1.Về bản sắc văn hoá dân
tộc.
Mỗi dân tộc đều có một tiếng nói riêng, một cốt cách riêng được phản ánh
thông qua những giá trị tinh thần và vật chất cụ thể, đó là bản sắc văn hoá
truyền thống của dân tộc đó.
Chúng ta đều biết, không
ai có thể phủ nhận được giá trị lịch sử, giá trị nhân văn của nền âm nhạc dân
tộc, bởi vì không có nó, dân tộc sẽ không thể vượt qua khỏi đêm trường nghìn
năm Bắc thuộc, không thể vượt qua những khúc quanh cam go, khắc nghiệt của
chiến tranh nối tiếp chiến tranh và lịch sử dựng nước và giữ nước của dòng dõi
Lạc Hồng. Đó là các làn điệu hát ru, hát đồng dao, hát giao duyên, hát mừng nhà
mới, mừng được mùa... của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S (Việt Nam).
Đó là các giá trị quí hiếm của sân khấu Tuồng, Chèo, Cải Lương, Ca Huế, các lối
hát Cửa đình, Hầu văn, Quan họ, các điệu Hò - Vè - Ví - Lý đặc sắc của mỗi vùng
đất, đã tạo nên vẻ đẹp lấp lánh, hun đúc nên hồn thiêng dân tộc. Đó chính là ý
chí Việt Nam, tâm hồn Việt Nam qua mọi thời đại, qua mọi thăng trầm mà vẫn giữ
được cốt cách của chính dân tộc mình.
Nói như vậy để thấy
rằng: Trong xu thế toàn cầu hoá, hoà nhập và mở cửa hiện nay, một mặt chúng ta
có điều kiện giới thiệu bản sắc văn hoá nghệ thuật Việt Nam với bạn bè thế
giới, mặt khác, nhiều trào lưu tư tưởng nghệ thuật, nhiều dòng âm nhạc tràn vào
nước ta bằng nhiều hình thức, dưới mọi góc độ, và nhìn chung, chất lượng audio
- video đều tốt hơn chúng ta, giá thành lại hạ. Đây chính là một thách thức với
âm nhạc dân tộc và những người làm công tác âm nhạc tâm huyết với di sản nghệ
thuật của cha ông.
Vậy phải làm thế nào để
gìn giữ vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc trường tồn với thời gian, đồng thời, vẫn
tiếp thu được những tinh hoa của âm nhạc thế giới để làm phong phú thêm đời
sống tinh thần của nhân dân. Tất cả đều phải xem xét trên góc độ hiện thực của đời
sống hiện tại một cách chi tiết, cụ thể, ngõ hầu mới mong tìm được một lối đi
khả dĩ để dư luận và công chúng chấp nhận được.
2. Về đối tượng thưởng
thức.
Phải nói rằng, đa số
thanh thiếu niên - lực lượng thưởng thức đông đảo của xã hội lại ít mặn mà với
âm nhạc dân tộc, ngược lại, họ rất sành các bài hát tiếng Anh của trong các
trào lưu âm nhạc Jazz - Rock - Pop đang thịnh hành hiện nay. Điều này cũng dễ
hiểu, vì trong đời sống hiện đại, các giá trị truyền thống của "Văn hoá
Làng" ngày một rơi rụng theo sự phát triển như vũ bão của khoa học công
nghệ. Như vậy, nếu nhìn nhận một cách phiến diện, người ta dễ lầm tưởng giá trị
của đời sống hiện đại, tỷ lệ nghịch với các chuẩn mực văn hoá, đạo đức truyền
thống dân tộc. Bởi vì ở nơi thành phố rất hiếm khi bắt gặp cảnh mẹ hát ru con,
lại càng khó tìm hơn những trò chơi diễn xướng dân gian, mà ở đó, thanh niên
nam nữ tìm hiểu nhau qua các làn điệu dân ca trữ tình, thâm thuý của cha ông để
nên duyên chồng vợ... Thậm chí, các thiếu phụ ngày nay không biết hát ru (có
người còn ru con bằng cassette), và như vậy, chính họ đã đánh mất đi phần tâm
hồn thiêng liêng nhất trong thiên chức làm mẹ của mình.
Có phải vì âm nhạc dân
tộc không hay, không hợp "gu" thời đại, không phù hợp với tâm sinh lý
tuổi trẻ, khó phổ cập trong đời sống hiện đại? Hay vì thiếu một chính sách, một
phương pháp khả thi? Là những người làm công tác âm nhạc, chúng ta có quyền tự
hào về vốn liếng âm nhạc dân tộc mà cha ông chúng ta để lại. Vì ở đó có đầy đủ
các chuẩn mực nghệ thuật làm cho người nghe rung động, đầy đủ các thể loại cho
từng lứa tuổi cảm nhận, có tiếng nói riêng, đặc trưng riêng của ngôn ngữ âm
nhạc dân tộc Việt Nam đối với thế giới. Và các dân tộc khác sẽ hiểu Việt Nam
một phần qua âm nhạc dân tộc đầy bản sắc của chúng ta. Như vậy, âm nhạc là
tiếng nói thiêng liêng của giống nòi Lạc Việt, là sự sinh tồn, hưng thịnh của
ngày mai. Vậy mà sao thế hệ trẻ hôm nay lại ít thích, thậm chí có người còn
không biết. Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo cho tương lai của nền âm nhạc
dân tộc chúng ta. Sở dĩ có thực trạng như vậy là vì sao?
- Thứ nhất: Chúng ta
chưa nhất quán và triệt để trong các giáo trình và phương pháp giảng dạy âm
nhạc ở các trường phổ thông, các trường đào tạo chuyên nghiệp; Số giờ cho âm
nhạc truyền thống còn ít, số lượng bài bản âm nhạc dân tộc còn khập khiễng,
chưa phù hợp.
- Thứ hai: Trên các phương tiện thông tin đại
chúng như phát thanh, truyền hình, báo viết... chúng ta truyền phát, đăng tải
các bài hát mới, các ca khúc tiếng Anh yêu thích (điều này rất cần), nhưng lại
thiếu chương trình dạy các bài bản dân ca hay và đặc sắc của Việt Nam, thiếu
các chương trình truyền thông, diễn giải về vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống
trên các phương diện như cấu trúc hình thức, ca từ, hoà thanh, hoà tấu dàn
nhạc, và các phương thức diễn trình ca nhạc dân gian...
- Thứ ba: Chúng ta chưa
thường xuyên khuyến khích các hoạt động văn hoá ở làng, cùng các lễ hội, diễn
xướng dân gian, là những nét đặc trưng văn hoá cội nguồn, mà nhờ đó, dân tộc
chúng ta mới tồn tại và phát triển.
3.Về đối tượng gìn giữ -
bảo tồn.
Có thể nói từ đề cương
văn hoá văn nghệ năm 1943, Đảng ta đã rất chú trọng đến vấn đề giữ gìn và phát
huy bản sắc văn hoá dân tộc, đặc biệt là từ khi đất nước mở cửa trong chính
sách đổi mới, các giá trị văn hoá dân tộc đặc biệt được chú trọng dưới góc độ
xã hội hoá, trong đó có âm nhạc.
- Trên phạm vi rộng, âm
nhạc dân tộc vẫn được lưu giữ và phát triển trong dân gian bằng các phương pháp
truyền khẩu, truyền ngón, truyền nghề bởi các nghệ nhân.
- Trên phạm vi hẹp, âm
nhạc dân tộc được bảo tồn do các nghệ sỹ, diễn viên chuyên nghiệp ở các đoàn ca
múa nhạc dân tộc, các viện nghiên cứu, các khoa âm nhạc truyền thống ở các Nhạc
viện... Tuy nhiên, công việc gìn giữ, bảo tồn âm nhạc dân tộc trong cơ chế thị
trường hiện nay là cực kỳ khó khăn, đặc biệt trên nhiều phương diện như trình
độ chuyên môn, sự tâm huyết, gắn bó với âm nhạc truyền thống và cuối cùng là
vấn đề kinh phí! Mặt khác, âm nhạc dân tộc chúng ta luôn luôn có tính dị bản,
do lưu truyền bằng phương thức truyền khẩu, truyền ngón, truyền nghề; bài bản,
làn điệu lại mang tính khuyết danh, do hình thức sáng tạo dân gian tạo nên,
không có tác giả, tác phẩm cụ thể. Mặt khác, lối ký tự âm nhạc dân tộc đến nay
vẫn chưa thống nhất. Hơn nữa, chúng ta chưa khai thác hết khả năng của các nghệ
nhân về các bài nhạc, bản đàn dân tộc, tuổi tác của các nghệ nhân nay đều đã
quá cao. Các "kho tư liệu sống" đó, nếu chúng ta không khai thác
nhanh, khai thác khéo, sẽ là một thiệt thòi lớn cho nền âm nhạc truyền thống
Việt Nam.
Một thực trạng khác cũng
không lấy gì làm phấn khởi, đó là các đoàn ca múa nhạc truyền thống, cũng như
sân khấu Tuồng - Chèo - Cải Lương - Ca kịch hàng năm vẫn phải sống theo kinh
phí bao cấp của các hội thi, hội diễn, còn doanh thu thì có mấy người xem?
Trong khi đó, để tìm được một kịch bản hay, tìm được một diễn viên giỏi đâu có
dễ dàng gì!.
4. Về đối tượng kế thừa
- sáng tạo.
Đây chính là công việc
của các nhạc sỹ sáng tác - lý luận và đào tạo, công bằng mà nói, trong những
năm qua đã có nhiều nhạc sỹ thực sự tâm huyết, trăn trở với âm nhạc dân tộc.
Trên lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc dân gian phải kể đến các nhạc sỹ: Tô Vũ, Lê
Yên, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Thụy Loan, Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Nhung,
Dương Viết Á... Trên lĩnh vực sáng tác dựa trên cơ sở khai thác chất liệu dân
ca, dân vũ phải kể đến các nhạc sỹ: Nguyễn Cường, Ngô Quốc Tính, Đặng Hữu Phúc,
Nguyễn Trọng Tạo,... Trên lĩnh vực đào tạo nhiều giáo sư - nhạc sỹ đã đóng góp
công sức, tài năng, tâm huyết cho tiếng nói của âm nhạc dân tộc lắng đọng trong
lớp lớp các thế hệ sinh viên. Và như tất cả chúng ta đều biết, mọi sự tồn tại
đều có qui luật vận động riêng và đặc thù của nó. Đối với âm nhạc, một loại
hình nghệ thuật trừu tượng nhưng hết sức cụ thể, nó luôn luôn gợi mở trí tưởng
tượng phong phú của con người, vì bản chất của nghệ thuật âm nhạc là khi âm
thanh vang lên đúng với cảm xúc và tâm thức dân tộc, phù hợp với tần số rung
động (nhận thức cảm tình) của từng người, thì "cái hay" của âm nhạc
đi thẳng vào trái tim con người mà không cần qua khâu trung gian xúc tác (tính
đặc thù của âm nhạc), lúc này, đối tượng thưởng thức như đắm mình trong khoái
cảm của nghệ thuật âm nhạc.
Chính vì vậy, thiên chức
của những người kế thừa và sáng tạo âm nhạc dân tộc là hết sức nặng nề, vì
không làm tốt với tinh thần dân tộc cao cả thì vốn liếng âm nhạc của cha ông sẽ
mai một dần theo thời gian. Trên thực tế cũng còn khá nhiều chuyện đáng buồn,
chẳng hạn như dùng nhạc cho phim truyện, phim truyền hình của chúng ta. Trớ
trêu thay! Cảnh trong phim rõ ràng là cảnh làng quê Việt Nam, nhân vật trong
phim là người Việt một trăm phần trăm, vậy mà âm nhạc vang lên lại không thấy
âm nhạc dân tộc Việt Nam đâu cả. Hoặc một số nhạc sỹ sáng tác, một số nhà xuất
bản băng đĩa nhạc chạy theo thị hiếu thời thượng, sản xuất nhiều bài hát nghe
đến "chóng mặt", một bài cũng vậy, mười bài cũng thế, cứ na ná một
"môđen", không thấy sự diệu kỳ của âm nhạc đâu cả, không có hình
tượng và cái thần thái của tác phẩm âm nhạc.Và điều quan trọng là dường như họ
đã quên đi rằng, mình đang đứng trên nền văn hoá âm nhạc nào?
Đây là một hoạt động
mang nặng tính chất hành chính Nhà nước, và theo chúng tôi đây là yếu tố cực kỳ
quan trọng cho việc giữ gìn, phát huy vốn liếng âm nhạc dân tộc trong đời sống
hiện đại. Muốn vậy, những người làm công tác này, ngoài hiểu biết chuyên môn
cao còn phải nhanh nhậy trong tổ chức điều hành, có những kiến nghị, giải pháp
kịp thời, chính xác với các cấp lãnh đạo trong việc bảo tồn và phát huy âm nhạc
dân tộc ở nhiều cấp độ khác nhau. Mặt khác, quản lý văn hoá còn là chiếc cầu
nối trong việc đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục âm nhạc, một nhu cầu cấp
bách trước thềm thế kỷ 21. Trong những năm gần đây, Nhà nước ta rất chú trọng
việc chấn hưng nền văn hoá dân tộc, trong đó có nghệ thuật âm nhạc mà biểu hiện
rõ nhất là các liên hoan Hát ru toàn quốc, hội thi Hát dân ca khu vực, hội diễn
kịch hát dân tộc, hội thi hát đồng dao, liên hoan ca nhạc "Búp sen
hồng"... Chính vì vậy, nhiệm vụ quản lý văn hoá là phải làm cho dòng chảy
âm nhạc dân tộc đi đúng hướng theo tinh thần nghị quyết của Đảng về văn hoá văn
nghệ trong thời kỳ đổi mới. Đó không những là chức năng, nhiệm vụ của những
người làm công tác quản lý văn hoá mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, là ý
thức của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam
trong đời sống hiện đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét