Con người vũ trụ trong bài “Tự tình” của Hồ Xuân Hương
Trầm Thanh Tuấn
VanVN.Net - Thời trung đại, con người chủ yếu
sống bằng nông nghiệp. Thế nên con người thường dựa vào tự nhiên, khai thác tự
nhiên để sống. Do vậy con người trung đại tin ở sự thống nhất trong thế giới.
Thiên nhiên là bạn tri âm tri kỷ của con người. Người phương Đông xưa quan
niệm: thiên nhiên có mối giao hòa giao cảm với con người bởi con người là một "tiểu
vũ trụ" có quan hệ tương thông tương cảm với "đại vũ
trụ" - thiên nhiên ngoại giới (Thiên nhân tương cảm, thiên
nhân tương dữ, thiên nhân tương chi, thiên nhân hợp nhất). Con người là một
yếu tố trong mô hình vũ trụ: Thiên - Địa - Nhân hợp thành "Tam
Tài". Con người sống trong vòng "Thiên phú địa
tái" (Trời che, đất chở).
Bài thơ "Tự tình" nguyên bản
Thế đứng của con người trong vũ trụ là "Đỉnh
thiên lập địa" (Đầu đội trời chân đạp đất). Do quan niệm con
người và thiên nhiên có mối giao cảm đặc biệt như thế nên thiên nhiên cũng là
thiên nhiên hữu linh, hữu tâm, hữu tình "Vạn vật hữu linh". Mặc
dầu có những "lệch pha", thế nhưng trong thế giới thơ Hồ Xuân Hương cũng
xuất hiện với một mật độ khá cao hình tượng "con người vũ trụ" phổ
biến của thơ trung đại mà bài "Tự tình" là
một trong những bài thơ tiêu biểu.
Câu thơ đầu tiên: "Đêm khuya văng
vẳng trống canh dồn" đã xuất hiện yếu tố thời gian. Yếu tố thời
gian này được cảm nhận qua tâm trạng của con người vũ trụ. Thời gian của đất
trôi chảy vần xoay theo một quy luật bất biến thế nhưng ở đây thời gian trong
cảm nhận của nhân vật trữ tình lại như đang trôi qua rất nhanh, gấp gáp. Một
chữ "dồn" đã cực tả tâm trạng thảng thốt xót xa của một con người
đang trực diện với dòng chảy thời gian. Trong câu thơ này nhiều người hiểu:
tiếng trống canh đánh dồn dập(1). Chúng tôi
hiểu khác. Ngày xưa khi đánh trống để báo hiệu sự chuyển giao giữa các canh
trong đêm ("đêm năm canh, ngày sáu khắc") người ta thường đánh
chậm thong thả từng tiếng chứ không đánh dồn dập. Nên chăng ta cần hiểu câu thơ
thể hiện cảm nhận của nhân vật trữ tình về thời gian qua nhanh nên độ dài giữa
các canh như được thu ngắn lại, như được dồn lại?
Nếu câu thơ đầu khắc họa tâm thế trực diện với
thời gian vô thủy vô chung của đất trời của con người vũ trụ thì câu thơ tiếp
theo lại khắc họa tâm thế trực diện với khoảng không bao la của vũ trụ của nhân
vật trữ tình: "Trơ cái hồng nhan với nước non". Trong thơ Hồ Xuân
Hương, thi đề con người trực diện với không gian bao la của vũ trụ, với hiện
thực cuộc sống xuất hiện khá phổ biến ở một số bài thơ thông qua cụm từ "với
nước non" hay "với non sông":
- Bảy nổi ba chìm với nước non (Bánh
trôi nước)
- Hay có tình riêng với nước
non (Hỏi trăng (I))
- Nín đi kẻo thẹn với non sông (Dỗ
người đàn bà khóc chồng)
Trong câu thơ nữ sĩ đã tạo dựng phép đảo ngữ
kết hợp với việc đưa từ "trơ" thành một nhịp riêng. "Trơ"
là "ở vào tình trạng chỉ còn lẻ loi một mình"(2). "Trơ" là "cô" là
"độc" của thơ chữ Hán. Nhưng nếu với những độc, cô của
thơ chữ Hán, các thi nhân chủ yếu khắc họa tâm thế của
một tiểu vũ trụ muốn hòa nhập vào đại vũ trụ bao la rộng lớn thì với
"trơ", nữ sĩ lại muốn tạo dựng sự đối lập, đối lập để cảm nhận sự tồn
tại, đối lập để gia tăng cảm giác cô đơn quạnh vắng trong tâm hồn.
Đọc thơ ca Trung Quốc đặc biệt là thơ Đường ta
có thể thấy con người luôn có khát vọng hòa vào không gian gian bao la của đất
trời. Các động tác cúi (phủ), ngửa (ngưởng), nhìn quanh (tứ vọng, tứ cố), lên
cao (đăng cao)…làm cho con người giữ được mối liên hệ bền chặt với ngoại giới bao
la vô cùng tận. Khi con người bất đắc chí thì con người tìm về với thiên nhiên
tạo vật, vũ trụ như tìm về với nguồn cội.
Hành động ngưởng (ngửa mặt lên) để tìm sự đồng
điệu với thiên nhiên mà thiên nhiên và lòng người vốn tương ứng tương cảm. Thế
nên con người đang đau đáu vì cuộc duyên không trọn vẹn thì vầng trăng kia cũng
chỉ có thể là vầng trăng khuyết giữa trời đang dần xế bóng.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
Nâng li rượu sầu, cạn chén đơn côi nhưng ngẫm
ra sầu đâu được giải, nỗi buồn nào có vơi? Mô thức nhân vật trữ tình uống rượu
dưới trăng để tìm sự đồng điệu đồng cảm với thiên nhiên tạo vật không phải là
sáng tạo đặc hữu của nữ sĩ họ Hồ mà đây vốn là một mô thức truyền thống trong
thơ ca xưa. Ngày xưa Lí Thái Bạch đã từng nâng chén mời trăng trong bài thơ nổi
tiếng Nguyệt hạ độc chước:
Cử bôi yêu minh nguyệt,
Đối ảnh thành tam nhân.
(Cất chén mời trăng sáng -Trước bóng
thành ba người).
Để rồi tứ thơ này cũng đã được Nguyễn Trãi
tiếp thu trọn vẹn trong tác phẩm của mình sau này:
Rượu đối cầm đâm thơ một thủ,
Ta cùng bóng liễn nguyệt ba người.
Cùng một thi đề thế nhưng ở hai câu thơ của Hồ
Xuân Hương tâm thế con người vũ trụ vẫn có những nét khác biệt. Nếu như trong
thơ Lí Bạch, Nguyễn Trãi, trăng là bạn tri âm thì trong Tự tình trăng
lại có một sự tương đồng về thân phận. Vầng trăng tròn xưa nay vốn biểu trưng
cho sự đoàn viên, sự tròn vẹn trong tình yêu. Chẳng phải thế mà khi viết về
cuộc chia li giữa Thúy Kiều và Thúc Sinh, Nguyễn Du cũng đã tạo dựng hình ảnh
vầng trăng xẻ nửa như hàm chứa một sự dự báo:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nữa in gối chiếc, nữa soi dặm đường
Vầng trăng trong thơ nữ sĩ là vầng trăng đã xế
bóng, đã sắp tàn nhưng trớ trêu thay vầng trăng ấy lại là vầng trăng khuyết như
một biểu trưng cho sự lận đận trong tình duyên của nữ sĩ
Nếu bài thơ chỉ dừng lại, ở những tiếng thở
dài cho thân phận hẩm hiu thì ắt hẳn chưa phải là Hồ Xuân Hương. Từ trong
nghịch cảnh, thơ Hồ Xuân Hương vẫn bừng lên một sức sống mảnh liệt. Những câu
thơ dưới đây của nữ sĩ như một kiểu mẫu cho mối quan hệ hữu cơ giữa :ngoại cảnh
và tâm cảnh.
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn
Hai câu thơ được xuyên thấm bởi "cái
nhìn vũ trụ". Hai câu thơ thể hiện sự tương ứng tương cảm giữa tâm
trạng của chủ thể trữ tình và thiên nhiên ngoại giới. Rêu từng đám, đá mấy hòn,
những sự vật nhỏ bé như ngầm biểu trưng cho cái nhìn về thân phận. Thế nhưng
những sự vật nhỏ bé ấy đâu chịu để mình bị khuất lấp trước sự biến thiên, tuần
hoàn của Tạo hóa, mà lúc nào chúng cũng động đậy, muốn vươn lên mạnh mẽ từ sức
sống nội tại của bản thân chúng. Vậy nên ở đây câu thơ không chỉ tả cảnh mà chủ
yếu là để "minh họa" cho bức tranh tâm trạng của con người. Nữ sĩ vẫn
ý thức được thân phận của người phụ nữ dù có nhỏ bé nhưng vẫn ngời lên một sức
sống mãnh liệt, một khát khao hạnh phúc đời thường nhưng cũng không kém phần
cháy bỏng. Những "xiên ngang", "đâm toạt" đã dựng đứng câu
thơ lên và tạc vào văn chương trung đại những nét khắc thật sâu tiếng nói khẳng
định khát vọng sống mãnh liệt, khát vọng khẳng định mình của nữ thi sĩ họ Hồ.
Bi kịch trong thơ Hồ Xuân Hương, có lẽ đau đớn
nhất vẫn là bi kịch của sự tự ý thức. Giá như Xuân Hương cũng như biết bao thân
phận người phụ nữ khác bị khuất lấp trước sự lừa phĩnh của những "tam
tùng tứ đức" mà phục tụng tuyệt đối trước những hằng số mà thời
đại đã ban phát cho họ thì có lẽ Hồ Xuân Hương sẽ bớt đau đớn hơn. Đằng này hơn
ai hết, bà ý thức trọn vẹn những bất công mà xã hội đã dành riêng cho phận đàn
bà. Thế nên hai câu thơ cuối bật lên một sự ý thức về thân phận, về cuộc đời,
về tuổi xuân trong "cái nhìn vũ trụ": đối sánh sự hữu hạn
của đời người và sự trường cữu của đất trời
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con
Trong câu thơ đầu của hai câu kết có hai chữ "Xuân",
chữ "Xuân" thứ nhất nên hiểu là tuổi xuân, chữ "Xuân" thứ
hai nên hiểu là mùa xuân. Vậy nên trong nội bộ câu thơ đã tạo nên một sự đối
sánh: "Xuân đi" – "xuân lại". Tuổi xuân của con
người một đi không bao giờ trở lại trong khi mùa xuân của đất trời vẫn tuần
hoàn miên viễn trong vòng xoay : Xuân – Hạ - Thu – Đông. Cuộc đời con người hữu
hạn mà thời gian của đất trời thì vô hạn. Thời gian của một đời người, một kiếp
người như Ðỗ Phủ từng nói: "Nhân sinh thất thập cổ lai hy" (3) -
Xưa nay con người bảy mươi tuổi đã là hiếm. TrongCung oán ngâm khúc,
Nguyễn Gia Thiều cũng đã từng suy tư trước sự hữu hạn của đời người:
Trăm năm nào có gì đâu,
Sánh với sự trường cửu của vũ trụ thì đời
người thật ngắn ngủi biết bao. Thời gian vốn dĩ là một thế lực nghịch đối với
tuổi trẻ và hạnh phúc lứa đôi. Thời gian qua đi đồng nghĩa với tuổi trẻ
cũng phôi pha theo tháng ngày. Từ xa xưa con người đã ý thức được điều
này Khuất Nguyên, người nước Sở thời Chiến Quốc, nhà thơ vĩ đại đầu tiên
trong văn học sử Trung Quốc đã từng cảm khái trước bước đi của thời gian:
Cốt dư nhược tương bất cập hề,
Khủng niên tuế chi bất ngô dữ.
Triệu khiên tì chi Mộc lan hề,
Tịch lãm châu chi túc mụ.
Nhật nguyệt hốt kỳ bất yêm hề,
(Sợ chẳng kịp ta càng mê mải,
Tuổi xanh nào có đợi gì ai.
Mộc lan sớm cắt trên đồi,
Ðông thanh chiều hái bên ngoài bến sông.
Ngày tháng vút đi không trở lại,
Vừa xuân qua đã lại thu sang) (4).
(Ly Tao - Khuất Nguyên)
Thời hiện đại, Xuân Diệu còn đang sống ở thời
gian tuổi thanh xuân mà đã phấp phỏng nỗi lo sẽ già đi theo năm tháng:
Mau lên chứ vội vàng lên với chứ,
Em em ơi tình non sắp già rồi.
(Giục giã -Xuân Diệu )
Cùng chung nỗi buồn kim cổ, cùng đa mang một
nỗi suy tư trước sự vần xoay vô tình của đất trời Xuân Hương càng chua chát hơn
khi ứng chiếu sự vô tình của tự nhiên trước thân phận riêng tư của bản thân
mình:
Mảnh tình san sẻ tí con con
Sống kiếp chồng chung "Chém cha
cái kiếp lấy chồng chung – Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng" Hồ Xuân
Hương hơn ai hết ý thức được bản chất thực của cuộc hôn nhân này. Tình yêu thực
sự cho nó vốn đã nhạt nhòa đằng này còn lại bị "san sẻ" để chỉ còn
"tí con con" như một sự mĩa mai chua chát cho phận hẩm duyên ôi của
cuộc đời nữ sĩ họ Hồ.
Nói tóm lại, mặc dầu có những "biến
tấu", phá cách trong quan niệm nghệ thuật, điều làm nên sự mới mẻ thanh tân
trong thế giới nghệ thuật thơ Nôm Hồ Xuân Hương, thế nhưng quan niệm nghệ thuật
truyền thống, quan niệm nghệ thuật về con người vũ trụ, luôn là một hằng số lớn
trong văn chương trung đại vẫn có những ảnh hưởng đến các sáng tác của Hồ Xuân
Hương. Tuy nhiên cũng cần nói thêm quan niệm này trong các sáng tác của bà đã
bớt dần dấu ấn của triết học mà nó gắn chặt với những tâm trạng cụ thể, cảnh
huống cụ thể trong cuộc đời bà và cũng vì lẽ đó nó gần gũi, tự nhiên và dễ đi
vào lòng công chúng bình dân, nơi lưu giữ trọn vẹn những sáng tác của Hồ Xuân
Hương.
Chú thích
([1]) Xuân
Diệu trong Hồ Xuân Hương – Bà chú thơ Nôm - Các nhà thơ cổ điển Việt
nam - Tập 2, NXB Văn học, 1981; Trần Đình Sử trong Đọc
văn học văn, NXB GD, 2003; Lã Nhâm Thìn trong Phân tích bình
giảng tác phẩm văn học 10, NXB GD, 2005
(2) Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Trung
tâm từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992
(3) Khúc
giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét