Hồn cây giữa lòng Hà Nội
Đi
khắp các phố phường Hà Nội, dù là con đường lớn hay là góc phố nhỏ cũng không
thể nào thiếu bóng dáng một gốc cây thân quen. Cây xanh cũng không thể vắng
trong cân bằng sinh thái và môi trường. Nó hấp thụ một lượng cac - bon - nic do
con người và nhà máy thải ra và cung cấp ô xy cho sự sống, trở thành lá phổi
xanh khổng lồ của thiên nhiên.
Những
tán cây xanh tỏa bóng nghiêng mình đã làm dịu đi cái nóng nồng của mùa hè oi ả,
chắn đỡ những nguồn gió bấc hun hút thổi về giữa trời đông. Đi giữa những hàng
cây xanh ngát, tiếng ồn ào và bụi bặm dường như cũng được lọc bớt. Không chỉ
mang ý nghĩa sinh học, thiên nhiên cây cối còn làm nên chất thơ nét họa. Đã có
nhiều loài cây đi vào thơ ca như một nét điển hình không thể thiếu khi viết về
Hà Nội.
Ở
Hà Nội, mỗi mùa một loài cây trổ sắc riêng tạo nên nét đẹp đặc biệt khiến Thủ
đô thêm đáng mến đáng yêu. Mùa hạ phượng vĩ chói đỏ vươn ra mặt nước xanh thẳm
bên Hồ Gươm khiến không ít người nao lòng. Mùa bằng lăng tím biếc từng chùm
điểm xuyết đây đó giữa màu xanh mát trên đường Kim Mã. Mùa thu cây cơm nguội
vàng cây bàng lá đỏ màu ưu tư, rặng liễu trùng trình buông dài tiếng thở mùa
thu. Đầu đông, hòa vào nỗi nhớ là hương hoa sữa ngọt ngào, quấn quýt. Những ai
đã từng gắn bó tuổi thơ với Hà Nội sẽ chẳng thể nào quên đã một lần dạo bước
trên con đường Nguyễn Du, hương thơm thấm cả vào từng nếp áo. Cứ thế, mỗi ngày
đi, mỗi mùa qua, biết bao nhiêu loài cây đang từng ngày tô điểm cho sắc màu Hà
Nội – mỗi mùa có một niềm vui riêng.
Hàng
hoa sữa trên phố Nguyễn Du
Cây
thổi hồn vào phố thị hay phố thị thổi hồn cho cây! Phải chăng phần nét cổ kính
của Hà Nội nhờ vào những cây đa, cây đề dân dã ta bắt gặp ở đâu đó. Trong Văn
Miếu Quốc Tử giám, bên một góc chùa nhỏ, cây đa thâm trầm đứng đó buông mình tư
lự. Cây cứ lặng im như con người tìm ra
vẻ đẹp của làng cổ, thấy hồn quê mình trong đó, có cái gì rất thiêng liêng
khiến người ta phải dừng lòng suy ngẫm để rồi càng thêm tôn quí, mến yêu. Mỗi
con đường góc phố Hà Nội có một loài cây đặc trưng của riêng mình để khi nhắc
đến tên, ta mường tượng được sắc màu của con phố ấy. Hàng cây sấu cổ thụ im lìm
toả bóng xanh ở đường Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ. Cây xà cừ uy nghi trên
đường Láng như pháo đài sừng sững… Cả những con phố mới như Đào Tấn, Hoàng Quốc
Việt cây và hoa cùng nhau khoe sắc. Tất cả tạo nên nét đẹp không thể nào quên
mỗi khi nhớ về Hà Nội.
Hàng
sấu cổ thụ dọc hai bên đường Phan Đình Phùng
Mỗi
mùa hoa, những bông trắng li ti vương vai áo người qua đường đầy quyến luyến.
Đặc biệt, người ta còn thấy được cả sắc ban tím ngắt trên đường Bắc Sơn, ngay
trước lăng Hồ Chủ Tịch. Thật kỳ lạ, giữa Thủ đô phồn hoa, một thoáng Tây Bắc
như lạc về đây. Nếu muốn tìm nét cổ kính mà hùng vĩ, có thể tìm đến những cây
sao đen trên phố Lò Đúc – chẳng biết cây có tự bao giờ nhưng hàng cây đứng nghiêm
chỉnh, thân to lớn sừng sững vút lên khiến cho người ta phải giật mình. Ngay cả
trong khu phố cổ, nơi mái ngói thâm trầm xếp mình hàng trăm năm cổ kính cũng
xen vào những cây dâu da xoan dân dã. Cây lộc vừng ngả bóng trên hồ Hoàn Kiếm,
đầu mùa đông những hoa đỏ mảnh mai buông xoã đung đưa trong gió. Cây gụ có hoa
màu vàng xanh, nở thành từng chùm. Những bông hoa nhỏ hình sao ấy khi rơi xuống
tạo cho người ta cái cảm giác như đang đứng dưới một trời hoa.
Hàng
cây sao đen cổ thụ trên phố Lò Đúc
Cây
cối chứa đựng bên trong bề vỏ xù xì là hồn cây. Không cần phải mang dáng dấp
kiêu sa hay một hương thơm quyến rũ, những hàng cây xà cừ đã để lại trong lòng
người cái màu xanh tươi mát của mùa hè với vẻ xum xuê. Trên đường Hoàng Diệu,
hai hàng xà cừ ken kín khiến cho lòng người không thể không bồi hồi đến lạ. Mùa
này, có thể ngắm cả chiều vàng đổ ồn ào như trong mơ trên cây xà cừ. Thân cây
lớn tạo vẻ cổ kính, toả bóng mát nhiều
nhất và đặc biệt đồng đều, ngay ngắn như hàng quân bảo vệ thành. Gốc cây đã
khắc lên mình bao dấu tích của thời gian, vằn lên đường gân guốc và những chiếu
bướu nhỏ đầy bướng bỉnh.
Có đôi
lúc những thớ sùi ấy tạo nên khuôn mặt khắc khổ khó tính của người già từng
trải. Nói đến cây xanh Hà Nội không thể không nhắc đến khu vườn Bách Thảo với
những loài cây đa dạng phủ cho khu vườn quanh năm ươm một sắc xanh. Hơn 3000
loài thảo mộc gồm các loại cây công nghiệp, cây nông nghiệp, cây cảnh, cây cỏ
nuôi gia súc và các loài hoa đã tạo nên sắc xanh bền vững cho Thủ đô. Ngay cả
khi quá trình đô thị hóa diễn ra hối hả, không ít cây cổ thụ bị đốn ngã thì nơi
này vẫn giữ nguyên vẻ bình yên của mình. Người Hà Nội dù có đi xa mấy chục năm
khi trở về vẫn thấy những góc yên ả trong khu vườn quen thuộc này.
Sau
ngày làm việc căng thẳng, đi dạo hay ngồi dưới vòm cây, ta sẽ cảm thấy lòng
mình lắng lại đầy thanh thẳn, một chút khoảnh khắc yên bình, thư thái hơn. Thật
khó có thể dùng bút mực mà ghi lại cho hết những diệu kì mà cây xanh đã và đang
mang lại cho con người. Vai trò cây xanh là thế, vẻ đẹp cây xanh Hà Nội là thế.
Nhưng thời gian gần đây, cây gỗ sưa cổ thụ đang trở thành món mồi ngon cho kẻ
săn tìm gỗ quý. Không ít người xót xa trước cảnh tượng những cây sưa bị chặt
trộm, nhìn dòng nhựa chảy còn sót lại như thấy tim mình đang rỉ máu. Những cây
bàng già xoè chiếc ô khổng lồ cũng không còn tìm thấy nữa. Đôi lúc lòng ta thấy
tiếc nuối biết bao nhiêu. Nếu không bảo vệ cây xanh cho Thủ đô, hồn cây sẽ đi
về đâu? Những bài ca sẽ đi về đâu?
Hà
Nội vẫn không ngừng phát triển. Vẻ đẹp của văn hoá Thăng Long – Hà Nội cũng rất
cần được gìn giữ và phát huy. Cần lắm một chiếc lá bàng cuối phố đỏ rực, một
sắc tím bằng lăng chiều thu, một chút hương hoa sữa nồng nàn, một rễ đa buông
mình thong thả - Đó không chỉ là hồn cây mà còn là hồn Thủ đô yêu dấu. Hãy biết
yêu hồn làng quê giữa lòng Hà Nội để Thủ đô ngàn năm văn hiến mãi để lại trong
lòng người ở và đi xa Hà Nội sự bâng khuâng lưu luyến:
“…Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét