Cảm nghĩ đọc những câu thơ xuất thần của Bùi Hữu Thiềm
"Vịn xiêu cả bóng chiều
tà đợi nhau" là một
trong những câu thơ xuất thần của Bùi Hữu Thiềm mà người đọc thỉnh thoảng gặp
được đây đó trong tập thơ "Gửi cùng" của tác giả. Toàn bài thế này: -"Tưởng
chờ chỉ nửa mùa trăng/ Càng ngong ngóng nhớ càng dằng dặc xa/ Thương em canh
cánh quê nhà/ Vịn xiêu cả bóng chiều tà đợi nhau!" (Đợi). Ba câu trước bình
thường, làm đà cho câu kết bất ngờ bật nảy ra đột xuất, làm sững sờ và thuyết
phục người đọc.
Tương tự, bài "Ngõ
xưa" đã khiến nhà bình thơ Trịnh Thanh Sơn ám ảnh mãi câu cuối
và khen không tiếc lời: -"Chắc
gì hai đã là đôi/ Gần còn chưa bén, xa xôi thế này.../ Em giờ theo bạn sang
Tây/ Bên nhà sung chín rụng đầy ngõ xưa"! Trịnh Thanh Sơn
bình: -"Đọc những câu thơ ấy, tôi buồn hết cả một buổi
chiều. Chẳng phải tôi buồn vì cũng có một người bạn gái theo người ta sang Tây
đâu, mà tôi buồn chỉ vì "Bên
nhà sung chín rụng đầy ngõ xưa" đấy thôi! - Viết được như thế là tinh
tế lắm, là từng trải lắm, là đã động được tới cái lung linh, ảo huyền của lục
bát rồi vậy"! (Lời tựa tập "Gửi cùng").
Đúng thế, thử tưởng tượng, nếu không có câu cuối cùng thì bài thơ liệu có gì để
dừng lại lâu hơn trong lòng bạn đọc?
Chuồi theo một mạch dài cảm xúc
và cách viết như vậy, trên 60 bài thơ (đều là lục bát), phần lớn Bùi Hữu Thiềm
dành cho chủ đề tình yêu trai gái. Đề tài này thì muôn đời không bao giờ cũ, kể
cả có đến hàng vạn người đã viết. Cũ chăng, dở chăng là do ở tài năng người
viết. Bùi Hữu Thiềm cũng đã cố gắng khai thác mọi giác độ, mọi tình huống,
trạng huống của tình yêu để trình bày, gửi gắm những cảm nhận và suy nghiệm của
mình về chốn "tình trường" và cõi đời ấm lạnh. Có điều cái "tạng" lục bát của Bùi Hữu Thiềm là dân dã,
chân chất, tự nhiên, nên thơ biểu lộ rất rõ nét duyên dáng, mặn mà, đằm thắm mà
có phần nhẹ chất trí tuệ, sâu sắc, phóng túng.
Đây là một bài thơ kể chuyện,
minh chứng cho nét "duyên quê" của Bùi Hữu Thiềm: -"Lúc
đầu người ấy dửng dưng/ Hỏi thăm quê, cứ nhát gừng làm cao/ Một hôm sấm lẫn mưa
rào/ Cùng tôi người ấy nép vào trú mưa/ Thế rồi sau đấy, lạ chưa.../ Cả hai như
vướng phải bùa, vậy thôi/ Đem lòng người ấy yêu tôi/ Tôi yêu người ấy... Thành
đôi bây giờ!" (Người
ấy). Hẳn là hôm ấy Bùi Hữu Thiềm đã bắt gặp đôi mắt này: -"Đời
còn con mắt đong đưa/ Mấy ai dám chắc mình chưa mắc vào?" (Đong đưa). Bạn đọc nghĩ thế vì sau đó
thấy Bùi Hữu Thiềm hãy còn vấn vương ánh mắt này da diết lắm: -"Ngủ
đi đôi mắt ngủ đi/ Đừng thao thức nữa những gì xa xăm/... Ngủ đi đôi mắt mơ
màng/ Cái thiêm thiếp đã sắp sang thu rồi/ Lục bình tím khúc sông trôi/ Dạt
theo cuối bể nhặt lời ru xưa/ Vẫn còn nắng, vẫn còn mưa/ Vẫn còn cả nỗi buồn...
chưa hết buồn!..." (Lời
ru mắt ngủ). Và anh lý giải cho cái"hiện
tượng tâm lý" ấy
thế này: -"Cầm vàng còn sợ vàng rơi/ Huống
hồ mới gặp nhau thôi, trách gì!" (Cầm vàng).
Mượn chùa để nói một kiểu tình
duyên trắc trở hoặc không tương xứng là một mô-típ đã cũ, cũng được Bùi Hữu
Thiềm viện đến với nét duyên riêng: -"Cái hồi còn bé tí ti/ Chị tôi
đã dắt tôi đi lễ chùa/ Sãi thương cho chiếc lá bùa/ Mải chơi để góc sân mưa ướt
nhàu/ Chị tôi giận cứ lầu bầu/ Tôi buồn từ ấy về sau xa chùa!"(Xa
chùa); hay: -"Trời đem nắng giấu vào mưa/ Em
đem tình cất vào chùa giấu anh/ Cách thềm mỗi bậc rêu xanh/ Bước lên gặp Tiểu,
xin đành... nam mô!" (Giấu
nắng); hoặc: -"Hẹn nhau mười bốn mười lăm/ Lên
chùa hái chút lộc rằm lấy may/ Nhưng nào ai biết cho đây/ Em theo người ấy
trước ngày... mười ba!" (Lỡ
hẹn).
Lỡ hẹn lỡ duyên trong tình yêu,
muôn thuở xưa nay đều phủ một gam màu buồn bã. Buồn đau, rồi nhớ tiếc, rồi
trách cứ, rồi... tỏ lòng vị tha, mong "người ấy" được yên vui (đừng "đau
khổ"như mình!)... Thơ Bùi Hữu Thiềm cũng có đủ các trạng huống
ấy:-"Ta về gặp lại cô
đơn/ Bán vui chẳng đủ mua buồn làm cay!"(Gặp lại); -"Đã
khi kén cá chọn canh/ Để xơ cho mướp thì đành vậy thôi!" (Chưa nơi đậu thuyền); -"Tình
sông khi đã chia bờ/ Sóng côi cút biết dạt xô phía nào?" (Tình sông); -"Ngày xưa là của... ngày xưa/ Giữ yên lặng thế đừng
khua động gì/ Em về cứ việc vu quy/ Mặc anh với những đêm rì rầm mưa" (Lục bát ngày xuân); -"Tình yêu có tuổi bao giờ/ Trắng trong vẫn cứ đợi
chờ trắng trong/ Cả khi em đã có chồng/ Vẫn còn những phút xao lòng về
nhau" (Vẫn còn); -"Đã
đen, sơn trắng làm chi/ Đã vàng, ai lại còn đi mạ vàng/ Đã theo suốt chuyến đò
ngang/ Thì yên phận ấy mà sang với bờ" (Yên phận); -"Bắc cầu đã chắc người sang/ Nong nia thì kín giần
sàng thì thưa/ Chuyện đời em tính kỹ chưa/ Chỉ sơ suất chút là thừa gối
chăn!" (Chuyện
đời)...
Hiếm hoi trong tập người đọc mới
gặp những câu thơ đụng chạm đến nỗi niềm thế sự, đến triết lý nhân sinh hay đề
vịnh cảnh vật, sự kiện. Tuy nhiên đây đó cũng nhặt được những câu thơ hay của
Bùi Hữu Thiềm về các chủ đề ấy. Này là nỗi lo của người nông dân: -"Cái
ngày cây lúa non bông/ Mẹ tôi bấm đốt tay mong từng giờ/ Mưa lo úng, hạn lo
khô/ Đêm nằm lòng dạ gác bờ thức trông!" (Gửi cùng). Riêng câu"Đêm nằm lòng dạ gác bờ thức
trông" đích thị
là một câu thơ làm cho lắm người làm thơ khác thèm muốn nó là của mình! Này
là sự đổi dời biến dịch của thế cuộc: -"Làng thành phố huyện rồi ư?/ Ta
về lạc lối cũ từ ngã ba/ Ngẩn ngơ... vấp gốc tre già/ Chỏng chơ bên mấy ruộng
hoa cúcvàng" (Phố
làng). Hình tượng "vấp gốc tre già" là điểm nhấn toàn bài. Này là những
thân phận trong thời đại mới: -"Rời
làng ra phố xa xôi/ Những mong mai mốt... Thế rồi trắng tay!/ Nối mùa lá rụng
vàng bay/ Cầu xin một chút heo may chẳng còn!". Này là lời nhắc nhủ chân thành
giữa xã hội kim tiền:-"Vơi
dần tháng, cạn dần năm/ Quen đêm, vạc vẫn lội nhầm bến sông/ Lẻ loi nào chỉ bồ
nông/ Từng canh tiếng cuốc khô khong giữa trời/ Giàu nghèo đến thế này thôi/
Gói làm sao hết nửa đời mà tham!" (Lời ru mắt ngủ). Này là lời
thở than thầm lặng rất "u-mua" chua xót, dường như thấy được giọt
nước mắt long lanh trong khóe cười hiu hắt: -"Đã là cỏ mấy ai trồng/ Mấy ai
mua bán mấy bông hoa bèo/ Mấy ai gánh núi về treo/ Mấy ai hỏi mượn cái nghèo mà
cho!" (Mấy
ai). Này là một tấm lòng chân chất chân quê ưa lo chuyện bao đồng thế sự: -"Đời như con lắc lệch tâm/ Lả lơi bên lở ái ân bên bồi/
Đã đành quả chín thì rơi/ Chỉ thương hạt rắc vào nơi không mùa!"(Con
lắc)...
Như đã nói, thơ Bùi Hữu Thiềm đậm
chất dân dã, chân chất, tự nhiên đến độ đã để hơi thơ tuôn chảy một cách dễ
dãi, thiếu phần gia công tu chỉnh ngôn từ, chọn lọc hình tượng, ít chú ý đến
các biện pháp tu từ, thi pháp. Dẫu ngại mất lòng cũng có thể dẫn ra một số điển
hình để góp ý cùng tác giả. Có trường hợp mượn dẫn thành ngữ sai ý và nghĩa: -"Chín
còn bỏ, huống chi mười/ Cong vênh đời vẫn còn đôi
chỗ tròn". Ý nghĩa "Chín
bỏ làm mười"không phải như ý tưởng của tứ thơ muốn diễn đạt.
Chiếu theo ý câu sau thì câu trước phải viết (ví dụ) "Em
ơi (ai ơi, người ơi), chín bỏ làm mười" chẳng hạn. Có trường hợp dùng hình
tượng khiêng cưỡng thô vụng làm người đọc dễ có liên tưởng không đẹp: -"Trời
không một đám mây mưa/ Áo em sao vạt giữa trưa ướt đầm"!
Cụm từ "Mây mưa" dùng để chỉ chuyện đang quan hệ tính
dục giữa trai gái; lại còn thêm vạt áo em ướt đầm nữa thì... thì...!!! v.v...
Nếu Bùi Hữu Thiềm cẩn trọng hơn, người đọc sẽ còn gặp được nhiều câu thơ hay
nữa của anh. Một từ dùng không chắc lọc dễ làm cho cả câu, cả một tứ thơ đang
đẹp đang hay sẽ mất đi cái"lung
linh, ảo huyền" của
hay, của đẹp! Lục bát dễ làm nhưng khó hay, chính là vì khó đạt đến cái "lung
linh, ảo huyền" ấy!
Nhưng... người viết nào, tập thơ
nào mà chẳng có những khiếm khuyết đáng tiếc? Mong tác giả khắc phục ở những
lần sau. Xin mượn ý kiến nhà thơ Bế Kiến Quốc để kết lại những cảm nhận về một
người thơ đáng yêu ở tận mãi miền Đông Bắc xa xôi:-"Đọc thơ Bùi Hữu Thiềm, tôi có cảm giác như đang
uống nước được lấy lên từ một cái giếng làng trong trẻo, mát lành, vào một buổi
trưa nồng oi nắng hạ. Hồn thơ anh tươi tắn, hiền hậu, sáng sủa, chân thành. Đó
là những phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng, nhất là trong cuộc sống xô bồ,
vẩn tạp hiện nay". Tạ
Văn Sỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét