Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2025

Đọc "Mây buông dải yếm buộc say nồng nàn" của Trần Thị Thu Hà

Đọc "Mây buông dải yếm buộc
say nồng nàn" của Trần Thị Thu Hà

Thơ là tâm tình, thơ là tự sự. Đúng rồi. Nhưng thơ còn là để thể hiện khát vọng, nghị lực sống, tình yêu với con người và để truyền ngọn lửa của sự sống ấy cho con người. Ngoài đời cô giáo Thu Hà vốn là vậy, là cô giáo dạy giỏi ở Trung tâm chất lượng cao của Huyện, học sinh của cô hầu hết đều gọi cô là “Mẹ Hà”.
Nàng thu dịu ngọt móng rồng
Hương thơm ướp cả cầu vồng sau mưa
Heo may nhún nhảy đong đưa
Nắng vương ngực áo, quả vừa chín cây…
Nàng thu đỏng đảnh lắm thay
Mây buông dải yếm buộc say nồng nàn
Nàng thu quá đỗi dịu dàng
Mà hừng hực cháy rám vàng bưởi yêu…
Thú thật lần đầu đọc bài thơ này, chúng tôi giật mình. Những câu lục bát mới mẻ và già dặn, như của một nhà thơ từng trải, điệu nghệ, làm thơ đã nhiều năm. Nhưng nhìn tên tác giả lại thấy mới quá, dường như mình chưa được đọc bao giờ: Trần Thị Thu Hà, người quê tỉnh Thanh. Mới hỏi bạn bè văn nghệ xứ Thanh, thì được hay đó là một cô giáo dạy cấp THCS ở Vĩnh Lộc, ngoài lên lớp giảng dạy còn viết phê bình lý luận và làm thơ, cũng ít nhiều có tiếng vang trong tỉnh vì từng đoạt những giải thưởng thơ ca trong tỉnh.
Nhưng khi quen biết cô giáo làm thơ rồi, thì điều càng bất ngờ với tôi hơn, là cô giáo – nhà thơ này phải sống trong một điều kiện rất cần nghị lực lớn để vượt qua. Người chồng thương yêu của cô hơn mười năm nay phải nằm viện, mình cô vừa giảng dạy ở nhà trường, vừa lo cho con, vừa chăm chồng ở bệnh viện. Cứ mỗi sáng khi bình minh chưa lên (5h sáng), là ra bến xe bus đi 40km từ Thành phố Thanh Hóa đến Vĩnh Lộc để lên lớp giảng dạy, rồi chiều về lại lên xe bus tiếp tục 40km về nhà, lo cơm nước cho con xong, lại hối hả vào viện chăm chồng. Đã hơn 10 năm nay liên tục như thế. Không chỉ về sức lực, tài chính, mà còn thời gian. Thế mà rồi tình yêu văn học không nguôi ngoai, như càng gian nan vất vả lại càng thử thách tôi luyện tình yêu lớn, trái tim lớn. Đêm đêm cô vẫn say mê soạn giáo án, đọc sách, viết phê bình và… làm thơ. Gia tài thơ ca của Thu Hà đến nay đã có hơn 200 bài, còn gia tài cuộc đời thì một đứa con trưởng thành, một cuộc sống rất tự trọng khiến nhiều người khen ngợi và nể phục!
Về thơ, tôi chưa có dịp đọc hết cả 200 bài sáng tác của chị, nhưng cũng đã đọc và nghiền ngẫm khoảng 100 bài. Có nhiều bài rất đáng khen ngợi, có nhiều bài riêng tư tôi rất thích, nhưng cũng có những bài viết theo phong trào, viết theo số đông, nên chưa có cái riêng của mình để ghi dấu ấn trong lòng độc giả. (Tôi nghĩ đó cũng là điều bình thường, khi các cây bút ở các địa phương với trách nhiệm công dân của mình, cũng phải có những sáng tác hưởng ứng các cuộc vận động hay tham gia các cuộc thi thơ của địa phương. Thơ Trần Thị Thu Hà không ít lần được giải thưởng ở Thanh Hóa, và cũng từng được các báo trong Tỉnh giới thiệu)
Đọc thơ Thu Hà, điều chúng ta cảm thông hơn cả là những mất mát, thiệt thòi, những tâm sự về thân phận con người:
Một mình em cứ chênh vênh
Một mình em cứ nổi nênh một mình
Thuyền em cứ mãi lênh đênh
Bão vùi, sóng dập, gió dềnh thuyền nao!
Một mình em cứ chênh chao
Một mình em cứ cồn cào xót xa
Thu sang rồi lại đông qua
Buốt tim héo hắt trăng tà tàn canh!…
Hay như:
Em ơi trời sắp đổ mưa
Nhớ cài cửa sổ gió lùa ướt chăn…
Nửa giường trống chỗ anh nằm
Em nhớ để gối và nằm cạnh bên…
Em ơi nắng chiếu bên thềm
Nhớ lời anh dặn kéo rèm nghe chưa…
Ngày đông giá lạnh gió mùa
Em nhớ mặc ấm, nhớ ngừa ốm đau…
Những lời nói đó nay đâu
Còn trong kí ức nát nhàu tim em…
Thơ là tâm tình, thơ là tự sự. Đúng rồi. Nhưng thơ còn là để thể hiện khát vọng, nghị lực sống, tình yêu với con người, và để truyền ngọn lửa của sự sống ấy cho con người. Ngoài đời cô giáo Thu Hà vốn là vậy, là cô giáo dạy giỏi ở Trung tâm chất lượng cao của Huyện, học sinh của cô hầu hết đều gọi cô là “Mẹ Hà”, và trong thơ của cô cũng thể hiện như thế:
Em dịu dàng mang tình yêu lên lớp
Giọng ngọt ngào trong câu chữ say mê
Nụ cười trong veo trên môi con trẻ
Hương sắc mùa xuân ấm áp theo về!
Anh yêu đảo, yêu thật nhiều đến thế
Vị mặn mòi trong sóng gió biển khơi
Cánh hải âu thấp thoáng phía chân trời
Biển vẫn hát khúc ca xuân dào dạt!
Em yêu nghề với nỗi niềm khao khát
Lớp học trò như trang giấy tinh khôi
Những mầm non em dâng tặng cho đời
Thấm đượm tình anh trong từng bài giảng!
Như trên đã nói, có nhiều bài thơ của Trần thị Thu Hà xuất sắc, rất đáng biểu dương và cũng có nhiều bài riêng tư mà tôi, một một cựu chiến binh rất thích. Đó là những bài như “Người yêu của bố”:
“Cô nàng mắt ngọc ngày xưa”
Trong câu bố kể như vừa hôm qua
Bao nhiêu kỉ niệm ùa về
Hình nàng không thể nhạt nhòa tháng năm!
Cứ tươi như thể trăng rằm
Mưa bom bão đạn đạp bằng như không
Tóc thưa rụng, sốt rét rừng
Vừa tan cơn sốt vang lừng lời ca…
Nàng như cổ tích không già
Tuổi hai mươi cứ ngọc ngà nét xuân
Quân hàm áo lính hành quân
Nàng không đếm nữa bao lần mùa trăng!
Mẹ – con yêu bố muôn phần
Yêu thương luôn cả lặng thầm sớm trưa
Giá mà có thể đón đưa
Người yêu của bố ngày xưa trở về…
Viết về người lính, thì đây là một tứ thơ, một bài thơ độc đáo, đặc sắc. Không thể là ai khác có thể viết được nếu không có một rung cảm sâu sắc, một tư duy mới lạ, một tấm lòng nhân hậu, nhân văn. Tôi coi đây là một trong những bài thơ viết về người nữ quân nhân Việt Nam, tình yêu người lính rất đặc biệt, như một viên ngọc trong thơ ca về người lính của chúng ta. Nội một bài này thôi, đã đủ xứng đáng tôi viết một bài ngợi ca thơ Trần Thị Thu Hà – Cô giáo trường THCS Tây Đô, Vĩnh Lộc mà tôi mới chỉ được gặp qua 100 bài thơ của chị…
Xin chúc mừng cô giáo – Nhà thơ xứ Thanh. Và đợi chờ tập thơ đầu tay mang tên: “Mây buông dải yếm buộc say nồng nàn” của cô giáo sớm ra đời…
17/7/2021
Hoàng Dự - Triệu Phong
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tản mạn viết

Tản mạn viết Tôi thường rất có cảm hứng viết vào buổi sáng. Cứ sau một ly cà phê, một ấm trà, một đoạn nhạc, có khi là vài trang sách, thì b...