Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2025

Trần Hạ Vi và căn cước của tâm hồn

Trần Hạ Vi và
căn cước của tâm hồn

Cái tên của mỗi người ẩn chứa chút cá tính, chất tâm hồn của mỗi cá thể sống. Đối với nhà thơ, tên của họ bộc lộ mật mã của tâm hồn. Tập thơ: “Vi” của Trần Hạ Vi (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020) chính là căn cước tâm hồn và trí tuệ của nhà thơ.
Giữa thời đại khủng hoảng thơ, việc đọc thơ và thẩm định, đánh giá thơ đòi hỏi người phê bình, người đọc phải có trực giác bén nhạy và phải trang bị những hệ hình phê bình phù hợp với phong cách thơ của mỗi nhà thơ. Thơ của mỗi nhà thơ đều có kiểu mã hóa riêng về ngôn ngữ, hình tượng, tùy thuộc vào chất tâm hồn, kiểu tư duy của mỗi người.
Thơ của Trần Hạ Vi cô đúc, kiệm lời giống như những dụ ngôn bí ẩn trong kinh thánh. Thơ của chị như dòng nhựa ứa ra từ mầm cây, nóng hổi sự sống, sự sinh sôi của sự vật.
“Sinh tồn như một nén nhang
Cháy tàn rồi lụn
 Ai người gom nhặt những tàn tro?”.
(Cá chết)
Nhà thơ Trần Hạ Vi thường khắc họa tâm trạng và cảm xúc trong những khoảnh khắc biến đổi vi tế của nội tâm. Thơ của chị sử dụng nhiều động từ diễn tả hành vi, hoạt động của nhân vật trữ tình, tạo nên sự chuyển động mạnh mẽ, quyết liệt về cảm xúc, ý tưởng trong từng câu thơ.
Thơ của Trần Hạ Vi thường khắc họa khoảnh khắc chớp lóe, vụt hiện đầy ám ảnh, thôi thúc của nội tâm. Nó chói lòa như tia chớp và bén ngọt như lưỡi dao mổ. Kết cấu thơ của chị tạo dựng theo từng mảng tâm trạng của nhân vật trữ tình, tạo thành bức tranh lập thể với từng mảng màu mang ý nghĩa khác nhau nhưng vẫn mang đến cho người thưởng ngoạn thông điệp độc đáo về thẩm mỹ.
“Con quạ đen
Rùng mình
Rỉa tuyết”
(Chia tay)
“Bút nhúng mực trăng
Thơm giấy tỏ tình”
(Quà sinh nhật)
“Bông điên điển vàng
Nằm trên nền tuyết trắng
Như một điều không thực
Nhặt nửa giọt tim mình
Neo ngọn lốc tàn đông”
(Ký ức)
Một số bài thơ của Trần Hạ Vi thể hiện chất nghịch dị của tư duy và sự suy tưởng của nhân vật trữ tình trong mối quan hệ tình yêu như: Tin yêu và hoài nghi, đồng điệu và cô đơn, hòa nhập và đơn lẻ…
“Thời gian xoa dịu em
Khổ đau mài mòn em
Vết sẹo định nghĩa em
Chưa lành”
(Vết sẹo)
“Em lần cởi áo nhân gian
Hấp háy nắng cười”
(Cảm giác)
Căn cước tâm hồn của Trần Hạ Vi bộc lộ rõ hồn thơ nhiều suy tư, trăn trở về những góc khuất trong nội tâm và những ẩn khuất của sự vật, sự việc giữa đời thường.
“Những thương yêu nhớ mong quá đỗi mơ hồ
Em nhặt một mảnh chiều tím ngắt
Thổi phù
Bao gã đàn ông lịm chết không vết thương”
(Em thợ săn)
“Những cơn mưa đuổi nhau lần nữa
Em học được một điều:
Không nói tiếng chia tay”
(Vội)
Thơ của Trần Hạ Vi thấm đẫm chất suy tưởng về mối quan hệ giữa nội tâm con người và những sự vật, sự việc liên quan đến tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, dù viết về đời thường nhưng thơ của chị không sa vào sự vụn vặt, tầm thường mà vẫn tàng ẩn những vấn đề vĩnh cửu liên quan đến sự sống, tình yêu, lòng tin và khát vọng sống…
“Chờ em
Là một khoảng không
Giãy giụa
Thần giao cách cảm
Gạt người”
(Nhớ)
“Đời anh nhiều ngăn kéo
Em ở ngăn nào- đã biết hay chưa?
Tim anh nhiều chìa khóa
Em cầm chìa nào- đã mở được chưa?
Chiều nay
Em hack bộ não anh
Nhìn thấy
Chùm vông vang vàng ngõ xưa”
(Ngăn kéo)
Ẩn chứa nhiều hàm ngôn, kiệm lời, thơ Trần Hạ Vi tạo được sự âm vang, lan tỏa trong tâm hồn người đọc. Ấn tượng của tôi đối với thơ của Trần Hạ Vi đó chính là căn cước tâm hồn của chị không bộc lộ vẻ đẹp mượt mà, e ấp đầy nữ tính của người phụ nữ truyền thống mà mang vẻ đẹp khỏe khoắn, linh hoạt và hấp dẫn của tâm hồn, tư duy của người phụ nữ thời hiện đại. Chất suy tưởng và chất nghịch dị trong thơ của Trần Hạ Vi cho thấy một hồn thơ, một tư duy thơ đột phá, tiên phong trong số gương mặt các nhà thơ nữ Việt Nam đương đại.
12/9/2021
Võ Tấn Cường
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ấn tượng tuổi thơ - Nhìn từ phê bình phân tâm học

Ấn tượng tuổi thơ - Nhìn từ phê bình phân tâm học! Ông tổ của phân tâm học (psychanalyse) là Sigmund Freud (1856-1939) có ảnh hưởng đến to...