Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Những câu chuyện về nhạc sĩ Phú Quang

Những câu chuyện về nhạc sĩ Phú Quang

Em ơi Hà Nội Phố - Hồng Nhung

Phú Quang khiến người ta biết yêu Hà Nội hơn, càng đi xa càng nhớ... Âm nhạc Phú Quang vẽ, lưu cảnh Hà Nội lãng mạn, nên thơ bằng âm nhạc. Đó là cảm nhận của công chúng về các ca khúc Phú Quang, trong đó có hàng trăm bài hát về Hà Nội.
Nhạc sĩ Nguyễn Phú Quang sinh năm 1949, tại Phú Thọ. Là con út trong gia đình, Phú Quang lại thành người con nổi tiếng nhất của dòng họ. Phú Quang lớn lên và có một tuổi trẻ đầy ký ức Hà Nội. Từ những con phố êm đềm tới trận bom B52 trút xuống Khâm Thiên năm 1972, ông đều chứng kiến. Ông đến với âm nhạc khởi đầu bằng học kèn Cor tại trường Âm nhạc Việt Nam, sau chuyển sang học sáng tác. Và như ông tâm sự, nhiều khi cần phải đi xa mới biết yêu thành phố của mình. 
         Nhạc sỹ Phú Quang có 3 người con đều được học nhạc, trong đó con gái cả Nguyễn Trinh Hương đã tốt nghiệp thạc sĩ Nhạc viện danh tiếng Tchaikovsky (Liên bang Nga). Năm 2006, Trinh Hương và chồng, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy (Trưởng khoa Dây học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) từ Moskva trở về Hà Nội, với tâm nguyện cống hiến cho công việc công tác giảng dạy và biểu diễn tại quê nhà.
 
          Hình ảnh Phú Quang trực tiếp chỉ huy dàn nhạc, chơi piano và hát, cùng con gái và con rể trong các đêm nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã tạo dấu ấn về những đêm nhạc sang trọng mà ông chỉ đạo nghệ thuật, phối khí. Phú Quang đã diễn tại California và các thành phố châu Âu với ca sĩ Ngọc Anh (cựu thành viên Tam ca 3A) - giọng hát được đánh giá là hát thành công nhất với nhạc Phú Quang hiện nay.

Nhạc của Phú Quang chủ yếu là tình ca. Phú Quang viết xuất phát từ những rung động, xúc cảm từ những tình yêu có thật và cả ảo tưởng, khát vọng, ám ảnh về tình yêu. Tình yêu trong âm nhạc Phú Quang không chỉ là cuộc tình của con người, ông tình tự với đất Thăng Long, Hà Nội cổ kính, thanh quý là nguồn cảm hứng lớn và bất tận của nhạc sĩ tài hoa. Nhạc Phú Quang có một dấu ấn, một phong cách riêng, giàu chất tự sự, da diết, có khi nó lại vút cao, đầy kịch tính. Phú Quang rất được hâm mộ với các ca khúc trữ tình, nhất là mảng bài hát về Hà Nội: Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Mơ về nơi xa lắm, Im lặng đêm Hà Nội, Tôi muốn mang Hồ Gươm đi... Những ca khúc: Điều giản dị, Nỗi nhớ... luôn làm người nghe cảm động. 
          Là một người có biệt tài về phổ nhạc cho thơ, rất nhiều bài thơ đã có một đời sống khác khi thành ca từ. Phú Quang không phổ nguyên bài mà chọn những ý hay nhất, linh hồn của bài để làm nên:
 Em ơi Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Tình khúc 24, Dương cầm lạnh (thơ Dương Tường), Romance (thơ Ý Nhi), Biển nỗi nhớ và em (thơ Hữu Thỉnh), Như kiếp chim Di ( thơ Trần Tuấn Anh), Dòng sông không trở lại (thơ Vi Thuỳ Linh). Hà Nội với Phú Quang như một thiếu nữ không tuổi mang vẻ đẹp tinh khiết, quyến rũ, bí ẩn.
         Hà Nội cất giữ và nuôi dưỡng cho ông những kỷ niệm, dấu vết số phận mất mát và khổ đau, hạnh phúc và che chở. Đó là nơi luôn đáng nhớ ngay cả khi đang ở trong lòng thành phố. Phú Quang buồn nhiều nhưng cố giấu niềm riêng sâu tận đáy lòng. Ông bảo: Giống như đôi tình nhân yêu nhau, khi người ta kề nhau rất nồng nàn, say đắm đến không thể nghĩ được gì về nhau nữa, dù chỉ là những điều rất nhỏ như một ánh mắt, một nụ cười, một dáng đi. Chỉ khi dứt khỏi nhau rồi mới có thể nhận ra từng điều nhỏ bé ấy sống động, sâu sắc hơn.
Trong một lần trả lời phỏng vấn một tờ báo, phóng viên có hỏi: Tại sao Nhạc sĩ  Phú Quang lại yêu Hà Nội đến thế?, Phú Quang trả lời: "Tôi yêu Hà Nội vì hai điều. Thứ nhất, Hà Nội là quê hương tôi. Tôi là một phần của Hà Nội, nên lẽ đương nhiên như bao người có quê khác, tôi cũng thiên vị với Hà Nội. Thứ nữa, tôi là một "thổ dân" của Hà Nội chứ không phải là một lữ khách thích ồn ào thường vội vàng lướt qua rồi không ngoái đầu nhìn lại, với những nhủ thầm “phố nhỏ, đường nhỏ, có gì hấp dẫn đâu”. Tôi quan sát Hà Nội kỹ, cảm nhận sâu, hiểu Hà Nội tỉ mỉ hơn người khác, và bởi thế mà yêu say đắm!"
Biết về Phú Quang là một nhạc sĩ của vài trăm ca khúc là hiểu biết hạn hẹp. Hơn 30 năm qua, ông đã viết nhạc cho hàng trăm bộ phim, vở kịch, ballet. Phú Quang còn là tác giả của nhiều tác phẩm giao hưởng, hoà tấu. Trình độ khí nhạc luôn thể hiện độ dày của trữ lượng sáng tạo cũng như sự đa dạng của một tâm hồn, tầm vóc một tài năng. Nhiều trích đoạn hoà tấu của ông đã thành nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam, đặc biệt phần âm nhạc của ông đã góp phần vào thành công của nhiều bộ phim sáng giá của điện ảnh Việt Nam:Bao giờ cho đến tháng Mười (Đạo diễn: NSND Đặng Nhật Minh), Ai xuôi vạn lý (Đạo diễn: Lê Hoàng), Vị đắng tình yêu (tập 1, Đạo diễn: Lê Xuân Hoàng), Hải Nguyệt (Đạo diễn: Trần Mỹ Hà). Ông còn sáng tác concerto cho phần độc tấu của NSƯT cello Ngô Hoàng Quân và NSƯT flute Hồng Nhung - đều là các nghệ sĩ hàng đầu của các nhạc cụ này. 
          Trong đêm nhạc 26/1/2013, Phú Quang sẽ hát
 Em ơi Hà Nội phố, tác phẩm đã nổi tiếng gần 30 năm và ca khúc mới viết Mẹ ơi và giao lưu với khán giả. Mang “Hà Nội của Phú Quang” đến với Hà Nội của mọi người một cách chân thực, ấn tượng và biểu cảm nhất là ý tưởng tâm đắc mà BTC HQDN 05 - đêm nhạc “Phú Quang và Hà Nội phố” quyết tâm đạt được.
 http://vanhocnghethuatphutho.org.vn/

Em Ơi Hà Nội Phố - Phú Quang - Bằng Kiều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôtem sói - Chiếc gương đạo sĩ

Tôtem sói - Chiếc gương đạo sĩ Trong Hồng lâu mộng có chuyện cái gương một vị đạo sĩ tặng cho nhân vật Giả Tường. Anh ta đưa gương lên soi...