Những quan niệm khác nhau về sự bất tử của
con người
PGS.TS. Nguyễn Tấn
Hùng
Mong ước về sự bất tử (immortality) của cá nhân là một
hiện tượng tâm lý chung của nhân loại. Bất kỳ người nào, dù là duy tâm hay duy
vật, hữu thần hay vô thần ít nhiều đều trăn trở, đều suy tư về vấn đề này. Đi
tìm câu trả lời cho nó không chỉ có tôn giáo, triết học mà có cả những nhà khoa
học có đầu óc vĩ đại nhất.
Cơ thể con người không bất tử; đó là một thực tế không ai có thể
chối cãi được. Trước đây đã từng có nhiều người trong đó có những vị hoàng đế
(như Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế …) đã uổng công vô ích trong việc tìm kiếm một
loại thuốc trường sinh bất tử cho cơ thể của mình. Ngày nay, nếu có ai nói đến
một phương thuốc như vậy thì chắc chắn sẽ bị coi là một kẻ lừa đảo hoặc là một
người đầu óc có vấn đề. Vậy, vấn đề còn lại được đặt ra là: ý thức, tinh thần
con người có bất tử hay không? đó là một câu hỏi muôn thuở. Ở đây có những cách
giải đáp khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Tùy theo cách trả lời cho vấn đề này
mà mỗi người có những cách sống và hoạt động nhất định để đạt đến sự bất tử cho
mình.
1. Quan điểm tôn giáo về sự bất tử của con người
Ngay từ thời cổ đại, Kinh Vêđa mà trực tiếp là Kinh Upanishad ở
Ấn Độ đã lý giải vấn đề này như sau: Brahman (linh hồn vũ trụ)
được coi là thần thánh sáng tạo tất cả. Atman (linh hồn của
mỗi con người, mỗi cá thể súc vật, cây cỏ, v.v.), là một bộ phận của linh hồn
vũ trụ, nên về nguyên tắc nó cũng bất tử như linh hồn vũ trụ. Khi cơ thể sinh
vật chết đi, atman sẽ tách khỏi cơ thể và đầu thai sang một cơ
thể khác mới sinh ra, tiếp tục cuộc sống ở một kiếp khác. Kiếp sau có thể là
người, là súc vật hay cây cỏ. Linh hồn cứ đầu thai hết kiếp này sang kiếp khác
trong một cái vòng tròn lẩn quẩn như vậy gọi là sự luân hồi (samsara:
bánh xe quay tròn). Con người chịu hậu quả của hành vi của chính mình gọi là
“nghiệp” (karma: hành động). Chính cái nghiệp của kiếp này quy định cuộc
sống ở kiếp sau. Để giải thoát khỏi cái vòng luân hồi, nghiệp báo, con người
phải dốc lòng tu luyện, từ bỏ ham muốn dục vọng để linh hồn được “siêu thoát”,
tức thoát khỏi sự ràng buộc của cơ thể và trở về với linh hồn vũ trụ
tối cao, đạt đến hạnh phúc và sự bất tử vĩnh hằng.
Phật giáo ra đời trong phong trào đấu tranh chống đạo Bàlamôn,
chống lại sự phân biệt đẳng cấp, đòi bình đẳng xã hội, nên không thể không bác
bỏ những luận điểm cơ bản của Kinh Vêđa và Kinh Upanishad (những bộ kinh này là
cơ sở giáo lý của Đạo Balamôn, tiền thân của Ấn giáo ngày nay). Đạo Phật không
thừa nhận linh hồn vũ trụ tối cao Brahman và linh hồn cá thể
bất tử atmam. Theo Đạo Phật, cơ thể của chúng sinh được cấu tạo từ
những yếu tố vật chất và tinh thần gọi là ngũ uẩn gồm sắc (tức
vật chất gồm đất, nước, lửa, gió) và danh (gồm 4
yếu tố tinh thần: thụ, tưởng, hành, thức). Khi chết, những yếu tố
này phân hủy, nên không còn cái atman bất tử. Tuy nhiên, Đạo
Phật lại thừa nhận sự tái sinh ở kiếp sau và tiếp thu một số yếu tố của Đạo
Bàlamôn, như sự luân hồi, nghiệp báo, sự tu luyện để đạt đến
sựgiải thoát ở cõi vĩnh hằng. Dù sao Đạo Phật rốt cục
cũng cho rằng khi con người tu luyện đắc đạo sẽ đạt tới sự giác ngộ và
thoát khỏi luân hồi, nghiệp báo, lúc đó linh hồn cá thể sẽ hòa nhập
vào cõi Niết bàn và trở thành bất tử, vĩnh cửu.
Niết bàn là cái gì, cho đến nay cũng chưa ai biết được, có chăng cũng chỉ là sự
tranh cãi về lý thuyết mà thôi.
Các tôn giáo như Kitô giáo (Christianity) do
Jesus Christos sáng lập đầu Công nguyên và Hồi giáo (Islam) do
Môhamet sáng lập vào thế kỷ VII đều tin vào sự bất tử của linh hồn con người.
Theo Kitô giáo và Hồi giáo, khi chết cơ thể trở về đất bụi nhưng linh hồn vẫn
tiếp tục tồn tại. Đến ngày cuối cùng, được gọi là Ngày tận thế (The
End of the World) hay Ngày phán xử (The Day of Judgement),
Thượng đế sẽ phán xét tất cả, cho những ai trong lúc sinh thời đã có lòng tin ở
Thượng đế và làm nhiều điều tốt lành sẽ được phục sinh,nghĩa là
được sống lại với cả thể xác và linh hồn giống như sự phục
sinh của Kitô trước đây, và được lên Thiên đường. Những người khác sẽ bị đày
xuống địa ngục vĩnh viễn.
Thiên đường được miêu tả trong Kinh Khải huyền, kinh cuối cùng
trong toàn bộ Kinh Thánh của Kitô giáo là Thành phố Giê-ru-sa-lem tráng lệ ở
trên trời, có 12 cửa thành, nền và tường thành xây toàn bằng vàng và đủ các
loại ngọc quý. Những người được lên Thiên đường sẽ vô cùng hạnh phúc, sẽtrường
sinh bất tử, không còn đau khổ, chết chóc. Chúa Giêxu đã mặc khải như sau:
“Tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trên trời, từ nơi
Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi
nghe phía ngai có tiếng to: Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại! Người
sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-
Chúa- ở -cùng- họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết;
cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến
mất.” (1)
Thiên đường cũng được mô tả một cách rất cụ thể cảm tính trong
Kinh Côran: Đó là một nơi có mùa xuân bất tận, cây cối xanh tốt quanh năm với
đủ các loại hoa quả, có các suối nước róc rách. Trên Thiên đường, của cải dồi
dào, mọi người tha hồ hưởng vinh hoa phú quý; mỗi bửa ăn có hàng mấy trăm món
ăn, thức uống, rượu vang; đặc biệt là có các trinh nữ mắt đen xinh đẹp làm vợ,
các chàng trai trẻ làm nô tỳ.
Trong Kinh Kôran có đến 8 chỗ nói về các trinh
nữ có mắt đen láy là phần thưởng cho những người Hồi giáo trên Thiên đường. Số
lượng trinh nữ được Môhamet xác định là 72. Bin Laden từng hứa hẹn một thiên
đường với các cô gái đồng trinh dành cho các phần tử khủng bố cảm tử của mình.
Ngày 19 tháng 8 năm 2001, kênh truyền hình Mỹ CBS phát đi một cuộc nói chuyện
với một chiến sĩ phong trào HAMAS là Muhammad Abu Wardeh, người đã tuyển mộ các
phần tử khủng bố cho các vụ tấn công tự sát ở Israel. Abu Wardeh nói: “Nếu
anh là một kẻ tử vì đạo, Thượng đế sẽ thưởng cho anh 70 cô gái đồng trinh, 70
người vợ và hạnh phúc vĩnh cửu”(2).
Như vậy, niềm tin của tín đồ Kitô giáo và Hồi giáo vào sự bất tử
của cá nhân ở kiếp sau hoàn toàn chỉ dựa vào sự khẳng định trong các kinh sách
nhưKinh thánh (The Holy Bible, gồm hai phần Cựu ước và Tân
ước) của Kitô giáo và Kinh Côran (Q’uran) của Hồi giáo và
những lời hứa hẹn của các giáo chủ; thật ra không có gì đảm bảo chắc chắn là có
kiếp sau và Thiên đường. Nhà triết học Pháp Blaise Pascal (1623-1662) đã từng
coi niềm tin vào Thượng đế như là một canh bạc, một sự cá cược, trong đó người
tin chỉ có được chứ không có mất, còn người không tin chỉ có mất chứ không có
được. Pascal lập luận: Nếu bạn tin vào Thượng đế và Thượng đế thật
sự tồn tại thì bạn sẽ được cả một Thiên đường hạnh phúc, còn nếu Thượng đế
không tồn tại thì bạn chẳng mất gì cả. Còn ngược lại, nếu bạn không tin vào
Thượng đế và điều không tin của bạn là đúng thì bạn chẳng được gì cả, còn nếu
điều này không đúng (nghĩa là có Thượng đế nhưng bạn lại không tin) thì bạn sẽ
bị trừng phạt và đưa xuống điạ ngục vĩnh viễn.
Lập luận này của Pascal trước đây đã từng được coi là chân lý
thì ngày nay đã bị những người vô thần phân tích và phê phán. Một là, có vô số
thượng đế được tôn thờ bởi các tôn giáo và các dân tộc khác nhau, biết tin vào
vị thượng đế nào cho đúng. Cho nên, nếu niềm tin của bạn mà không đúng, thì bạn
cũng không được an toàn như Pascal khẳng định. Chẳng hạn, Kitô giáo tin ở “Chúa
Ba ngôi” gồm Chúa Cha, Chúa con và Chúa thánh thần; nhưng Hồi giáo thì chỉ tin
ở một vị Thượng đế duy nhất, không có con cái và còn khẳng định rằng nếu ai tin
ở một vị chúa nào khác ngoài Chúa Trời (như tin Chúa Giêxu) thì sẽ bị đưa xuống
địa ngục. Hai là, Pascal cho rằng nếu bạn tin Thượng đế nhưng Thượng đế không
tồn tại thì bạn chẳng mất gì, đó là một lập luận sai. Vì niềm tin không đúng mà
nhiều người thậm chí đã tự nguyện hoặc bị lừa bịp bởi các thế lực tôn giáo cực
đoan đánh mất cả cuộc đời của mình và còn làm hại tính mạng của vô số người
khác nữa.
2. Quan điểm khoa học và chủ nghĩa vô thần về sự bất tử của con
người
Đối với các nhà khoa học, mặc dù họ rất mong muốn sự bất tử,
nhưng lý trí khoa học không chứng minh được có sự bất tử theo quan điểm của các
tôn giáo truyền thống nên họ không thể tin vào sự bất tử theo quan điểm của các
tôn giáo.
Carl Sagan (1934-1996), nhà thiên văn học nổi tiếng Mỹ đã từng là
giáo sư thiên văn học ở Đại học Harvard và Đại học Cornell ở Ithaca, New York
viết:
“Nếu có bằng chứng tốt về cuộc sống ở kiếp sau được công bố, tôi
sẽ là người sốt sắng trong việc xem xét vấn đề này; nhưng đó phải là những cứ
liệu khoa học, không phải là chuyện huyền thoại ... Tôi nói, thà rằng sự thật
cay nghiệt còn hơn sự tưởng tượng dùng để an ủi”... “Tôi cũng thích tin rằng
sau khi tôi chết tôi sẽ sống lại, rằng một phần tư duy, tình cảm, ký ức của tôi
sẽ tiếp tục tồn tại. Nhưng càng muốn tin vào điều đó, và mặc dù những truyền
thống văn hóa lâu đời khắp thế giới khẳng định có kiếp sau, tôi càng không thấy
có gì hơn rằng đó chỉ là điều suy nghĩ mong ước (a wishful thinking) mà thôi” (3).
Nhà bác học Albert Eintein (1879-1955) đã phê phán hạn chế của các
quan điểm tôn giáo lấy sự mong muốn bất tử của cá nhân và sự hứa hẹn được ban
thưởng ở kiếp sau làm động cơ đạo đức của cá nhân. Ông nói: “Tôi không
tin vào sự bất tử của cá nhân. Tôi coi đạo đức chỉ liên quan đến con người mà
thôi và không có một quyền lực siêu nhân nào ở đằng sau cả.” (4)
Einstein đã vạch ra sự phi lý trong quan niệm về sự ban thưởng
hay trừng phạt của Thượng đế, vì điều này mâu thuẫn với quan niệm của tôn giáo
về tính toàn năng của Thượng đế. Sự ban thưởng, trừng phạt chỉ chứng tỏ sự bất
lực. Hơn nữa, dùng sự ban thưởng và trừng phạt để kích thích hành vi đạo đức
chỉ dẫn đến sự ích kỷ của con người. Einstein viết:
“Tôi không thể hình dung một vị Thượng đế lại đi ban thưởng hay
trừng phạt những sản vật của chính sự sáng tạo của mình”. Cũng theo Einstein, “Hành
vi đạo đức của một người phải dựa một cách có hiệu quả trên tình cảm, giáo dục,
quan hệ và nhu cầu xã hội; không cần có một cơ sở tôn giáo nào. Con người sẽ
thật là tồi tệ nếu anh ta phải kiềm chế vì sợ bị trừng phạt hoặc hy vọng ở sự
ban thưởng sau khi chết.” (5)
Về sự bất tử của cá nhân, Einstein bác bỏ các quan niệm tôn giáo
và đưa ra quan niệm về “sự bất tử tương đối” (relative immmortality). Einstein
nói:“Sự bất tử ư ? Có hai loại. Loại thứ nhất nằm trong trí tương tượng của
con người và do vậy chỉ là một ảo tưởng. Có một sự bất tử tương đối đó là sự
duy trì ký ức về một cá nhân qua một số thế hệ. Tuy nhiên, chỉ có một sự bất tử
thật sự duy nhất, ở phạm vi vũ trụ, đó là sự bất tử của chính vũ trụ. Không có
một sự bất tử nào khác”(6) .
Lý luận về sự bất tử tương đối của Albert Einstein được các nhà
vô thần phát triển. Theo quan điểm vô thần, sự bất tử tương đối của cá nhân
được thực hiện một cách hiện thực bằng những con đường như sau:
- Thông qua con cháu của chúng ta. Về mặt sinh học, thế hệ sau thông qua sự di truyền mà
kế thừa có chọn lọc và phát triển tất cả những gì mà cơ thể chúng ta đã
đạt được. Về mặt ý thức, thế hệ sau sẽ kế thừa những tri thức khoa học,
kinh nghiệm sống và chuẩn mực đạo đức, v.v., của thế hệ đi trước. Như vậy
theo quan điểm duy vật, chỉ xét về mặt thể xác thôi thì cũng đã thấy chết
không phải là hết. Loài người là một dây chuyền vô tận của vô số những thế
hệ nối tiếp nhau, mỗi thế hệ là sự phủ định và kế thừa những thành quả
phát triển của cơ thể và ý thức của tất cả những thế hệ đi trước. Thế hệ
trước để lại mầm sống cho thế hệ sau; thế hệ sau là sự nối tiếp sự sống
của thế hệ trước. Cho nên, việc chuẩn bị và chăm lo về mọi mặt cho thế hệ
sau cũng chính là vì sự bất tử của con người.
- Sự bất tử tương đối của cá nhân còn được thực hiện thông
qua những việc làm tốt, những tấm gương hy sinh, bằng những sự
nghiệp và công trình đóng góp vào sự giải phóng con người, vào sự phát
triển văn hóa và văn minh nhân loại. Ở đây “có cái chết hóa thành bất tử”.
- Sự bất tử tương đối của cá nhân còn thể hiện ở sự
tồn tại lâu dài của một người đã chết trong ký ức của nhiều thế hệ mai
sau. Một người chỉ thật sự chết khi hoàn toàn không còn tồn tại
trong ký ức của người sống.
Lý luận về sự bất tử tương đối của cá nhân có một ý nghĩa đạo
đức rất sâu sắc. Nó không chỉ bác bỏ ảo tưởng sự bất tử của cá nhân theo quan
niệm tôn giáo mà khắc phục được quan niệm tầm thường coi cuộc sống của con
người chỉ ngắn ngủi trong mấy chục năm và cái chết là sự chấm dứt hoàn toàn sự
tồn tại của một cá nhân. Nó có vai trò thúc đẩy hành vi đạo đức của con người ở
những khía cạnh sau đây:
- Trách nhiệm, nghĩa vụ của con cháu, coi như sự báo hiếu đối với tổ tiên là chăm lo cho sự
bất tử của các thế hệ đi trước bằng những việc làm thiết thực như việc bảo
quản phần mộ người quá cố, những kỷ vật của người chết để lại; việc thờ
cúng, tổ chức kỷ niệm ngày sinh, ngày giỗ của tổ tiên v.v., là những việc
làm mang tính nhân đạo rất sâu sắc của nhiều dân tộc trên thế giới. Đối
với những người đã hy sinh cho Tổ quốc trong các cuộc đấu tranh giải phóng
dân tộc, chúng ta có trách nhiệm làm cho công lao, chiến công của họ trở
thành bất tử.
- Chăm lo cho con cháu cũng là chăm lo cho sự bất tử của
chính chúng ta. Do vậy, sự nghiệp trồng
người, giáo dục con cháu trở thành những người kế tục sự nghiệp của các
thế hệ đi trước cũng là một việc làm thiết thực không chỉ vì lợi ích chung
mà còn vì lợi ích riêng của mỗi cá nhân. Ở đây có sự thống nhất giữa mục
đích, lợi ích chung với mục đích, lợi ích riêng.
- Mỗi cá nhân bằng lao động sáng tạo và sự hy sinh của
mình đóng góp vào sự phát
triển của cộng đồng và nhân loại sẽ để lại tiếng thơm trong lịch sử.
Tóm lại, mong muốn bất tử là tâm lý chung của mọi người, trên cơ
sở đó các tôn giáo đưa ra những quan niệm có tính chất ảo tưởng về sự bất tử
của cá nhân thông qua con đường tu luyện. Ngay nay, khoa học và triết học đã
đem lại một cách giải thích đúng đắn vừa phù hợp với ước vọng của mỗi người,
vừa có tính hiện thực và mang một ý nghĩa đạo đức rất cao so với quan niệm tôn
giáo đã từng tồn tại trong lịch sử.
Tài liệu tham khảo
(1) Tòa Tổng Giám
mục Thành phố Hồ Chí Minh, Kinh thánh trọn bộ Cựu ước và Tân ước, Nxb Thành phố
Hồ Chí Minh, 1998, tr. 2306.
(2) Theo báo Gardien, thứ bảy, ngày 12 tháng 1 năm 2002
(3) Carl Sagan, The Demon-Haunted World (1996),
http://www.positiveatheism.org/hist/quotes/sagan.htm
(4)Albert Einstein the Human Side, Helen Dukas and Banesh Hoffman, eds., Princeton University Press, 1981, p. 39.
http://answers.yahoo.com/question/index?qid=20080308074844AA9yhPY
(5) Out of My Later Years, Philosophical Library, New York, 1950.
http://www.positiveatheism.org/hist/quotes/einstein.htm
(6)Albert Einstein, quoted in Madalyn Murray O'Hair, All the Questions You Ever Wanted to Ask American Atheists (1982) vol. ii., p. 29
http://www.positiveatheism.org/hist/quotes/einstein.htm
(2) Theo báo Gardien, thứ bảy, ngày 12 tháng 1 năm 2002
(3) Carl Sagan, The Demon-Haunted World (1996),
http://www.positiveatheism.org/hist/quotes/sagan.htm
(4)Albert Einstein the Human Side, Helen Dukas and Banesh Hoffman, eds., Princeton University Press, 1981, p. 39.
http://answers.yahoo.com/question/index?qid=20080308074844AA9yhPY
(5) Out of My Later Years, Philosophical Library, New York, 1950.
http://www.positiveatheism.org/hist/quotes/einstein.htm
(6)Albert Einstein, quoted in Madalyn Murray O'Hair, All the Questions You Ever Wanted to Ask American Atheists (1982) vol. ii., p. 29
http://www.positiveatheism.org/hist/quotes/einstein.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét