Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Hôm ấy trời đẹp lắm

Hôm ấy trời đẹp lắm
Anh đứng tư lự bên hậu vườn hương hỏa nhà mình, tầm mắt luôn hướng về phía đó trong nhiều ngày qua. Trìu mến với tất cả. Thật sự ý nghĩa mấy từ nghỉ ngơi, nhau rún, cội nguồn. Anh không tìm thấy cái bờ ngàn, con kinh thủy lợi đã xẻ đôi cánh đồng của ký ức anh. Ngày xưa mùa này đồng ruộng thông thống, hậu vườn của anh nhiều dừa còn hậu vườn của người ấy nhiều tre, khoảng giữa là rơm rạ sáng rộm lên và chỉ vướng cái bờ ngàn lúp xúp cỏ ống làm ranh giới lãnh thổ của cư dân hai bên. "Bây giờ làm lúa không có lời, người ta đổ xô trồng mía hết" - chú út nói ngay với anh hôm đầu. Anh không thấy tiếc hay buồn, mía màu xanh ngọc, lúa đông xuân màu mạ tươi, mấy giàn bầu nhà ai xanh rậm rạp, đất đai phồn thực vậy mà sao có quá nhiều người phải ra đi? Anh nhún mình nhảy qua một chiếc mương ranh, hăm hở như chú bé về hè. Tiếng chân thím út lụi đụi phía sau: "Biền ơi, con đi lâu hay mau để thím còn biết mà cơm nước?" Anh đứng lại lắc đầu cười cười, anh không chủ định gì cả, có thể người ta không có ở nhà, có thể anh sẽ bị thờ ơ mà cũng có thể anh được giữ lại chốc lát. "Sớm muộn gì con cũng về ăn cơm mà!" - anh đáp bừa, thấy thật dễ chịu vì được yêu thương. Anh mồ côi sớm, chú út là cha còn thím thì giống một bà vú, thím săn sóc dỗ dành nhưng vẫn giữ với anh một khoảng cách trọng thị. Thím quày quả đi vào, bên hông là một ôm củi dừa chắc để bổ sung cho nồi cám heo bên chái bếp, thứ mùi củi lửa ngon ngót và mùi mồ hôi của bà vú thím đã khiến anh nhiều phen bần thần vào những chiều ôm vô-lăng trên đường vắng: Sao mình lại ở đây và trở thành kẻ làm thuê làm mướn xứ người? 
Con bờ nối hậu vườn của ông bà anh với bờ ngàn vẫn phong quang cao ráo như xưa. Chú út bảo chú thím thất thập hết rồi con cháu cũng ở miết ngoài chợ rồi, ruộng cho người ta mướn cầu có lúa đủ ăn là được. "Có bị coi là thu tô không chú?" - anh hỏi thực lòng. "Thây kệ ai nói sao nói, tụi trẻ lớn lên thiếu đất, mình già ôm không nổi giữ làm chi. Không biết sao bây giờ tụi trẻ làm ăn lóp ngóp quá trời!" Qua báo chí trên mạng, anh biết con gái quê mình mơ đổi đời ở Đài Loan và khi về đây thì biết thêm mấy từ "đi học may" là có ý ám chỉ những cô nhỏ đem thân đi đổi lấy cơm áo gạo tiền cho cha mẹ. Như vậy là thụt lùi hay đang cay đắng vượt qua một chặng hậu chiến không biểt sẽ là mấy thập kỷ? Một con nhái nhỏ như một hột đậu đen từ mép ruộng nhảy lên mu bàn chân anh, nó ngồi lại một chút rồi biến vào trong cỏ, để lại chỗ đó cảm giác man mát ngồ ngộ. Anh cúi xuống dậm chân để mong thấy nó lần nữa, cùng lúc đó anh bỗng nhận ra hai chân mình có vẻ quá trắng trong đôi xăng-đan da màu nâu. Đất vẫn đen, cỏ vẫn xanh mà chân anh thì quá xa lạ. Anh đã phải tắm rửa rất lâu sau mỗi ngày từ ga-ra của ông chủ về nhà nhưng ủng và giày đã làm cho nó cứ trắng bồng lên cái vẻ trắng mà thím út và bà con rất hay trầm trồ: "Việt kiều mà, Việt kiều thì ai mà chả trắng!" 
Cái bờ kinh đã nhấn chìm cái bờ ngàn thương nhớ của anh xuống bên dưới nó. Không còn biết đâu là đâu. Bông so đũa trăng trắng đong đưa và nước đang lên óc ách mép bờ. Anh tần ngần hồi lâu, nắng sớm như có mật ong, gió chướng có mùi nước bạc nhưng cái bờ ngàn mãi mãi không còn. Anh nghe thấy tiếng trâu ăn cỏ, tiếng dế gáy, tiếng chó sũa trong ngày trai tráng hai bên giang đồng ới nhau đi dặm chuột và... Chuyến bay nửa vòng trái đất, tâm trạng bập bềnh hàng tuần liền khi đã đứng ngay trên quê cha đất tổ, khi tất cả các giác quan bỗng trở nên mẫn cảm một cách lạ lùng thì anh lại thấy rõ ràng hơn nỗi niềm thường nhật của mình, cái nỗi niềm không gì diễn tả đủ bằng mấy từ ly hương, xa xứ. 
Một chiếc cầu khỉ ba nhịp làm bằng cây tràm khiến anh chần chừ. Bỗng từ trong một vạt mía bên kia kinh một người đàn bà bước ra. Khăn rằn trùm bên ngoài nón lá che khuất hết gương mặt, hai ống tay vải để tướt lá mía che hết bàn tay và chiếc quần đen túm lại trên đôi chân trần bết bùn. Linh cảm đang mách bảo anh, vừa lúc người ở bên kia cũng bước sát lại mép kinh, cất tiếng: "Bộ sợ cầu khỉ rồi sao anh Hai?" Giọng nói khàn đi nhưng quen quen và cái cách cười khẽ sau mỗi câu nói vui cũng chưa biến mất. Anh bước rảo lên mấy nhịp cầu và đi qua dễ dàng như một cái máy vừa được lắp pin. Người ấy nói luôn: "Nghe anh về mấy hôm rày, biết thế nào anh cũng ra chơi nên chưa vô thăm!".
Bất ngờ và như thể bị trêu ngươi. Anh cũng ngụp lặn, anh còn bị lão chủ đầu trọc chửi bới như cơm bữa và anh cũng đã hai thứ tóc trên đầu như bao người đàn ông trang lứa nhưng cái gã thời gian đã chơi khăm anh. Như đã có một cuộc chiến âm thầm khác nữa. Anh đã đến sát bên, có thể nhìn thẳng vào những nếp nhăn ngang dọc như những thớ gỗ bị phơi nắng phơi mưa và đôi mắt trắng dã vì thiếu thốn của người đàn bà. Anh gượng cười, nghĩ ngay đến cái kiểu hay cười chết tiệt của người Việt nhưng không thể không có một nụ cười trong cuộc gặp nầy. Anh đưa tay ra, phụ nữ nông thôn không quen bắt tay, anh nhớ chứ, nhưng anh muốn cả hai chạm vào tay nhau một lần sau hai mươi năm biền biệt. Một người đàn ông vừa từ trong liếp mía đi ra, nhỏ thó, bùi nhùi, nếu Tư Tím là một trái cau khô bỏ xó ngoài vườn thì người đàn ông cũng không thể khá hơn. Tư Tím ngoái lại với chồng: "Anh nhớ anh Hai Biền có máy suốt ở vịnh trong không?" Bàn tay anh chìa ra cho người chồng. Họ từng biết nhau và chắc chắn là vẫn nhớ nhau, vì một người đàn bà. Tư Tím mời anh vào một túp nhà gần đó bảo đây là nhà của vợ chồng đứa con trai đầu, chúng nó mới ra riêng và chưa có con, hiện đang đi cắt lục bình cho nhà vựa. Trong lúc người ấy ngồi trên sàn nước khoả chân xuống kinh, anh đứng ngơ ngẩn giữa khoảnh sân có mấy khóm mười giờ mới trồng trổ bông đỏ thắm. Lục bình thì bao nhiêu tiền mà bọn trẻ phải dùng kế đó để độ nhật, anh kêu thầm với mình. Anh bước tới với người chồng đang mở chiếc khoá vòng của căn nhà: "Tôi muốn xuống vườn thắp nhang cho má vợ anh!" Người đàn ông lẳng lặng nghe theo, vẻ yếm thế tự nhiên mà anh từng biết. Người chồng đi trước, anh đi giữa, cả ba làm thành hàng một trên cái bờ mẫu từng giao nhau với bên anh ở cái bờ ngàn. Hồi anh còn nhỏ, cánh đồng giống như một cái biển sinh động cả khi nắng lẫn khi mưa. Vượt đồng đi tiểu học ở cái trường quá nhà cô bé Tím một đỗi, khi anh lên lớp ba thì Tím mới đi vỡ lòng, cô hay chờ anh từ hậu vườn bên kia đi sang để dắt cô cùng đến trường vì phải qua hai cây cầu khỉ. Nhà ít đất, lại đông người, ba mất sớm nên cô bé đặc biệt ráo rảnh. Mót lúa, bắt cá cạn, cầm giỏ cho anh trai soi nhái soi ếch, cô làm cho cậu bé Biền luôn ngạc nhiên về khả năng tham dự của cô với hoàn cảnh. Cô không biết vui chơi, đơn giản vì trong nhà cô ai cũng có phận sự với sinh kế. Hồi chú thím gởi anh ra chợ để học lên, cánh đồng luôn khiến anh rạo rực khi nghĩ về những ngày hè, anh nghe thấy tình thương trong anh lớn lên với cô bé cần cù ở hậu vườn bên kia. Đến tuổi dậy thì, anh mơ nữa mình sẽ là một trang chủ có máy cày máy suốt máy phát điện và cô Tư Tím vợ anh sẽ ăn trắng mặc trơn vòng vàng đầy tay. Nhưng bom đạn đã lên tiếng, con vịnh trong của chú thím anh và vịnh ngoài của Tím thành vùng oanh kích tự do của đối phương. Tím đứt đoạn học hành, hai anh trai lên Cứ hết, cô thành trụ cột ở tuổi mười ba. Anh lớn nhanh như thổi, cảm thấy trong từng tế bào mình có sức mạnh của một gã lực điền nhưng bài toán của chiến cuộc đã nhảy lên bàn học của anh: tiếp tục ở thành thì đụng quân dịch còn như về quê thì không là bộ đội cũng phải đi du kích. Chú út anh nhất quyết: "Tao chọn cửa giữa, mang tiếng cầu an mà khỏi chết, chẳng hơn sao?" Chú tự đề ra cho mình sứ mệnh với anh, vì anh là đích tôn của dòng họ. Chú bắt anh ở luôn ngoài thị trấn hết chui rúc trên gác lửng nhà người bà con nầy lại nằm áp trên trần của người bà con khác để chạy nạn quân cảnh bố ráp. Một hôm, chú anh dần dừ: "Con dám tự huỷ hai ngón tay để khỏi bị bắt lính, hông?" Một người đàn ông có vẻ mặt đồ tể chuyên nghiệp được chú mời đến để giúp anh nhưng thím út đã đổ xuống như một cây chuối: "Con nó mồ côi mồ cút, giờ mình nỡ để nó sứt sẹo nữa sao ông ơi?" Anh hình dung bàn tay phải sẽ chỉ còn ba ngón, không biết Tư Tím sẽ cau mày hay xót xa khi cầm lấy nó? Thỉnh thoảng anh lẻn ra để gặp cô trên bãi chợ với chiếc tam bản gắn máy đuôi tôm, người mười sáu kẻ đôi mươi, thanh tân và thân thiết, như mặt trời với mặt đất sớm mai. Hôm ấy chuyện huỷ hoại thân thể không thành và sau đó thì anh không biết như vậy là may hay rủi. Cuối cùng anh vẫn phải bị đưa đi quân trường còn Tư Tím thì… Sau nầy anh hay điểm lại thời khắc đó và luôn thấy sự ngặt nghèo của số phận. Như rất nhiều phụ nữ bám lại trong quê, Tím lấy chồng, một anh bộ đội miền, cuộc hôn nhân được coi là môn đăng hậu đối. 
Nguyên bờ tre của nhà Tím hồi xưa đã bị hạ gục để lấy đất trồng mía. Cái bờ tre đẹp mê hồn những hôm trời nhiều sương hay lúc có trăng. Con người đã làm mất nốt cái phần mà chiến tranh đã chừa ra. "Có phải vì mía mà xứ mình giờ nhiều muỗi quá không?" - anh hỏi. Người chồng đáp rầu rầu: "Chắc cũng tại người ta nuôi nhiều lục bình để cắt bán nữa!" Tư Tím chen vào: "Vườn ai không mía thì cũng mịt mù cỏ. Trồng cây gì cũng rớt giá, mía lúc bán được lúc không, nhiều người họ thây kệ, tới đâu thì tới!" Vẫn nếp nhà lá, nền đất, sân trơn, trơ lì. Anh nhớ nó đã đạm bạc như vậy từ sau khi anh đi trại về và hay ra vô đây giúp má con Tư Tím lấp hố bom, nhà ba người đàn ông chết hết, cả anh bộ đội của Tím cũng không về, hòa bình mà mảnh vườn thì quạnh hiu quá đỗi. Rồi người ta bị dồn vào tập đoàn, chú út anh lại chủ trương "cửa giữa", ông mua cho anh cái máy suốt lúa để đứng ngoài. Bà goá Tím luôn tìm cách né tránh tình thương của anh nhưng cô nàng đâu có biết mình đang phô bày hết vẻ đẹp tinh thần và hình thể của một người tràn đầy sức sống. Nhìn vào mắt cô những khi hai người chạm nhau trên bờ ngàn, anh biết sóng gió trong cô nhưng anh không dám mở lời, đường ranh chiến tuyến trong tình cảm của hai phía lúc ấy chưa mờ. Anh hy vọng ở thời gian, anh mồ côi quen rồi, anh không sợ cuộc sống một mình. Lúc ấy Tím chưa đầy ba mươi tuổi, anh không việc gì phải vội. Người chồng lóng ngóng đuổi gà, nạt chó, xùy vịt và lấy giẻ lau bàn trong khi chờ vợ nấu nước. Đàn bà tính không bằng đàn ông tính mà đàn ông tính lại không bằng trời tính, anh chạnh lòng nghĩ vậy khi nhìn thâu tóm hết thảy cảnh nhà của Tím. Có đúng là tại trời không? Thắp nhang bàn thờ của nhà Tím xong, anh thả chân xuống chái bếp, nơi ngày trước anh hay đứng ngắm Tím nấu nướng sau khi anh làm đất hay suốt lúa giúp. Thật không thể nhìn lâu một người đàn bà tàn úa như vậy. Tình thương có thể lớn hơn nhưng mỹ cảm thì không thể dùng lý trí mà điều khiển được. Anh bước ra chỗ cây nước để rửa chân, người chồng cũng ra theo và kéo cần nước giúp anh. "Tụi tui tính làm nhà làm cửa cho đàng hoàng mà hết khoan giếng thì kéo điện, giờ mấy ổng kêu góp tiền để làm đường, cứ đo mét tới mà bổ, tiền triệu không đó anh. Với lại mới cưới vợ cho thằng lớn rồi cho nó ra riêng…" Những lời than thở của chồng kéo Tím bước ra, chắc nàng sợ chồng sơ ý trước một người mà vợ chồng mình phải cẩn trọng. "Anh Hai ở ăn bữa cơm hui hút với tụi tui nghen?" Anh cười vui vẻ để Tím không thấy tủi thân: "Tốt quá! Có gì ăn nấy, dân dã quê hương thôi!" Tiếng gạo đổ vô nồi và mùi cá chiên sả trên bếp. Người chồng kéo anh xuống bến xem bên doi kia người ta đang nuôi lục bình rồi đưa anh ra vườn thăm ngôi mộ còn chưa có tiền đấp xi măng của má vợ, xem những cây dừa sâu ăn cháy đọt như bị chất độc khai hoang thời chiến. Những mảnh vườn thổ cư êm đềm đã bị tuyệt diệt, anh nhìn thấy sự thờ ơ khó hiểu giữa đất đai và người chủ như một vị bác sĩ đang nghe mạch trên tay một bệnh nhân. Nếu anh là chủ nhân của mảnh vườn nầy thì anh có làm cho nó tươi đẹp được như xưa không, thời cuộc có để cho anh phỉ chí không?. 
Bữa cơm sơ sài nhưng hết sức thực tâm. Anh hỏi họ về con cái. Tím nói còn hai cô con gái đứa mười tám đứa mười sáu đang đi học may ở ngoài chợ. Anh thót người, quyết tâm nhìn chiếu vào gương mặt dọc ngang thớ gỗ của Tím để tìm hiểu một sự thật. Rõ ràng nàng không dám đối đáp với ánh mắt lục vấn của anh còn người chồng thì lấy cớ đứng dậy dùng một đọt lá dừa nước quơ gà. Anh nhìn quanh, nhà có ti-vi mới, có quạt điện mới, có thể hai đứa con của Tím đang phải "đi học may" thật. Cổ anh nghẹn đắng, anh muốn bỏ đũa để đốt một điếu thuốc nhưng không thể. Anh chủ động lái sang chuyện làm ăn của mình, chuyện những bữa ăn vội vàng bên tay lái khiến nước sốt bánh mì chảy cả xuống cùi tay, chuyện học tiếng và kiếm việc, cả chuyện thèm nhớ những món ăn đơn giản nhất như món cá sặc muối sả chiên dòn nầy. Anh nói rời rạc, lúng túng, không hiểu sao anh thấy bất an và muốn nguyền rủa mọi thứ từ khi anh đinh ninh rằng hai đứa con gái của Tím không đi học may theo nghĩa thông thường. 
Anh không muốn ở lại thêm nữa sau khi ăn xong chén cơm duy nhất của nhà Tím. Trước khi đứng lên, anh hỏi cho anh một cái dĩa nhỏ để đặt lên bàn thờ và thắp nhang cho ba má Tím lần nữa. Anh cho tay vào túi áo, những đồng tiền sột soạt, anh đã có kinh nghiệm trong nhiều ngày qua với nhiều bà con trong họ nhưng vẫn không hiểu sao người ta cứ đòi anh cho tiền Mỹ chứ nhất định không nhận tiền Việt sau khi anh đã qui đổi đàng hoàng. Sau tuần lễ đó, anh luôn thủ tiền đô trong túi. Đây là những tờ giấy có mùi dầu mỡ và cả nước mắt uất hận của anh với lão chủ trọc đầu, đây nữa, đây là những đồng tiền anh kiếm được từ trăm thứ việc hôi hám khác trước khi đậu lại với cái chân thợ cờ-lê lấm láp. Những đồng tiền nầy có thể che kín mặc cảm của cả hai bên không mà anh toan rút nó ra? Nhưng, hình như vợ chồng nhà Tím đang có vẻ nín thở trước cử chỉ của anh. Anh không có nhiều thời gian để cân nhắc nữa. Anh đặt lên dĩa mấy tờ đô, rút nhang bật lửa và cẩn thận xá dài. Người chồng lính quýnh cầm cái dĩa kéo ra thật xa chỗ lư hương vì sợ tàn nhang rớt xuống, người vợ có vẻ ngượng nên ý tứ đưa nó về cái chỗ hợp lý ban nãy, người chồng bực bội bước ra xa nhưng vẫn lấm lét nhìn lại, như đứa trẻ đang đói trước một bữa ăn chưa được phép. 
Anh ra về trong tâm trạng bải hoải không sao lý giải nổi. Anh lại bước trên cái bờ mẫu từng nối với đầu ngàn. Hôm ấy, sau khi anh chàng làm mướn nhà Tím đưa cái cộ trâu chứa lúa bao về vườn, anh đã kéo Tím ngồi lại trên bờ, bên cạnh chiếc máy suốt lúa nhà anh. Anh đã chờ mười năm sau cái mốc Bảy mươi lăm để mở lời với nàng nhưng nàng đã ôm mặt tức tưởi: "Em biết anh thương em lắm nhưng mà em là vợ bộ đội còn anh thì…" Anh nói anh biết, anh không biết thì ai biết nữa, nhưng anh đang cố gắng và Tím cũng phải cố gắng cùng với anh, chiến tuyến đã mờ, chúng ta cùng san lấp nó đi thì cỏ mới xanh đồng mới liền chớ Tím! Nhưng nàng đã bỏ chạy và nàng đã chọn người thanh niên làm mướn ấy làm chồng. Sau đó anh bỏ luôn ra tỉnh và cưới vợ và rồi ra đi theo diện đoàn tụ gia đình của bên vợ nhưng chưa bao lâu anh đã lại sống một mình vì lòng tự trọng với nhà vợ. Anh nhớ mãi hôm anh mở lời với Tím ở đầu ngàn, hôm ấy hoàng hôn mùa gặt đẹp sững sờ, thứ mặt trời ấy đã theo anh sang Ca-li nhưng không có ánh lửa đốt đồng chập chờn ở chân trời, không có bờ cỏ và rơm rạ. Hôm ấy trời đã đãi anh một buổi chiều mà anh đã nhớ suốt hai mươi năm và đang quyết với lòng là sẽ mang hình ảnh ấy sang lại bên kia chứ không phải là hình ảnh của cô Tư Tím hôm nay. Anh đã quyết nhưng lại thấy e mình lại làm khổ mình, thật không ra làm sao cả.
1/8/2020
Dạ Ngân
Theo https://www.sites.google.com/site/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xã hội đương thời trong tác phẩm tâm huyết nhất của Nhất Linh

Xã hội đương thời trong tác phẩm tâm huyết nhất của Nhất Linh Có thể nói, tham vọng về một cuốn tiểu thuyết đào sâu vào đời sống xã hội đạ...