Thứ Ba, 14 tháng 1, 2025

Lê Lợi mài gươm

Lê Lợi mài gươm

Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm ở Thanh Hóa, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là cây bút đang sung mãn, liên tục trình làng các tập thơ thời gian gần đây. Một trong những tác phẩm gây ấn tượng của Nguyễn Minh Khiêm là trường ca Lê Lợi mài gươm, Nxb Hội Nhà văn 2020. Đây là trường ca thứ tư sau Bầu trời màu hoa gạo (2015), Ba mươi tháng Tư (2017), Hát nơi cửa sóng (2018) của ông. Bằng tình yêu quê hương, nguồn cội và kiến thức lịch sử, văn hóa phong phú được thẩm thấu qua lăng kính của một thi sĩ tài năng, Nguyễn Minh Khiêm đã thành công khi dựng nên trường ca mang tính sử thi Lê Lợi mài gươm gồm 5 chương, mà từng câu chữ như nghe sống lại, âm vang tiếng vó ngựa, gươm khua và cả trí tuệ, hào khí của tổ tiên trong cuộc khởi nghĩa ở đất Lam Sơn do anh hùng Lê Lợi đứng đầu chống quân xâm lược nhà Minh giải phóng đất nước. Nhân Ngày Thơ Việt Nam, xin trân trọng giới thiệu trường ca Lê Lợi mài gươm của thi sĩ xứ Thanh. (PH)
Chương I: Sấm động rừng Lam
1.
Lại một người đàn ông nữa bị cung hình
Một người nữa bị đem ra mổ bụng
Một đứa trẻ bị ném vào chuồng cọp
Một phụ nữ bị bắt làm trò ô nhục
Một quan nhà Hồ bị ngựa kéo lê thây
Một nhà sư bị đốt chẳng ghê tay
Một nhà nho bị lôi ra xử chảm!
Tên Trương Phụ cứ ngày ngày cuồng lệnh
Không để sót một tấm bia nào người Việt dựng lên
Đập!
Và đập!
Không để sót một chữ nào ghi lịch sử, văn chương
Không để sót dòng nào ghi thuần phong mỹ tục
Không để sót một đình chùa miếu mạo
Còn một chữ cũng đập cho tan
Dù một chữ cũng không để sót!
Vùng quê nào còn dân ca dân vũ
Vùng quê nào còn thờ cúng Hùng Vương
Vùng quê nào còn lưu truyền ca dao tục ngữ
Vùng quê nào còng kể chuyện Sơn Tinh,
Thủy Tinh, Thánh Gióng
Hãy cho quân triệt hạ
Dù vùng thấp vùng cao
Kinh thành hay xóm bản
Phá thuyền không để ván
Đốt diều không để dây
Đổ trầu không để khay
Nhổ cỏ không để rễ!
Tám mươi vạn quân Minh phủ bóng mây đen
Treo cái chết trước từng cổng ngõ
Cái chết đến bằng lũ khát máu hai chân
Cái chết đến bằng mũi gươm, mũi giáo
Cái chết đến từ dây thừng dây chão
Cái chết đến từ cái ô, cái mũ
Chúng thèm khát đất đai
Thèm bạc vàng châu báu
Ngẩng đầu lên chỉ thấy mây đen
Mây đen ùa vào từng cánh cửa
Phủ lên từng ánh mắt
Phủ lên trên giọng nói tiếng cười
Phủ con đường xuống sông gánh nước
Phủ con đường gánh ban mai ra chợ
Phủ gốc đa ngày hội đêm rằm
Không nhà ai còn dám đốt đèn
Không xóm thôn nào còn ê a tiếng hát
Chúng bắt ăn mặc giống người bắc quốc
Bắt học nói học ca  giống người bắc quốc
Bắt thờ cúng lễ nghi giống người bắc quốc
Đất nước úp mặt vào nỗi đau
Úp mặt vào nước mắt
Nước mắt cuốn nhau xuống biển mò ngọc trai
Nước mắt cuốn nhau lên rừng tìm ngà voi, nanh hổ
Nước mắt cuốn nhau vào nơi thâm sơn cùng cốc đào vàng
Đào thấy hài cốt của ông cha
Đào thấy nền văn minh văn hiến
Đào thấy gia phả thần phả
Mồ hôi ướt đầm đìa
Lau mồ hôi đỏ ngầu màu máu
Máu hắt lên bốn phía mây đen!
Ôi mây đen!
Mây đen!
Mây như hắc ín phủ miền quê ta
Sông Lường còn chở phù sa
Sóng hay là tiếng kêu la hận thù
Trẻ còn nghe tiếng mẹ ru
Hay roi vọt quất mịt mù đau thương
Đất còn cây trái đơm hương
Lúa ngô còn rẫy còn nương gieo trồng
Giặc lia mắt quạ trăm vùng
Trẻ già như cá nằm trong lưới chài
Thức khuya không hết đêm dài
Ngày mai, chẳng biết ngày mai là gì!
Một màu mây nặng như chì
Cứ đè vào ngực, cứ ghì vào tim
Bỗng đâu bảy nổi ba chìm
Thịt da nghìn vạn mũi kim chích vào
Biển đang gọi biển thét gào
Núi đang gọi núi chất cao căm hờn
Tiếng chim gọi đắng bồ hòn
Lạch khe mỏm đá gọi hồn đất đai
Lá rơi hú gọi hồn cây
Giọt sương hú gọi trời đầy trăng sao
Nỗi buồn hú gọi tìm nhau
Góp thành gió bão lật nhào tối tăm
Nén trong lồng ngực nghìn năm
Nén trong lồng ngực hờn căm bạo tàn
Bật tung chớp bể mưa ngàn
Bật tung xiềng xích đập tan giặc thù
Xé cho sạch bóng mây mù
Đất quê lại ấm tiếng ru ngọt ngào
Ta đi lại ngẩng cao đầu
Nước non Đại Việt lại màu lửa thiêng.
2.
Bao nhiêu đêm
Lê Lợi không chợp mắt
Lòng như than lửa
Nằm trên chông gai
Nuốt cơm sỏi cát
Uống nước như uống tóc
Lang thang trong rừng
Lang thang khe suối
Người xoè tay dưới tán lá cây rừng
Ngạt ngào quá mùi hương tràm hương quế
Ngạt ngào quá mùi hoa lan hoa dẻ
Rực rỡ bông trang, rực rỡ mai vàng
Có gì đẹp hơn thế nữa hỡi rừng Lam?
Rừng cho ta ngất ngây mùi cây trái
Mùa quả chín gọi tay người về hái
Mùa mật thơm gọi bướm gọi ong
Cỏ non xanh gọi chim trĩ, chim công
Sung vả dâu da gọi chồn gọi khỉ
Bóng cây gọi nhọc nhằn đến nghỉ
Gọi gái trai Mường múa hát mê say
Gọi những quả còn tình yêu bỏng trong tay
Âm vang cồng chiêng, âm vang khèn sáo
Cây trẩu cây trầm cho dầu ngồi dệt áo
Cây lau cây bông cho ruột gối ruột chăn
Cây quạch cây chay cho đỏ miếng trầu xuân
Cái rẫy cái nương cho no cho ấm
Khe suối trong cho ngọc ngà xuống tắm
Cho men lên ngây ngất chóe rượu cần
Lim sến cho kang, cho cột nhà sàn
Nhà sàn là trái tim rừng núi
Trái tim đập lời mai lời mối
Trái tim đập lời ạu, lời mo
Truyền lại cháu con chuyện nghìn vạn năm qua
Chuyện đẻ ra trời, chuyện sinh ra đất
Chuyện quỷ chuyện ma chuyện thần chuyện phật
Chuyện cây sinh lửa, chuyện đá làm đàn
Bàn chân bàn tay sinh ra tục ngữ
Que củi hòn than sinh ra cái chữ
Cái rìu cái rựa sinh nở ca dao
Nhưng bây giờ nghìn vạn nỗi đau
Đang chĩa vào trái tim rừng núi!
Mỗi nhịp đập buốt muôn vàn câu hỏi
Hỏi con đường sẽ dẫn về đâu
Hỏi sách Lam Sơn có khác Cổ Lâu?
Phải làm gì đây
Người tự hỏi mình
Nhiều cung tên treo trên vách để làm gì
Nhiều giáo mác dựng trên sàn để làm gì
Đọc Lão Tử, Trang Tử, Mạnh Tử, Khổng Tử để làm gì
Thuộc Kinh thi, Kinh thư để làm gì
Đọc binh pháp Khổng Minh, Tôn Tử để làm gì
Bao nhiêu năm luyện đao kiếm để làm gì
Tập võ nghệ để làm gì
Sôi kinh nấu sử để làm gì
Thành Thăng Long đã mất
Thành Hồ Quý Ly đen dày bóng giặc
Sông Lỗi Giang không còn là nơi ta bơi thuyền câu cá
Mũi giáo giặc Minh đang chĩa vào cửa buồng nhà ta
Vó ngựa giặc Minh đang giậm bên cánh mũi của ta
Ta nghe thấy sự đổ vỡ
Ta nghe thấy mùi máu phả vào cửa man, cửa voóng
Ta nghe thấy mùi máu phả vào chỗ đàn bà con gái nhà ta
ngồi quay tơ dệt cửi
Cây lim, cây sến đang hỏi ta
Mỗi chiếc lá là một con mắt đang nhìn ta
Hòn cuội đang hỏi ta
Con ong con bướm đang hỏi ta
Chí khí  Bà Trưng đâu
Chí khí Bà Triệu đâu
Chí khí Đinh Tiên Hoàng đâu
Chí khí Lê Hoàn đâu
Đâu những trang sử chói ngời Lý Thường Kiệt
đánh tan giặc Tống
Đâu những trang sử anh hùng ba lần Trần Hưng Đạo
đánh tan giặc Mông Nguyên
Một triều Trần chỉ còn tro bụi
Một triều Hồ chỉ còn chợ vỡ
Vua một nước bỗng hoá tù binh
Dân một nước bỗng biến thành trâu ngựa
Đêm vọng lên những khúc chiêu hồn
Ngày phủ màu khăn tang
Nhiễu điều giá gương không giữ được bài vị nhà mình
Bầu bí vắt vào nhau nẫu úa trên giàn
Cua ốc ôm nhau rục mòn trong lỗ
Chim gục dưới cung tên trước khi về đến tổ
Cá tôm sục bùn chài lưới bủa vây
Con gà bị trói còn biết kêu lên
Con ong bị phá tổ còn biết xông tìm kẻ thù để đốt
Con hổ, con gấu bị tên bị đạn còn biết gầm lên
Chẳng lẽ ta câm, ta điếc, ta mù
Bọn giặc Minh muốn ta phải câm
Bọn giặc Minh muốn ta phải điếc
Bọn giặc Minh muốn ta phải mù
Chúng muốn ta chỉ biết lăn lóc như củ khoai củ sắn
Đất nước ta như mảnh lụa, mảnh tơ
Giặc phương bắc như lưỡi dao, lưỡi kéo
Thời nhà Tùy chúng chia thành các quận Tỷ Ánh, Nhật Nam,
Tượng Lâm, Giao Chỉ, Hải Âm, Ninh Việt, Cử Chân
Thời nhà Đường, chúng lại chia nước ta thành châu Chi,
châu Thang, châu Giao, châu Trường, châu Lục
châu Diễn, châu Hoan, châu Ái, châu Phong
Chẳng lẽ ta ngồi gặm nhấm nỗi đau
Cơ nghiệp nghìn năm nhặt về đổ vỡ
Chít khăn tang cho bờ cõi biên cương
Chít khăn tang cho con Rồng cháu Lạc
Chít khăn tang cho niềm kiêu hãnh Văn Lang
Chít khăn tang cho nước Vạn Xuân
Làm văn tế chiêu hồn Mê Linh
Làm văn tế chiêu hồn Thăng Long
Khắc trong tim hai chữ hận thù
Ngày bắt đầu bằng bình minh của máu
Và khép lại bằng hoàng hôn của máu
Đất nước hắt ra tiếng thở dài giông bão
Giông bão cuộn vào trong những nắm tay
Giông bão cuộn vào vành môi khoé mắt
Giông bão hiện hình trên những con dao dắt sau cửa liếp
Giông bão hiện trong cái hái cái liềm
Cọng rơm ẩn hình những ngọn lửa bùng lên
Cây nứa cây tre ẩn hình mũi tên mũi mác
Giọt sương khuya ẩn hình ngọn thác
Đêm chuyển rung sấm động phía chân trời
Chương 2: Lê Lợi mài gươm
1.
Có thày địa lý bảo
Đất này là đất phát vương
Lê Lợi hỏi lại
Thế đất nào là đất làm nô lệ?
Thử tính xem từ thuở vua Hùng
Có miền đất nào không có người tài, người giỏi
Nguyễn Tuấn ở Ba Vì
Bà Trưng ở Phong Châu
Bà Triệu ở Quan Yên
Đinh Bộ Lĩnh Hoa Lư
Lê Hoàn quê Xuân Lập
Nhà Lý ở Bắc Ninh
Nhà Trần vùng Châu Thổ
Có nơi nào quê cha Đất Tổ
Không sáng lên những bậc anh hùng?
Chẳng lẽ huyệt đất Mông Cổ phải ngồi trên lưng ngựa
Phải đeo cung tên gieo chết chóc quê người
Chẳng lẽ cả Trung Nguyên là một huyệt đất xâm lăng
Là huyệt đất cắn xé nhau hết thời Xuân Thu
đến thời Tam Quốc
Một huyệt đất nồi da nấu thịt?
Huyệt đất Đại Việt là làm kiếp trâu kiếp ngựa?
Hãy nhìn xem sông núi của ta
Núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng
Núi Tản Viên hùng vĩ
Sông cái Nhị Hà cuồn cuộn nghìn năm
Thành Thăng Long tinh hoa văn vật
Văn Miếu rạng danh trăm bia tiến sĩ
Vùng đất nào cũng có trạng nguyên
Vùng đất nào cũng thám hoa, bảng nhãn
Nhưng bây giờ chỉ là nước mắt!
Đêm trũng sâu hơn trong những tiếng thở dài
Còn ai đốt lửa để thổi khèn, thổi sáo
Ai kéo sợi quay tơ dệt áo
Ai hái măng bóc quế trồng dâu
Ai nuôi tằm dệt vải
Người Tày, người Nùng có còn được tự do gảy
đàn tính, hát then
Người Thái có còn được tự do cồng chiêng,
thổi khèn, khua luống
Người Mường có còn được tự do hát xường diễn xướng,
hát mo
kể Đẻ đất đẻ nước, hát tình ca tình yêu trai gái
Người Kinh có còn được tự do đi hội Gióng, hội Lim
Có còn được tự do đi hội chùa Hương đi hội chùa Thầy
Cầu quốc thái dân an, cầu tài cầu lộc
Đến giun dế cũng không còn sống nổi
Con chim con cò phải bỏ tổ, lìa cây
Làm gì còn đất hổ phục rồng bay
Giặc hà hiếp dân thê lương đau khổ
Đất nước như con thuyền bị vỡ
Máu đã thành sông nghìn vạn đầu rơi
Đất trăm họ đều tang thương điêu đứng
Sao đất nhà ta lại là đất phát vương phát tướng?
Đất muôn dân bách tính nô tì?
Hãy nhìn xem
Nước mắt người Kinh có khác nước mắt người Mường
Nỗi đau người Dao có khác nỗi đau người Thái
Hãy lắng nghe tiếng thét trẻ con bị quăng vào lửa
Tiếng thét trẻ con bị ném ra đường cái
Những đứa trẻ không còn sữa bú
Những đứa trẻ không tìm được cha được mẹ
Những đứa trẻ không nhà cửa lang thang
Có tiếng khóc nào vui
Tất cả đều buốt như lách nứa khứa vào gan ruột
Tất cả đều bỏng rát như đổ ớt vào họng
Xót như đổ muối vào chỗ thịt da chảy máu
Đó là những đứa trẻ con cháu của Lang Cun Khương,
Lang Cun Cần được sinh ra từ Đẻ Đất Đẻ Nước
Những đứa sẽ lớn lên đi chặt cây chu đá lá chu đồng
Để làm nhà dài nhà rộng
Để mở mường trời, để xây mường đất
Những đứa trẻ sẽ lớn lên quật đổ con beo con báo
Đó là những đứa trẻ được sinh ra từ bọc trứng Âu Cơ
Lớn lên thành năm mươi người con theo cha xuống biển
Lớn lên thành năm mươi người con theo mẹ lên rừng
Mặc áo khóm thì gọi người Mường
Mặc áo dài thì gọi người Kinh
Chít khăn piêu thì gọi là người Thái
Quấn vải bó chân thì gọi là người Mán
Quấn khăn trên đầu tính tuổi thì gọi người Dao
Đeo nhiều vòng bạc, cúc bạc thì gọi người Mèo
Mặc áo tràm thì gọi là người Tày, người Dáy
Mỗi dân tộc nói một thứ tiếng khác nhau
Như cây rừng khác màu hoa màu quả
Cứ tỏa thơm hương sắc riêng mình
Nhưng tất cả chung một khu rừng lớn
Che chở cho nhau, đùm bọc lẫn nhau
Càng bão lớn càng thêm vững chãi
Các dân tộc Đại Việt này cũng vậy
Người ở đồng bằng, người ở núi cao
Biết chia lửa sưởi ấm cho nhau
Sống thì giết thú ác, giết kẻ xấu giữ đất giữ Mường
Chết linh thiêng thành thần sông thần núi
Nơi lập miếu thờ gọi cô Ba cô Chín
Nơi gọi Thánh Mẫu, Chúa Thượng Ngàn
Nơi gọi là Liễu Hạnh
Nơi gọi là Thiên Thần, Sơn Thần, Thổ Thần,
Thổ Công, Hà Bá
Có đứa trẻ tên gọi là Thánh Gióng
Nhổ tre làng quật lũ giặc Ân
Tre đằng ngà màu lửa ngựa phun
Mắc võng vào tre nghe linh khí đất đai
Như than lửa nghìn năm hừng hực cháy
Ngậm đũa vào miệng nghe vọng lời non nước
Yêu nước thì tự lớn lên thành tráng sĩ
Quyết tâm tiêu diệt giặc thì sẽ có ngựa sắt, giáp sắt
Lửa giữ hồn thiêng không bao giờ tắt
Đó là lời hịch của tinh thần hiên ngang bất khuất
Để lại câu uống nước nhớ nguồn
Đất nước sinh ra đứa bé ấy là ta
Cùng trẻ sách Khả Lam trần truồng tắm nước
sông Lường
Kết bè kết mảng xuôi dòng  Lỗi Giang
Kết bè kết mảng xuôi dọc sông Bần
Thả lưới thả chài sông Chuỳ, sông Hép
Luyện đất làm khuôn đúc chuông đúc khánh
Đục cây dổi, cây kiêng làm cối làm chày
Làm máng hình thuyền đêm trăng khua luống
Cất lên tiếng dô huầy dô khoan vượt ngầm vượt thác
Mùa mưa vào rừng hái măng, hái nấm
Mùa thu đi nhặt trám nhặt bùi
Lúc sinh ra cũng được tắm nước lá rừng chống con vắt
con muỗi, bọ ve
Nắm nhau cùng được chôn dưới đất rừng
Mỗi bận ốm đau cùng được thày mo làm vía
Khi con hổ, con báo vào bản bắt lợn, bắt chó
Đứa trẻ ấy cũng biết cầm gậy, cầm lửa hô hét đuổi tận rừng sâu
Đứa trẻ ấy đang lắng nghe tiếng voi Bà Trưng ra trận
Đứa trẻ ấy đang lắng nghe từng lời Bà Triệu:
“Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp sóng dữ, chém cá kình

cá ngạc, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp kẻ khác”
Đứa trẻ ấy đang lắng nghe tiếng Trần Bình Trọng:
“ Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm vương đất Bắc”
Đứa trẻ ấy đang đọc lại hai chữ Sát thát
Khắc trên cánh tay tướng lĩnh nhà Trần
Lắng nghe từng cây cọc Bạch Đằng
Đánh tan bao đạo quân phương bắc
Học cách ngẩng cao đầu của người dân Đại Việt
Không phải một lần bóp nát quả cam
Bóp nát hết đêm này đêm khác
Đấm vào đá bàn tay tóe máu
Muốn giết lũ giặc Minh tàn bạo, ngông cuồng
Và trong mơ người thấy sóng sông Lường
Dựng sáng quắc chói lòa muôn kiếm sắc
2.
Đêm ấy
Lê Lợi ngồi mài gươm
Đầu chít khăn
Lưng thắt dây rừng
Chân đi giày cỏ
Rừng Lam hoang dã
Sóng sông Lường vạc đá
Tiếng gươm siết vào ánh trăng
Trong ông vọng lên tiếng rú
Đau nhói và nhức buốt
Con ong đang say mùa mật ngọt
Con khướu đang mùa ca hót
Con hươu đang mùa đập gạc
Con công đang mùa gọi bạn tình
Hạt gọi hạt sinh sôi
Mầm gọi mầm tươi tốt
Rừng của ta ơi
Sao phải rú lên
Làng bản của ta ơi
Sao phải rú lên
Con trâu bị bóc móng
Con voi bị chặt ngà
Tê tê bị tróc vảy
Giặc nhà Minh khát máu
Chúng đến như mây đen
Chúng đến như kiến lửa
Tàn bạo hơn hổ dữ
Kẻ trước vét bạc vàng
Kẻ sau lùa đàn bà con gái
Lăng tẩm, đền đài bị đốt thành tro bụi
Người Mường không còn được mở hội đoọc moong
Chúng đập nát bàn thờ Tổ tiên nội ngoại
Người Thái không còn được mở hội ba mươi sáu
điệu xòe
Chúng đập nát bàn thờ đắm pang
Người Tày, người Nùng không còn được mở hội lùng tùng
Chúng đập nát bát hương thờ đắm, thờ hàm, thờ lộc mệnh
Người Mẹo không còn được mở hội gầu tào
Chúng đập nát bàn thờ thờ xử – ca – hò – de
Giặc nhà Minh cậy thế đông người
Ngạo mạn tự xưng mình là thiên tử
Ngạo mạn tự xưng xứ mệnh thiên triều
Vênh vang đạo Lão, đạo Khổng, đạo Trang
Nhưng thực chất là quân vô đạo
Ngôn ngữ mạnh nhất là giáo gươm tàn bạo
Vụn đất nào cũng rên xiết thương đau
Đôi mắt ông nhìn vào thẳm sâu
Lặng lẽ vạch ra bao nhiêu thế trận
Thế núi, hình khe và lòng dân vô tận
Là thiên la địa võng diệt bạo tàn
Ông hình dung ra chim thú cỏ cây
Những nghĩa quân vô hình bốn phương chờ giặc
Một thế trận nhân dân bủa vây dày đặc
Cuộc ra quân không chỉ có gươm thần
Mồ hôi đầm áo
Mồ hôi đầm khăn
Mồ hôi tưới lưỡi gươm rực đỏ
Ông khoát nước sông để giấu đi ngọn lửa
Đang bùng lên trong trái tim mình
Bao nhiêu đời Đại Việt đã mài gươm
Gươm giáo sáng từ thuở khai thiên lập địa
Chưa một ngày được giắt vào bao
Chưa một ngày nằm yên trên vách
Không phải để chiến tranh
Chỉ để sống bình yên
Đứa trẻ sinh ra được múa hát trong làng xóm của mình
Con gái con trai được yêu nhau không trốn chui trốn lủi
Cái cọn nước được quay bên dòng suối
Đưa nước về tươi tốt rẫy nương
Chum rượu cần được nghiêng ngả bên nhau
Khi lễ hội vui xuân, khi cưới chồng cưới vợ
Cái rựa cái rìu được chặt gỗ lớn dựng nhà cao
Cái dón cái gùi được thơm hạt ngô hạt thóc
Người miền xuôi được mở hội đua thuyền rước nước
Người miền ngược được mở hội cồng chiêng
Nét đẹp nghìn năm được con cháu nhân lên
Tiếng hát lời ca mãi thơm nguồn cội
Nhưng giặc phương Bắc không cho ta nghĩ vậy
Trăm năm nghìn năm chúng nuôi mộng xâm lăng
Lời ngọt ngào nào cũng ẩn chứa vuốt nanh
Trong cái mũ nhỏ hiện hình một con thú lớn
Từ Hán, Ân, Ngô, Tấn, Đường, Tùy, Tống
Hau háu cú diều nhìn Giao Chỉ, Giao Châu
Muốn xóa xổ cháu con Lục Tục Kinh Dương Vương
Bằng sức mạnh vuốt nanh quỷ dữ
Dân Lạc Việt mấy nghìn năm mất ngủ
Hát ru con gươm giáo vẫn gối đầu
Nâng lên tay một vụn đất mỡ màu
Cũng hiện lên mấy lần cung nỏ
Lê Lợi mài gươm là tiếng lòng trăm họ
Là thuận theo ý nguyện của trời xanh
Ông biết rõ một đường gươm không giết sạch giặc Minh
Bởi bọn chúng nhiều như kiến cỏ
Hung tợn hơn dã thú
Nỗi nhục cha ông chúng nghìn năm con đó
Cột đồng Đông Hán đã gãy
Thoát Hoan chui vào ống  đồng chạy trốn
Trên sông Bạch Đằng
Trương Ngọc chết
Ta bắt sống Ô Mã Nhi, Lệ Tích Cơ, Phàn Tiếp
Bầy chim Lạc vẫn bay lượn trên mặt trống đồng
Dân tộc này vẫn bơi thuyền và múa hát
Ông vung gươm chém đá xin thề
Mục Sơn, Linh Sơn, Pù Dinh…lặng lẽ nghiêng về
Trăng sao tụ vào ánh thép
Lưỡi gươm nhập khí thiêng trời đất
Cỏ cây sáng lên thành hịch
Rừng núi âm vang cồng chiêng
Những tia chớp bật loé từ lưỡi gươm
Rừng Lam phát hào quang bốn cõi
Tất cả những nỗi đau đã thành tiếng gọi
Người trăm nơi như mạch nước thấm về
Thái, Mường, Kinh…đủ mọi vùng quê
Nhập vào đoàn quân trùng trùng điệp điệp!
Những lưỡi đao ngời lên ánh thép
Như lửa thiêng thắp sáng bản mường
Những lưỡi đao phát rẫy làm nương
Những lưỡi đao làm cung, làm nỏ
Những lưỡi đao đào măng, đào củ
Làm nhà sàn và làm cọn nước
Đang cùng ông mài sắc
Cát sỏi  nhập vào đội ngũ đứng lên
Trừ giặc Minh!
Trừ giặc Minh!
Đi giải phóng mình không phải gọi thành tên
Đi giải phóng mình không đòi ai tạc tượng
Ông nghe rõ cả núi rừng cộng hưởng
Đó là lời truyền dụ ba quân
Rầm rập bàn chân nối tiếp những bàn chân
Giáo gươm sáng rực trời gươm giáo!
Nghe ngọn gió chuyển mình thành bão
Chớp xé mây đen, sấm động chân trời
Một mình trong đêm bỗng ông thốt thành lời
Gươm là bút viết bình Ngô đại cáo!
Ông nghe tiếng sục sôi cuộn trong ngực áo
Nghe cây lim cây sến nhập vào tâm
Nghe sông Lường muôn trận lũ réo gầm
Nghe Lỗi Giang cho sức muôn ngọn thác
Sông Bần, sông Âm dội lên tiếng hát
Chí Linh, Pù Luông sừng sững dựng tên mình
Và ông nghe từ lá cọ lá tranh
Cây bương cây vầu về dựng kho dựng trại
Cây song cây mây buộc thuyền bè vững chãi
Cây ngơn cây kiêng làm mộc làm khiên
Cây tre cây mai làm chông làm tên
Cây nứa cây giang làm gùi làm dón
Nghe núi mở những hang động lớn
Để chở che nghìn vạn quân vào
Ông giơ gươm dưới trời sao
Nghìn tia chớp sáng dọi vào đất thiêng
Như hồn sông núi ngời lên
Gần xa muôn nẻo về bên bóng cờ
Đất rung tiếng thác xô bờ
Làng trên xóm dưới sẵn chờ xung phong
Hỡi bày giặc dữ cuồng ngông
Hãy nghe tiếng thét tận cùng nỗi đau
Hờn căm đã kết vào nhau
Tay ta đã biến gươm đao thành lời
Bao nhiêu máu chảy đầu rơi
Sẽ thành sức mạnh sinh sôi triệu lần
Hờn căm đã dựng sóng thần
Bão giông đã giục xa gần bão giông
Ngực ta thành ngực trống đồng
Tim ta vọng dội thành cồng thành chiêng
Gươm này sẽ hoá lửa thiêng
Chặt nghiêng sông suối chém nghiêng núi rừng
Muôn phương bện lại thành thừng
Cỏ rơm lại hóa sóng lừng sục sôi
Gươm thiêng sẽ sáng rực trời
Trăm hoa Đại Việt lại ngời sức xuân
Triệu người thành triệu nghĩa quân
Xin thề quét sạch bạo tàn giặc Minh
Có tiếng người nhè nhẹ ngồi bên/ Lê Lợi giật mình nhận ra hiền nội/ Nhặt thêm củi bỏ vào bếp lửa/ Giọng ngọt mềm như mật rót ống bương/ Người muốn mưu nghiệp lớn cứu nước cứu dân/ Luyện võ, mài gươm quên ăn quên ngủ/ Thiếp là vợ sao không cùng chia sẻ?/ Tướng công là cây, thiếp là cái rễ/ Cây muốn bền thì rễ phải sâu/ Quả chát quả chua đã ngày tháng có nhau/ Mưu nghiệp lớn, một mình tướng công đối mặt?/ Săn con thú cũng phải có nhiều người hợp lực/ Người chặn phía trước, người đón phía sau/ Vòng trong vòng ngoài tay lưới, tay lao/ Lớp trước lớp sau tay cung tay nỏ
Chương 3: Bên bếp lửa nhà sàn
1.
Trầm ngâm bên bếp lửa
Hăn hắt lạnh đông ken
Thung Lam khuya lặng phắc
Người suy tính việc dựng cờ đại nghĩa
Những tàn than tí tách bắn lên
Như ý nghĩ trong đầu bập bùng đứt nối
Người chợt nhận ra rất nhiều que củi
Mới làm cho ngọn lửa bốc cao
Rất nhiều than mới làm ngôi nhà ấm
Một cây củi cho dù rất lớn
Cũng không làm nên được ngọn lửa thiêng
Một con người dù sức mạnh vô biên
Cũng không thể vang sông dậy núi
Một mình ta khác nào cây củi
Cháy âm âm le lói dưới chân kiềng
Rồi tàn lụi tro nghi ngút khói
Thăm thẳm trong ông vang bao nhiêu câu hỏi
Bằng cách nào để ngọn lửa bùng lên
Từ bếp lửa này cháy thành đuốc lớn
Không bị tắt trong mưa trong gió
Càng bão giông lửa càng rực sáng
Có tiếng người nhè nhẹ ngồi bên
Lê Lợi giật mình nhận ra người vợ
Nhặt thêm củi bỏ vào bếp lửa
Giọng ngọt mềm như mật rót ống bương
Người muốn mưu nghiệp lớn cứu nước cứu dân
Luyện võ, mài gươm quên ăn quên ngủ
Thiếp là vợ sao không cùng chia sẻ?
Tướng công là cây, thiếp là cái rễ
Cây muốn bền thì rễ phải sâu
Quả chát quả chua đã ngày tháng có nhau
Mưu nghiệp lớn, một mình tướng công đối mặt?
Săn con thú cũng phải có nhiều người hợp lực
Người chặn phía trước, người đón phía sau
Vòng trong vòng ngoài tay lưới, tay lao
Lớp trước lớp sau tay cung tay nỏ
Thú lớn đến đâu cũng chỉ là rất nhỏ
Làm sao so được với lũ giặc Minh
Chúng có đại quân muôn vạn tinh binh
Giáo lớn, gươm dài làm từ bắc quốc
Súng hỏa công dàn hàng phía trước
Nghìn xe lương hùng hậu phía sau
Bọn giặc đứa nào cũng kế hiểm mưu sâu
Đứa nào cũng ác hơn hùm báo
Nay chúa công muốn dấy binh trừ bạo
Đó là ý trời vằng vặc anh minh
Hưởng lạc vui chơi có thể hưởng một mình
Nhưng đánh giặc là chuyện sống còn đất nước
Tướng công hãy ngẫm lại xem mấy trăm năm trước
Khi đương đầu với trăm vạn Mông Nguyên
Đâu phải một Trần Nhân Tông thần thánh làm nên
Muốn đại thắng
Phải dựa sức của trăm quan văn võ
Phải tập hợp triệu quân dân bách tính
Mới làm nên trúc chẻ tro bay

Không phải chỉ có mình Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn
văn võ vô song
Bên Trần Quốc Tuấn có Yết Kiêu, Dã Tượng
Có Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão
và Trần Nhật Duật
Có bến Bình Than mở hội nghị Diên Hồng
Sát thát khắc vào tay tướng sĩ một lòng
Cùng hô xin đánh là muôn người một chí
Trước nhà Trần là mấy trăm năm nhà Lý
Có bao nhiêu người tài giúp Lý Công Uẩn lên ngôi
Giúp các vua nhà Lý nối nghiệp được chín đời
Quan võ, quan văn bao người quy phục
Lý Công Uẩn ra sao nếu không Đào Cam Mộc
Không Dực Thánh Vương, Hoàng Chân, Hoàng Lục, Dương Tư Minh
Đàm Dĩ Mông, Đoàn Thương, Đỗ Kinh Tu, Lý Công Bình,
Lý Kế Nguyên, Lý Long Hồ, Lê Phụng Hiểu
Lý Thường Kiệt, Lý Thánh Tông, Lý Long Tường
và Đàm Hữu Khánh
Một bộ quần thần thao lược tài ba
Nhìn xa hơn, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà
Đâu phải chỉ có Trưng Trắc, Trưng Nhị cưỡi voi ra trận
Dưới trướng Hai Bà có bao nhiêu nữ tướng
Lê Chân, Lê Thị Hoa, Bát Nạn, Thánh Thiên
Hồ Đề, Xuân Nương, nàng Quỳnh, nàng Quế
Đàm Ngọc Nga, Phương Dung, Phật Nguyệt
Chính họ đã gieo khiếp đảm xuống quân thù
Nếu tướng công muốn mưu nghiệp lớn dựng cơ đồ
Có chiến lược rồi phải tìm chiến hữu
Đất Thanh Hóa, Đại Việt mình rộng lớn
Sách Lam Sơn đâu thiếu hiền tài
Như phượng như công ẩn khuất trong rừng
Chưa có dịp để đại bàng tung cánh
Nếu tướng công hạ cố mời họ đến
Có lo chi việc lớn không thành
Lê Lợi nghe tâm sự của vợ mình
Bên bếp lửa mở chân trời sáng láng
Người vợ tảo tần đất làng Như Áng
Hiền dịu nuôi con, khéo léo nuôi chồng
Chặt củi trên đồi, chài lười dưới sông
Hái nấm hái măng quay tơ dệt vải
Nhưng sự học vượt ra ngoài biên ải
Càng lắng nghe, càng nể phục bội phần
Những điều sâu xa bỗng hiển hiện thật gần
Ý nghĩ mung lung bỗng sáng bừng một mối
Trăm con khe tìm về với suối
Trăm con suối hợp lại với sông
Nghĩa sĩ muôn phương, hào kiệt khắp vùng
Sách Lam Sơn là nơi tụ hội
Người võ nghệ cao siêu, người binh thư giỏi
Đủ mặt anh tài miền ngược, miền xuôi
Anh ruột Lê Trừ, cháu ruột Lê Khôi
Cả dòng họ Lê không thiếu một ai
Lê Thạch, Lê Lân, Lê Ngân, Lê Sát, Lê Lai
Lê Hiểm, Lê Lô, Lê Lộ, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Lê Liễu
Và đầy đủ cả dòng họ ngoại:
Bố vợ là Phạm Hoành, em vợ Phạm Vấn
Những người bạn ở sách gần thân cận
Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Bị cùng sang
Thề dù cho vất vả nguy nan
Cùng Lê Lợi kề vai sát cánh!
Rồi bạn bè trong vùng cùng làm đạo trưởng
Lê Sát ở Bí Ngũ ; Lê Ngân ở Đàm Di ; Lê Lý ở Dao Xá
Sức địch muôn người, anh hùng thiên hạ
Bếp lửa như thêm củi chất vào
Ngọn lửa tinh thần hừng hực lên cao
Như song mây kết thành một khối
Vợ chồng Nguyễn Chích, Nguyễn Thị Bành cũng
lần đường tìm tới
Nguyện hợp quân, hợp lực dưới cờ
Rồi Ngô Kinh cùng với Ngô Từ
Hai cha con từ Đồng Phang, bao năm giúp việc
Rồi Nguyễn Thận người cùng một sách
Cùng đánh cá bắt tôm ngụp lặn sông Lường
Đem gươm thiêng kéo lưới được đến dâng
Thề hiểm nguy cùng vào sinh ra tử
Và Lê Lợi nhận ra Trịnh Khả
Người Tây Đô bị giặc giết cha mẹ họ hàng
Phiêu dạt về ở trại Lam Sơn
Bấy lâu nay vẫn phận làm nô bộc
Cùng bao người trong thôn, trong sách
Không phân biệt kẻ lành, người rách
Không phân chia thứ bậc nghèo hèn
Góp củi vào cho ngọn lửa sáng lên
Càng gió lớn, ngọn lửa càng rực cháy
Lê Lợi phút linh thiêng nhận thấy
Cuộc khởi nghĩa này không riêng của Lam Sơn
Đây là cuộc khởi nghĩa của toàn dân tộc
Người chủ soái càng phải giàu mưu lược
Nước trăm sông phải hợp được một nguồn
Đức nghĩa nhân là gốc của sinh tồn
Thắng được giặc, chỉ lòng thương chưa đủ
Thao lược binh thư thế thời hội tụ
Biết nhu biết cương biết tiến biết lui
Biết giặc biết mình mới đỡ máu rơi
Nhưng trí lực ta như quả chưa độ chín
Lê lợi lắng nghe tiếng bàn chân bước đến
Mỗi thanh củi ném vào góp ngọn lửa bùng lên
2.
Lê Lợi cảm ơn các anh hùng hào kiệt
Cảm ơn muôn người vì nghĩa lớn về đây
Hùm được thêm nanh, rồng được thêm vây
Suối được thêm khe, đại bàng thêm cánh
Chia sẻ cùng ta mạch ngầm tâm nguyện
Nhưng khởi nghĩa là công cuộc lớn
Không được chủ quan nông nổi trước kẻ thù
Cuộc chiến này không giống cuộc chơi đu
Thích thì nhún lên trời cao chót vót
Không thích thì dừng ngồi lắng nghe chim hót
Khua trống khua chiêng trai gái ngất ngây
Hàng triệu mạng người trên một sợi dây
Sợi dây đứt thì núi sông ngập máu!
Phải tính kỹ trước cung tên gươm giáo
Xương máu muôn dân không phải trò đùa
Góp lửa sáng hơn để ta nhìn thật rõ kẻ thù
Sức mạnh chúng ở đâu trong tột cùng ác độc
Chỗ vực thẳm nào ta chưa được học
Chỗ cạm bẫy nào chưa gọi thành tên
Chỗ chước quỷ nào chưa nhú bật mầm lên
Ẩn hiện giữa xanh vàng đỏ tím
Lửa hãy cháy lên cho ta thấy tận cùng gian hiểm
Để ta không ảo tưởng về mình
Để ta cặn kẽ thêm mỗi chiếc lá trên cành
Đã xanh được bằng bao nhiêu mưa nắng
Trận mưa lớn sấm sẽ là rất nặng
Và bầu trời vỡ ối một lần đau
Hỡi bạn bè tâm phúc, tâm giao
Ta chẳng khác nào người chèo thuyền lần đầu vượt bể
Chưa hiểu hết đá ngầm, sóng lớn
Chưa hiểu lốc xoáy cuồng phong
Chỉ có lòng thương dân làm cột buồm cao
Chỉ có chí diệt giặc Minh làm cánh buồm lộng gió
Muôn việc trên đầu chưa hình dung nổi
Đi chưa đến nơi sợ đường mất lối
Muôn sinh linh lạc kiếp bơ vơ
Kể từ khi nung chí lớn đến giờ
Đêm trũng xuống bởi bao nhiêu câu hỏi:
Ai sẽ là người tướng lĩnh cầm quân
Ai sẽ là người giúp ta làm mưu sĩ
Nơi nào đắc địa để dựng đồn dựng luỹ
Ai trông coi được việc lương thảo quân trang
Chiến trận xảy ra sẽ có thương vong
Ai người lo thuốc men chữa trị
Sắt thép lấy đâu để rèn vũ khí
Ai là người sản xuất cung tên
Khi quân hùng tướng mạnh lớn lên
Ta ra trận phải có voi, có ngựa
Phải có cả tàu thuyền vượt bể
Phải có thang cao, súng lớn công thành
Giải phóng đến đâu phải phủ dụ dân lành
Phải có kế sách lo việc ăn việc học
Ta nghĩ mãi vẫn còn trong vỏ bọc
Vẫn như gà dây nhợ mắc chân
Ta với danh nghĩa gì để tập hợp muôn dân
Không phải hô một tiếng là trở thành chủ soái
Lê Lai bảo “ Khi dòng sông chưa chảy
Chưa thể hình dung nước đến tự phương nào
Khe suối cũng chưa biết đổ về đâu
Chưa có lũ chưa biết dòng sông lớn
Khi mạch đất nứt ra mọi điều khắc rõ
Người khởi nghĩa cứu lê dân thống khổ
Dẫu thay trời cũng phải có tính danh
Khởi nghĩa để mang lại ấm no cuộc sống yên bình
Người là chủ soái phải định ra kế sách
Sứ mệnh ấy không thể là ai khác
Phải là lời khai sáng của Chúa Công
Nên theo thần, cờ nghĩa trương lên
Người hãy xưng danh Bình định vương Lê Lợi
Đó là mục tiêu cuộc khởi nghĩa này hướng tới
Đó cũng là sứ mệnh Người gánh trên vai
Thiên hạ bàn dân biết Chủ soái là ai
Thì họ mới dốc lòng đánh giặc”.
Lê Văn Linh bảo: “Lê Lai nói phải
Còn người phân vân việc xây lũy xây thành
Xét thực tế của một cuộc chiến tranh
Theo thần nghĩ điều đó là thúc thủ
Lật nhìn xem những trang sử cũ
Thành Đại La có giữ được không?
Thành Cổ Loa có giữ được không?
Thành Thăng Long có giữ được không?
Thành Tây Đô có giữ được không?
Tan tác hết mà giặc không cần đánh!
Ngô Quyền có xây thành nào mà đại thắng quân Nam Hán
Lý Thường Kiệt có xây thành nào mà đánh tan ba
mươi vạn quân xâm lược Tống
Trần Thủ độ và Trần Quốc Tuấn có xây thành nào mà
ba lần đánh tan trăm vạn giặc Mông Nguyên
Ta khởi quân nơi ba bề núi, bốn bề sông
Phía Bắc có sông Bưởi, núi cao điệp trùng Tam Điệp
Đó là thành trì trời đất xây cho
Thượng nguồn Lỗi Giang có sông Luồng, sông Lò
Sông Luồng, sông Lò, Lỗi Giang bắt nguồn từ Ai Lao đổ xuống
Vững chãi gấp nghìn lần hào sâu, thành lớn
Phía nam phía đông có sông Lường, sông Bần, sông Chùy, sông Hép
Phía Bắc, phía đông có vùng Lương Sơn, Khôi Huyện
Phía Tây có Chí Linh, Phù Dinh
Phía Nam có Mục Sơn, Nưa Sơn, và vùng núi Kỳ Lân
vô cùng hiểm trở
Trước mặt ta là đồng bằng, là bể
Bao bọc ta điệp điệp trùng trùng
Nghìn dặm đến đây dẫu tướng mạnh binh hùng
Giặc sẽ bị lạc vào thiên la địa võng
Ta tha hồ tàng hình ẩn hiện
Đại quân dễ dàng chuyển đến chuyển đi
Nếu xây thành là tự đẩy mình vào thế lâm nguy
Tiến và lui ta đều bị động!
Nay ta đóng quân ở nơi rừng thẳm
Mai đóng quân ở cạnh triền sông
Di chuyển mau lẹ cũng là thế tấn công
Thế tự nhiên này trời đã cho ta đắc dụng
Sông núi của ta vững chãi hơn nghìn thành trì lớn
Nhưng thành trì nào cũng không bằng ý chí của muôn dân
Nghìn năm xưa, bà Trưng, bà Triệu có mấy vạn quân
Mà đánh tan hàng chục vạn quân Đông Hán?
Ngô Quyền có bao nhiêu quân mà đánh tan đội quân
Tùy –Đường thiện chiến
Lê Hoàn có bao nhiêu quân mà đánh tan tác
giặc Chiêm, giặc Tống
Một mặt các bậc tiền bối am hiểu tường tận
hình sông thế núi thiêng liêng
Nhưng quan trong hơn, các bậc tiền bối có
được sự đồng lòng trăm họ»
Ngô Kinh, Ngô Từ thưa:
«Chúng tôi người làm lụng
Từ tổ tiên quen việc cấy cày
Biết chỗ nông sâu, biết chỗ sình lầy
Nhìn nắng nhìn mưa biết mùa màng được mất
Biết đếm biết đong để dành ăn chắt
Xin Người giao cho lo việc quân lương
Phải khích lệ bản gần bản xa phát rẫy làm nương
Nhà lang nhà dân phải nhiều ngô nhiều lúa
Nuôi đại quân phải có nhiều kho chứa
Từ đồng bằng đến mường thấp, mường cao
Lương thực vụ này phải tích lũy vụ sau
Phòng thiên tai
Phòng cả khi giặc điên cuồng cướp phá
Nên phải có hệ thống kho dự trữ
Dù khó khăn, lòng quân không bị vỡ
Chủ soái tinh tường, xin tính kế dài lâu»
Bà Phạm Thị Ngọc Trần nghe kỹ nông sâu
Rồi từ tốn góp thêm tiếng nói:
«Thiếp là vợ của người chủ soái
Quán xuyến trông coi mọi việc trong nhà
Gạo thóc cháo cơm mắm muối tương cà
Con trâu con bò con dê con lợn
Nay Chúa Công mưu toan nghiệp lớn
Thiếp xin lo công việc hậu cần
Thiếp sẽ đi khắp thôn bản xa gần
Kêu gọi mọi người góp quân lương, khí giới
Thiếp sẽ cho người làm kho trữ muối
Sẽ động viên xa gần ủ rượu khao quân
Phát rẫy trồng bông để làm áo làm chăn
Xe đay, xe lanh để làm dây làm võng
Đánh giặc mạnh, phải trường kỳ kháng chiến
Không thể dàn hàng ngang ào ạt tiến công
Có lúc băng rừng, có lúc vượt sông
Có lúc đại quân chia năm bảy mũi
Những lúc ấy lương thực sao kịp tới
Đường xa nhiều ngày phải có lương khô
Thiếp sẽ cho người chế biến nhiều bánh gạo, bánh ngô
Thiếu xôi, thiếu cơm một tuần không bị đói
Thịt lợn, thịt bò, thịt thú rừng kiếm nhiều hun khói
Giữ quân không kiệt sức đường xa
Tướng công cho người hiệu triệu các vùng quê
Nhất định sức mạnh sẽ nhân lên gấp bội»
Nguyễn Chích, Nguyễn Thị Bành thưa cùng Lê Lợi:
«Thần xin làm một mũi tiên phong
Hãy nhìn xem dưới trướng Chúa Công
Lê Hiểm, Lê Lai, Lê Thạch, Lê Lôi
Đinh Liệt, Lê Lâm, Nguyễn  Thận, Lưu Trung
Trịnh Khả, Phạm Hoành, Phạm Vấn, Phạm Cuông
Những người này có ai không là tướng?
Nhưng đại quân đánh giặc không phải từ một hướng
Mà phải có bao nhiêu hướng giáp công
Có hướng ngựa voi thuyền chiến xung phong
Có hướng reo hò dụ quân giặc tới
Có hướng giấu mình ém binh chờ đợi
Có hướng hỏa mù làm kế nghi binh
Có hướng bao vây chủ lực công thành
Có hướng mai phục diệt quân tiếp viện
Thần xin được cầm quân nơi chiến tuyến
Thề không phụ lòng mong mỏi của chúa công
Diệt bạo tàn thu phục lại giang sơn
Rạng tiên tổ xứng danh Đại Việt»
Đinh Lễ thưa «Cuộc khởi nghĩa này là vô cùng to lớn
Không kém vua Đinh, không kém vua Trần
Đánh đuổi giặc Minh cứu nước, cứu dân
Không phải của riêng làng Cham, làng Chủa
Không phải riêng của sách Khả Lam Lê Lợi
Cũng không phải riêng của xứ Thanh Hóa quê ta
Của chung mọi miền đất nước gần xa
Chung dòng máu con Rồng cháu Lạc
Nhiều cây nứa góp lại thành bè lớn
Nhiều hòn đá dựng ngọn núi cao
Người thạo đất rừng, người hiểu sông sâu
Người thông sử cũ, người am tường vận mới
Phải hịch đi cả nước tìm người tài giỏi
Đang giấu tính danh trà trộn trong dân
Những quan quân thất thế của nhà Trần
Kẻ giả đi tu, người đang ẩn dật
Những quan quân nhà Hồ đang bị giặc Minh truy bắt
Đã thay tên đổi họ tàng hình
Nhưng trong lòng nuôi thù hận giặc Minh
Đang nghe ngóng chờ thời cơ đền ơn báo quốc
Cả những người học hành thi cử rồi mà chưa đỗ đạt
Vẫn ngầm nuôi chí lớn trong lòng
Mời được họ về góp sức góp công
Chúa công lo chi không thành nghiệp lớn”!
Lê Lợi càng nghe những lời tâm huyết trần tình
lòng càng phấn chấn :
“Cảm ơn tất cả chư đệ, chư huynh
Ta như người cảm được giải đúng huyệt
Như người trong bóng tối được mở trăm cánh cửa
Như dòng suối tắc được khơi thông tảng đá
Trán ta giờ đã bớt ưu tư
Tay ta mạnh như có trăm thanh kiếm
Lời chư huynh cho ta nhìn thấy biển
Trời không chỉ cho ta Hàn Tín, Trương Lương
Trời không chỉ cho ta Nguyên phi Ỷ Lan
Trời còn cho ta Yết Kiêu Dã Tượng
Trời còn cho ta bao nhiêu Trần Nhật Duật
Một lạy này xin cảm ơn trời đất
Nguyện cùng chư huynh đòi lại cơ nghiệp nước nhà”…
Những choé rượu cần được gọi mở ra
Bếp lửa nhà sàn được chất thêm nhiều củi
Lửa hồng lên như trái tim rừng núi
Tiếng cồng chiêng đồng vọng thung sâu
Gương mặt người như những vì sao
Ngời sáng niềm tin quanh chúa công Lê Lợi
Tháng Giêng, năm Bính Thân 1416/ Trong thung nhỏ Lũng Nhai/ Trời trong xanh/ Ngào ngạt hoa rừng/ Nước sông Lương trong vắt/ Mười tám người tâm phúc về đây/ Đặt bàn dâng cỗ/ Thắp hương khấn thần linh trời đất/ Thề diệt giặc Ngô/ Mười tám người / Mười tám ngọn lửa/ Mười tám ngôi sao/ Mười tám cánh buồm/ Không cùng họ cùng tên/ Không cùng năm sinh tháng đẻ/ Không cùng cha mẹ/ Nhưng cùng chí hướng…
Chương 4: Bàn thề Lũng Nhai
Làng Như Áng
Xanh biếc thung My
Bốn bề rừng Lam bọc
Sông Lường soi gương sáng
Trùng điệp núi dựng gươm
Dưới nắng vàng như một đoá hoa sen
Lộng lẫy bày công múa
Dập dìu trĩ kết đôi
Hoẵng tác gọi bạn đời
Nai tìm cây đập gạc
Vượn hót chim ca
Vang làng Cham, làng Chủa
Trăn phơi mình tắm nắng
Hổ trắng bước oai linh
Hổ trắng như thần rừng
Ngài không bắt người ăn thịt
Bước chân ngài rất êm
Gầm lên khi làng mở hội
Bốn mùa ngợp màu hoa
Bốn mùa hương thơm ngát
Hương thơm mắt con trai
Hoa đẹp lời con gái
Mật ong đầy ống giang ống nứa
Vít nắp dựng quanh nhà
Lúa trĩu nương trĩu rẫy
Cá bơi đặc suối khe
Không kể hết cây lim cây lát
Cây dâu da, cây trám cây bùi
Trò chỉ vàng tâm chót vót chọc trời
Cây ngát cây ngơn mấy người ôm không xuể
Cây lớn dựng nhà sàn
Cầu thang lên chín bậc
Cây đục làm máng to
Tưng bừng đêm khua luống
Quả chín nhiều chim thú ăn không hết
Cỏ non mượt lòng thung
Mùa xuân hát sắc bùa
Đêm xường vang tình ca trai gái
Cồng chiêng rộn Mường Trời
Hội cù rung Mường Đất
Con cháu bà Dạ Dần
Thi nhau làm bánh ngọt
Thi nhau ủ rượu ngon
Con cháu Lang Cun Khương, Lang cun Cần
Thi làm nỏ tốt
Đang say tiếng hát tưng bừng
Bỗng mây đen đến bặt ngừng tiếng reo
Giặc thù ác quá hùm beo
Gươm đâm trăm ngõ, lửa thiêu trăm nhà
Máu xương chồng chất gần xa
Chỉ còn nước mắt chảy nhòa thung Lam
Núi đồi sôi sục hờn căm
Suối khe rên xiết thác gầm đau thương
Đầu rơi máu đỏ sông Lường
Chúng đem cái chết trăm đường bủa vây
Lửa than đổ xuống đất này
Muối xót vào ruột, ớt cay vào lòng
Giặc Minh bắt bớ, sục lùng
Cháu con ly tán, vợ chồng lìa xa
Chỉ còn có tiếng rên la
Chỉ còn nước mắt chảy nhoà nơi nơi
Lê Lợi hành đạo thay trời
Anh hùng tụ nghĩa, mười tám người về đây
Bàn thề đặt giữa thung mây
Cùng nhau cắt máu ngón tay ăn thề
Giờ thành tên ruộng Bàn Thề
Cháu con lần dấu tìm về Tổ Tiên
Nghe năm nghe tháng vọng lên
Từng lời xưa hiện tuổi tên anh hùng
Tháng Giêng, năm Bính Thân 1416
Trong thung nhỏ Lũng Nhai
Trời trong xanh
Ngào ngạt hoa rừng
Nước sông Lương trong vắt
Mười tám người tâm phúc về đây
Đặt bàn dâng cỗ
Thắp hương khấn thần linh trời đất
Thề diệt giặc Ngô
Mười tám người
Mười tám ngọn lửa
Mười tám ngôi sao
Mười tám cánh buồm
Không cùng họ cùng tên
Không cùng năm sinh tháng đẻ
Không cùng cha mẹ
Nhưng cùng chí hướng
Cùng nỗi căm hờn
Cùng một niềm tin
Nhập vào nhau làm một
Như mười tám con khe đổ về một suối
Mười tám con suối đổ về một sông
Mười tám dòng sông đổ về một biển
Thề cùng nhau làm nên biển lớn
Thề cùng nhau làm nên núi cao
Lời thề rằng:
“Nam quốc Thanh Hoá Phủ, Khả Lam Lộ,
Phụ đạo Lê Lợi cùng Lê Lai, Đinh Liệt, Nguyễn Thận,
Lê Ngân, Lê Liễu, Trịnh Khả, Lê Sát, Đinh Lễ,
Lê Văn An, Nguyễn Lý, Trương Lôi, Lê Văn Linh,
Vũ Uy, Lê Hiểm, Trần Lựu, Lê Bồi, Trương Chiến
hiện diện mười tám người, Đinh Bồ, Lưu Nhân Chú,

Bùi Quốc Hưng, Nguyễn Như Lãm đi côn vụ
chưa kịp về, tổng cộng 22 người kính dâng trầu, rượu,
hương đăng, sinh huyết và  22 trái tim thành kính tâu với :
“Hiệu thiên kim khuyết chí tôn Ngọc Hoàng bệ hạ!
Thừa thiên hiệu phán, hậu thổ hoàng kỳ Ngọc bệ hạ!
Sơn hà xã tắc thượng trung hạ đẳng chư vị tối linh Tôn thần!
Chúng tôi từ Lê Lợi, Lê Lai Đinh Liệt, Nguyễn Thận
đến Trương Chiến tuy không cùng họ tên quê quán, bốn
phương hội nghĩa, nguyện suốt đời kết thành nghĩa hữu,
kiên trung như chim liền cánh, như cây liền cành, đồng cam
cộng khổ vì sự nghiệp bình Ngô, không đội trời chung với
kẻ thù, quyết đưa sự nghiệp đến thắng lợi!
Cúi mong Trời- Đất- Thần linh chứng giám, phù hộ bản thân,
con cháu gia quyến được khỏe mạnh, cùng hưởng lộc trời,
phúc đất. Kẻ nào dám cầu ơn hiện tại, núp bóng kẻ thù,
không đồng tâm hiệp lực, quên bỏ lời thề, nhụt chí phản trắc,
thì bị trời chu đất diệt, di hoạ lại cho cháu con ngàn năm
muôn thuở, theo luật thiên hình.
Chúng tôi tuyên thệ!
Cẩn cáo”.
Mười tám thanh gươm chĩa thẳng lên trời
Nhất loạt hô thề cùng kề vai sát cánh
Rừng âm vang chuyển rền sấm mạnh
Đất âm vang chớp giật lũ gầm
Rượu huyết nâng ly mười tám tay cầm
Cùng nâng lên ngang mày, cùng cạn
 
Rồi Lê Lợi bước lên
Thưa các chư huynh!
Từ trước đến nay chúng ta là bầu bạn
Trong đời thường chúng ta gọi anh em
Trong trang ấp chúng ta là chủ tớ
Trong gia tộc chúng ta là chi tôn thúc bá
Có chén rượu ngon chúng ta gọi mời nhau
Có việc mời nhau điếu thuốc, miếng trầu
Có nắm xôi chúng ta cùng chia sẻ
Có thể dưới trên không phân thứ bậc

Như cha con, như huynh đệ một nhà
Người dưới dạ người trên, người trẻ dạ người già
Nhưng đã thề làm đại sự quốc gia
Không tránh khỏi phải phân chia ngôi thứ
Không phải chỉ mười tám người hôm nay uống máu
Rồi sẽ có thêm lớp lớp tầng tầng
Từ cách xưng hô đến thưởng phạt trong quân
Lê Lợi sợ rằng giọt máu tổn thương
Tình huynh đệ sẽ vô vàn tội lỗi»…
Trương Chiến thưa:
«Điều đó không tránh khỏi
Nhưng nay đà phân biệt tính danh
Những ngày thường tình chư đệ chư huynh
Nay trước Bàn thề Người đã thành Chủ soái
Việc nhỏ việc to mỗi lời Người nói
Đã là lời của bậc tối cao
Dù tình cha con bè bạn thâm giao
Tất cả bề tôi phải đều tuân lệnh».
Lê Văn Linh thưa: «Mọi điều phải tính
Vua có việc vua, quân có việc quân
Từ quan đến dân mỗi người một bậc
Đâu phải chỉ những ngày đánh giặc
Mà cả khi đất nước thanh bình
Dẫu là vua cũng có gia đình
Dẫu là dân cũng có bang giao muôn mối
Muốn trách phạt phải biết lầm biết lỗi
Muốn phong quan phải biết có công
Căn cứ vào đâu để phân biệt đục trong
Căn cứ vào đâu để tìm ra phải trái
Không phải tức giận thì hoá thành trọng tội
Không phải yêu thì công trạng lớn lên
Người lắm mưu mô thì được tuổi được tên
Người thật thà thì không được tấn phong cất nhấc
Tất cả mọi người cùng phải làm theo phép tắc
Ta phải định ra trên giấy trắng mực đen
Không phân sang hèn huynh đệ thân quen
Dõi vào đấy mà điều hành đất nước
Có như thế mới vẹn toàn sau trước
Mới vững lòng tin bình đẳng muôn dân
Luật lệ là công lý cán cân
Không ai sợ cửa quyền, thiên vị»
Đinh Liệt, Lê Lai, Đinh Lễ, Lên Văn An,
Trương Lôi, Nguyễn Lý
Mỗi người một câu đóng góp lời bàn
Khởi nghĩa nổ ra có trăm vạn việc cần
Bao nhiêu luật lệ chúng ta phải định
Luật giữ kỷ cương, luật phong tướng lĩnh
Luật quân lương, luật thưởng đất đai
Luật của hôm nay, luật của ngày mai
Một mình Chúa Công không nghĩ tròn vẹn được
Đây là buổi sơ khai lo bàn cứu nước
Người phải lập ra một Bộ cơ mưu
Phải chọn cho mình được những quân sư
Như Chu Du giúp Tôn Quyền, Khổng Minh phò Lưu Bị
Người nào giỏi tinh thông đường thuỷ
Thì giao cho thống lĩnh thuỷ quân
Người nào tinh thông đồng bằng địa hình địa vật núi non
Thì giao cho thống lĩnh nghĩa quân trên bộ
Người nào giỏi tinh thông voi ngựa
Thì giao cho thống lĩnh kỵ binh
Trên bộ dưới thuyền cung kiếm phải tinh
Có như thế mới mưu thành nghiệp lớn!»
Lê Lợi mừng như lòng mình toả nắng
Hình dung ra tướng mạnh binh hùng
Ánh mắt tường đáy bể lạch sông
Chưa dựng cờ mà lòng bay phấp phới.
Chim phượng, chim công lượn về rợp suối
Từng đôi say sưa nhảy múa dưới rừng cây
Chồn sóc quây quần cùng vượn khỉ hươu nai
Chim hót chim ca tưng bừng náo nhiệt
Hổ trắng đến quỳ trước anh hùng hào kiệt
Rồi gầm lên vang động cả rừng cây
Máu thiêng cùng uống Lũng Nhai
Đất trời chứng giám không sai Bàn Thề
Chương 5:  Cờ nghĩa
Ngày Canh Thân, tháng Giêng, năm Mậu Tuất
(Tức là ngày mùng 2, tháng Giêng năm 1418)
Trong cánh rừng Khả Lam cờ nghĩa đã dựng lên
Lá cờ nghĩa mang tên Bình Định Vương Lê Lợi
Rực rỡ tung bay trước nắng xuân vời vợi
Ngào ngạt thơm trăm thứ hoa rừng
Rừng hiên ngang tấm ngực lớn của mình
Lồng lộng tung bay lá cờ ngũ sắc
Sau bao nhiêu năm dân mình tối tăm ngột ngạt
Như con lươn con chạch trong tro
Như con cá trong bùn
Nay tìm về lá cờ để thở
Tìm về lá cờ để được ngẩng cao đầu
Lá cờ là khoảng trời tự do độc lập đầu tiên
Vui như tìm thấy ruộng nương
Vui như tìm thấy gia đình đoàn tụ
Lòng reo ca hạnh phúc
Trăm họ tung hô Bình Định Vương vạn tuế
Tướng sĩ tung hô Bình Định Vương vạn tuế
Lá cờ như đỉnh Pù Dinh hút gió
Như Lường Giang, Lỗi Giang hút nước
Hảo hán muôn nơi ngưỡng mộ tìm về
Người trượng nghĩa muôn phương hướng tới
Người có ngựa tặng ngựa
Người có trâu tặng trâu
Người có lợn tặng lợn
Người có gà tặng gà
Người có gạo tặng gạo
Người có vải tặng vải
Người có sắt góp sắt
Người có thép góp thép
Người góp vàng góp vàng
Người có bạc góp bạc
Người có nỏ góp nỏ
Người có tên góp tên
Người góp rìu góp rựa
Lũ lượt
Lũ lượt
Làng thấp
Mường cao
Luồn rừng tới
Băng đèo tới
Vượt sông tới
Xuyên vòng vây tới
Người nói tiếng Kinh
Người nói tiếng Mường tiếng Mán
Người nói tiếng Tày tiếng Thổ
Người nói tiếng Thái tiếng Dao
Người nói tiếng Mèo, tiếng Rợ
Âm vang giọng nói của trăm miền
Đất thiêng đón được người hiền
Vòng tay muôn nẻo nối liền vòng tay
Chim hồng thêm mạnh cánh bay
Rồng thêm móng vuốt xuyên mây xé mù
Gió thêm sức gió phất cờ
Lửa mơ góp lửa, dầu mơ góp dầu
Rừng thành chiến luỹ chiến hào
Đường xuôi đường ngược đường vào đường ra
Rừng thành địa võng thiên la
Chỗ là cửa tử chỗ là cửa sinh
Rừng thành bốt gác chòi canh
Cỏ cây hoa lá biến thành cung tên
Rừng thành xưởng đúc xưởng rèn
Tiếng đe tiếng búa vang rền núi non
Thành nơi luyện tướng luyện quân
Rừng Lam mở hội vào xuân tưng bừng
Lắng trong giọt nắng giọt sương
Có hồn sông núi muôn phương nhập về
Lá cờ cháy bỏng lời thề
Đứng lên phá ách tái tê bao ngày
Rợp trời cờ xí tung bay
Muôn phương nhập một rừng cây điệp trùng
Ngực quân ngực núi kiên trung
Đầu tên mũi giáo vẫn không chuyển rời
Lòng như lộc biếc đâm chồi
Đất dôi sức đất, rừng dôi sức rừng
Giờ lạt bện chắc thêm thừng
Giờ muối thêm mặn, giờ gừng thêm cay
Muôn số phận dưới cờ này
Chung khi giông tố, chung ngày bão tan
Còn một chiếc lá rừng Lam
Còn lá cờ nghĩa thì còn mai sau
Trăm lời đọng lại một câu
Đánh tan lũ giặc, sáng bầu trời xanh
Muôn dân được sống thái bình

Muôn nơi trái ngọt quả lành đơm hương
Nhiễu điều mãi phủ giá gương
Bí bầu mãi nặng tình thương một giàn
Biển đem tình vỗ lên ngàn
Núi rừng trao biển muôn vàn sắc hoa
Nước non Đại Việt mở ra
Một trang sử mới bao la chân trời
Dưới cờ là sức vạn người
Bình Định Vương hóa mặt trời ban mai
Một ngày mới sang trang
Mạch đất rung nghìn vạn tiếng hô vang
Chiến thắng! Chiến thắng!
Quân Lam sơn chiến thắng!
Quân Lam sơn chiến thắng!
Trên mình voi Lê Lợi phất cờ
Tả hữu giáo gươm hô thề dậy đất
Lê Khang, Lê Nanh, Lê Luân, Lê Lễ, Lê Sao
Lê Nhữ Trì, Lê Cố, Lê Hiên, Lê Xá Lôi, Lê Lộng,
Trịnh Lỗi, Trịnh Hối, Lê Thỏ, Lê Bồi
Lê Lãng, Lê Khắc Phục, Lê Vấn, Lê Lan, Lê Định
Lê Cuống, Lê Trình, Lê Khiêm, Lê Đàm, Lê Lâm, Lê Nghiệm
Lê Văn Giao,Trần Vận, Lê Cảnh Thọ, Trần Xương
Phạm Quỳ, Trương Lôi, Lê Sát, Trịnh Khả, Phạm Lung
Lê Khả Lãng, Lê Liễu, Lê Nhữ Lẫm, Bùi Quốc Hưng, Lê Nỗ
Trần Hốt, Vũ Oai, Trịnh Vò, Lưu Hoạn, Nguyễn Thận,
Lê Văn An, Đỗ Bí, Lê Văn Linh…
Năm mươi tướng võ
Năm mươi tướng văn tề chỉnh oai nghiêm
Phía trước bộ binh
Phía sau kỵ mã
Các thiết đội uy nghi
San sát bên nhau cờ xí rợp trời
Cồng chiêng chuyển rền sông núi
Ngày xuân mới thiêng liêng
Mở sử thơm muôn thuở
Những choé rượu cần làng Cham, làng Chủa
Những choé rượu cần làng Như Áng, Thụ Mệnh,
Hướng Dương, Dao Xá, Đức Trai
Cùng những choé rượu cần Bỉ Ngũ, Nguyễn Xá,
Dựng Tú, Sơn Lạc, Mật Việt, Lũng Nhai
Thơm trong tiếng tù và vang dội
Rừng lồng lộng bóng Bình định Vương Lê Lợi
Giọng Người như sấm rền:
Hỡi tướng sĩ ba quân
Cờ nghĩa đã phất lên
Lá cờ này không bao giờ hạ xuống
Chỉ có một con đường chiến thắng
Chỉ có một con đường phía trước tiến công
Giết sạch giặc Minh giải phóng non sông
Dù có phải hy sinh tất cả máu xương
Chúng ta thề cùng nhau xốc tới!
Lá cờ đã tung bay từ bao đêm mất ngủ
Bao nhiêu mái đầu đã chụm vào nhau
Cắt máu ăn thề bí mật ở thung sâu
Vạt áo nhỏ giấu từng ánh lửa
E ấp sợ bọn diều hâu cú vọ
Sợ những cơn gió độc thổi vào
Chí lớn vừa nhen trong máu nóng cồn cào
Giấu những ngọn núi đang mọc trong lồng ngực
Giấu trái tim đang đập những con sóng lớn
Giấu những mái đầu góp nhiều câu hỏi
Lá cờ bay lên từ giây phút sợ bầy dơi ăn đêm
Sợ một người lạ mặt
Nhận ra ta đem những ngọn lửa trong lòng
Đi gặp những ngọn lửa để thành biển lửa!
Nhận ra ta mang những con thác
Đi gặp những con thác để thành muôn ngọn thác
Quét sạch kẻ thù khỏi giang sơn Đại Vịêt
Vùi chúng xuống bùn đen
Thịt da chúng tan rữa cùng sự ngông cuồng ác độc
Bên kia bờ Lỗi Giang
Thành Tây Đô mấy vạn quân Phương Chính
Luôn ném cái nhìn chết chóc về phía chúng ta
Luôn nghe bằng những cái tai đấy chết chóc về phía chúng ta
Phân tích màu nước sông Lỗi Giang, Lường Giang
từng ngày từ thượng lưu chảy xuống
Nhận ra rừng đang đổi thay qua màu nước bất thường
Rừng đang đổi thay qua dòng nước trôi về có nhiều vật lạ
Chúng lắng nghe từng tiếng lá rừng rơi
Chúng nghi ngờ từng người mò tôm đãi hến
Con đò nào mới đi
Con đò nào mới đến
Khách sang sông là trẻ hay già
Chúng xét từng ngón chân ngón tay xem có phải
canh mục ngư tiều
Hay đấy là anh hùng, kẻ sĩ
Chúng đã cảm nhận một cơn bão lớn
Đang ập xuống đầu
Từ những tiếng ve kêu cháy bỏng mùa hè
Từ những chiéc rễ si bật trắng
Từ những đàn kiến tha trứng ngược lên cao
Từ những đàn ong tìm bụi cây um tùm làm tổ
Lòng hờn căm đang âm thầm cuộn chảy
Đang âm thầm hợp lưu
Thành trùng trùng sóng dựng
Thành đại thuỷ đại phong
Sự ác độc từ tim óc chúng chảy ra
Đã thấm vào bao nhiêu mạch đất
Nên chúng không nghe được tiếng gọi trả thù
Từ phía nào quê hương ta bật dậy
Lá cờ này là tiếng thét đứng lên của một miền đất ấy
Miền đất bao năm trong miệng ngậm bồ hòn
Ngực nén những cơn đau
Không vỡ được biến thành vực thẳm
Không vỡ được biến thành đá nhọn
Không vỡ được biến thành gươm giáo
Vai kề vai sát cánh tiến lên
Quyết giành lại giang sơn Đại Việt
Sự ác độc của chúng làm sao hiểu được
Cỏ cây vẫn đọc hịch những nỗi niềm khuya khoắt
Hịch đã vang trong chiếc dây thừng chúng bắt phu phen
Hịch đã vang trên những nét chữ bị thích vào mặt tội đồ nô lệ
Quy tụ về đây thành lá cờ này
Với dòng chữ Bình Định Vương Lê Lợi
Đọc cho lũ giặc Minh nghe tên tuổi của mình
Đọc cho lũ giặc Minh nghe gia phả của mình
Đọc cho lũ giặc Minh nghe niềm kiêu hãnh của đất nước này
“ Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”!
Cờ nghĩa này ta phất cao lên
Để nối chí Bà Trưng, Bà triệu
Không phải chỉ để giết một tên Thái thú
Mà quyết tâm nhổ sạch giặc Ngô
Cờ nghĩa này ta phất cao lên
Để sống dậy tinh thần Lý Bí
Tự lực, tự cường quét sạch quân Nam Hán
Ngẩng cao đầu dựng nước Vạn Xuân
Cờ nghĩa này là ý chí của nghĩa quân
Là khát vọng độc lập tự do của nhân dân trăm họ
Hãy nhân lên mỗi cành cây ngọn cỏ
Mỗi cánh rừng, con suối con khe
Mỗi bản làng, mỗi cây nứa cây tre
Đều rực rỡ cờ xí bay phấp phới
Từ Lũng Nhai này tỏa đi trăm lối
Tiếng voi gầm rung núi
Tiếng ngựa hý vang thung
Tiếng quân đi như sóng trập trùng
Cờ rợp trời đại quân hùng mạnh
Ta sẽ giải phóng Mường Ca Da, Mường Bi, Mường Ảng,
Mường Sì Dồ, Mường Vó, Mường Vang
Giải phóng châu Hoan, châu Diễn, châu Trường
châu Lục, châu Giao, châu Ái
Tiến vào phía nam giải phóng miền kỳ Lân, Thuận Hóa
Đại quân ta sẽ tiến lên phía Bắc giả phóng
châu Lạng, châu Giang
Sẽ giải phóng Cao Bằng, Điện Biên, Sơn La, châu Mộc
Đánh đuổi kẻ thù ra khỏi Lâm Tây, Quan Hóa, An Nam
Phải lấy lại tên nước ta: Đại Việt!
Dưới cờ Đại nghĩa
Ai cũng là anh hùng, hào kiệt
Hãy xin thề tận hiến, tận trung
Với hồn thiêng sông núi tổ tông
Nghĩa quân Lam Sơn viết Bình Ngô đại cáo.
26/2/2021
Nguyễn Minh Khiêm
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Căn nhà trong hồn

Căn nhà trong hồn Thế là thu đã tàn. Những chiếc lá cuối cùng cũng đã bị mưa gió cuốn đi đêm qua. Trận gió bất chợt đưa mưa về thật mạnh v...