Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2025

Lời thanh xuân trong "Trái tim thì thầm"

Lời thanh xuân
trong "Trái tim thì thầm"

Phạm Thị Hồng Thu đến với thơ khá muộn, khi đã qua tuổi trung niên. Ở tuổi này, chính thơ là thứ biệt dược hồi xuân, giúp tâm hồn chị thoát khỏi sự già nua cằn cỗi, trẻ hóa trở lại như thời thiếu nữ. Như tự sự của chị:
“Bước chân vào làng thơ
Khi đời đà xế bóng
Ước lang thang bể rộng
Ham con sóng vẫy vùng”.
(Tâm tình).
Thơ quả là phép màu huyền nhiệm giúp đổi thay mỗi con người, để cải lão hoàn đồng:
“Ta đổi thay ta
Bằng trò con chữ
Buồn vui nếm đủ
Thỏa sức phơi bày”.
(Trò chơi con chữ)
Khi nghỉ hưu tưởng sẽ nhàn rỗi, nhưng trót vướng vào “con chữ như bùa/ Mải mê tìm kiếm”, khiến chị bận bịu “Hồn ngỡ chơi rông/ Nào ngờ tất bật”. Nhưng chỉ coi thơ chỉ là trò cơi, là cuộc chơi chứ không phải nghiệp, nên không cần phải lao tâm khổ tứ, không sợ sự bình phẩm chê bai:
“Chẳng sợ chê bai
Không có lợi lộc
Mà đêm trằn trọc
Mà ngày lơ ngơ”
(Trò chơi con chữ)
Dẫu chỉ là cuộc chơi với con chữ, nhưng thơ của Phạm Thị Hồng Thu có nhiều bài đáng đọc. Đơn cử, Tóc bà là một thi phẩm rất hay. Ở đó, Phạm Thị Hồng Thu ca ngợi mái tóc đẹp của người bà bằng những hình ảnh đời thường nhưng cũng rất đỗi lung linh:
“Một thời tóc chạm cầu ao
Để bao ánh mắt xé rào xuýt xoa”
Không cần miêu tả hình ảnh mái tóc màu đen huyền, mượt mà tha thướt, nhưng ta được chiêm ngưỡng người phụ nữ một thời có mái tóc vô cùng đẹp, từng làm say đắm bao nhiêu chàng trai. “Để bao ánh mắt xé rào” là chi tiết rất đắt. Ánh mắt xé rào là ánh mắt nhìn trộm từ nhà hàng xóm liếc sang qua hàng rào ranh giới giữa hai nhà và giấu trong đó là sự ngưỡng mộ, là niềm ao ước, là tình yêu đơn phương không dám bày tỏ, chỉ lấm lét, len lén. Xé rào cũng là một từ độc lạ, hàm ý chỉ sự vượt ngưỡng cho phép, vượt qua khoảng cách. Yêu thích mà không dám bày tỏ, mới lén lút nhìn mà cũng đã bị coi là xé rào vượt giới hạn. Vậy thì đố ai biết ngưỡng giới hạn được coi chưa xé rào là gì? Mong manh thế mới là thơ!
Bài thơ có rất nhiều câu hay:
“Tóc hong dưới ánh trăng ngà
Dập dờn sóng tóc bay xa cổng làng”.
Nhưng hay nhất có lẽ là câu thơ miêu tả vẻ đẹp huyền ảo mái tóc của người phụ nữ khi đã ở tuổi xế chiều. Thi nhân không vẽ lên hình ảnh tóc bạc, tóc trắng như thường thấy, mà đưa cái vấn tóc biến thành mây trắng, thì thật ảo diệu:
“Một đời gieo cấy giần sàng
Vành khăn vấn tóc nhuộm sang mây trời”.
(Tóc bà)
Đi vào cõi thơ của Phạm Thị Hồng Thu, ta gặp rất nhiều người phụ nữ: từ người bà, người mẹ, người vợ… và cả bản thân tác giả. Hình ảnh người mẹ ở thế giới bên kia hiện về trong nỗi nhớ khắc khoải của thi nhân thật da diết:
“Má ơi!…
Khói nhang quấn quyện lối về
Hư hư ảo ảo nón mê bên rào
Chân trần bước thấp bước cao
Má ơi thương quá! Má vào nhà thôi”
(Giỗ Má)
Ở đó, cõi thực và cõi ảo, cõi sống và cõi khác hòa quyện vào nhau, tưởng như hư huyễn, nhưng rất thực, thực từ “Chân trần bước thấp bước cao”, đến “Má vào nhà thôi”. Nhưng thực đến nhói lòng là:
“Nhà xưa đã bán đi rồi
Mưu sinh con phải lần hồi xa quê”.
(Giỗ Má)
Đó cũng chính là nỗi niềm trăn trở của bao nhiêu cảnh người xa quê, không thể lập bàn thờ đấng sinh thành trên ngôi nhà của cha mẹ từng sống, từng nuôi mình lớn lên. Bởi vậy, phải đem theo trong hành trang là nỗi nhớ quê, gồng gánh tâm linh trên hành trình lập nghiệp nơi xứ người. Ở đó, hình ảnh tuổi thơ, quê hương luôn cồn lên trong ký ức.
Những điều đã xa luôn đẹp đẽ vô cùng và day dứt cũng vô tận:
“Ao quê giữ mảnh hồn làng
Thoảng nghe trong gió bàng hoàng nôn nao
Em say giặt áo cầu ao
Sóng mừng môi thắm má đào đẹp duyên
Giờ quê lên phố rập rình
Lần hồi cóp nhặt bóng hình ao quê”
(Ao quê)
Vầng trăng quê hình cánh diều, cánh diều hình vầng trăng khuyết giữa trời quê thơ ấu cứ mãi lơ lửng trong hồn người xa xứ, rớt cả vào chén nước thực tại:
“Cánh diều
lơ lửng
ngoài sân
Rớt vào
ly nước
cháu cầm
uống chơi”
(Trăng khuyết)
Để rồi, quê hương luôn đau đáu khắc khoải giữa cơn xoay vần của đoạn trường mưu sinh:
“Vài trăm cây số đâu xa
Công việc bề bộn hóa ra chẳng gần
Bờ ao đom đóm quên dần
Miếng cơm manh áo xoay vần mẹ ơi!”
(Về quê)
Vượt qua tất cả những gian nan ấy, ta gặp một phụ nữ làm thơ khi đã ở tuổi vừa qua trung niên, trẻ thì đã qua, nhưng già thì chưa tới, với những xúc cảm xáo trộn vừa như người mới chập chững vào tuổi yêu, nhưng cũng đã quá chín trong tình yêu.
Ở đó, ta vẫn gặp trong tâm hồn Phạm Thi Hồng Thu cái sự ngúng nguẩy của thiếu nữ mới lớn:
“Trả lại em
quả môi đào mát mẻ
da căng hồng, cặp mắt ngọt hơn dao
Trả lại em
tất cả em đã trao
Em đòi đấy, ứ muốn cho anh nữa!”
(Trả lại em)
Thế mới biết khi người đàn bà yêu, dù ở tuổi nào, thì cảm xúc cũng ú tim, cũng ngúng nguẩy trẻ con. Nhưng, đó chỉ là vẻ bề ngoài, thực chất ẩn sâu trong trái tim của người đàn bà yêu khi đã đi qua tuổi trung niên không chỉ là sự lãng mạn, mà có cả những điều trải lòng đến đáy sự thật, sự đời. Đó là những âu lo cơm áo gạo tiền, đó là những khi buồn nẫu ruột nhưng vẫn phải cố tự làm cho mình tươi tắn:
“Trả cho anh
những ngày tháng âu lo
buồn nẫu ruột và cười trong nước mắt”
(Em trả hết)
Và, đó là sự thật phũ phàng không còn ảo tưởng về nhan sắc, không còn bấu víu vào sự xinh đẹp của tuổi trẻ. Người đàn bà đã dám chấp nhận những mảnh vỡ, những nét rạn của cuộc đời mình:
“Nàng nhặt mảnh gương
giật mình soi kỹ
Một khuôn mặt lạ
Nàng nhặt những gì còn sót lại sau mấy chục năm
mê dại
Mặc những vết hằn khó cải”.
Người đàn bà yêu ở tuổi xế chiều, quyết “Trả cho anh/ cặp môi khô mặn chát/ da xù xì, mí sụp mắt hõm sâu”. Để rồi:
“Trả cho anh
hiện tại và mai sau
Em trả hết chỉ xin anh quá khứ”.
(Em trả hết)
Để chấp nhận cuộc trả và xin, buông và giữ lệch pha đến độ chua chát ấy, là kết quả của sự trải nghiệm bằng năm tháng bền bỉ chắt chiu từng giọt hạnh phúc, từng giọt đắng cay, khi nữ thi sĩ tự phác họa mình:
“Em
người đàn bà
chắt chiu từng gam hạnh phúc
vá từng giây rạn nứt vết thương lòng
Em
người đàn bà
giam mình trong bóng đêm
gặm nhấm những nỗi đau không tên”.
(Em)
Những nỗi đau không tên là tất cả những gì mà mỗi con người thu hoạch được trong những hành trình gieo gặt cuộc đời, với bao nhiêu vết thương lòng cần phải bền bỉ hàn vá hàng ngày để có được hạnh phúc cuộc đời mình. Từ những trải nghiệm gian nan chăm chút và gìn giữ hạnh phúc ấy, nữ thi sĩ Phạm Thị Hồng Thu đã tự lập trình cho mình con đường tình yêu:
“Chẳng biết tự bao giờ em lập trình cho trái tim em
Đúng quỹ đạo và chưa hề chệch hướng
Ngoài xa kia có ầm ào sóng lớn
Ở trong này giữ nhịp đập bình yên”
(Lập trình trái tim)
Trong tập thơ Trái tim thì thầm, những hình ảnh hạnh phúc nhất, ấn tượng nhất lại niềm vui đời thường bên người thân. Nhiều bài thơ viết về cuộc vui với cháu của mình tạo nên những say mê chân thật, rất giản dị, nhưng rất đẹp:
“Đâu phải xa cách ngàn trùng
Ngày ngày bà vẫn đùa cùng cháu đây
Thả hồn lên tận cung mây
Cười như nắc nẻ ngất ngây cõi lòng”.
(Vui với cháu)
Ở đó, không phải hình ảnh bà kể chuyện cổ tích cho cháu nghe như thời xưa, mà là câu chuyện rất mới: cháu dạy bà sử dụng điện thoại smartphone, dạy bà lướt Facebook, dạy bà đăng thơ lên mạng:
“Dù cho công nghệ mênh mông
Thỏ rất điệu nghệ còn mong giúp bà
Học trò già bỗng vỡ òa
Khó mà vui thế ngỡ là đang mơ”.
Bà già bỗng trở thành học trò, như trở về thuở ấu thơ phải học những bài học khó, nhưng đó mới thực sự là hạnh phúc vượt xa cả giấc mơ. Từ đứa trẻ ấu thơ nay đã thành người bà, lại được quay trở về tuổi thơ theo một vòng tròn cuộc đời, hạnh phúc ấy cũng đủ khiến tác giả “nghiện”:
“Mong ngày mau tới
Chiều nhanh nhá nhem
Để bà đã thèm
Chuyện trò với cháu”
(Nghiện cháu)
Đọc trong tập Trái tim thì thầm, ta gặp một số bài thơ viết về đề tài chống dịch Covid-19, một vấn đề rất thời sự hiện nay. Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, phần lớn những bài thơ viết về đề tài này của Phạm Thị Hồng Thu còn nhàn nhạt, chưa có sự đầu tư kỹ lưỡng về cấu tứ, câu chữ. Tuy vậy, vẫn có thể lọc ra những câu thơ hay, đáng để đọc.
Trong bài Hành hương, tác giả chỉ cho ta thấy cuộc hồi hương rời bỏ thành phố của dòng người mới diễn ra trong năm qua, đã để lộ những góc tối của của những phận người xa quê mưu sinh nơi thành thị:
“Bỏ quê vào phố bao năm
Ngỡ rằng thay đổi tối tăm phận nghèo
Ai dè bám đuổi gieo neo
Vài đồng bạc mọn bay vèo còn đâu”.
Hình ảnh những trẻ thơ ngơ ngác phải theo cha mẹ trên hành trình thiên lý hồi hương, từng đêm phải nằm ngủ vạ vật trên đường với màn trời chiếu đất khiến ai cũng phải day dứt. Hình ảnh của người mẹ được nữ thi sĩ diễn tả rất thực và rất đỗi cảm động:
“Bốn mẹ con phải đạp xe về quê
Ôi thương quá, không thể kìm nước mắt
Mẹ tai biến, ở thuê, việc lại mất
Cả mười ngày nằm đất, thật là thương
Bao mảnh đời nghèo khổ phải tha hương
Nay dịch bệnh cắt mọi đường sinh kế
Một bữa cầm hơi, kéo dài e không thể
Thật xót lòng, khổ quá đồng bào ơi!”
Năm vừa qua, ai cũng đã quen với những giãn cách xã hội, phong tỏa chống dịch. Mượn mệnh lệnh phong tỏa, tác giả Phạm Thị Hồng Thu nói về nỗi niềm kìm nén trong thẳm sâu tâm cảm. Đó là sự trói buộc, là vòng kim cô mà mỗi con người từng đối mặt, nhưng chẳng phải người khác trói buộc mình, mà tự mỗi người có những lúc phải biết tự trói mình:
“Tôi phong tỏa tôi
vòng kim cô tạo ra tự bao giờ không rõ
mặc trăng mơn man dẫn dụ về nơi đó
rối bời
Thời gian thít tôi
dần nghiền vụn một mảnh hồn yếu đuối
dần ngẩn ngơ không đầu không cuối
nát nhừ
Tôi phong tỏa tôi
trong bong bóng cuộc đời hờ hững
trong thăm thẳm đêm đen ghìm chặt
tôi với tôi”.
(Phong tỏa)
Vượt qua những nỗi đau, những kìm nén, những mảnh vỡ và vết rạn đời người, ta luôn tin tưởng về những chiếc khiên hy vọng sẽ đến, để chở che để hồi sinh để lắng đọng những giá trị cuộc đời:
“Chiếc khiên hy vọng
hồi sinh sự sống
ngọt ngào lắng đọng
Em vắc xin
tạo niềm tin”.
(Chiếc khiên hy vọng)
Bất kỳ nỗi đau nào cũng cần có vắc xin để hóa giải. Và bất kỳ ai khi kiên trì hy vọng và cần cù kiếm tìm, chắc chắn sẽ tạo ra được vắc xin để chữa lành những nỗi đau của riêng mình. Nữ thi sĩ Phạm Thị Hồng Thu hy vọng và tin tưởng. Tôi cũng hy vọng và tin tưởng. Tất thảy chúng ta đều hy vọng và tin tưởng sự hồi sinh nhất định sẽ đến để lắng đọng những giá trị cuộc đời.
9/1/2022
Chu Minh Khôi
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phiếm luận về thân phận đàn ông

Phiếm luận về thân phận đàn ông Cho đến đầu thế kỷ thứ 21, thì trên địa cầu con người vẫn còn đúng như "con người" đã tự xếp hạn...