
Ba nhánh tình thâm tâm sự gởi
Không vì ly cách phụ phàng hoa.
Chú thích:
[1] Trong sách Địa Lý lớp Đệ Tứ của ông bà Tăng Xuân An chép
là ba tỉnh Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết. Có lẽ lộn vì Phan Rí không phải một
tỉnh. Thêm nữa tác giả lấy Mũi Nậy, thuộc Phú Yên, làm khởi điểm cho vùng khí hậu
này.
[2] Dông đã có từ tháng chạp và đến tháng mười năm sau mới dứt.
Cho nên tục có câu: “Tháng mười sấm rạp tháng chạp sấm ra”. Nhưng chỉ mùa hè sấm
sét mới dữ dội.
[3] Sẽ nói kỹ ở chương “Thắng cảnh cổ tích” đoạn nói về cảnh
giao thừa đi thăm Tháp Bà.
[4] Sẽ nói kỹ ở chương “Thắng cảnh cổ tích” mục nói về Nha
Trang.
[5] Từ ngày có chiến tranh, thuốc khai quang làm chết hết cây
cối. Vẻ đẹp của phong cảnh kém sút quá nhiều.
[6] Xem thêm ở chương “Thắng cảnh cổ tích”, mục nói về Nha
Trang.
Quách Tấn
Theo http://dinhquat.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét