Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Nhớ về một trường tiểu học cũ đã mất tên

Nhớ về một trường tiểu học cũ đã mất tên 
Trường tiểu học Lê văn Duyệt, Saigon 
Cây bàng xưa kia là tốt xanh tươi 
Chạnh lòng ai nhớ tiếc khôn nguôi 
Mùa tựu trường tháng 9, mấy ai quên được những đoạn văn của Thanh Tịnh: «Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường». 
Một buổi sáng tháng 9, đưa đứa con đi nhập học, nhìn mái trường của con tôi, tự dưng, tôi lại nhớ đến mái trường tiểu học xưa của tôi. Một ngôi trường nay đã mất tên: trường tiểu học (nam) Lê văn Duyệt ở quận 1, Sài Gòn cũ. 
Năm xưa, ở khu Đa Kao, quận 1, có 2 trường tiểu học công lập nổi tiếng là trường tiểu học (nam) Lê văn Duyệt (LVD) và trường tiểu học (nữ) Đinh Tiên Hoàng (ĐTH). 
Trường tiểu học LVD tọa lạc trên đường Phan Đình Phùng, giữa 2 đường Đinh Tiên Hoàng và Mạc Đĩnh Chi, gần con hẻm Cây Điệp. Mặt sau trường tiếp giáp đường Tự Đức. 
Trường ĐTH thì nằm giữa đường Tự Đức và đường nhỏ Nguyễn Thành Ý. 

Về lịch sử trường LVD thì tôi không biết rõ vì lúc đó tôi còn quá nhỏ để biết. Chỉ biết trường đã có từ lâu. Nhìn sơ qua, có thể đoán trường này được xây từ thời Pháp. Sau này, sau 1975, khi trường bị xoá tên thì trên internet, tôi cũng chẳng tìm ra thông tin về trường LVD cũ. 
Bây giờ, tóc đã bạc, lưng đã mỏi nhưng không hiểu sao, đôi khi, tôi vẫn nhớ đến trường tiểu học cũ. Nơi đã cho mình những kiến thức đầu đời. Chẳng bao giờ tôi quên bài học cũ «Nước ta có hai mùa, mùa mưa và mùa nắng» của thời tiểu học. 
Trước năm 1971, 1972 gì đó, hệ thống trường học trong Nam vẫn còn được gọi lớp Năm đến lớp Nhất cho hệ tiểu học. Hệ trung học thì từ lớp đệ Thất đến lớp đệ Nhất. Có 2 kỳ thi tuyển là Tú Tài 1 (lớp đệ Nhị) và Tú Tài 2 (lớp đệ Nhất). Sau năm 1973 thì bắt đầu gọi tên từ lớp 1 đến lớp 12. Kỳ thi Tú Tài 1 cũng hủy bỏ và chỉ còn giữ lại kỳ thi Tú Tài 2 mà sau này gọi là Tốt nghiệp Phổ thông. 
Trường Lê Văn Duyệt năm 1964, có thầy hiệu trưởng là Đặng Văn Nghiệp. Ông Nghiệp dáng nhỏ người và trong ký ức của tôi, ông cực kỳ nghiêm khắc trong công việc. Học trò ai cũng nể sợ. Trường LVD xưa đúng nghĩa là một ngôi trường lớn, bề thế. Rộng rãi với 2 sân chơi lớn, 1 hồ tắm (nhưng hết xử dụng khi có một tai nạn xảy ra trong những năm trước 1964) và những cây phượng vĩ, cây bàng. Học trò đều mặc áo trắng, đeo phù hiệu: Trường tiểu học Lê văn Duyệt - Saigon» và áo bỏ trong quần. 
Đã hơn 50 năm trôi qua nhưng chẳng bao giờ tôi quên những buổi chào cờ sáng thứ 2. Lúc đó, tất cả các lớp đểu ra đứng ở sân trường, quanh cột cờ. 2 nam sinh (luân phiên của từng lớp Nhất) được cử ra cột cờ để làm nghi lễ thượng kỳ. Lá cờ được kéo lên từ từ trong tiếng hát Quốc ca vang dội của cả trường: «Này công dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng….». Khi vừa hát chấm dứt câu «… xứng danh ngàn năm giòng giống Lạc Hồng» thì ngay sau đó, tiếng vang như còn dội lại trong bầu không khí đã im lặng của toàn trường. Nghe mà nổi cả gai ốc vì mức độ hùng tráng của bài hát và thời điểm đó. Chẳng học sinh LVD nào, ngày nay, đầu hai thứ tóc, quên được những giây phút trang trọng ấy. 
Lúc ấy, chỉ có những trường công mới chào cờ và hát Quôc ca chứ các trường tư thì không bắt buộc hát quốc ca (Như trường trung học Huỳnh Khương Ninh cũng có chào cờ nhưng do không có sân trường, học sinh chỉ đứng lên trong lớp và hát Huỳnh Khương Ninh Hành khúc «Hát vang lên đời học sinh như chim bình minh, đón nắng mới, rộn ràng niêm vui phơi phới…»). 
Chương trình học ở bậc tiểu học thì chỉ có một buổi sáng. Từ 7 giờ đến 11 giờ. 
Đi học thì khi đến trường, cả một đạo quân bán đồ chơi, thức ăn la liệt trước cổng trường. Người bán thưòng bày hàng dưới đất, trên những tấm bạt hay trên những chiếc xe đẩy. Đồ chơi bán thi đa dạng và theo mùa. Từ những tấm cạc tông in hình lem luốc để học trò cắt ra dích hình hay tạc hình, những hòn bi, dế lửa, dế cơm đến cá vàng, cá lia thia (bán trong những túi nilon bơm oxy) hay những chú dế gáy te te… 
Làm sao quên những hồi hộp khi đẩy một đầu hộp quẹt ra và thấy 2 hàng râu dài ngoe nguẩy thò ra của chú dế. Còn nhỏ, mấy ai hiểu đó là thú chơi tàn ác trên những con côn trùng nhỏ? 
Có xe đẩy đóng thùng, chiếu phim với những ống nhìn. Cứ đưa vài cắc ra thì được ghé mắt vào coi những phim của hề Sạc Lô hay những đoạn phim hoạt hình của Disney. Có những hàng cũng tập thói xâu (nhưng nhà trường không dẹp được) là trò Bầu Cua Cá Cọp. 
Và chẳng học sinh LVD nào quên được cái tiếng trống trường ngày xưa, gõ thùng thùng 8 tiếng, báo hiệu giờ vào học, giờ ra chơi, giờ vào học và giờ tan trường. Giờ ra chơi là lúc 9 giờ. Khi đó, cả trường úa ra sân chơi. Và những học trò có chút tiền túi cha mẹ cho thì đi ra trước cổng trường mua đồ ăn vặt. Có những xe đạp đẩy bán kẹo, mía ghim, bánh bông lan, kem cây, trái cây… đầy dẫy. Sau này, để tránh sự mất trật tự và bảo đảm an ninh, trường không cho phép học sinh đi ra ngoài mua đồ ăn vặt nữa. 
Ai đi ngang các lớp trong giờ giảng dạy, đều khó quên những tiếng ê a đọc bài chung của cả lớp vang lên. Tình cờ lục lại trong xấp hình ảnh xưa, xúc động biết bao khi mình lại thấy mình, 50 năm xưa, đứng chụp hình với những đứa bạn cùng trang lứa.
 

Lê văn Duyệt - Niên khóa 1966-1967 
Trong hình, lớp đứng, lớp quỳ gối, đứa toe toét cười, đứa bình thản nhìn… Và tất cả đứng bao quanh cô giáo. «Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ?» 
Sau 1975, lịch sử của «Bên thắng cuộc» có cái nhìn quá khắt khe về những danh nhân lịch sử xưa. Nên những tên đường mang tên (Tả quân) Lê văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Tự Đức đều bị đổi tên. 
Đường Phan Thanh Giản, chạy từ quận 10 đến quận 1, trở thành đường Điện Biên Phủ. Đường Lê văn Duyệt, quận 3, trở thành Cách Mạng tháng 8 (ngoại trừ Lăng Ông thì không thể đổi tên được vì… ông nằm sờ sờ trong đó). Đường Phan Đình Phùng, kéo dài từ quận 1 đến quận 3, trở thành đường Nguyễn Đình Chiểu. Cụ Phan Đình Phùng còn chút an ủi là được đặt lại tên đường bên Phú Nhuận (vừa qua cầu Kiệu), chiếm chỗ cụ Võ Di Nguy!. Và đường Tự Đức mang tên Nguyễn văn Thủ. 
Trường tiểu học Lê văn Duyệt, do diên tích quá lớn nên bị cắt ra làm 2. Mặt trước trường,đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 thì hóa thành cơ sở Mẫu Giáo. Mặt sau trường, tiếp giáp đường Nguyễn văn Thủ thì trở thành trường trung học cơ sở Trần văn Ơn. Trường tiểu học nữ Đinh Tiên Hoàng vẫn là trường tiểu học nhưng có cả học trò nam lần nữ, mang lại tên Đinh Tiên Hoàng. 
Tất cả cơ sở cũ của hai trường, đều được xây lại lớn hơn để đáp ứng số lượng học trò ngày càng tăng lên. 
Và những ngày tựu trường trong tháng 9 cũng không còn cái ý nghĩa cũ. Vì tất cả trường tiểu học đều nhập học trong tháng 8 nhưng đến đầu tháng 9 thì lại có cái lễ… tựu trường hình thức và đầy kịch tính. Và có biết bao nhiêu chuyện nhiêu khê thêm vào, từ việc phải mua đồng phục do nhà trường may, tiền sách vở, tiền bảo hiểm, quỹ nhà trường, khăn quàng đỏ… đã làm thay đổi hoàn toàn cái phong cách của những trường tiểu học xưa. 
Tình cờ, lật tờ báo Tuổi Ngọc, số 5, thấy bài hát «Trường cũ» của nhạc sĩ Tô Hải tôi lại chạnh lòng, nhớ lại ngôi trường cũ, nay đã mất tên, của tôi thời thơ ấu. 
Với những cây phượng vĩ, hoa đỏ chói rực cả một mùa hè. «Cây bàng xưa kia lá tốt xanh tươi, chạnh lòng ai nhớ tiếc khó nguôi». Hình như đâu đó trong tôi, cây bàng trong sân trường tiểu học Lê văn Duyệt năm xưa, lá vẫn luôn luôn xanh tươi trong tâm tưởng. 
Tháng 9. 2015
Theo http://cntyk2.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xã hội đương thời trong tác phẩm tâm huyết nhất của Nhất Linh

Xã hội đương thời trong tác phẩm tâm huyết nhất của Nhất Linh Có thể nói, tham vọng về một cuốn tiểu thuyết đào sâu vào đời sống xã hội đạ...