Tiểu thuyết lịch sử như là sự kiến tạo diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa
Tiểu thuyết lịch sử như là sự kiến tạo diễn ngôn dân tộc chủ
nghĩa
Những sáng tác về đề tài lịch
sử của Phùng Văn Khai đã thể hiện được tư duy triết học lịch sử ấy qua ý hướng
nhận diện, tái hiện và luận giải với các vấn đề đã qua. Mặc dù là cái đã qua, song lịch sử chưa bao giờ là thực thể
khép kín, hoàn tất, xong xuôi. Ở đó luôn tồn tại những khoảng trống, những con
đường dành cho nhận thức và nhận thức lại, diễn giải và diễn giải lại, đối thoại
và đối thoại lại. Lẽ cố nhiên có những điều khả giải và bất khả giải, tất yếu
và ngẫu nhiên, bao hàm cả sự minh triết và bất trắc, sự thật và ngộ nhận. Ở một
khía cạnh khác, tìm về cội nguồn là nhu cầu tự thân của con người ở bất kì thời
đại nào, nhất là khi quá khứ ấy luôn hiện hữu trong cuộc sống hôm nay; hơn thế
nữa, chính con người đang được thụ hưởng giá trị, và rất có thể cũng chịu nhiều
hệ lụy từ những gì đã qua. Và đó cũng là cách xác lập tiếng nói bản địa giữa thời
đại toàn cầu hóa, đa phương hóa sẵn sàng xóa nhòa mọi lằn ranh. Những sáng tác
về đề tài lịch sử của Phùng Văn Khai đã thể hiện được tư duy triết học lịch sử ấy
qua ý hướng nhận diện, tái hiện và luận giải với các vấn đề đã qua. Vẫn là lối
viết chương hồi truyền thống, duy trì mạch cảm hứng đã được xác quyết ngay từ Phùng
Vương và Ngô Vương, tiểu thuyết mới nhất Nam Đế Vạn Xuân đưa
người đọc trở về với quá khứ hào hùng của dân tộc, nơi ý thức tự tôn, tinh thần
tự cường, tự chủ luôn tuôn chảy trong huyết tủy mỗi thực thể Việt. Không những
vậy, qua sự luận giải đa chiều của mình, Phùng Văn Khai góp phần thông diễn và
đối thoại với nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa của tiền nhân, kết nối với tình
hình thực tại của đất nước. Đặt trong bối cảnh hôm nay, khi nhu cầu của văn học
chủ nghĩa ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ, tác phẩm của anh cũng được xem là “chiến
lược diễn ngôn cần thiết đảm bảo cho sự xuất hiện và phổ biến các vùng hiện thực
còn khuất lấp, nhạy cảm, dễ động chạm”(1). Từ những mảnh rời lịch sử đến diễn ngôn dân tộc và thời đại Tạo dựng lại gương mặt lịch sử vốn vô cùng gian nan, nếu
không muốn nói chứa đựng không ít rủi ro và nguy hiểm. Bởi cái gọi là “hiện thực”,
“chân lý” lịch sử chỉ còn là “ý thức”, “tinh thần”, “văn bản”. Là thứ diễn ngôn
“được tạo thành” nên chúng mang đầy tính chủ quan và cả những giới hạn. Tiểu
thuyết gia khi viết về đề tài lịch sử không cố đạt được “chân lý”, truy tìm “tiếng
nói tối hậu” của lịch sử, mà quan trọng là xác lập logic nội tại của đời sống
trong quá khứ, giải minh những điểm mù mờ, khuất lấp, đối thoại với những vấn đề
của tiền nhân, hòng truy tìm lời giải cho những vấn nạn thực tại và dự phóng về
phía tương lai. Và tất cả cần được biểu đạt bằng hệ thống thẩm mỹ, hình thức
nghệ thuật đa dạng, để mỗi sự kiện và nhân vật lịch sử trở thành những sinh thể
nghệ thuật sinh động, sắc nét, hấp dẫn. Có thể thấy, kể từ Phùng Vương, Ngô Vương đến Nam
Đế Vạn Xuân gần đây, Phùng Văn Khai đã mạnh dạn mở cho mình một lối đi
riêng. Anh không chọn cách “đảo nghịch”, “giải thiêng” lịch sử, càng không kiếm
tìm hình thức tự sự độc, lạ, mà tập trung nhiều cho tư tưởng, chủ đề được khởi
sinh từ chính thời đại và nhu cầu của con người hôm nay. Với anh, nhiệm vụ của
người viết sử bằng văn chương, trước hết là hình tượng hóa kí ức, làm sống lại
một thời đại đã qua, khơi mở và tiếp tục khơi mở nhiều vấn đề đặt ra từ quá khứ.
Thật vậy, dõi theo diễn tiến câu chuyện với hệ thống sự kiện và nhân vật lịch sử
được lựa chọn kĩ càng, có chủ ý, tiểu thuyết của Phùng Văn Khai phần nào đã bổ
khuyết những khoảng trống, khoảng trắng, giải minh những vùng mờ, bị che khuất
trong hiểu biết và kinh nghiệm của cộng đồng về quá khứ dân tộc. Lịch sử trong
sự lựa chọn của anh luôn là thứ “lịch sử xa”, có khi từ điểm nút khởi đầu: chấm
dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc, mở đầu cho thời kỳ tự chủ (Ngô Vương); hoàng đế đầu
tiên, quốc hiệu đầu tiên, niên hiệu đầu tiên trong tiến trình lịch sử Việt Nam
(Nam Đế Vạn Xuân). Rõ ràng, ý hướng này không phải hoàn toàn ngẫu nhiên, mà nó
thuộc về tư duy lịch sử của chính nhà văn (điều mà không phải ai sáng tạo về đề
tài lịch sử cũng ý thức và thực hiện được). Người nghệ sĩ muốn xoáy sâu vào lịch
sử, đi tìm những hằng số có tầm phổ quát về dân tộc tính đã và đang định hình
nên tính cách, số phận người Việt từ xa xưa đến hôm nay. Hằng số đó có thể biến
thiên qua mỗi thời đại, mỗi thế hệ, song cái lõi của nó vẫn mãi trường tồn cùng
dân tộc: truyền thống yêu nước thương nòi, tinh thần cố kết cộng đồng, ý thức tự
chủ, tự cường, khát khao hòa bình, phồn vinh. Và đó cũng là cách Phùng Văn Khai
kiến tạo diễn ngôn dân tộc tính trong tác phẩm của mình. Mặc dù theo các nhà sử
học sự hình thành dân tộc Việt chỉ diễn ra vào những thế kỉ XI – VI, song ý thức
độc lập, tự chủ, tự cường đã ăn sâu vào mỗi người dân Việt từ lâu. Chính điều
này “góp phần tạo nên sức sống của dân tộc, cắt nghĩa vì sao một dân tộc nhỏ
như Việt Nam mà đã bao phen chiến thắng hiển hách những kẻ thù xâm lược lớn mạnh,
đã làm thất bại những mưu đồ đồng hóa thâm độc của nước ngoài, đã bảo tồn và
phát huy được nền văn hóa truyền thống của mình”(2). Với Nam Đế Vạn Xuân, tác giả đã mạnh dạn xông pha vào địa
hạt trống, lật giở những trang sử liệu ít ỏi được ghi trong các bộ sử của các
triều đại phong kiến Trung Quốc (Lương thư, Trần thư, Tùy thư, Tư
trị thông giám…) và Việt Nam (Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử
thông giám cương mục); lần tìm từng hạt nhân hợp lý trong các câu chuyện dã sử,
thần tích, gia phả; kết hợp với những chuyến điền dã, thực địa, khảo sát; tận dụng
những thành tựu mới được khám phá, phát hiện của các sử gia, nhà nghiên cứu nhiều
thời kỳ. Chính sự dung hòa hợp lý, tự nhiên giữa chính sử và dã sử, hiểu biết cộng
đồng và kinh nghiệm cá nhân, đặc biệt là khả năng tưởng tượng và hư cấu, Phùng
Văn Khai đã bồi da đắp thịt, làm sống lại một thời kì oai hùng của dân tộc. Nhà
văn đã thể hiện năng lực bao quát không gian rộng lớn trong toàn cõi Giao Châu
và khoảng thời gian trên dưới 30 năm, phục dựng sinh động không khí lịch sử thời
đại. Qua những trang viết chi tiết, sắc nét, tác giả đã phác họa về đời sống
chính trị, xã hội, văn hóa, sinh hoạt, lao động, sản xuất, và quan trọng hơn hết
là tâm lý, tính cách, ý thức của người Việt giai đoạn này. Trên tất cả, chân
dung những con người làm nên thời đại đã được phục hiện chân thực, giàu biểu tượng:
từ các vị chân tu như Đỗ Khuông, Từ Hạo Lương, Phùng Hiến, người anh hùng kiệt
xuất Lý Bí, các tướng tài như Tinh Thiều, Phạm Tu, Triệu Túc, Triệu Quang Phục,
Phùng Thanh Hòa, đến tướng sĩ, binh lính và muôn dân Giao Châu. Và ngay cả chân
dung của vua quan, tướng lĩnh nhà Lương: Lương Vũ Đế, Thứ sử Lý Tắc, Vũ Lâm hầu
Tiêu Tư, Lưu Thạo, Chu Liêm, Thạch Đạt, Mã Phương cũng được thể hiện bằng những
nét chấm phá, đặc tả sinh động. Phùng Văn Khai đã dày công tổ chức sử liệu thành chuỗi các sự
kiện nghệ thuật logic, hấp dẫn. Tác giả đã men theo cuộc đời và sự nghiệp của
Lý Bí từ khi là một cậu bé mồ côi cha mẹ được Từ sư phụ đưa vào chùa Cổ Pháp
nuôi dưỡng, dạy dỗ cho đến lúc lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành độc lập dân tộc,
trở thành vị vua sáng nghiệp của người phương Nam. Tác giả đã dành bảy hồi đầu
tiên với phân nửa dung lượng tác phẩm để miêu tả hành trình trưởng thành và những
trải nghiệm thực tế của Lý Bí dưới sự dìu dắt, hướng đạo của Từ sư phụ. Đây là
bước chuẩn bị vô cùng quan trọng làm tiền đề cho sự nghiệp vĩ đại về sau của
người anh hùng đất Cổ Pháp. Tám hồi còn lại, tác giả tập trung cho ba sự kiện
chính: đánh bại đội quân hùng hậu, hiếu chiến, khát máu do Thứ sử Giao Châu Vũ
Lâm hầu Tiêu Tư thống soái, truy bức tất cả quan quân phải trở về phương Bắc;
chiến thắng mưu đồ thâm hiểm, tàn bạo của Lương Vũ Đế hòng thủ tiêu thành tựu
cuộc khởi nghĩa, xóa bỏ nhà nước tự chủ non trẻ của người phương Nam; phá tan
giặc Lâm Ấp thừa nước đục thả câu xâm phạm Giao Châu. Ba chiến tích “chưa từng
có” ghi dấu ý chí, tài năng và sức mạnh của Lý Nam Đế và muôn dân Giao Châu, đồng
thời là lời khẳng định tuyệt đối quyền độc lập tự chủ cùng thông điệp đất và
người nơi đây kiên cường, quả cảm, không bao giờ khuất phục trước bất kì thế lực
và kẻ thù nào. Không chỉ tái hiện lịch sử giai đoạn Tiền Lý Nam Đế thế kỷ
VI, nhằm kiến tạo diễn ngôn dân tộc, Phùng Văn Khai còn hướng cái nhìn xuyên suốt
về lịch sử dân tộc – lịch sử của sự đối kháng, đấu tranh với thế lực xâm lược
phương Bắc. Trong diễn ngôn ấy, tác giả khẳng định tinh thần dân tộc ngầm ẩn
trong mỗi con dân Việt: “đã là người phương Nam, từ trong huyết tủy thảy đều muốn
giành lại ngôi nước của mình, theo các vua Hùng nối nền quốc thống, thờ cúng tổ
tiên, tiếp nối phong tục tự hùng cường”(3). Ý thức ấy luôn thường trực, trở
thành niềm căm phẫm, trực chờ bùng nổ: “dân ta không thể mãi trốn chạy vào rừng
khi đám quan lại đến bách hại như thế được. Người Giao Châu càng không thể mãi
làm tôi tớ trâu ngựa cho người phương Bắc”(4). Trong suốt tác phẩm, nhà văn
luôn đặt trong sự so sánh ngầm về đường lối cai trị để lộ rõ con đường vương đạo,
chính nghĩa của người phương Nam và con đường bá đạo, phi nghĩa của người
phương Bắc: “phương Nam từ thời Âu Lạc hưởng thái bình thịnh trị mấy trăm năm
khi nào cũng có vua sáng tôi hiền, lễ giáo tập tục, quy củ dân chúng đều sáng sủa.
Còn như các vị Tần Thủy Hoàng Đế, Hán Vũ Đế, Tần Vũ Đế dẫu văn võ toàn tài, uy
lực bốn bề cũng đều là dựa trên núi xương biển máu của dân chúng trong thiên hạ”(5). Không những vậy, để thể hiện tư tưởng cốt lõi tinh thần dân tộc
chủ nghĩa, các diễn ngôn lịch sử trong Nam Đế Vạn Xuân luôn hướng đến
đề cao dân tộc, phê phán kẻ thù. Từ ngoại hình, khí phách, người Giao Châu mang
vẻ đẹp rạng rỡ, uy dũng: Lý Bí “dung mạo khác thường, tay dài mặt lớn, mũi rộng
tai vuông rất có khí độ của bậc anh hùng”, “phong thái của đấng quân chủ một nước,
đôi mắt của bậc hiền minh có thần quang rực rỡ”; Lý Thiện “thần thái uy phong của
một thanh niên cao lớn đường bệ”; trang chủ Phạm Tu là “người hào hiệp, đức độ”,
“vốn dòng dõi danh gia vọng tộc, từng nhiều đời làm tướng từ thời Hùng Vương dựng
nước”; tù trưởng Triệu Túc là “người có khí độ của một bậc quân tử”. Còn phía
bên quan quân phương Bắc, từ ngoại hình, tâm địa xấu xa: “mặt mũi kẻ thì dữ tợn
người ra vẻ kín đáo khó lường”; đến hành động bất nhân, bất nghĩa: Vũ Lâm hầu
Tiêu Tư “không ngày nào không giở giói những việc hà khắc bạo ngược”; các tướng
thân cận, Thạch Đạt “ngang nhiên cho đặt các trạm thu thuế trên sông rất ngang
ngược”, Mã Phương “thẳng tay xuống lệnh cho các quan huyện, tù trưởng, hương
trưởng cứ đến kì hạn phải nộp đủ trâu ngựa, thóc gạo, nếu không nộp sẽ cho binh
tướng đốt phá, giết chóc rất thảm khốc”(6). Đỉnh điểm của sự “đa nghi hiếu
sát”, tàn bạo vô luân của chúng là giết hại bảy mươi ba vị hương trưởng, truy
cùng giết tận người Giao Châu làm việc dưới trướng ngay chân Phật tổ ở cổ tự
Luy Lâu đêm rằm tháng Giêng. Đặt song song hai tuyến nhân vật đối kháng, Phùng
Văn Khai không chỉ thể hiện sự tương quan lực lượng, mà còn nhằm khẳng định phẩm
chất tốt đẹp, ưu tú của người phương Nam; đồng thời lột tả bản chất khát máu,
hiếu chiến, tham vọng bành trướng, bá chủ của người phương Bắc: “mới hay thời
nào cũng vậy, bọn người phương Bắc trước sau chỉ lăm le đàn áp người Giao Châu
ta, biến đất đai ta thành quận huyện của chúng”(7). Diễn ngôn định vị văn hóa “ngoại biên” như là ý thức phá vỡ sự
thống trị của “trung tâm” Song hành với mạch truyện về cuộc đời và huân nghiệp của Lý
Bí – Lý Nam Đế là những diễn giải và đối thoại về Phật giáo của Phùng Văn Khai.
Tác giả đã mở rộng các vấn đề trọng đại trong lịch sử dân tộc khi nối kết vai
trò của Phật giáo trong đời sống tinh thần người Việt. Phật giáo trong sự luận
giải của nhà văn như là thứ văn hóa kiến thiết đời sống tinh thần người Việt cổ
xưa – đời sống chính trị, xã hội, đời sống văn hóa, tâm linh. Những miêu tả về
lịch sử, giáo lý, và đặc biệt là sự ảnh hưởng lớn lao của đạo Phật luôn bàng bạc
trong từng trang viết của Phùng Văn Khai trong Nam Đế Vạn Xuân. Trong tư
duy lịch sử của anh, cuộc chiến giành độc lập dân tộc không chỉ diễn ra trên
chiến trận, mà muốn duy trì bền vững chiến thắng ấy, từng dân tộc phải định
hình rõ nét và sâu sắc nền tảng văn hóa, thứ “quyền lực mềm”, “chất xúc tác”,
“mạch nguồn bất tận” làm nên sự đối kháng, ý thức tự vệ trước sự xâm lấn văn
hóa ngoại lai. Không phải vô cớ, các triều đại phong kiến Trung Quốc, sau
khi bình định phương Nam về mặt quân sự, chính trị, ngoại giao, luôn tìm mọi
cách đồng hóa người bản địa. Bởi chỉ bằng cách ấy mới hòng thủ tiêu ý chí, tinh
thần, xóa bỏ những nguy cơ ẩn tàng của sự kháng cự và lật đổ. Và lẽ cố nhiên,
những thành tố thuộc về lịch sử, văn hóa nơi các triều đại phong kiến Trung Quốc
trị nhậm luôn bị phớt lờ, “đánh vắng”, không được ghi chép trong các bộ sử:
“người Tàu lúc ấy (thời Bắc thuộc – NVH chú) vẫn cho nước ta là một xứ biên địa
dã man, thường không ai lưu tâm đến, cho nên những chuyện chép ở trong sử, cũng
sơ lược lắm, mà đại để cũng chỉ ghi chép những chuyện cai trị, chuyện giặc giã,
chứ các công việc khác thì không nói đến”(8). Nhận thấy sự thiếu khuyết này,
Phùng Văn Khai đã nỗ lực phục dựng văn hóa Phật giáo như là nền tảng tinh thần
của người phương Nam (khu vực ngoại biên) kháng cự lại văn hóa phương Bắc (khu
vực trung tâm). Khi nhìn về quá khứ, người Việt có quyền tự hào về những chiến
tích phi thường giành quyền độc lập, tự chủ; và đặc biệt về một dân tộc có nền
văn hóa riêng, có phong tục, tập quán, tín ngưỡng đặc sắc. Lịch sử không đơn
thuần là sự đối kháng quân sự, mà sâu sắc hơn là sự xác lập ý thức hệ, nền tảng
văn hóa tinh thần của tộc người. Nhận diện được điều này mới thấy rõ ý đồ tư tưởng
của Phùng Văn Khai được thi triển trong tiểu thuyết của mình. Tác giả đã dày
công tìm hiểu lịch sử và văn hóa Phật giáo, đặt định song hành với sự nghiệp đấu
tranh giành độc lập dân tộc của Lý Nam Đế, hình thành nên diễn ngôn định vị văn
hóa bản địa. Trong sự diễn giải của Phùng Văn Khai, Phật giáo đã hiện hữu
trong đời sống tinh thần cõi Giao Châu từ những năm đầu thời kì Bắc thuộc. Phật
giáo không phải theo chân đoàn quân xâm lược, bành trướng từ phương Bắc, mà được
truyền trực tiếp từ các tăng lữ, thương gia Ấn Độ – cái nôi của Phật giáo. Thậm
chí, ở cõi Giao Châu đã hình thành một trung tâm Phật giáo nơi cổ trấn Luy Lâu,
phát triển vượt hơn hẳn Phật giáo phương Bắc(9). Điều này đã đối thoại với tư
tưởng văn hóa trung tâm trong diễn ngôn thống trị văn hóa của người phương Bắc.
Họ luôn tự hào, dân tộc phương Bắc là trung tâm của trời đất, tinh hoa của loài
người, còn xung quanh chỉ là biên địa, mọi rợ, di địch. Song với sự luận giải của
Phùng Văn Khai, văn hóa Phật giáo người Việt khởi nguồn từ Ấn Độ, quê hương Phật
giáo, dòng thiền của người phương Nam trong mang những nét đặc trưng riêng, hợp
với văn hóa, dân tộc tính bản địa, thậm chí còn ưu tú, phát triển hơn Phật giáo
của phương Bắc: “Dòng thiền Luy Lâu vừa có bề ngoài trang nghiêm quy củ theo tổ
chế của Phật tổ vừa có sự mềm mại ôn hòa nhập thế theo bản tính của người Giao
Châu”(10). Từ trung tâm, thiền phái Luy Lâu tỏa đi khắp hang cùng ngõ hẻm, hòa
nhịp tự nhiên vào công cuộc mưu sinh và đời sống tinh thần, tạo nên nề nếp quy
củ, ăn sâu bén rễ trong toàn cõi Giao Châu(11). Không chỉ thông thạo đạo pháp
kinh Phật, giỏi võ nghệ, y thuật, các vị chân tu, chư tăng đệ tử còn thuần thục
lục nghệ, mọi việc thổ mộc, nông tang, dựng nhà cất nóc. Hình ảnh Từ sư phụ giữa
trời giá rét xắn quần xuống cày ruộng với dân chúng, tự mình gặt lúa, tự tay đẽo
rui đục cột giúp người dân cất nhà; Đỗ sư phụ tham gia vào sới vật, Phùng sư phụ
phóng khoáng bên chiếu rượu; hay sau này, hình ảnh Lý Thiên Bảo cởi bỏ cà sa
thiền trượng, cầm lấy đao thương lên yên ngựa, xuống chiến thuyền quyết đánh đuổi
giặc phương Bắc; Lý Bí sau khi đánh đuổi quan quân Lương triều đã tự xuống tóc,
mặc áo cà sa cùng với các vị cao tăng đi quanh đàn tràng đọc kinh siêu độ cho
những người chết bị chết oan trong cuộc chiến… là những minh chứng rõ nét cho sự
huyền diệu nơi đạo Phật khi đạo và đời cân bằng, trong đạo có đời, trong đời có
đạo. Với người nhà Phật, quan niệm về đạo đức Phật giáo cũng thuận theo lẽ tự
nhiên, “tùy duyên”: “Sư phụ vẫn dạy việc đạo lấy hành thiện làm đầu, tuyệt đối
tránh binh đao thoán đạt, song mối nhục mất nước đâu chỉ can hệ riêng đến đạo
Phật chúng ta? Việc giành lại ngôn nước là việc lớn mà chúng ta không thể đứng
ngoài”(12). Rõ ràng, sự nhiệm màu của đạo đã đồng hành với đời sống dân chúng từ
những sinh hoạt đời thường đến những biến cố lớn lao của dân tộc. Và ở chiều
ngược lại, chính đời sống muôn dân trăm họ đã góp phần xiển dương, lan tỏa,
phát triển đạo Phật: “Ai là người xây đình đền chùa miếu? Ai là người cấy lúa
trồng cây hương hỏa cửa chùa hàng trăm năm nay? Đó đều là chúng dân trong một
nước”(13). Lúc bấy giờ, trong miêu tả của Phùng Văn Khai, chốn thiền môn
trở thành môi trường tu tâm dưỡng tính, rèn luyện lục nghệ, nơi bảo lưu các giềng
mối phong tục tổ tiên, được người dân Giao Châu tin tưởng gửi gắm con em mình
vào. Rất nhiều người đã trưởng thành từ đây, quay về cuộc sống đời thường, lấy
đạo lý nhà Phật làm chuẩn mực đối nhân xử thế, đem lục nghệ áp dụng cuộc sống
mưu sinh. Và quan trọng hơn cả, các vị chân tu như Đỗ Khuông, Từ Học Lương, Lý
Pháp, Phùng Hiến, Phạm Biền, Cù Hải đã khơi dậy, nuôi dưỡng tinh thần tự tôn, ý
chí tự chủ, khát khao độc lập trong mỗi con dân Giao Châu. Họ luôn đau đáu,
trăn trở về sự nghiệp nhất thống, truyền thống Rồng Tiên, và mong mỏi kiếm tìm,
bồi dưỡng người tài đức khôi phục nền quốc thống. Hình tượng người “lữ hành độc
bộ” giữa núi rừng mịt mùng, sương khói ảm đạm, cảnh vật thê lương ngay chương đầu
tiểu thuyết mang biểu tượng sâu sắc như người hướng đạo, mở đường dẫn lối, mang
giáo lý phổ độ chúng sinh từ hàng trăm năm trên mảnh đất Giao Châu. Để rồi sau
này, từ ngôi cổ tự, trên chính con đường đó, Từ sư phụ đã khuyến khích người đệ
tử ưu tú Tinh Thiều “ra biển lớn” hành pháp, tu tập, tìm hiểu hình sông thế
núi, lắng nghe động tĩnh dân gian trên cõi; học thi thư, thuật pháp, nghiên cứu
quân chế, binh giáp, quan sát nguồn gốc trị nhậm, giềng mối ngay gian trên
chính kinh đô Kiến Khang; để khi có cơ hội phục vụ cho sự nghiệp lớn của dân tộc.
Đặc biệt, chính Từ sư phụ trên hành trình của mình đã mang theo một người đồng
hành vĩ đại – Lý Bí, nhằm hiện thực hóa ý chí và khát vọng muôn đời bất diệt của
người phương Nam. Nhờ những trải nghiệm thực tế, Lý Bí đã không những mở rộng
kiến văn, kết giao người cùng ý chí, mà quan trọng là học hỏi thuật trị nước, ý
chí và đạo đức quân vương, dần định hình con đường vương đạo – con đường và
hành trình gắn bó mật thiết với sự ấm no, thái bình, hạnh phúc muôn dân. Hai cuộc
hành trình của hai con người xuất thân từ chốn thiền môn dưới sự hướng đạo, dìu
dắt của Từ sư phụ, sau này trở thành linh hồn trong cuộc chiến đánh đuổi ngoại
xâm, xây dựng nhà nước đầu tiên của người phương Nam – Vạn Xuân. Xuyên suốt trong Nam Đế Vạn Xuân, Phùng Văn Khai đã tổ
chức nhiều cuộc đối thoại tư tưởng, văn hóa, đạo đức: cuộc đối thoại giữa Từ sư
phụ và các đệ tử, Từ sư phụ và Đỗ sư phụ; Phạm Tu và Triệu Túc với Thạch Đạt
trên chiến thuyền Đầm Sương Mù; đặc biệt giữa Tinh Thiều, đệ tử chùa Cổ Pháp
trên đường Bắc tiến, và Thứ sử Lý Tắc thất bại trong công cuộc trấn nhận Giao
Châu trên đường trở về. Từ điểm nhìn Tinh Thiều, chàng trai trẻ đã lột trần bản
chất đường lối trị nhậm của các triều đại phong kiến phương Bắc đối với người
phương Nam khi dựa vào núi xương biển máu của dân chúng; đồng thời khẳng định
rõ ràng về truyền thống yêu nước, ý chí tự cường, đạo lý dân tộc, bản sắc văn
hóa của người phương Nam trong thế đối kháng với người phương Bắc: “Người
phương Nam vẫn là phương Nam, từ ăn ở thờ cúng đến mọi tập tục trong chốn dân
gian đều phân rõ rành rành với phương Bắc. Ngay như chùa chiền đền miều cũng mỗi
nơi mỗi khác, tuyệt không thể gộp phương Nam vào với phương Bắc được đâu”(14).
Những biện giải của Tinh Thiều khiến Thứ sử Lý Tắc với kinh nghiệm quan trường
phải giật mình ngạc nhiên, ngã mũ thán phục, và thầm chấp nhận cho sự thất bại
của cá nhân ông lẫn vương triều ông đang phục vụ. Qua các cuộc đối thoại tư tưởng
được đan cài trong tác phẩm, Phùng Văn Khai đã ngợi ca cốt cách, tâm hồn, ý chí
của muôn dân Giao Châu; uy danh, lòng nhân và tính chính nghĩa của cuộc khởi
nghĩa giành độc lập dân tộc. Tất cả truyền đi thông điệp về một dân tộc có
cương vực, phong hóa riêng, có truyền thống yêu nước thương nòi, không bao giờ
khuất phục trước bất kì thế lực và sức mạnh bạo tàn, phi nghĩa nào. Và trên thực
tế, lịch sử đã ghi nhận, khi lên giữ ngôi nước, xưng là Nam Việt Đế, đặt tên nước
là Vạn Xuân, định niên hiệu Thiên Đức, cùng với việc sắp đặt triều chính, Lý
Nam Đế đã có ý thức xây dựng quốc tự của Vạn Xuân: “việc đầu tiên cũng là việc
lâu dài sau này vừa phải có nền quốc thống vừa phải có pháp độ phật môn để muôn
dân hướng về điều thiện”(15). Đặt quốc tự Chùa Khai Quốc – “chùa mở nước”, ngay
cái tên cũng đã hàm chứa nhiều ý nghĩa lớn lao thể hiện tầm nhìn và tư tưởng vĩ
đại của Lý Nam Đế, và cũng là sự khẳng định vai trò thiêng liêng, lớn lao của
Phật giáo với dân tộc, muôn dân. Diễn ngôn giải minh lịch sử hay nỗ lực đời thường hóa huyền
thoại Tiến trình lịch sử 1000 năm Bắc thuộc chứa đựng trong nó biết
bao bí ẩn, khuất lấp cần được sáng tỏ, song sử liệu lại vô cùng ít ỏi, dẫn tới
những nhận thức mù mờ, thậm chí những đánh giá sai lầm, phiến diện. Đó là thách
thức không dễ vượt qua với tiểu thuyết gia viết về đề tài lịch sử như Phùng Văn
Khai. Điều này lý giải tại sao, trong thành tựu nổi bật của văn học sáng tạo về
lịch sử sau Đổi mới (1986) dường như vắng bóng những tác phẩm viết về thời kỳ
này. Hiểu được điều này mới thấy hết tài năng, bản lĩnh, tâm huyết và sự dấn
thân của nhà văn họ Phùng. Cùng với Phùng Hưng và Ngô Vương, Nam
Đế Vạn Xuân như một sự tưởng thưởng xứng đáng cho người nghệ sĩ chân chính
luôn ý thức được sứ mệnh cao cả của mình trước những di chỉ kí ức. Lật giở những trang sử trong suốt 1000 năm Bắc thuộc khi bắt
tay viết Nam Đế Vạn Xuân, Phùng Văn Khai không khỏi phải trăn trở, ưu tư,
hoài nghi: “Tại sao một vị hoàng đế sáng nghiệp Đại Việt ngay từ thế kỷ VI như
Lý Nam Đế mà sau này các sử gia lại biên chép khá sơ sài trong khi Lương sử, Trần
sử, Tùy sử… đều nhiều lần nhắc đến ông? Sự nghiệp đánh giặc cứu nước giành
độc lập dân tộc của Lý Nam Đế cùng các vị tướng tài như Phạm Tu, Triệu Túc,
Tinh Thiều, Triệu Quang Phục, Phùng Thanh Hòa… được nhân dân tôn thờ cùng hàng
loạt các tù trưởng, huyện lệnh, hương trưởng người Giao Châu theo Lý Bí khởi
nghĩa khi ấy được sách sử biên chép quá sơ khoáng khiến người đời sau ít có tư
liệu để noi gương sáng các bậc tiền nhân lập quốc”(16). Trên thực tế, đa phần những dấu mốc lịch sử được ghi
trong Đại Việt sử ký toàn thư đều nương theo các bộ sử của triều đại
phong kiến Trung Quốc: Lương thư, Trần thư, Tùy thư, Tư trị
thông giám… Mặc dù, quan điểm lịch sử có thể đổi khác ở thời điểm các sử gia Việt
tu chỉnh, biên chép, song chừng ấy sự kiện là chưa xứng tầm với huân công đại
nghiệp của tiền nhân. Đó là chưa kể, những mảnh sử rời được tạo tác từ diễn
ngôn thống trị của phương Bắc không phải khi nào cũng khả tín, khả kiểm, khả dụng.
Diễn ngôn trong các bộ sử Trung Quốc đã làm méo mó nhiều sự kiện và nhân vật lịch
sử của người phương Nam. Họ coi hành động đánh giặc cứu nước, giành độc lập dân
tộc của Lý Bí là “liên kết hào kiệt vài châu, đồng thời làm phản” (Trần
thư). Các sự kiện, nhân vật chính yếu của thời đại ghi chép ít ỏi, tản mác là vậy,
thì thật khó để có thể tìm thấy những chi tiết liên quan đến thổ nhưỡng, địa
lí, văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người phương Nam thời kì Bắc
thuộc trong các bộ sử phương Bắc. Bởi họ chưa bao giờ chấp nhận Giao Châu là một
quốc gia độc lập, có văn hóa riêng, mà chỉ như một quận huyện, một tộc người
man di, lạc hậu đang cần được giáo hóa, khai minh. Khi đặt bút viết Nam Đế
Vạn Xuân ắt hẳn Phùng Văn Khai không chỉ khôi phục và trả lại vị thế của
cuộc khởi nghĩa do Lý Nam Đế lãnh đạo trong thế kỉ VI; mà còn đối thoại lại với
quan điểm và cái nhìn của người phương Bắc về thời kì này. Trung tâm luận giải và đối thoại lịch sử trong Nam Đế Vạn
Xuân là cuộc đời, sự nghiệp của Lý Nam Đế và vai trò của Phật giáo thể hiện
qua sư phụ Từ Học Lương. Với Lý Bí, ngòi bút của Phùng Văn Khai đã tái dựng
chân thực, chi tiết hình ảnh vị vua đầu tiên của dân tộc từ khi còn là một cậu
bé 5 tuổi. Ngay từ nhỏ, Lý Bí đã chịu số phận hẩm hiu, mồ côi cha mẹ, sống với
chú ruột và sau được Từ sư phụ đưa vào chùa nuôi dưỡng. Ở cậu bé này đã sớm bộc
lộ những thiên tư, phẩm chất hơn người qua hình dáng, ánh mắt, tính khí, cốt
cách. Phùng Văn Khai đã khai thác một cách tiết chế những chi tiết kì lạ, huyễn
hoặc về Lý Bí như hình ảnh phủ phục và giọt nước mắt của ông hổ vàng bên cạnh cậu
bé đang hứng chịu nỗi đau mất mẹ; nốt ruồi son giữa lưng và dưới lòng bàn chân.
Rõ ràng lớp sương huyền tích mờ ảo được khoác lên người anh hùng càng tô thêm
chất linh thiêng, thiên mệnh, thể hiện sự ngưỡng vọng, chiêm bái của dân gian.
Song Phùng Văn Khai đã không quá lệ thuộc vào những chi tiết tương tự như vậy,
ngay cả sự ra đời kì lạ của Lý Bí được lưu truyền trong các câu chuyện thần
tích cũng không được đưa vào. Đây là một dụng ý tư tưởng sâu sắc của tác giả.
Trong sự luận giải nhiều chiều của nhà văn, ý chí, tài năng của Lý Bí không mặc
nhiên tồn tại như một thiên mệnh trời ban, mà đó là cả một quá trình học hỏi,
tu tập, trải nghiệm. Không phải ngẫu nhiên khi Phùng Văn Khai nhắc lại nhiều lần
về gia tộc Lý và vùng đất Cổ Pháp. Chính truyền thống gia tộc luôn lấy chữ nhân
chữ đức làm đầu, kính Phật yêu dân, thấu hiểu đạo lý ở đời, chân thành đoàn kết,
sẻ chia, khiêm nhường đã ăn vào máu thịt của Lý Bí. Không những vậy, Cổ Pháp,
quê hương của Lý Bí là vùng đất nề nếp quy củ, giàu bản sắc văn hóa, phong tục,
tập quán, nơi mọi người sống chan hòa, yêu thương, đùm bọc. Tất cả đã tạo nên bầu
sinh quyển văn hóa, tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn, tính cách của Lý Bí. Đặc biệt,
từ lúc 7 tuổi, ông đã được Từ sư phụ, một vị chân tu đức cao vọng trọng đưa vào
chùa làm đệ tử, nuôi dưỡng, giáo dục. Chính tinh thần, cốt cách, đạo đức của Từ
sư phụ đã ảnh hưởng đến tâm tính, ý chí, khát vọng của Lý Bí. Những bài học từ
mỗi chuyến đi đến các vùng đất trên toàn cõi Giao Châu được Từ sư phụ khéo léo
truyền dạy cho người đệ tử của mình. Lý Bí không chỉ thích thú chiêm ngưỡng thế
núi hình sông nối liền một dải Giao Châu; trải nghiệm những phong tục, tập quán
độc đáo qua mỗi vùng miền; tận mắt chứng kiến sự lam lũ, vất vả, nỗi tủi nhục của
người dân mất nước dưới sự đàn áp, trị nhậm tàn bạo của quan quân phương Bắc;
mà còn có cơ hội kết nối, thấu hiểu lòng người muôn nơi để tính kế lâu dài. Cái
nhìn viễn kiến đầy thực tế của vị sư phụ vừa mở rộng thế giới quan, bồi đắp
nhân sinh quan vừa gieo vào lòng người đệ tử của mình bao hoài bão lớn cùng dân
tộc. Chính những bài học và sự trải nghiệm xương máu ấy là hành trang trưởng
thành để khi nhận chức Giám quân, Lý Bí càng ý thức sâu sắc hơn sứ mệnh của
mình. Sau này khi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại quan quân triều đình
phương Bắc, Lý Bí đã tỏ lộ đầy đủ phẩm chất của một vị anh hùng, một lãnh tụ
tài năng, đức độ, là trung tâm điểm cố kết ý chí và sức mạnh toàn dân tộc vào sự
nghiệp lớn lao. Chiến thắng cùng thành quả ra đời của nhà nước Vạn Xuân như một
điều tất yếu. Có thể thấy, công trạng và sự nghiệp của người anh hùng dân tộc
được Phùng Văn Khai luận giải thuyết phục, sâu sắc. Từ Ngô Quyền, Phùng Hưng và
nay là Lý Bí, nhà văn đã cho thấy thành quả sự nghiệp của vĩ nhân không phải là
điều ngẫu nhiên, thiên mệnh, càng không chỉ riêng nỗ lực cá nhân, mà là sự cộng
hưởng nhiều nhân tố: dân tộc, quê hương, gia tộc, đạo lý, văn hóa được tích tụ
từ ngàn đời. Đặc biệt không thể không nhắc đến vai trò của quần chúng muôn dân
trăm họ trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Những luận giải về Lý
Nam Đế đã xóa đi lớp màn huyền ảo của dã sử, kéo nhân vật về với kích cỡ của một
con người đời thường. Nếu sử gia tập trung nhiều cho các sự kiện và công trạng,
thì tiểu thuyết gia lại lựa chọn tái hiện hành trình trải nghiệm và trưởng
thành của một “con người được cuộc đời dạy dỗ”. Đó là cách Phùng Văn Khai biến
các nhân vật lịch sử thành các hình tượng nghệ thuật vừa quen thuộc vừa mới lạ,
vừa cụ thể vừa giàu sức biểu tượng. Phật giáo không chỉ định hình cốt cách Phật tính mỗi người,
mà còn góp phần vào sự nghiệp kiến thiết lớn lao của dân tộc. Cùng với việc khẳng
định đó, Phùng Văn Khai đã mở rộng luận giải và đối thoại về sự ảnh hưởng của
Phật giáo với đường lối trị nhậm của người lãnh đạo qua câu chuyện về Sĩ Vương,
một mẫu hình người cai trị anh minh được người dân ngưỡng vọng(17). Khi Sĩ Nhiếp
trấn nhậm, ông không chỉ tôn tạo thành trì, xây dựng phố xá, đền đài lăng tẩm,
dạy chữ mà còn xiển dương giáo lý nhà Phật, khuyến khích các chư tăng phật nhập
thế phổ độ chúng sinh, mở ra một thời kì ổn định, hưng thịnh ở Giao Châu. Phùng
Văn Khai đã mạnh dạn khẳng định, những thành tựu trong đường lối trị nhậm của
Sĩ Nhiếp có một phần đóng góp quan trọng của Phật giáo phương Nam: “Mọi việc đại
sự trong cõi Giao Châu, ngày trước Sĩ Vương nhất nhất đều thỉnh giáo với các bậc
cao tăng trụ trì nơi cổ tự Luy Lâu”(18). Tài năng, đức độ và công trạng của Sĩ
Nhiếp đã được khẳng định trong tiến trình lịch sử Việt, song ở một góc nhìn
khác, Phùng Văn Khai đã cho thấy, chính văn hóa, đạo lý của dân tộc Việt cổ xưa
đã ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí “giáo hóa ngược” Sĩ Vương, làm nên sự nghiệp
vinh hiển của vị quan vốn xuất thân từ phương Bắc: “Đạo lý người phương Nam ăn
cây nào rào cây đó, ở bầu thì tròn ở ống thì dài, đạo dân là đạo trời, phật
pháp theo với muôn dân đã tự giáo hóa mà thành Sĩ Vương chăng?”(19).
Qua câu chuyện của Sĩ Vương đời trước, và công nghiệp rạng rỡ, vĩ đại của Lý
Nam Đế lúc bấy giờ, tác giả đã suy tư về con đường vương đạo lấy dân làm gốc,
biết yêu thương và chăm lo cho dân của người lãnh đạo: “không biết gây dựng điều
tín nghĩa, lấy giáo hóa vỗ về dân chúng làm giềng mối, một vương triều hùng mạnh
đến mấy rồi cũng đổ gãy mà thôi” (20). Đó là một cái nhìn lịch sử đầy biện chứng
và hiện đại của Phùng Văn Khai. Kết luận Công việc của người viết sử bằng văn chương là làm sống lại lịch
sử, biến những sự kiện lịch sử vốn mang tính chất khô khan trong sử sách thành
những câu chuyện lịch sử sống động, và khơi mở, luận giải, đối thoại với những
vấn đề được đặt ra từ lịch sử, qua đó truyền cảm hứng và tình yêu dân tộc đối với
độc giả. 15 hồi với ngót nghét 500 trang, Nam Đế Vạn Xuân thực sự là
một trường thiên tiểu thuyết đồ sộ. Phùng Văn Khai đã dẫn dắt người đọc theo bước
chân hành trình của Lý Bí – Lý Nam Đế nhằm hiện thực hóa ý chí và sức mạnh của
muôn dân Giao Châu. Đọc tiểu thuyết của anh, độc giả như được sống lại một thời
kỳ oanh liệt của lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông. Dẫu
câu chuyện đã qua từ rất lâu, song những bài học mà nó mang lại chưa bao giờ là
cũ. Bài học về truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, về tinh thần tự chủ, tự
cường, tự lực, về ý chí, khát vọng thái bình, hạnh phúc, về sức mạnh của sự
đoàn kết muôn dân, về tài năng, đức độ, tầm nhìn của người lãnh đạo, về bản sắc
văn hóa, phong tục tập quán… vẫn luôn đồng hành với nhiều thế hệ dù ở bất kì thời
đại và sự chuyển vần nào. Nam Đế Vạn Xuân xứng đáng là bản anh hùng
ca dưới dạng một diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa, ngợi ca về ý chí, sức mạnh và văn
hóa Việt trong tiến trình lịch sử. Phùng Văn Khai và tiểu thuyết của anh xứng
đáng có một vị trí trong tiến trình vận động, đổi mới thể loại với nỗ lực phục
hiện/hưng lối viết truyền thống bằng cảm thức lịch sử sâu sắc và lối kể chuyện
hấp dẫn. Chú thích: (1) Xem thêm Đoàn Ánh Dương (2020), “Nhu cầu của văn học dân
tộc chủ nghĩa” trên http://tapchisonghuong.com.vn (2) Về mốc thời gian hình thành dân tộc, hiện có nhiều ý kiến
trái chiều bởi sự khác nhau về hệ tiêu chí được các sử gia đưa ra. Ở đây chúng
tôi dựa vào quan điểm của GS. Phan Huy Lê. Xem thêm các bài viết “Sự hình thành
dân tộc, một phạm trù lịch sử trong thời gian và không gian”, “Cuộc thảo luận về
vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam”, “Quá trình hình thành và phát triển của
dân tộc Việt Nam” in trong Phan Huy Lê (2011), Tìm về cội nguồn, Nxb. Thế
giới, Hà Nội, tr.362 (3) Phùng Văn Khai (2020), Nam Đế Vạn Xuân, Nxb. Văn học,
Hà Nội, tr.131. (4) Phùng Văn Khai, sđd, tr.58. (6) Phùng Văn Khai, sđd, tr.167. (6) Phùng Văn Khai, sđd, tr.84, tr.216-217. (7) Phùng Văn Khai, sđd, tr.62. (8) Trần Trọng Kim (2011), Việt Nam sử lược, Nxb. Khoa học
xã hội, Hà Nội, tr.9. (9) Trong công trình Việt Nam Phật giáo sử luận (3
tập, Nxb. Văn học, Hà Nội, xuất bản tập 1 lần đầu năm 1973, tái bản toàn tập lần
3 năm 2000), Nguyễn Lang bằng những luận chứng thuyết phục đã khẳng định:
“ngoài hai trung tâm Phật giáo ở Trung Hoa, còn có một trung tâm Phật giáo rất
quan trọng ở Giao Chỉ”, thậm chí “có nhiều dữ kiện khiến cho chúng ta nghĩ
trung tâm Luy Lâu được thành lập sớm nhất, và trung tâm này đã làm
bàn đạp cho sự thành lập các trung tâm Bành Thành và Lạc Dương ở
Trung Hoa” (tr.23-24). (10) Phùng Văn Khai, sđd, tr.103. (11) Khi phác họa về diễn trình lịch sử Phật giáo ở Việt Nam,
Nguyễn Lang (sđd) cũng đã nhấn mạnh: “Đạo Phật thâm nhập vào đời sống tín ngưỡng
dân gian ở Giao Chỉ một cách tự nhiên như nước thấm lòng đất, không gặp phản ứng
và trở ngại, bởi lẽ những tín ngưỡng dân gian không chống đối lại những tín ngưỡng
cơ bản của đạo Phật” (tr.67). (12) (13) Phùng Văn Khai, sđd, tr.132. (14) Phùng Văn Khai, sđd, tr.169. (15) Phùng Văn Khai, sđd, tr.469. (16) Phùng Văn Khai (2019), “Lý Nam Đế – Vạn Xuân, cột mốc tự
hào Đại Việt” trên http://daioanket.vn. (17) Trên thực tế, sự nghiệp và công trạng của Sĩ Nhiếp được
giới sử gia Việt Nam qua nhiều thời kì đánh giá trái chiều. Trong đó, chúng tôi
chú ý đến nhận định của GS. Trần Quốc Vượng: “Theo tôi, Sĩ Nhiếp cũng như Triệu
Đà là người Việt gốc Hoa. Cả hai, nhất là Sĩ Nhiếp – đều sống mấy chục năm ở
không gian văn hóa Việt, và như Triệu Đà trong thư viết gửi Hán Văn đế đã tự
xưng là “Man Di đại trưởng lão phu”- ông đã tự giác quên cái cội nguồn quý tộc ở
nước Triệu. Sĩ Nhiếp cũng như Triệu Đà là người dung hợp Lối sống văn hóa Việt
– Hoa và đến lượt mình, đã góp phần đẩy mạnh sự giao thoa này”. Xem thêm, nhiều
tác giả (2013), “Về nhân vật Sĩ Nhiếp”, in trong Lịch sử, sự thật & sử
học, Tạp chí Xưa & Nay, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.200-205. (18) Phùng Văn Khai, sđd, tr.103. (19) Phùng Văn Khai, sđd, tr.169. (20) Phùng Văn Khai, sđd, tr.65. 17/7/2020 Nguyễn Văn Hùng Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét