Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Có một Văn Cao - Nhà thơ

Có một Văn Cao - Nhà thơ
Trong những ngày cô đơn, khi nhạc không thể cất lời, nhạc sĩ Văn Cao đã gửi gắm tất cả nỗi niềm thân phận, sự suy tư về thời cuộc… ở trong thơ. Tiếc thay, cái hào quang âm nhạc dường như đã vô tình che mờ đi những giá trị sáng tạo thơ ca của ông.  
Người Việt gần như ai cũng biết đến các nhạc phẩm của nhạc sĩ Văn Cao (1923 - 1995), thế nhưng ít người biết rằng ông còn là một nhà thơ, họa sĩ rất tài hoa. Cũng vì thế, nhiều người gọi ông là “ba đỉnh núi sương mù”, “dòng sông ba nhánh”, bậc “tài danh thế kỷ”… Những cách tôn xưng ấy không hề quá lời bởi trong lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại hình như chỉ có 2 người hội tụ cùng một lúc cả 3 món thơ - nhạc - họa, đó là Văn Cao và Trịnh Công Sơn.  
Từ sông ra biển
Văn Cao đến với văn học nghệ thuật khá sớm, ở tuổi 16 ông đã có những bài thơ đầu tay. Năm 1940, khi bản nhạc  Buồn tàn thu bắt đầu nổi tiếng, Văn Cao làm một cuộc viễn du vào xứ Huế mộng mơ. Vẻ đẹp của sông Hương núi Ngự, nét cổ kính thành quách lâu đài của chốn kinh kỳ, cùng tiếng hát của những người kỹ nữ đã hút hồn chàng trai đất Bắc. Dấu vết của những ngày tháng ấy còn in đậm trong thơ - nhạc của ông mà bài thơ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế là một minh chứng. Bài thơ về mối tình tri âm tri kỷ giữa người ca kỹ và văn nhân ấy đã bộc lộ một tài thơ sáng giá: Em cạn lời thôi anh dứt nhạc/ Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh/ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế/ Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh. Sau một đêm đàn hát giao cảm, đồng vọng tri âm, kẻ ở - người đi đều mang trong mình một nỗi nhớ thấm vào trong tim, một nỗi sầu cô quạnh đến “lạnh” cả tâm hồn… Bài thơ khép lại nhưng cái dư ba vẫn còn vang mãi như sóng vỗ mạn thuyền.  
Chỉ với Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Văn Cao đã xứng đáng được gọi là nhà thơ. Nhưng ông không dừng lại ở đó, bởi trong người ông luôn khát khao sáng tạo cái mới mà như trong tiểu luận Mấy ý nghĩ về thơ (năm 1957) ông đã viết: “Đến với cuộc đời, nhà thơ không chịu đựng một sự may rủi mà phải chủ động thành lập nên sự thẩm mỹ mới cho người đọc…”, “cuộc đời và nghệ thuật của nhà thơ phải là những dòng sông lớn, càng trôi càng thay đổi, càng trôi càng mở rộng”. Và ông đã chấp nhận đi trên con đường đó. Chỉ vài năm sau, với Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc và Ngoại ô mùa đông năm 46, thơ của ông đã thoát khỏi ảnh hưởng của Thơ Mới, vươn tới địa hạt của chủ nghĩa hiện thực. Với những câu thơ đi đến tận cùng hiện thực, sống động như cuốn phim tư liệu, Văn Cao đã làm bật lên cái thảm họa khủng khiếp của nạn đói năm 1945 và khí thế cách mạng của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến…
Bước ngoặt trong hành trình thơ Văn Cao chỉ đến 10 năm sau đó, khi ông cho ra đời trường ca Những người trên cửa biển, đứa con tinh thần được sinh thành từ tình yêu của nhà thơ với đất cảng mà như ông thổ lộ: Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam nhỏ lại/ Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi. Với những câu thơ cuồn cuộn cảm xúc, ý tứ sắc sảo, cùng những hình ảnh đầy tính ẩn dụ, nhà thơ Văn Cao đã tái hiện quá trình “lột xác”, rũ bỏ lại lịch sử tối tăm trong những năm dưới chế độ thực dân để đi đến hòa bình, tự do của Hải Phòng. Trong niềm vui chung, ông đã mơ về một ngày mai tươi đẹp: Lòng tôi nghe lại tiếng võng đưa/ Như mới sinh ra giữa cuộc đời tươi đẹp/ Mẹ ru tôi những ca dao thuở trước/ Quê hương chúng ta giờ đã có Hải Phòng/ Không có đồng lúa thơm nhưng đã có trăm nhà máy/ Con ngày nay thật đã thấy chân trời”. Vui với đời sống mới, nhưng với một tâm hồn nhạy cảm, ý thức của một kẻ sĩ, Văn Cao đã lên tiếng cảnh báo về những hiểm họa đến từ bên trong: Đất nước đang lên da lên thịt/ Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày/ Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải/ Đã thấy loài sâu nằm tròn trong cuốn; Kẻ thù của chúng ta xuất hiện/ Những con rồng đất khi đỏ khi xanh/Lẫn trong hàng ngũ/ Những con bói cá đậu trên những dây buồm/ Đang đo mực nước/ Những con bạch tuộc bao tay chân/ Cố dìm một con người. Trong những ngày đó, ông đã nhìn thấy những bi kịch cá nhân thầm lặng: “Không có tiếng vỡ trong không gian/Sao có tiếng vỡ trong lòng âm vang rền rĩ”… Có thể nói, với trường ca Những người trên cửa biển, ông đã hoàn tất hành trình đi từ sông ra biển lớn, xác lập được vị trí của mình trong làng thơ.
Vịn câu thơ mà đứng dậy
Những năm tiếng nhạc lặng im, ngồi đổ bóng trên căn gác nhỏ ở 108 Yết Kiêu, Hà Nội, tất cả những suy nghĩ, tâm tư của ông được dồn nén lại trong thơ. Văn Cao làm thơ như độc thoại với chính mình, mỗi câu thơ là một cuộc truy vấn: Đoàn người đi qua để lại sóng/ Đoàn tàu đi qua để lại tiếng/ Đoàn người đi qua để lại bóng/ Tôi không đi qua tôi, để lại gì.
Tập thơ “Lá”
Càng về sau, thơ của Văn Cao càng giàu tính biểu trưng, ẩn dụ nhiều hơn mà tiêu biểu là bài thơ Năm buổi sáng không có trong sự thật và Ba biến khúc tuổi sáu lăm. Trong đó, Ba biến khúc tuổi sáu lăm dường như là một ẩn dụ về số phận nghiệt ngã của chính ông, số phận của một người “tôi rơi vào mạng nhện/ mạng nhện cuốn lấy tôi/ không còn cách gì gỡ ra được”. Những vần thơ suy tư về thân phận con người trong những ngày cô đơn đã giúp Văn Cao có những bước tiến dài trên con đường thơ ca. Thơ của ông càng về sau càng súc tích, thiên về nghĩa bóng, buộc người đọc phải suy nghĩ mới có thể hiểu được thâm ý sâu xa của ông. Nói cách khác, thơ của ông liên tục gợi mở, nó lung linh, sống động và biến hóa theo sức cảm nhận của người đọc. Một điều đáng quý nữa là, dù chịu nhiều bất trắc trong cuộc đời nhưng không bao giờ ông đổi giọng. Những lời thơ của ông cũng chính là suy nghĩ thật của ông mà như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng nhận xét: “Thơ của ông đẹp một cách quyết liệt. Thơ của ông thật đến siêu thực. Thơ của ông mới bất ngờ như mầm cây mới vừa đội đất trồi lên”.
Cuộc đời Văn Cao chỉ có hơn 60 bài thơ, chỉ mới xuất bản một tập thơ “Lá” (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1987) mỏng manh như tên gọi của nó. Thế nhưng, những người am hiểu về thơ đều thừa nhận Văn Cao là một tài thơ sáng giá, người đã đi từ thơ ca lãng mạn, hiện thực đến địa hạt tượng trưng, mở ra cả một cánh cửa cho thơ Việt đương đại. Mới đây, Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho biết sẽ xuất bản tập thơ Văn Cao với nhiều bài thơ chưa được công bố. Hy vọng với tập thơ này, người đọc sẽ hiểu hơn về nghệ sĩ tài danh này.
22/11/2013
Xuân Thành
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dấu lặng giữa mùa xuân 6 Tháng Hai, 2022 Một ngày đầu năm, bầu trời vương gió lạ. Miên man chân bước quanh Thành Nội. Xứ Huế vào xuân ...