Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

Mùa xuân trong mỗi chúng ta

Mùa xuân trong mỗi chúng ta
Thời gian âm thầm trôi mãi, bốn mùa thay đổi không dừng. Ngày xuân tươi tốt sắc hoa, cỏ cây đâm chồi nảy lộc. Xuân qua hạ đến, nắng gió vành hanh; thu đến lá buồn, xôn xao ngõ vắng. Thu đi đông lại, giá rét heo mây, các mùa biến chuyển theo tháng ngày, như một chu trình chung vận hành không thay đổi.
Trong bốn mùa của năm thì xuân là mùa dễ chịu nhất bởi thời tiết, khí hậu mát mẻ, vạn vật trời đất an hòa. Những ngày này, mọi thứ dường như thay đổi hẳn, tựa thể khoác lên mình chiếc áo mới để hòa điệu nhịp nhàng với muôn màu muôn vẻ của bức tranh xuân. Đến đâu cũng thấy rực rỡ sắc hương, nhà nhà đều ắp đầy rượu thơm, bánh mứt; gót xinh trên phố hoa dìu dập, người người đều hân hoan, rạng rỡ nụ cười. Gió xuân mơn man trên tóc, nắng xuân hồng ấm bên hiên.
Xuân về mang cánh én báo tin vui, như chuyên chở những ước mơ xanh cho trọn năm với biết bao hứa hẹn, tin yêu đang đợi chờ phía trước. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, chung vui nâng ly cạn chén, tặng nhau bao lời chúc tụng, sang năm thành đạt phát tài… Bao vất vả, mệt nhọc của những tháng ngày qua dường như lắng xuống, thay vào đó là những cuộc vui, trò vui suốt sáng thâu đêm. Mười hai tháng trời quần quật, miệt mài trong khối lo toan bộn bề công việc, ba ngày xuân như một dịp nghỉ ngơi để mọi người thỏa thích giải trí, vui chơi.
Trước thềm xuân, không biết bạn có nghĩ gì không khi nhìn lại quanh mình, còn có quá nhiều những con người, những mảnh đời cần phải được sớt chia, đùm bọc? Đối với họ, cái đói, cái nghèo bao giờ vẫn là nỗi lo thường nhật, manh áo chén cơm luôn trông mong vào sự ban ơn và giúp đỡ của nhiều người, do vậy, việc vui xuân hay ý vị ngày xuân với những người này nào có gì nghĩa lý? Ta thấy bên bếp lửa chiều sục sôi nồi bánh chưng nếp mới của một gia đình nào đó đang đun củi trong ngày ba mươi, đâu đấy vẫn rải rác vài người hành khất lang thang đang một mình đơn côi trên hè phố; bên mâm cơm của nhà ai đó đang quây quần đoàn tụ đón giao thừa khuya rộn rã, vẫn còn lắm những số phận khổ nghèo, thiếu vắng, bơ vơ…
Và cũng trước thềm xuân, bạn có nghĩ gì không khi nhìn lại tự thân, kiểm điểm và đánh giá về mình qua quá trình của một năm lao động, sinh hoạt, học tập?… Những gì thành công trong năm cũ, sang năm sẽ duy trì và phát triển thêm lên; những gì sai sót, yếu kém, thất bại của năm qua, năm sau sẽ cải thiện và khắc phục. Hãy nghiệm xem suốt ba trăm sáu mươi lăm ngày vừa hết, ta đã làm được bao việc lành, nói được bao lời lành, và nghĩ được bao ý lành. Ngược lại cũng tương tự. Lời nói, hành động và ý niệm của ta trong năm qua có tổn hại đến ai không? Có gây phiền lòng và buồn khổ đến ai không? Có gây bất hòa và lầm lỗi cho ai không?... Suy nghiệm lại những điều trên, tự thân mỗi chúng ta sẽ biết rút ra cho riêng mình một phương châm, đường hướng phấn đấu thiết thực.
Nếu nghĩ xa hơn, có thể bạn sẽ để tâm quán chiếu lại đời mình. Mà nên thế. Từ khi cất tiếng khóc đầu tiên để mở mắt chào đời trong nôi, đến hôm nay ta được bao nhiêu tuổi? Có lẽ bạn vừa tròn tuổi đôi mươi - tuổi cháy xanh ngời với bao ước mơ hy vọng? Cũng có thể là bạn đã già dặn và chững chạc nhiều hơn trước - đã từng trải gót phong ba xuôi ngược mọi nẻo đời? Tóc bạn có còn xanh? Mắt bạn có còn sáng? Nhiệt huyết một thời có còn rạo rực trong lòng?... Hay tất cả giờ chỉ còn là quá khứ - một quá khứ lặng thầm, thoi thóp, cô đơn? Thời gian cứ thầm lặng đi qua, dòng đời cứ vô tình cuốn trôi mọi thứ vào dĩ vãng, phủ lên kiếp phù sinh một lớp bụi mờ? Rồi có thể một sớm mai nào bạn sẽ thảng thốt giật mình khi đứng trước gương soi, bàng hoàng nhận ra mình đã không còn trẻ trung như ngày xưa nữa. Tóc bạn giờ pha sương nhiều lắm, mắt đã in nhiều những dấu chân chim; da đã nhăn, lưng đã chùn, gối đã mỏi… Bạn sẽ biết trong suốt bao tháng năm qua, bạn đã tất bật, vồn vã quá nhiều theo guồng quay của nhịp sống, mệt nhoài người như thể bắt bóng đuổi hình. Điều này đâu chỉ ở riêng ai, mà tất cả chúng ta cũng đều như thế. Tuổi đời mấy mươi năm ngắn ngủi, chúng ta cứ mãi bôn ba tìm cầu mọi thứ ở bên ngoài. Tìm cho ai? Cho ta? Cho người? Và kết quả có tìm thấy được gì hay kết cuộc cũng chỉ là mênh mông, hư huyễn? Một ngày khi bình minh vừa mới mọc, mở mắt xuống giường là hình như người ta cứ mãi dong ruổi tìm cầu: tiền tài, sắc dục, lợi dưỡng, danh văn? Từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, người ta cứ mãi toan tính, trù liệu mọi thứ, thể như những điều ấy sẽ tạo dựng cho họ một thiên đường an vui hạnh phúc, tồn tại miên viễn lâu dài! Một ngày đi qua, một tuần đi qua, một tháng đi qua, một năm đi qua, rồi một đời đã đi qua. Tất cả phải đều kết thúc, phải vỡ tan, nếu không nói là phủ phàng và mất trắng. Vậy mà có mấy ai tỉnh táo để nhận ra điều đó, nên suốt đời dường như cứ tranh đua, giành giật, hờn giận, bon chen!
Ngày còn trẻ, người ta đi tìm hạnh phúc mãi, tìm suốt một cuộc đời. Họ biến mình như hạt cát đen trên sa mạc mênh mông, vật vờ, đơn côi trong lang thang vô định. Ta đi đâu, về đâu khi chiều đang tắt nắng, đường hãy còn dài? Chúng ta đã tìm quá xa, đi quá nhiều. Gót hài phong trần không chỉ in dấu có hàng trăm, hàng vạn dặm đường, mà chúng ta còn đi xa hơn như thế, đã mờ mịt lạc loài từ trong vô lượng kiếp tử sinh; chúng ta đã trải qua mọi nẻo đường đời, ngược xuôi trên muôn lối, nhưng cuối cùng rồi cũng phải lại qua trong hoang vu sáu nẻo, mờ mịt trong đêm tối tam đồ? Ai trong chúng ta đủ năng lực để có thể tự mình thoát ra ngoài vòng quay kinh hãi ấy - sự vô thường tấn tốc không thứ tha và từ bỏ một người nào? Hiếm lắm! Đa phần chúng ta đều gục đầu xuôi theo dòng sông sinh tử, hóa thành những giọt nước đau thương để chảy vào biển luân hồi.
Một ngày xuân, một mùa xuân, đấy là nói theo quan điểm của thế gian, nhưng dưới cái nhìn của những người đạt ngộ thì ngày nào cũng là ngày xuân, mùa nào cũng là mùa xuân; hay ngày nào cũng là ngày mộng, mùa nào cũng là mùa mộng. Nếu nói xuân thì tất cả đều là xuân, còn bảo mộng thì vạn hữu đều là mộng. Mà mộng thật - những người nhẹ gánh tử sinh luôn bảo thế! Ngày đi qua như mộng, đêm về say trong mộng, một đời ngủ vùi trong mênh mông mộng mị, cuộc đời là một trường đại mộng, mộng triền miên trên số kiếp con người!
Biết mộng, nhìn ra mộng, nhưng có tỉnh được mộng không? Chúng ta không dám quả quyết điều này, chỉ biết đời là mộng, sống trong mộng nhưng đừng vui theo mộng, làm việc mộng - các thiền sư thường dạy chúng ta!.
Ngày xuân nói chuyện tử sinh, đây chẳng phải là điều bất tường như lâu nay người ta thường nghĩ. Ngày xuân lẽ ra phải nói chuyện vui, bàn việc lành, luận về vinh hoa phú quý như pháp thế gian. Nhưng nhà Phật thì không như thế, bởi bốn mùa đổi thay là chuyện của đất trời, còn việc giải quyết tử sinh luôn là trách nhiệm canh cánh trong lòng của những người thoát tục. Một ngày đi qua, sự sống dần dần giảm; một năm đi qua, tuổi thọ lại chồng thêm; mười năm trôi qua, ta gần thêm cái chết. Và chắc chắn không ai trong chúng ta có thể tránh khỏi những phút tàn hơi trong ngày sau cuối ấy, một cảm giác trống vắng, trần trụi, bơ vơ, hoang lạnh buổi chiều tàn!
Nói chuyện tử sinh, như thông điệp chuyền tay của một lời nhắn nhủ, hiểu đời vô thường để ta phải biết sống hết mình và đúng nghĩa, luôn sẵn sàng làm mọi điều lành một cách thiết thực nhất đến với tha nhân. Đâu phải nhắc chuyện vô thường trong ngày xuân để chúng ta yếm thế, bi quan, rồi nhìn đời toàn là một màu vàng thê lương, ảm đạm. Xuân tuy tàn nhưng đừng nghĩ hoa mai rơi hết, bởi đêm qua vẫn còn lại một nhành mai nở trắng trước sân. Trong cái mộng mị phù du của kiếp sống này, ta biết vẫn ẩn tàng một giá trị không phù du mộng mị; trong tấm thân tứ đại mong manh và tạm bợ, vẫn ẩn kín thâm sâu một điều gì chắc thật trường tồn; đó là một nhành mai mà trên hội Linh Sơn, Ca-diếp đã mỉm cười khi đức Phật đưa hoa sen ra trước chúng; đó là một viên minh châu quấn trong chéo áo mà gã cùng tử lạc loài đã bỏ nhà dong ruổi, lang thang. Đời tuy vô thường nhưng những giá trị chân thường vẫn song phương tồn tại; mộng dẫu phủ trùm dầy đen trong kiếp sống, song mộng thiện, mộng lành dù sao vẫn còn có chút ý nghĩa với con người…
Ta biết chỗ rốt ráo sau cùng chẳng thể định hình dựa trên văn chương, ngôn ngữ; đích cứu cánh mầu nhiệm cuối chặng đường phải lìa mọi tướng đối đãi, dứt bặt nói năng, huống nữa là thời gian vô cùng và không gian vô tận! Thời gian, không gian đã không thì bốn mùa nương nơi đâu mà lập? Bốn mùa không có thì làm gì có chuyện xuân, hạ, thu, đông? Xuân, hạ, thu, đông đã không thì bàn luận ngày xuân, mùa xuân để làm gì? Nói chuyện xuân, bàn việc xuân chẳng qua là thuận theo thế tục, điều ấy được xem như một phương tiện giản đơn, bình dị để phổ hóa những lời Phật dạy, đem đạo lý của Thế Tôn hòa nhập thẳng vào đời.
Lần nữa, thể theo pháp thế gian, bên thềm xuân, cầu chúc mọi người năm mới đạo tâm kiên cố, sức khỏe dồi dào, mọi việc đều kiết tường, như ý…
4/2/2008

Tâm Chánh

Theo http://www.chuahoangphap.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xã hội đương thời trong tác phẩm tâm huyết nhất của Nhất Linh

Xã hội đương thời trong tác phẩm tâm huyết nhất của Nhất Linh Có thể nói, tham vọng về một cuốn tiểu thuyết đào sâu vào đời sống xã hội đạ...