Chép lên khoảng trời: Thao thức một miền quê
Bốn mươi hai bài thơ trong tập thì có tới hơn ba mươi bài thơ Nguyễn Vũ Quỳnh viết về quê hương miền xa thẳm. Nếu kể cả những bài viết về đồng đội, về Trường Sa, Trường Sơn thì anh gửi cả tấm lòng mình cho quê hương, đất nước, cho đồng đội và những người yêu thương…
Tôi đã đọc thơ của Nguyễn Vũ Quỳnh khá nhiều trên các báo, tạp
chí và trên mạng. Thế nhưng chỉ rải rác đâu đó, đủ để ấn tượng một giọng thơ, một
cái tên đáng nhớ trong làng thơ đông đúc, vui vẻ ở xứ ta. Cho đến khi có tập
thơ “Chép lên khoảng trời” trên tay thì tôi mới đọc Nguyễn Vũ Quỳnh được đầy đủ,
hệ thống và giọng thơ, chất thơ của anh mới thật sự in đậm dấu ấn trong tôi.
Thơ anh là sự rung động đẹp, những suy nghĩ đa cảm, bản lĩnh của một người lính
đã từng đi qua chiến tranh. Đặc biệt, ở tập thơ này đó là những thao thức về một
miền quê, về sự mất mát trong chiến tranh, luôn thường trực hằng đau đáu trong
anh.
Ngay bài thơ đầu tiên được lấy tên cho cả tập – bài “Chép lên
khoảng trời” – chỉ có bốn câu thôi đã nói rõ chủ ý xuyên suốt nội dung của tác
giả. “Ta đưa khát vọng thời đương đại/ Về lại bến quê thăm miền cổ tích/ Chép
lên khoảng trời xanh màu ngọc bích/ Chuyện ngày xưa, đối thoại bây giờ”. Vâng,
ta hãy cùng anh “về lại bến quê” để cùng anh “chép lên khoảng trời” những
câu thơ thao thức “miền cổ tích”, ngập tràn những nhung nhớ yêu
thương.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết: “Quê hương mỗi người chỉ một/
Như là chỉ một mẹ thôi”. Nguyễn Vũ Quỳnh cũng trong tâm trạng ấy. Quê
hương trong anh là “Cánh đồng mẹ tôi”, là “Bên bờ sông quê”, là “Sông Lam ngày
trở về”, là “Quán rượu bờ sông”… để rồi “Quá nửa đời một thời son sắt/ Nóng ngọn
gió Lào bỏng rát ca dao”. Niềm thương nhớ quê ấy thi thoảng lại ập về
trong giấc ngủ, hiển hiện trong cơn mơ. Có tới bốn lần tác giả thảng thốt trong
mơ gọi quê như thế. “Bần thần lạc mất tuổi thơ/ Đêm về tìm lại giấc mơ bắt đền” (Giấc
mơ bắt đền); “Bước chân lội khắp đồng quê/ Đêm nằm mơ cũng mớ về chợ phiên” (Qua
miền ký ức); “Đất chuyển mình rạn nứt cả giấc mơ” (Vô đề); “Đêm mơ trở lại
sông quê/ Trong bâng khuâng một lối về tuổi thơ/ Như người khát gặp rừng mơ/ Chảy
qua năm tháng bến bờ sông ơi” (Bên bờ sông quê).
Quê hương tuổi thơ anh nghèo lắm. Cái thời đạn bom, bao cấp,
tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược ấy, khiến cho cả
nước nơi nào cũng vậy, đều phải căng mình ra chống trọi cùng thiên nhiên, giặc
giã. Hãy xem anh tả cái nghèo thuở ấy.
“Làng tôi thuở ấy quê mùa/ Cánh cò hoang hoải cáy cua cũng gầy/
Hạn khô như vắt cổ chày/ Dòng kênh cạn bụng tháng ngày long đong” (Cánh đồng
mẹ tôi). Ví “hạn khô như vắt cổ chày”, “dòng kênh cạn bụng” thì thật là cao thủ.
Rồi thì “Bếp nhà một góc vại dưa/ Con rô, con diếc đồng trưa chợ làng/ Bầu trời
thiêu cháy cỏ hoang/ Vẫn vang vọng tiếng dô khoan bến Sòng” (Cánh đồng mẹ
tôi). Nghèo đấy, lam lũ tằn tiệm đấy nhưng vẫn yêu đời, vẫn lạc quan ca hát. Và
hình ảnh này thật đẹp: “Cái ngày cây lúa trổ bông/ Lời ru gặt giữa cánh đồng mẹ
tôi”.
Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh
Ai đã sống qua “Cái thời đói rách triền miên/ Cá lòng tong vẫn
lo tiền đủ không?” chắc hẳn sẽ thấu hiểu cái “Nghèo chi rách cả đường
làng/ Cá lẹp, rau má, khoai lang bốn mùa” của Nguyễn Vũ Quỳnh. Tả cái
nghèo “rách cả đường làng” khéo chỉ có Nguyễn Vũ Quỳnh? Đọc thấy ngày xưa
gợn ghê lắm, như te tua, tơ tướp, xác xơ ở ngay trước mặt.
Này đây “Bếp chiều con tép bờ sông/ Chạy qua hành mỡ ngoài đồng
cũng thơm/ Quê thời bếp núc rạ rơm/ Mặn trên lưng mẹ nồi cơm độn đầy”. Ngày
ấy cơm trộn quanh năm, có cái ăn no bụng là tốt rồi. Chỉ trong câu “Chạy qua
hành mỡ ngoài đồng cũng thơm” thôi, cũng đủ thấy cái mùi hành mỡ ngày nghèo khó
thơm tho đến thế nào rồi. Trong bản lý lịch khai vào Đoàn Thanh niên Lao động Hồ
Chí Minh hình như ai cũng có đoạn “thiếu ăn 3, 4 tháng trong năm”. Chả thế mà “Cái
thời bánh chưng, bánh dầy/ Tứa trong nước miếng luống cày đồng xa/ Những ngày
giáp hạt tháng ba/ Củ dong thì sượng, cây cà đang hoa” (Qua miền ký ức).
Hay “Hanh hao sương lạnh gió lùa/ Vàng hoe cả mắt những trưa học về” (Qua
miền ký ức). Cơ khổ. Thèm đến tứa nước miếng. Đói đến vàng cả mắt. Đói thèm đến
thế là cùng. Thì thế bây giờ mới nhớ.
Và đây nữa: “Thân cò chới với bờ kênh/ Tìm con tép vặt buồn
tênh đồng chiều (Bên đoạn sông cong). “Chới với”, “buồn tênh” – những
tính từ Nguyễn Vũ Quỳnh chọn lựa và dùng thật đắc địa. Nghệ thuật câu chữ chính
là chỗ này đây. Không cần nhiều từ, nhiều lời cũng đã bật lên cái gian khổ, cái
buồn rỗng của cái đói nghèo quê hương ngày ấy.
Viết, nhớ về cái đói, cái nghèo của quê hương không phải để
bi lụy mà chính là tác giả nhắc nhớ cho chúng ta đã có một thời như thế. Từ
trong nghèo đói, khổ đau ấy, người ta đã vươn lên, ta đã chiến thắng để có cuộc
sống như ngày hôm nay. Xin ai đó chớ vội quên đi một thời cha anh ta đã anh
dũng kiên cường vượt qua như thế.
Cái nghèo được ghi lại trong miền cổ tích ấy dâng tràn kỷ niệm
mà không bi lụy chút nào bởi ý chí vượt qua đi đến hôm nay. Và đây là những gam
màu sáng tươi, những kỷ niệm đẹp về quê hương của Nguyễn Vũ Quỳnh. “Cánh cò lả
lướt cánh đồng/ Trời như xõa nắng, mây lồng bóng cây/ Trâu đằm như thể ngủ say/
Tiếng con chim sáo hót lay cánh diều”… “Bướm vàng xoay gió bờ ao/ Bông hoa hồng
thắm cứ xao xuyến nhìn”… “Đình làng chín rặng mâm xôi/ Dòng sông vỗ sóng mây
trôi dập dềnh/ Mặt trời đợi dưới dòng kênh/ Chờ tôi về giữa bồng bềnh tuổi
thơ” (Trở về ngày xưa). Khung cảnh thật thanh bình, lãnh mạn. Cánh cò, trời,
mây, cây, trâu, chim, bướm, sông, tôi… với “lả lướt”, “xõa nắng”, “lồng bóng”,
“ngủ say”, “xoay gió”, “vỗ sóng”, “dập dềnh”… thật đa sắc, đa thanh, sinh động
quá chừng. Đặc biệt “Mặt trời đợi dưới dòng kênh/ Chờ tôi về với bồng bềnh tuổi
thơ” thì thật thi vị và lãng mạn. Quê thế mới là quê chứ.
Hình ảnh thật đẹp, chỉ thôn quê mới có đã được tác giả vẽ lên
bằng những câu thơ: “Thương những bắp chân nõn nà con gái/ Vội vàng chao giữa cầu
ao”; “Thơm hương cơm nếp đầu mùa/ Khói lam chiều bảng lảng cổng thềm xưa” (Trả
lại cánh đồng). Đầu hai thứ tóc, sống giữa thị thành mấy chục năm rồi mà
hình ảnh ấy còn lưu giữ, lắng đọng mãi trong lòng tác giả. Phải đau đáu với
làng quê lắm lắm, mới có được những hình ảnh nên thơ như thế.
Nguyễn Vũ Quỳnh “Đã lâu rồi xa bếp lửa làng quê/ Nghe tiếng
gió chợt tim mình bối rối” (Nhớ) để rồi “Quê nhà quả khế/ còn chua/ Rau mồng
tơi với cáy cua/ cá thèn/ Sấu bây giờ chín/ chưa em/ Tự dưng anh thấy khát
thèm/ ngoài quê” (Tản mạn quê nhà). Và đây, hình ảnh thật đẹp nữa lại hiện
ra trong thơ anh: “Cánh cò lửa bay qua miền nắng cháy/ Hoa sim chiều tím ngát cả
đồi xanh” (Thức một vùng quê). “Lửa”, “cháy”, “chiều tím”, “đồi xanh”… vừa
rừng rực vừa man mác, rất dữ dội nhưng cũng rất đằm sâu, lắng đọng.
Như bao trai làng khác, Nguyễn Vũ Quỳnh cũng để lại quê nhà
những mối tình thật thơ mộng lãng mạn. “Ven đường ngày ấy cỏ may/ Còn rơi rớt
gió những ngày/ lặng im/ Gần nơi ấy giữa/ đồi sim/ Là nơi đánh mất, đi tìm/
ngày xưa” (Tìm xưa). Chắc phải kỷ niệm nặng sâu lắm ở nơi ấy mới có những
câu thơ khắc khoải như thế? Cỏ may ven đường găm vào ký ức để những ngày rơi rớt
gió bất chợt nhớ, bất chợt thương cho tác giả cứ mải miết, cứ lặng im đi tìm
“ngày xưa” đã vuột mất? Cả cô thôn nữ kia nữa, chắc cũng chông chênh, khắc khoải
cùng anh? Là nơi đánh mất/ đi tìm/ ngày xưa. Mất cái gì chỉ họ mới hiểu
thôi. Ôi mối tình đầu thôn quê! Sao mà nhớ, sao mà thương đến thế!
Mang mối tình đầu trong tim tha hương, đôi lúc Nguyễn Vũ Quỳnh
vẫn xoáy lên trong tim mình câu hỏi “Tôi về hẹn với ngày mai/ Tìm trong xa thẳm
chờ ai một mình?” (Còn không). Anh đã “Ra đi mang cả một thời/ Tình người,
tình đất và lời quê hương” để khi nghe tiếng “Gió đang mắc kẹt bờ tre/ Trời
xanh nợ một lời thề bão giông/ Còn không quán rượu bờ sông/ Mà sao say giữa
cánh đồng giêng hai” (Còn không). Gió mắc kẹt bờ tre, bờ sông, quán rượu
những cái cớ để tác giả nói về món nợ lớn – nợ lời thề bão giông. Thế nên, dẫu ở
giữa cánh đồng giêng hai, dẫu quán rượu không còn nữa thì Nguyễn Vũ Quỳnh vẫn
say cái say của thuở yêu đầu. Bởi vì “Màu thời gian ngỡ lãng quên/ Ngờ đâu trẻ
lại trong miền xa xăm” (Trong miền xa xăm). Để rồi “Bắt đền nỗi nhớ/ của
nhau/ Dòng sông khát nắng/ tím màu hoàng hôn/ Mấy ai biết được/ dại khôn/ Có ai
hôn nửa/ nụ hôn bao giờ” (Giấc mơ bắt đền). Thì thế. Tôi cũng đã viết: “Nụ
hôn đầu đời vụng dại/ em trao tôi còn ngọt đến bây giờ”. Và hôm nay bắt gặp nụ
hôn của Nguyễn Vũ Quỳnh giữa khôn dại tình đầu cũng không thể nói đó là nửa nụ
hôn được. Đã đành là thế rồi. Vậy thì cứ bắt đền nhau đi, hỡi người xưa yêu dấu!
Đau đáu nhớ quê hương, nặng lòng cùng hoài niệm, thế nên khi
anh trở về quê “Nghe tiếng chim bắt cô trói cột/ Mà sâu lắng bần thần”. Cảnh
cũ, người xưa đã không còn nữa. “Cây thị già cũng bỏ ta đi/ Khi ruộng đồng bê
tông cốt thép/ Nóng khô đốt cháy chân trời/ Tiếng chim như bất ngờ tiếng nấc”. Rồi
“Những con đường thưa mùa rơm rạ/ Khói bếp chiều cũng tắt lịm mái quê/ Cây lá vắng/
Còn chỗ nào chân chim tìm đậu?” (Góc trời quê). Thời buổi công nghiệp hóa,
làng quê cũng cuốn trong cơn lốc chuyển mình như thế. Xô bồ, ngổn ngang, gấp
gáp. Sắt thép, bê tông, lầu cao phố xá thay cho mái rạ mái rơm. Mừng đấy nhưng
cũng trở trăn lắm đấy. Bao kỷ niệm ngày xưa đã phải tìm trong ký ức. Hiện thực
cũ không còn nên càng chông chênh ưu tư hơn. Đúng là đem “Chuyện ngày xưa đối
thoại với bây giờ” trước cuộc hành trình đô thị hóa đến chóng mặt mà ngỡ
ngàng, mà xa xót. Phải chăng “Gió đang mắc kẹt bờ tre/ Trời xanh nợ một lời thề
bão giông”?
Bốn mươi hai bài thơ trong tập thì có tới hơn ba mươi bài thơ
Nguyễn Vũ Quỳnh viết về quê hương miền xa thẳm. Nếu kể cả những bài viết về đồng
đội, về Trường Sa, Trường Sơn thì anh gửi cả tấm lòng mình cho quê hương, đất
nước, cho đồng đội và những người yêu thương. Anh viết: “Đồng đội ơi
chúng ta/ Chẳng đứa nào mà không có tên/ Khi điểm danh đứa nào cũng có/ Lúc ngã
xuống trong bom rơi đạn nổ/ Trên mộ phần tên người có người không” (Đồng đội
ơi). Viết về sự hy sinh mất mát của đồng đội, nỗi đau như thế, mấy ai viết xúc
động đến như vậy. Thơ anh tung tẩy nhiều thể loại. Lục bát nhuyễn, tứ chặt, ý
hay. Có rất nhiều câu găm vào lòng người đọc. Các thể thơ tự do, năm chữ anh sử
dụng thành thạo, biến hóa, chuyển tải được tư tưởng và tình cảm của mình. Anh
không theo hướng cách tân, hậu hiện đại, không cố tình làm xiếc câu chữ, đánh đố
người đọc. Chính vì thế mà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh dân giã, giàu nhạc điệu, chất chứa
tình đời, tình người. Đọc anh thấy hồn quê hiển hiện, lâng lâng trên từng con
chữ. Tuy nhiên, có đôi ba chỗ anh gieo vần lục bát hơi bị gần nhau nên chưa thật
đã lắm. Đó là các bài Ngày ấy (vần “ay”), Qua miền ký ức (vần “a”), Cánh đồng mẹ
tôi (vần “òng, ồng). Giá anh chau chuốt thêm ít nữa thì tuyệt.
Gấp tập thơ lại, tôi vẫn bị ám ảnh, hút hồn với những con chữ
của Nguyễn Vũ Quỳnh. Anh đã dắt đưa tôi về với một miền quê ắp đầy kỷ niệm để
thao thức cùng anh “Chép lên khoảng trời” bốn mươi hai thi phẩm cuộc đời. “Chiều
nay trở lại đường quê/ Bánh xe quen rẽ lối về ngày xưa”. Vâng, tôi đang cùng
anh rẽ lối về ngày xưa đây thi sĩ ạ. Xin chúc mừng anh với thành công của tập
thơ này và tiếp tục mong chờ những tập thơ mới tưng bừng hơn nữa.
3/11/2019
Đỗ Xuân Thu
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét