Tôi vừa mới xem một lễ
cưới. Nhưng thôi, tốt hơn hết tôi hãy kể cho anh nghe về một bữa tiệc Giáng
sinh. Lễ cưới thật huy hoàng tráng lệ, thật vô vùng ấn tượng đối với tôi,
nhưng sự kiện kia còn tuyệt vời hơn. Tôi, tại sao khi xem lễ cưới này tôi lại
nhớ đến bữa tiệc Giáng sinh kia? Chuyện xảy ra như thế này: Trong một đêm
Giáng sinh cách đây năm năm, tôi là khách mời tại một buổi tiệc trẻ em. Người
mời tôi là một gương mặt quen thuộc trong giới doanh nhân, một người có nhiều
mối quan hệ, nhiều kiểu bạn bè, và nhiều mưu mô, do đó có thể hiểu rằng bữa
tiệc trẻ em chỉ là cái cớ để các cha mẹ gặp nhau bàn bạc những chuyện mà họ
quan tâm, một cách vô tội, ngẫu nhiên và tình cờ. Ở đó tôi là người lạ, tôi
không có vấn đề gì để bàn bạc, nên suốt buổi tối tôi đứng ngồi một mình.
Ngoài tôi ta còn có một ông nữa, cũng giống như tôi không có chuyện gì để nói
chỉ tình cờ mà rơi vào giữa cuộc vui gia đình này. Ông ta thu hút sự chú ý của
tôi hơn những người khác. Đó là một người cao gầy rất nghiêm trang và ăn mặc
lịch sự, nhưng rõ ràng tâm trí ông ta chẳng để ở cuộc vui của lễ hội gia đình
này. Khi bước ra một góc riêng, nụ cười trên môi ông ta vụt tắt và trán ông
ta nhăn lại. Ông ta không quen biết ai ngoài chủ nhân. Rõ ràng ông ta đang
chán ngấy, nhưng vẫn làm ra bộ hoàn toàn vui vẻ và thoải mái đến cùng. Sau đó
tôi biết người này đến từ một tỉnh lẻ, và ông ta có một số công việc kinh
doanh bí mật và quan trọng ở thủ đô, rằng ông ta mang đến cho chủ nhân một lá
thư giới thiệu, và chủ nhân chẳng giúp gì được cho ông ta, mà việc mời ông ta
dự bữa tiệc trẻ em chỉ đơn thuần là một cử chỉ xã giao. Có lẽ nhận ra con
chim từ bộ lông của nó, người ta không mời ông ta chơi bài, không ai mời ông
ta hút xì gà, không ai bắt chuyện với ông ta, và do đó ông bạn này suốt buổi
tối không biết dùng hai bàn tay làm gì ngoài việc vuốt ve bộ râu quai nón của
mình. Râu quai nón của ông ta quả là đẹp thực, nhưng ông ta vuốt ve nó siêng
năng đến mức, nhìn ông ta người ta dám tưởng rằng bộ râu quai nón hẳn phải
sinh ra trước, rồi sau mới sinh ra ông ta cốt để chăm sóc nó.Còn có một vị khách
khác khiến tôi chú ý, nhưng ông ta thuộc loại hoàn toàn khác. Ông ta là một
người quan trọng. Người ta gọi ông là Julian Mastakovich. Thoạt nhìn người ta
biết ngay ông là một vị khách danh dự, cao quý hơn hẳn chủ nhân cũng như chủ
nhân cao quý hơn hẳn vị khách có râu quai nón kia. Ông chủ bà chủ không ngớt
tuôn ra những lời lẽ dịu dàng êm ái nhất, chăm sóc đến ông nhiều nhất, mời mọc
rượu và lượn quanh ông, dẫn các khách đến giới thiệu với ông nhưng không hề dẫn
ông tới trước ai khác. Tôi nhận thấy ánh lệ lấp lánh trong mắt chủ nhân khi
Julian Mastakovich bình luận rằng ông hiếm khi có được một buổi tối vui vẻ dễ
chịu như thế này. Không hiểu sao tôi cảm thấy khó chịu khi có mặt vị khách
cao sang này. Bởi vậy sau khi vui cùng mấy cháu nhỏ con ông bà chủ, tất cả có
năm đứa, toàn là những đứa trẻ hồng hào béo tốt, tôi lỉnh vào một phòng khách
nhỏ bỏ không, và ngồi vào một góc là một giàn hoa chiếm gần nửa gian phòng. Bọn trẻ rất đáng yêu.
Chúng dứt khoát từ chối không gia nhập với người lớn, dù cho bà mẹ và cô gia
sư hết sức năn nỉ chúng. Trong thoáng chốc chúng đã vặt trụi cây thông Noel đến
chiếc kẹo cuối cùng và đã thành công trong việc đập vỡ một nửa số đồ
chơi trước khi nhìn xem cái nào là của đứa nào. Trong số bọn trẻ có một
thằng bé rất đẹp trai, mắt đen, tóc quăn cứ nhăm nhăm giơ khẩu súng gỗ nhằm
vào tôi. Nhưng đứa trẻ hấp dẫn nhất là chị nó, vào khoảng mười một tuổi,
trông dễ thương như một tượng thần Ái tình. Nó lặng lẽ và có vẻ thâm trầm sâu
sắc với đôi mắt to mơ mộng. Bọn trẻ chơi đùa sao đó làm nó bực mình, và nó bỏ
chúng bước vào gian phòng mà tôi vừa rút vào ngồi. Rồi nó ôm một con búp bê đến
ngồi vào một góc. “Bố nó giàu nứt đố đổ
vách” các vị khách thông báo với nhau giọng kính sợ. “Đã dành riêng cho nó ba
trăm nghìn rúp làm của hồi môn” Khi tôi quay lại nhìn
nhóm người vừa phát ra cái tin đó, mắt tôi gặp mắt Julian Mastacovich. Ông ta
đứng nghe cuộc chuyện vãn nhạt nhẽo với vẻ tập trung chú ý, tay chắp sau lưng
và đầu nghiêng một bên. Toàn bộ thời gian vừa
rồi tôi vô cùng ngưỡng mộ sự khôn ngoan của chủ nhân biểu hiện trong việc
chia quà cho bọn trẻ. Cô tiểu thư bé nhỏ có món hồi môn hàng chục vạn rúp được
nhận con búp bê xinh đẹp nhất, còn phần lớn những quà khác chia thành cấp giá
trị, giảm dần theo thân phận nhỏ bé của cha mẹ bọn trẻ. Đứa trẻ cuối cùng, một
thằng bé mười tuổi, gầy guộc, tóc đỏ quạch, mặt tàn nhang, bước đến nhận một
quyển sách truyện nhỏ về sự kỳ vĩ của thiên nhiên, không có tranh minh họa
hay trang trí gì cả. Nó là con cô gia sư. Cô là một bà góa nghèo, và thằng
con mặc chiếc áo khoác bằng vải chúc bâu Nam kinh thảm hại, trông nó cực kỳ
co ro và nhút nhát. Nó cầm lấy quyển sách rồi mon men lại gần,
quanh quẩn bên bọn trẻ khác với những món đồ chơi của chúng; nó muốn đến chết
được chơi chung với chúng, nhưng nó không dám; rõ ràng nó đã cảm nhận được
thân phận của nó. Tôi thích quan sát trẻ
con. Thật thích thú khi được nhìn chúng đấu tranh để tự khẳng định những tính
cách riêng độc lập của chúng. Tôi nhận thấy thằng bé tóc đỏ rất mê những con
búp bê đắt tiền của những đứa trẻ khác, và đặc biệt là một cái rạp hát đồ
chơi nó muốn tham gia chơi quá, đến độ nó tìm cách nịnh bọn trẻ. Nó đưa quả
táo duy nhất của nó cho một thằng bé phục phịch, túi của thằng đó đã chật
ních những kẹo; nó còn cho một thằng khác cưỡi lên lưng, chỉ cốt để được ở lại
chơi với cái nhà hát. Nhưng vài phút sau một
thằng bé hung hãn xông vào đấm nó túi bụi. Nó không dám khóc. Cô gia sư đến bảo
nó thôi đừng xen vào trò chơi của bọn trẻ kia, và nó rón rén đi vào gian
phòng mà tôi và cô bé kia đang ngồi. Cô bé để cho nó ngồi bên, và hai đứa bắt
đầu bận rộn mặc áo quần cho con búp bê đắt tiền. Tôi đã ngồi trong giàn
leo trường xuân đến nửa giờ và đã lơ mơ ngủ, nhưng vẫn nghe được câu chuyện
nhẹ nhàng của thằng bé tóc đỏ với cô bé xinh đẹp có món hồi môn kếch xù kia,
thì bỗng Julian Mastakovich bước vào. Ông ta lợi dụng lúc bọn trẻ
đang cãi nhau om xòm, lẻn ra khỏi phòng khách. Từ cái góc khuất chỗ tôi ngồi,
tôi thấy rõ trước đó mấy phút ông ta hăm hở chuyện trò với cha của cô gái
giàu có, là người mà ông ta chỉ vừa mới được giới thiệu. Ông ta đứng lặng một
lúc suy nghĩ và lẩm bẩm một mình, như thể đang tính toán gì đó trên những
ngón tay. “Ba trăm…ba trăm ..”
Ông ta lẩm nhẩm “mười một.. mười hai.. mười ba.. mười sáu..mất năm năm. Cứ gọi
cho bốn phầm trăm – mười hai, năm lần mười hai sáu mươi, và trên
sáu mươi ấy..Cứ cho là trong năm năm nó sẽ lên đến, ờ, bốn trăm. Hừm ! Nhưng
con cáo già này chắc không chịu bốn phần trăm đâu. Hắn ta kiếm được tám, có
khi mười không biết chừng. Gọi cho năm trăm, năm trăm nghìn, ít nhất, chắc chắn
thế. Còn bao nhiêu đồ đạc mang theo nữa. Hừm” Ông ta thôi suy tính,
hỉ mũi, và khi định rời phòng thì bỗng thóang nhìn thấy cô bé,
bèn đứng lại. Ông ta không phát hiện ra tôi đằng sau các chậu hoa.
Tôi thấy ông ta như run lên vì kích động. Có lẽ đó là do tác động của những
phép tính của ông ta, hoặc có thể do cái gì khác nữa, nhưng dù bất cứ lý do
gì thì tôi cũng thấy ông xoa tay hồi hộp và đi đi lại lại liên hồi không phút
nào yên. Vẻ bối rối lo âu tăng lên đến cực điểm khi ông ta đứng lại và lia
cái nhìn đến cô dâu tương lai giàu xụ lần nữa. Ông ta bước tới gần cô bé, tuy
nhiên, cẩn thận quan sát xung quanh trước. Rồi, ông ta nhón gót như một kẻ cảm
thấy mình có tội, lẻn bước tới bên cô bé, miệng mỉm cười ngớ ngẩn, cúi xuống
hôn lên đầu cô. Bị bất ngờ cô bé hét lên hốt hoảng. “Thế em làm gì ở đây
nào, bé yêu?” ông ta hỏi thì thầm, nhìn quanh, và đưa tay bẹo má cô bé. “Chúng tôi đang
chơi” “Hừ, chơi với thằng
này ấy à?” Julian Mastakovich liếc xéo thằng bé. “Thằng này, sao mày không
vào trong kia mà chơi?” Thằng bé không nói gì
chỉ nhìn ông ta chằm chằm. Julian Mastakovich lại lườm nó lần nữa và cúi xuống
cô bé. “Thế em có cái gì đấy,
một con búp bê à, bé yêu?” “Một con búp bê” con
bé trả lời, giọng hơi run, lông mày nó nhíu lại. “Một con búp bê à? Thế
em có biết những con búp bê làm bằng gì không?” “Không..” Con bé trả lời,
đầu nó rũ hẳn xuống. “Ồ, nó làm bằng giẻ
rách đấy, cưng ạ. Mày, tốt hơn hết nên đi vào trong nhà đi, thằng bé này, đi
vào chơi với mấy thằng bạn của mày” Julian Mastakovich nghiêm khắc nhìn thằng
bé. Con bé và thằng bé nhăn mặt ngượng ngùng và ôm chặt lấy nhau. Chúng không
muốn rời nhau. “Thế em có biết tại
sao người ta cho em con búp bê đó không?” “Không” “Bởi vì em rất ngoan,
em là bé ngoan nhất của tuần này” Nói thế, Julian Mastakovich bị xâm chiếm bởi
một cơn bối rối. Ông ta nhìn quanh và nói bằng một giọng chỉ vừa đủ nghe, gần
như lạc đi vì kích động và nóng ruột. “Và em sẽ tỏ ra thật dễ
thương với tôi, khi tôi đến thăm bố mẹ em chứ?” Ông ta cố để hôn cô bé
xinh đẹp nhưng thằng bé tóc đỏ thấy con bé sắp khóc, bèn nắm lấy tay nó và
khóc nức nở đồng cảm. Julian Mastakovich tức điên lên. “Cút ngay! Cút ngay!”
ông ta quát thằng bé. “Cút ra ngoài phòng kia, ra chơi với mấy thằng kia!” “Không, đừng, tôi
không cho nó đi đâu! Ông đi đi!” con bé gào. “Để yên nó đấy, để yên nó đấy”
nó nói như khóc. Có tiếng chân người bước
ngoài cửa. Julian Mastakovich lập tức đứng thẳng cái lưng oai vệ của ông ta
lên, sợ hãi. Nhưng thằng bé tóc đỏ còn sợ hãi hơn ông ta, nó vội vàng rời bỏ
con bé, men theo sát tường và đi sang phòng ăn. Để dập tắt mọi
nghi ngờ, Julian Mastakovich cũng đi sang phòng ăn. Mặt ông ta đỏ như gấc, và
nhìn vào gương, ông ta càng thấy bối rối hơn với hình ảnh của mình. Có lẽ ông
ta tức giận vì đã để lộ ra sự kích động và nóng nảy không bình thường của
mình. Có lẽ là những phép tính trên đầu ngón tay đã kích động, đã cuốn hút,
gây hứng cho ông ta mạnh đến nỗi, mặc dù vốn điềm tĩnh và trịnh trọng, ông ta
vẫn liều lĩnh hành xử như một gã trai trẻ, và xông vào nện đối thủ của mình,
chẳng cần nghĩ rằng đối thủ này chỉ trở thành đối thủ thật sự sau ít nhất là
năm năm nữa. Tôi đi theo quý ông kiệt xuất này vào phòng ăn và chứng kiến một
cảnh lạ lùng. Julian Mastakovich, đỏ mặt tía tai vì giận dữ và tức tối, đang
hăm he thằng bé tóc đỏ, thằng này cứ lùi dần lùi dần, sợ hãi không biết trốn
đi đâu. “Cút ngay! Mày làm cái
gì ở đây, thằng oắt con, cút ngay! Định ăn cắp trái cây hở? Mày đang ăn trộm
trái cây ở đây, phải không? Cút đi, thằng ranh con, cút, mày.. khóc lóc cái
gì, cút, cút, ra với đám bạn của mày” Thằng bé sợ tím tái,
không còn biết làm sao đành chui xuống gầm bàn trốn. Kẻ hành hạ nó càng điên
tiết, rút từ trong túi ra một chiếc khăn tay to bằng lanh và cứ thế quất thằng
bé dưới gầm bàn. Cần lưu ý rằng Julian Mastakovich khá to béo. Ông ta là một
người lùn, nặng nề ì ạch, đôi má húp híp, bụng phệ, hai bắp đùi mập mạp, tóm
lại là một người “thô mạnh”, tròn quay như cái trống. Ông ta toát hết mồ hôi,
hổn hển, toàn thân đỏ bừng. Ông ta cáu giận và căm ghét (hay ghen, ai biết?)
gần như điên cuồng. Tôi phá ra cười. Julian Mastakovich quay lại nhìn quanh cực
kỳ bối rối, trong phút chốc bỏ quên mất bộ dạng oai vệ ngạo mạn thường có.
Đúng lúc đó chủ nhân bước vào từ cửa đối diện. Thằng bé từ dưới gầm bàn chui
ra phủi bụi ở khuỷu tay và đầu gối. Julian Mastakovich vội vã đưa chiếc khăn
tay lên mũi. Chủ nhà nhìn ba người
chúng tôi, hơi ngạc nhiên, nhưng vốn là một người trải đời và luôn nhìn cuộc
sống một cách nghiêm túc, ngay lập tức ông ta tận dụng cơ hội bắt gặp vị
khách quý của mình đang đứng một mình. “Đây là thằng bé mà
tôi đã hân hạnh xin với ngài để…” ông ta chỉ thằng bé tóc đỏ và nói. “Hử?” Julian
Mastakovich trả lời, ông ta lúc này vẫn chưa hoàn hồn. “Thằng con cô gia sư của
mấy cháu nhà tôi” Chủ nhà tiếp tục với giọng thỉnh cầu “tội nghiệp cô ta góa
bụa, chồng cô ấy là một người thư ký tử tế, và…Julian Mastakovich, nếu có thể
được..” “Ồ, không, không!”
Julian Mastakovich vội vã bật ra. “Không, xin lỗi ông, Filip Alexeyevich,
hoàn toàn không thể được. Tôi đã hỏi rồi, không còn chỗ trống, đã có mười người
đang chờ, và họ xứng đáng hơn nó nhiều. Xin lỗi, xin lỗi” “Tội nghiệp” ông chủ
nhà nói “Thằng bé này nó hiền và ngoan lắm” “Một thằng nhãi con hỗn
láo, tôi có thể nói như thế” Julian Mastakovich nhăn mặt nói. “Đi đi, thằng
này. Sao mày còn đứng đây? Cút ra ngoài kia chơi với lũ trẻ con đi” Ông ta
quay sang thằng bé nói. Đến lúc này ông ta vẫn
chưa tự kiềm chế được, tôi thấy rõ như thế, và ông ta nhìn tôi bằng nửa con mắt.
Tôi cũng không tự kiềm chế được, và phá ra cười thẳng vào mặt ông ta. Julian
Mastakovich quay phắt đi, và khẽ hỏi chủ nhà anh chàng khó chịu này là ai thế.
Hai người thì thầm với nhau và ra khỏi phòng. Tôi thấy Julian Mastakovich lắc
đầu vẻ không tin những gì chủ nhân nói với ông ta. Sau khi cười chán chê,
tôi cũng đi vào phòng khách. Ở đó quý ông kia được vây quanh bởi những ông bố
bà mẹ và ông bà chủ nhà, bắt đầu say sưa nói với một quý phu nhân mà ông ta vừa
được giới thiệu. Bà phu nhân cầm tay cô tiểu thư mà mới mươi phút trước
Julian Mastakovich đã có một màn kịch nhỏ. Lúc này ông ta không tiếc lời ca
ngợi vẻ đẹp, tài năng, vẻ yêu kiều duyên dáng và cung cách tuyệt vời của cô
bé. Rõ ràng ông ta đang tranh thủ lấy lòng bà mẹ. Bà mẹ nghe ông ta nói gần
như rơi lệ vì sung sướng, trong khi ông chồng bà ta biểu lộ niềm vui sướng bằng
nụ cười xun xoe. Niềm vui vốn dễ lây. Mọi
người lớn đều thấy vui. Thậm chí bọn trẻ con cũng bị buộc ngừng chơi để khỏi
quấy rầy cuộc trò chuyện. Không khí tràn ngập một niềm sùng kính. Lúc đó tôi
nghe thấy người mẹ của cô bé xinh đẹp, giọng xúc động sâu xa, hỏi Julian
Mastakovich bằng thứ ngôn ngữ xã giao được chọn lọc tinh tế, rằng ngài có rộng
lòng ban cho họ niềm vinh hạnh lớn lao là đến viếng thăm tệ xá của họ không,
tôi nghe thấy trong câu trả lời của Julian Mastakovich niềm hoan lạc
chân thành biết bao khi chấp nhận lời mời, và các vị khách tế nhị tản ra
thành từng tốp rải rác khắp gian phòng, rỉ tai nhau những lời ca tụng nhà thầu
thuế và phu nhân với tiểu thư của họ, và hầu như tất cả mọi người đều ca ngợi
Julian Mastakovich. “Ông ấy có vợ chưa?”
Tôi hỏi to một trong những người quen của tôi đang đứng gần Julian
Mastakovich. Julian Mastakovich chiếu một tia nhìn hằn học vào tôi. “Chưa.” Người quen của
tôi trả lời, ông ta hết sức buồn lòng vì câu hỏi khinh suất mà tôi cố ý nói
ra. Cách đây ít lâu đi
ngang qua một nhà thờ tôi thấy một đám đông và choáng ngợp trước vẻ lộng lẫy
huy hoàng của nó. Mọi người đang bàn tán về lễ cưới mà họ đến dự. Hôm ấy trời
tối tăm ảm đạm, có sương giá. Tôi len qua đám đông vào nhà thờ và trông thấy
chú rể. Đó là một người đàn ông lùn và mập, bụng phệ. Huân chương huy chương
trưng ra đầy ngực. Ông ta chạy lon ton hết chỗ này chỗ khác, hối hả giục giã
và ra lệnh. Cuối cùng cô dâu đến. Tôi chen vào và trông thấy người thiếu nữ cực
kỳ diễm lệ, chỉ mới chớm mùa xuân đầu tiên của tuổi hoa niên. Nhưng người đẹp
ấy xanh xao và buồn. Nàng bồn chồn và bị lo lắng ám ảnh, tôi thấy hình như mắt
nàng đỏ mọng vì mới khóc. Từng cử chỉ của nàng đều hoàn hảo tuyệt vời, nó tạo
cho sắc đẹp của nàng một vẻ trang trọng và uy nghi. Nhưng người ta vẫn thoáng
thấy trong vẻ trang trọng uy nghi và buồn bã ấy một cái gì trẻ con, trong trắng;
trông dáng vẻ ấy ta thấy nàng còn quá trẻ quá ngây thơ; và nỗi lo âu bối rối
tự bản thân nó như một lời cầu khẩn xót thương không được nói ra. Người ta bảo nàng mới
bước qua tuổi mười sáu. Tôi chăm chú nhìn chú rể và bỗng nhận ra đây chính là
Julian Mastakovich, người mà năm năm qua tôi chưa hề gặp lại. Tôi nhìn lại
nàng…Trời ơi! Tôi dùng khuỷu tay mở đường lao ra khỏi nhà thờ. Trong đám đông
người ta bàn tán rằng cô dâu giàu kếch xù, rằng cô dâu đã mang về một món hồi
môn năm trăm nghìn rúp và một đống của cải trị giá ngần này và ngần này… “Những phép tính của hắn
quả thật đáng giá”. Tôi nghĩ và bước nhanh ra đường phố.17/10/2009 Fiodor
M. Dostoyevsky
Hiếu Tân dịch
Nguồn: Trích ghi chép của một người không quen biết
|
Theo https://www.vanchuongviet.org/ |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét