Thứ Ba, 14 tháng 1, 2025

Hồn Mường trong truyện ngắn Hà Thị Cẩm Anh

Hồn Mường trong
truyện ngắn Hà Thị Cẩm Anh

Hà Thị Cẩm Anh là cây bút dân tộc Mường, xuất hiện sớm ở xứ Thanh. Năm 13 tuổi chị đã có truyện ngắn, bút ký in ở các tạp chí văn nghệ của tỉnh như Người bạn văn hóa,…
Bạn viết, bạn đọc, gọi chị là Thím cò khoai như tên nhân vật mà họ yêu thích trong tác phẩm đầu tay cùng tên của chị (1963). Im hơi, lặng tiếng phải mất gần 20 năm không thấy chị có tác phẩm. Đến năm 2003 chị đột ngột xuất hiện, với một chùm 5 truyện ngắn dự thi, in trên trang 1 báo văn nghệ. Thật ngạc nhiên, như là một “thím cò Khoai” khác. Càng ngạc nhiên hơn truyện ngắn Gốc cội xù xì được giải nhất. Như được khơi thông nguồn mạch, được trời thiên phú, làm mới. Từ đó đến nay chị viết khỏe một cách lạ lùng.
Từ năm 2000 trở lại đây, chị có 8 tập truyện, trong đó có 5 tập truyện ngắn đã in ở Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, ngoài ra có các truyện ký, kịch bản phim… Tác phẩm của chị nhìn chung, mang “hồn Mường”, chưng cất lại những trải nghiệm, vốn sống của đồng bào mình được chị nâng lên, sáng tạo thành truyện đầy chất thơ. Gần đây nhất tập truyện Một nửa của người đàn bà đã gây được sự chú ý của người đọc. Đây cũng là tác phẩm chị gửi gắm nhiều tâm huyết và tình yêu tha thiết của mình với mảnh đất quê hương.
Đã có nhiều người viết về tác phẩm Hà Thị Cẩm Anh như Trọng Miễn, Hỏa Diệu Thúy, Lã Thanh Tùng… họ đã đặt ra nhiều vấn đề thú vị. Cầm trên tay tập truyện “Một nửa của người đàn bà” tôi bị ám ảnh ngay từ tên gọi. Trước đó, nhà văn Đào Hữu Phương cũng có tên tập truyện hay là Vọng phu hai mặt. Tôi nhớ không nhầm có một truyện nước ngoài Một nửa đàn ông… cách đặt tên Một nửa của người đàn bà rất riêng, mà gợi Lần theo từng trang sách, cái chị làm tôi xúc động, là hồn bản mường, đeo bám lấy từng nhân vật trong tác phẩm của chị.
Hồn Mường trên đất Mường có còn không? Phải chăng là câu hỏi day dứt của nhà văn Hà Thị Cẩm Anh bao trùm lên toàn bộ tập truyện ngắn “Một nửa của người đàn bà”. Ý tưởng dựng lại không gian văn hóa sinh hoạt đậm chất Mường đã chi phối sáng tác của chị. Trong chín truyện ngắn: Nước mắt đỏ, Con tấc, Cưới chạy, Trăng rằm, Một nửa của người đàn bà, Của hồi môn, Cuộc đời bị đánh cắp, Giải vía, Đối thoại với sự bất tử. Những nhân vật, không gian, con người, ngôn ngữ, tình tiết, ứng xử, cách nghĩ… đều thấm đượm hồn Mường. Tuy nhiên, hồn Mường cũng như cơ thể, khi không được bảo vệ, giữ gìn… hiện nó đang bị xâm thực, đang bị tổn thương trước một số nền văn hóa các dân tộc anh em, và có nguy cơ mất dần đi bản chất vốn có. Đó là điều rất đáng báo động. Từ sự tiếc nuối ấy nhà văn Hà Cẩm Anh đã gửi lòng vào những trang văn với hai góc nhìn: Một là về những ký ức đẹp của thời thơ ấu trong quá khứ: như truyện Nước mắt đỏ, Trăng rằm, Một nửa của người đàn bà  Hai là sự nuối tiếc xót xa cho thực tại như Đối thoại với sự bất tử, Cuộc đời bị đánh cắp, Giải vía, Con tấc. Hai cảm xúc đó có nhiều khi cùng tồn tại trong một nhân vật. Tất cả được hiện lên qua những suy tư, liên tưởng, ẩn ức, mê say… của nhà văn. Chẳng hạn trong truyện Nước mắt đỏ khi nhân vật chị kể chuyện câu Xường với những suy tư buồn mà vẫn lung linh, mộc mạc mà không thiếu chữ tình: “Câu Xường tủi phận nên đã hóa thành ngọn núi đá rất đẹp như một người thiếu nữ Mường mười tám đứng nép mình bên bờ sông để đón đợi câu Xường hẹn mụ Dạ Dần gửi lại bến Cửa Hà cho có bạn, có đôi”. Nhân vật Mụ Dạ Dần trong sử thi Đẻ đất đẻ nước được tái hiện với suy tư mới, khiến người đọc tò mò. Ngay cả cách miêu tả nhân vật cũng đậm chất Mường: “Mối tình của mẹ tôi cũng chỉ bất chợt như ruột cơn lũ cạn tràn qua dốc núi“. Tình cảm giữa cha và mẹ cũng đậm sắc núi rừng: “Hai người quấn quýt nhau như hai con chim chẻo peo vào mùa tháng ba, mùa hoa gạo nở.”… Hoặc khi miêu tả nhân vật Mế dưới mắt người cha: “Cô ta đâu phải là một con chim quen quén mới ra giàng? (Của hồi môn). Ngay cả cách miêu tả tâm lý nhân vật cũng gắn với tư duy của người Mường. Tập tục người Mường trong nhà rất coi trọng bếp lửa nên khi khắc họa cái chông chênh của người đàn bà (người vợ bị Khá bỏ rơi) không chồng, không con, tác giả viết: “Chông chênh như không có một mái nhà, không có bếp lửa cháy bập bùng mỗi đêm đông giá rét” (Giải vía).
Chúng ta tìm thấy hồn Mường trong nhà sàn, bếp lửa. Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh đã không tách rời cái không gian thân thuộc ấy. Sinh hoạt của con người gắn với nhà sàn, bếp lửa giúp họ đầm ấm, chan hòa, thân ái với nhau. Người Mường coi bếp lủa là “hồn cốt” cần phải gìn giữ. Khi ngọn lửa trong bếp được đỏ lên cũng chính là hiện diện của sự sống ở đó. Cùng với tiếng còng, tiếng chiêng, tiếng mỏ trâu, tiếng trai gái hát Xường giao duyên gọi bạn tình… còn có các trò chơi văn hóa khác như ném còn cũng rất được người Mường xem như là “tín ngưỡng” của mình. Những trò chơi dân gian ấy chẳng phải vẫn ám ảnh những kẻ xa quê, níu lòng ngươi mỗi khi trở gót. Truyện Trăng rằm miêu tả khá tỉ mỉ, hình ảnh nhà sàn, bếp lửa đã trở đi trở lại như là điệp khúc của âm nhạc, là sự thăng hoa của mối tình già giữa người đàn ông và người đàn bà ở Thung Lũng Si Dồ.
Hồn Mường còn được tác giả gửi gắm qua “Đối thoại với sự bất tử” là giấc mơ hay là sự hóa thân của nhà văn vào thiên nhiên. Bay bổng như thần thoại, khát vọng rất đời thường. Vấn đề tư tưởng được thoát ra, sắc nét từ ngôn ngữ tự nhiên, ngắn gọn và súc tích. Núi, sông, rừng, cây cối… như muốn nói lời bất tử với con người với mong muốn hiểu biết, được yêu thương được trân trọng. Mối quan hệ thiêng liêng giữa tự nhiên với tự nhiên cũng mang dáng dấp nhân sinh: Con cọp – một loài hung dữ nhưng sống cũnng rất có tình, biết trước, biết sau, biết ơn, biết nghĩa với kẻ (khác loài) nhưng đã có công giúp mình (Con tấc). Những tên đất, tên làng, tên rừng Mường Ai, Mường Phấn, Mường Dồ, Chuông Cò, Chiềng Va … nơi gắn bó máu thịt với tác giả, nơi gợi mở, là phù sa, là chất liệu cho sáng tạo nghệ thuật. Người rời mảnh đất quê hương, chắc gì văn sống được! Chị có cái tự hào của người biết lưu giữ những giá trị của cha ông để lại. Chị không được học hành nhiều, ấy vậy mà văn chị trong trẻo, tự nhiên như nước suối; phong phú, mượt mà như lá rừng, đôi lúc quá đà tuôn như thác đổ, rồi lại gặp trần trụi hoang dã như thú rừng, giản dị như nhà sàn, bếp lửa; gai góc, sắc lẹm như dao đi rừng, hình như có cái say say của rượu cần, bảng lảng của mây bay, gió thổi, cái điệp trùng, vững chãi của núi non ấy là quê hương lúc nào cũng hiện diện bên chị chan chứa và bao dung. Thiên nhiên con người giao hòa, gần gũi cái mà “người phố” không có được, chị biết khai thác nâng nó lên thành giá trị mới, đem lại cho người đọc cảm giác dân dã, quen thuộc, khát khao về những gì bình dị mà quý giá.
Hát xường cũng là nét văn hóa không thể thiếu góp nên hồn Mường. Sinh hoạt thường ngày của người Mường không thể thiếu điệu xường nó vừa hiện thực vừa nên thơ. Câu xường đã dẫn đường cho tình yêu của người đàn bà xứ Mường (Giải vía): “Thương thật thương rì/Hoa râm ri đơm bông càng khạc/Hoa núc nác đơm bông càng không/Hoa lý trúc, lý hồng đơm bông bờ hón”[1]. Mới đây, truyện ngắn Hạnh phúc in trên tạp chí Xứ Thanh của chị cũng đậm văn hóa cưới xin của người Mường. Phải chăng, hồn Mường đã nhập vào Hà Thị Cẩm Anh? Chính chị đã lãnh hội, chưng cất như là một thông điệp gửi lại cho thế hệ hôm nay và mai sau những giá trị tinh thần vô giá của người Mường.
Cuộc sống đổi thay, vật đổi sao rời – Hồn bản Mường bị biến dạng: Hát xường giao duyên còn đó, chị thì đã sang “Cái tuổi nó đuổi xuân”. Chị nhớ về thời tuổi trẻ, càng tiếc nuối câu xường. Lòng chị nghẹn đắng một câu xường đẹp – Hồn của bản Mường bị người ta bởn cợt… Chị khao khát muốn làm một cái gì đó trả lại giá trị đích thực của hồn Mường. Trong câu chuyện Của hồi môn, chị cố gắng giải bày vào nhân vật của mình như một thông điệp rằng cái đẹp của câu xường phải đi liền với ứng xử đẹp. “Gã đàn ông”- Cha của nhân vật tôi đã lợi dụng câu xường để nói lời “đầu môi, cửa miệng”. Câu xường giao duyên thành vô duyên, câu xường mất đi hồn vía mình, câu xường lâm vào cảnh ngộ éo le: “Câu xường giao duyên thật đẹp. Lòng người lại giống một cái vực sâu thẳm“. Người mẹ của nhân vật tôi lại đang vật vã với sai lầm, cả tin, nhẹ dạ nên “Tìm ra được nơi xuất xứ của câu xường thì bẩy cây cầu đá, tám cây cầu lim ấy thành cây cầu Liêm La dẫn bà xuống địa ngục“. Mở đầu truyện là cái chết bi kịch của đời người đàn bà – Mẹ đẻ nhân vật tôi. Cha lấy vợ khác là Mế – Bà ta là chủ một khách sạn, có tiền, và tự cho mình cái quyền quyết định số phận người khác. Bà giăng bẫy để cha thành người đàn ông của bà rồi đẩy mẹ vào con đường cùng cực, cướp con mẹ, hành hạ tinh thần, thân thể mẹ: “Thật ra mẹ chẳng khác gì ma xó. Bà đói ăn, rách mặc…Nhìn thấy tôi, toàn thân bà run lên, nụ cười trên môi bà thì tôi không bao giờ quên được. Rạng rỡ, tươi tắn và sung sướng lạ thường! Lúc ấy, tôi sợ con ma xó là bà nên co cẳng chạy…” Đứa con chứng kiến sự đau khổ đến ngây dại của người đàn bà mà mãi sau này cũng mới biết là mẹ mình. Bài thơ người cha viết cho mẹ, xám hối với mẹ là của hồi môn cho con gái. Câu chuyện kết thúc có hậu. Nhân vật người cha tỉnh lại chút lương tri, biết ân hận vì việc làm xưa có tội với vợ con. Người cha không muốn con mình lớn lên cũng cả tin như mẹ nó. Bài thơ – của hồi môn là chi tiết đắt, sáng tạo. Không phải câu xường nào ngọt lỗ tai cũng thật, tác giả nói lời cảnh tỉnh? Có những tài sản vô giá đôi khi chỉ là giá trị tinh thần như bài thơ cha để lại cho con vậy. Với những kiến giải lý thú, không phải bằng triết lý khô khan Hà Thị Cẩm Anh đã cho chúng ta sống với nhân vật để tự chiêm nghiệm lại chính mình. Chất “Sử thi Mường” được nhà văn sử dụng và làm mới, thấm đẫm tính nhân văn. Thương mến tài năng và cả lầm lỗi làm nên tài năng, đó là “của hồi môn” của đời.
Con người với nhau trong phần lớn các truyện của chị lại sống với nhau rất vô ơn, giả tạo, tham tiền tài, địa vị (Cuộc đời bị đánh cắp), tàn nhẫn (Của hồi môn), tha hóa, sa đọa, vô trách nhiệm (Một nửa của người đàn bà), kỳ thị, ích kỷ, ngu muội (Giải vía), con người móc ngoặc, cấu kết tàn phá thiên nhiên đến khủng khiếp (Đối thoại với sự bất tử), con cái thiếu trách nhiệm với cha mẹ (Trăng rằm)… Xã hội đổi thay, đời sống vật chất được cải thiện. Xứ Mường cũng thế! Đi cùng với sự đổi thay lòng người cũng có nhiều phần bất an. Sự đảo lộn, xuống cấp về đạo đức, nhân phẩm như hồi chuông cảnh tỉnh. Cũng là tiếng lòng của nhà văn muốn tìm lại hồn Mường. Một nửa của người đàn bà là câu chuyện thú vị. Cho đến phút cuối cùng, bi kịch gia đình, xã hội mới được vén bức màn che. Có nỗi đau xót nào hơn kẻ hại đời chị mình năm xưa, cha của cháu mình, kẻ bạc tình lâu nay mình kìm kiếm lại chính là chồng mình. Chi tiết người em nhìn thấy chữ ký oan nghiệt trên tờ giấy – Bằng chứng duy nhất của kẻ dấu mặt lại là chữ ký quen thuộc. Có thật đàn ông là “Một nửa của người đàn bà” hay không? Trớ trêu của cuộc đời vẫn còn đó, cuộc sống đất Mường chưa yên. Đó còn là sự thiếu trung thực trong “Cuộc đời bị đánh cắp”. Nỗi oan, nỗi khổ của con nguời trong Giải vía… Tiếng khóc trong truyện Con tấc được nhà văn miêu tả ám ảnh đến lạ. Con Tấc (con cọp cái) khóc ân nhân cứu mạng (bố mẹ Đa): “Con tấc cứ khóc mãi, khóc hoài. Tiếng kêu đau đớn của con vật làm bóng đêm lõm xuống…”. Còn Đa và em gái mất cha mẹ “Tiếng khóc của chúng rơi tõm vào hố sâu hun hút của rừng già“. Bị mang tiếng là gia đình mắc bệnh hủi cùi, bị con người ghẻ lạnh, chúng và bố mẹ phải sống trong rừng sâu. Giờ bố mẹ cũng đã mất. May thay loài vật (cọp) đã che chở cho chúng. Trong khi đối tượng làm chúng sợ lại là con người… Sự mâu thuẫn tồn tại trong đời này thật đáng buồn. Câu chuyện đưa chúng ta vào thế giới nhân vật với nhiều cảnh ngộ éo le, đối lập giữa thiện – ác, bóng tối – ánh sáng, con người – con vật…  Hồn mường – Hồn truyện:
Là mối quan hệ tương tác. Hiện thực đời thường và hiện thực trong tác phẩm. Ranh giới ấy được nhà văn Hà Thị Cẩm Anh rút ngắn. Tôi đọc nhiều tập sách nhưng “Một nửa của người đàn bà” lôi cuốn tôi vào thế giới của người Mường với những chuyện đời éo le đến tê lòng. Bằng ngôn ngữ bản địa “Cọp nhá thịt ông đi!” (Là một cách rủa của người Mường), Đi cớt (Kiếp luân hồi), Cồn trộc (gội đầu)… Truyện của chị dễ đọc, dễ hiểu. Kết cấu truyện theo mô típ Hiện tại – Quá khứ – Hiện tại, kể theo mạch cảm xúc nhân vật chứ không bị chi phối bởi thời gian. Là cây bút bộc trực, văn tự nhiên, giàu hình ảnh, giàu chất thơ. Truyện của chị như một cuộc trưng bày về văn hóa Mường, ít nhiều thuyết phục được người đọc. Nhìn chị có lúc tưởng như ngọn đèn đã cạn dầu, rệu rã đến độ khi cái tuổi lục tuần đã đến. Ấy vậy mà, sau mỗi đường cày mệt lử, thành quả lao động đem về cho chị những mùa gặt mới, sinh lực mới, khích lệ nhà văn.
Dù rất công phu nhưng tập truyện trên vẫn bộc lộ những yếu điểm không tránh khỏi sự quá tham chi tiết trong một tác phẩm. Nhiều chi tiết bị lặp lại trong cùng tác phẩm hoặc ở những tác phẩm khác nhau. Chẳng hạn việc lấy những động thái của tự nhiên như núi, rừng… để so sánh với tâm trạng con người gần như là một mô típ quen trong tập truyện. Hơn nữa sự cam chịu, chậm giải phóng, ở một số nhân vật đọc thấy chưa thỏa mãn như người mẹ (Của hồi môn), Vợ Khá (Giải vía)… 
Chín truyện ngắn của Cẩm Anh trong tập truyện Một nửa người của đàn bà là chín cung bậc tình yêu núi rừng, yêu con người. Nhà văn đã phóng bút bằng tâm hồn, ký ức và sự trải nghiệm. Đọc tác phẩm của chị ta càng quý trọng thiên nhiên, yêu văn hóa Mường, yêu dân tộc. Đồng thời đằng sau tác phẩm vẫn là câu hỏi day dứt mọi thời đại: Con người phải làm gì để giữ lại hồn mường, hồn mình trong mỗi bước đổi thay của xã hội?
Nói “Hồn Mường” chỉ mới phát ra trong tập truyện ngắn “Một nửa của người đàn bà” của Hà Thị Cẩm Anh thôi thì e là chưa đủ. Trong toàn bộ sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh đều mang dấu ấn “Hồn Mường”. Bạn đọc có thể chiêm ngưỡng, khám phá và bắt gặp bao nhiêu điều lý thú sẻ chia cùng chị để hiểu rõ hơn về văn hóa Mường.
Chú thích:
[1] Trích xường giao duyên của người Mường.
10/3/2021
Thy Lan
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Căn nhà trong hồn

Căn nhà trong hồn Thế là thu đã tàn. Những chiếc lá cuối cùng cũng đã bị mưa gió cuốn đi đêm qua. Trận gió bất chợt đưa mưa về thật mạnh v...