Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Rưng rưng heo may, Hà Nội ơi !

Rưng rưng heo may, Hà Nội ơi !

      Hà Nội sớm nay se lạnh rồi, đêm dường như cũng ngắn lại cho trời mau sángPhố phường sau mùa nắng chói đã dịu lại bởi những đợt mưa ngâu, và bây giờ là heo may dìu dịu về. Gió lướt nhẹ trên hè phố, đủ để xua đám lá sấu vàng rộm bay lách cách trên hè phố, nựng từng bước chân người đi. Trời thật trong, thật cao, thật xanh ! Nắng hoe vàng óng ả. Làm sao cầm lòng được Heo May ơi !
       Theo Bách khoa thư thì từ “heo may” là một từ gốc Hán Việt, độc lập và đồng nghĩa với nhau. Từ heo có nghĩa là ít ỏi, thưa thớt, nhỏ nhẹ, vắng vẻ, tĩnh mịch; từ may có nghĩa là nhỏ, bé. Tóm lại, gió heo may là loại gió thổi nhẹ từng cơn, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa Thu. Cái hay nữa ở đây, chữ may còn có nghĩa “huyền diệu, mầu nhiệm” nữa…Vậy là Gió heo may hàm chứa biết bao nhiêu điều: có thể nhìn thấy, cảm thấy và điều gì đó còn hơn thế nữa…
       Chẳng hiểu vì sao, cứ mỗi độ Thu chớm heo may, tôi luôn cảm thấy rưng rưng trước cảnh vật, trước con người; trước cái hiện hữu, trước cái xa ngái. Nhiều lúc thấy thật khó viết ra những cảm xúc thật sự từ sâu thẳm đáy lòng mình. Vẫn có thể cảm, vẫn có thể nghĩ nhưng lại không thể giãi bày, không thể viết ra thành từng con chữ cụ thể, càng không thể thốt lên thành lời về những điều cảm thấy, nghĩ thấy... Lẽ nào bởi mùa thu heo may mang cái buồn man mác khó gọi lên được thành tên? Lẽ nào chính mùa thu mang cái gió heo may se lạnh khiến ta lạc lối với chính lòng mình? Lẽ nào mùa thu khiến lá vàng xao xác tung bay đuổi theo bước chân ai phơ phất tà áo dài làm ta ngẩn ngơ?
         Lại nhớ ngày xưa, cứ mỗi độ heo may về, bà nội lụi cụi mua nải chuối tiêu chín trứng cuốc với một gói cốm non thơm dẻo được gói trong mảnh lá sen tươi buộc sợi rơm nếp mang về trịnh trọng đặt lên đĩa trên bàn thờ thắp hương mời ông bà, tổ tiên. Bà bảo ngày xưa ông bà của bà còn sống đã dạy: vào ngày cúng cơm mới hoặc cứ đến mùa hoa trái đầu mùa, con cháu mua về trước tiên phải thắp hương khấn mời tổ tiên, ông bà ăn trước rồi con cháu mới xin lộc hưởng sau. Làm như vậy, dường như ta ăn sẽ ngon hơn, ý nghĩa hơn bởi ta đã làm một việc hợp với đạo lý, hợp với đất trời. Từ ngày bà về với ông bà, tổ tiên thì mẹ lại thay bà làm việc ấy. Mẹ lại dặn: “sau này khi mẹ về với bà thì con phải bảo vợ con làm việc này, nhớ chưa !”. Nghe vậy chứ cũng có lúc nhớ, lúc quên, nhưng cứ nghĩ có một lúc nào đó được ngồi ngắm một người con gái xinh tươi, hiền dịu “nền nã nết na” đang loay hoay sắp xếp trong nhà mình mà lòng cũng cảm thấy sướng khôn tả!!
       Tôi nhớ hồi còn bé tẹo, vào dịp sắp rằm Trung Thu được bà nội dắt đi thăm bà bạn ở thôn Hậu, Từ Liêm. Hai bà cháu đi xe buýt từ Bờ Hồ, đến bến xe Đại học Sư phạm thì xuống. Ðầu thôn, cuối làng đã thấy rộn rã, thậm thịch tiếng chày giã cốm và hương cốm đầu mùa cứ thoang thoảng bay khắp làng.  Nhà bà Cả cũng đang làm cốm. Một lũ trẻ con đang xúm quanh chiếc mẹt tuốt từng bông lúa non. Rồi rang, rồi giã, rồi xảy…vui như hội vậy. Sau này lớn lên tôi mới biết đó là địa danh làm cốm Làng Vòng, nổi tiếng xứ Bắc.
         Làm được cốm ngon rất công phu. Lúa phải là nếp cái hoa vàng mới ngậm sữa. Lúa để làm cốm không được vò hay đập mà phải tuốt từng bông. Lúa được tuốt sạch, xảy sạch rồi cho vào nồi rang thật nhỏ lửa và đều tay để cốm chín dẻo và kỹ. Cốm rang xong mang ra cối giã ngay, không được để nguội. Trong quá trình giã phải chú ý không được giã mạnh tay quá cốm sẽ nát. Ðặc biệt, trong khi giã, phải luôn đảo cốm từ trên xuống, từ dưới lên cho đều. Vừa giã vừa xảy khoảng năm, sáu lần thì được Cốm lá me là ngon nhất, đây là những mầm nếp mỏng dính như thể chiếc lá me xanh biếc. Loại ngon thứ nhì và nhiều hơn là cốm rót, những hạt nếp non sau khi giã đã tự vón vào với nhau thành từng hạt ngô, hạt đỗ. Cốm còn lại trong cối giã là cốm đầu nia loại người ta thường mang đi bán ngoài chợ hay theo những gánh hàng rong đi khắp phố phường Hà Nội. Ăn cốm cũng phải đúng cách: chỉ nhón vào đầu ngón tay một chút cốm cho vào miệng rồi chậm rãi nhai kỹ mới thấy được cái vị dẻo, vị thơm, vị ngọt của cốm non đầu mùa.
    Bà tôi vừa chậm rãi nhai từng hạt cốm vừa ngâm nga:
Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì
Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn!
      Bà tôi mất đã gần hai chục năm rồi, tôi cũng chẳng còn dịp nào quay lại Làng Vòng, thôn Hậu nữa, nhưng cứ mỗi độ heo may về, lại nhớ đến thế những vốc cốm thời thơ ấu sao mà sao thơm ngon đến lạ!
      Tháng Chín gió heo may lại về mang theo dư âm của heo may mùa cũ. Ngọn gió thật nhẹ, thật mỏng, thật mong manh yếu mềm nhưng cũng thật ngọt ngào của mùa Thu dễ làm trái tim rung động. Sợi nắng mỏng hôm nay cũng làm tôi như xao xuyến, như buồn bã nhớ đến sợi nắng Thu trên tóc em hôm nào. Tôi bâng khuâng ngồi nhìn những chiếc lá úa vội vã lìa cành rủ nhau xao xác trên hè phố, những tán cây xác xơ trơ cành đứng chờ mùa đông tới…anh vẫn ở đây, em ở đâu ?
       Trời trong xanh, sóng nước Hồ Tây lao xao, tôi thả hồn theo tí tách giọt cà-phê, mở lòng để cảm nhận rõ hơn cái se se của đất trời, cảm nhận được chút xào xạc khe khẽ của những chiếc lá khô thỉnh thoảng thở dài thả mình xuống ven hồ sau từng cơn gió. Có gì đó tha thiết quá giữa cuộc sống chật ních, bộn bề, nhọc nhằn mưu sinh này đôi khi khiến người ta mệt mỏi. Bỗng dưng một chiều heo may chợt làm lay động ký ức đầy ắp những kỷ niệm đã qua. Những phút giây sống chậm rãi, tận hưởng thời gian sống, mở hồn cảm nhận cái tinh tế của đất trời này đâu phải lúc nào cũng may mắn mà có được. Bỗng nhiên và bất chợt, một phút giây nào đó trong cuộc đời, con người như bay lên, hư ảo, lâng lâng và tan biến, đó chính là lúc này đây…
        Chiều nay có một người lang thang tìm kiếm một mùa heo may đầy ắp hoài niệm, nơi đó có em và những kỉ niệm không thể nhạt phai. Chẳng nơi đâu như Hà Nội này có cái hồn thu heo may như thế và ngàn năm vẫn như thế, phải không em?! Vẫn đây thảm lá vàng mà anh "từng lót em nằm"…Mùa Thu đã vào hoa cúc mất rồi... chỉ còn anh và em... là của mùa thu cũ... chỉ còn anh và em... Heo May ơi!
http://blog.tamtay.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Véo von tiếng địch

Véo von tiếng địch Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân. Công chúa Li Nương, con Ðức Hùng Vương thứ mười bốn, cùng mấ...