Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Mười đặc trưng lớn của tiếng Việt

Mười đặc trưng lớn của tiếng Việt

Mười đặc trưng lớn của tiếng Việt
Học giả Đỗ Thông Minh
Phần 1 - Mười đặc trưng lớn của tiếng Việt
Tiếng Việt được kể là rất phong phú về nguyên âm, có tới 12 nguyên âm, trong khi tiếng Nhật chỉ có 5 nguyên âm. Lại có nhiều kép đôi, kép ba cả nguyên âm và phụ âm cộng thêm 6 dấu thinh tức dấu giọng nên số âm vị biến hóa thành khoảng 15.000 âm.
10 đặc trưng lớn của tiếng Việt
1- 9 yếu tố cấu thành thế chân vạc, mỗi chân vạc là 1 kiềng 3 chân.
- Tiếng Nôm - Hán - Việt - Ngoại lai
- Giọng Bắc - Trung - Nam
- Chữ Hán - Nôm - La Tinh
2- Ngôn ngữ duy nhất thuộc hệ chữ Hán (Trung Hoa - Nhật Bản, Triều Tiên, Mông Cổ, Mãn Châu) chuyển sang La Tinh.
3- Nhiều âm nhất: ước khoảng 15.000 âm (29 ký tự và 6 dấu giọng, có phụ âm đơn hay đôi ở đầu và cuối, có nguyên âm đơn, đôi , ba).
4- Phức tạp trong xưng hô, tùy theo quan hệ, vị thế của những người liên hệ, cách dùng từ mang tính tương đối tùy theo vị trí giữa người và ngoại cảnh hay vật…   
5- Dễ đảo ngữ trong câu, như câu: “Tôi cho anh con gà.”, có thể cho ra 24 câu với nghĩa khác nhau, có khi đảo được cả một bài thơ thất ngôn bát cú, đọc xuôi cũng được, đọc ngược từ dưới lên cũng được.
6- Dễ tạo ra những bài ngắn độc vần (dùng một phụ âm như b, c, đ, h, t, v…).
“Bà Ba béo bán bánh bò bên bài biển…”.
7- Nói láy, là giao hoán âm đầu vần và thanh điệu hoặc trật tự của 2 âm tiết để tạo nghĩa khác hẳn, như: đại phong à lọ tương, đầu tiên à tiền đâu...
8- Từ đôi, như: có “một, hai, ba…” lại có “nhất, nhị, tam...” (song song nhau khoảng 70%). Văn bình dân có khoảng 70% từ Nôm, văn bác học có khoảng 70% từ Hán-Việt.
9- Văn phạm đôi, như: nhà trắng - bạch ốc, viện bảo tàng - bảo tàng viện; không chia động từ, tính từ...
10- Loại chữ đơn âm tiết, mỗi chữ một âm, nhưng có một số ký tự thì lại đa âm như: l, m, n, x, y... (chữ “nghiêng”, có 7 ký tự, dài nhất và duy nhất).
Tại sao chỉ có chữ Việt đổi ra La Tinh?
Trong các ngôn ngữ thuộc hệ chữ Hán như Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Mãn Châu và Việt Nam, chỉ có Việt Nam đổi ra dùng mẫu tự La Tinh. Tiếng nói các nước trên đều có thể ghi bằng La Tinh, có phần còn dễ hơn tiếng Việt, nhưng mỗi quốc gia có hoàn cảnh riêng nên không thay đổi được.
Việt Nam do bị Pháp đô hộ hoàn toàn, nên năm 1911 (1918) nhà cầm quyền Pháp ra nghị định dùng chữ Quốc Ngữ và khoảng năm 1945 nhà cầm quyền cả hai miền Nam và Bắc chính thức áp dụng. Nhưng cũng do yếu tố quan trọng là tiếng Việt có tới khoảng 15.000 âm, nên ít bị đồng âm dị nghĩa. Về các chữ Hán đồng âm và dị nghĩa, nhiều nhất là âm "kỳ" có 22, chữ "hoàng" có 17, chữ "hoa" có 10, chữ "kiều" có 7, chữ "minh" có 5... còn đa số một âm chỉ có một hay hai chữ Hán, nhưng một chữ Hán thường có nhiều nghĩa.
Nhật Bản do chỉ có 120 âm, nên đồng âm dị nghĩa rất nhiều, như âm "kò" có khoảng hơn 400 chữ Hán, "yoshi" hay "shò" mỗi âm có khoảng 300 chữ Hán, nên nếu viết bằng La Tinh thì không rõ nghĩa. Đôi khi người Nhật nói rằng họ ganh với người Việt vì tiếng Việt chuyển sang La Tinh được, trong khi tiếng Nhật thì không. Việc đổi sang La Tinh có lợi lớn, nhưng cũng có hại là hầu hết người Việt ngày nay không đọc được văn kiện của người xưa.
Trung Hoa với tiếng Bắc Kinh, Phổ Thông hay Quan Thoại có 1.300 âm, còn Quảng Đông, Phúc Kiến cũng 5.000 đến 7.000 âm. Nhưng nếu viết La Tinh theo tiếng Bắc Kinh hay Quan Thoại thì các vùng khác không hiểu được. Vì Trung Hoa rộng lớn, có 8 tiếng nói chính và hằng trăm tiếng nói của người thiểu số. Chỉ viết bằng chữ Hán thì cả nước mới có thể đọc và hiểu được, do đó, chữ Hán là văn tự duy nhất có thể dùng để thống nhất cách viết, còn vùng nào cũng vẫn cứ đọc theo tiếng vùng đó.
                  1
    2         3
Quan Thoại:    di (yi)    ớ (èr)    san (san)
Quảng Đông:    dách        dì        xám
Việt Nam:_    nhất        nhị        tam
Về tình trạng chữ Hán tại một số nước khác. Triều Tiên chủ trương bỏ bớt chữ Hán, chuyển sang Hangul (nghĩa là vĩ đại, trước có khi gọi là Ganmon hay Onmon = Ngạn Văn) do họ tự đặt ra, đây là loại văn tự ký âm tương tự như La Tinh vậỵ Ở trung học, Nam Hàn chỉ học 1.300 chữ Hán và Bắc Hàn chỉ học 500 chữ Hán (thường để viết tên người cho khỏi bị lẫn lộn vì trùng âm và các từ truyền thống quen thuộc...), nên thế hệ ngày nay không còn đọc được văn kiện cổ của tiền nhân. Vì vậy, ở Nam Hàn đang có chương trình cổ động học chữ Hán. Ở Singapore (Tân Gia Ba), sau thời gian dài chạy theo tiếng Anh thực dụng, các thế hệ Hoa Kiều trẻ không đọc được sách Hoa nên cũng đang đẩy mạnh việc học chữ Hán.  
Cây Văn Tự diễn tả sự biến chuyển về văn tự Việt
9 Yếu tố kết tinh thành tiếng Việt
Huyền diệu thay, có 9 yếu tố đã kết tinh thành Tiếng Việt theo thế bachân vạc, mỗi chân vạc là một trụ, mỗi trụ là một kiềng ba chân.
3 trụ đó là tiếng nói, giọng nói và chữ viết.
- Trụ thứ 1, tiếng nói: Tiếng Nôm (người), Hán-Việt (nhân), Ngoại Lai (“va-li” từ tiếng Pháp, “phim” từ tiếng Anh, “Nha Trang” tứ tiếng Chàm, “Cái Răng” từ Chân Lạp)...
- Trụ thứ 2, giọng nói: Bắc (mẹ) - Trung (mệ) - Nam (má).
- Trụ thứ 3, chữ viết: Hán (
) - Nôm () - La Tinh (a, b, c).
Vạc hay kiềng đều có 3 chân, ở đây mình có đủ cả vạc và kiềng. Với sổ điểm hay chân ít nhất nhưng tao nên một mặt phẳng, dễ dàng tạo thế vững vàng nhất. Thế chân vạc là ba trụ, mà mỗi trụ là một kiềng.

Đây là một biểu đồ ngôn ngữ thật cân xứng, 
thật đẹp của tiếng nước mình.

Tiếng Việt có gì lạ?
1- Chữ Quốc Ngữ gốc La Tinh...
Văn tự hay ký tự ngày nay của người Việt gọi là Quốc Ngữ, là tiếng Việt viết bằng chữ La Tinh. Quốc Ngữ là một cái tên có lẽ đã được dùng để nhấn mạnh đến tính quốc gia dân tộc khi mới được công nhận và cho dễ được chấp nhận, chứ thực ra thì chữ Hán và chữ Nôm còn ở với dân tộc ta lâu đời hơn và đáng gọi là Quốc Ngữ hơn. Những năm 50, học sinh tiểu học thường ê a: "Chữ Quốc Ngữ, tiếng nước ta, con cái nhà, đều phải học"... Chính phủ còn phát hành cả tem khuyến học chữ Quốc Ngữ. Người Việt học chữ Quốc ngữ chỉ độ 6 tháng hay một năm là đọc được báo, trong khi người Nhật phải học chữ Hán ít nhất khoảng 5, 6 năm mới đọc được.
Còn chữ mà chúng ta thường gọi là La Tinh như a, b, c, ... i, ... y, z đôi khi bao gồm cả 1, 2, 3... thực ra, trong số này có cả "y dài" tức "y Greek (Hy Lạp)", chứ chữ La Tinh chỉ có "i ngắn" mà thôi. Thêm nữa, ai cũng biết số La Mã là I, II, III, IV... nên 1, 2, 3 thực ra là số Ả Rập, riêng số 0 là phát minh "vĩ đại" của Ấn Độ.
Chữ Quốc Ngữ giản dị bội phần so với chữ Hán và Nôm, nên giúp mau chóng giải quyết nạn mù chữ. Nhưng dân tộc Việt đã hơn 2.000 năm gắn liền với chữ Hán và 7, 8 thế kỷ với chữ Nôm. Các văn hiến cổ đều viết bằng hai thứ chữ này, nên khi đổi sang La Tinh, chúng ta có cái lợi rất lớn, nhưng cũng không thể tránh cái hại là bị đoạn lìa với văn hóa quá khứ.
Trước năm 75, dù có đến cả triệu người Hoa ở Việt Nam, người Việt hầu như không ai học tiếng Hoa, người Hoa muốn giao thiệp với người Việt thì phải học tiếng Việt, ít nhất là học nóị Nhưng từ khoảng năm 1985, người Việt bắt đầu học tiếng Hoa và Nhật vì đầu tư của các nước này tăng mạnh (chiếm 70%) và nếu biết một trong hai thứ tiếng trên đi làm sẽ có mức lương cao gấp bội. Từ đó đến nay, ước lượng có khoảng 300.000 người học tiếng Hoa và 250.000 người học tiếng Nhật.
Lại đúng vào thời đại điện toán, việc đánh máy chữ Hán và ngay cả chữ Nôm trở thành dễ dàng. Đây chính là cơ may thật hãn hữu, có thể giúp phục hồi văn hóa dân tộc Việt.
2- Tiếng Việt đơn âm
Tiếng Việt cũng như tiếng Hoa thuộc loại đơn âm tiết, nghĩa là mỗi chữ đọc lên chỉ có một âm, trong khi tiếng Nhật thuộc loại đa âm tiết. Nhưng có nghịch lý là nhiều ký tự như l, n, m, x, y... lại đa âm tiết.
Tiếng Việt ít ký tự nhất, chỉ có 1 ký tự như "a" (tiếng kêu tỏ vẻ vui mừng hay ngạc nhiên; chạy theo như "a dua"; cái "a"), "á" (tiếng la), "à" (tiếng gật gù tán đồng), ơ (tiếng thảng thốt)... Tiếng Việt nhiều ký tự nhất là chữ "nghiêng" có đến 7 ký tự, đặc biệt chữ này là chữ duy nhất có 7 ký tự và chỉ ở dạng không dấu, không đi với dấu thinh nào.
3- Kép đôi và kép ba các nguyên âm và phụ âm
Tiếng Việt có tổng cộng 29 ký tự, chưa kể f, j, w, z.
12 nguyên âm: a, ă, â, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư, y
17 phụ âm: b, c, d, đ, g, h, k. l, m, n, p. q, r, s, t, v, x
Tiếng Việt được xếp vào loại âm đóng vì đa số tận cùng bằng phụ âm, trong khi tiếng Nhật được xếp vào loại âm mở vì đa số tận cùng bằng nguyên âm. Nếu tiếng Nhật thường đơn giản chỉ ghép 1 hay 2 phụ âm với 1 nguyên âm thì tiếng Việt có thể kép đôi, kép ba cả nguyên âm và phụ âm.
Nguyên âm đơn như: lo, na...
Nguyên âm đôi như: keo, hòa...
Nguyên âm ba như: người, quyên...
Phụ âm đôi như: nho, pha...
Phụ âm ba như: nghe, nghinh...
Từ có phụ âm đôi ở cả đầu và cuối cũng rất nhiều như: ngang, thang, thanh...

4- Sự phong phú về phát âm
Tiếng Việt được kể là rất phong phú về nguyên âm, có tới 12 nguyên âm, trong khi tiếng Nhật chỉ có 5 nguyên âm. Lại có nhiều kép đôi, kép ba cả nguyên âm và phụ âm cộng thêm 6 dấu thinh tức dấu giọng nên số âm vị biến hóa thành khoảng 15.000 âm. Trong khi đó, tiếng Nhật hầu như không có dấu thinh nên tổng cộng chỉ có khoảng 120 âm, tiếng Bắc Kinh tức Quan Thoại hay Phổ Thông có khoảng 1.300 âm, tiếng Quảng Đông hay Phúc Kiến có từ 5.000 đến 7.000 âm.
Ngoài sự lên xuống của dấu sắc và huyền, đặc biệt tiếng Việt có dấu hỏi và ngã phát âm uốn éo như sóng lượn, nên tiếng Việt rất giàu nhạc tính.
Khi dạy phát âm tiếng Việt cho các học viên Nhật, tôi thường vung tay và yêu cầu họ vung theo 6 dấu thinh. Nên nếu tiếng Việt mà có tới 8 dấu thinh như một âm giai bát âm của nhạc thì có lẽ chúng tôi sẽ thành nhạc trưởng hết lúc nào không biết.
Khi giảng dạy tiếng Việt, nhất là về phát âm cho người ngoại quốc ở Việt Nam và Nhật Bản... chúng tôi thấy hầu hết các giảng viên đều dùng hai đồ biểu trên, nhưng ở Hoa Kỳ và Úc hầu như không dùng. Qua kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt cho người Nhật cũng như trẻ em Việt, chúng tôi nhận thấy hai biểu đồ trên rất thiết yếụ Sự phức tạp về phát âm của tiếng Việt đã được thu gọn trong hai biểu đồ giản dị này. Người ngoại quốc nắm được hai biểu đồ này thì không lo gì phát âm không chính xác cả. Phát âm tiếng Nhật quá đơn giản nên người Nhật thấy khó khăn khi phát âm tiếng Việt, nhưng nếu luyện tập, họ có thể phát âm được, chỉ khó nhớ ngay và không nhớ hết mà thôị Nên vấn đề còn lại là thường xuyên tập luyện, thực hành để nhớ.

5- Bắc-Nam ai đúng, ai sai?
Trong khi tiếng Bắc được coi là tiêu chuẩn, nhưng người miền Bắc yếu về cách phát âm các ký tự s, x, ch, tr, một số người lẫn lộn giữa l và n, còn người Nam thì hay lẫn lộn giữa v và d, dấu hỏi và ngã. Về những thiếu sót trong phát âm của người Bắc chúng tôi không rõ nguyên nhân, nhưng về việc người Nam "sai" chính tả "hỏi, ngã" thì chúng tôi ngờ rằng thực ra họ đã viết rất chính xác đối với phát âm.
Xin xem bảng biểu diễn 6 dấu thinh sẽ thấy, dấu "hỏi" là dấu sóng (hình sin) viết đứng nhưng lại phát âm nằm, dấu "ngã" là dấu sóng viết nằm lại phát âm thành đứng. Như vậy chính tả viết "sai" chăng? Và người Nam viết đúng chăng?
Qua bảng biểu diễn trên, chúng ta thấy các dấu thinh không phải là các ký tự được viết ra một cách ngẫu hứng mà chính là đường biểu diễn phát âm. Nói cách khác, các dấu chính là hình thu nhỏ của biểu đồ phát âm. Khi chúng ta phát âm, đầu của chúng ta cũng lắc lư như các đường biểu diễn hay các dấu sẽ thấy dễ dàng hơn. Và chính các dấu thinh này chi phối sự lên xuống của âm cả chữ.
Tiếng Việt vốn phong phú về nhạc tính, mỗi chữ đã chứa sẵn âm điệu riêng, vì vậy khi trở thành lời trong một bài hát, có thêm âm điệu (melody) của bài hát nữa thì thành ra một âm điệu kép. Tuy nhiên, âm điệu bản nhạc là chính nên đôi khi âm điệu của lời hát tiếng Việt đã bị biến đổi đi, như lên giọng thành xuống giọng...
Thí dụ như hát chữ "hỡi" ở nốt la tròn, thì không phải chỉ ở cao độ la, mà còn phải diễn tả dấu "ngã", có thể tượng trưng bằng bốn nốt một móc liên tiếp nhau hình sóng như trong bảng biểu diễn thì mới ra tiếng Việt được.
6- Nhị trùng từ và nhị trùng văn phạm
Tiếng Việt chịu ảnh hưởng sâu đậm tiếng Hoa, nên không những một sự vật thường có hai từ là từ Nôm và Hán-Việt, còn có nhị trùng văn phạm nữa, tức vừa văn phạm Việt vừa Hoa (đặc biệt là danh từ ghép, về điểm này, tiếng Hoa và Nhật giống nhau, danh từ phụ trước, danh từ chính sau).
Thí dụ:   
- người đọc = độc giả =
読者, "người đọc" là âm Nôm xếp theo văn phạm Việt, "độc giả" là âm Hán-Việt xếp theo văn phạm Hoa, Nhật.
- núi Phú Sĩ = Fuji yama/san =
富士山, "núi" và "yama" là âm Nôm và Nhật, "núi" đứng trước theo văn phạm Việt, nhưng "yama" đứng sau theo văn phạm Hoa, Nhật. Phú Sĩ sơn = Fujisan, "sơn" và "san" là âm Hán-Việt và Hán-Nhật, đều đứng sau theo văn phạm Hoa, Nhật.
Hai từ Hán-Nôm cùng nghĩa như Đại-Cồ Việt (Đại = Hán-Việt, Cồ = Nôm), nhập-vào, xuất-ra, in-ấn, sao chép, phân chia, đường lộ, bao bọc, bồi đắp, kỳ lạ...
* Bài này nguyên đánh trên máy Mac, có cả chữ Hán và bản in có chữ Nôm… nhưng khi chuyển mã đưa qua máy Window, đã phải bỏ hết chữ Hán nên đôi khi việc giải thích không được rõ ràng, xin thông cảm cho.
Phần 2 - Những cấu trúc trong tiếng Việt
Tiếng Việt có nhiều chữ khởi đầu bằng vần "c" và "t" nhất, cho ra nhiều chữ khởi đầu bằng phụ âm vần "b", "c", "đ"… có thể đi với nhau thành câu chuyện ngắn. Lắm chữ "b", "c", "đ", "h", "m" và "t"...
Tiếng Việt có nhiều chữ khởi đầu bằng vần "c" và "t" nhất, cho ra nhiều chữ khởi đầu bằng phụ âm vần "b", "c", "đ"… có thể đi với nhau thành câu chuyện ngắn “độc vận” có ý nghĩa, nhất là vần "t" thì dễ làm nhất và có thề cho tới cả vài trăm chữ.
1- Trẻ em Việt Nam hay nghêu ngao:
Bà Ba béo bán bánh bò, bên bãi biển, bị bắt bỏ bót ba bốn bữa.
Xin bổ sung thành bài vần "b" với 50 chữ như sau:
Bà Ba Béo
Bà Ba béo bán bánh bò, bánh bèo, bên bãi biển, bị bắt bỏ bót ba bốn bữa... Bèn bẻ bông bưởi bên bờ bến bán. Bà bị bệnh, buồn bã, bèn bỏ bê buôn bán. Bị bác Bảy bắt bồng bế bé bú bầu, bưng bô!
Hoặc:
Đêm đông đốt đèn đi đâu đó. Đốt đèn đi đái đó, đánh đổ đèn đếch đái được.
Xin bổ sung thành mẫu đối thoại vần "đ" với 82 chữ như sau:
Đánh Đổ Đèn
- Đang đêm đầu đông, đất động đong đưa đến đổ đền. Đậu đốt đèn đi đâu đó?
- Đậu định đi đường đèo đầy đất đá, đầu đội đồ, đem đạp, đổng, đài, đến đâu đóng đô đấy. Đến đây đớp đậu đen đậm đà đều đều. Đốt đèn định đi đái đó.
- Đừng đái đường, đừng đụng đâu đái đó.
- Đậu đần độn, đánh đổ đèn, đếch đi đến đầu đường đái được, đằng đẵng đợi, đành đứng đầu đình đái đại!
Nếu “Đậu đốt đèn đãi đậu đen, đậu đỏ.” thì câu chuyện sẽ rẽ sang hướng khác.
2- Xin soạn một bài vần "c" với 162 chữ để vẽ nên một bức tranh quê trong đó có hai loại cò như sau:
Con cò
Chiều chiều, chim chóc, chuồn chuồn, châu chấu chọn chốn cao,
Chỗ chân cầu cuối chơ, cạnh chùa cổ, có chín con cò:
Cạnh các con cò cái chăm chỉ, cần cù, chịu cực,
Có các con cò cái chững chạc, cung cúc, cố, công,
Có con cò co co cẳng chân cặp càng cua cáy,
Có con cò chăm chăm canh chừng chờ cắp cà cuống,
Có con cò cong cong cổ chực chụp chú cá chốt,
Có con cò cúi cúi cắn cước cần câu cá chép,
Co con cò cau cau có có cuỗm cả cành cây,
Có con cò căng cánh chạy còn cố công cọng cỏ...
Cạnh các con cò cái chanh chua, cãi chày, cãi cối,
Có các con cò cái cười cợt, cà chớn, chán chường,
Chẳng cặp cũng chẳng cắp,
Chẳng chụp cũng chẳng cắn,
Chẳng cuỗm cũng chẳng chạy,
Chúng cóc cần chi cả, chỉ có chơi cho chán chê...
Chờ chết!!!
3- Xin soạn một bài vần "h" với 138 chữ, trong đó hầu hết là các cặp đối nhau như sau:
Hòa hợp
1. Hồi hôm hãn hữu họ hàng hội họp hàng hiên...
Hảo hán Hoàng Huy Hùng hào hoa, hung hăng hậm họe hành hung hèn hạ, hà hiếp Hải Hương, hàm hồ hằn học hăm he hạch hỏị Ha ha!
Hiếu hạnh Hà Hải Hương ham học, hay hát hứa hẹn hát hay hơn hết, hao hao Hồng Hạnh, hết hồn hất hàm hậm hực hứa hãọ Hừ hừ!
2. Hồi hôm hiếm hoi hòa hợp hát hỏng hữu hảo...
Hài hước Hoàng Huy Hùng hạ hỏa, hòa hảo, hết ham hão huyền hư hỏng, hau háu hàn huyên hào hứng, hiện hình hiền huynh hào hùng. Hề hề!
Hoa hồng Hà Hải Hương hấp háy, hà hơi, hăm hở hát hò hả hê, háo hức hẹn hò hăng hái, hiển hiện hiền hòa, háu hỉnh. Hì hì!
4- Vần “t” tương đối dễ làm thành một bài, ai chịu khó suy ngẫm một lúc có thể nghĩ ra. Xin soạn một bài vần "t" với 202 chữ như sau:
Tự tình
Tôi tên Trần Thị Thanh Thủy, tự Thu Tâm, tuổi Thân, tuổi trăng tròn. Tính tình thật thà, thẹn thùng, thường tủm tỉm, tim thường thương trộm, thích thầm, thổn thức theo tình, tiếng thỏ thẻ trong trẻo, thích tỉ tê... Thân thì tròn trùng trục, tướng thì thấp tủn, thấp tịt... thành thử thường tự than thân: "Thôi thì tại trời tính thế.".
Tháng trước, tôi tức tốc từ Tân Thuận tới thăm thày tiếng Tây tên Trịnh Thành Tuấn, tự Tre Trúc, tuổi tứ tuần, tại tỉnh Thừa Thiên. Thày tôi trèo thang té, trặc tay, trầy trán, tét thịt thâm tím, thương tích trầm trọng. Thương thày, tôi tặng thày thang thuốc thật tốt. Thầy thấy thế thì tự trách: "Tại tôi, tại tôi thiếu thận trọng thôi.".
Thú thật tôi thương thày, tính thày thành thật, thày thương tôi thiệt tình thành thử tôi thót tim... Thứ Tư thượng tuần tháng Tám/Tám Tư, tôi - thày tình tự, tính tới tình tơ tóc. Tình tôi tưởng tốt theo thời thế. Từ từ tình tan, thày thẳng thừng tống tôi, tôi thương thân, toan tính tự tử, tưởng tượng thắt tòng teng thấy thật thê thảm. Tôi thôi!   
5- Xin soạn bài vần "v" với 123 chữ như sau:
Vô vọng!!!
Vô vi Võ Văn Việt võ vẽ viết văn vung vít và vấp váp vỏn vẹn vài vụ việc. Võ Văn Việt vui vẻ về với vợ, vừa vờ vĩnh vỗ vai vừa vén váy vợ vồn vã, ve vãn, vỗ về, vòi vĩnh... Vũ Vi Vân vợ Việt vóc voi, vầy vò vặt vãnh vô vàn vất vả, vùng vằng vặn vẹo ví von văng vẳng: "Vớ vẩn, vui với vầy, vầy với vò!". Và Vũ Vi Vân vội vã vun vén, vơ vét vàng, vải vóc vùn vụt vọt... Võ Văn Việt vò võ, vật vờ, vẩn vơ, vàng vọt, vòng vòng vất va vất vưởng, vì vậy viết vào vở: "Vuột, vời vợi vấn vương vẫn vô vọng!!!".
6- Anh Vĩnh Linh nghe thân hữu nói kể lại, tôi thêm câu 4 cho thành một bài thất ngôn tứ tuyệt (?): 
Lâm li, lưu luyến, lòng lai láng,
Thất thểu, thì thầm, thấy thẩn thơ,
Đường đi, đất đỏ, đều đầy đá,
Cơm chiều, canh cá, có chén cà...
7- Không hiểu sao có rất nhiều từ bắt đầu bằng vần "m" tập trung ở "đầu" như:
má, lông mày, lông măng, lông mi, mắt, mặt, men răng, màng tang, mép, mí mắt, miệng (Nam)/ mồm (Bắc), mỏ ác (trên đỉnh đầu), môi, mũi, tóc mai.
Rồi lại còn:
lá mía, màng não, màng nhày (mũi), màng nhĩ, màng óc, máu cam (máu mũi), mụn bọc, mụn trứng cá, nước miếng…
Nói lái!?
Một trong những đặc trưng của tiếng Việt là nói lái, nhằm mục đích đố chữ, vui đùa... Nói lái là nói bằng giao hoán âm đầu vần và thanh điệu hoặc trật tự của hai âm tiết để tạo nghĩa khác hẳn. Xin bạn đọc xem thử mẩu đối thoại tưởng tượng dưới đây   
A: Bên đó thế nào?
B: Ồ, có đại phong!
A: Làm gì thì làm, nhớ thủ tục đầu tiến đấy nhé.
B: Vâng, biết rồi, khổ lắm nói mãi. À, anh thấy cô ấy thế nào
A: Người đẹp có đôi chân thảo bình nên hình chụp tôi lộng kiếng rồi!  
B: Anh thì lúc nào cũng tếu, cũng vũ như cẩn.
A: Thôi chào, chúc anh mạnh sự lời...
Trong đó có mấy từ hơi ngớ ngẩn, vừa nghĩa này vừa nghĩa khác:   
- "đại phong" là gió lớn, gió lớn thì đổ chùa, đổ chùa thì tượng lo, tượng lo là "lọ tương" (Giai thoại giữa Trạng và Chúa Trịnh).
- "đầu tiên" tức "tiền đâu".
- "thảo bình" là cỏ bằng, tức "cẳng bò".
- "lộng kiếng" tức "liệng cống".
- "vũ như cẩn" tức "vẫn như cũ".
- "mạnh sự lời" tức "mọi sự lành".
Đảo ngữ
Một câu đảo ngữ thành ra rất nhiều câu với nghĩa khác nhau.
Tuy rằng văn phạm tiếng Việt tương đối dễ, nhưng khó về âm, khó về xưng hô và khó cả về đảo chữ trong câu. Chỉ một câu đơn giản, ngắn 5 chữ sau mà có thể trở thành 24 câu khác nhau trong văn nói (có những từ hiểu ngầm):
1-
Tôi cho anh con gà.
 I gave you a chicken.
2-
Anh cho tôi con gà.
You gave me a chicken.
3-
Tôi cho anh gà con.
I gave you a chick.
4-
Anh cho tôi gà con.
You gave me a chick.
5-
Tôi (và) anh cho con gà.
You and I gave a chicken.
6-
Tôi (và) anh cho gà con.
You and I gave a chick.
7-
Anh (của) tôi cho con gà.
My old brother gave a chicken.
8-
Anh (của) tôi cho gà con.
My old brother gave a chick.
9-
Con tôi cho anh gà.
My child gave you a chicken.
10-
Con anh cho tôi gà.
Your child gave you a chick.
11-
Con gà tôi cho anh.
The chicken that I gave you.
12-
Con gà anh cho tôi.
The chicken that you gave me.
13-
Gà con tôi cho anh.
The chick that I gave you.
14-
Gà con anh cho tôi.
The chick that you gave me.
15-
Con gà tôi (và) anh cho.
The chicken that you and I gave.
16-
Gà con tôi (và) anh cho.
The chick that you and I gave.
17-
Con gà anh (của) tôi cho.
The chicken that my old brother gave.
18-
Gà con anh (của) tôi cho.
The chick that my old brother gave.
19-
Gà (mà) con tôi cho anh.
The chicken that my child gave you.
20-
Gà (mà) con anh cho tôi.
The chicken that your child gave me.
21-
Con gà cho tôi (và) anh.
The chicken that gave me and you.
22-
Gà con cho tôi (và) anh.
The chick that gave me and you.
23-
Con gà cho anh (của) tôi.
The chicken that gave my old brother.
24-
Gà con cho anh (của) tôi.
The chick that gave my old brother.



Đỗ Thông Minh
Nếu chữ "Anh" (cả nam và nữ) và "Tôi" là tên người, thực tế chúng tôi biết có người tên như vậy, thì chúng ta còn có thêm một số câu khác nữa.
(*) Chữ "cho" có nghĩa là "give" mà cũng là "for" (phần của)... cho = give và còn có nghĩa làm cho, (I do it for you) tôi làm việc đó cho anh...
Đôi khi chúng ta còn có thể đảo ngữ nguyên cả một bài thơ thất ngôn bát cú, đọc từ trên xuống hay từ dưới lên đều có nghĩa như sau:
Đền Ngọc Sơn
(Đọc xuôi)
Linh uy tiếng nổi thật là đây
Nước chắn hoa rào một khóa mây
Xanh biếc nước soi, hồ lộn bóng
Tím bầm rêu mọc, đá tròn xoay
Cung tàn lúc đánh chuông âm tiếng
Khách vắng khi đưa xạ ngát bay
Thành thí tiếng vang đồn cảnh thắng
Rành rành nọ bút với nghiên này.
(Đọc ngược)
Này nghiên với bút nọ rành rành
Thắng cảnh đồn vang tiếng thị thành
Bay ngát xạ đưa khi vắng khách
Tiếng ầm chuông đánh lúc tàn cung
Xoay tròn đá, mọc rêu bầm tím
Bóng lộn hồ, soi nước biếc xanh
Mây khóa một rào hoa chắn nước
Đây là thật nổi tiếng uy linh.
(Vô danh)
Trích Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm,
Trung Tâm Học Liệu Bộ
QGGD, Sài Gòn 1968, trang 133.
Những từ tượng thanh!?
Tiếng Việt rất phong phú với khoảng 15.000 âm, nên so với nhiều ngôn ngữ, việc diễn tả âm thanh hay các tiếng tượng thanh tương đối cũng phong phú và chính xác. Sau đây là hơn 130 từ diễn tả âm thanh.
- "á" (tiếng thốt ra vì sửng sốt hay đau đớn đột ngột).
- "à" (tiếng thốt ra vì ngạc nhiên, chợt nhớ ra hay ưng thuận).
- "ái" (tiếng người kêu khi chợt bị đau).
- "ái da" (tiếng người kêu khi chợt bị đau đớn).
- "ào ào" (tiếng gió hay nước phát ra dồn dập).
- "ầm" (tiếng động lớn do vật nặng rơi hay tiếng nổ).
- "ầm ầm" (tiếng đập mạnh hay sấm nổ liên tục).
- "ầm ì" (tiếng trầm nhỏ và kéo dài như tiếng sóng, tiếng động cơ (ở xa)).
- "băng băng" (tiếng súng nhỏ liên tiếp).
- "bịch" (tiếng vật rơi, người té hay tiếng đánh, đá vào người).
- "boong" (tiếng chuông kêu).
- "bôm bốp" (tiếng vỗ tay liên tục).
- "bốp" (tiếng tát hay vỗ).
- "bùm" (tiếng nhạc trầm hay trống, tiếng nổ lớn).
- "bùng bung" (tiếng nhỏ, trầm đục như trống cơm).
- "bùng bùng" (tiếng lửa cháy rực lên).
- "cạc cạc" (tiếng vịt kêu).
- "càng cạc" (tiếng vịt kêu).
- "cắc cắc" (tiếng gõ tang trống (thành trống)).
- "chát" (tiếng đập bằng vật dẹp, tiếng nhạc bổng...).
- "chan chát" (tiếng gõ hay nói đanh sắc nghe chói tai).  
- "chóp chép" (tiếng nhai).
- "chíp chíp" (tiếng gà con kêu).  
- "chụt" (tiếng hôn).
- "cóc cóc" (tiếng gõ).
- "cót két" (tiếng khô giòn và liên tiếp do vật cứng không bằng kim thuộc gây ra).
- "côm cốp" (tiếng vang và đanh do vật cứng nện liên tục xuống vật cứng khác).
- "cục cục tác" (tiếng gà mái sau khi đẻ trứng).
- "đoành" (tiếng nổ lớn như tiếng súng).
- "đùng" (tiếng nổ như pháo, súng...).
- "đùng đùng" (tiếng súng lớn liên tiếp).  
- "gầm gừ" (tiếng kêu nhỏ trầm có vẻ tức giận của loài chó...).
- "gâu gâu" (tiếng chó sủa).
- "grú" (tiếng chó hú).
- "grừ" (tiếng gầm gừ trầm của con thú hay quái vật).
- "gù gù" (tiếng chim bồ câu kêu khi con đực con cái gần nhau).
- "ha ha" (tiếng cười lớn).
- "hắt xì" (tiếng người hắt hơi).
- "hây a" (tiếng hô lớn khi ra đánh võ).
- "hi hi" (tiếng cười hoặc khó nhỏ, liên tiếp).
- "hí hí" (tiếng cười nhỏ, hơi cao, liên tiếp, tỏ vẻ thích thú).
- "hích hích" (tiếng khóc nhỏ hơi đứt đoạn).
- "hừ" (tiếng thốt ra bằng giọng mũi, biểu thị sự bực bội).
- "hự" (tiếng nặng, khan do dồn hơi từ ngực, như khi bị đánh đau).
- "inh ỏi" (tiếng vang to theo nhiều nhịp độ, âm hưởng gây chói tai).
- "ken két" (tiếng đanh và chói phát ra liên tục do 2 vật cứng chạm nhau, nghiến răng...).
- "két" (tiếng thắng xe).
- "khò khò" (tiếng ngáy đều đều).
- "lách cách" (tiếng đanh gọn mà không đều như tiếng so đũa, xếp bát đĩa).
- "lách tách" (tiếng nổ nhỏ gọn phát ra đều của củi được đốt lửa...).
- "lạch cạch" (tiếng guốc, tiếng gõ nhẹ).
- "lâm râm" (tiếng nhỏ nhẹ và kéo dài hay tiếng cầu kinh nhỏ đều không rõ lời).
- "lập cập" (lạnh run hay sợ run nên răng đập vào nhau).
- "lật phật" (tiếng tấm vải hay bạt bị gió thổi bật qua lại, lên xuống).
- "leng keng" (tiếng vang dòn nghe vui tai do 2 vật nhỏ bằng kim khí chạm nhau).
- "loạt roạt" (tiếng nhỏ sắc liên tiếp như tiếng súng lên đạn).
- "loạt soạt" (tiếng nhỏ liên tiếp như lá cọ vào nhau).
- "lọc bọc" (tiếng trầm đục như tiếng khua nước trong bình kín).
- "lọc cọc" (tiếng trầm lúc nhỏ lúc to như tiếng khua trên mặt đất cứng, mặt đá).
- "lốp bốp" (tiếng nổ giòn nối tiếp nhau không đều).
- "lốp cốp" (tiếng ngắn gọn, lúc mạnh lúc yếu nối tiếp nhau không đều).
- "lộp bộp" (tiếng trầm và nặng, không đều và thưa).
- "lộp cộp" (tiếng ngắn gọn nối tiếp nhau của vật cứng trên nền cứng).
- "lộp độp" (tiếng nhẹ, trầm và gọn của hạt mưa...).
- "lục bục" (tiếng nổ trầm nhỏ nối tiếp).
- "lục cục" (tiếng trầm nhỏ nối tiếp của vật cứng va chạm nhau như cuốc đất).
- "lục cục lạc cạc" (tiếng trầm nhỏ nối tiếp của vật cứng va chạm nhau).
- "lục xục" (tiếng lục lạo đồ đạc...).
- "meo meo" (tiếng kêu của mèo).
- "ngheo ngheo" (tiếng kêu của mèo).
- "ò ó o ò..." (tiếng gà trống gáy, thường bắt đầu từ 5 giờ sáng).
- "oa oa" (tiếng khóc to của trẻ em).
- "oái" (tiếng người kêu khi chợt bị đánh thật đau).
- "oành" (tiếng nổ lớn (gây kinh hoàng)).
- "oăng oẳng" (tiếng chó kêu to khi bi đánh đau).
- "oang oang" (tiếng to vang xa).
- "oe oe" (tiếng khóc của trẻ sơ sinh).
- "oe oé" (tiếng kêu to với giọng cao phát ra liên tiếp nghe chói tai).
- "ọt ẹt" (tiếng kêu do ma sát và chậm như cối xay).
- "ô" (tiếng kêu lên khi ngạc nhiên).
- "ồ ồ" (tiếng nước chảy nhiều và mạnh).
- "ôi ối" (tiếng người kêu to dồn dập từng hồi do bị đau).
- "ối" (tiếng người kêu khi chợt bị đá hay đánh làm đau đớn).
- "ồm ộp" (tiếng kêu của ễnh ương).  
- "ông ổng" (tiếng to trầm từng chuỗi khó nghe).  
- "phập" (tiếng răng cắn hay dao cắm vào một vật).
- "pặc pặc" (tiếng đánh, đấm liên tiếp vào một vật hay người).
- "păng păng" (tiếng súng nhỏ bắn liên tiếp như súng lục..).
- "quạ quạ" hay "quác quác" (tiếng quạ kêu).
- "quang quác" (tiếng gà hay chim lớn kêu to vang. liên tiếp).
- "rào rào" (tiếng động xem vào nhau liên tiếp và rộ đều khắp như mưa hay vỗ tay).
- "rắc" (tiếng vật cứng gẫy như cành cây gẫy).
- "rầm" (tiếng đụng xe; làm ồn; cãi nhau).
- "rần rần" (tiếng ồn ào vang động của đám đông).
- "rè" (tiếng pha nhiều tạp âm, rất khó nghe như loa rè).
- "rè rè" (tiếng pha nhiều tạp âm phát ra liên tục).
- "réc réc" (tiếng dế đá gáy).
- "reng reng" (tiếng chuông điện thoại hay chuông điện).
- "réo rắt" (tiếng cao, thanh với nhịp điệu lúc nhanh cúc chậm như tiếng sáo diều).
- "rẹt" (tiếng lướt đi nhanh như tiếng thanh kiếm chém, máy bay bay).
- "ríu rít" (tiếng nói cười nhỏ không rõ, trong trẻo, liền nhau hay tiếng của bầy chim).
- "róc rách" (tiếng nước chảy nhẹ, luồn lách).
- "roẹt" (tiếng xé giấy, vải hay tiếng quất roi).
- "rột" (tiếng xé giấy).
- "sè sè = xè xè" (tiếng đi tiểu hay máy chạy đều đều).
- "soẹt" (tiếng cắt nhanh).
- "tạch tạch" (tiếng đạn nhỏ bắn liên tục).
- "tí tách" (tiếng nhẹ và gọn liên tiếp của hạt nước).
- "tíc tắc" (tiếng đồng hồ quả lắc...).
- "tòm tõm" (tiếng vật nhỏ rơi liên tiếp xuống nước hay ếch nhái nhảy xuống nước)
- "tõm" (tiếng một vật nhỏ nặng rơi xuống nước hay ếch nhái nhảy xuống nước)
- "tùm tũm" (tiếng vật nhỏ rơi liên tiếp xuống nước hay như ếch nhái nhảy xuống ao)
- "tủm" (tiếng đánh rắm, tiếng Hán-Việt là trung tiện bên cạnh đại tiện và tiểu tiện)
- "tùng tùng" (tiếng đánh trống, như trống trường báo hiệu giờ vào lớp, tan lớp...)
- "ù ù" (tiếng mạnh, trầm và kéo dài, tiếng vang lùng bùng trong tai).
- "ùng ục" (tiếng trầm đục phát ra liên tiếp như nước sôi).
- "ư ư" (tiếng nhỏ và cao, kéo dài trong cổ không rõ lời như hát ư ư).
- "ư ử" (tiếng rên nhỏ trầm).
- "ực ực" (tiếng uống nước nhiều và nhanh).
- "vèo vèo" (tiếng vật bay nhanh ngang qua).
- "ve ve" (tiếng ve kêu ran đều vào mùa hè).
- "vi vu" (tiếng gió thổi, tiếng sáo diều).
- "vo ve" (tiếng côn trùng có cánh như muỗi hay ong bay).
- "vo vo" (tiếng côn trùng có cánh như muỗi hay ong bay).
- "vù vù" (tiếng gió thổi mạnh).
- "vùn vụt" (tiếng roi quất liên tục hay tiếng nhiều vật di động vượt qua nhanh).
- "vụt" (tiếng roi quất trong gió hay tiếng vật di động vượt qua nhanh).
- "xào xạo" (tiếng cọ xát của nhiều vật nhỏ cứng).
- "xèo xèo" (tiếng lửa đốt cháy nhanh hay cho thức ăn vào chảo dầu nóng).
15/12/2015 
Đỗ Thông Minh
Nguồn: CalitodayNew
Theo http://www.tongphuochiep.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ dịch của Vũ Tuấn Hoàng

Chùm thơ dịch của Vũ Tuấn Hoàng “Ở một chừng mực nào đó, dịch giả cũng giống như một người đầu bếp. Từ nguyên vật liệu ngoại, cần phải nấu...