Đôi
điều về quyển từ điển
thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh
Đây là bộ từ điển địa phương đầu tiên về thành phố có quá
hình hình thành và phát triển hơn 300 năm; thành phố có số cư dân đông nhất nước
và là một trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế... quan trọng của cả nước, đứng
thứ hai sau thủ đô Hà Nội. Công trình được hoàn thành sau gần 5 năm biên soạn
và chỉnh lý của nhóm tác giả gồm hai vị chủ biên (Thạch Phương - Lê Trung Hoa),
18 cộng tác viên và được khảo duyệt, tiếp sức bởi một hội đồng gồm các học giả,
nhà nghiên cứu có uy tín. Nhà xuất bản Trẻ, thành phố HCM phát hành lần đầu vào
tháng 3/2001.
Chúng tôi xin bày tỏ sự ngưỡng mộ, khâm phục đối với công
trình sưu tầm, biên soạn rất có giá trị này. Cũng với tình cảm đó, chúng tôi
xin mạo muội nêu ra vài điểm, đề nghị các nhà biên soạn Từ điển thành phố
Sài Gòn - Hồ Chí Minh (dưới đây sẽ gọi tắt là Từ Điển) xem xét, hiệu chỉnh,
bổ sung cho lần xuất bản sau.
- Phần BÁO CHÍ - XUẤT BẢN:
1. Trang 850 có chép rằng Phan Yên báo là
nguyệt san ra đời tháng 12-1868 và là tờ báo thứ hai viết bằng chữ quốc ngữ ở
Gia Định. Nhưng tại trang 1028, mục “Tờ báo đầu tiên bị cấm ở Saigon” lại cho
là báo này ra số đầu tiên vào tháng 12-1898, sau tờ Thông Loại Khóa Trình của
Trương Vĩnh Ký (ra số đầu tháng 5-1888). Tuy nhiên, ở mục này cũng cho rằng Phan
Yên báo là tờ báo quốc ngữ thứ hai.Sự sai biệt con số năm xuất bản tờ Phan Yên báo (1868
và 1898) nêu trên chắc chắn không phải là một lỗi do sắp chữ vì theo đó còn một
số chi tiết mâu thuẫn cần chú ý sau:
* Nếu Phan Yên báo là tờ
báo quốc ngữ thứ hai ở Gia Định (cũng là của nước ta) thì nó phải ra đời
năm 1868, chỉ sau tờ Gia Định báo (1865). Và như vậy đó chính là tờ
báo tư nhân đầu tiên ở Việt Nam (do Diệp Văn Cương chủ trương) xuất bản trước tờ Thông
Loại Khóa Trình 20 năm.
* Trái lại, nếu Phan Yên báo ra
đời năm 1898 - sau tờ Thông Loại Khóa Trình 10 năm - thì nó không thể
là tờ báo quốc ngữ thứ hai xuất bản tại Gia Định được. Đơn giản là
vì Thông Loại Khóa Trình cũng là báo dùng quốc ngữ, được in và phát
hành tại Gia Định.
Được biết, hiện trong nước không còn bản lưu nào của tờ Phan
Yên báo, nhưng các công trình nghiên cứu [1] về lịch sử báo chí nước
ta trước đây đều ghi nhận báo này ra số đầu tiên vào tháng 12-1868 - là tờ báo
quốc ngữ thứ hai của Việt Nam.2. Mục từ: Lành Mạnh (trang
843) - Tập san Lành Mạnh (xuất bản vào ngày mồng Một mỗi tháng) ra mắt số
đầu tiên ngày 01-10-1956, không phải vào năm 1958 như Từ điển viết. Đến ngày
01-8-1963 ra số 83. Trong suốt thời gian ấy (83 tháng), tòa soạn và trị sự đặt
tại: 32 đường Lê Lợi, Huế và báo in tại nhà in Sao Mai - 76 đường Nguyễn Huệ,
Huế. Chủ nhiệm tập san này là Bác sĩ Lê Khắc Quyến, bấy giờ là Giám đốc Bệnh viện
Huế. Vì vậy Lành Mạnh là tờ báo được xuất bản tại Huế chứ không phải
tại Saigon; thiết nghĩ không nên đưa vào Từ điển này.
3. Mục từ: Chính Luận (trang 827) - Từ
điển chép ngày đình bản báo này là 30-3-1974. Chúng tôi không rõ báo Chính
Luận ra số cuối cùng vào ngày nào, là số mấy; nhưng chắc chắn chi tiết nói
trên không chính xác. Hiện nay chúng tôi còn giữ một bản số báo Chính Luận ra
ngày thứ Sáu, 09-8-1974.
- Phần NHỮNG ĐIỂM ĐÁNG NHỚ, mục Bức ảnh được trao giải
quốc tế Pulitzer (trang 1029) nói về bức ảnh được trao giải ảnh báo chí
Pulitzer năm 1969, được chụp trên đường phố Saigon trong bối cảnh cuộc Tổng
công kích và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968); trong ảnh là Tổng giám đốc Cảnh sát
Saigon - Nguyễn Ngọc Loan - đang chĩa súng ngắn bắn vào đầu một người bị trói
chặt hai tay ra sau. Từ điển nói rằng tác giả bức ảnh đó là một phóng viên của
báo Sunday Times.
Xin đính chính như sau: Tác giả bức ảnh đó là EDDIE ADAMS.
Lúc chụp bức ảnh nói trên, anh ta đang làm phóng viên ảnh chính thức cho
hãng Associated Press (AP) theo một hợp đồng từ 1962 đến 1972. Sau đó
Adams trở thành một phóng viên tự do (freelance) với một hợp đồng cung cấp ảnh
cho tạp chí Time.
- Phần NHÂN VẬT: Có nhiều điểm cần sửa lại (không kể lỗi
mo-rát) hoặc viết lại cho rõ ràng, chính xác. Ở đây chỉ nêu vài trường hợp:
1/ Mục từ: Lê Liễu Huê (trang 168). Từ trước đến
nay, tỉnh Quảng Trị không hề có huyện Thạch Hãn. Chỉ có làng Thạch
Hãn (thuộc thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) và dòng sông Thạch
Hãn.
2/ Mục từ: Lê Ngọc Trụ (trang 169). Cây Gõ là
tên gọi một vùng thuộc quận 6 (phường 6 và 9), khu vực giáp quận 11; không liên
quan đến quận 5 như trong Từ điển ghi.
3/ Mục từ: Mai Văn Bộ (trang 180). Huyện Thốt Nốt
hiện nay thuộc tỉnh Cần Thơ, không thuộc tỉnh An Giang như trong Từ điển viết.
4/ Mục từ: Nguyễn Tường Tam (trang 213). Từ điển viết:
“... làm Trưởng đoàn đàm phán với Pháp tại Hội nghị Đà Lạt và Fontainbleau. Sau
đó, bỏ công tác chạy sang Trung Quốc”.
Xin nói rõ như sau: Tại Hội nghị trù bị Việt Pháp tại Dalat
ngày 19/4/1946, phái đoàn Việt Nam do Nguyễn Tường Tam làm Trưởng đoàn, Võ
Nguyên Giáp làm Phó đoàn. Về Hội nghị Fontainbleau: theo danh sách ngày
28-5-1946, Nguyễn Tường Tam được cử làm Trưởng đoàn, nhưng ngày 30-5-1946, có
quyết định thay đổi và Phạm Văn Đồng đã thực hiện nhiệm vụ Trưởng phái đoàn Việt
Nam tại hội nghị nói trên.
Vậy không thể viết như đoạn trích dẫn nêu trên; tuy ngắn, gọn,
nhưng làm người đọc hiểu sai sự thật lịch sử.
5/ Hai mục từ: Ngô Tùng Châu (trang 183) và Võ
Tánh (trang 267).
Năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Ánh chiếm thành Quy Nhơn, đổi thành
trấn Bình Định. Đến năm Tân Dậu (1801), bị quân Tây Sơn vây ngặt lâu ngày, quân
lương đã cạn kiệt, không đủ sức chống giữ, quan Trấn thủ Võ Tánh và Hiệp trấn
Ngô Tùng Châu cùng tuẫn tiết.
Về Ngô Tùng Châu, Từ điển ghi: “Năm 1799, làm Hiệp trấn Bình
Thạnh cùng với trấn thủ Võ Tánh giữ thành”. Cần sửa lại là... Hiệp trấn Bình Định.
Có ý kiến cho rằng sách viết là Bình Thành, nhưng in sai. Dù viết như vậy
cũng không chuẩn, vì hai ông Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đóng binh trong thành
Bình Định nhưng trấn thủ lãnh thổ Trấn Bình Định chứ không chỉ riêng
khu vực thành Bình Định.
Về Võ Tánh, Từ điển lại viết: “... trấn thủ thành Quy Nhơn...”,
cần sửa lại là thành Bình Định.
6/ Mục từ: Võ Trường Toản (trang 269). Từ điển viết
“Khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Phan Thanh Giản cùng Nguyễn Thông và
nhiều môn sinh yêu nước đứng ra lo việc cải táng mộ người thầy học đáng kính về
làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre với ý tưởng không để mộ thầy nằm
trong vùng giặc chiếm lúc bấy giờ”.
Đọc đoạn văn liền một câu như trên, nhiều người sẽ lầm tưởng
Phan Thanh Giản (1796-1867) và Nguyễn Thông (1827-1884) cũng là học trò của Võ
Trường Toản (mất năm 1792). Viết ngắn gọn kiểu này quả là rất nguy hiểm.
Theo Lời Giới Thiệu thì Từ điển thành phố Sài
Gòn - Hồ Chí Minh là loại từ điển phổ thông, lấy đối tượng phổ biến là lớp
trẻ, học sinh sinh viên. Chính vì vậy, thiết nghĩ cần có cách viết - dù ngắn gọn
- nhưng phải khúc chiết, đủ nghĩa, tránh sự hiểu nhầm cho người tra cứu thuộc tầng
lớp phổ thông…
Chú thích:
[1] Huỳnh văn Tòng (Lịch sử Báo chí Việt Nam), Nguyễn Ngu Í (Bách
Khoa), Nguyễn Ang Ca (Phổ Thông bán nguyệt san)...
23/3/2020Mai Lĩnh Nguồn: https://www.facebook.com/
Mai Lĩnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét