Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Nhạc cảm của Quỳnh Giao về Dạ khúc Nguyễn Mỹ Ca

Nhạc cảm của Quỳnh Giao về Dạ khúc Nguyễn Mỹ Ca

                                  Nhạc Sĩ Nguyễn Mỹ Ca
Có những nghệ sĩ và tác phẩm chỉ thấy xuất hiện một lần mà vẫn để lại âm vang khó quên. Nguyễn Mỹ Ca và bài Dạ Khúc của ông là trường hợp tiêu biểu. Quý phái, trang trọng và u uẩn.
Năm mới lên bẩy, Quỳnh Giao bắt đầu "nghiệp ca hát" với bài song ca hát cùng anh ruột Bửu Minh (tên hiệu của chú bé khi ấy là Anh Minh) trong ban nhi đồng của đài Phát Thanh Quốc Gia, còn có tên gọi là đài Sàigòn. Việc viết lách thì xuất hiện rất trễ, từ năm 1987 trở về sau, để rồi trở thành cây bút hợp tác khá thường xuyên với tờ Văn Học của anh Nguyễn Mộng Giác.
Thời ấy ở nhà, trưởng ban nhi đồng là thân mẫu của mình, sau này bà nhường lại cho bác Kiều Hạnh năm 1954 khi gia đình bác di cư vào Nam. Nữ kịch sĩ Kiều Hạnh là thân mẫu của hai chị Mai Hương và Bạch Tuyết. Cả hai đều cùng hát ban nhi đồng với hai anh em.
Là người nhỏ nhất trong ban vào thời điểm đó, lại còn đi học trường Michelet (trường Tây) nên người viết chưa biết đánh vần tiếng Việt. Ngày ấy nghe kể chuyện là "tôi đi chơi", con bé cứ đọc là "toa đi choa" nên mẫu thân phải nhọc công tập cho hát thuộc lòng bài "
Reo Vang Bình Minh" vì con nhóc không đọc lời được. Vậy mà đoạn điệp khúc còn hát hai bè (anh Minh giữ bè cao), rất là oai!
Liu líu lo lo
Chim oanh hót say sưa
Hát lên chào mừng bình minh luôn tươi sáng
Tang tang tang tính tang tang
Ta ca hát say sưa
Hát lên chào mừng bình minh sáng muôn năm...

Hôm cuối tuần qua, cả đại gia đình tụ họp để ăn mừng sinh nhật thứ 89 của mẫu thân. Bà còn minh mẫn tuy bắt đầu quên nhiều thứ, nhất là quên chuyện hiện tại, ăn uống thuốc men thế nào thì các con cháu phải nhắc hàng ngày. Nhưng chuyện dĩ vãng thì bà còn nhớ rất rõ và rất chi tiết.
Từ bao lâu rồi, Quỳnh Giao vẫn nghĩ bài hát đầu đời của mình là "
Reo Vang Bình Minh" do một nữ danh ca lẫy lừng dạy cho. Ai ngờ Mẹ kể lại chuyện cho cả nhà nghe:
"Chị Trang biết hát từ khi mới lên hai. Vậy đó, khi ấy Mẹ chưa đi hát, chưa là danh ca đâu, mà đã thích hát và hay ngân nga bài
 'Dạ Khúc' của Nguyễn Mỹ Ca. Chị Trang chỉ mới biết nói thôi, mà hễ mẹ hát đến câu 'Ðàn ai lên cung oán tang tình'... thì chị ấy đệm ngay 'gieo hờn'... Và Mẹ lại hát tiếp 'Ðàn ai ngân theo gió xế xang'... chị ấy buông ngay câu 'gieo buồn'... rất đúng nhịp và đúng giọng"!
Nghe mẹ kể chuyện xưa, lòng người viết bồi hồi cảm động, rồi bỗng nhớ cách đây vài tuần, có độc giả nhắc đến
 Dạ Khúc của Nguyễn Mỹ Ca, như một sự trùng hợp rất hữu duyên.
Không cần giới thiệu, chắc quý độc giả cũng biết "Trang" là người viết bài, và người Mẹ nổi tiếng được nói đến là nữ danh ca Minh Trang. Bà là một trong những ca sĩ tiền phong của nền tân nhạc Việt. Ưu điểm của bà là ngoài giọng hát thiên phú, bà là người có căn bản âm nhạc và văn hóa khá cao. Thời đó, hiếm ca sĩ giỏi nhạc lý và cầm bài là xướng âm (
solfier) ra ngay. Khả năng nói Pháp ngữ của bà khiến nhiều người sống cùng thời kiêng nể. Ðặc điểm của bà là sự đa diện, nghĩa là có thể hát ca khúc cổ điển Tây phương và những ca khúc hoàn toàn Việt Nam.

Nhạc sư Nghiêm Phú Phi lúc sinh thời thường nói là không ai hát "Le Beau Danube" nghe Tây như bà Minh Trang, và ngược lại, không ai hát "Ðêm Tàn Bến Ngự" nghe Huế và Việt Nam bằng bà Minh Trang...
Với giọng hát trong trẻo và cao vút của bà, tôi nghĩ bà yêu và thích hát bài Dạ Khúc của Nguyễn Mỹ Ca thì đúng quá rồi.
Phần lớn những bài
 Dạ Khúc (Seranade) thường được viết trên nhịp 3/4 như Dạ Khúc của Schubert, của Torcelli... Trừ Dạ Khúc của Nguyễn Văn Quỳ viết trên nhịp 4/4 và điệp khúc chuyển đổi qua nhịp 3/4 dồn dập và có hơi hướng gipsy.
Nguyễn Mỹ Ca lại khác. Ông soạn
 Dạ Khúc theo nhịp 3/4, trên âm giai Do trưởng, uyển chuyển và trong sáng. Bài hát mở đầu như một nỗi bâng khuâng:

Dạ khúc - Nguyễn Mỹ Ca - Lê Dung
Gió gây hương nhớ,
Nâng tiếng đàn xa đưa, sầu vương vấn
Gây mơ khóc trên dây tơ...

Câu hát gợi nhớ tiếng vĩ cầm réo rắt, tiếng tơ chạm nhẹ như gió lướt qua. Ðoạn mở chỉ dài 18 trường canh, để chuyển qua điệp khúc:
Ðàn ai lên cung oán tang tình, gieo hờn
Ðàn ai lên cung oán xế xang, gieo buồn
Bồn chồn trong đêm tối, lần dò chân theo lối mấp mô...

Rồi ông tài tình chuyển đoạn, từ trưởng qua thứ, và thứ qua trưởng, mỗi câu lại đi xuống từng nửa cung, như tiếng lòng gửi gấm trong tiếng đàn, thê thiết, đê mê đến đổ lệ. Và câu nhạc vút lên sau cùng như tâm hồn cũng muốn vút bay lên vầng trăng xa...
Ôi cung đàn réo, vang đêm trường
Giây tơ gào gió, đê mê lòng.
Lệ tràn vì đâu, bao tình tê tái
Nương làn gió, bay tìm ánh trăng sao...

Hãy đặt chúng ta vào thời điểm của thập niên 40, thời kỳ phôi thai của tân nhạc, khi các tác giả còn dùng nhạc Tây để hát thành bài Ta... Hay là viết ca khúc trên cung Re thứ ảm đạm, nhàm chán. Thời ấy, chỉ hay là nhờ lời ca mà thôi, chứ nhạc thuật thường còn non nớt. Nhớ lại như vậy, chúng ta mới thấy Nguyễn Mỹ Ca vô cùng uyên bác và vững vàng về nhạc thuật.

Nguyễn Mỹ Ca là người tỉnh Bà Rịa tại miền Nam của chúng ta. Ông mất sớm, nên ta không biết ngoài Dạ Khúc, ông còn để lại tác phẩm nào không, nhưng thiết nghĩ chỉ cần một bài thôi cũng đủ cho đời nhớ mãi.
Quỳnh Giao nghe rất nhiều ca sĩ trình bày
 Dạ Khúc Nguyễn Mỹ Ca. Từ Mộc Lan, Châu Hà đến Thái Thanh, Mai Hương. Từ Anh Ngọc, Ngọc Long đến Duy Trác, Sĩ Phú... Nhưng theo ý riêng không ai hát bài này thấm thía và tình cảm bằng nghệ sĩ Trần Văn Trạch.
Khi trình bày
 Dạ Khúc, cũng như nhiều bài khác, Trần Văn Trạch hát rặt giọng Nam. Ông không bao giờ bắt chước giọng Bắc để hát như đa số ca sĩ phải làm vào thời ấy. Vì thế mà ngoài giọng hát có âm lượng đặc biệt, cách trình bày mới gợi cảm làm sao... ông phải là "gió gây hương nhớ", mà là "gió gây hương nhớ", nghe nó nhẹ hơn, êm hơn và duyên dáng hơn nhiều. Phải chăng vì Nguyễn Mỹ Ca là người miền Nam, nên cách trình bày đặc biệt Nam kỳ của Trần Văn Trạch mới "tới" như thế?

Giống như hiếm thấy ai hát "Hướng Về Hà Nội" hơn Duy Trác vì chất Bắc của giọng ca vừa kể. Cũng như phải là người Huế như Hà Thanh thì hát "Hẹn Một Ngày Về" của Lê Hữu Mục mới là tuyệt!
Bây giờ, còn ai có thể ngân lên câu
 Dạ Khúc của Nguyễn Mỹ Ca để mình nhớ lại một lời ngân lấp lánh trong đêm dài ở miền Nam thân yêu?
Quỳnh Giao


Dạ Khúc
Gió gây hương nhớ
Nâng tiếng đàn xa đưa
Sầu vương vấn
Gây mơ khóc trên dây tơ
Trong sầu nhớ bóng ai thoáng về cô phòng
Nào đâu thấy tình xưa mơ mòng
Đàn ai lên cung oán (tang tình) gieo hờn
Đàn ai ngân theo gió (xế xang) gieo buồn
Bồn chồn trong đêm tối
Lần dò chơn theo lối mấp mô
Ôi cung đàn réo vang đêm trường
Giây tơ gào gío đê mê lòng
Lệ tràn vì đâu ?
Bao tình tê tái
Nương làn gío bay tìm ánh trăng sao .
Đàn ai lên cung oán (tang tình) gieo hờn
Đàn ai ngân theo gió (xế xang) gieo buồn
Bồn chồn trong đêm tối
Lần dò chơn theo lối mấp mô

 BÀI HÁT TƯƠNG TỰ
·         Dạ Khúc
·         Dạ Khúc 
·         Dạ Khúc 
·         Dạ Khúc 
·         Dạ Khúc 
·         Dạ Khúc 
·         Dạ Khúc 
·         Dạ Khúc 
·         Dạ Khúc 
·         Dạ Khúc 
·          Nghe nhạc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng gọi đêm cuối năm

Tiếng gọi đêm cuối năm Đêm hai mươi sáu Tết, chị đứng trên ban công tầng bốn, lặng lẽ đưa đôi mắt u buồn nhìn xa xăm xuống đường phố. Hai ...