Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2025
Ký sự đi Tây
Đi là về
Mỹ có rất nhiều người, chẳng qua là coi mát mắt, vậy thôi,
nhưng đầm, lại có phần lôi kéo. Nói vậy, có khi tôi thiên vị nữa, chẳng khác gì
trường hợp vợ tôi vậy. Có lẽ tại lúc bé, tôi bị bố mẹ bắt đi học trường Tây nên
họ nhồi sọ, nếu bắt tôi học trường Anh Văn Nguyễn Ngọc Linh thì giờ biết đâu
tôi nghĩ khác. Như vợ tôi tôi thấy đẹp, ai mà chê xấu thì người đó vô duyên. Đầm,
đã hỏi thì tôi nói, thì có đẹp, không rõ là nhờ cái gì, nhờ sinh ra ở đây, nhờ
đường lót bằng đá không trải nhựa, nhờ phố nhỏ từng căn nhà ôm nhau, nhờ mọi thứ,
nhờ bánh mì baguette, nhờ mỗi ngày đọc Libé, nhờ mỗi tháng đọc Actuel, tôi
không hiểu. Nhờ lối sống. Họ cũng mặc quần jean, không phải quần jean designer
Vidal Sassoon, Oscar de la Ranta, Gloria Van der Bilt. Quần jean cày ruộng ở
bên Mỹ, Levi’s 501. Bận quần jean nhưng mà không biết đi skateboard và năm nay
thì váy ngắn màu đen màu sẫm, hai mươi phân trên đầu gối, vớ không nhiều hoa
hoét nhưng có một đường chỉ couture chạy dọc ở đằng sau bắp chân. Nhập gia rồi
dần dần cũng tuỳ tục, nói ra thế này thì mất lòng nhưng tôi là người cầm bút
can đảm và tôn trọng sự thực, đặt sự thực lên trên cả chính quyền lợi cá nhân
ích kỷ của bản thân.
Một năm nào đó, tôi ở Paris, gần công trường Bastille, có cô
bạn từ ngoại quốc sang chơi lần đầu. Cô này người nước ngoài nhưng cũng văn hoá
Pháp, học trường đầm từ bé tuy đây là lần thứ nhất trong đời cô đặt chân đến
Pháp. Tôi ra đón, đưa cô về, lúc ra khỏi trạm tôi ân cần giới thiệu: “Đây, công
trường Bastille”. Cô đứng nhìn một lúc ngơ ngẩn rồi hỏi “Đâu?” làm tôi cũng thắc
mắc. Cái công trường rộng lớn như thế này mà cô không thấy hay sao. “Không, tao
không thấy thành Bastille ở chỗ nào”. Cô ta bảo. Cái thành ấy hả, vớ được câu
này tôi thích quá, ở đời ít khi được người ta hỏi những câu vớ vẩn cỡ như vậy để
mà trả lời “Người ta đốt mẹ nó rồi bộ mày chưa biết sao?” Làm con gái phải bối
rối thì cũng không có gì oai cả, tính tôi lại chẳng tàn nhẫn với ai nhưng đến
công trường Bastille mà hỏi cái thành nó ở chỗ nào thì cũng bằng thăm viện
Versailles mà hỏi nhà vua giờ còn ở đây không. Tôi kể chuyện này vì có khác những
chuyện tình của tôi, nó ăn nhập đến vấn đề là một, hai là cô này không phải là
người Việt Nam, sau cái chuyện un une baguette tôi phải có chuyện gì gỡ gạc chứ
không tôi mang tiếng vọng ngoại, “hậu ư thiên hạ, bạc ư gia”. Đấy, đâu phải chỉ
có mình người Việt Nam nhà quê, hay phải là đàn ông xấu xí mới có điều để diễu
cợt. Tôi chẳng diễu ai, tôi Việt Nam, tôi đàn ông, tôi bảo tôi: cao ráo, dễ coi
thì có người cười hăng hắc, có lẽ nào tôi lại tự diễu tôi. Ngày 14 tháng 7 năm
1789 quần chúng Faubouurgs đường St Antoine hạ thành Bastille là nhà ngục biểu
tượng của bất công, nơi vua ghét ai thì giam không cần cớ, tội (embastiller), bắt
đốc thành de Launay, cướp kho súng mang ra làm loạn. Giờ, nếu xuống tàu điện ở
trạm Bastille hướng Place d’Italie ở trên bến còn lại di tích một khúc móng của
cái nhà tù cổ, giữa công trường chỉ có đài kỷ niệm cuộc nổi loạn năm 1830 đưa
“quốc vương trưởng giả” Louis-Philippe lên chấp chính (Ông này trưởng giả nên
không thích có con số lằng nhằng ở đằng sau tên) gọi là Colonne de Juillet. Cuộc
dân biến này xảy ra vào tháng Bảy nên nền quân chủ Louis-Philippe khề khà người
ta cũng gọi là Quân chủ Tháng Bảy. Từ lâu rồi, nghĩa là từ 1804 lúc “hạ sĩ con”
Nã Phá Luân thành lập Đệ Nhất Đế Quốc, nước Pháp thôi không dùng lịch Cách mạng
nữa. Năm I, năm II, lịch Cách mạng chỉ đếm được đến năm XII làm tôi hơi tiếc.
Cách mạng Pháp huỷ lịch cũ, từ 1792 gọi là năm I, đổi tên các tháng đi nghe rất
thơ mộng và ngộ nghĩnh. Tháng Hai trời mưa gọi là Pluviose, tháng Ba trời gió
Ventose, tháng Tư nẩy mầm Germinal. Nhà thơ Fabre d’Eglantine nhiều sáng kiến
nhưng lịch Cách mạng không thực tế, giờ chẳng ai còn nhớ đến được, trừ vài ngày
quan trọng như ngày 18 Brumaire Bonaparte đảo chánh hay lâu lâu có người nổi hứng
lấy ra làm tựa sách (“Germinal”, Zola), tựa phim (“Messidor”, Alain Tanner).
Nhưng hình ảnh của đạo quân rách rưới đáp lời gọi tổng động viên, chân không ra
ngoài biên giới đương đầu với cả Âu Châu quân chủ liên kết lại, những người
lính của Năm II, dù không có khắc trên hông Khải Hoàn Môn ở bãi Etoile (“Cuộc
khởi hành của Những Người Tình Nguyện” bởi điêu khắc gia Francois Rude) ngày nay
vẫn còn trong tim óc của mọi người. Nếu chán xem phim bộ Hồng Kông mãi, để thay
đổi bầu không khí thì ngay tại Nam Cali bạn cũng có thể ra Tower video hay
Wherehouse thuê cuốn “Máu nhuộm bãi Bastille” (hay bãi Cách mạng, trước đó là
bãi Louis XV, ngày nay là bãi Concorde) tức cuốn “Danton” của Andrej Wajda với
Lương Triều Vĩ - Gérard Depardieu thủ vai chính, xem cũng ly kỳ lắm éo le tình
tiết, chỉ tiếc cái nguyên âm tiếng Pháp phụ đề Anh ngữ, không có ai chuyển âm
ngọng nghịu sang tiếng Việt để mà lơ lớ nghe thân mật. Tôi thì tôi nhìn cô đào
Đức Angela Winkler (không có họ hàng gì với “The Fonz” của “Happy Days”) trong
vai vợ nhân vật Camille Desmoulins không tôi cũng đủ thích, cô này mặt dại (đàn
bà mặt dại làm tôi an tâm hơn, tôi thấy tôi khôn ra), có nốt ruồi duyên làm tôi
ái mộ từ thủa phim “The Lost Honor of Katerina Blum” phỏng theo truyện của văn
hào Heinrich Boll.
Những chuyện này, thì ăn nhập gì đến tôi và đến đây. Mười mấy năm qua, tôi đi đi về về, gật gà ngủ trên những chuyến bay có lẽ, nhiều hơn trước, từ lúc cột giây an lưng là nhắm mắt cho đến khi đèn bật được cởi giây ra. Paris, thì vẫn vậy, lù mù sương quanh năm, bắt nắng hồng lên má vào tháng 5 và chỉ được yên ả những con đường vào tháng 8. Lộ St. Denis vẫn là lộ cổ nhất Thành phố nhưng những cố nhân của tôi, trước đã “cũ” giờ lại được lên cấp là “kỹ “ một nấc nữa, cất vào tối tăm tận cùng của một hộc tủ.
Đỗ Khiêm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Cảm quan sinh thái văn hóa Tây Nguyên trong thơ Bùi Minh Vũ
Cảm quan sinh thái văn hóa Tây Nguyên trong thơ Bùi Minh Vũ 1. Sinh ra và lớn lên tại một “làng chài” ở vùng quê Quảng Ngãi thuộc duyên hả...
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh7eXgmm4tZmdEvsIZ5Qqr2wFzPghUyFhQ5s7Me5RPa4_SIDDBU8r310EUepdScjr4zh1pG6cJ8TvzOgLAGlTbqXZ9iL8BTqGL88aLxc7gxIRfNX2VRYhdLPXXHjXEysBLsf-Sce0fKYdwWKUNEHPB4ni_R-XJJ61FEXsGzx4fkisHiJekOIXfTyV4wEIEf/w200-h128/000000000000000.jpg)
-
Hoa muộn - Nơi mùa xuân đi qua Vũ trụ này không có bắt đầu và không có kết thúc. Hay nói đúng hơn, con người không biết nó bắt đầu từ đâu ...
-
Lời kỹ nữ - Xuân Diệu A.TÁC GIẢ: I. Cuộc đời: Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng T...
-
Nguyễn Phan Hách và bài thơ "Làng quan họ" Chúng ta thường nghe ca khúc “Làng quan họ quê tôi”, với hình ảnh, ca từ giàu...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét