Cũng như các thi sĩ, Mùa Xuân là chủ đề được các nhạc sĩ hào
hứng viết lên bằng những giai điệu, thanh âm, ca từ mượt mà sâu
lắng. Tiếng hát lời ca về Mùa Xuân thật nồng nàn, thắm đượm, mang
lại cho công chúng món ăn tinh thần sảng khoái qua mọi thời gian và
không gian, qua mọi giới hạn và ngăn cách.
Trước hết là về Mùa Xuân
- Tuổi trẻ - Tình yêu. Đây là ba tiểu đề gắn kết hài hòa, chặt chẽ
với nhau làm một mà các nhạc sĩ mọi thời đại hứng khởi và say sưa
tận dụng khai thác.
Với nhịp C cung sol trưởng, nhạc sĩ Vũ Đình Ân
trong ca khúc “Xuân Xuân ơi” đã vẽ lên một bức
tranh tươi sáng, đầm ấm mà rộn ràng, lâng lâng cảm xúc: Xuân
cho em áo mới. Xuân cho em tiếng cười trên đôi môi đẹp tươi. Trời
Xuân khoe sắc thắm. Lòng ta thương yêu thắm dệt nên muôn ý thơ, hồn
ta say ước mơ…
Xuân Xuân ơi - Vũ Đình Ân
Trong nhịp điệu sôi nổi- linh hoạt, phỏng thơ
Lưu Trọng Lư, nhạc sĩ Cao Việt Bách đã chấm phá vẽ nên bức tranh
mùa Xuân đất nước đang đón chào: Em ơi vút lên một tiếng đàn.
Kìa đàn đã so dây, phím đàn đã lựa phím. Đất nước mình xôn xao mùa
vui đang nở rộ. Bình minh chiến thắng reo ca. Xuân về non nước bao
la…(Cung đàn mùa Xuân).
Cung đàn mùa xuân - Cao Việt Bách - Trọng Tấn
Xuân là chất xúc tác của tình yêu. Khi cách xa
nhau, lúc Xuân về người ta lại càng nhớ nhau, càng yêu nhau hơn: Câu
hát gọi về là câu hát của trái tim. Câu hát gọi Xuân về là câu hát
từ tình yêu. Yêu nhau từ mùa Xuân ấy. Nhớ nhau từ mùa Xuân này
.. (Câu hát gọi Xuân về - Đoàn Bổng).
Theo vũ điệu Cha –cha- cha vui tươi rộn ràng ở
cung rê trưởng, Lâm Thanh Hải đã viết nên ca khúc đượm thắm tình
yêu – tình Xuân: “… Đón mùa Xuân – mùa Xuân đầm ấm. Đôi
uyên ương yêu thương nồng thắm… Mộng tình Xuân thành khúc ca vui…
Mộng tình hoài không rời xa… Những nụ Xuân tình yêu đừng vơi. Tươi
thắm tuyệt vời yêu mãi Xuân ơi…”(Yêu mãi Xuân ơi).
Cách nay hơn nửa thế kỷ, nhạc sĩ La Hối cùng thi
sĩ Thế Lữ đã cho “ra lò” một ca khúc đầy ngẫu hứng “Xuân và Tuổi
trẻ”. Theo nhịp valse, những ca từ tươi vui rất sảng khoái ca ngợi
mùa Xuân: “Ngày thắm tươi bên đời Xuân mới. Lòng thắm say
bao nguồn vui sống. Xuân về với ngàn hoa tươi sáng. Ta muốn hái
muôn đóa hồng. Ta muốn luôn cười với hoa…”. Rồi tiếp theo
là điệp khúc với nhịp điệu dồn dập, hân hoan của tuổi trẻ chào
Xuân: “…Vui sướng đi cho đời tươi sáng. Vui sướng đi cho
lòng thêm tươi. Ta ca lên đón mừng Xuân mới. Ta hát ca cho lòng
thêm hăng hái. Hát vang lên lên lời ca thắm tươi …”.
Mùa Xuân về trên quê hương, đất nước khắp mọi
miền Tổ quốc cũng được các nhạc sĩ khai thác làm nên những ca khúc
với những giai điệu mượt mà, sâu lắng, đằm thắm, chan chứa tình
người: “Bến cảng quê hương tôi” (Hồ Bắc); “ Âm vang Hàm Rồng” (Lê
Xuân Chung); “Mùa Xuân trên thành phố dệt” (Trần Trung); “Cô gái
hội Xuân” (Trần Trung phổ thơ Hữu Loan); “Sông Đắk Krông mùa Xuân
về” (Tô Hải); “Mùa Xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” (Xuân Hồng);
“Mùa Xuân làng lúa làng hoa”; “Mùa Xuân suối thép, hương chè” (Ngọc
Khuê)…
Mở đầu bài “Tình ca Tây Bắc” (Bùi Đức Hạnh phỏng
thơ Cầm Giang) là cảnh Xuân về thật êm đềm, tươi thắm, thật nên thơ
và lãng mạn của một vùng núi rừng đang trào dâng sức sống: “Rừng
cây xanh lá muôn đóa hoa mai mừng đón Xuân về. Vui trong nắng vàng
từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa. Ngập ngừng bên suối nước reo
quanh mình như muôn tiếng đàn. Bâng khuâng nỗi lòng nhịp sáo ai đưa
tiếng ca rộn vang…Rồi điệp khúc là sức Xuân bừng dậy
trong lòng người và vạn vật: “Rừng rừng hoa với chim ca vui tưng
bừng. Suối nước trong xanh soi bóng anh và bóng em…”.
Theo lời thơ của Hữu Loan, nhạc sĩ Trần Trung đã vẽ lại bức tranh
tươi vui, rộn ràng đón Xuân ở các vùng quê trong ca khúc “Cô gái
hội Xuân”:“…Đôi mắt em mang trời quê. Đẹp dáng em khi Xuân về.
Đường quê thơm đóa hoa nở… Câu hát em mang tình quê. Tình gái bên
thôn Đoài. Tình trai bên thôn Thượng. Gặp nhau âu yếm bao lời… Gặp
người em vẫn đợi. Hẹn hò em vẫn chờ…”.
Xuân chiến đấu và Xuân chiến thắng là Xuân của
dân tộc Việt Nam. Chủ đề này còn được các nhạc sĩ hứng khởi
viết lên những bài ca rất được thính giả mến mộ thưởng thức: “Ta ra
trận hôm nay” (Văn An), “Sài Gòn quật khởi”, “Mùa Xuân qua Trường
Sơn” (Hồ Bắc), “Bài ca Trường Sơn” (Trần Trung- Gia Dũng), “Xuân
chiến khu” (Xuân Hồng), “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” (Thanh
Phúc – Hải Hồ), “Chào anh giải phóng quân – mừng mùa Xuân đại
thắng” (Hoàng Vân)…
Xuân chiến khu - Xuân Hồng
Cùng hành quân giữa mùa Xuân - Hồng Nhung
“Cùng hành quân giữa mùa Xuân” của Cẩm La là một
khúc quân hành rất náo hoạt (phần nhạc đệm) nhưng lại rất trữ tình,
lạc quan, tươi vui: “Khi tiếng chim hót vang lên lời ca, và
khi nắng tỏa rộn bước quân hành xa thì em có nghe tiếng mùa Xuân về
giục cất bước giải phóng cho làng quê… Xuân nước non chứa chan bao
tình thương, lòng ta ấm lửa tình nghĩa hậu phương. Kìa em có nghe
sóng người lên đường cùng chung sức giải phóng cho miền Nam…”
Trong số hàng ngàn nhạc sĩ qua nhiều thế hệ, các
nhạc sĩ lớn có tên tuổi đã có nhiều bài hát hay được mọi người yêu
thích về chủ đề này. Cao Việt Bách và Văn Cao, Hồ Bắc và Huy Du,
Hoàng Hiệp và Hoàng Vân, Trần Hoàn và Xuân Hồng, Nguyễn Xuân Khoát
và Đỗ Nhuận, Trịnh Công Sơn và Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Tài Tuệ và
Thanh Tùng, Dương Thiệu Tước và Đoàn Chuẩn – Từ Linh… Và còn nhiều
nhạc sĩ về sau nữa…. Tất cả đều dành cho mùa Xuân – Tuổi trẻ - Tình
yêu những giai điệu đằm thắm và mượt mà, vui tươi và trong
sáng…chứa chan tình Xuân – tình người.
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc,
“nhạc sĩ tiên tri” Văn Cao đã nói lên nỗi lòng của người đời và
cũng là của mình về một mùa Xuân thực sự là Xuân trong bài “Mùa
Xuân đầu tiên”. Những ca từ của ông thật “đắt” thấm sâu vào lòng
người nghe khiến ai cũng quý yêu, cảm phục ông: “…Ôi giờ
phút yêu quê hương làm sao trong Xuân vui đầu tiên! Ôi giờ phút
trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm. Từ đây người biết quê
người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu
người….”.
Mùa Xuân đầu tiên - Văn Cao
Trong ngôn ngữ Việt, dấu thanh là một thành phần
rất tinh tế không thể thiếu, do vậy mà sự hòa hợp chuẩn giữa nốt
nhạc và thanh điệu của ca từ là điều cơ bản tối cần thiết. Cũng vì
điều này mà các nhạc sĩ rất khó phổ thơ các thi sĩ. Nhưng khi câu
từ và thanh điệu của bài thơ và giai điệu mà nhạc sĩ lựa chọn thực
sự hòa hợp thì bài hát phổ lời thơ càng hay, càng có ấn tượng chinh
phục người nghe. Nhờ đó bài thơ càng được người đời ghi nhớ hơn như
là lời của bài hát hay. Một số bài thơ Xuân hay của các thi sĩ đã
được phổ nhạc Xuân như của Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Hữu Loan,
Nguyễn Nhược Pháp, Phạm Ngọc Cảnh, Diệp Minh Tuyền, Thanh Hải, Xuân
Sách, Lê Thị Kim…
Mùa Xuân – Tuổi trẻ - Tình yêu – Quê hương, Đất
nước vẫn mãi là chủ đề để các nhạc sĩ viết nên những bài ca hay.
Những cung bậc mùa Xuân được ghi lại bằng những giai điệu, ca từ,
thanh âm mượt mà, thắm đượm, sâu lắng và tươi thắm rộn ràng. Đời
vẫn mãi mãi có mùa Xuân nên cũng mãi mãi có lời ca tiếng hát chào
đón mùa Xuân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét