Về Đất Mũi
Đi sớm. Ghé Mỹ Tho ăn
sáng. Lần nào cũng vậy. Không phải vì hủ tiếu Mỹ Tho ngon có tiếng mà vì dòng
sông Mekong. Sông Tiền. Ngồi ở bờ sông Tiền, sáng sớm nghe mênh mông gió mát từ
mặt sông phả lên, nước đục phù sa, thuyền bè xuôi ngược, bỗng cảm thấy một nỗi
biết ơn tràn ngập trong lòng. Sáng sớm, đã thấy có những nhóm du khách trong và
ngoài nước lần lượt xuống thuyền sang cồn Thới Sơn, cồn Phụng… để được len lỏi
với thuyền độc mộc giữa những con rạch nhỏ chằng chịt dưới tàng dừa nước um
tùm, rồi ghé đâu đó uống trái dừa xanh, ghé đâu đó coi người ta làm kẹo
dừa thơm lựng. Bến Tre, bên kia sông, xưa đầy màu xanh miệt vườn, nay đã đầy
ngói đỏ, bê tông. Xưa, đi phà mất 45 phút quanh co, ghé Cồn Phụng, đạo Dừa, nay
vèo cái đã qua cầu Rạch Miễu. Xưa, nghe nói Bến Tre không có trộm cắp, để xe
gắn máy ngoài sân không cần khóa cổ. Nay, đường tốt, cầu ngon, vèo cái mất xe
như chơi! Đến Mỹ Tho, nhớ lần theo cậu Ngu Í ghé thăm Phạm Công Thiện nhà dưới
chân cầu Quay. Trời ơi, sách thôi là sách! Sách từ nền nhà lên đến nóc nhà. Có
thang cao để leo lấy sách và có bục đứng để đặt sách đọc cho khỏi mỏi tay. Nay
bên Bến Tre thì có nhà Trang Thế Hy, cũng gần chân cầu Rạch Miểu. Năm nay ông
đúng 90 tuổi rồi. Huỳnh Như Phương và các bạn mới đi thăm ông về nói ông vẫn
rất sáng suốt, vẫn dí dỏm nhưng gầy yếu hơn xưa nhiều! Từ ngày “đi chỗ khác
chơi” ông về sống ở quê nhà dưới những liếp dừa bên cạnh mấy con mương nho nhỏ.
Không ít bạn văn đã tìm đến thăm ông, một “người hiền văn chương Nam bộ” như
Nguyên Ngọc từng nói.
Cà phê, hủ tiếu, hít thở
Mekong đâu đó xong rồi, đi tiếp về Nam, dọc sông Tiền, qua Rạch Gầm
Xoài Mút ngang Đền thờ vua Quang Trung. Từ đó đi thẳng về Vĩnh Kim, quê nhạc sĩ
Trần Văn Khê. Vĩnh Kim vườn trái xanh mướt. Nhớ lần về với cậu Ngu Í, Phạm Duy,
Trần Quang Hải để Phạm Duy thu âm tiếng đàn của ông năm Khương, là cậu của Trần
Văn Khê, Trần Văn Trạch. Từ Vĩnh Kim đi thẳng ra quốc lộ 1, thì đã gần đến Cai
Lậy, Cái Bè. Cái Bè có Xẻo Mây cũng hay lắm. Bên kia sông là Vĩnh Long rồi. Từ
ngày có cầu Mỹ Thuận thì dẹp “bắc” (phà). Nhớ bắc quá! Bắc Mỹ Thuận, bắc Cần
Thơ, bắc Cổ Chiên, bắc Vàm Cống… Nhớ trái cây, nhớ đậu phọng luộc, mía, bắp.
Nhớ tiếng hát, nhớ dáng người…
Thẳng một mạch đến Cần
Thơ. Chỉ để ghé thăm chùa Trúc Lâm Phương Nam, gần Mỹ Chánh và chợ nổi Cái Răng.
Trúc Lâm Phương Nam mênh mông, đẹp nhưng chưa xưa, chưa có cây xanh, cổ
thụ. Thầy trụ trì Bình Tâm đi Ấn Độ. Năm xưa, thầy đã mời tôi đến nói chuyện
một buổi với các vị sư trong dịp An Cư ở chùa Long Sơn Cổ Tự.
Theo ngã Quản Lộ Phụng
Hiệp thẳng một mạch về Cà Mau. Cung đường này ngắn được 40 cây số, không ghé
Sóc Trăng, Bạc Liêu. Đường tốt, vắng vẻ, mênh mông đồng lúa, trái ngọt cây
lành, còn khá hoang sơ nên… còn khá đẹp. Ghé vào một quán bên đường
giữa đồng không mông quạnh, sàn gỗ mục, chênh vênh để nghỉ chân và uống
trái dừa phương Nam. Dừa bung, thật nhiều nước nhưng không ngọt, không như dừa
Lagi, Mũi Né, là loại dừa xiêm vùng biển. Cẩn thận, ở đây người ta có thói quen
luôn tay bỏ chút muối cho dừa ngọt thanh hơn!
Đến Cà Mau hãy còn sớm.
Ngạc nhiên chưa! Cà Mau thay đổi nhiều quá. Đường rộng, nhà cửa bán buôn sầm
uất. Khác hẳn với Cà Mau mà tôi biết hơn 20 năm về trước, và một lần khác đến
Cà Mau cũng đã hơn mười năm! Lần đó đi vỏ lãi về tận Năm Căn. Rồi nhớ lần đi U
Minh chống dịch viêm não với bác sĩ Đỗ Quang Hà viện Pateur, nhớ phải ngồi
trong mùng ăn cơm vì muỗi quá xá là muỗi!
Cà Mau bây giờ tuy đã là
thành phố, nhưng hình như người dân chưa quen lắm với tên đường. Thành phố có 9
phường, đặc biệt Phường bốn được gọi là “phường Tư”, không như ở Saigon! Ngoài
thành phố, tỉnh Cà Mau có tám huyện chung quanh: U Minh, Thới Bình, Trần Văn
Thời, Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển… Những cái tên
nghe đã thấy thương!
Đường xa hơi oải. Tối ăn
cháo thôi. Theo hướng dẫn của bác sĩ Châu Long Phi, người bạn cùng lớp thuở nào
bèn đến phường tư, tìm cháo. Có đủ thứ: cháo quảng, cháo cá… nóng hổi, hành
tiêu ớt tỏi thiệt ngon, ăn toát mồ hôi không thua cháo Thị Nở, về đã hết nhức
cảm! Tranh thủ thăm qua hội trường để chuẩn bị cho buổi làm việc ngày mai. Lớp
gần 300 thầy thuốc với hai nội dung chính: Những nguyên tắc (giá trị) cơ bản
của Y đức và Quan hệ Thầy thuốc – Bệnh nhân do Hội Y học Cà Mau phối hợp với Sở
Y tế tổ chức và mời tôi từ Tp.HCM về “đàm đạo”, chia sẻ kinh nghiệm cùng anh em
trong 2 ngày 15-16/8/2014
Trưa ghé Vân Thủy, quán
ăn nằm giữa lòng hồ, trên một ốc đảo nhỏ ngay trung tâm thành phố. Mưa tầm tả!
Chiều tiếp tục đến lớp. Tưởng vắng vì mưa, ai dè vẫn đông ken.
Sáng hôm sau, có người
bảo về Cà Mau mà không ăn bánh Tầm cay hoặc Bún bò cay… sẽ là điều đáng tiếc.
Bác sĩ Tùng, bác sĩ Loan cùng hẹn đến bún bò cay, giành chỗ sớm.
Đường về đi quốc lộ 1,
ghé vào Bạc Liêu. Đường sá đã rộng rãi hơn xưa nhiều lắm. Resort Hồ Nam cũng
khá là đẹp. Thăm và chụp vài tấm ảnh kỷ niệm ở nhà hát Nón Lá, cây đờn kìm dịp
Festival Đờn Ca Tài Tử dạo nọ.
Tối ra biển. Biển
vắng. Hôm sau ăn sáng ở nhà… Công tử Bạc Liêu. Về ghé Vĩnh Long. Lúc nào
đi miền Tây về tôi cũng ghé Vĩnh Long. Có cái quán café hữu ngạn sông Tiền!
Sóng rạt rào. Ghe thuyền tấp nập. Cầu Mỹ Thuận vắt ngang ở phía chân trời. Gần
Trà Vinh, Ao bà Om, Cổ Chiên rồi, nhưng thôi, hẹn dịp khác.
Đường về Saigon ghé ăn
trưa quán MeKong. Tưởng ế từ ngày có đường cao tốc Trung Lương, nhưng không,
các tour du lịch vẫn đưa khách – nhất là khách ngoại – ghé quán. Đẹp và ngon.
Nhưng khách “vảng lai” như mình mà vẫn được coi như du khách… nước ngoài thì
cũng mệt. Thôi kệ. Cháo cá bóng tượng tuyệt ngon!
Về nhà mở hai món Cà Mau
ra: Mật ong bông tràm rừng U Minh và tôm khô nguyên vỏ đầy calci…
Còn muốn gì hơn?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét