Cây đàn ghi - ta ngày ấy
Nhà
ông ở gần Sông Hồng. Một bức ảnh đen trắng được phong to treo trong phòng khách
làm tôi chú ý.Trong ảnh, các nam nữ đang múa hát. Ông chỉ vào một “cô
gái”
rồi nói “Chúng tôi đóng giả đấy” và sau đó các chuyện về văn công thời kháng
chiến chống Pháp cứ tuôn trào, ngỡ như không thể nào dứt. Ông tên là Doãn Duyên nay đã bước qua
tuổi “Thất thập”. Ông kể:
Năm
1950, tôi là chiến sĩ của Trung đoàn 42, Khu Tả Ngạn, Trung đoàn trưởng là đồng
chí Nguyễn Như Thiết, đơn vị hoạt động trong vùng địch hậu thuộc các Tỉnh: Hải
Dương, Hưng Yên, Thái Bình. Tuy nằm gọn trong thế bao vây của giặc, nhưng Trung
đoàn đã vượt qua mọi thử thách ác liệt, bám đất, bám dân, chống lại những cuộc
càn quét lớn nhỏ, phá tan âm mưu bình định của giặc, phát động chiến tranh, mở
rộng khu căn cứ du kích làm hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
Đơn vị đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng 2 danh hiệu “Trung dũng” và “Luôn luôn trung dũng”.
Đầu
năm 1953, tôi được điều sang tham gia đội văn công Trung đoàn 50. Như vậy bên
văn công Trung đoàn 42 thì anh Trần Minh làm đội trưởng và bên văn công Trung
đoàn 50 anh Hoàng Diệp làm đội trưởng. Do tính chất nhiệm vụ của đơn vị nên đội
văn công chúng tôi cũng phải hoạt động theo phương châm cơ động linh hoạt. Chỉ
có 9 người, toàn là nam giới nên chúng tôi phải kiêm nhiệm trong các môn: ca,
múa, tấu nói, kịch.. Trang bị lại quá thiếu thốn, nghèo nàn. Chúng tôi phải đổi
tiền Đồng Dương gửi sang thị xã Hưng Yên mua và vận động gia đình cho được mấy
cây đàn: Ghi ta, Băng zô, Mangđôlin và kèn Acmonica…
Khi
có tiết mục liên quan đến nữ thì mấy anh người nhỏ bé như anh Diệp, Anh Thư,
anh Nam và tôi đảm nhận. Để có các “Gái giả” ấy dễ nhìn, chúng tôi phải mượn phụ nữ nơi đóng quân mấy
cái thắt lưng quần, mấy cái khăn vuông để đội đầu. May mà anh Trần Minh bên
Trung đoàn 42 cho được mảnh vải dù chiến lợi phẩm màu xanh cắt ra làm được mấy
cái váy. Thế là chúng tôi đóng giả nữ Tây, Tàu, Mường, Mán, trông nó xanh xanh
đỏ đỏ thật vui mắt.
Đêm
ấy tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình chúng tôi biểu diễn phục vụ bộ đội và
nhân dân địa phương mừng chiến thắng trận phục kích đường 39.
Trên
sân đình, không sân khấu, không ánh sáng, âm thanh, nhập nhòa trong ánh sao
đêm. Mở màn là bài đồng ca: “Hát
mừng chiến công”,
tự diễn tự biên sáng tác kịp thời. Tiếp đó là bài “Noi
gương chị Nguyễn Thị Chiên” sáng tác Đỗ Nhuận và sau đó là một loạt những bài trẻ: “Nông
dân là quân chủ lực”
của Lưu Hữu Phước, “Làng tôi” của Văn Cao, “Kể
chuyện du kịch làng Nguyễn”, Tấu nói “Tiễn chồng đi bộ đội”, tự biên của Đoàn Hải và cuối cùng
là điệu múa “Thắm thiết tình Việt -Trung-Xô” tự biên, tự diễn.
Chúng
tôi chẳng có ai hát được đơn ca mà toàn là những ca sĩ “bất
đắc dĩ” của anh lính nông dân chỉ
biết hô: “
Vắt! vắt”! đánh trận theo đường cày. Đệm đàn thì từ đầu bài đến cuối chỉ một
gam “Lỳ Ma zơ” của đàn Ghi ta còn các đàn khác thì cứ tự do, mạnh ai
người ấy đánh. Vì không có âm thanh nên tốt nhất là cứ hát đồng ca và tốp ca
cho có vẻ “hoành tráng”.
Ấy
thế mà múa lại được khán giả quan tâm nhất. Phải vừa hát vừa múa mệt thở hơi
tai, mấy anh bộ đội cứ nhấp nha nhấp nhổm như muốn nhảy ra khi các cô “gái
giả”
đến gần. Các mẹ, các chị cứ khen lấy khen để: “Đẹp
quá, giống quá”.
Mấy anh “gái giả” được thể lại cố nhún nhảy uốn éo cho có vẻ “Liễu
yếu đào tơ”.
Chúng
tôi diễn xong chẳng có hoa tươi, chẳng có tràng pháo tay cổ vũ mà chỉ có những
ánh mắt nụ cười hân hoan, vẫy tay trìu mến. Vì nếu mà ầm ĩ, lộ ra là bị địch bắn ngay và cho quân càn quét.
Cuối
năm 1953, tiết trời mùa đông giá lạnh, mới 6,7 giờ tối mà trời đã tối đen như
mực. Thỉnh thoảng pháo sáng lại nhoà lên sáng cả một góc trời. Mặc pháo của
địch bắn cầm canh, chúng tôi chui vào ổ rơm nằm ngập phủ kín gần hết người mà
vẫn thấy rét. Anh Diệp vội rút từ ba lô ra mấy cái váy vải dù “phục
trang nữ”
tung ra đắp, cứ ba anh một cái lúc đó mới tạm ấm chỗ. Bỗng có ánh đèn pin lấp
loé. Tiếng chân vội vã chạy xộc vào nhà “Dậy!...Dậy!....
cấp tốc hành quân”.
Chúng tôi vội vã thu dọn hành trang ra sân chờ lệnh.
Trời
lất phất mưa phùn. Ra khỏi làng, mưa càng nặng hạt, mảnh ni lông bằng nửa cái
chiếu không sao che kín người. Chỉ thương và lo cho cây đàn ghi ta. Người tôi
thì bé nhỏ đeo cây đàn cứ vướng vào đầu gối càng khó đi. Đành phải úp mặt đàn
vào ngực, phơi lưng ra ngoài, mưa đập vào kêu bùng bục nghe vui tai nhưng thấy
đau lòng.
Nhìn lại mấy anh mang đàn cũng lúng ta lúng túng cố che mưa bảo vệ cây đàn và dò dẫm bước đi. Chúng tôi qua hết làng nọ đến làng kia, lúc bì bõm men bờ ruộng, lúc nhảy cóc qua những con mương. Tiếng đại bác từ thị xã Thái Bình bắn cầm canh vượt qua đầu nghe thật chói óc inh tai. Thỉnh thoảng lại nghe thấy “Oạch”, thằng Thư vồ ếch rồi! Anh Đầm bưng miệng cười khùng khục. “cười cười cái… gì, ướt bố nó đàn rồi”. Anh Thư lóp ngóp đứng dậy buông lời chửi tục.
Nhìn lại mấy anh mang đàn cũng lúng ta lúng túng cố che mưa bảo vệ cây đàn và dò dẫm bước đi. Chúng tôi qua hết làng nọ đến làng kia, lúc bì bõm men bờ ruộng, lúc nhảy cóc qua những con mương. Tiếng đại bác từ thị xã Thái Bình bắn cầm canh vượt qua đầu nghe thật chói óc inh tai. Thỉnh thoảng lại nghe thấy “Oạch”, thằng Thư vồ ếch rồi! Anh Đầm bưng miệng cười khùng khục. “cười cười cái… gì, ướt bố nó đàn rồi”. Anh Thư lóp ngóp đứng dậy buông lời chửi tục.
Đã
tới bờ sông, con đê lù lù như dãy núi chắn ngang. Lệnh vượt sông! Chúng tôi cởi
quần áo qua sông.
Bộ
đội nhanh chóng vượt sông. Đội văn công và mấy anh văn thư chạy vào nhà dân xin
cây chuối làm bè chuyển tài liệu. Tôi đang loay hoay tìm cách sang sông lúng
túng thế nào cây đàn Ghi ta đeo trên vai rơi xuống nước, đàn nổi bồng bềnh như
con thuyền nhỏ. May quá, một sáng kiến loé lên, tôi vội lấy tấm ni lông cuốn
quần áo vào đàn túm lại thành phao bơi. Dặn dò mấy anh mang đàn ngồi lại chờ,
tôi bơi sang trước. Ra đến giữa sông rét buốt thấu xương, chân tay như muốn co
rút lại. Thỉnh thoảng những mảng bèo bồng bềnh trôi đến như muồn dìm tôi xuống,
cái phao không sao nhích lên được. Cố mãi rồi cũng tới được bên sông.
Đã
hơn nửa thế kỷ cây đàn ấy không biết còn hay mất, hay nó ở đâu. Chỉ biết đã đi
vào dĩ vãng để nhường lại cho những cây đàn điện tử hiện đại cùng các đoàn nghệ
thuật trên sân khấu nguy nga tráng lệ.
Những
đồng đội của chúng tôi sau đó, đa số công tác trong các đoàn nghệ thuật quân
đội. Anh Trần Minh sau này là Phó đoàn văn công Công an nhân dân vũ trang, nghệ
sĩ nhân dân. Đại tá Hoàng Diệp là Đoàn trưởng đoàn văn công Công an nhân dân.
Trung tá Trọng Đạt, Đoàn trưởng đoàn văn công Phòng không - Không quân. Tôi thì sau
này về phụ trách công tác văn hoá, văn nghệ X15 Bộ Công An. Chúng tôi nay đều
đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Mỗi khi nhắc đến cây đàn,
tôi lại nhớ về ngày làm lính văn công vất vả nhưng vui và yêu đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét