Thứ Hai, 10 tháng 2, 2025
Ngoại giao Việt Nam sau 20 năm đổi mới
Ngoại giao Việt Nam
Sau 20 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm cho đất nước khởi sắc về mọi mặt, trong đó có sự đóng góp của mặt trận ngoại giao. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về các văn kiện Đại hội X do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trình bày nêu rõ: "Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp"(1). Để thấy rõ hơn ý nghĩa lịch sử của những thành tựu hiện nay về mặt đối ngoại, cần nhớ lại tình hình khó khăn của ta về ngoại giao trước khi tiến hành đổi mới. Sau khi giải phóng miền Nam và thống nhất Tổ quốc, tuy còn gặp nhiều khó khăn do 30 năm chiến tranh gây ra, nhưng Việt Nam đã tạo lập được vị thế và uy tín rất cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, do những sai lầm chủ quan, duy ý chí, nóng vội, chúng ta đã lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và bị cô lập về ngoại giao. Nhân tình hình đó, các thế lực chống đối đã lợi dụng những khó khăn của Việt Nam để câu kết với nhau, chống phá ta. Ta còn rất ít bạn bè. Một số nước trước đây ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ đã xa lánh ta. Quan hệ giữa nước ta với các nước ASEAN và các nước lớn (trừ Liên Xô và Ấn Độ) gặp nhiều vướng mắc và không giải tỏa được khiến cho nền an ninh nước ta bấp bênh khi phải đối phó với sự căng thẳng ở cả hai đầu biên giới. Trong lúc đó, những khó khăn về kinh tế lại càng chồng chất vì phải chi tiêu rất lớn cho quân sự, quốc phòng. Để thoát ra khỏi tình hình khó khăn, tháng 7-1986, Bộ Chính trị đã họp và ra Nghị quyết 32 xác định rõ chủ trương và điều chỉnh chính sách ngoại giao và tiến tới giải pháp về Cam-pu-chia. Nghị quyết nêu rõ: - Nhiệm vụ đối ngoại của Việt Nam là kết hợp tốt sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi nhất để xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, chủ động tạo thế ổn định để tập trung xây dựng kinh tế. - Cần chủ động chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, cùng tồn tại hòa bình với Trung Quốc, ASEAN, Mỹ, xây dựng Đông - Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác. - Cần có một giải pháp về Cam-pu-chia giữ vững được thành quả cách mạng, bảo đảm cho cách mạng Cam-pu-chia tiến lên, tăng cường khối Liên minh ba nước, tạo ra một hoàn cảnh hòa bình ở Đông - Nam Á để ba nước nhanh chóng phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, xây dựng, bảo vệ đất nước. Có thể nói, đây là một chủ trương đúng đắn nhưng chưa đủ sức để xoay chuyển tình thế. Bởi vì nó được triển khai chậm; yêu cầu của ta đặt ra cho một giải pháp chính trị về Cam-pu-chia quá cao, các bên liên quan khó có thể chấp nhận. Mặt khác, có thể coi đây là một bước trong quá trình đổi mới tư duy đối ngoại nhưng nó diễn ra trong bối cảnh chưa có một chuyển biến hay đổi mới tư duy trong toàn Đảng, toàn dân nên chủ trương này chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Chỉ sau Đại hội Đảng VI (tháng 12-1986) khi Đảng ta đề ra chủ trương đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 13 ngày 20-5-1988 về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới thì ngoại giao mới có bước chuyển biến quan trọng. Với chủ đề "giữ vững hòa bình phát triển kinh tế", Nghị quyết 13 nhấn mạnh nhiệm vụ ngoại giao là phục vụ ổn định chính trị, ưu tiên phát triển kinh tế là hàng đầu, đồng thời bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết còn đưa ra các chủ trương cụ thể để thực hiện việc chuyển hướng về đối ngoại như: góp phần giải quyết vấn đề Cam-pu-chia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, cải thiện quan hệ với các nước ASEAN, mở rộng quan hệ với các nước Tây, Bắc Âu và Nhật Bản, từng bước bình thường hóa quan hệ với Mỹ v.v.. Do đó, có thể xem Nghị quyết 13 (1988) của Bộ Chính trị là cơ sở để phát triển và nâng cao đường lối đối ngoại của ta thành đường lối độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ như ngày nay. Triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị, chúng ta đã ký Hiệp định Pa-ri về một giải pháp cho vấn đề Cam-pu-chia (1991), bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991) và từng bước cải thiện quan hệ với từng nước ASEAN và bản thân tổ chức này. Trên cơ sở những thành tựu mới, Đại hội VII của Đảng (1991) đã tiến thêm một bước là "Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển". Sau Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ (1994), trong lĩnh vực ngoại giao đã có nhiều phát triển mới, nổi lên là ba sự kiện trong năm 1995: bình thường hóa quan hệ với Mỹ (11-7-1995); ký Hiệp định khung hợp tác với Liên minh châu Âu (17-7-1995) và trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các nước Đông - Nam Á - ASEAN (28-7-1995). Cho đến nay, sau khi tiến hành đổi mới, nước ta đã có quan hệ ngoại giao đầy đủ với 169 nước, trong đó có tất cả các nước láng giềng và các nước lớn, có quan hệ thương mại với trên 180 nước và vùng lãnh thổ, là thành viên chính thức của hầu hết các tổ chức quốc tế lớn. Vai trò của Việt Nam trong Liên hợp quốc và phong trào Không liên kết được đề cao. Chúng ta đã tổ chức tốt nhiều Hội nghị cấp cao lớn như Hội nghị cấp cao Á - Âu và sắp tới sẽ là Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương - APEC 14. Có thể nói, công cuộc đổi mới đã làm cho vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao và đưa nước ta trở thành một người bạn và là một đối tác tin cậy của nhân dân tất cả các nước.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Tản mạn viết
Tản mạn viết Tôi thường rất có cảm hứng viết vào buổi sáng. Cứ sau một ly cà phê, một ấm trà, một đoạn nhạc, có khi là vài trang sách, thì b...
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgyqfAAajUe1XCl4acec3dwIpjIK_MaHybWsVt0YpG45wGYCv4mDGVAYlUd3Onjlk-QqGaq-KQet0rRa6ED-Sz6HXzjhjKepjxBKZR3edTIlm3wsQFvAMbNGsP-dFtec0FLiqGcoHNXPnYHsEhDVNzZW1zoY6HBHn85okeXUTd1uLTFS1YbTjlujg7QvzfO/w136-h200/000000000000000000000.jpg)
-
Hoa muộn - Nơi mùa xuân đi qua Vũ trụ này không có bắt đầu và không có kết thúc. Hay nói đúng hơn, con người không biết nó bắt đầu từ đâu ...
-
Lời kỹ nữ - Xuân Diệu A.TÁC GIẢ: I. Cuộc đời: Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng T...
-
Nguyễn Phan Hách và bài thơ "Làng quan họ" Chúng ta thường nghe ca khúc “Làng quan họ quê tôi”, với hình ảnh, ca từ giàu...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét