Thứ Ba, 14 tháng 1, 2025

Huyết yến - Truyện ngắn Trần Thu Hằng

Huyết yến - Truyện ngắn
Trần Thu Hằng

Vào buổi sáng tháng sáu nắng sớm, một nhóm sinh viên thuê xuồng máy rời bờ biển Quảng Nam ra thăm Cù lao Chàm. Họ có năm người, người có gương mặt xương xẩu khắc khổ là Hữu, vừa tốt nghiệp y khoa. Anh có vẻ mặt buồn, hằn đầy những vất vả lo toan vủa bảy năm học hành. Mặc dù có người yêu kề bên, anh vẫn không có vẻ qúa vui như những trường hợp tương tự. Lâm, Cúc và Lực là bạn thuở nhỏ của anh, tuy thường bất đồng ý kiến nhau song họ vẫn cùng nhau về thăm quê sau kỳ thi tốt nghiệp. Trong nhóm bạn, chỉ một mình Hữu may mắn lấy được mảnh bằng Đại học. Lâm có vẻ đau khổ. Cúc ngấm ngầm giận dỗi. Còn Lực vô tâm, bất cần, ngồi bên cạnh ông chủ xuồng, huýt sáo một bài nhạc Tàu…
Bầu trời màu lục chen hồng rạng rỡ, tỏa từ những cụm mây buổi sáng chưa tan. Biển đang ở trước mặt mọi người, trầm tư và kiêu hãnh, bát ngát cuốn bức màn ánh sáng rực hồng. Gió dạt vi vu đùa trên nhữnng mái tóc xanh tươi trẻ.
– Anh Hữu! Biển quê anh đẹp quá!
Cô gái cuống quýt vuốt lại mái tóc dài và trầm trồ lên tiếng. Tri quay lại, mỉm cười. Lồng ngực anh vỡ ra tiểng thở lớn, biển hệt như trong giấc mơ của anh suốt bảy năm ròng. Đôi mắt đẹp của Nga ràn rụa nước mắt, vì chưa quen gió biển. Chính anh cũng muốn rơi nước mắt.
– Em có thích không?
Hữu ướm hỏi, tim anh lo lắng, anh sẽ hành nghề bác sĩ, sẽ cưới Nga, sẽ sống trong một biệt thự ở thành phố Sài Gòn. Anh luôn tin rằng Nga không thích bất cứ nơi nào ngoài nơi sinh sống ấy. Hoặc giả Sidney, Paris…? Nếu anh nghe lời cha mẹ Nga làm hồ sơ nghiên cứu sinh…
– Em thích lắm. Nga cột chặt mớ tóc vào chiếc khăn tay. Mai này mình sẽ về đây sống nghe anh.
– Anh luôn ước được sống ở quê mình. Em thấy đấy, quê anh chỉ có biển và cát trắng, nhưng trong tương lai, nó sẽ không còn là miền đất khổ như trước…
Trong khi Hữu và Nga chợt vui lên, rạng rỡ nói cười thì Cúc quay lại nhìn có vẻ ganh tị. Lực ở mũi xuồng hất mặt bảo:
– Cô cậu mơ mộng quá đấy. Nếu như có thể sống ở quê thì bọn mình đâu phải chổng mông làm việc suốt sáu bảy năm trời ở nơi “đất khách quê người”?
Lâm bật lửa hút thuốc mãi mà không được, rúc đầu vào đám giỏ xách, Cúc khinh khỉnh nhìn. Ông lái xuồng ghì tay lái ngoái lại:
– Mấy cô cậu ở thành phố mới về phải không? Học ở trường nào?
Nga tươi cười trả lời:
– Dạ, trường Y ạ.
– Đã ra trường tốt nghiệp chưa?
– Dạ, rồi ạ.
Làn da cô gái ửng hồng lên vì gió biển nồng mặn và nắng sớm. Nước ràn rạt chia ra từ mũi xuồng, bắn lên những tia cầu vồng tuyệt đẹp.
– Con tui cũng học ở trong thành phố, hai năm rồi. Nó học cái trường kỹ thuật gì đó, mà chẳng thấy nó về… Lạy trời cho nó thành người… Tui chỉ có một mình nó… Anh chị nó…
Ông nhìn đăm đăm ra khơi xa, lạc cả tay lái.
Ra giữa biển, Hữu hoạt bát hẳn lên. Gương mặt nhuốm màu sắc thị thành biến mất, cả nước da xanh cũng chuyển sắc hồng hào rắn rỏi. Anh dõi mắt khắp nơi như để tìm lại một hình ảnh tuổi thơ đang ẩn dấu đâu đó giữa không gian bát ngát không cùng này. Lực cũng thế, ưỡn ngực lên để hít tở không khí mặn mòi của biển. Chỉ có Lâm là lặng lẽ. Trời tháng sáu không gợn chút mây, nắng lên cao lồng lộng. Lời réo gọi khôn nguôi của biển ghi lên trán Hữu những vết hằn kỳ lạ, trước đây chưa từng có. Núi Ngũ Hành đã khuất, biển bây giờ thiếu cái gì đó, chênh vênh.
– Anh!
Nga ngả đầu lên vai Hữu, nũng nịu.
– Em mệt rồi à?
Hữu cố nhích lại gần, mở cái dù hoa lên che nắng. Mặc dù anh biết như vậy rất chướng mắt bạn bè mình. Kể cả Cúc yêu Lâm từ ngày còn nhỏ cũng không dám làm như thế.
Nắng gắt lên, mặt biển nóng bừng. Chiếc áo đỏ của Nga như ngọn lửa phập phồng trong gió biển. Biển đang yên lặng, ngút xanh như một khối ngọc bích. Chỉ một vài tháng nữa, bão mưa trút xuống. Biển không còn trong như thế. Cha anh sẽ xếp lưới vì căn bệnh thấp khớp hành hạ. Đang để tâm trí bay lượn trong cảm xúc, bỗng Hữu rơi vào trạng thái bất an. Hồng, em gái út của anh vừa mới lấy chồng, một người dân kẻ bể. Anh đã không về dự đám cưới của em. Có lẽ mùa này, cô em ở nhà một mình, vì làng chài còn phải ra khơi những lần chót. Nga trong vòng tay anh không hề biết được điều ấy. Lực lơ đãng ném đầu lọc ra xa, khơi đúng tâm trạng của anh.
– Phải chi mày đừng gả em mày sớm, bây giờ tao về làm ngư ông có hay hơn không?
– Thằng Chí Phèo! Lâm mắng bạn, mặt tươi lên một chút.
– Cù lao kia rồi. Hữu reo. Nga à, nơi naày anh cũng chỉ ra được có mấy lần thôi. Cù lao này nổi tiếng nhất “yến xào”.
Những cột đá hiện lên lấp lánh trong nắng trưa. Mưa gió không biết bao nhiêu năm chưa mài mòn được nhữnng góc cạnh của chúng. Chúng cắt lên nền trời sắc nhọn. Rất nhiều xuồng đang đậu, thon dài và quen thuộc như thể nắm chờ anh từ lâu lắm rồi.
– Cái gì kia, anh Hữu?
Chợt Nga chỉ lên cao. Một con chim nhỏ như vừa bay tách khỏi mặt trời, chao cánh bên cạnh cột đá cao.
– Chim yến đấy, Nga ạ. Nó thường làm tổ trên những hốc đá cao.
– Lúc này chỉ còn huyết yến thôi. Lực buột miệng nói.
– Huyết yến? Đó là cái gì thế anh?
– Là thứ tổ làm đến lần thứ ba, chim yến mẹ phải rút máu trong cổ họng của mình để xây tổ.
– Mùa ấy, mày gỡ cả ba đợt tổ yến. Hết mùa yến thì mẹ mày cũng… Lâm nói nhỏ.
Mặt Nga biến sắc:
– Cái gì? Anh cũng đi gỡ tổ?
Hữu không đáp, mặt anh lạnh đi. Nhưng Lực thì phì cười.
– Ôi bà Nga! Nói cho bà hay, ông Hữu nhà bà nuôi mẹ bằng những cái tổ bé bằng nắm tay ấy đấy. Hồi đó tôi có theo ổng, nhưng không dám nhìn, chứ đừng bảo tôi…
– Nhưng mà làm sao lấy được?
– Leo, leo… Lực nhún vai.
– Có thật không anh?
Hữu nhẹ gật đầu. Anh chưa hề kể cho Nga nghe ngày mẹ anh mắc bệnh ung thư, anh đã lén cha theo những người gỡ tổ yến đi khắp các hòn đảo, tìm yến kiếm tiền. Đến bây giờ cha anh cũng còn chưa biết chuyện. Chỉ có Lực, Lâm, Cúc là những đứa bạn thân nhất thường van xin, can ngăn và hăm dọa anh.
– Khi ấy, mùa mưa đến… Cúc mở miệng nói câu đầu tiên kể từ lúc rời bờ biển.
Cả Lâm và Hữu cùng cúi đầu. Song anh vẫn nhận ra những đốm bạc như sao bám trên vách đá hiểm trở, nhắc lại những giấc mơ, nhắc lại khát vọng lên cao và ngự trị đại dương.
– Trời, anh liều quá đi! Nga kêu lên.
– Anh có sao đâu nè… Tri bất giác nói bằng giọng Quảng đặc sệt.
– Em sẽ không bao giờ cho anh làm như “rứa” nữa, nghe chưa? Cô mủm mỉm cười.
Lực vẫn còn ở trong dòng hồi tưởng:
– Hồi đó, đứa nào cũng nói Trời phạt mày, nhưng bây giờ tao mới hiểu ông Trời rất công bằng, ổng biểu mẹ mày chết thay cho mày. Chớ bóc tổ yến như vậy là cũng ác lắm chứ đâu phải giỡn…
– Thôi đi mày. Lâm gạt đi khi thấy Nga rơm rớm nước mắt. Tay cô bám chặt bàn tay Cúc vì xúc động.
Xuồng cặp vào bờ. Ông lái lên tiếng gọi, cả bọn mới lục tục dẫn nhau đi. Lâm cầm cây đàn, Lực khoác vào cổ chiếc máy ảnh. Cúc và Nga bày thức ăn ra. Tất cả không tắm biển như đã định trước. Cúc và Lâm tiếp tục nói chuyện về một tương lai chung, ai cũng khư khư giữ bộ mặt đưa đám của mình làm cả bọn mất hứng. Bốn giờ chiều, cả bọn cũng không vào đền Cá Ông Voi để chụp hình mà kéo nhau về.
Lúc về, xuồng theo hướng Đông Bắc cho tiện, tất cả sẽ về nhà Cúc. Sáng mai Hữu mượn xe máy của Lâm đưa Nga về nhà mình. Cả hai sẽ chẳng ở lâu, vì bốn ngày nữa Hữu phải về trường nhận bằng tốt nghiệp.
Chân trời đỏ ối, chiếc áo của Nga đẫm mồ hôi, Hữu quạt cho Nga, còn Lâm và Cúc thì không thèm nhìn nhau nữa.
Có một khối đá sừng sững ngay chân cù lao, nhìn như một hang động nhuốm nắng chiều hồng tươi. Trên đó có một giàn cây mới tinh áp sát như những cái thang ghép lại. Lực nhỏm người, ồ à vì ngạc nhiên.
– Có mấy tổ huyết yến kia. Sao không thấy ai hết vậy?
– Đúng rồi, huyết yến! Hữu cũng nhỏm dậy, mắt lom lom nhìn lên. Ông lái nói:
– Chắc chỗ này khó gỡ, người ta mới bỏ…
Hữu liền nói:
– Đâu, bác cặp vào đi…
– Mày định làm cái quái gì vậy? Lâm quát lên.
– Tao muốn thử.
Bất chấp tất cả khuyên ngăn, Hữu nhảy lên bờ đá. Đã bảy năm trời anh mới về đất Quảng. Trong anh một nửa vẫn là tuổi thơ trên những giàn cây cao chót vót. Nhìn thấy rất cao, rất xa miền đất nắng gió thân yêu.
Hữu đã leo lên chừng năm mét, thoăn thoắt như con sóc rừng. Anh ngoảnh nhìn xuống, chiếc giàn cây kêu răng rắc dưới chân anh. Nga nước mắt lưng tròng khoa chân tay ầm ĩ. Còn mấy đứa bạn tái ngắt, câm lặng nhìn anh. Họ biết tính anh rất rõ, kể từ cái ngày bé xíu, kể từ lần đầu tiên anh bám lên những cây sào sơ sài chết người ấy.
Anh leo lên qua nhánh thứ nhất của khối đá. Tiếng gió xé bên tai anh. “Mẹ…mẹ…!” Anh bật kêu lên, tựa hẳn người vào giàn cây, vung hai tay quá đầu mà kêu lên. “Mẹ!” Giọng anh sung sướng, tự hào.
Chim yến không vào làm tổ tháng sáu.
14/3/2021
Trần Thu Hằng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Căn nhà trong hồn

Căn nhà trong hồn Thế là thu đã tàn. Những chiếc lá cuối cùng cũng đã bị mưa gió cuốn đi đêm qua. Trận gió bất chợt đưa mưa về thật mạnh v...