Gió rừng mưa biển
Cả hành lang khách sạn im lìm, hun hút gió. Dường như ngoài kia, biển Hạ Long không cần cơn cớ gì, chỉ còn mỗi việc duy nhất là cuộn gió, cuộn tất cả gió định trang trải cho đất liền thốc vào cái hành lang đủ cả dài, mảnh và sâu. Lại bắt đầu mưa! Cái thứ mưa của những ngày đầu hạ không ầm ào bởi sức nặng của nước mà ầm ào, dọa nạt bởi những tiếng gầm gừ bật lên từ lòng đất, dội xuống từ tầng không và muôn vàn tia sét trên cao phóng xuống theo nhiều hình thù kỳ quái. Người ấy vẫn ngồi. Mái tóc với những lọn xoăn xòa rủ che vầng trán vuông và rộng. Vầng trán mà khi có cô bên cạnh, cô vẫn ve vuốt rồi cười khinh khích bắt anh nhướng mắt, nheo mày để ngắm. Giờ thì vắng lặng. Chỉ còn hành lang hun hút gió, đậm vị mặn của muối vây bủa.
Tấm toan cũng im lìm trong gió, cũng chìm vào cái mênh mông của
đất trời như chủ nhân của nó. Những nét than đen nguệch ngoạc trên tấm toan trắng
khiến người đứng ngoài chưa thể định hình nổi, người đang ngồi trầm ngâm kia định
tái tạo gì trên nền trắng ấy. Người ấy vẫn bất động. Chỉ có điếu thuốc trên môi
liên tục đỏ và những lọn tóc lòa xòa trước trán lật phật theo nhịp thở của gió
biển thông thốc thổi.
Mẩu than vẽ hờ hững trên lòng tay, đôi môi mím gắn chặt điếu
thuốc, người ấy bất ngờ vung tay, xổ một nét chạy suốt chiều dọc tấm toan, nhìn
như một bờ dốc thẳng đứng bên những đường than nguệch ngoạc trước đó rồi buông
tay, cúi đầu như mặc niệm.
Đôi mắt đen ở phòng bên nhắm lại. Những giọt nước trong veo cứ
thế rỉ ra, lặng lẽ tràn trên mặt phẳng của đôi má rồi lẫn vào khóe miệng như
hành trình muôn đời của nước mắt xưa nay. Cái bờ dốc thẳng đứng ấy. Những nét
than nguệch ngoạc… Đôi mắt đen đã nhận ra. Cả một khoảng đời bất giác hiện lên
sau nét than đen trên nền toan trắng. Đen và trắng! Thẳng và cong! Những sắc
màu và đường nét một thời! “Cái đẹp thường hiện hữu trong sự đối lập”! Lời giải
thích của người ấy từ xưa lại vọng về, ám ảnh, ngăn cách đôi mắt đen! Sự đối lập
xa xưa ấy bất giác làm thành ngọt và đắng đọng tê tê nơi đầu lưỡi. Còn bây giờ?
Vẫn đen và trắng! Vẫn thẳng và cong! Tất cả đang nhòa dần sau màn hơi nước từ
những giọt mưa biển hắt vào giữa hành lang hun hút gió. Biển chìm trong mưa hay
mưa nhuộm biển trong dòng nước mắt? Không định hình nổi. Không gọi tên được. Chỉ
có thể ấn định bởi sự nhạt nhòa giữa những tiếng thở dài ngược theo chiều chạy
muôn thuở của kim đồng hồ.
*
Bờ dốc đứng! Chỉ cần leo qua cái bờ dốc dựng đứng tưởng lấy hết
hơi sức con người kia là lên tới bản Coóc! Nghe ngỡ là đơn giản! Mấy ai hiểu,
có khi chỉ một con dốc mà ngăn cách cả cuộc đời.
Mưa vẫn nhuộm mặt biển và bầu trời thành một khối nhập nhòa
hư ảo. Con dốc ngăn bản Coóc với bên ngoài vẫn dựng đứng trong đôi mắt của
Nhung. Xa xưa và vời vợi! Tất cả mới ngoài hai mươi! Hăm hở lần đường lên cái
vùng mà trong mơ chỉ âm âm ba tiếng “Cao nguyên đá” khi vừa rời cổng trường sư
phạm. Lần đầu tiên chạm con dốc đứng, cái khối tự ái to đùng khi tuyên bố “xanh
rờn” với người đã từng ngăn cản cô thực hiện “khát vọng” ngỡ như que kem mát lạnh
đặt ngoài trời đổ lửa đang dần tan chảy. Cả một vùng núi đá mơ hồ. “Chỉ cần qua
con dốc này là vào bản Coóc”. Câu nói của cái người vô tình gặp gỡ trên hành
trình tìm đường vào cái bản ghi trong công lệnh điều động công tác khiến cho
đôi mắt đen láy của Nhung dường như tối thêm. “Giá không hồ đồ thì đâu đến nỗi”!
Âm điệu vô tình tưởng tượng ra khiến Nhung nghiến chặt răng, cắm cúi lần từng
bước theo người ấy vượt dốc vào bản Coóc.
Chưa từng leo dốc! Chưa từng vượt đường rừng! Con dốc dựng đứng
dường như là thử thách đầu tiên và cũng là cuối cùng Nhung cần chinh phục của
ngày đầu tiên làm cô giáo. Cô biết, sau nó, tất cả cô đều có thể vượt qua.
Lớp học có hơn chục đứa trẻ. Khó khăn lắm cùng sự giúp sức của
người già, Nhung mới vận động được từng ấy đứa trẻ đến lớp. Ngày thứ nhất, qua
ngày thứ hai, lớp vơi một đứa. Ngày thứ ba, lớp vơi hai đứa. “Cô giáo à! Mày phải
giúp dân tao mở mắt bằng cái chữ đấy. Còn một đứa mày cũng đừng có bỏ bản Coóc
mà đi à. Đôi mắt mày đen thế kia, giàu tình cảm lắm lắm. Đừng có bỏ bản Coóc mà
đi”! Lời người già gửi gắm với ánh nhìn trìu mến và cả cái khối tự ái to đùng của
tuổi hai mươi (lại là cái khối tự ái chết tiệt) đã níu chân Nhung ở lại bản
Coóc – cái bản của người Mông chênh vênh trên sườn dốc, mấp mô mái nhà lợp ngói
âm dương. Lớp học cứ vơi lại đầy; đầy lại vơi, dằng dai như nhịp nước thủy triều.
Những đôi mắt ngây ngô to tròn của đám trẻ bản Coóc như ngọn lửa âm ỉ khiến
Nhung đêm đêm lội đường rừng tìm đến từng ngôi nhà chênh vênh bên sườn núi.
Ngày đầu còn có con gái trưởng bản đi cùng. Sau chỉ còn mình Nhung lầm lũi và
có gió hun hút hú dọc theo vách đá. “Không trụ lại được thì cứ về. Coi như chưa
nghe thấy gì thôi mà” – lời nói của kẻ vốn được coi là bạn trai lại âm âm bên
tai Nhung: “Không trụ lại được thì cứ về… Không trụ lại được thì cứ về”. Lẽ nào
cuộc sống chỉ có thế? Những người đàn bà địu con trước ngực và gùi quẩy tấu
trên lưng kia đâu có cần mớ ngôn từ ấy. Và gió nữa. Lẽ nào gió cũng “không trụ
lại được thì về”?
Nhung vẫn lầm lũi bước. Mưa núi va vách đá, lọt qua lá cây,
táp vào mặt. Bậc thềm ngôi nhà thứ nhất nhoe nhoét nước bùn. Một thân hình nằm
co như con mèo hen bên bếp lửa nhưng đôi mắt bất chợt chạy dọc khuôn mặt Nhung,
lóe lên ánh nhìn rợn như ánh chớp giữa cơn giông gió: “Đi học à? Đi học có no bụng
được không? A Vàng đi kiếm củ mài rồi, đi cõng nước rồi. Cô giáo à? Mày thương
A Vàng, tao cũng thương A Vàng, nhưng tao không cho nó đi học được đâu. Cái chữ
chưa nhìn thấy mà cõng nước, kiếm củ thì hằng ngày tao phải nhìn thấy rồi. Mày
phải để nó ở nhà cõng nước, kiếm củi cho tao thôi”. Nhung nhìn ra phía bờ rào
đá. Một đôi mắt to như mắt nai thập thò sau lỗ nhỏ qua bờ tường đất trình. Ánh
mắt A Vàng! Chỉ có gió mới biết Nhung nói gì với cái thân hình nằm co như con
mèo hen ấy. Rồi Nhung gật đầu. Ngoài kia, A Vàng cười.
Vẫn con đường ấy, qua bậc thềm nhà thứ hai, thứ ba… Bàn chân
Nhung vẫn bước. Bao bờ rào đá, bao bức tường trình đã thành thân thuộc. “Lần
sau đừng đi một mình” – gương mặt vuông vức Nhung gặp lần đầu tìm đường vào bản
bất ngờ hiện ra ở một khúc cong của con dốc nhỏ. Gió bấc vẫn vã cái hanh khô
hun hút xuống mặt đất. Không cần biết Nhung có đồng ý, khuôn mặt vuông (Nhung tạm
gọi thế) lừ lừ đi trước như người dẫn đường. Mỗi khi Nhung bước qua một bậc thềm,
khuôn mặt vuông đứng chờ ngoài bờ rào đá.
Cứ lầm lũi kẻ trước người sau. Lớp học đầy dần. Bờ vai Nhung
chai thêm. Mỗi lần qua nhà A Vàng, trong quẩy tấu của cô có thêm một can nước.
*
A Vàng đã học hết lớp Năm. Biết đọc, biết viết, biết làm con
tính cho người già cộng số ngô trồng được trên mảnh nương giữa lưng chừng đá.
Cái thân hình vẫn nằm co như con mèo hen của A Lầu – cha A Vàng đã ngồi dậy, cặm
cụi chêm lại cái cuốc: “Trưởng bản à, tao phải đi nương thôi. Cái cô giáo chẳng
thân thích gì với mình còn biết thương con mình. Mình đẻ ra nó mà chẳng thương
nó thì phải tội”. Người già bản Coóc gật đầu, nhìn Nhung, đôi mắt người già đục
màu cùi nhãn như màn sương phủ trên mắt đá: “Bản Coóc này ơn cô giáo lắm”. Còn
Nhung lại thầm ơn một người. Gương mặt vuông vức của anh im lặng trầm ngâm dõi
ra xa, vượt qua cả con dốc nhỏ để về bản Coóc.
Bóng tối trùm dần lên cái nhà nhỏ cất bên cạnh dãy phòng học
run rẩy trong gió rét. Đã vào giữa mùa khô hanh. Chậu nước nhỏ đặt trong phòng
giáo viên cạn dần. Hành trình của một ca nước bắt đầu bằng việc vo gạo đến rửa
rau rồi giặt quần áo. Mà cũng chỉ là quần áo nhỏ. Những thứ đồ lớn không thể giặt
đành phơi lên đầu gió rồi lấy cây gậy gỗ đập cho bụi bắn ra ngoài. Rau cải trên
lưng chừng núi nhổ về, rũ sạch đất, kẹp vào nách rút xuôi vài cái rồi vặn nhỏ,
thả vào nồi. Món canh rau “kẹp nách” là đây. Nhung bất giác rùng mình. Cái rùng
mình không dễ tìm cơn cớ. Cái điệp khúc tưởng chôn vùi bao năm lại âm âm “không
trụ lại được thì cứ về”. Không thể bỏ những đứa trẻ bản Coóc để về nơi ấy. Đôi
mắt đen nhức của Nhung nhắm lại. Cơn sốt lại ập đến. Chỉ thấy gương mặt vuông vức
chập chờn bên cạnh như ánh trăng núi thông thốc tãi xuống rồi đem sương phủ chập
chờn trên những mũi đá tai mèo.
Xa xăm lắm, rồi lại gần thật gần. Mắt Nhung thấy ngàn vạn ngọn
đuốc bùng bùng cháy. Tiếng hú gọi. Tiếng kêu than. “A Vàng! A Vàng!”. Nhung cố
ngóc đầu. Cái cổ của A Vàng cứ oặt về một bên. Nó bị ngã từ trên cao xuống khi
đi cõng nước. Đôi môi gương mặt vuông mím chặt. Nhung cuống quýt. Trận sốt rét
trốn đâu mất. Gió bấc vẫn rú rít lồng lộn trên những tán cây rừng. Cơn lạnh tái
tê của rừng vẫn sầm sập đổ xuống, vây bủa. A Vàng sẽ chết nếu không được đưa tới
bệnh viện. Trưởng bản nhìn cô giáo. A Lầu mếu máo: “A Vàng chắc bị con ma núi bắt
rồi. Không đưa nó đi đâu đâu, để tao đi gọi lão mo bản, cúng gọi vía nó thôi”.
“A Lầu à! Mày để A Vàng ở lại là nó chết đấy”. Trưởng bản lắc vai A Lầu. A Lầu
vẫn nhất quyết giữ con trai mình lại. Gương mặt vuông nhìn Nhung. Cô im lặng rồi
bất ngờ xốc A Vàng lên vai, lao ra bầu trời gió bấc đang thông thốc thổi.
A Vàng ra viện. Nó về tới bản Coóc, ngồi ăn canh rau cải nấu
với thịt rừng sấy khô ở nhà trưởng bản mãi mà không thấy cô giáo về. Nó còn quá
nhỏ để biết chuyện chiều ấy, bên bờ suối. Trăng lại thong thả tãi thứ ánh sáng
mềm mại, hư ảo đến mê hoặc xuống mặt đất. Gương mặt vuông vức với những lọn tóc
bồng bềnh dắt tay Nhung lên bậc thềm. Người già cười. Đám trẻ cười. Những bông
hoa lửa bất giác bay tung lên từ khuôn bếp giữa nhà đang bùng bùng cháy.
Lại thêm một mùa cao nguyên khát. Ánh mắt Nhung vẫn rực sáng
trước đôi mắt của bao đứa trẻ bản Coóc. Gương mặt vuông vẫn dập dìu bên cô. Tiếng
trẻ học bài bi bô hòa lẫn tiếng chim rừng véo von trên những tán thông mã vĩ.
Gương mặt vuông đắm chìm bên những đường nét và sắc màu. Đen và trắng! Thẳng và
cong! Như đôi mắt và làn da Nhung. Như đôi chân và vòng eo thiếu nữ! Nhung dần
quên tiếng nói mơ hồ âm âm ngày nào “Không trụ lại được thì cứ về”. Cô không
còn nhớ tới điều đó. Đám học trò ngây thơ của cô không còn lo một ngày kia cô
giáo của chúng sẽ vượt qua con dốc để rời xa bản Coóc. Trên sàn gác nhà người
già bản Coóc có một gói vải chàm vuông vức để mừng cô giáo về nhà mới.
Ngày mai! Chưa khi nào Nhung mong bình minh ló rạng như đêm ấy.
Trong vòng tay gương mặt vuông, cô thao thức cựa mình. Gương mặt vuông dường
như cũng khó ngủ. Mái tóc với những lọn quăn bồng bềnh chập chờn trong giấc ngủ
vùi nửa đêm về sáng của Nhung.
Mặt trời ló rạng, nhô lên từ từ qua con dốc vào bản Coóc.
Nhung tựa cửa ngóng ra. Bên cô, đám học trò bỏ cả chơi quay, ngóng ra con dốc
cùng cô giáo. Rồi người già lọng khọng lần sang “Cô giáo à. Gần hết ngày rồi,
mày cứ vào nhà đi, đừng ở ngoài nữa. Có ngày nào nó đi lâu thế đâu. Cái vui
ngoài kia chắc giữ chân nó rồi”. Nhung quay vào. Bất giác cô rùng mình. Mầm
sống nhỏ nhoi trong cô vô tình cựa quậy. Nhung chỉ còn biết ngóng ra phía con dốc
dẫn vào bản Coóc.
*
Mười năm! Một con số vô hồn nhưng chôn vùi trong nó vô vàn
cay đắng, nhọc nhằn như nỗi niềm của người dân cao nguyên đá mỗi mùa đá khát. Mầm
sống trong Nhung ngày nào giờ đã lên mười. Gương mặt nó vuông vức, đôi mắt đen
láy và những lọn tóc quăn bồng bềnh như khói mơ hồ mỗi chiều gió thổi. Nhung
cũng không còn mấy khi nhớ tới cái chiều thông thốc gió rừng bên bờ suối năm A
Vàng đi viện. Bao lứa học sinh bản Coóc đã vượt qua con dốc dựng đứng để
ra ngoài. Chỉ có cô giáo Nhung không bao giờ vượt qua con dốc ấy.
*
Biển vẫn ngàn ngạt mưa. Nước vẫn từ trên cao đổ xuống, từ dưới
nước thốc lên. Mẩu than chì bất ngờ rơi từ bàn tay ấy xuống hành lang đang hun
hút gió. Gương mặt vuông thẫn thờ khi chạm mặt đứa nhỏ từ trong căn phòng bên cạnh
chạy ra. Con dốc dựng đứng trên đường vào bản Coóc năm nào bỗng sừng sững hiện
về. Ngoài kia, tiếng loa dõng dạc vinh danh những giáo viên hết lòng cắm bản,
đem cái chữ đến cho đồng bào đang nhắc đến một cái tên.
Biển vẫn cuồn cuộn nước và cả cái hành lang ba chiều vẫn hun hút gió!.
28/2/2021
Trương Thị Thương Huyền
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét