Bước chân không động trong “Mùa thu của em”
“Hoa vàng mấy độ” hiểu là đã mấy mùa thu qua, “man mác heo
may” hiểu là mùa thu lạnh. Vậy mà trải qua hoa vàng mấy độ đó “em bình yên
trong vòng tay” và thứ gió lạnh của mùa thu đó đã “ru em nồng nàn”.
MÙA THU CỦA EM
thơ Trần Nhã My
Hình như rón rén trong mơ
Bước chân thu về rất nhẹ
Lá vàng trở mình khe khẽ
Bình yên cùng trăng em chờ
Sớm ra em ngồi tựa cửa
Xao xác lá vàng bay bay
Ơ kìa ngọn gió heo may
Đang dắt thu về qua ngõ
Chiếc lá rụng vào nỗi nhớ
Nhẹ nhàng như bàn tay anh
Gối đầu lên vòm trời xanh
Em bồng bềnh cùng mây trắng
Sườn non sương giăng bảng lảng
Thoảng hơi thở anh nồng nàn
Từng sợi tóc em mơn man
Ầu ơ thu ru em ngủ
Biết là hoa vàng mấy độ
Biết là man mác heo may
Em bình yên trong vòng tay
Thơ viết về mùa thu từ xưa đến nay thì có vô số và thơ hay viết
về mùa thu cũng có vô số. Trong khuôn khổ của bài viết nầy tôi chỉ muốn giới
thiệu một bài thơ của một tác giả có phong cách riêng, một lối miêu tả riêng,
đã diễn đạt mùa thu một cách nhẹ, thanh, êm ái và cao rộng. Đó là bài thơ
“Mùa thu của em” của tác giả Trần Nhã My.
Xin mời hãy bước vào “Mùa thu của em” như bước vào xem một luống
hoa mà trong đó có nhiều màu hoa khác lạ.
1) Bước chân thu trong “Mùa thu của em” nhẹ như một giấc mơ
giữa hiện thực:
Những thi sĩ viết về thu thường diễn đạt mùa thu với một khung
trời dịu mát, êm ái và thơ mộng. Nhưng dầu có dịu mát bao nhiêu, êm ái bao
nhiêu và thơ mộng bao nhiêu thì bước chân thu vẫn làm cho bầu trời xao động
và vẫn làm cho lòng người xao động.
Ta hãy nghe bước chân thu của Nguyễn Khuyến:
Ao
thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làng hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
(Thu
điếu)
Ta hãy nghe bước chân thu của Lưư trọng Lư:
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
(Tiếng thu)
Ta hãy nghe bước chân thu của Hữu Thỉnh:
Sông
được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
(Sang Thu)
Và ta hãy nghe bước chân thu của Trần nhã My:
Hình
như rón rén trong mơ
Bước chân thu về rất nhẹ
Lá
vàng trở mình khe khẻ
Bình yên cùng trăng em chờ
Khác với những bước chân kia, bước chân thu của Trần Nhã
My rất nhẹ, chỉ như lá vàng trở mình khe khẻ, và chính cái bước chân hình như
rón rén trong mơ đó không đánh động dến khung cảnh, không đánh động đến tinh
thần nên vẫn giử nguyên cái hạnh phúc êm ái ngọt ngào của em và trăng đang
lặng yên chờ, và trong khi đất trời thay đổi, cái hạnh phúc đó vẫn tiếp tục
được bình yên và tiếp tục đầy lên cho tâm hồn hưởng thụ. Thu đến trong không
gian và trong tâm hồn Trần Nhã My không có sóng biếc làm động chiếc thuyền
câu, không có chiếc lá vàng bay vèo, không có con nai vàng đạp trên lá xào
xạc để đau lòng người cô phụ, cũng không có sông ngập nước dềnh dàng, chim
bắt đầu vội vã để cho trời đất và lòng người biến động mà chất
chứa bao nhiêu vui buồn lẫn lộn. Mùa thu của Trần Nhã My có bước chân như vị
thần tiên không đi vào trong chính giữa cuộc đời mà đi vào trong giấc mơ,
nhưng giấc mơ đó không phải là ảo ảnh mà là hiện thực, nó biến cho thực tế
trở thành mơ và niềm khóai lạc trong mơ ở trong thực tế.
Thu đến trong đời và trong tâm hồn Trần Nhã My nhẹ như một giấc
mơ đẹp, không có một sự xao động nào dầu giữa vạn vật hay trong tâm hồn. Đó
là một thế giới thu tỉnh lặng tự nhiên và bình yên đến vô cùng.
2) “Mùa thu của em” là mùa thu độc đáo của Trần Nhã My:
Là độc đáo vì Trần nhã My không lấy, không mượn một cảm nhận của
ai về mùa thu để đem vào thơ mình:
Sớm ra ngồi tựa cửa
Xao xác lá vàng bay bay
Ơ kìa ngọn gió heo may
Đang dắt thu về qua ngõ.
Bằng cái nhìn vô tư nhất qua đôi mắt thẩm mỹ, tác giả đã vẽ hình
ảnh mùa thu được dìu qua ngõ không bằng một thứ màu sắc nào. Chính nhờ đó bức
tranh trở thành sống động và độc đáo mà không mấy thi sĩ nào để tâm phát họa.
Gió và mùa thu được nhân cách hóa, được hình tượng hóa, được tưởng tượng ra
vóc dáng tùy theo xúc cảm xảy ra trong lòng. Mỗi người đọc tùy theo cảm nhận
của của mình sẽ hình dung ra hình ảnh gió dắt mùa thu đi trong thơ Trần Nhã
My, và nếu có trăm độc giả thì chắc chắn sẽ có trăm hình ảnh riêng biệt, khác
nhau.
Có một Trần Nhã Mỹ sớm ra ngồi tựa cửa, ngắm lá vàng bay và bắt
chợt thấy gió heo may dắt mùa thu về qua ngõ. Mùa thu đó của riêng Trần Nhã
My và thực tế nó đúng là “Mùa thu của em” vì chỉ có một mình tác giả thôi
thấy gió không phải là một phần của mùa thu mà gió và mùa thu là đôi tri kỷ.
Muốn thấy gió và mùa thu là đôi tri kỷ phải có một tâm hồn rất trẻ thơ để
tưởng tượng được những điều ngộ nghỉnh, và muốn phóng bút viết ra được diều
ngộ nghỉnh đó phải chăng phải biết xử dụng thi từ điêu luyện.
3) Thể xác và tâm hồn Trần Nhã My đều nhập vào mùa thu:
Chiếc
lá rụng vào nỗi nhớ
Nhẹ nhàng như bàn tay anh
Gối đầu lên vòm trời xanh
Em bồng bềnh cùng mây trắng.
Sườn non sương giăng bảng lảng
Thóang hơi thở anh nồng nàn
Từng sợi tóc em mơn man
Ở khổ hai của bài thơ có chữ “xao xác” nhưng xao xác là sự lay
động của lá chứ không phải là âm thanh nghe được, Ở khổ ba của bài thơ thì
chiếc lá không rơi vào đất mà lại rơi vào tâm hồn của tác giả. Như vậy chắc
chắn nó cũng không có âm thanh. Bây giờ cái “Bình yên cùng trăng em chờ” đó
đã bị chạm nhẹ bởi một chiếc lá rơi, nhưng cái chạm nhẹ đó lại biến ngay
thành sự êm ái “nhẹ nhàng như bàn tay anh”. Tác giả lập tức đê mê ngay trong
bàn tay êm ái đó, tâm hồn nàng lập tức cao rộng như vòm trời xanh để bồng
bềnh cùng mây trắng. Đầu nàng không thể gối lên vòm trời nhưng nàng tưởng gối
lên vòm trời, thân nàng không thể bồng bềnh nhưng nàng tưởng thân mình bồng
bềnh cùng mây trắng. Nàng không phải là thần để hóa cao lên, để hóa lớn ra
đụng đến trời xanh, mây trắng. Vậy nàng là gì? Có phải nàng đang nhập định?
Có phải nàng đang thóat xác? Có phải nàng đang thăng hoa? Tất cả là có thể vì
nàng đang thấy vòm trời xanh, đang thấy mình bồng bềnh cùng mây trắng có
nghĩa là cả thể xác và linh hồn nàng đang nhập vào, đang hòa điệu cùng mùa
thu và hưởng thụ hương mùa thu như hưởng thụ hơi thở anh, hưởng thụ bàn tay
anh ve vuốt một cách tinh tế nồng nàn đến nổi đã đồng hóa anh chính là mùa
thu âu ơ ru em
ngủ.
4) “Mùa thu của em” chính là anh:
Biết là hoa vàng mấy độ
Biết là mang mác heo may
Em bình yên trong vòng tay
“Hoa vàng mấy độ” hiểu là đã mấy mùa thu qua, “man mác heo
may” hiểu là mùa thu lạnh. Vậy mà trải qua hoa vàng mấy độ đó “em bình yên
trong vòng tay” và thứ gió lạnh của mùa thu đó đã “ru em nồng nàn”. Đây là
một thứ tình yêu say đắm vượt lên trên sự thường tình, không bị ngăn cách bởi
không gian, thời gian và nghịch cảnh, được thi vị hóa trong tâm hồn của cô
gái đang yêu. Ở vế trên tác giả đã biến hơi thở anh thành hơi thở thu, và ở
vế nầy tác giả đã biến sự đợi chờ anh như đợi chờ thu và mùa thu là bàn tay
anh ru em ngủ giấc nồng nàn. Mùa thu của em hay anh của em là một. Nó là bàn
tay của anh cho em gối đầu lên vòm trời xanh bềnh bồng cùng mây trắng, nó là
cơn gió heo may giữ em trong vòng tay và ru em giấc ngủ nồng nàn. Người con
gái sớm ra ngồi tựa cửa bây giờ không còn là nàng nữa. Kể từ khi chiếc lá rơi
vào nỗi nhớ thì anh đã biến thành mùa thu và nàng đã ở trong mùa thu để nhận
nhiều âu yếm. Tác giả đã đồng hóa anh và mùa thu thành một, hay nói rõ hơn
tác giả đã yêu mùa thu như yêu anh nên đã gọi anh là “Mùa thu của em” vậy.
“Mùa thu của em” là một bài thơ nói về mùa thu đang về trong
lòng vạn vật và trong lòng cô thiếu nữ. Mùa thu ấy về với bước chân không
động, nhuộm không gian một màu trong veo thanh khiết và hòa điệu với tâm hồn
thiếu nữ đang yêu để thay thế cho nguời yêu của nàng, ban cho nàng tất cả
hương vị tình yêu quyện trong hương vị mùa thu, đưa nàng vào giấc ngũ vô vàn
hạnh phúc. Đó là một bài thơ trữ tình mà anh, em và mùa thu hiệp chung trong
một linh hồn, linh hồn Trần Nhã My.
CHÂU THẠCH
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét