Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến

Đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến…
Trên bản đồ du lịch Việt Nam, thành phố biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đang là điểm đến hấp dẫn với đông đảo du khách gần xa. Nếu có dịp đến vùng “đất võ, trời văn” ấy, bạn đừng quên ghé thăm Gềnh Ráng - Tiên Sa, một địa danh du lịch nổi tiếng, nơi an nghỉ của người thi sĩ tài hoa mệnh bạc Hàn Mạc Tử.
Dốc Mộng Cầm để lên đồi thi nhân, 
nơi đặt mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử.
Mới đây, đoàn cán bộ Báo Bắc Ninh có dịp ghé thăm Gềnh Ráng, viếng mộ người thi sĩ mở đường cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, người từng làm thổn thức trái tim bao thiếu nữ say thơ.
Hàn Mạc Tử (hay Hàn Mặc Tử) tên thật là Nguyễn Trọng Trí (1912-1940) là người con thứ 4 trong gia đình 8 anh, chị em, quê gốc ở làng Lệ Mỹ, nay thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Từ nhỏ, Hàn Mạc Tử luôn mang dáng hình thư sinh, ốm yếu. Ông hiền lành, ham học và thích giao du với bạn bè trong lĩnh vực văn thơ. Cha là Nguyễn Văn Toản làm nghề thông phán (phiên dịch) nên Hàn Mạc Tử có điều kiện cùng cha di chuyển nhiều nơi, qua nhiều nhiệm sở, theo học nhiều trường khác nhau như Sa Kỳ, Quy Nhơn, Bồng Sơn… Năm 1926, khi người cha mắc bệnh và qua đời ở Huế, Hàn Mạc Tử vẫn được mẹ cho học tiếp ở trường Pellevin (Huế). Mãi đến năm 1930, ông mới lại theo mẹ vào Quy Nhơn, gia đình theo đạo Công giáo.
Hàn Mạc Tử làm thơ từ năm 16 tuổi, là bạn thân của chí sĩ Phan Bội Châu, từng được chí sĩ họ Phan giới thiệu thi phẩm nổi tiếng Thức khuya trên một số tờ báo, được nhận học bổng du học Pháp nhưng Hàn từ chối. Năm 21 tuổi, Hàn Mạc Tử quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp, lúc đầu làm ở Sở Thạc Điền, sau chuyển làm phóng viên phụ trách trang thơ cho tờ báo Công luận. Khi ấy, ở Phan Thiết, một thiếu nữ có tên Mộng Cầm cũng thường làm thơ gửi đăng báo Công luận. Cơ duyên khiến cho hai tâm hồn yêu thơ xích lại gần nhau hơn. Khi cảm nhận độ chín của tình yêu, Hàn Mạc Tử quyết định ra Phan Thiết gặp Mộng Cầm, bắt đầu một cuộc tình nên thơ và lầu Ông Hoàng là nơi bao lần minh chứng cho cuộc tình đầy lãng mạn của đôi trẻ… Trong cuộc đời ngắn ngủi của người thi sĩ nổi tiếng ấy, Hàn Mạc Tử đã trải qua rất nhiều mối tình, có những mối tình, những con người ông đã gặp đã đắm đuối si mê, cũng có những người, những mối tình chỉ đơn giản giao tiếp qua thư. Trong các mối tình đó, có lẽ mối tình với nữ sĩ Mộng Cầm là đắm say nhất, đẫm nước mắt nhất và cũng tốn giấy mực nhiều nhất?
Theo gia đình Hàn Mạc Tử, đầu năm 1935, họ đã phát hiện dấu hiệu bệnh phong trên cơ thể ông. Tuy nhiên, ông không quan tâm vì cho rằng đó chỉ là dị ứng, nhưng càng về sau bệnh càng trở nặng. Năm 1938 đến 1939 là thời điểm thể xác đau đớn dữ dội nhất, nhưng kỳ lạ là ít ai thấy ông kêu than.
Trên thực tế, bệnh phong không đáng sợ, nhưng ngày ấy, do nhận thức chưa đúng nên bệnh nhân thường bị người đời hắt hủi, cách ly, xa lánh, thậm chí bị ngược đãi mà thi sĩ Hàn Mạc Tử không phải ngoại lệ. Vì thế gia đình phải đưa ông trốn tránh nhiều nơi, trước khi đến nhà thương Quy Hòa, nay là Bệnh viện da liễu Quy Hòa, nép sau những đoạn đèo dốc quanh co hiểm trở, ông đã uống nhiều thuốc của lang băm khiến nội tạng hư hỏng nặng. Tại đây ông mang số bệnh nhân 1.134 và trút hơi thở cuối cùng vào hồi 5 giờ 45 phút, ngày 11-11-1940.
Khi thi sĩ qua đời, những người yêu thơ ông đã lập Đài tưởng niệm Hàn Mạc Tử. 19 năm sau, ngày 13-2-1959, những người thân trong gia đình mới có điều kiện đem mộ ông trên đồi Gềnh Ráng cải táng. Đây là vị trí rất đẹp và lãng mạn như chính con người thi sĩ, như chính lời của bài hát mang tên ông có câu Đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến…
Mộ Hàn Mạc Tử trên đồi thi nhân
Nói về vị trí này, nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: Giờ đây, Hàn Mạc Tử được nằm trên điểm cao Ghềnh Ráng đối diện với bể Đông, bể sáng chói như thơ anh và giông bão như thơ anh…
Hành trình đến Gềnh Ráng của đoàn cán bộ Báo Bắc Ninh bắt đầu từ con dốc mang tên nữ sĩ Mộng Cầm, lên đồi Thi Nhân, tản bộ vài trăm mét uốn lượn quanh co là đến mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử, nằm gọn trong vòng tay che chở của Đức mẹ Maria. Đứng trên đỉnh đồi, ta có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng dương xanh thắm, của những vườn hoa, những thảm cỏ mượt xanh và tận hưởng bầu không khí mát lành của biển cả. Thiên nhiên hoang sơ với sóng nước, mây trời càng như bản hòa ca ru êm giấc ngủ thiên thu người thi sĩ tài hoa mệnh bạc Hàn Mạc Tử.
Lên đồi Thi Nhân, viếng mộ thi sĩ, bạn cũng đừng bỏ quên một căn lều tranh của nghệ nhân Trương Dzũ Kha. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM, nhưng từ hơn 30 năm nay, Trương Dzũ Kha đã về quê dựng lều, gắn đời mình với nghệ thuật bút lửa để nâng niu thơ Hàn. Bút lửa của Dzũ Kha có ngòi là dây lò xo xoắn được đấu nối điện. Khi viết hoặc vẽ, ngòi chạm vào gỗ phát ra lửa, bốc khói. Muốn có tác phẩm nghệ thuật đạt độ tinh xảo thì đòi hỏi phải rất tỉ mỉ, chính xác đến từng chi tiết.
Hàn Mạc Tử, người thi sĩ tài hoa dù không sinh ra ở Bình Định, đời thơ và đời người của ông ở Bình Định cũng thật ngắn ngủi thế nhưng khi khắc đến ông là người ta nhắc đến Quy Nhơn. Đất Quy Nhơn gầy đã ôm ấp, chở che và đón chàng thi sĩ mệnh bạc nằm lại, yên giấc thiên thu bên những con sóng bạc đầu cùng niềm tiếc thương của hậu thế, nhất là những người yêu dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam mà ông là một trong những người đi trước mở đường…
29/7/2020
Thanh Tú
Theo http://baobacninh.com.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ dịch của Vũ Tuấn Hoàng

Chùm thơ dịch của Vũ Tuấn Hoàng “Ở một chừng mực nào đó, dịch giả cũng giống như một người đầu bếp. Từ nguyên vật liệu ngoại, cần phải nấu...