Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Tiếng vọng một dòng sông

Tiếng vọng một dòng sông 

Dương Phượng Toại
… Nhưng rồi, thời gian trôi đi… dòng sông vẫn nằm không, goá bụa giữa đôi bờ. Con người khai thác sông dường như vẫn vô cảm! Lầm tưởng “của trời lộc nước” là vô hạn, người đời cứ vô tâm đi qua dòng sông, cứ vô tâm bơi trên mặt sóng lặn vớt của cải. Đến nỗi bây giờ, trên sông thưa bóng những con thuyền nan nhỏ bé, vắng cả những mảng rong rêu! Đáy sông cạn kiệt cả trứng cá, phôi hà... Đổi lại là màu nước đục ngầu của mọi thứ chất thải dân sinh, chất thải công nghiệp của các nhà máy xi măng, cơ khí, các nhà máy đóng tàu, xưởng đóng thuyền suốt từ sông Đá Bạc qua sông Bạch Đằng đổ vào sông Chanh…
            Sau vụ “Vedan” làm chết sông Thị Vải, tôi bỗng mang mang một tâm trạng nghi hoặc về dòng sông Chanh quê tôi. Chiều nay, thơ thẩn đến một bến nhỏ, tôi gặp một cô gái đứng trên sân một ngôi nhà cũng đang ngắm dòng sông. Có lẽ cô ở nơi khác đến nên mới có vẻ mải mê như thế? Tôi chào làm quen. Không ngờ, đấy là cô bé Thuỷ trong đám trẻ chèo đò những năm xưa…
            Ngày ấy, tôi biết Thuỷ, vì thường đi đò thuyền nan của em để sang sông kịp giờ ô tô đi Hồng Gai, Cẩm Phả... Được chuyến phà sang sông, khách thường phải chờ mất hàng nửa giờ. Những ai đi vội phải xuống đò nan do những đứa trẻ chèo “chui”. Qua những chuyến đò chui, tôi được biết hoàn cảnh éo le của Thuỷ: Mồ côi bố, mới bẩy tuổi đầu Thuỷ đã phải làm nhiều việc để đỡ đần giúp mẹ nuôi hai em nhỏ và chính mình ăn học. Em bảo mẹ mua một chiếc thuyền nan cho em chèo đò kiếm thêm, mới qua được những ngày đầy rẫy khó khăn. Thuỷ chèo đò rất thành thạo và cẩn thận, nên bao giờ đò nan của em cũng nhiều khách hơn. Hôm nào em cũng xấp mái chèo từ ba giờ sáng đón những người đi chợ sớm. Tối lại chở và chờ khách đi chơi phố huyện về, nhiều khi đến quá nửa đêm. Tuổi thơ như cánh chim bay qua bến nước. Bây giờ Thuỷ là cô sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Như người mộng du đứng bên sông, Thuỷ bảo tôi:
           -Chú ạ! Sông Chanh là đứa con bên nách mẹ Bạch Đằng giang! Cháu đã có dịp đi qua những dòng sông đồng bằng Bắc Bộ, nhưng thấy sông Chanh quê mình vẫn đẹp hơn?
           -Vì cả quãng đời tuổi thơ Thuỷ đã gắn bó với sông! Người quê mình, ai cũng có một khúc sông để nhớ!


           -Phải đấy chú ạ! Nhờ dòng sông này mà cháu lớn lên, vào được trường Đại học. Chú thấy không, sông chảy vệt xanh, vệt hồng, mơ màng như dải lụa phơi dưới mây trời. Cháu nghĩ, thời xa xưa chắc có bàn tay vô hình nào đó của Đấng Tạo Hoá đã đặt xuống đây một bức tranh sơn thuỷ hữu tình!… Đang nói say sưa, Thuỷ bỗng ngập ngừng: Nhưng cháu lo… rồi đây sông sẽ xấu đi như sông Thị Vải và các dòng sông khác mà báo chí đang lên tiếng thì thật buồn! Cảm phục cô gái quê “rất tâm hồn” với trí tưởng tượng phong phú, tôi nhìn ra phía xa đầu sông tới cuối sông: Quả thật dưới dòng sông này cũng đang tiềm ẩn bao nỗi lo!
           Vùng đất Yên Hưng không khác gì một cái nậm rượu khổng lồ. Cái nậm rượu ấy, cổ thắt của nó là dòng sông Chanh buộc lại giữa bầu nậm là thị trấn Quảng Yên cùng các làng xã khu Hà Bắc; còn chót mũi Đầm Bầu đảo Hà Nam là cái miệng nậm dúi xuống muốn vục đầy nước biển Đông-một thứ rượu mặn mòi muôn thuở nuôi sống bao thế hệ cư dân. Sông Chanh chảy dài hơn hai chục cây số, để rồi lại gặp màu phù sa hồng hào của sông cái Bạch Đằng hội thuỷ ngoài cửa Nam Triệu, Cát Hải, Cát Bà… Ra được đến đó, dòng sông đã chảy hết mình, dâng hiến cho con người đôi bờ không biết bao nhiêu thứ của cải sinh sôi tự trong lòng! Thực ra, người xưa gọi sông Tranh. Bởi phong cảnh sông nước, núi đồi, làng mạc nơi đây đẹp như tranh vẽ. Đứng bên bờ nam nhìn Bến Ngự, thị trấn Quảng Yên xinh xắn nằm tựa vào chân núi Tiên Sơn, xa nữa là đỉnh Yên Tử in trên nền trời… ai cũng dễ dàng cảm nhận thấy khoảng sông nước này như một bức tranh lụa. Dần dà dân gian gọi lỏng tiếng “Tranh” thành tiếng “Chanh”. Sông Tranh thành sông Chanh. Và cứ thế, Sông Chanh đi vào lòng người, đi vào thơ ca, nhạc hoạ và cả các văn bản nhà nước một cách hồn nhiên!
            Sông Chanh là dòng chảy tiếp sức của sông Bạch Đằng. Truyền thống lịch sử và văn hoá tiếp tục “lưu thông tích thuỷ” từ bao thời trận mạc đến những thời bình “an dân kiến quốc”. Chặt gỗ đẽo thành cọc cắm xuống lòng sông, đan thành chuồng, hướng mũi sắc nhọn ngược về phía dòng chảy để đón lõng hàng ngàn thuyền chiến của đạo thuỷ binh Nguyên Mông vào trận đồ để tiêu diệt; quân dân nhà Trần đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng mùa xuân Mậu Tý 1288. Chiến thuật cắm cọc vẫn còn là một bài học áp dụng vào đời thường của cư dân khi trị thuỷ các dòng sông, lạch cái. Đó là cách cắm cọc, cắm chẫy tre hoặc gỗ, đan chuồng, đan rọ thả xuống chắn sức nước để hợp long, nối liền các con đê khai hoang lấn biển. Con người của sông nước bao giờ cũng truyền lại cho nhau những mưu lược, kế sách chống chọi với giặc giã, thiên tai để toàn vẹn giang sơn, tồn tại giống nòi và cuộc sống... Mới nghĩ vậy thôi, chúng tôi, những đứa con của vùng sông nước này đã thấy đời mình gắn bó với sông quê da diết đến nhường nào!
            Sông Chanh là nơi đám trẻ chúng tôi, cũng như cô bé Thuỷ, bồng bềnh trên sóng những giấc mơ. Mới sáng nọ ra bến đò, ra cồn đá chơi gấp giấy thả thuyền, có đứa lấy hẳn cái mo mực trắng phau, cắm chiếc lá đa lên làm cánh buồm thả xuống dòng sông. Mới chiều nào lùa trâu bơi qua sông, lưng trần mục đồng khét nắng, mang cả những giọt muối mặn mòi đọng óng ánh trên da mặt vào lớp học đình làng… Thoắt chốc, chúng tôi đã là những chàng ngư phủ, thuỷ thủ phanh ngực với xa khơi; những chàng sinh viên vào cửa trường đại học; những chàng lính đặc công nước ém mình dưới các dòng sông, cửa biển phương Nam chờ giặc tới… Tôi lại chợt nhớ: Chính dòng sông này Nguyễn Công Bao, bạn học của tôi thời trường làng Đình La từng bơi lặn suốt tuổi thơ. Anh đã trở thành người lính anh hùng “đặc công Rừng Sác” thời chống Mỹ: một đêm mùa đông tháng 12-1973 anh và đồng đội đã đốt cháy kho xăng Nhà Bè bên sông Lòng Tàu-Sài Gòn của địch. Đến với mọi miền đất nước, tất cả chúng tôi đều ra đi từ bến sông quê. Ngày trở về, không thể đủ đầy bầy bạn chơi ngày trước. Mỗi cơn mưa rào trút xuống là mỗi lần ngọn măng tre bóc vỏ. Mỗi mùa măng bên sông là mỗi lần lớn lên từng trang lứa tuổi thơ… Các cô gái qua sông lấy chồng làng bên, áo trắng như mây sa trên mặt sóng. Và những con thuyền giấy bỏ quên, không biết đã tấp vào những nơi đâu? Chỉ còn dòng sông ở lại ôm lấy bờ bãi quê hương, tiếp tục vỗ về, hát ru các bé thơ, như một điệp khúc muôn đời! Chúng tôi tự hào còn là lớp người được chiêm ngưỡng những cánh buồm gắn bó với sông, từ lúc vạt vải nâu hồng nắng ban mai đến khi bạc phếch trong cơn giông trở về với bến quê. Để bây giờ còn rân rân cảm giác của nỗi nhớ cánh buồm khi nó không còn hiện hữu trên sông. Liệu bao giờ dòng sông có lại những cánh buồm như những giọt nắng lúc gần, lúc xa xôi? Mỗi lần ra sông với những hoài niệm, tôi lại hỏi dòng sông như vậy! Vùng quê tôi, hai bên bờ sông bây giờ sôi động những lán xưởng đóng tàu, thuyền. Những con thuyền, những con tàu hàng trăm hàng nghìn tấn liên tiếp hạ thuỷ ra với đại dương. Nhưng sao tôi vẫn mong ước có lại những con thuyền gỗ vươn cánh buồm vải nâu sồng dân dã để du lịch, ruổi rong trên sông nước đầy gió và trăng! Đến những năm 70 của thế kỷ XX, cá heo từ ngoài vịnh Bắc Bộ vẫn bơi từng đàn vào sông Chanh nhào lộn khoe những cái bụng trắng xoá rất ngoạn mục trước Bến Ngự và theo sau những con thuyền vận tải ngợp cánh buồm nâu… Nhưng Bến Ngự nay là bến cá ồn ào và tanh tưởi như một bến chợ bên sông. Hình ảnh cá heo “làm xiếc” giờ không còn nữa. Tiếc nuối lắm thay! Chả lẽ cuộc sống tốc độ cứ vô tư lao đi, đẩy những gì thân thiết của dòng sông vào quá vãng, nhưng lại để cho dòng sông những vệt dầu loang, những vùng xoáy đục ngầu?
  Sông quê như lòng mẹ lặng thầm hồi môn cho những đứa con của cải. Thuở học trò, nghe thầy giáo giảng bài về những dòng sông, kênh rạch đồng bằng Nam Bộ, cá tôm nhiều như trong chậu, chúng tôi thường ra bãi sông Chanh lội ngập chân trong phù sa ướt nháng và bảo nhau: hình như sông nước quê mình cũng đâu có kém! Mùa nước nổi lênh láng những cánh rừng ngập mặn ven đê, từng bầy cá đối nhòng nhảy lao xao như cơn mưa bóng mây chạy ào ào. Những vàng lưới rụi của dân làng Cẩm La, Đồng Cốc tung trên mặt nước kéo theo tiếng hò, tiếng cười sóng sánh cả một khúc sông. Ngoài xa kia, từng dàn đáy của dân làng Quỳnh Biểu bày rải ran như trận đồ đón những bầy cá tôm từ ngoài thềm vịnh Bắc Bộ theo thuỷ triều vào ăn nơi cửa sông, vụng bãi. Quỳnh Biểu một thời nổi tiếng Hợp tác xã nghề cá Quyết Tiến là “Lá cờ đầu ngành ngư nghiệp toàn miền Bắc”. Nơi đây có lò mắm duy nhất ở Quảng Ninh hồi đó; hàng năm sản xuất hàng triệu lít nước mắm ngon không kém nước mắm Cát Hải, Phú Quốc.
  Tôi vẫn còn nghe rất rõ tiếng cá bống đớp tom tõm dưới tán rừng sú vẹt, mắm, đước… cùng tiếng tôm búng xôn xao mặt nước đêm trăng. Dòng sông lăn tăn như được dát lên muôn vàn những vẩy vàng, vẩy bạc. Đây đó bên các ghềnh đá nhô lên mặt sông, nơi người ta đặt những ngọn tháp (thường gọi là những cây bù lù) đốt những ngọn đèn báo hiệu giao thông đường thuỷ… thấp thoáng những con thuyền nhỏ nổi rõ tấm lưng cong của những lão ngư ngồi câu cá. Lúc bấy giờ tôi bắt đầu hiểu: Thì ra những bức vẽ thuỷ mạc nguệch ngoạc, chấm phá trên những nậm rượu, bát đĩa sứ cổ mà cha tôi thường đem ra bày cỗ đều bắt nguồn từ cảm hứng các dòng sông! Và không hiểu sao tôi lại nghĩ: ông Lã Vọng chắc cũng từng câu cá ở dòng sông quê tôi? Cha tôi bảo: Trời phú cho dân vùng ta sông nước, đất bãi triều. Ngay từ thuở ban đầu tổ tiên ta đặt chân lên đây, con người đã sinh ra nhiều tài trí, lắm hoa tay! Để bắt được con tép, con ốc, con cua, người ta nghĩ ra cái vó, cái giỏ, cái giọng. Muốn bắt con cá, con tôm, người ta biết chuốt nan nứa, nan tre đan cái lờ, cái đó; biết se sợi gai kết cái lưới, cái te... rồi ông kể một loạt những ngư cụ đánh bắt cá tôm của người dân trên đất bãi triều. Gia ổ nhà tôi có cha con cụ Xã Xìn, anh em ông Lục Bân giữ nghề đánh “dể” hằng mấy đời. Cái nghề thật kỳ lạ: chỉ cần đóng hai chiếc thuyền dài và hẹp, quét vôi trắng lên mạn gỗ thành cặp dể đi sóng đôi xòe ra như hai lưỡi kéo, chèo thật nhẹ nhàng. Bầy cá kìm, cá đối đang ăn nổi thấy động, thấy lóa mắt, cứ thế nhảy lao xao vào dể như sao sa. Có những nước gặp bầy cá lớn nhảy đầy dể, người ta phải chèo chạy vì sợ đắm.
            Thuở bé nghe mẹ hát ru: “Con cá kìm bông mắc phải lưới hồng…” tôi liền hỏi thế nào là cá kìm bông? Mẹ tôi giảng giải: “Ngày xưa trai gái đôi bờ sông thường hát đố nhau. Cô gái bên kia sông thách chàng trai bên này sông câu được gánh cá kìm thì đem sang, sẽ lấy làm chồng. Cá kìm chỉ có đánh lưới mới bắt được nhiều, mới bắt được cả đàn đi ăn nổi. Chứ câu từng con một thì đến bao giờ? Bao nhiêu mồi cho đủ? Vậy mà chàng trai đã nghĩ ra cách xé vụn những miếng bông, se thành mồi, xiên vào hàng trăm lưỡi câu, buộc từng hàng dây thả xuống dòng sông. Giống cá kìm lắm răng nhỏ, vừa hé miệng ra đớp, răng đã dính vào bông xua xúa. Chàng trai cứ việc kéo lên…” Người vùng sông mưu mẹo đến thế là cùng! Bây giờ tìm đâu ra cá kìm bông? Và câu hát cũng đã chìm vào xa lắc!
 Bác rể tôi có nghề câu cá vược. Mỗi độ hạ tàn, thu sang là hàng ngày ông cùng bạn câu ra đầu ghềnh, hoặc khi tháo cừ Cống Vông, bắt đầu mùa câu cá vược. Dạo này, nước lũ trên các con sông đổ xuống sông Bạch Đằng, lượn vào sông Chanh, mang theo phù sa, phù du cùng nước mặn dưới biển dâng lên giao nhau thành từng vệt xuôi ngược chảy âm vang cả một vùng bãi. Cá vược hội tụ từng đàn đuổi bắt mồi là những đàn cá con ăn nổi xôn xao trên mặt sóng nhuốm hồng. Ngồi trên chiếc thuyền nan, chờ hồi lâu, thấy động tay, nghe sần sật cuối đầu dây biết là con vược đã cắn câu, ông thong thả kéo vào, từ từ thu khoảng cách, vần cho con vược mệt nhoài. Liệu cơ chắc ăn, ông mới giật đánh phắt một cái. Con vược rất khỏe, giãy đành đạch, nổi óng ánh những vẩy vàng vẩy bạc...
  Dân làng Hưng Học, Yên Trì, Yên Giang còn có nghề đắp cạp. Họ ra bãi ven đê đắp bờ ngăn, đặt những chiếc đó to bằng cái bồ thóc xuống các cửa lạch. Thủy triều dâng, cá tôm vào ăn trong bãi. Thủy triều rút, bãi phơi ra dồn cá tôm xuống thón đó. Chỉ thế thôi cũng đằng đẵng nuôi sống hàng đời người. Dân thôn Vị Khê, Lưu Khê nhìn màu nước róc bãi, nhìn màng đất biết dưới lỗ sâu có con cua, con nhệch, con ngán, con bông thùa... mà móc, mà cuốc lên. Con don, con quéo được nhặt về nơi rơm rạ làm ngọt bát canh rau muống, rau mồng tơi. Thời đó chỉ dúm don, dúm quéo thôi, nồi canh bắc ra khỏi bếp của bà tôi, mẹ tôi đã thơm sánh những chiều quê. Cô tôi, chị tôi lấy chồng ngoài thành phố mỗi lần về chỉ cốt xin âu mắm tôm, hũ mắm cáy, chẳng thể quên những thứ sinh từ đất bãi triều.
Khai thác con hà sú nhỏ nhoi cũng là một nghề kiếm sống. Mỗi lúc nông nhàn, dân xóm Vỏ Hà xã Phong Hải lại ra các bãi sú vẹt ven sông, gạy những vỉa hà dăm bám trên gốc sú dày đặc như những mảng địa y bám thân cây cau. Những con hà sú ruột mềm trắng mọng, có thể ăn tươi sống ngay tại chỗ rất ngon lành. Món hà này thường để ăn gỏi với lá đinh lăng, ghém bánh đa có đủ gia vị chua cay, mặn ngọt thật là thú vị. Hoặc nấu riêu với cà chua, thả ngọn rau cần ta, ăn rồi thật khó quên hương vị quyến rũ của ẩm thực xứ quê. Lại còn món hà cồn (một loại hà ruột to, rất bổ dưỡng, sống bám thành quần thể nhờ vào những tảng đá dưới đáy sông). Mới độ chục năm trước, từng tốp thuyền nan của dân khai thác hà cồn buông rải ran như lá tre rắc trên sông. Người ta thường lấy hơi lặn xuống đáy sông, bê những chầng hà bám tua tủa quanh tảng đá, quẳng lên thuyền, đem vào bờ ghè lấy ruột. Sau này họ nghĩ ra cách lắp cào sắt có cán tre dài, đứng trên thuyền để cào. Mỗi ngày, hàng đống vỏ hà cồn, hàng đống đá vứt bừa bãi trên bờ sông. Hàng nghìn gánh ruột hà cồn gánh về các chợ làng, ngõ phố. Nhiều người nên cơ nên nghiệp, được mũ cao áo rộng nhờ dòng sông. Vậy mà chẳng ai nghĩ đến cái việc thật đơn giản: ném hòn đá trở lại đáy sông cho loài hà có chỗ bám để tiếp tục sinh sôi. Một thời nghe nói có một dự án của chuyên gia nước Úc giúp xây dựng, cải tạo dòng sông này để nuôi hà cồn xuất khẩu. Nhưng rồi, thời gian trôi đi… dòng sông vẫn nằm không, goá bụa giữa đôi bờ. Con người khai thác sông dường như vẫn vô cảm! Lầm tưởng “của trời lộc nước” là vô hạn, người đời cứ vô tâm đi qua dòng sông, cứ vô tâm bơi trên mặt sóng lặn vớt của cải. Đến nỗi bây giờ, trên sông thưa bóng những con thuyền nan nhỏ bé, vắng cả những mảng rong rêu! Đáy sông cạn kiệt cả trứng cá, phôi hà... Đổi lại là màu nước đục ngầu của mọi thứ chất thải dân sinh, chất thải công nghiệp của các nhà máy xi măng, cơ khí, các nhà máy đóng tàu, xưởng đóng thuyền suốt từ sông Đá Bạc qua sông Bạch Đằng đổ vào sông Chanh. Ngành thuỷ sản ở Yên Hưng tưởng đang trên đà tiến nhanh của một mũi nhọn kinh tế bỗng dưng mấy năm nay chững hẳn. Nhìn mặt mũi các chủ đầm ủ dột vì các mùa tôm liên tiếp thất bát tràn lan trên thuỷ diện ngót 10 nghìn ha mà chua xót. Dự án trọng điểm 150 ha nuôi tôm sú của làng cửa biển Hà An cũng đành “đóng váng”… Biết là đau mà chịu bó tay!
           Tôi và Thuỷ vẫn mê miết đứng bên sông. Thuỷ vẫn thì thầm chưa nguôi niềm tâm sự: -Cháu rất khao khát mình sẽ làm được một việc gì đó cho sông. Tỷ dụ như sẽ thành công một luận án về cải tạo, giữ gìn, bảo vệ môi trường sông nước vùng duyên hải quê ta…
           -Ừ! Hay đấy! Thế hệ của Thuỷ tin rằng sẽ làm được nhiều việc tốt đẹp cho dòng sông quê đầy ắp của cải và thơ mộng như ngày xưa! Suốt hôm đó tôi cứ bâng khuâng mãi về hình ảnh những con sông chảy trong đời người, trong đó có con sông Chanh chảy qua đời tôi, đời Thuỷ và sẽ còn chảy tiếp vào các thế hệ mai sau. Nếu cõi thế gian này không có những dòng sông, thì con người và vạn vật sẽ ra sao? Làm gì có châu thổ sông Ấn, sông Hằng, làm gì có vùng rừng Amazôn kỳ lạ, làm gì có nền văn minh lúa nước sông Hồng, cú cõu hỏt quan họ “Sông Cầu nước chảy lơ thơ...”, có điệu “Lý con sáo”, “Lý kéo chài” vùng Cửu Long bát ngát?          
    Tôi giật mình. Hình như trong gió có tiếng vọng:
   -Ta là Thần Sông! Hỡi Con Người đã bao đời uống ngụm nước, ăn con cá con tôm, ăn hạt gạo đậm phù sa của Ta! Sông Chanh cũng đang rỗng cả ruột rồi!... Ai cũng muốn giàu có. Nhưng đừng làm chết thêm một con sông!

         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hỏi hay Ngã Những ai trong chúng ta hiện đang đi trên đại lộ me mé bên cạnh hoàng hôn của cuộc đời, tức là gần cuối con đường số 5, ng...